Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59385 Lượt xem

HỘI CHÚNG TRỐNG RỖNG

 
 
 

T

rưởng lão Mahā Cunda lầm lũi bộ hành bất kể ngày đêm, hơn nửa tháng sau mới đến được Kỳ Viên tịnh xá. Không nghỉ ngơi, ngài tìm gặp tôn giả A Nan Đa, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên:

– Thưa ngài! Tôn giả Xá Lợi Phất, anh trai trưởng của con đã nhập diệt rồi. Ðây là di cốt, đây là bình bát và y tăng-già-lê của ngài.

Tôn giả A Nan Đa lặng ngắt, im sững một hồi lâu rồi thò tay sờ vuông vải lọc, sờ y, sờ bát… miệng nói như một cái máy:

– Vâng, vâng thưa tôn giả! Vâng, thưa tôn giả! Chúng ta sẽ ra mắt… chúng ta hãy cùng ra mắt đức Tôn Sư!

Thế rồi cả hai vị đến đảnh lễ đức Ðạo Sư.

– Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả A Nan Đa lắp bắp – Bạch đức Đạo Sư! Tôn giả Mahā Cunda vừa từ Nālakā đến đây, có thông báo rằng, đại huynh trưởng của tất cả chúng con, là tôn giả Xá Lợi Phất đã nhập Niết Bàn rồi. Và đây là xá-lợi di vật của Con Người Cao Cả ấy!

Nói thế xong, tôn giả A Nan Đa đôi mắt ứa ra hai hàng lệ, nghẹn ngào:

– Khi đệ tử nghe tin ấy, tâm tư đệ tử trở nên bàng hoàng và cơ thể cảm nghe như yếu ớt, suy nhược đi. Mọi vật chung quanh như quay cuồng, mờ nhạt. Và tâm trí của đệ tử như rơi vào trạng thái mơ hồ, mông lung, không còn phân biệt cái gì ra cái gì nữa cả. Ôi! Ðệ tử rất đau đớn!

Ðức Phật biết tâm tư của người đệ tử giàu xúc cảm, ngài cất giọng từ hòa:

– Này A Nan Đa! Sao ông lại nói như vậy? Xá Lợi Phất nhập diệt có lấy đi của ông phần nào giới hoặc định hay không? Hay Xá Lợi Phất đã mang đi tất cả trí tuệ và giải thoát của ông mất rồi?

– Anh Cả của đệ tử không lấy đi cái gì cả

 Tôn giả A Nan Đa sụt sùi nói:

– Nhưng Người là cố vấn trí tuệ cho đệ tử, đã giảng giải Pháp Bảo cho đệ tử một cách trọn vẹn, rõ ràng và chân thực. Người đã dẫn dắt hàng ngàn tỳ-khưu vào thánh đạo. Đã hào sảng rộng tay mở toang cánh cửa trời người cho hằng vạn chúng sanh. Những huấn pháp, dụ pháp của tôn giả ấy linh động, ngát ngào, mát mẻ, ấm cúng và thâm diệu dường bao! Ôi! Vĩnh viễn đệ tử sẽ không còn nghe được những thời pháp đậm đà, sâu sắc và thắm thiết kia nữa!

Ðức Phật lại phải an ủi, dạy bảo:

– Này A Nan Đa! Ðừng sầu thương thái quá! Như Lai biết rõ tình cảm của ông đối với Xá Lợi Phất, nên trong buổi tiễn đưa, Như Lai đã cố ý không cho ông gặp mặt là vì vậy.

Tất cả mọi pháp hữu vi nó sinh diệt hoại thành ra sao ông đã biết rồi. Tất cả mọi cái gọi là yêu thích, yêu mến, luyến thương… chúng tạo ra ràng buộc, đau khổ như thế nào ông cũng biết rồi. Và ông còn thuyết pháp rất hay về điều đó nữa là khác. Như Lai chỉ nhắc nhở ông một điều thôi: “Hãy tự tạo cho mình một hòn đảo để nương tựa, một hòn đảo không sinh diệt, Bất Tử, một hòn đảo thoát ra ngoài mọi định luật vô thường, một hòn đảo ở trên mọi trạng thái và các điều kiện”. Ông là bậc bác học, đa văn, quảng tuệ, Như Lai nói ít nhưng ông hiểu nhiều!

Tôn giả A Nan Đa cúi đầu ghi nhận nhưng dòng sóng cảm xúc trong tâm tư vẫn cứ tuôn trào.

