Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59274 Lượt xem

KỲ THỌ CẤP CÔ ĐỘC VIÊN

 
 

S

au khi đi một vòng thăm khu đất, tôn giả Xá Lợi Phất nói với ông Tu Đạt:

– Thật là kỳ diệu vậy thay! Ông không những là người có một tấm lòng quảng đại mà còn có con mắt và cả đầu óc kỳ vĩ nữa!

– Con không dám!

Tôn giả khẽ nắm bàn tay con người khiêm tốn, khi họ cùng đi dạo với nhau rồi nói rằng:

– Ông biết không! Ta lấy làm ngạc nhiên khi cả vùng ngoại ô Xá Vệ đất đai mênh mông, bỏ hoang, vô chủ mà ông lại không chọn, lại chỉ chọn vùng đất cam chịu đổi vàng! Ðất này còn quý hơn cả vàng đấy, ông Tu Đạt!

– Xin trưởng lão chỉ dạy.

Họ ngồi bên một con suối nhỏ, nước trong leo lẻo, đàn cá trắng đỏ vàng chao lượn nhởn nhơ. Tôn giả cúi xuống vốc một bụm nước:

– Nước này thơm ngọt và mát lành như nước của cung trời. Thuở xưa ta học về nghề thuốc nên ta biết rằng nước này uống vào sẽ lợi thận, thông tiểu, chắc răng, sáng mắt; nó còn lọc sạch dạ dày và đường ruột nữa.

– Kỳ lạ thế ư?

Tôn giả đi vài bước, bóc một mảng vỏ cây, chỉ cho ông Tu Đạt xem một số loài cây và một số loài hoa.

– Các vỏ cây này, lá này và hoa này đều có những mùi thơm khác nhau do chất nhựa tiết ra khác nhau. Thứ thì muỗi mòng phải tránh xa, thứ thì khử tất cả mọi ô nhiễm, chất độc, thứ thì bảo vệ con người thoát khỏi các chứng bệnh họ hen, nhức đầu, sỗ mũi…

– Thật là kỳ lạ!

Bây giờ thì họ đang ngồi trên một tảng đá bằng phẳng, trước mặt là dãy núi cong cong che chắn cả hướng Tây Bắc.

– Hướng này là hướng thường có gió độc: ác phong, cuồng phong, hàn phong nhưng dãy núi kia đã ngăn chúng lại rồi. Ngoài ra – Đức Xá Lợi Phất ngập ngừng, vốc một nắm đất lên xem không biết là từ trong đất, trong đá hay trong cây, có một cái gì đó điều hòa được nhiệt độ, làm cho khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm! Thật là lý tưởng, thật tuyệt diệu, thật là tốt cho sức khỏe của đức Thế Tôn!

– Ðúng vậy! Trưởng giả Tu Đạt xuýt xoa – Đại đức quả là bậc bác học, cái gì cũng biết. Trước khi mua đất này, con có hỏi ý kiến một thầy bà-la-môn tinh thông địa lý, phong thủy, ông ta cũng nói như đại đức vậy.

Ngài Xá Lợi Phất lại nói:

– Ðức Thế Tôn từ cung trời Ðẩu Suất, lúc giáng thế, ngài cũng chọn Hy Mã Lạp sơn, nơi tụ hội khí thiêng linh nhất của châu Diêm Phù Đề; còn ông, ông cũng biết lựa chọn một khu đất xinh tươi, một địa linh để sau này làm kinh đô cho giáo pháp. Công đức của ông lớn lắm, ông biết không?

Trưởng giả Tu Đạt rất hể hả trong lòng.

Bây giờ họ đi vào rừng cây. Quả thật, không khí như bốc hương, vạn vật êm đềm, bình lặng. Chợt tôn giả Xá Lợi Phất hỏi:

– Ông cảm thấy trong người như thế nào?

– Thưa, cảm thấy thư thái, sảng khoái; tinh thần như nhẹ lâng lâng…

– Ðúng vậy! Ðức Thế Tôn, các vị A La Hán muốn trú tâm thư thái thì các ngài trú tâm thư thái, muốn trú tâm nhẹ nhàng, lâng lâng thì các ngài trú tâm nhẹ nhàng, lâng lâng. Nhưng đại chúng, chư phàm Tăng, cận sự nam, cận sự nữ thì không thể làm vậy, có phải thế không?

