Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59361 Lượt xem

VỚI NỮ ĐẠO SĨ TÓC QUĂN

 
 
Ðược biết rằng nàng là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, con của một thương nhân giàu có ở kinh thành Vương Xá, được học hành chu đáo nhưng phải lòng một tên cướp đang bị dẫn ra xử trảm ở pháp trường.

Vì thương con, cha mẹ nàng phải hối lộ một ngàn đồng tiền vàng để nhờ người ta đánh tráo tên cướp, mang về nhà và sắp đặt một cuộc hôn nhân. Nàng và tên cướp bắt đầu sống chung với nhau trong cảnh vinh hoa phú quý. Chẳng được bao lâu, tên cướp khởi lên ác tâm, muốn giết nàng để lấy đi tất cả đồ nữ trang quý giá. Hắn lập mưu nói là muốn làm một cuộc lễ tạ ơn đến vị thần bổn mạng hộ trì, đấy là “ngọn núi thiêng của những tên cướp”. Hôm kia, sau khi sắm sửa lễ vật trọng thể, hắn dẫn nàng lên núi cao. Tại đây, tên cướp lột tất cả đồ trang sức của nàng rồi định giết nàng. Hắn đã nói thật dã tâm của hắn. Chán nản người chồng ác đức, tương kế tựu kế, nàng đã xô anh ta xuống vực sâu tan xác.

Ðã thấm thía tình duyên phản trắc, cô gái quăng đồ nữ trang xuống vực, xé rách y phục sang trọng, khoác một mảnh vải tìm đến một phái đạo sĩ khổ hạnh.

Các nữ đạo sĩ hỏi nàng:

– Cô muốn xuất gia khổ hạnh bậc gì?

– Bậc thượng!

Thế là thay vì cạo tóc bằng những bẹ nứa, người ta nhổ từng sợi tóc cho nàng, máu chảy thành dòng. Các nữ đạo sĩ lấy bùn đất dơ uế trát lên y áo của nàng, trao cho một cái bát bằng đất rồi dạy giáo pháp, tu tập, thiền định… Không bao lâu sau, cô gái bây giờ là nữ đạo sĩ đã chứng tỏ sự thông minh kỳ đặc, một ý chí sắc thép, một đầu óc siêu việt, một lý trí sắc bén nên sớm được đồng đạo nể phục. Người ta muốn nàng lên đường để xiển dương giáo pháp, đem chuông trống đi đánh xứ người. Từ đấy, nữ đạo sĩ sống đời ta-bà vô trú, không bao lâu đã nổi tiếng khắp nơi về tài hùng biện.

Từ quốc độ này sang quốc độ khác, từ thành phố này sang thị trấn nọ, nữ đạo sĩ đã trổ tài vô địch trong những cuộc tranh luận về các môn triết học, tư tưởng trong và ngoài truyền thống Vệ Đà; giương cao ngọn cờ minh triết cho một môn phái khổ hạnh, chủ trương diệt dục bằng lối sống khắc kỷ. Ðến ở đâu, nữ đạo sĩ cắm lên đấy một nhành liễu xanh. Nhưng rồi, đến một lúc nào đó, nhành liễu này khô đi lại được thay bằng một nhành liễu mới, chẳng có ai dám nhổ nhành liễu để tranh luận với nàng nữa!

Hôm nọ, bước chân ta-bà ấy đến Xá Vệ, nữ đạo sĩ cắm một nhành liễu ngay trước cổng thành. Một số trẻ em tò mò vây quanh.

Tôn giả Xá Lợi Phất, sau khi đi khất thực, trên đường trở về tịnh xá, thấy đám trẻ và nhành liễu, ngài dừng chân:

– Của ai đấy, các con?

– Của nữ đạo sĩ tóc quăn, thưa trưởng lão.

– Nữ đạo sĩ à?

– Dạ phải, nữ đạo sĩ tuy ăn mặc xấu xí, tóc quăn, nhưng đẹp lắm.

Tôn giả nói:

– Vậy thì các con hãy nhổ nhành liễu ấy và cắm ngược trở xuống!

– Chúng con sợ!

– Không sao, có ta đây! Khi nữ đạo sĩ hỏi, các con bảo là đệ tử của đức Thế Tôn đấy!

Ðám trẻ reo hò, chúng đến, không phải là cắm xuống hay nhổ đi mà là dẫm đạp lên nhành liễu, đá tung bụi, bẻ vụn nhành liễu, và quăng vất tơi tả đó đây.

Nữ đạo sĩ tóc quăn đi khất thực trở về thấy vậy bèn quát:

– Ai cả gan như thế?

– Không phải là chúng con mà là vị trưởng lão cao quý của chúng con, ngài đứng kia kìa!

Quay nhìn trưởng lão, nữ đạo sĩ thấy một sa-môn tướng mạo đoan nghiêm, thần sắc thanh thoát và trầm tĩnh. Chợt dưng nàng cảm nghe hơi chột dạ. Nàng chưa biết ai, thấy ai toát ra được cái tự chủ và tự tin như thế.

