Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59381 Lượt xem

 VỚI TÔN GIẢ A-NAN-ĐA

 
 

H

ôm nọ, bậc Tướng quân Chánh pháp đang đi khất thực ở thành Xá Vệ, ngài chợt thấy một đứa bé không một mảnh vải che thân, đang bới tìm vật thực trong đống rác như một con quỷ ăn bùn, thân hình ốm tong teo tựa que củi. Tôn giả tự nghĩ: “Không biết nó là con ai? Ở đâu? Lại sống đời lang thang đói khổ không nhà không cửa như vậy?” Khởi lòng từ mẫn đối với nó, ngài gọi:

– Này con, hãy đến đây coi nào!

Ðứa bé nhìn thấy dung nghi trang nghiêm của trưởng lão, sợ hãi, đứng khép nép một bên.

– Con sống ở làng nào? Cha mẹ con ở đâu?

– Thưa ngài! Đứa bé lễ phép nói – Con không có nơi nương tựa. Cha mẹ con vì con, vì con là số đen nên đời sống quá khốn khổ. Hôm nọ, mẹ con trao cho con một cái bát, đẩy con vào chợ rồi trốn đi!

Tôn giả ân cần hỏi:

– Hiện giờ con có đói không? Con có muốn ăn chút gì không?

– Dạ, con đói, con luôn luôn đói!

Tôn giả ngồi xuống, mở bình bát – trong ấy chỉ có một cái bánh nhỏ, lấy cho đứa bé rồi nói:

– Con hãy ăn đi!

Ðứa bé sung sướng cầm cái bánh, cắn một miếng. Bất chợt một con chó đi ngang, đớp cái bánh rồi chạy mất. Ðứa bé nhìn theo, khóc tấm tức.

Tôn giả phải dỗ:

– Thôi được rồi, rồi con sẽ được ăn no.

– Dạ!

– Con có muốn sống đời xuất gia như ta không?

– Con muốn lắm, nhưng ai sẽ nhận một kẻ khốn nạn như con?

– Ta, ta sẽ nhận con! Ta sẽ cho con xuất gia!

Với đứa bé bên chân, tôn giả lại đi bát tiếp tục. Lạ lùng sao, cả thành phố Xá Vệ vốn rất kính trọng và đặt đức tin nơi tôn giả, nhưng mà sáng hôm ấy ngài chẳng có được chút vật thực nào.

Về lại tịnh xá, tôn giả Xá Lợi Phất đi tìm gặp đại đức A Nan Đa:

– Này hiền đệ! Hiền đệ hãy xem đứa bé khốn khổ này!

Đại đức A Nan Đa rất giàu lòng bi mẫn, thấy đứa bé ngài vô cùng thương xót, lấy bánh cho ăn. Nhưng đứa bé chỉ ăn được cái bánh thứ nhất, qua cái thứ hai thì một con chim diều hâu bay qua, tha cái bánh đi mất.

Thấy chuyện lạ lùng, tôn giả Xá Lợi Phất kể chuyện ngoài đường phố cho đại đức A Nan Đa nghe. Cả hai thừ người ra suy nghĩ.

Chợt tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Bây giờ chúng ta sẽ tắm rửa, mặc y áo rồi cạo đầu xuất gia cho nó.

Xong xuôi, tôn giả Xá Lợi Phất lại ôm bát ra đi, chỉ mới vài con đường nhỏ, ngài đã đầy bát. Trở lại tịnh xá, tôn giả Xá Lợi Phất nói với ngài A Nan Đa:

– Bây giờ hiền đệ ngồi một bên, ta ngồi một bên; cầm cái bát trong tay rồi chúng ta sẽ cho đứa bé ăn.

Ngài A Nan Đa không hiểu:

– Tại sao?

– Ðứa bé này nghiệp rất nặng, suốt đời phải chịu quả báo rất khốc liệt, nó sẽ không bao giờ được ăn no.

Ðứa bé bây giờ đã trong tăng tướng một sa-di, trông sáng sủa hơn một chút nhưng gầy gò, ốm yếu rất tội nghiệp.

– Hãy ăn đi, này con! Hãy ăn cho no!

Ðược khuyến khích, nó bốc bánh ăn, bốc cơm ăn. Nhưng vừa mới ăn được một ít nó liền bị đau bụng ỉa chảy, nó chạy một mạch ra nhà xí. Ðến khi nó giặt y nội, hết đau bụng thì đã quá ngọ. Tội cho hai vị tôn giả, hôm đó, cả hai vị đều không ăn!