Thấy vậy, đức Phật đưa tôn giả A Nan Đa vào công việc:

– Hãy tụ tập tất cả Tăng chúng trong Kỳ Viên tịnh xá đến ngay Ðại Giảng Ðường để Như Lai nói thêm về Người Anh Cả của họ.

 

Ðức Thế Tôn ngồi lên pháp tòa, phóng hào quang sáu màu trộn lẫn từng đôi một, duỗi thẳng cánh tay nhận vuông vải lọc đựng di cốt của tôn giả Xá Lợi Phất, đưa lên cao rồi đặt vào lòng tay trái, nhìn hội chúng chư tăng đầy cả Ðại Giảng Ðường rồi ngài nói:

– Này các thầy tỳ-khưu! Ðây là di cốt có màu sắc sáng trắng như ngọc trai của một vị tỳ-khưu có phẩm hạnh trinh bạch tựa vỏ ốc. Ðấy là Anh Cả của các ngươi! Ông ấy đã nhập diệt rồi. Và đây là Y, Bát còn lại!

Ðức Thế Tôn đưa tay chỉ Y, Bát nằm bên cạnh Pháp tòa, mở lời tán dương công đức:

“- Này các thầy tỳ-khưu! Xá Lợi Phất đã tu tập rất lâu, kể từ khi phát nguyện dưới chân đức Phật Anomadassi đến nay với thời gian không thể tính được. Ông ta đã tích lũy ba-la-mật như cát của con sông Ðại Hằng, như lá cây trên đại ngàn Hy Mã Lạp sơn! Quả vị mà ông ta đạt được rất gần với Như Lai. Là một tỳ-khưu xứng đáng được tứ chúng tôn trọng và ngưỡng mộ, vinh hạnh cho thế gian chiêm bái, phụng thờ! Trí Tuệ của ông ta không ai bì kịp. Trí Tuệ ấy sáng suốt, quảng bác, rực chói như hàng triệu ngôi sao tụ lại. Ông ấy là một người sống đời biết đủ, ít ham muốn, điềm đạm, không dính bụi trần, ưa tĩnh cư, ưa tạo sự hòa hợp giữa Tăng chúng, không mệt mỏi trong Phật sự, không chán nản trong việc giáo huấn môn đồ, cư sĩ đệ tử. Là người bạn khả kính, khả ái của mọi người. Là một thiện trí thức vĩ đại!

Nầy các thầy tỳ-khưu! Từ bỏ một gia sản và hiện kim không thua gì gia sản và hiện kim của trưởng giả Cấp Cô Ðộc; Xá Lợi Phất đã nhẹ nhàng ra đi như một cánh chim trời tự do để sống đời sa-môn vô sản bần hàn, quyết tầm cầu đạo quả tối thượng chưa có trên trần gian này!

Các thầy có biết không? Trải qua vô lượng kiếp huân tu và tích lũy công hạnh, ông ấy là người luôn luôn thân cận với Như Lai; khi là thân phụ, khi là nội tổ, là chú, là bác, anh em, con cái, cháu chắt hoặc bạn của Như Lai. Ông ấy kiên định như đá tảng, khiêm nhu tựa lụa mềm, kham nhẫn giống đại địa, tĩnh lặng tợ bể sâu! Ông ấy sống đời vô hại và hữu ích cho mọi người. Với bè bạn, người thân, môn đệ, ông như con linh ngưu chúa đàn với đôi sừng bằng sắt sẵn sàng bảo vệ và ngăn chặn kẻ ác, điều ác, việc ác không cho đến gần mọi người. Ông ấy đã từng tự ví mình như đất, nước, lửa, gió, như miếng giẻ chùi chân, như chén mỡ đặc, như một người Chiên-đà-la tôi tớ, nô lệ, thấp kém, thấp hèn nhất trong xã hội; thế nhưng ông ta lại là một Con Người Cao Cả, Vĩ Đại Nhất trên đời này!”

Ðức Phật một lượt nữa lại đưa di cốt lên:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Ðây là xá-lợi của vị tỳ-khưu ấy, có sắc trong sáng, trắng sáng như ngọc trai, là vị thánh tăng duy nhất khi ra đi có cuộc tiễn đưa vĩ đại, quả đất phải rung động và sấm gióng đầy uy vũ giữa trời cao!