– Có phải ông là đệ tử của sa-môn Cồ Đàm đấy không?

– Vâng, thưa nữ đạo sĩ!

– Ông chấp nhận một cuộc tranh luận không khoan nhượng chứ?

– Vâng, thưa nữ đạo sĩ!

– Ông có biết rằng chấp nhận tranh luận là một sự mạo hiểm? Ông mà thất bại thì danh dự, tiếng tăm của ông và cả sa-môn Cồ Đàm sẽ biến thành mây khói?

– Bần đạo biết rõ, thưa nữ đạo sĩ!

Nhìn xung quanh, nữ đạo sĩ nói với mọi người:

– Vậy thì chiều nay, tại trú xứ của ông Cồ Đàm, sẽ có một cuộc tranh luận về giáo pháp. Thành phố này, ai là người có tai, có óc thì hãy đến đấy mà nghe!

Tôn giả Xá Lợi Phất khiêm tốn:

– Ðúng vậy, chiều nay, tại cổng tịnh xá Kỳ Viên, kẻ ngu hèn này xin được hầu đáp nữ đạo sĩ,  một biện sĩ lỗi lạc!

Không mấy chốc, câu chuyện đồn đãi khắp cả thành Xá Vệ. Buổi chiều, người ta vây quanh khu đất trống trước cổng tịnh xá Kỳ Viên. Không những là dân chúng, cư sĩ các tôn giáo mà còn có bóng dáng hàng trăm đạo sĩ của nhiều giáo phái, hàng trăm vị tỳ-khưu đồng tham dự nữa.

Người ta bàn tán với nhau:

– Trên đời này, có ai tranh luận hơn vị trưởng lão đệ nhất của giáo hội đức Tôn Sư?

– Thật là con đom đóm muốn khoe ánh sáng với mặt trời!

– Biết đâu có một kỳ nhân, dị sĩ xuất hiện?

– Eo ôi! Ðúng là đem trống đánh trước cửa nhà sấm!

Ðám đông chợt yên lặng khi nữ đạo sĩ tóc quăn xuất hiện. Mặc dầu y áo xộc xệch, vấy bẩn bùn đất nhưng cũng không che giấu được vẻ đẹp tuyệt trần của nàng.

Trưởng lão Xá Lợi Phất trang nghiêm, từ tốn từ trong tịnh xá bước ra.

Mọi người hồi hộp, yên lặng.

Nữ đạo sĩ nói:

– Ngài lấy tư cách cá nhân mà tranh luận hay lấy tư cách giáo hội ông Cồ Đàm mà tranh luận?

– Là cá nhân, thưa nữ đạo sĩ! Tư cách giáo hội thuộc về đức Tôn Sư. Không ai ở trên đời này có thể đại diện một đức Chánh Ðẳng Giác, thưa nữ đạo sĩ!

– Thế cũng được. Bây giờ cho tôi được hỏi đây. Ông sa-môn cần những câu hỏi có giới hạn hay không có giới hạn?

Tôn giả Xá Lợi Phất xót thương cho sự cống cao, ngã mạn của nàng nên nói:

– Ðối với bần đạo thì không thành vấn đề. Nhưng đối với nữ đạo sĩ thì nên đặt những câu hỏi sở trường nhất của nàng, có lợi nhất cho nàng!

– Tại sao?

– Như vậy sẽ giúp ích cho nữ đạo sĩ hơn. Vì tất cả mọi triết học, tư tưởng trong và ngoài truyền thống Vệ Đà bần đạo đều biết rõ, thấy rõ; nhưng về giáo pháp của đức Tôn Sư, nữ đạo sĩ không hề hay biết, dầu là một tí chút ở ngoài da!

Ðám đông cười ồ! Chỉ mới câu nói đầu tiên của trưởng lão, dường như đã minh định được sự hơn thua của cuộc tranh luận. Nữ đạo sĩ thấy mình bị xem thường nên tức giận:

– Thôi đừng nhiều lời, ông sa-môn, hãy nghe ta hỏi đây!

Tôn giả ân cần nhắc nhở:

– Ðừng nôn nóng, hãy bình tĩnh! Hãy đặt những câu hỏi nào mà nữ đạo sĩ cảm thấy là hóc búa nhất về Vệ Đà và không Vệ Đà, cả về thiên văn, địa lý, đạo đức, thuật số, luận lý, ngôn ngữ, thế học, đạo học hoặc về tất cả những gì mà đầu óc uyên bác của nữ đạo sĩ suy nghĩ ra!

Kinh sách không ghi lại nội dung chi tiết của cuộc tranh luận lý thú này, chỉ nói là nữ đạo sĩ đã cật vấn trưởng lão một ngàn câu hỏi. Và không biết thời gian trải qua mấy ngày. Thật là kinh khiếp! Từng câu hỏi một, trưởng lão đã như một nhà thông thái giải thích, phân tích, đi từ ngoài vào trong, đi từ trong ra ngoài, không những trả lời rất đầy đủ những câu hỏi của nàng mà còn làm cho nàng thấy rõ kiến thức nông cạn, hời hợt của mình nữa.

