Năng Lực Thực Sự Của Nước

16/02/2013 | Chuyên mục: SÁCH . 23278 Lượt xem

nangluch2o

NĂNG LỰC THỰC SỰ CỦA NƯỚC

Tự Chữa Bệnh và Tự Khám Phá

 

Masaru Emoto

Bản Anh ngữ của Noriko Hosoyamada

Nhà Xuất Bản Beyond Words

Bản Việt ngữ: Sư cô Huyền Châu

 

Đề từ

Quyển sách này là công trình nghiên cứu về nước của ông Masaru Emoto, người Nhật, nó gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự tương quan, tương tác, tương duyên của vạn hữu.

Có những điều mà tác giả phát kiến được xem là “kỳ diệu và mới lạ” đáng cho chúng ta quan tâm:

1- Nước có thể nghe, thấy và nhận được những thông tin từ môi trường xung quanh.

2 – Nước có thể thay đổi phẩm chất tùy thuộc thông tin tốt hay xấu mà nó tiếp thu.

3- Nói những lời tích cực như yêu thương, cảm ân, tri ân thì nó hình thành những tinh thể sáng rỡ, đều đặn, đẹp đẽ; nói những lời tiêu cực như nhiếc mắng, nguyền rủa thì nước trở nên méo mó, nghiêng lệch, xấu xí hoặc có dáng hình trông đến khiếp!

4 – Không cần nói – mà chỉ cần dán những từ, cụm từ lên chai nước với nội hàm ý nghĩa như điểm 3 – thì nước cũng cảm nhận và sẽ đáp ứng tương tợ (Ví dụ: Chai nước có dán từ “cảm ơn” thì nó hiện lên một tinh thể lục giác sáng ngời, đều đặn, rất đẹp. Chai nước có dán từ “mày ngu” thì nó có hình dáng xấu xí, đen đúa, rối loạn. Ấn tượng nhất là khi dán cụm từ “bệnh viêm phổi cấp tính trầm trọng (SARS)” thì nó dường như co rúm lại vì sợ hãi).

5- Nước nhiễm bẩn, có thể nói lời lành tốt hoặc nhất tâm cầu nguyện thì nước sẽ thay đổi phẩm chất. Cụ thể là chiếc hồ Biwa, hồ mẹ lớn nhất bị nhiễm bẩn ở Nhật Bản, do nhờ cầu nguyện mà nước trở nên “trong sạch”, tinh thể nước có cấu trúc lục giác cân đối, vàng sáng mang vẻ đẹp tôn nghiêm và thánh thiện (Trong sạch với nghĩa phẩm chất tốt chứ không phải trong sạch khi được xử lý bởi hóa chất – vì loại nước này có hại cho sức khỏe con người).

6- Theo thực nghiệm của tác giả, nước có năng lượng tốt có thể chữa trị rất nhiều bệnh cho con người (Ví dụ: Bệnh tim to bẩm sinh, bệnh bạch cầu cấp tính…) bằng tâm lý an lành đối trị tâm lý tiêu cực – cộng hưởng với nước đã được tiếp nhận năng lượng mới phù hợp với con bệnh.

7- Thậm chí, nước có thể nghe nhạc, xem truyền hình, nghe điện thoại, xem tranh ảnh… Và nó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực bởi những thông tin thu nhận được.

8- Từ nguyên lý ấy, chúng ta có thể cải thiện được môi trường sống, thay đổi những sóng điện từ có hại – qua ti vi, điện thoại, vi tính… trở nên tốt hơn.

9- Thân vật chất của con người ở mức hạ nguyên tử – nó rung động cộng hưởng với sự rung động của ngoại giới, của vũ trụ. Ngoài ra, tác giả cũng đã chứng minh được là những trạng thái tâm an lành, mát mẻ, thương yêu, tri ân… sẽ tác động lên thân vật chất (ở đây là nước, một trong tứ đại) và biến đổi phẩm chất bởi năng lượng tốt lành ấy.

10- Có vẻ kết luận cuối cùng của tác giả là, chúng ta phải biết sống sao cho tốt đẹp hơn, vì: “Yêu thương và tri ân” có thể thay đổi thế giới!