Trong trăm trăm ngàn ngàn kiếp qua, ông ta đã biết bao lần bức xiềng đời sống ngục tù, ràng buộc của gia đình. Ðã biết bao lần ông ta đã khẳng khái chối bỏ ngọc vàng, tước lộc, thê nhi vì lý tưởng vô thượng của đời mình. Vị tỳ-khưu ấy giờ đây mãi mãi được chư thiên, phạm thiên, nhân loại cung kính, phụng thờ. Các thầy hãy bước theo gót chân của Xá Lợi Phất. Một gót chân mà dù ở giữa đô thị hay giữa rừng sâu cũng không làm hại đến một chúng hữu tình, một chúng vô tình; gót chân in dấu sự tịch lặng và vô nhiễm đến muôn đời!

Xá Lợi Phất là người chiến thắng vĩ đại! Một vị tỳ-khưu phẩm hạnh trong trắng như vỏ ốc, thanh sạch như pha ly châu! Ông ta là người xứng đáng nhất để xây dựng một bảo tháp để chư thiên, phạm thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng, dâng đèn hoa, trầm hương để tôn kính, thờ phụng  đến ngàn sau”.

Sau khi xá-lợi, y, bát của tôn giả Xá Lợi Phất được chính đức Thế Tôn ca ngợi như vậy, tán thán như vậy; hai hàng cận sự nam nữ, vua chúa, đại thần, phú hộ, dân chúng quanh thành Xá Vệ hùn góp tiền bạc, của cải, công sức; nhanh chóng kiến tạo một bảo tháp quý trọng để tôn trí xá-lợi, y bát của ngài trên một ngọn đồi cao, sâu trong rừng cây của hoàng tử Kỳ Đà.

Ðến ngày, tứ chúng tổ chức một cuộc rước xá-lợi, y, bát trang nghiêm và trọng thể. Ðức Thế Tôn đi trước với kiệu, với lọng và tràng hoa; sau là hội chúng tăng, ni cùng cận sự nam nữ cả hàng ngàn người. Xúc động nhất là tôn giả A Nan Đa, bị bỏ lại đằng sau xa, khóc lóc, than thở với nước mắt dầm dề, như người vô hồn, lặp đi lặp lại mãi:

– “ Ôi! Người bạn cao thượng của tôi đã đi rồi thì đối với tôi, cuộc đời này sẽ chìm sâu trong đêm đen lạnh lẽo”.

Tôn trí y, bát, xá-lợi của tôn giả Xá Lợi Phất trên bảo tháp xong, đức Phật bảo tôn giả A Nan Đa:

– Thấy di vật, ông lại tưởng nhớ đến ông Anh Cả! Vậy hãy tập hợp chư tăng, hãy cùng với Như Lai về Vương Xá. Như Lai cũng không muốn ở lại đây nữa!

Ngay ngày hôm sau, là một cuộc lên đường vĩ đại từ Xá Vệ, nước Kosala, không đi theo lộ trình thương mại qua Kapilavatthu, Koliyā… mà đâm dọc xuống phía Nam, đến Ba La Nại; sau đó dọc theo sông Hằng một quãng, qua vườn Lộc giả, dãy núi Gayā, Bodhi-gayā… rồi mới đi ngược lên thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà. Ròng rã ngày đi, đêm nghỉ, đức Phật lúc ấy đã quá già yếu nhưng ngài vẫn chậm rãi, kiên trì, dẻo dai trên đường trường. Vì bộ hành với hội chúng quá đông nên hơn hai tháng sau mới về đến Trúc Lâm tịnh xá.

Tôn giả A Nan Đa chợt báo tin:

– Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Ðại Mục-liền-liên cũng đã nhập diệt rồi.

– Ừ, Như Lai đã biết!

Thấy A Nan Đa ngẩn ngơ như người mất hồn, Đức Phật lại phải ân cần nói:

– Tại Kỳ Viên tịnh xá, khi đang xây bảo tháp cho Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên đã có đến đảnh lễ và xin phép Như Lai rồi.

– Vậy thì y, bát, xá-lợi của tôn giả ấy, hiện ở đâu?

– Ðã có ông Đại Ca Diếp lo làm việc ấy.

Lát sau, tôn giả Ðại Ca Diếp mang vuông vải lọc đựng di cốt, y và bát của tôn giả Ðại Mục Kiền Liên đến đảnh lễ bên chân Phật.