Do biết được chuyện nghiệp nhân quá khứ của đứa trẻ, tôn giả Xá Lợi Phất kể lại cho đại đức A Nan Đa nghe:

– Thời Phật Ca Diếp, trong một tịnh xá kia có một tỳ-khưu giữ giới trong sạch, chuyên tu thiền quán, tính tình bộc trực, hồn nhiên.

Hôm kia, qua làng là một trưởng lão lục căn thanh tịnh, người thí chủ của vị tỳ-khưu trú xứ bản địa trông thấy thỉnh về nhà, cúng dường món ăn rồi nghe pháp. Buổi chiều, người thí chủ thỉnh trưởng lão về tịnh xá nghỉ ngơi. Mấy ngày hôm sau, thí chủ dâng cúng thực phẩm thượng vị vào buổi trưa, dâng cúng những loại nước trái cây, hương hoa… vào buổi chiều. Thấy vậy, vị tỳ-khưu tâm tư không được vui, nghĩ rằng tâm người thí chủ hôm nay đã bị chia hai . Ðến lúc nào đó người thí chủ sẽ không cần đến mình nữa. Vậy làm thế nào để đuổi vị trưởng lão kia đi.

Quán tâm, vị trưởng lão biết tâm của vị trụ trì, đêm ấy ngài ngồi trọn đêm, thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Gần sáng, ngài dọn dẹp sàng tọa, quét dọn các nơi, cất đặt mọi thứ xong xuôi, cầm bát bay qua hư không đi về một trú xứ khác.

Vị trụ trì không biết, buổi sáng, lấy móng tay cào nhẹ nơi cái chuông, gõ nhẹ nơi cánh cửa rồi đến nhà thí chủ. Thí chủ hỏi tin về vị khách tăng, vị trụ trì đáp:

– Bần đạo không rõ. Sáng ngày hôm nay, bần đạo đã đánh chuông, đã gõ cửa nhưng không thể đánh thức vị ấy được. Có lẽ món ăn thượng vị hôm qua chưa tiêu hóa hết nên vị ấy đến giờ còn say ngủ chăng?

Vị thí chủ sau khi dâng cúng một phần vật thực cho vị trụ trì, gói thêm một phần khác nhờ vị trụ trì mang về cho vị khách tăng. Trên đường về, tâm tư vị tỳ-khưu kia phiền muộn, nghĩ rằng: “Nếu hắn ta được ăn mãi những món thượng vị như thế này thì có ai nắm cổ đuổi đi hắn cũng không chịu đi đâu. Giờ đem cho? Sẽ bị bại lộ! Ðổ xuống nước? Sanh tô sẽ nổi lên và sẽ bị thấy! Quăng trên đất? Lũ quạ sẽ tụ họp, kẻ qua đường sẽ biết!”

Cuối cùng, khi đi qua một đám ruộng đang được đốt, vị tỳ-khưu khều cả đống than đỏ hừng hực rồi thiêu cháy phần vật thực. Y khoan khoái, xoa tay hài lòng.

Về lại tịnh xá, mở cửa nhìn chỗ khách tăng, thấy đâu đó sạch sẽ, ngăn nắp, vị trụ trì giật mình. Vậy là y đã biết rõ tâm tư của ta. Vì biết rõ tâm tư của ta, y đã không quấy nhiễu, lặng lẽ như tâm của một vị Thánh, bỏ đi nơi khác.

Nghĩ vậy, nỗi sợ hãi nổi lên, tâm y như bị thiêu đốt. Suốt thời gian dài cho đến lúc mạng chung, vị tỳ-khưu kia luôn luôn dằn vặt, khổ sở, ưu sầu; luôn luôn nhu có một lò lửa nằm ở trong ruột gan. Chấm dứt thọ mạng, vị tỳ-khưu kia rơi xuống địa ngục, bị đốt, bị nấu mấy trăm ngàn năm.

Nghe quả báo, đại đức A Nan Đa cảm thán:

– Vì một miếng ăn mà khổ thế đấy. Thế rồi sau đó ra sao hở hiền huynh?