Là tu sĩ, tôi rất xúc động khi tác giả đã khám phá và thực nghiệm những kết quả rất gần gũi với giáo pháp đức Phật – những điều có vẻ như “duy tâm” đối với một số người quá tin vào tư duy lý tính, logic và duy vật ngây thơ của khoa học quy ước. Thật tình mà nói, những sự thực về năng lực của nước bị rung động, ảnh hưởng bởi năng lực của tâm đã được nghiên cứu có vẻ kỳ diệu ấy không xa lạ gì với đạo Phật và chúng chẳng có gì mới. Có những bài kinh mà các nhà sư đang tụng đọc hằng ngày, là cầu nguyện sự an lành cho muôn loài chúng sanh, cho cỏ cây và cho cả môi trường sống. Và ngay chính sự thương yêu và tri ân cũng chỉ là một trong những tố chất, phẩm tính có được từ Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) – là cái tâm của những hành giả học Phật cần phải tu tập, trưởng dưỡng để sống an lành với cuộc đời, với muôn loài.

Đức Phật còn dạy rằng: Tâm như thế nào thì cảnh giới sẽ như thế ấy. Nói cách khác, tâm tác động đến ngoại vật và biến đổi ngoại vật ấy theo tâm của mình! Nếu con người không chịu thấy rõ sự thật, không chịu hiện quán để tu tập, cứ để cho lửa tham, lửa sân thiêu đốt – thì đến một lúc nào đó quả đất này sẽ bị bốc cháy thành tro bụi.
Bài kinh đức Phật thuyết tại Tượng đầu sơn (Gayāsīsa), nói về sự bốc cháy (āditta) của các cảm thọ, có một đoạn đã nhấn mạnh về điều ấy:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Thế gian đang bị bốc cháy! Chúng đang bị bốc cháy bởi lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê; chúng đang bị bốc cháy bởi tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý; chúng đang bị bốc cháy bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp; và rồi chúng lại bị bốc cháy theo với sinh, già, bệnh, chết, đau thương, phiền muộn, ta thán, âu sầu, lo lắng, sợ hãi, ưu não, thất vọng và tuyệt vọng!”

Và quả thật, bây giờ, lửa đã bốc cháy bởi chiến tranh. Lửa đã bốc cháy bởi ô nhiễm môi trường sống. Lửa đã bốc cháy bởi động đất, sóng thần, núi lửa, tai ương, ma túy, bạo lực, dịch bệnh… Lửa đang bốc cháy bởi tôn giáo, chủng tộc, chủ thuyết, vô cảm, ngu si, ngã mạn… Nhưng nguy hiểm nhất, nguyên nhân căn để nhất, là không biết ai có thấy rõ lửa đã và đang bốc cháy trong tâm niệm, tư tưởng của chính mình ở mỗi phút giây, ở mỗi hơi thở như đức Phật đã từng báo động cách đây gần ba thiên niên kỷ về trước?
Cảm ơn tác giả là ông Masaru Emoto, bản Anh ngữ của cô Noriko Hosoyamada, bản Việt ngữ của sư cô Huyền Châu ở tại Ni viện Bửu Long (Q.9 Sài Gòn) đã cho tôi đọc được một quyển sách hay để viết đề từ sơ lược này đến độc giả các giới.

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhau gởi thông điệp mang năng lượng hòa bình và an lành cho chính mình, cho muôn loài, cho quả đất và cho cả thế gian, thế giới ba ngàn cõi.

Rất mong vậy thay!

 

Huyền Không Sơn Thượng
Xuân phân Tân Mão – 3/2011
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

 

Lời giới thiệu (của tác giả)

Mặc dầu đã nghiên cứu nước một thời gian dài, quá trình tôi được giáo dục lại không bắt đầu từ khoa học. Tôi chuyên về mối quan hệ Mỹ – Trung ở bộ Quan hệ Quốc tế, phân khoa Khoa học và Nhân văn ở trường đại học Yokohama City. Mãi cho đến năm 1987, vào tuổi bốn ba, khi gặp phải điều kỳ diệu và huyền bí của nước, tôi mới thực sự để tâm nhiều hơn đến khoa học tự nhiên. Lúc đó đang làm việc trong bộ phận giao dịch thương mãi, một trong những người đối tác giới thiệu cho tôi một loại nước và nó đã chữa lành cái chân của tôi thật kỳ diệu.