– Thưa, vâng.

– Do vậy, giáo pháp sẽ tăng trưởng rất vững mạnh ở đất này, đâm chồi nẩy lộc ở nơi này, đơm hoa kết trái phú túc, thịnh mãn rồi sẽ lợi lạc vô cùng cho chúng sanh về sau.

Ðứng nhìn những thế đất, chỗ uốn lượn của các ngọn đồi, màu xanh thắm, tươi mát của lá cây, tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Mặc dầu đức Tôn Sư chưa ban hành giới luật căn bản, nhưng có lần, ngài dạy rằng: Mỗi vị tỳ-khưu nửa tháng chỉ nên tắm một lần! Lý do là vì khắp nơi nơi, chỗ nào cũng hạn hán, cũng thiếu nước! Nhưng đây thì không. Ở đây cho dù có mấy ngàn vị cũng dư thừa nước uống và nước sinh hoạt. Nếu biết chỗ, biết chọn đúng nơi để đào những chiếc hồ rộng thì hoa sen, hoa súng sẽ phô thắm hương sắc cả bốn mùa đấy, ông Tu Đạt!

– Thật là kỳ diệu! Kiến thức của đại đức thật là kỳ diệu! Hèn gì đức Thế Tôn bảo rằng chỉ cần một đại đệ tử của Như Lai là đủ! Bây giờ con sẽ rất sung sướng mà kiến tạo nơi đây thành một Ðại Lâm Viên tịnh xá huy hoàng nhất Xá Vệ.

Ngày hôm sau, trưởng giả Tu Đạt cho mời năm thầy bà-la môn tinh thông thiên văn, địa lý, kiến trúc đến đảm nhận công việc. Họ hăng hái chọn đất, chọn hướng, vẽ họa đồ theo gợi ý của trưởng giả Tu Đạt. Họ làm rất nhanh, vì làm nhanh sẽ có phần thưởng xứng đáng.

– Thưa đại đức! Họa đồ xây dựng các thầy bà-la-môn đã vẽ xong, tuy nhiên họ bày ra rất nhiều lễ cúng phiền phức. Xin đại đức chỉ dạy cho con nghe về việc này?

– Trước khi xây dựng, bảo họ đưa cho ta xem lại toàn bộ công trình họa đồ ấy, nhất là hương phòng của đức Thế Tôn và đại giảng đường.

– Thưa vâng!

– Còn các lễ cúng, chủ chốt là họ cúng các sơn thần, thổ địa. Sơn thần, thổ địa cũng có đấy, ông Tu Đạt, tuy nhiên, họ cũng là một loại chúng sanh thôi. Nơi những chỗ núi non, rừng rậm, ao hồ, gò đống, cây cối, làng mạc, ruộng vườn đều có những loại chúng sanh khác nhau ngụ cư. Thường họ là những chư thiên bậc thấp, những địa tiên, những thọ thần, những a-tu-la, những dạ-xoa, những la-sát, những loài rồng. Chúng có thể hiền lành, thiện lương; chúng có thể hung dữ, ác đức. Chúng sống xung quanh ta, gần ta, nhưng ta không thấy vì sắc thân chúng vi tế lắm. Chúng có thể thân thiện với ta, hộ trì giúp đỡ ta mà cũng có thể chúng ghét ta, phá hoại ta!

Này ông Tu Đạt! Nói chung, đấy là các loài phi nhơn. Thế gian thường sợ hãi chúng nhưng đệ tử đức Thế Tôn thì không bao giờ sợ cả. Khi nào làm phước cúng dường thì ông hãy nhớ hồi hướng phước báu đến cho họ. Họ cần phước báu ấy lắm.

– Thưa vâng! Còn các lễ cúng như đầu súc vật các loại, mâm trái cây các loại bày trên những cỗ bàn cao đến ngọn thì có lợi ích gì không, có hiệu quả gì không, thưa  đại đức?