– Sau đó, năm trăm kiếp làm dạ-xoa đói, không được ăn no bụng dầu chỉ một ngày. Có một bữa được no bởi ăn đồ ố nhiễm của thai bào. Hết năm trăm kiếp dạ-xoa là năm trăm kiếp làm chó đói, chẳng bao giờ được no bụng, chỉ có một bữa no do ăn đồ ói mửa của người khác. Hết kiếp chó, nó sinh ra trong ngôi làng nghèo đói, vào một gia đình cùng khổ nhất. Từ khi nó sinh ra, gia đình kia trở nên khốn quẩn, cùng cực, cuối cùng phải đuổi nó đi. Rồi cứ thế, nó bị tống từ nơi này sang nơi khác. Ở một ngôi làng biên địa, nó làm thuê sinh sống, lấy một người đàn bà bần khổ và sinh được hai con. Từ khi nó ở đây, ngôi làng này bị vua xử phạt bảy lần, nhà cửa bị cháy bảy lần và sông hồ bị khô hạn bảy lần. Dân làng biết nó là con số đen nên tống cổ nó đi. Ðến một ngôi rừng, một phi nhân ăn thịt vợ và hai con của nó. Lại đau khổ, lang thang, nó đến một vùng biển, xin làm thuê trên một chiếc tàu. Tàu đi bảy ngày thì bị đứng yên như bị mắc cạn. Họ rút thăm xem ai là con số đen. Cả bảy lần thăm đều rơi vào tay nó. Người ta quăng nó xuống chiếc bè trên biển rồi bỏ đi.

Đại đức A Nan Đa nghe đến sởn tóc gáy.

– Ôi! Quả báo thật là khủng khiếp.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại tiếp tục:

– Vậy mà đã hết đâu. Suốt năm trăm kiếp nó sinh làm người khốn khổ như vậy. Kiếp này, nó sinh trong một làng đánh cá ở nước Kosala. Từ khi nó ở trong thai bào, cả ngàn gia đình đánh cá ấy rơi vào nghèo đói. Ðã thế, cả làng bị vua xử phạt bảy lần, làng bốc cháy bảy lần. Họ bèn tìm con số đen. Họ phân thành hai nhóm, một nhóm năm trăm gia đình. Thế rồi năm trăm gia đình kia được sung túc, năm trăm gia đình có nó lại nghèo đói. Họ phân chia nữa, cuối cùng tìm ra được gia đình nó, tẩn xuất ra khỏi làng. Khốn khổ thay người đàn bà bụng mang dạ chửa, lê lết tấm thân đi xin ăn không bao giờ đủ no. Khi sinh đứa bé đã biết đi, biết chạy, người Mẹ giao cho nó một cái bát, đẩy vào trong chợ rồi bỏ trốn… Chính lúc ấy, ta thấy nó và dẫn nó về đây!

Kể xong, không khí như lặng lại. Đại đức A Nan Đa nói:

– Cái bánh ngoài đường phố – chó ăn! Cái bánh ở đây – diều hâu tha! Khi chúng ta cầm bát muốn cho nó ăn no – thì nó đau bụng!

Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Từ trước đến nay, hiền đệ thường thích nhận trọng trách cho xuất gia sa-di, đến tuổi thọ đại giới, hiền đệ thường dẫn đến ta làm thầy tế độ. Ðệ tử chung của chúng ta đến nay có thể lên đến năm trăm vị rồi. Riêng đứa bé này quá đặc biệt, ta cho nó xuất gia, nhưng hiền đệ chịu khó lưu tâm một chút. Sở dĩ huynh phải kể dông dài về quá khứ như vậy là vì nhờ có một thời y tu hành tinh tấn, duyên ấy giúp y sẽ thành tựu đạo quả A La Hán vào cuối đời!

– Thưa vâng, hiền huynh!

Ðã dặn dò đại đức A Nan Đa kỹ lưỡng như vậy mà tôn giả Xá Lợi Phất lại còn dẫn chú sa-di đến gặp La Hầu La, kể tóm tắt cho La Hầu La nghe, rồi nói:

– Vậy con cố gắng chăm sóc cho chú tân sa-di này nhé! Vật thực, cơm, cháo, bánh gì đó – con hằng lưu tâm chia xớt cho chú với nhé! Chú đã khổ sở quá nhiều kiếp sống rồi. Ðại gia đình của đức Tôn  Sư sẽ là mái nhà ấm cúng nhất cho chú ấy làm nơi nương tựa.

