Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58680 Lượt xem

NGƯỜI THẦY CŨ

 

T

rên đường đến tu viện của đạo sĩ Sañjaya, đôi bạn thấy thấp thoáng khá nhiều tu sĩ áo vàng. Ngạc nhiên làm sao, họ mới chú tâm để ý. Cũng là áo vàng, cũng là màu hoại sắc, nhưng trông những tu sĩ này hoàn toàn khác xa với những tu sĩ khác nhan nhản khắp nhiều quốc độ. Trông họ có vẻ gọn gàng, sạch sẽ và tươm tất làm sao! Những vị này đều đồng loạt cạo bỏ râu tóc; và cách đi đứng, phong thái, nét mặt của họ đều toát ra vẻ an nhiên, tĩnh lặng thật khác xa với những tu sĩ ngoại đạo, lúc nào cũng nhuốm vẻ âu sầu, vàng võ, hốc hác, đăm chiêu, lơ đễnh, hời hợt, hấp tấp, kỳ bí, tóc tai rối bù, kỳ hình dị dạng, diêm dúa với đủ mọi hình thái dơ bẩn.

Chỉ chừng ấy thôi, đôi bạn đã xác tín được đâu là thiện mỹ! Giáo pháp ấy có một uy lực, một năng lực cảm hóa con người và cuộc đời. Giáo pháp ấy không ru ngủ, huyễn hoặc con người trong lời kinh tiếng kệ trầm buồn chỉ có tác dụng của liều thuốc an thần và hứa hẹn những thiên đường cực lạc xa xăm. Giáo pháp ấy đã lôi dục vọng con người từ bỏ lý tưởng đại ngã, chân ngã rỗng tuếch, phù phiếm trở về trực diện với hiện tại bằng sự tỉnh thức, chánh niệm nơi mỗi bước đi, hơi thở. Họ đấy, những đệ tử của đức Vô Thượng, có lẽ là bạn của thầy ta, đang chậm rãi, thong dong, hiện quán trong từng cử chỉ, từng tâm niệm. Và rõ ràng, an lạc, hạnh phúc như tỏa sáng dịu dàng trên từng khuôn mặt, phơi phới, tươi đẹp làm sao! Ôi! Giáo pháp và giáo hội của đức Tôn Sư, quả thật, đã thổi một luồng sinh khí, mới mẻ, trẻ trung, trang nghiêm và trong lành khả dĩ xua tan hương khói âm u của đền miếu, hang động, bùa chú, phù phép đã tù đọng ngầy ngật mấy ngàn năm trong sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của đất nước này. Và còn hơn thế nữa, đã lôi được tinh thần con người ra khỏi những triết lý một chiều, phiến diện; đám sương mù chia chẻ của lý luận; những học thuyết xa rời thực tế cuộc sống; những cầu nguyện cuồng tín về những thế giới “bất khả tri!”

– Vậy thì chúng ta phải cương quyết lôi kéo thầy của chúng ta từ bỏ nơi mê lộ mà tìm về với chánh đạo.

– Ðúng thế! Upatissa đáp lời Kolita – một tín ngưỡng trong sáng và lành mạnh, một giáo pháp trong sáng và lành mạnh, một giáo hội trong sáng và lành mạnh của những tu sĩ trong sáng và lành mạnh đang có mặt ở thế gian này, dĩ nhiên là phải để dành cho những căn cơ thượng trí! Thầy của chúng ta lẽ nào không có tai để nghe, không có mắt để thấy, không có trí để tìm hiểu?

Gặp lại hai người học trò ưu tú, đạo sĩ Sañjaya rất mừng vui. Sau một hồi đưa đẩy xã giao, Sañjaya hối thúc đôi bạn kể cho nghe những việc xảy ra trên bước đường lang thang tìm đạo bấy nay. Ông hy vọng là họ đã trở về lại với ông nên tỏ ra thông cảm sâu sắc:

– Ta hiểu lắm! Cuộc lang thang tầm đạo dĩ nhiên là nhiêu khê, vất vả lắm! Ði một ngày đàng, học một sàng khôn, thế gian còn bảo thế, huống chi đây là tháng ngày đi tìm chân lý. Vậy trí khôn của các người giờ như thế nào? Có vị chân sư, giáo chủ nào bước qua được thế giới “bất khả tri” của ta chăng?