Tôn giả Ðại Ca Diếp giải thích cho tôn giả A Nan Đa nghe:

– Tôn giả Mục Kiền Liên biết mình bị tội báo rất nặng, dư nghiệp quá khứ vẫn còn. Tôn giả đã dùng thần thông để tránh bọn giết người, nhưng sau đó ngài nghĩ rằng không nên trốn tránh nghiệp. Vậy là tôn giả cứ ngồi yên cho kẻ thù đâm, chém, chặt ra từng khúc rồi quăng vào bụi tre. Khi bọn giết người đi rồi, tôn giả hóa hiện thần thông, hoàn thân lại như cũ, bay về Kỳ Viên tịnh xá và xin đức Thế Tôn để Niết Bàn!

– Này đại tôn giả! Tôn giả A Nan Đa nghe mình lạnh buốt sống lưng – Tôn giả Mục Kiền Liên gây nhân gì mà quả báo khủng khiếp vậy?

– Trong một kiếp quá khứ rất lâu xưa – Đại Ca Diếp bèn kể nguyên do của nghiệp – Mục Kiền Liên là một chàng thanh niên, đến tuổi lập gia đình, lại gặp một người vợ không được tốt. Họ phải nuôi một bà mẹ già mù lòa. Người vợ này ghét mẹ chồng nên tìm cách dựng đứng, ngụy tạo những tính xấu của mẹ cho có đầu có đuôi, có nhân có quả rõ ràng rồi khóc lóc, kể lể cho chồng nghe. Ngày này qua ngày nọ, tháng này sang tháng kia, như nước mưa lâu cũng thấm đất, người thanh niên kia không kiểm tra sự việc, đã vội vàng tin theo vợ rồi cũng đâm ra ghét cay ghét đắng mẹ mình! Hôm kia, họ bàn nhau, làm một chiếc xe đẩy, bỏ một ít lương thực lên đấy, giả vờ về thăm quê vợ. Khi vào rừng sâu, cả hai vợ chồng giả lấy đao kiếm khua lên rồi la í ới: “ Cướp cướp… mẹ ơi, chúng con gặp lũ cướp giết người rồi!” Người mẹ, không nghĩ đến thân phận mù lòa của mình, thương các con, la lên đến khản giọng: “Các con chạy đi, các con chạy đi, mẹ già rồi, mẹ không sợ chết đâu. Các con chạy thoát lấy thân đi!”

Kể đến ngay đấy, ngài Đại Ca Diếp thở dài – Thế đấy, vậy là người mẹ già mù lòa tội nghiệp, với chút ít lương thực trên xe, đã chết khô, chết héo trong rừng sâu. Chàng thanh niên nọ, là Đại Mục Kiền Liên của chúng ta bây giờ, bị quả báo địa ngục đao kiếm, địa ngục đồng sôi, bị đâm, bị chém, bị thiêu bị nấu cả hằng triệu năm như thế! Hiện tại, dẫu là một bậc thượng thủ A La Hán, đệ nhất đại thần thông, nhưng dư nghiệp tội báo chút ít còn sót lại, nó vẫn đến đòi quả như thường!

Tôn giả A Nan Đa đăm chiêu đến xuất thần, nghĩ đến cái dòng nhân quả trả vay trong cõi sinh tử luân hồi mà ngao ngán… Tất cả, gẫm lại đều do tham lam, sân hận, si mê mà ra cả!

 

Buổi chiều, đức Thế Tôn cho gọi tôn giả A Nan Đa thông báo triệu tập chư vị thánh tăng trưởng lão, ngài dạy:

– Chư vị nên bố cáo rộng rãi chuyện này đến với các hội chúng tăng, ni nơi này và nơi khác; đến cho hai hàng cư sĩ áo trắng trong hàng vua chúa, tướng lãnh, đại phú gia, thương gia cùng các giới khác. Ân đức của vị đệ nhị đại đệ tử cũng cần phải được ca ngợi, tán dương; là ngôi sao sáng cho tứ chúng hướng về! Đại Mục Kiền Liên là một Xá Lợi Phất thứ hai, muôn triệu năm mới tượng hình được một nhân cách kỳ vĩ như thế. Chỉ có oai lực Đại Mục Kiền Liên mới có khả năng nhiếp hóa được những chúa rồng, chúa quỷ, chúa ma hung dữ nhất! Chỉ có Đại Mục Kiền Liên, chỉ ấn một ngón chân mà làm cho Đế Thích phải sợ hãi, không dám sống đời dễ duôi, phóng dật nữa! Chỉ có Đại Mục-Kiền Liên mới dám xin Như Lai cho ông ta bóc vỏ quả đất, lật ngược nó lên cho ruộng đồng nhân gian thêm màu mỡ!

