Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58682 Lượt xem

ĐẠI HỘI BÀ-LA-MÔN

 

H

ôm ấy, Upatissa và Kolita được mời đi dự đại hội bà-la-môn ở thành Vương Xá. Lần đầu tiên đôi mắt họ được mở rộng trước quang cảnh đông vui tấp nập, xe cộ và mọi người.

Thành Vương Xá (Rājagaha), kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Māgadha) là một xứ sở hoa lệ, thịnh vượng thuộc loại nhất nhì của xứ Ấn Ðộ khả dĩ so sánh với kinh thành Xá Vệ (Sāvatthi) của nước Kosala. Nơi đây là điểm giao lưu thương mại, kinh tế và văn hóa của các nền văn minh cũ Indus với các tiểu quốc miền Ðông và miền Nam. Nhà cửa, dinh thự cao sang và cổ kính. Những con đường lớn thẳng tắp, những hoa viên sầm uất, tươi xanh; những tượng đài uy nghi, những giảng đường công cộng mênh mông, những hí trường lộ thiên bao la, ngựa xe lui tới như mắc cửi.

Ðây cũng là kinh đô của tâm linh tôn giáo. Tất cả các giáo phái truyền thống bà-la-môn đã suy tàn ở miền Bắc bây giờ về lập căn cứ địa truyền giáo ở đây. Họ có sáu tông phái chính, chấp nhận mặc khải Vệ Đà, truyền thống tập cấp và quyền uy của thánh kinh. Tuy thế, có một vài phái trong đó lại phủ nhận Thượng Ðế và họ tự tiện giải thích thánh kinh ra sao tùy ý. Bên cạnh sáu phái truyền thống đó, ở thành Vương Xá cũng quy tụ hàng chục giáo phái khác gọi là phản truyền thống vì họ không chấp nhận Thượng Ðế của bà-la-môn, bác bỏ mặc khải Vệ Đà và quyền uy của thánh kinh!

Có những nhà hiền triết phản truyền thống “cực kỳ phản động”! Họ đã so sánh hàng giáo phẩm chính thống bà-la-môn, tức là giai cấp tu sĩ bà-la-môn, đứng đầu bốn tập cấp và muốn lãnh đạo tinh thần xã hội với một đoàn chó, con nọ cắn đuôi con kia thành một hàng dài rồi kính cẩn sủa lên: “Phải, chúng tôi muốn ăn! Phải, chúng tôi muốn uống!”(1)

Có vị giáo chủ lập nên một tông phái mà nói rằng: “Không, không có gì cả! Không có thần linh, không có quỷ sứ, không có ma vương, không có thiên đường, không có địa ngục, không có luân hồi tử sanh và cũng không có luôn cả vũ trụ! Các kinh điển Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư chỉ là tác phẩm của bọn điên khùng, dối trá và tự cao tự đại! Rằng, các ý tưởng đều tối tăm và hão huyền. Rằng, các danh từ, chữ nghĩa đều rỗng không và láo khoét. Rằng, dân chúng bị các lời đẹp đẽ, phù chú mê hoặc mà thờ các vị thần; đến lễ lạy, cúng kiến ở các ngôi đền, tuân lời các tu sĩ ngu dốt, thất học và hèn hạ đã dám rêu rao tự xưng là thánh đức. Ôi! Vị thần Vishnū các thượng đẳng thần, bọn đầu trâu mặt ngựa tu sĩ và các con chó ăn phân, con dòi trong hầm xí cũng y hệt nhau mà thôi!”

Có vị giáo chủ lại truyền bá thuyết này: “Này, này, hãy lại đây! Ðừng tin bọn thầy bà-la-môn xảo quyệt! Hãy lại đây bần đạo chỉ cho cách làm cho ‘Cái Ta’ được sung sướng! Ở trên cõi trần này, cứ tự do mà hưởng thụ thân xác, vật chất. Kẻ nào mà nghe lời bần đạo, chỉ trông cậy vào chính mình thôi, thọ hưởng hạnh phúc ở cõi đời này thì sẽ được hưởng hạnh phúc ở cõi bên kia nữa. Hai đằng đều hạnh phúc, hai đằng đều có lợi!”