Chính kinh nghiệm ấy đã thu hút tôi, hấp dẫn tôi, đã khiến tôi nghiên cứu về nước sâu xa hơn; và bây giờ tôi được thuyết phục rằng nước nhận được thông tin. Khái niệm thông tin này cũng cần được nói rõ. Tôi không có ý nói thông tin mà chúng ta thu nhận khi xem truyền hình, lắng nghe tin tức trên đài phát thanh, đọc những bài báo trên các tạp chí hay nhật báo. Thay vào đó, tôi đang liên hệ đến những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến thân tâm nầy. Ví như khi nhìn một phong cảnh đẹp, bạn cảm thấy vui thích. Khi lắng nghe tiếng nhạc du dương, bạn cảm thấy lòng mình thanh thản. Tôi sử dụng từ “thông tin” nầy ngụ ý tất cả những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến thân tâm chúng ta như vậy đó.

Qua nhiều năm nghiên cứu tôi đi đến kết luận rằng, nước thay đổi phẩm chất của nó thích hợp với thông tin mà nó thu nhận vào. Không may thay, ý tưởng khá triệt để nầy làm đảo lộn khái niệm chung về khoa học quy ước, nên không được công nhận nhiều. Tôi cần tìm ra một cái gì đó có thể được dùng như là những chứng cứ vật lý cho ý tưởng nầy.

Một hôm, tình cờ lật cuốn sách “The Day that Lightning Chased the Housewife And Other Mysteries of Science”, của David Savold và Julia Leigh (chủ bút), và một tiêu đề bắt mắt tôi: “Tuyết có những kết tinh tiêu biểu nào không?”

Cuốn sách nầy nêu lên một điểm rằng, hơn hằng triệu năm, không có hai tinh thể tuyết kết tinh giống hệt nhau. Khi còn bé, tôi đã học điều nầy. Chẳng có gì mới. Tuy nhiên, câu kết luận ấy làm tôi vui mừng, nó không gì khác hơn khái niệm chung trong nội dung nghiên cứu của tôi.

Ý tưởng mới lóe lên trong trí tôi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm đông nước và nhìn xem những tinh thể của nó?” Ngay lập tức, tôi bảo một nghiên cứu sinh trẻ bắt đầu thí nghiệm (Chi tiết của cuộc thí nghiệm sẽ được giải thích sau trong cuốn sách nầy). Sau hai tháng vật lộn, vào tháng chín, cậu ta đã có khả năng chụp một tấm hình tinh thể đông đá có sáu cạnh đẹp. Đó là tấm hình tinh thể nước đầu tiên được chụp.

Đương nhiên, khi cuốn sách có tựa đề Hado no Shinri (Sự thật của sự thay đổi sóng – PHP Xb, tháng11, 1994) được xuất bản đầu tiên về những khám phá nước của tôi. Tôi không hề có ý nghĩ ngây thơ rằng, cuốn sách đó sẽ được công nhận với sự ngạc nhiên, tán thán của thế giới và tạo ra tiếng vang mạnh mẽ đối với con người. Tôi chỉ giả sử là, có một người nào khác ắt hẳn có thực hiện một cái gì tương tự và có lẽ nhờ công trình nghiên cứu ban đầu của tôi – họ sẽ tiếp tục bước đi mà thôi.

Từ đó, tôi bị nước “xoáy vào”. Vào năm 1994, sau khi chụp hình những tinh thể nước thành công, chúng tôi thu thập những hình tinh thể nước trong năm năm liền. Suốt trong thời gian nầy, tôi xuất bản mấy cuốn sách về đề tài hado (năng lượng hay sự chuyển động vốn có trong mọi thứ, sau nầy sẽ được giải thích chi tiết hơn) và tôi trình bày công trình nghiên cứu nước của tôi tại ba buổi họp có tính chất học thuật. Tuy nhiên tôi không gặp được người nào biết tí gì về việc nghiên cứu tương tự.