Không trả lời câu hỏi của đạo sĩ Sañjaya vội, Upatissa chậm rãi thuật lại một cách tóm tắt công việc tầm đạo của hai chàng cho đạo sĩ Sañjaya nghe. Upatissa thừa khôn khéo để nói rằng, quả thật đi khắp mọi phương trời cũng không tìm đâu ra một chân lý siêu việt, cuối cùng, mệt mỏi, bất lực,  hai chàng trở lại kinh thành Vương Xá…

Mới nghe nói đến đây, Sañjaya cười ha hả, cướp lời:

– Ðấy! Ta nói có sai đâu! Tất cả triết gia, giáo phái chủ, giáo phái sư trên đời này đều là những con đom đóm, sao sánh được ngọn đèn minh triết của ta?

Upatissa đoán biết là sẽ có câu nói ấy từ cửa miệng của đạo sĩ Sañjaya nên chàng gật đầu:

– Bạch thầy! Thầy đã nói đúng! Quả thật tất cả giáo phái chủ, giáo phái sư trên đời này chỉ là ánh sáng đom đóm và giáo pháp của thầy là ngọn đèn…

Ðạo sĩ Sañjaya gật đầu hoan hỷ:

– Các ngươi biết thế là hay! Biết thế là hay!

Kolita nhẹ nhàng nói:

– Nhưng mà thầy ạ! Chúng đệ tử vừa gặp một giáo pháp, mà giáo pháp ấy lại sáng rỡ như mặt trời mặt trăng kia!

– Cái gì? Cái gì? Các ngươi vừa nói cái gì?

Sañjaya nhổm dậy, đã mất hẳn bình tĩnh.

Upatissa bèn kể lại, rằng, ngày hôm qua, tại đây, tại kinh thành Vương Xá này, chàng đã gặp được đệ tử của đức Thế Tôn ra sao, cả hai chàng đều thấy rõ ràng giáo pháp ấy tỏa sáng tự trời cao, soi rọi mọi ngõ ngách tối tăm của phiền não và sở tri, đã thật sự đem đến an lạc tối thượng cho con người như thế nào…

Rồi Upatissa thỉnh nguyện:

– Bạch thầy! Vì trọng thầy, mến thầy và cũng để đáp đền ơn nghĩa cũ, chúng đệ tử tha thiết mong thầy từ bỏ giáo pháp này, cùng đi với chúng đệ tử đến quy y với  đức Tôn Sư vô thượng.

Nghe xong, đạo sĩ Sañjaya ngạc nhiên la lên:

– Cái gì? Các ngươi nói cái gì vậy? Ðến làm đệ tử ông Thế Tôn ấy; người có giáo pháp vĩ đại như mặt trời, mặt trăng? Xem nào, các ngươi có lầm lẫn không đấy! Ta đây đã là tôn sư của nhiều người,  bây giờ theo ý các ngươi là phải từ bỏ tất cả, đừng làm tôn sư nữa mà hãy đi làm đệ tử? Có xuẩn ngốc không chứ?

Sañjaya giận dữ, phất tay đứng dậy, cất giọng rổn rảng:

– Ðừng có thuyết phục ta những việc vô lý như thế! Danh dự và địa vị của ta không thể trong một lúc mà đem thả trôi sông. Ta đã nhất tâm khổ hạnh tu chứng, đạt được thiền định bậc cao. Ta lại cố công giáo huấn môn đồ, gầy dựng cơ sở vật chất, tổ chức đời sống tu học cho người xuất gia và tại gia. Tất cả đều thịnh mãn, trù phú và tốt đẹp. Thành quả này không dễ gì một sớm một chiều mà có được, không dễ gì ai cũng làm được. Phải đầy đủ trí tuệ, dõng lực, bản lãnh, nghị lực, phước báu cùng từ bi tâm. Ðáng lý ra, các ngươi là hai đệ tử ưu tú của ta, phải ở bên ta, tiếp sức với ta, làm cho danh dự, tiếng tăm và địa vị của ta mỗi ngày mỗi to lớn, lan rộng, lan xa ra mới phải. Danh dự, tiếng tăm và địa vị của ta cũng là của các ngươi. Ở bên ta, ta có cái gì là các ngươi có cái ấy, thử hỏi các ngươi còn đòi hỏi cái gì nữa mới được chứ?

Upatissa và Kolita thất vọng vô cùng. Trước đây, Sañjaya bao giờ cũng có vẻ trầm tĩnh, độ lượng, nghị luận sắc bén; thường chứng tỏ một nội lực, một sức học thâm sâu. Bây giờ, ông đã lộ trần truồng bản chất một con người nóng nảy, cạn cợt, ham danh, ham lợi một cách quá thô thiển.