 

Tình cảm của đại đức A Nan Đa đối với tôn giả Xá Lợi Phất rất sâu đậm, và tôn giả đối với đại đức cũng như vậy. Không phải hai vị chỉ liên hệ với nhau bởi đám môn đồ mà vì quý trọng, thương mến phẩm cách của nhau. Đại đức A Nan Đa dầu chưa đắc được quả vị cuối cùng nhưng đã được đức Thế Tôn tán thán trước đại chúng rằng:

– Này các thầy tỳ-khưu! Có năm lý do mà Như Lai coi A Nan Đa như là một vị đại đệ tử. Năm lý do ấy là gì? Thứ nhất, A Nan Đa có sức học uyên thâm, ngoại trừ Xá Lợi Phất ra, không ai bì được. Thứ hai, A Nan Đa có một trí nhớ thật phi thường, chẳng ai trong giáo hội này sánh được. Thứ ba, A Nan Đa giữ giới luật và phẩm hạnh rất trong sạch, cao thượng. Thứ tư, A Nan Đa là một sa-môn rất kiên trì học hỏi, kiên trì công việc và kiên trì trong việc giáo giới người khác. Và thứ năm, là A Nan Đa luôn luôn chuyên tâm cần mẫn trong mọi việc dầu nhỏ hay lớn. Bởi có năm phẩm chất lỗi lạc ấy mà Như Lai coi trọng A Nan Đa, khen ngợi A Nan Đa vô cùng!

Còn đối với Xá Lợi Phất, có lần đức Thế Tôn hỏi A Nan Đa rằng:

– Này A Nan Đa! Trong hàng tứ chúng có rất nhiều người quý trọng và cảm mến Xá Lợi Phất, vậy còn ông thì sao? Ông có bằng lòng vị sa-môn ấy không?

Tôn giả A Nan Đa đáp:

– Bạch đức Thế Tôn! Ai mà không bằng lòng tôn giả Xá Lợi Phất trừ phi người ấy khờ dại, ngu muội hoặc tinh thần thấp kém, tối tăm và hư hỏng.

 Bạch đức Thế Tôn! Sa-môn Xá Lợi Phất là một vị tỳ-khưu hoàn toàn siêu việt, có một sức học và một trí tuệ vô biên. Thế gian này khó kiếm ra được một người có kiến thức quảng bác, một tâm hồn trong sáng, một lý trí sắc bén, một tấm lòng quảng đại, bao dung… như tôn giả ấy. Ngoài ra, vị sư huynh của con là tấm gương chói lọi nhất về một đời sống ít ham muốn, biết đủ, vắng lặng, ưa tĩnh cư, không thích nơi ồn ào, huyên náo. Bậc Tướng quân Chánh pháp lại là người giàu nghị lực, giàu ý chí, có tài biện luận chưa hề thua ai trong tam giới. Ðại huynh của con còn có cả nghệ thuật biết lắng nghe người khác, lắng nghe một cách chăm chú, đầy hiểu biết. Là bậc luôn tự chế, luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác, luôn luôn kiểm soát một cách trọn vẹn và thù thắng thân, khẩu, ý của mình. Lại là người luôn luôn có nét mặt trong sáng, dịu dàng, cởi mở, vui tươi… Ôi! Phi đức Thế Tôn, trong giáo hội, ngài ấy là ngôi sao sáng về tất cả mọi phương diện vậy.

Sự tán thán, ca tụng của đại đức A Nan Đa về vị huynh trưởng của mình có lẽ là hết chữ nghĩa; vả chăng, điều ấy cũng là đúng sự thật. Những tâm hồn cao cả thường yêu mến những tâm hồn cao cả. Chính tôn giả Xá Lợi Phất khi được người ta dâng cúng vật gì quý báu, cũng để dành lại, trao tặng ngài A Nan Đa. Mà đại đức A Nan Đa cũng vậy. Lần nọ, ngài A Nan Đa được một ông bà-la-môn dâng cúng một bộ y quý giá, đại đức muốn để dành dâng đến tôn giả Xá Lợi Phất mà không biết làm sao, vì theo luật, một vị tỳ-khưu không được phép giữ y lâu nếu chưa xả y cũ mà lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất lại đi công tác Phật sự xa, mười hôm sau mới về!

Thế là đại đức A Nan Đa bèn bạch Phật, trình bày lại sự việc. Thấy tấm lòng thành khẩn và chí tình của đại đức A Nan Đa nên chính đức Tôn Sư đành phải “du di” thay đổi lại điều luật:

– Thôi được rồi, A Nan Đa! Nếu Xá Lợi Phất mười hôm nữa mới về thì bắt đầu từ hôm nay, Như Lai cho phép chư tỳ-khưu được giữ y trong vòng mười hôm vậy.

Ôi! Các điều luật của đức Ðạo Sư rất là phóng khoáng mà tình lý trọn vẹn, dễ mến xiết bao!