Vào cuối năm 1998, tôi trình bày công trình nghiên cứu nầy tại buổi họp của Xã hội dành cho Khoa học cơ thể người (Society for Human Body Science) được tổ chức tại trường đại học Tenri. Tiến Sĩ Kazuo Murakami, giáo sư tại trường đại học Tukuba là nhà nghiên cứu nổi tiếng về gien (hiện nay là giáo sư danh dự), tình cờ có mặt trong số thính giả. Lần đầu tiên tôi nhận được lời chúc mừng của ông, một khoa học gia có uy tín và quyền thế.

Do đó, tôi quyết định xuất bản những tấm hình nầy trong một cuốn sách có tựa đề là Messages from Water, do vợ tôi – Kazuko – xuất bản. Thời gian xuất bản được định vào tháng 6 năm 1999, và tôi mạo hiểm đính kèm bản dịch tiếng Anh cho toàn văn bản và bắt đầu đề phụ với cụm từ Sekaihatsu (Thế giới đầu tiên). Dùng cả hai tiếng Nhật và Anh cho mỗi lời giải thích của từng bức hình trong cuốn sách nầy, nhờ vậy, nhiều người ngoại quốc chú ý đến nó – và chính điều ấy đã thay đổi đời tôi. Cuốn sách nầy giờ được dịch và xuất bản thành hai mươi ba thứ tiếng.

Thời gian trôi qua, và đã được sáu năm kể từ đó, bây giờ tôi nhận nhiều lời mời nói về đề tài nước và hađô (hado) trên khắp thế giới. Người ta đã tỏ ra thích thú, quan tâm về đề tài cùng công trình nghiên cứu của tôi và tôi được đáp trả quà tặng vật chất tràn ngập.
Cách đây khoảng ba năm, tôi được ông giám đốc “Những mối liên hệ công cộng” ở Siemens phỏng vấn. Sau lần phỏng vấn đó, tôi nghe rằng công ty nầy bắt đầu cung cấp nước cho năng lượng tốt (hado water) tại quán ăn tự phục vụ của họ. Tại Augsburg, hằng năm tôi được mời để nói về hađô cho xấp xỉ gần một ngàn người. Từ năm 2002, họ dùng hađô cho tên của những tập tiểu luận của họ. Hađô trở thành một từ độc lập ở Đức.

Ở Hà Lan, tôi được vinh dự gặp công chúa Irene, chị của hoàng hậu Beatrix. Công chúa Irene là nhà tự nhiên học, và cô mời bảy hay tám học giả để thảo luận riêng. Tôi được chọn là một đại biểu tri thức liên quan đến nước. Những buổi thảo luận nầy – gồm cả nhà nghiên cứu sinh vật học nổi tiếng người Anh, ông Rupert Sheldrake – được biên tập lại, thành sách, sau đó được xuất bản bằng tiếng Hà Lan (Xin xem phần sau cuốn sách nầy nhiều chi tiết hơn về những cuốn sách hiện có). (1)

Ở Bắc Mỹ, tôi đã thuyết trình trong nhiều thành phố thuộc Hiệp Chủng Quốc và hai lần tại trường đại học Harward, và tôi cũng đã nhận được nhiều lời mời từ Canada – ở đây có sự quan tâm nhiều đến thiên nhiên và những vấn đề môi trường. Suốt trong chuyến đi hội nghị chuyên đề ở Canada vào tháng 5 năm 2003, tôi viếng thăm Victoria, Calgary, Edmonton, Montreal và Toronto, ở đây đang có chủ đề quan tâm chính là “Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS)”.