Sañjaya vẫn không dừng lại ở đó:

– Hả? Tại sao các ngươi lại im lặng? Trên đời này, có ai dại khờ đánh đổi một thành quả to lớn như vậy để chỉ lấy cái bát xin ăn, làm một đệ tử với hai bàn tay trắng, không tiếng tăm, không danh vọng?

Upatissa và Kolita vẫn im lặng.

Bất đồ, Sañjaya nắm bình hoa trên bàn ném xuống đất vỡ toang: Những mảnh sành nhỏ va nhau loảng xoảng. Ông chậm rãi cúi xuống, lựa chọn, rồi cầm lên tay một mảnh nhỏ, nhìn hai người, cất tiếng:

– Nói đi, nói đi! Theo ý các ngươi thì mảnh sành này hứng được bao nhiêu giọt nước?

Vì nể thầy Kolita đáp:

– Ít thôi, chỉ vài giọt là cùng.

– So với chiếc bình to chưa vỡ kia?

– Bạch thầy, chẳng thể đo lường được!

Ðắc ý, Sañjaya cười to lên:

– Thấy chưa! Tự các ngươi nói đấy! Các ngươi muốn ta tự đập vỡ cái bình to của mình ra, để nhận lại cái mảnh sành chút xíu mà đựng nước! Chỉ có kẻ ngu mới làm vậy phải không?

Trí tuệ Upatissa chợt máy động. Dùng lý luận của đối phương để đập vỡ lý luận của đối phương là chuyện mà chàng thường làm. Nếu muốn, chàng chưa bao giờ hạ phong trước một ai cả. Ở đây, tuy nhiên, không phải là vậy, chàng chỉ muốn sử dụng sự sắc sảo của lý luận để thức tỉnh đạo sĩ Sañjaya mà thôi. Cho nên, để từ từ đưa Sañjaya vào lưới bủa của chính ông ta, chàng hỏi:

– Bạch thầy! Có thể nào, cùng một câu chuyện cái bình và mảnh sành mà đệ tử lại hiểu một cách khác không?

– Làm sao lại khác được!

– Ví như đệ tử hiểu ngược lại rằng: Cái bình kia nếu thầy khẳng khái đánh vỡ thì tốt đẹp cho thầy biết bao!

– Làm gì có chuyện đó! Cái chuyện bình vỡ mà tốt đẹp là điều lạ thật đấy, đáng phục thật đấy!

Kolita chăm chú lắng nghe, không hiểu được trí tuệ của vị sư huynh mình sẽ dẫn câu chuyện đến đâu! Một trực giác xẹt đến. Ồ! Chàng đã hiểu. Bất giác chàng mỉm cười.

Upatissa thấy rõ là Sañjaya đã rơi vào tròng; nghiêm trang và cứng rắn, chàng cất giọng trầm hùng, đanh thép, không khoan nhượng:

– Bạch thầy! Theo giáo lý truyền thống bà-la-môn thì mỗi chúng sanh là một tiểu ngã. Gọi là tiểu ngã nhưng trải qua bao kiếp luân hồi, từ vô thủy đến nay, nó tích lũy không biết bao nhiêu là ác nghiệp, hận thù, oan trái; nó thu góp không biết bao nhiêu là tham muốn xấu xa, độc ác. Thế mà đã đủ đâu, cái tiểu ngã ấy chất chứa vô lượng dục vọng rồi mà nó vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn – nó còn muốn phồng cho to lên bằng đại ngã kia!

Thưa thầy! Dục vọng trong mỗi chúng sanh chính là những cái bình chứa ấy. Cái bình chứa ấy ở nơi thầy, hiện giờ nó đựng được nhiều thứ lắm. Nó đựng đầy trong lòng nó nào là kiêu căng, ngã mạn, tối tăm, tham vọng cùng sân si giận dữ!

Ngoài ra, cái bình tiểu ngã rất to của thầy còn có công năng diệu dụng khác; có thể cắm lên đấy những cành hoa lộng lẫy, diêm dúa như trương lên những bảng hiệu quảng cáo mạ bạc, thếp vàng lóng la lóng lánh: Hoa này là vì giáo phái, hoa này là vì đệ tử, hoa này là vì lợi lạc cho quần sanh, hoa này là vì chân lý tối thượng, hoa này là vì xả kỷ vị tha…

Ôi! May mắn làm sao! Ðáng mừng làm sao! Cái bình to ấy, hôm nay, thầy của chúng ta đã đập vỡ đi rồi!