– Không hữu ích gì đâu, ông Tu Đạt! Mỗi loại chúng sanh có cấu tạo thân thể khác nhau, ăn uống khác nhau nên thực phẩm cũng khác nhau. Ví như các vị Phạm Thiên thì thân sắc của họ trong suốt, có hào quang hoặc có ánh sáng. Họ không ăn uống thực phẩm vật chất như cõi người mà họ “ăn uống” bằng các trạng thái tinh thần như lạc, hỷ, xả, thanh tịnh. Lạc, hỷ, xả, thanh tịnh là vật thực của các vị Phạm Thiên.

– Ồ! Thật kỳ diệu!

– Các vị thiên trong sáu cõi trời dục giới thì họ cũng thụ hưởng vật chất. Nhưng vật chất ở đấy rất là tinh khiết, tế vi, tối thượng, ngon quý vô ngần, thế gian quả là không bì được!

– Xin đại đức cho ví dụ.

– Ồ! Lại thế nữa! Này nhé, ông đã từng thấy con bọ hung say sưa chúi mũi, chúc đầu trong những đống phẩn bao giờ chưa?

– Vâng, thấy ạ!

– Ông đã từng thấy giòi bọ nhung nhúc làm một bữa tiệc thịnh soạn trong xác của một sinh vật sình thối chưa?

– Dạ thấy ạ!

– Chư thiên sáu cõi trời dục giới nhìn xuống loài người, thấy vật thực của loài người cũng y như ta nhìn bọ hung, giòi bọ trong đống phẩn và trong xác chết của sinh vật vậy!

– Ồ! Thật là kinh khủng!

– Thân thể con người hôi hám, dơ dáy; tâm địa loài người dơ dáy, hôi hám. Tất cả xú khí ấy bốc thẳng lên trời cao cả trăm do-tuần. Cũng vậy, ta có việc mới bước vào hầm xí, chư thiên có việc mới dám bước xuống châu Diêm Phù Đề nầy!

– Thưa vâng, con đã rõ.

– Cho nên, súc sanh có vật thực của súc sanh, các loại rồng, dạ-xoa, sơn thần, thổ địa đều có những loại vật thực riêng, trong thế giới của riêng họ. Vật thực của loài người họ không dùng được. Ðức Thế Tôn dạy rằng, phước báu mà chúng ta đã làm, hồi hướng phước báu ấy đến họ thì phước báu sẽ biến thành thực phẩm riêng cho mỗi loài, mỗi loại. Họ sẽ theo đó mà tùy nghi thọ hưởng. Hồi hướng là việc cần phải làm, lễ cúng mâm cao cỗ đầy là việc vô ích. Ông hãy nhớ vậy nhé!

– Thưa vâng!

– Còn đức Thế Tôn và tăng chúng thì ông khỏi lo. Ðức Phật và tăng chúng thường có uy đức rất lớn. Có đức Thế Tôn và tăng chúng ở đây thì các loài phi nhân kia phải chịu mình một phép, không dám hỗn hào, xấc xược, phá phách đâu. Sau này, chúng sẽ tìm đức Thế Tôn mà quy y nữa đấy. Rồi chúng sẽ trở thành một lực lượng hộ pháp cho giáo hội của  đức Tôn Sư.

– Lành thay! Con thật vô cùng hoan hỷ.

 

Cái tin ông trưởng giả Tu Đạt mua đất đổi vàng đã xôn xao cả kinh thành Xá Vệ, đã chấn động lan xa cả mấy tiểu quốc. Nhưng xôn xao, chấn động nhất, bàn tán sôi nổi nhất là ở trong các giáo phái ngoại đạo, khi họ hay tin đất ấy đã được cúng dường cho giáo hội đức Gotama. Họ cảm thấy thất vọng, tức giận, ganh tỵ vừa cảm thấy một mối nguy cơ, hiểm hoa sắp gần kề. Giáo pháp của ông Thế Tôn nào đấy mà đặt căn cứ địa ở đây, lại được sự tiếp tay của ông đại triệu phú giàu nứt đố đổ vách kia nữa thì chẳng mấy chốc họ sẽ không có chỗ dung thân!