Có giáo phái lại hoàn toàn phủ nhận các giá trị tinh thần và bảo: “Linh hồn là tên nô lệ tiêu cực của ngẫu nhiên!”

Gosala, một giáo chủ, lại phán một cách xanh rờn: “Kẻ thiện hay người ác đều phải bị chịu chung bởi số mạng, bởi định mạng hết. Các ngươi đừng ngu si, tưởng làm thiện là được phúc, làm ác là chịu tội. ‘Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo’ là câu nói của bọn điên khùng!”

Có vị giáo chủ thì điềm nhiên, rung đùi, vuốt râu mà phán: “Các giáo phái chủ, giáo phái sư, đạo sư, chân sư đều là bọn ngu si, dốt nát, lòe bịp mọi người. Con người có là cái gì đâu! Con người chỉ gồm có đất, nước, lửa, gió! Kẻ ngu ngốc, bọn hèn hạ cũng như thánh nhân, hiền triết, khi chết rồi thì thây rã thành cát bụi, tiêu hủy hết trơn hết trọi, còn gì nữa đâu! Mà nói láo! Mà đoán mò!”

Bên cạnh các vị có vẻ “thánh đức trầm tư Brāhman” có vô số nhân vật miệt thị các tu sĩ, hoài nghi về các thần linh, và thản nhiên nhận mình là: “Hư vô chủ nghĩa”. Sañjaya, một triết gia phản truyền thống có danh vọng và uy tín lớn thì theo thuyết “bất khả tri”; không chấp nhận, cũng không phủ nhận chết rồi linh hồn còn hay mất. Ông ta cho rằng, con người không thể biết được gì cả, hãy nên đi tìm sự an ổn mà thôi!

Ngoài ra, còn cả một giới ngụy biện lang thang được gọi là lữ hành hay du sĩ hành cước. Họ gồm đủ mọi hình thức kỳ dị nhất của xứ Ấn Ðộ. Họ du hành từ làng mạc này sang hương thôn khác, thị thành nọ đến phố phường kia để tìm tín đồ hoặc đấu khẩu, luận tranh, luận kháng với những ai chống lại họ!

Có vài nhà dạy thuật luận lý cho mọi người để chứng minh, giải thích bất cứ một câu hỏi mắc mỏ nào. Xuôi ngược gì họ cũng đều ngụy biện được.

Có vài nhà lý giải, phân chia manh mún một câu, một chữ, một hạt vi trần, không biết để làm gì nhưng rõ ràng là được khá nhiều người vỗ tay tán thưởng!

Họ thật xứng đáng với những danh hiệu: “Bọn bắn chẻ sợi tóc làm tư, làm bảy”; hoặc: “Loại lươn, loại trạch trơn tuột, nắm đằng này nó lẩn đằng kia!”

Có nhà lại phùng mang trợn mắt cố gắng chứng minh rằng: “Không có Thượng Ðế và đạo đức thật là vô tích sự!”

Ở kinh thành Vương Xá có khoảng chừng sáu mươi hai giáo phái và tông phái như vậy. Dân chúng bu lại nghe họ thuyết giảng, tranh luận. Các giới thương gia giàu có, các quan đại thần mê chuộng triết học lại cho xây cất những căn nhà hội, nhà giảng rất rộng, rải rác đó đây trong kinh thành làm chỗ hội họp; và để cho các biện sĩ, du sĩ, triết gia, nhà tư tưởng trổ tài hùng biện. Các đức vua cũng khoái trò này, đích thân đến nghe, sau đó, thú vị tặng thưởng cho những triết gia thắng trong các cuộc đấu khẩu đó. Ðôi khi phần thưởng lên đến một ngàn con bò cái và hàng ngàn đồng tiền vàng. Các ông hoàng, bà chúa cũng tham dự vào các trò chơi này rồi trở thành những người bảo trợ cho một nhóm, một phái nào đấy.

Các triết gia, nhà hùng biện của một tông phái sẵn sàng bước lên các hội trường “căn cứ địa” của đối phương để tranh luận, vấn nạn nhau.