Sañjaya nín lặng, nghẹn họng, tự nghĩ: “Chúng đã dùng lý luận khôn khéo để bẻ gãy lý luận của ta dễ dàng như thò tay lấy đồ vật ở trong túi. Chúng đã dùng chính cái gậy của ta để đập lên cái sọ của ta, thế nhưng, ta đã không đỡ nổi. Chúng đã dùng chính cái lưới của ta để bủa vây ta, thế nhưng ta đã không thoát ra khỏi”.

Upatissa bắn tiếp mũi tên thứ hai:

– Bạch thầy! Chúng đệ tử không nghĩ rằng, danh vọng, tiếng tăm, địa vị cho chí lâu đài, vương tước, bảy báu, gia sản vật chất đầy dẫy châu Diêm Phù Đề lại quý trọng đến vậy. Khi đã đập vỡ cái bình rồi, thầy sẽ thấy như thế. Chỉ có một vương quốc thật sự đáng quý trọng, đó là những lời pháp chơn chánh. Chỉ có một vương quốc thật sự đáng ngưỡng mộ, hướng về đó là ánh sáng của đạo Bất Tử!

Bạch thầy! Giáo pháp của đức Tôn Sư, bậc Ðại Giác đã thuyết có công năng đập vỡ những chiếc bình bản ngã to lớn, đoạn hoặc vô minh và phiền não cho chúng sanh, bẻ gãy bánh xe sinh tử và trầm luân vạn kiếp. Sau rốt, nó lại có công năng đem lại chân phúc, trí tuệ siêu đẳng và đức từ ái phi phàm. “Giáo pháp chỉ để dành cho những ai có tai để nghe, có mắt để thấy, có trí để tự mình giác hiểu”. Giáo pháp như nụ đàm hoa, hằng vạn năm mới nở một lần; nó có mùi hương vi diệu tỏa ngát trên trần thế đem lại sự mát mẻ, trong lành cho chúng sanh giữa cõi nhiễm ô, tục khí.

Vậy thì bạch thầy! Những gia tài sinh diệt, những hoạch đắc thống khổ mê lầm của bản ngã kia làm sao lại dám đem so sánh với ánh sáng giáo pháp của đạo Bất Tử? Nếu thầy biết nghe theo lời của chúng đệ tử – thì nên bỏ cái nhỏ mà tìm về cái lớn, phất tay cái hữu hạn mà nắm lấy cái vô cùng, xa lìa cái hạnh phúc phù du để chụp bắt cái an lạc như chân như thật, tung hê cái buộc ràng sinh tử để đi vào chân trời giải thoát và tự do.

Bạch thầy! Ðấy là điều đáng làm. Và thầy nên làm như vậy, bởi thầy là bậc trí trên đời này.

Ðạo sĩ Sañjaya bị thuyết phục một hồi, đâm ra lúng túng, tự nghĩ: “Họ hiểu biết nhiều quá. Họ rào trước, đón sau chằng chịt, ta không có một kẽ hở nào để đặt chân vào đấy mà tranh luận. Tuy nhiên, ta không thể đứng vào vị thế bị bao vây, nhu nhược, yếu hèn, phải cất lên tiếng rống của con mãnh sư”. Bèn hét:

– Thật là lý luận rởm, khua môi múa mép! Thôi! Ta tha thứ cho đó! Các ngươi hãy đi đi! Ði đâu thì đi! Hãy đi cho khuất mắt ta!

Upatissa hiểu tâm sự lẫn bản ngã của thầy, nên cố nhẫn nại:

– Thầy cùng đi với chúng đệ tử chứ?

Ðạo sĩ Sañjaya la gắt lên:

– Sao nói gì kỳ lạ vậy? Làm sao ta lại phải đi!

– Sao lại không đi được hở thầy? Upatissa cương quyết không bỏ cuộc –  nếu thầy thấy quan điểm của đệ tử là đúng, thầy phải chấp nhận nó, và đi theo đệ tử; nếu thầy thấy quan điểm của đệ tử là sai, thầy hãy bác bỏ nó và đệ tử sẽ ở lại bên thầy. Dứt khoát là vậy. Chẳng hay, quan điểm của đệ tử đúng hay sai?

Ðạo sĩ Sañjaya như bị đẩy đến đường cùng, im lặng một lát rồi thở dài nói:

– Các ngươi không sai điểm nào cả.

Ðến lượt Kolita ngạc nhiên:

Không sai, nhưng thầy vẫn không theo? Nó đúng, nhưng thầy vẫn không chấp nhận?

– Phải!

– Tại sao? Kolita vặn hỏi – Một việc phải mà thầy vẫn không theo? Thế ra, thầy vẫn khư khư sống với cái sai của mình?