Nữ đạo sĩ say mê lắng nghe. Tất cả những ngạo khí thảy đều tiêu tan. Mọi sự khôn ngoan, sắc bén của nàng đều thui chột. Mọi kiến thức uyên bác của nàng rõ là trò trẻ con đối với trưởng lão.

Tôn giả nói:

– Còn câu hỏi nào nữa không, thưa nữ đạo sĩ?

Nữ đạo sĩ im lặng.

Tôn giả cất lời dịu dàng:

– Một ngàn câu hỏi nữ đạo sĩ đã hỏi và tôi đã đáp; vậy bây giờ tôi hỏi nàng nhé, một câu duy nhất thôi!

– Vâng, thưa trưởng lão.

– Thưa nữ đạo sĩ! Nữ đạo sĩ hỏi huyên thuyên trên trời dưới đất. Bây giờ là câu hỏi của tôi: Gì là “Một”? Nói đi, nữ đạo sĩ! “Một” là gì nào?

Câu hỏi của tôn giả thật là lạ lùng không ai ngờ được. Ðại chúng sau một hồi lặng ngắt, chợt cười reo, thú vị. Nữ đạo sĩ bàng hoàng. Thời gian trôi qua. Nữ đạo sĩ toát mồ hôi! Mà tượng đá cũng toát mồ hôi!

Tôn giả Xá Lợi Phất chậm rãi thả từng tiếng:

– “Một” mà nữ đạo sĩ cũng không biết thì đòi biết cái gì? “Một” của số học, lượng học, hay triết học thì cũng là cái số “Một” ấy thôi! Mà quả thật, cái “Một” ấy là ra sao nào, thưa nữ đạo sĩ?

Thời gian trôi qua. Tôn giả Sāriputta nói tiếp:

– “Một” mà nữ đạo sĩ cũng không biết hay sao? Thế mà nữ đạo sĩ đòi biết trên trời dưới đất, đòi học hiểu tất cả tư tưởng, triết học trên đời này? Giả dụ như bây giờ tôi hỏi dễ hiểu hơn về “cái một” ấy? “Cái một” gì, chỉ “một pháp” (1) thôi, mà tất thảy chúng sanh đều cần đến nó, nếu không có nó thì không thể tồn tại sinh mệnh?

Thời gian trôi qua…

– Tôi… tôi không trả lời được.

– Thế bây giờ tôi hỏi một “cái một” khác nữa! “Cái một” tối thượng, “cái một” (2) như là thực thể cuối cùng, hay là “một pháp” cuối cùng, tuyệt đối, “cái một” ấy là gì nào, thưa nữ đạo sĩ?

– Tôi cũng chịu luôn.

– Thế tôi có thể nói rõ hơn một chút, là “cái một” này nó sẽ chấm dứt tất thảy đau khổ và phiền não!

– Tôi hoàn toàn chịu thua cuộc.

– Vậy là đúng, vậy là chính xác, vậy là chân thực. Cho dẫu nàng có trả lời được, biết được thì cũng chẳng đi đến đâu, chẳng đưa đến chấm dứt khổ đau và phiền não!

– Nhưng tôi muốn biết “Một” ấy là gì?

– Nếu nữ đạo sĩ từ bỏ giáo pháp ấy, cái giáo pháp rỗng không và phù phiếm của nàng, xuất gia dưới chân của đức Tôn Sư, rồi nàng sẽ biết cái “Một” ấy là gì.

– Vậy hãy cho tôi gia nhập ni chúng!

Thế là cuộc tranh luận chấm dứt. Khi được biết rằng người luận thắng nàng là đại đệ tử của đức Phật, bậc Tướng quân Chánh pháp, vị thượng thủ của giáo hội, nữ đạo sĩ không thấy xấu hổ nữa. Sau đó, tôn giả Xá Lợi Phất cho nhắn tin đến giáo hội tỳ-khưu-ni, và nữ đạo sĩ tóc quăn được xuất gia với trưởng lão ni Gotamī, có tên là tỳ-khưu-ni Kundalakesī. Nàng nhận được đề mục thiền quán từ đức Tôn  Sư và chỉ sau ba ngày thôi, nàng đã đắc quả A La Hán.

Tri ân xiết bao, tỳ-khưu-ni Kundalakesī tìm đến đảnh lễ dưới chân tôn giả Xá Lợi Phất, rồi nói:

– Nếu hôm ấy, con biết được trên đời có một giáo hội minh triết với những con người minh triết như thế này thì con sẽ không dám đặt ra một câu hỏi nào cả!

Tôn giả Xá Lợi Phất mỉm cười:

–        Này Kuṇḍalakesā! “Một” là gì nào?

Vị tân thánh ni cũng lặng lẽ mỉm cười.

 


Chú thích:

(1)Một pháp là vật thực. Tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường đều tồn tại nhờ vật thực. Giải thích thêm: Vật thực cõi dục giới là vật chất, thô hay tế. Vật thực cõi sắc giới, vô sắc giới là hỷ, lạc, xả, nhất tâm.

(2)Là Nibbāna.