Có triết gia danh tiếng như Shandara bỏ già nửa đời người chu du thiên hạ mà biện thuyết để đả phá những tư tưởng khác chủ kiến của mình. Môn đệ của họ rất đông. Và dân chúng thì sẵn sàng dâng cúng đủ mọi thứ vật thực, nhu cầu, phương tiện miễn cứ tu sĩ là được. Sa-môn, bà-la-môn, đạo sĩ, du sĩ, du thủ, du thực gì cũng được ráo! Họ thích thú cổ võ, ủng hộ vô điều kiện.

“- A! Ðúng là có một cái thời thật lạ lùng! Ðúng là trăm hoa đua nở bên cái dòng tư tưởng tự do chảy tràn lan” (2)

Upatissa và Kolita thật là ngỡ ngàng và kinh khiếp trong những ngày du ngoạn đây đó ở thành phố. Cả hai đều hoang mang. Và điều họ thấy rõ ràng nhất là “giáo lý truyền thống bà-la-môn đã bị lung lay tận gốc rễ”. Nhan nhản khắp kinh thành Vương Xá đầy dẫy bọn hoài nghi, bọn theo thuyết hư vô, bọn ngụy biện, bọn vô thần, bọn duy vật.

Nổi bật nhất mà hai chàng phải lưu ý là hai triết gia danh tiếng là Charvaka và Mahāvira. Có thể gọi họ là hai triết gia cực kỳ phản động mà giáo chúng lại rất đông. Sự có mặt riêng của Charvaka thôi cũng đã làm giảm uy thế của bà-la-môn và tạo một cơn lốc xoáy vào trật tự xã hội Ấn Ðộ. Và đến khi Mahāvira xiễn dương giáo lý, ông ta ở tập cấp chiến sĩ, thuộc bộ lạc Licchavi thì đã thật sự đảo lộn uy quyền đến tận nền móng: Đứng đầu tập cấp Vương Xá thành bây giờ không còn là bà-la-môn nữa mà là giai cấp chiến sĩ.

Trước tình trạng đó, Upatissa và Kolita càng xác tín thêm một sự thật đau lòng mà hai chàng đã có sẵn trong ý nghĩ: “Chân lý, cái sự thật ngàn đời không còn là độc quyền thao túng trong tay của giới tu sĩ Bà-la-môn nữa”. Tuy nhiên, hai chàng vẫn còn tin một điều, dầu là niềm tin lắt lay của một ngọn đèn sắp vụt tắt, là: “Ở trên cái bề mặt huyên náo của đại dương, sự xôn xao của sóng gió, các tư tưởng đối lập, mâu thuẫn, hỗn loạn vẫn tiềm tàng hiện hữu một chiều sâu yên lặng, vô danh và bất động…”

Họ nhìn nhau thở dài. Phải thật sự lặn xuống đáy đại dương, lặn sâu vào vùng thâm mặc của kinh điển Vệ Đà. Hai chàng phải ra đi, phải tìm kiếm, phải tra vấn, phải học hỏi và phải thực hành cho đến nơi, đến chốn. Niềm tin ngàn đời không thể một sớm một chiều để cho nó tắt phụt!

Ðại hội bà-la-môn diễn ra trong một cung đền nguy nga đồ sộ. Bà-la-môn giáo biết địa vị của mình đã bị lung lay trong xã hội nên cốt ý tổ chức một buổi lễ to lớn để biểu dương sức mạnh của tập cấp cùng lực lượng giáo đồ và quần chúng. Bởi vậy, hầu như các đại biểu, tín đồ bà-la-môn khắp các tiểu quốc, thành phố, thị trấn đều tới tham dự. Các bà-la-môn trưởng giáo ở các thôn làng xa xôi đều có đại biểu và đồ chúng trẩy hội.