Hiểm hoa đã đến với chúng ngoại đạo thật sự rồi: Ông triệu phú kia đã thỉnh được một cao đệ của đức Thế Tôn, một vị đệ nhất đại đệ tử thần thông quảng đại đích thân đến đây để xem xét, đôn đốc công trình xây dựng, dự định sẽ hoàn tất trước mùa mưa. Vậy là chúng họp bàn nhau những mưu kế để đối phó.

Buổi sáng, tôn giả Xá Lợi Phất đắp y, mang bát trang nghiêm đi vào thành phố. Theo dự định, ngài sẽ không dừng lại một vài nhà để khất thực, mà ngài sẽ đi vài con đường lớn để xem xét, lắng nghe dân tình. Bóng dáng một sa-môn xuất hiện, uy nghi và từ tốn trên đường phố Xá Vệ quả thật đã làm cho dân chúng tò mò. Và có lẽ họ tò mò hơn khi nghe tin đồn đại về một ông đại đệ tử thần thông biến hóa của một tôn giáo mới, đã dám cả gan không tin Thượng Ðế, lại còn phỉ báng cả thần linh nữa, đang có mặt ở đây! Mới một ngày mà họ đã được rỉ tai cho nhau phải xua đuổi tôn giáo ấy đi, không được thân thiện, không được cung cấp vật thực, ai trái lệnh thì thần linh sẽ vặn cổ, thần tài sẽ không vào nhà nữa và con cái họ sẽ bị tai nạn, tật nguyền, nạn nước, nạn lửa.

Thế là họ cứ thập thò, tụm năm, tụm ba lấm lét nhìn tôn giả đi qua. Và lác đác đây đó từng nhóm côn đồ hung dữ cầm đùi, cầm gậy với sát khí đằng đằng.

Thành phố thật là sầm uất. Rất nhiều tu sĩ thuộc nhiều giáo phái đi khất thực; gặp ngài, họ đứng trố mắt nhìn như một hiện tượng lạ vì ngài thanh sáng quá, tươm tất quá! Có một cái gì rất quý phái, rất hiền lành, rất khiêm nhu từ nơi phong thái, dáng đi của ngài làm cho nhiều người không thể ghét được, không thể xua đuổi được! Tuy nhiên, bởi sự hăm dọa nào đó, khi ngài đứng lại trước cửa mọi nhà thì không ai dám đặt bát cả.

– Không sao! Ngài tự nghĩ: Dẫu không có vật thực thì đệ tử của đức Tôn Sư vẫn giữ tâm bình lặng như đất và mở rộng lòng từ.

Ði thêm vài con đường nữa, vẫn không có chút ít vật thực nào. Thoáng nhìn dân chúng, tôn giả biết là trưởng giả Tu Đạt nhận xét rất đúng: Họ thuần hậu, chất phác, nhưng xen vào đấy, trong bản chất vẫn thấp thoáng một chút gì hoang dã của núi rừng sơ nguyên, rất dễ sinh ra hung dữ và cuồng tín.

Ðến một ngã tư đường, tôn giả thấy một đám côn đồ tụ tập ở đấy. Chúng nguyền rủa:

– Ông sa-môn trọc đầu đê tiện!

– Này con số xui dơ dáy, hãy cút khỏi thành phố!

– Ðừng cho chó ăn nghe bà con! Con chó của ông sa-môn Cồ Ðàm thối tha ấy!

Chưa thôi, chúng còn dàn hàng ngang và chận lại. Mặc cho chúng làm gì thì làm, tôn giả Xá Lợi Phất vẫn trầm tĩnh bước đi. Ở nơi ngài toát ra một uy lực lạ thường làm cho chúng hãi sợ, tự động thụt lùi rồi nhường lối cho ngài. Những lời mạ lị, phỉ báng ở đâu đó cũng như chìm mất, tắt tiếng trong cổ họng!

Từ một góc đường, có mấy tay mặt mày đỏ gay, hung dữ, mùi rượu xông lên nồng nặc, lao ra với đùi và gậy, chúng đánh xuống đầu và vai của tôn giả. Mọi người quanh đấy thất kinh la lên. Họ chạy bu lại.