Này, chư vị trưởng lão! Các vị trưởng lão uy tín của giáo hội phải giáo chư tăng Ni, cận sự nam nữ hai hàng những điều Như Lai vừa nói. Hai vị đại đệ tử, hai ngôi sao sáng của giáo hội cần phải có hai bảo tháp tương đương, cần phải tổ chức lễ lược như nhau, có Như Lai đi đầu và đích thân Như Lai sẽ tôn trí y, bát, xá-lợi của Đại Mục Kiền Liên lên bảo tháp.

  Thôi, các vị hãy đi đi. Vị nào sức khỏe còn tốt thì hãy bắt tay lo tất cả việc hậu sự thay mặt Như Lai. Hãy bố cáo rộng rãi việc xây dựng bảo tháp. Hiện tại, Như Lai khá mệt. Như Lai muốn cho cái thân tâm già yếu này ngơi nghỉ một thời gian. Ðừng cho ai quấy rầy Như Lai! A Nan Đa hãy ghi nhớ đấy nhé!

Thế là đức Thế Tôn đóng hương phòng, an trú vào diệt thọ tưởng định là chỗ tĩnh cư của bậc thánh. Khi xuất định thì bảo tháp đã xây xong, sâu trong Rừng Trúc, chỗ cao ráo, thoáng đãng và đẹp đẽ nhất. Cuộc rước y, bát, xá-lợi của tôn giả Đại Mục Kiền Liên cũng rất trọng thể và huy hoàng. Ðức Thế Tôn tự tay đặt di cốt của người học trò yêu quý thứ hai của mình lên bảo tháp.

Công việc xong xuôi, đức Thế Tôn lại rời Trúc Lâm tịnh xá cùng với tăng chúng lên đường. Ngài lại đi ngược phía Bắc, qua bờ bên kia sông Hằng, đến xứ Vajji, tại Ukkacala. Ở đây, tại một bãi cỏ trống, với đại chúng vây quanh, đức Thế Tôn nhìn ra sông Hằng sóng vỗ cuồn cuộn, rồi nói:

– Này các thầy tỳ-khưu! Các thầy có thấy không? Sông Ðại Hằng nước lũ cuồn cuộn, nó sẽ cuốn theo trong lòng mình bao nhiêu rác bèo, đất cát về với biển cả. Giòng sông Sinh Tử cũng vậy, nó cuốn đi tất thảy chúng hữu tình, dẫu là chư thiên, phạm vương, ma quân hay vua chúa, chúng sanh vạn loài. Giờ đây nó đã cuốn đi hai vị đại đệ tử ưu tú của Như Lai!

Các ông có biết không? Các bậc Thế Tôn, các đấng Toàn Giác từ ngàn xưa, ai cũng có hai ngôi sao xuất chúng bên cạnh mình, và bao giờ họ cũng ra đi trước đấng Ðạo Sư. Hai vị đại đệ tử ấy bao giờ cũng được tứ chúng kính yêu, nể phục do trí tuệ, do phẩm chất, do công hạnh cùng phước báu ba-la-mật của họ. Hai vị đại đệ tử ấy là những người hoàn toàn về mọi phương diện. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai nhân cách ưu việt khó tìm thấy trên thế gian này hay thế gian khác. Không những các ông thương tiếc mà Như Lai cũng thương tiếc. Nhưng Như Lai và một số trong các ông đã thấy rõ, đã an trú vững chắc vào Tâm Bất Ðộng, vào Tuệ Bất Ðộng khi nhìn ngắm các pháp hữu vi vốn chịu tác động bởi những định luật tất yếu. Nhờ thế mới nói đến giải thoát, nhờ thế mới nói đến chấm dứt Tử Sinh.

  Này các thầy tỳ-khưu! Các ông hãy nỗ lực tinh cần, kiên định không mệt mỏi để bước lên Con Ðường. Người bước lên trước dẫn người bước lên sau, phải lên đến đỉnh đồi cao Bất Tử ấy để ca bài ca Chiến Thắng và Tự Do!

Ðưa mắt lặng lẽ nhìn đại chúng, đức Thế Tôn nói thầm trong tâm rằng:

– “Khi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi rồi thì đối với Như Lai, hội chúng này hoàn toàn trống rỗng!”

 

Khởi viết từ năm 1980
Hoàn thành năm 1995