Những căn nhà vải to lớn đủ mọi sắc màu rực rỡ được dựng lên, có đủ chỗ ngồi cho hàng vạn người. Hàng trăm căn nhà nghỉ, nhà trọ, quán xá chiếm cả mấy khu rừng. Hàng trăm chiếc xe hai ngựa, bốn ngựa, xe lừa, xe trâu rộn ràng đến từ khắp nơi trong xứ. Hàng trăm đoàn bà-la-môn cùng với đồ chúng đến như nước chảy. Các thương gia, đại thương gia, đại gia chủ, cự phú, đại cự phú tung tiền bạc cho cuộc lễ chi phí có đến hàng triệu đồng tiền vàng. Những núi lương thực, thực phẩm, hàng chục ngàn gia súc, từng đàn, từng đàn tung bụi kéo đi để mà làm lễ hy sinh trong cuộc đại tế. Hàng ngàn gia nô, nô lệ phục dịch đó đây…

Vua Bình Sa (Bimbisāra) trích của công, ủng hộ cho cuộc lễ để lấy lòng các giáo chủ và đồ chúng. Ban đêm sáng rực như ban ngày. Trầm hương, nhang đèn nghi ngút. Tiếng “aum, aum” vang tận mây xanh, lan xa đến mấy do-tuần. Người ta ăn uống, tung hoa, rải nước, cầu nguyện, cúng tế, đọc kinh và đọc những câu thần chú thiêng liêng mà tai và trí phàm chỉ có nghe mà không thể hiểu được. Ðêm xuống, người ta tổ chức múa hát, diễn trò trước sân khấu lộ thiên mênh mông. Tuồng hát, vũ đạo, hí khúc đều được rút ra từ kinh điển Vệ Đà hoặc các “Anh hùng trường ca” mà hai chàng đều đã được tham dự nhiều lần. Âm nhạc cũng vậy, nhưng ở đây được tổ chức vĩ đại và huy hoàng hơn.

Hai chàng đã thật sự choáng ngợp khi khúc hòa tấu ca tụng thần linh trỗi lên. Các nghệ nhân ăn mặc kỳ dị, diêm dúa, tóc tai rối bù, mặt mày kỳ cục, trang điểm lòe loẹt, hóa trang thành âm binh quỷ sứ hoặc các ca nhân của cõi trời. Họ sử dụng các loại trống đủ hình, đủ cỡ; những ống sáo, ống tiêu trang trí hoa văn tỉ mỉ; những chiếc kèn hình rắn, hình trăn uốn khúc. Nhạc khí chạm trổ tinh vi, nhẫn ngọc thạch, kim cương, khảm xà cừ, khảm ngà, khảm bạc lấp la lấp lánh muôn màu muôn sắc. Họ vỗ bằng hai tay, bằng ngón tay, bằng đầu ngón tay vào chiếc trống Mridanga, đàn Tanbura. Hàng chục cây đàn Vīṇa (3) mà dây đàn căng trên một tấm kim loại mỏng và quý, một đầu cột vào một chiếc trống bằng gỗ, mặt bằng da cừu, đầu kia cột vào một quả bầu dùng làm thùng đàn.

Từ nơi đống người kỳ cục và nhạc cụ kỳ dị ấy, một thứ âm thanh pha trộn và phức tạp nổi lên. Âm thanh này kế tục âm thanh kia, kéo dài liên miên bất tận. Không có “hài âm” mà cũng chẳng có luật “hòa âm”. Nhạc công tha hồ tự do biến điệu, và tùy theo mỗi tình cảm, cảm hứng, ý nghĩa mà các “raga” thay đổi, vi âm thay đổi.

Các bậc nhạc sư nói rằng, các “raga” đều có tính cách thiêng liêng, huyền bí tương truyền do thần Shīva quy định, nhạc công mà khinh xuất, không tôn trọng các hình thức “raga” thì sẽ bị thần Vishnū đày xuống địa ngục.

Khi vùng âm thanh lan tỏa, ban đầu có vẻ rời rạc, đơn điệu nhưng sau đó, chuyển thành một dòng thác, một sức mạnh như thôi miên người nghe. Như một cơn lốc, nó cuốn hút vào trung tâm của nó mọi âm ba huyên náo ở chung quanh. Nó đi từ cái hữu hạn, đơn độc sau dần tới phức tạp, vô cùng. Rõ ràng, nhạc lý này mang sẵn tư tưởng Vệ Đà , là trở về cái vô cùng của Ðại Ngã. Do vậy, những âm điệu, nhạc tiết uyển chuyển, tung lượn, lan tới, nhào lui nhưng tất cả đều xoắn lại, cuộn tròn lấy “nhạc chỉ”; đưa tâm thức người nghe vào một vùng âm thanh duy nhất như sự tập trung thiền định của một hành giả Yogi, đánh mất tất cả các khả năng giao tiếp của ngũ quan, một trạng thái như vong ngã rồi lần hồi như chìm ngập vào bản thể mênh mông, chan hòa, yên tĩnh!