Càng viếng thăm nhiều nước, tôi càng tạo ra tiếng vang tốt đến nhiều người. Tuy nhiên, tôi chưa gặp một ai đang làm công việc như tôi hay người nào đang làm những công trình tương tự. Một người bình thường, không có kiến thức đặc biệt hay có liên hệ đến khoa học tự nhiên và tôn giáo nào như tôi – nay trở thành người nghiên cứu nước, lại thuyết giảng khắp thế giới và viết sách về nước, hết cuốn nầy đến cuốn khác để phiên dịch, in ấn và xuất bản cũng là chuyện lạ! Sự kiện nầy chứng tỏ công trình nghiên cứu khiêm tốn và nhỏ nhoi về nước của tôi đã được thực hiện ở trong hoàn cảnh mà bấy lâu nay trên thế giới – năng lượng thực sự của nước dường như đã bị mọi người lãng quên!

Nước chiếm 70% trong cơ thể người lớn. Do đó trong thế giới vật chất, có thể nói rằng chúng ta là nước cũng không ngoa vậy. Tuy nhiên, hiếm ai khám phá sự kỳ diệu của nước mãi cho đến bây giờ. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta không hiểu thiên nhiên, không hiểu người khác, cũng không hiểu tinh hoa của chính chúng ta.

Thông thường chúng ta uống nước mà không chú ý nhiều đến nó. Ai cũng biết rằng nước quan trọng để duy trì đời sống và sự sống, nhưng bởi vì tính sẵn gần của nó, ở đâu cũng có nên rất hiếm khi mọi người có ý thức đánh giá cao về nước. Sau đây là vài câu hỏi và những ý tưởng để suy nghĩ, những vấn đề mà chúng ta sẽ khảo sát tỉ mỉ trong cuốn sách nầy:

* Bạn suy nghĩ nghiêm túc như thế nào về những đặc tính của nước?
* Bạn có ý thức rằng, nước bạn uống có khả năng cải thiện sức khỏe và đời sống bạn không?
* Bạn có biết rằng, ý thức bạn có khả năng thay đổi phẩm chất của nước không? Khi bạn gởi lòng tri ân đến nước, phẩm chất nước cải thiện tốt hơn. Khi bạn gọi nước bằng những tên khác – ví dụ xấu – hay phớt lờ đi, nước giảm mất phẩm chất của nó.

Người ta nói thế kỷ thứ hai mươi mốt được cho là kỷ nguyên của chòm sao Bảo Bình; và trong chiêm tinh, chòm sao này là dấu hiệu của người mang nước. Và Hiệp Chủng Quốc đã chỉ định năm 2005 như là “Khởi đầu của thập niên Nước (2005-2014)”. Đấy là sự thực nên chúng ta không cần phải phô trương ầm ĩ về điều nầy.

Chúng ta hãy học thêm nhiều hơn nữa về nước. Chúng ta phải chú ý đến nước nhiều hơn nữa. Sau đó chúng ta hãy học thêm về chúng ta. Bạn càng biết nhiều về nước, bạn sẽ càng thấy rõ chính bạn hơn, bạn sẽ thấy xã hội, đất nước, thế giới, địa cầu, vũ trụ và cuối cùng là chư thiên – tất cả đó chúng rung động, ảnh hưởng nhau như thế nào! Chính vì “Nước là nguyên lý đầu tiên của vạn vật,” như triết gia Hy Lạp Thales đã nói mấy trăm năm trước Tây lịch kỷ nguyên.

Nếu cuốn sách nầy cung cấp cho bạn cơ hội có ý nghĩ tích cực về nước và nghĩ về những gì ẩn ý hàm tàng trong nó – để sống mạnh khỏe và hạnh phúc hơn, thì đó là niềm vui to lớn nhất đối với một tác giả tầm thường như tôi.

Tôi mang ơn ông Akihiro Maruki của Kodasha, chủ nhiệm khoa Văn hóa Đời sống, và cô Azusa Shinmi, chủ bút, đã cho phép in cuốn sách nầy bằng tiếng Nhật. Tôi cũng gởi lời cảm ơn đến Noriko Hosoyamada về bản dịch tiếng Anh của cô và NXB Beyond Words đã xuất bản cuốn sách nầy bằng tiếng Anh.

Thay mặt nước, tôi bày tỏ lòng tri ân của tôi. Cuối cùng, tôi dâng tặng “tình thương và lòng tri ân” đến tất cả chư vị độc giả.