Ðạo sĩ Sañjaya nghe nản quá, tự nghĩ rằng: “Ðối với những kẻ trí tuệ, chân thực và đầy nhiệt huyết này, nếu như không được trả lời một cách rõ ràng, dứt khoát, chúng sẽ căn vặn cho đến tận cùng, ta sẽ không còn chỗ nào mà lách, mà trốn được nữa. Ta đã mệt quá rồi, thôi, thà rằng cứ nói thật một lần cho xong”. Bèn nói:

– Ðất đã không chịu trời thì trời xin chịu đất vậy! Các ngươi hãy nghe đây! Các ngươi đều là kẻ có trí tuệ, có thể hơn cả ta, lại là người chân thật nữa. Ðiều mà các ngươi bảo rằng đúng, giáo pháp mà các ngươi cho là Vô Thượng, Chân Phúc và Bất Tử thì hẳn nhiên ta không một mảy may dám nghi ngờ. Nhưng đây mới là sự thật ta muốn nói – giọng Sañjaya đến đây như chùng hẳn xuống – ta thật sự đã già rồi, không thể thay đổi những thói quen đã ăn sâu quá lâu; ta thật sự chỉ quen làm đạo sư thiên hạ, không thể thay đổi thành đời sống của một đệ tử được nữa! Rồi ông nói to lên: Các ngươi nghe rõ rồi đấy chứ! Thôi, hãy đi đi! Hãy để cho ta được yên!

Nghe lời thành thật, Upatissa cảm thấy thương xót cho vị thầy già, biết là không có cách chi thuyết phục được nữa, vẫn vớt một câu cuối cùng:

– Khi đức Thế Tôn xuất hiện ở trên đời, thì đấy là phúc duyên ngàn vạn năm ít có, thầy mà không theo về, thầy sẽ hối hận .

Ðạo sĩ Sañjaya nói nhỏ, như chỉ vừa đủ cho tự mình nghe:

– Phải rồi! Ðúng là vậy thật. Ðúng là phúc duyên, là đại duyên thật. Ðấng Đại Giác kia là Tôn Sư mà ta đây cũng là Tôn Sư. Nhưng bao giờ, trên đời nầy, kẻ ngu muội cũng nhiều hơn mà kẻ có trí thì ít lắm.

– Ý thầy nói gì, chúng đệ tử chưa nghe rõ?

Sañjaya lại la lên:

– Ta đã nói quá rõ rồi đấy chứ! Ta đã nói rằng, xin cho tất cả những kẻ khôn ngoan, có trí thì hãy đến với đức Thế Tôn, đấng Ðại Giác của các ngươi! Còn những kẻ ngu si, dốt nát, ngu muội thì hãy đến với ta! Ha ha ha! Xem thử ai nhiều hơn! Hà hà! Xem thử đệ tử đức Tôn Sư của các ngươi và đệ tử của ta, ai đông hơn! Hà hà!

Nói vậy là hết ngôn ngữ, hết sách vở. Upatissa và Kolita bèn xá lễ, cáo từ.

– Vậy chúng đệ tử xin bái biệt. Rồi thầy sẽ hối hận.

– Ta, Sañjaya, đầu quen đội trời, chân quen đạp đất, không bao giờ hối hận!

Mặc dầu nói cứng vậy, nhưng khi Upatissa và Kolita đi rồi, ông thẩn thờ dạo quanh tu viện, thấy tất cả đều vắng tanh, trống trải, ông vô cùng cáu giận. Bây giờ ông mới hiểu sự thật: Ảnh hưởng tinh thần của Upatissa và Kolita quá lớn trong đám môn đồ của ông; và khi hai người ra đi, không những mang theo hai trăm năm mươi đồ chúng của họ trước đây mà còn lôi cuốn tất cả đồ chúng của ông nữa.

Càng nghĩ, Sañjaya càng buồn nản, tức bực; ông uất đến hộc máu tươi. Tuy nhiên, điều mà chẳng ai ngờ đến là ông không mảy may oán hận Upatissa và Kolita, không mảy may oán hận đám môn đồ bất nghĩa, mà ông hận chính ông vậy. Ôi! cao cả thay mà cũng bi đát thay!

Xế chiều, hai trăm rưỡi đệ tử của Sañjaya không đành lòng bỏ thầy tuổi già cô độc một mình, họ bèn trở lại.

Upatissa và Kolita cũng cám cảnh, thương tình, khuyến khích họ trở về, rồi cùng với môn đệ nhắm hướng Trúc Lâm lên đường.