Những bản “đảo vũ”, “thái dương thần vũ” do các nàng Devadasī được vời đến từ các đền tế, ăn vận như tiên nữ diễm lệ, trang điểm lòe loẹt, lần lượt cống hiến những vũ điệu mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng.

Một số các nàng ca nữ miền Rohini cống hiến giọng ca thiên phú du dương, bay bổng, mê man, xuất hồn. Rồi đến các tuồng hát, những hí khúc nổi danh mấy trăm năm trước đều được mang ra trình diễn giữa ánh sáng lộ thiên huy hoàng. Hương muôn hoa, hương của muôn thứ hương liệu thơm ngát, ngầy ngật giữa không gian người và bụi.

Trải qua hai ngày vì lạ lùng kích thích, đôi bạn cũng tìm được niềm vui khuây khỏa. Upatissa và Kolita thuộc vào hàng khách danh dự nên được ngồi ở những hàng ghế đầu chung với một số bà-la-môn trưởng thượng, các gia chủ hữu danh, các quan đại thần và các thương gia giàu có, những danh sĩ lỗi lạc. Cả hai chàng đều vui vẻ như những khách danh dự khác đã trao cho nghệ nhân những phần thưởng xứng đáng. Hai chàng đều là con nhà cự phú, tiền bạc không biết dùng để làm gì nên họ sẵn sàng hào phóng treo những giải thưởng lớn nhất. Sự hào sảng, rộng rãi ấy được mọi người tán tụng, ca ngợi như là nghĩa cử hào hiệp, anh hùng! Ðược quý trọng, được ngợi ca rầm rộ, hai chàng lại sinh ra hổ thẹn, mất cả hứng thú.

Ðến đêm thứ ba, cả hai đột nhiên sinh ra chán nản: “Làm như vậy để làm gì? Ích gì cuộc vui phù phiếm này? Sao ta lại ở đây, giữa đám người ngợm trống rỗng, vô tích sự này?” Upatissa đứng dậy, đột ngột rời khỏi đám đông. Kolita cũng thế. Không hẹn, cả hai đều nhìn nhau, đôi mắt thẳm sâu, khó tả.

Vất vả lắm cả hai mới lọt ra khỏi rừng người. Họ lặng lẽ bên nhau, bước đi, đi mãi. Ðèn đuốc, hương hoa, tiếng người dần dần khuất vắng sau lưng họ. Ðến ngoại ô kinh thành, vòm trời như mở rộng ra, gió đồng nội thổi rì rào. Trên trời, mảnh trăng tròn vành vạnh, trong sáng, êm đềm và yên tĩnh. Họ nghe được lời thì thầm của đất, của giun dế, của cỏ lá, của những cái mầm vừa cựa mình nứt ra. Tiếng ai hát giữa đồi hoang, theo gió cuốn đi xa, mang mang và buồn. Bóng những lữ hành vội vã, âm thầm dưới trăng khuya lạnh lùng. Một vài tiếng cú rúc lẻ loi.

– Hiền đệ Kolita thân mến! Chúng ta vừa thoát khỏi đám người huyên náo, hời hợt, những niềm vui tầm thường, dung tục. Thật không ích lợi gì khi để những ngày tháng trôi qua trong những tiếng cười đùa vô bổ; nhìn nghe những hình thức lễ nghi trịnh trọng, sáo rỗng; những lời tâng bốc, tán thán, ca tụng nhau; những đầu súc vật đầy máu me, ruồi nhặng lẫn những tiếng rên la thống khổ của chúng. Chẳng lẽ nào chúng ta cam tâm chịu đựng mãi đời sống này, truyền thống tín ngưỡng đã khô kiệt tinh thần, đã mất hết sự trong sáng, đã thật sự vắng bóng minh triết? Chúng ta phải biết can đảm nhìn thẳng vào sự thật ấy. Ðừng vì tình cảm gia đình, huyết thống, thói quen truyền đời để tìm cách biện hộ hoặc lần lữa mãi trong thế giới tư tưởng bất khả lý giải. Tín ngưỡng truyền thống của chúng ta không còn gì đáng để hãnh diện và tự hào nữa rồi. Tất cả chỉ còn là những xác chết trên bệ thờ, những ngôn từ sáo rỗng, hợm hĩnh, dối láo. Sự hữu hạn, đau khổ, buộc ràng vây bọc chúng ta. Cả bên trong và bên ngoài. Tất cả chúng đều là huyễn hóa, là Māyā!