 

Có một số vị tỳ-khưu bàn tán rằng, vì đại đức A Nan Đa là bậc hữu học nên mới có những tình cảm riêng tư như vậy đối với tôn giả Xá Lợi Phất. Ðiều ấy là sai lầm. Đại đức A Nan Đa thường tôn kính và yêu mến tất cả những vị Ðại Trưởng Lão giới hạnh trong sạch và trí tuệ uyên thâm. Mà đại biểu cao cả cho giới hạnh và trí tuệ ấy, trong giáo hội, không ai bằng được Xá Lợi Phất. Ðôi khi, tôn giả Xá Lợi Phất lại còn khiển trách nhẹ nhàng đại đức A Nan Đa là khác nữa.

– Này hiền giả A Nan Đa! Hiền giả tiếp xúc với Ni giới nhiều quá đấy!

– Biết làm sao được hở sư huynh, khi Ni giới họ có cảm tình với đệ!

– Tại sao lại có cảm tình?

– Vì từ khi đệ xin cho nữ giới được xuất gia, họ coi đệ như ân nhân của họ.

– Rất nhiều vị trong Ni giới là những mệnh phụ phu nhân, xuất thân cành vàng lá ngọc, vương giả, triệu phú… Họ đẹp đến chim sa, cá lặn – hiền giả có thấy như thế không?

– Thưa vâng!

– Vậy khi tiếp xúc với họ, mắt hiền giả để ở đâu?

– Thưa hiền huynh! Ðệ dường như không thấy!

– Vậy nếu khi đã lỡ thấy thật sự rồi?

– Thì đệ sẽ không nói chuyện!

– Vậy giả dụ họ có thưa hỏi chuyện thì phải làm sao?

– Thì đệ sẽ đề phòng, cương quyết lấy chánh niệm làm người canh cửa!

– Lành thay! Hiền giả thật là tuyệt vời! Nhưng không biết đấy có phải là những điều do hiền giả tự nghĩ ra không?

Bỗng đại đức A Nan Đa chấp tay xá lạy, mỉm cười:

– Chẳng có gì che giấu được đôi mắt sắc bén của hiền huynh! Chính đức Thế Tôn đã chỉ dạy phương pháp đối trị ấy cho đệ đấy!

– Nhưng mà hết Ni giới làm phiền – bây giờ lại đến nữ giới, ai họ đến đây cũng tìm cho bằng được trưởng lão A Nan Đa!

Đại đức A Nan Đa thở dài:

– Ðây là sự thật. Tuy nhiên, mỗi người như vậy lại có một hoàn cảnh thật đáng thương. Ðệ đã dạy đạo cho họ, an ủi họ, sách tấn họ.

– Vậy là tốt! Nhưng mà này hiền giả thân mến – chính vì tình cảm ấy nên hiền giả cứ mãi loay hoay bên này bờ hữu học, hiền giả biết chứ?

– Thưa vâng!

– Còn Tăng tướng của hiền giả cũng đẹp quá. Hiền giả như một nụ hoa tỏa hương thơm ngào ngạt nên ong bướm các nơi lũ lượt tìm đến.

– Ðiều ấy không phải lỗi ở đệ. Ðức Thế Tôn còn đẹp hơn nhiều, hiền huynh cũng đẹp đẽ không kém vậy.

Tôn giả Xá Lợi Phất chợt nói to:

– Vậy là hiền giả hiểu sai ý của ta rồi. Cái đẹp không phải là điều đáng khiển trách. Ta muốn nói rằng: Càng đẹp thì phải càng tinh tấn hơn, giác tỉnh hơn, nghị lực, dõng mãnh nhiều hơn. Phải có một nỗ lực phi thường để thắng lướt tất cả mọi chướng ngại. Sự thành tựu sau này của hiền giả, vì vậy, sẽ là một ngọn đèn lớn soi rạng cho hằng hằng thế hệ, chẳng phải tầm thường đâu.

– Tri ân hiền huynh đã quá khen!

Ðến đây, tôn giả Xá Lợi Phất nắm tay đại đức A Nan Đa ân cần nói:

– Bổn phận của ta đối với giáo hội chỉ là một thời gian ngắn, còn bổn phận của hiền giả đối với giáo hội thì vô tận, không thể đo lường được, hiền giả biết không? Ðừng hiểu lầm ý ta nhé!

Ôi! Thật là rất đạo tình, rất thắm thiết trách gì, sau này, khi nghe tin tôn giả Xá Lợi Phất nhập diệt, đại đức A Nan Đa đã khóc lóc, kêu lên: “Ôi! Khi mà người bạn cao thượng của tôi đã ra đi rồi, thì đối với tôi, cuộc đời như chìm vào trong bóng đêm tối tăm vĩnh viễn!”