Ôi! Niềm vui tuổi trẻ chóng qua. Tuổi già, tóc bạc, sự chết sẽ đến. Tử thần sẽ không chừa một ai. Sự hủy diệt kinh khiếp đó sẽ không tha thứ cho dẫu một sinh linh bé mọn, một cọng cỏ, một hạt bụi vô tri. Ðại dương vô cùng hoặc Hy Mã Lạp sơn hùng vĩ thì cũng vậy. Nhật nguyệt, thiên hà, đại địa cũng cùng chung một số phận. Cơn lũ vô thường sẽ cuốn trôi hết thảy.

Sao ta lại ở yên giữa cuộc đời này, sống say chết mộng, an phận, thủ thường nơi địa vị, danh vọng, bạc tiền, đồ chúng của mình mà chiêm ngưỡng, vô tri hay đồng lõa với Vô Minh và Tử Ma? Sao ta lại vùi mình giữa xác chết quên lãng, trong bóng tối hèn nhác, không có can đảm, vươn vai đứng đậy như một con mãnh sư? Sao không nhìn thẳng vào sự thật kinh khiếp kia?

Hãy nói đi! Hãy nói đi! Hiền đệ!

Kolita dường như không ngạc nhiên gì lắm trước những ưu tư, những vấn nạn, những phẫn nộ của Upatissa; chàng gật đầu, nói nhỏ như hơi thở, chỉ vừa đủ nghe:

– Hiền huynh Upatissa quý mến! Ðó là những vấn đề mà đệ đã suy nghĩ khi ngồi trong đền và khi cùng bước lang thang trên đường vừa đi qua. Ðồng ý sẽ đứng lên, sẽ vươn vai đứng lên như con mãnh sư. Nhưng rồi chúng ta sẽ đi đâu, sẽ về đâu? Về cuối con đường? Có điểm cuối con đường để đến? Mục đích của nhân sinh là gì? Tất cả dường như ở trong vận hành vô nghĩa lý. Ðâu cũng là vực thẳm không đáy, lửa, vô thường và hủy diệt.

Các vị A La Hán, các bậc thông tuệ, các bậc đại tuệ, các đấng giác ngộ, họ đã giải thoát ra khỏi cuộc đời này, nằm ở ngoài mọi định luật và mọi tất yếu của tâm, của nhiên giới, giờ họ ở đâu? Những kẻ mà Tử thần và Māyā không tìm thấy dấu vết, giờ họ ở nơi nào? Những kẻ đã như những con mãnh sư, vươn vai đứng dậy, thách thức tuyên chiến với hư vô và tử ma, họ sẽ dạy cho chúng ta điều gì? Những ngàn xưa trước, những thánh triết, minh thư, những trí óc khôn ngoan mẫn tiệp, thông tuệ của loài người đã tự trang bị cho mình một đôi mắt để nhìn xuyên suốt qua những tấn tuồng ảo vọng, giờ họ ở đâu? Dấu chân họ còn lưu trên cát, còn lưu giữa hư không mơ hồ, lung linh sương khói?

Và có thật sự đúng như vậy chăng, có con đường dẫn đến nơi Chân Phúc và Bất Tử?

Kolita nói xong, nhìn Upatissa, thở ra.

Upatissa cũng thở ra, cúi đầu xuống.

Họ đã gặp nhau từ sâu thẳm của tư tưởng, suy tưởng, ưu tư; nơi cái bế tắc trùng trùng đang muốn tìm về thông lộ.

Ðôi bạn chợt nhìn vào mắt nhau. Bốn ngôi sao lóe sáng trong đêm.

 


Chú thích:

(1) Văn minh Ấn Độ của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch.

(2) Lấy ý từ Sđd..

(3) Tương tợ đàn Tỳ bà.