Ngài Xá Lợi Phất dừng chân, nhìn mấy tên say rượu rồi nói với mọi người:

– Không sao! Họ chỉ là người say rượu thôi, họ không biết họ làm gì đâu! Khi hết say họ sẽ không làm như vậy nữa!

Nói xong, ngài an trú chánh niệm trước mặt rồi lặng lẽ bước đi.

Hay tin bọn côn đồ dám mạo phạm bậc tu hành chơn chánh! Hoàng tử Kỳ Đà trên chiếc xe hai ngựa bước xuống, sắc mặt giận dữ, quát tháo với cái đùi rung rung trong tay. Ðám côn đồ sợ hãi, bỏ chạy tán loạn.

– Ngài sa-môn có sao không?

Tôn giả Xá Lợi Phất chậm rãi đứng lại.

– Xin hoàng tử yên tâm! Thay mặt đức Thế Tôn, tôi hoan hỷ thọ nhận tấm lòng hào sảng của hoàng tử khi cúng dường khu rừng cây!

– Ngài sa-môn sao lại biết tôi?

– Vâng, biết chứ! cám ơn hoàng tử đã ra tay tương trợ, nhưng ngài không có gì phải lo lắng cho tôi đâu. Xin phép được kiếu từ, tôi còn có việc phải làm.

Hoàng tử Kỳ Đà đứng ngẩn ngơ trông theo vị sa-môn kỳ lạ. Với đùi và gậy, với sức đánh như vậy; với lời mạ lị, phỉ báng như vậy mà chỉ như những giọt nước rơi trên lá sen, không dính gì vào tâm của ông sa-môn ấy cả.

Dân chúng thì cảm phục quá, thốt lên:

– Ðúng là đức hạnh của một bậc chân tu.

– Cái đạo ấy sao mà có vẻ hay quá nhỉ?

– Tại sao người ta ngăn cấm chúng ta để bát cho vị sa-môn dễ thương kia?

Hoàng tử Kỳ Đà ngạc nhiên quay lại hỏi:

– Có việc như vậy thật sao?

– Thưa hoàng gia! Chúng tôi được rỉ tai, bị ngăn cấm, bị đe dọa đủ thứ.

– Bọn côn đồ kia cũng từ âm mưu ấy sao?

– Thưa vâng!

Hoàng tử Kỳ Đà nói to:

– Thật bọn chúng không còn coi luật vua, phép nước ra cái gì nữa! Xứ sở này tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người. Ta báo cho dân chúng hay, nội vụ này ta sẽ tấu trình lên đức vua ngay tức khắc. Bọn nào xúi giục dân chúng, chửi mắng, mạ lị, dùng đùi gậy với các vị sa-môn này, ngăn cấm sự đi lại hay ngăn cấm vật thực thì quân đội hoàng gia sẽ trừng trị thẳng tay! Hãy thông báo tin này rộng rãi khắp thành phố. Ta là hoàng tử Kỳ Đà, ta nói là ta làm, chưa có gì mà ta nói được lại không làm được!

Tôn giả Xá Lợi Phất sau cả buổi sáng không ai để bát, thế là ngài phải nhịn đói. Ra khỏi ngoại ô, ngài xin nước uống rồi tìm một vườn cây yên tĩnh, lựa một bóng cây im mát, trải tọa cụ trên đám cỏ bằng, an trú niệm và nhập thiền.

Lát sau, trưởng giả Tu Đạt tất tả chạy đến:

– Thưa đại đức! Ngài có sao không? Con nghe tất cả mọi chuyện do hoàng tử Kỳ Đà báo lại. Trưa nay, ngài chẳng có gì để độ thực!

Tôn giả Xá Lợi Phất đành phải mở mắt ra:

– Không sao đâu, ông Tu Đạt! Hãy về lo công việc của ông, còn đây là công việc của ta kia mà!

– Thưa vâng!

– Ông hãy yên tâm! Không ai có thể có khả năng làm hại đệ tử đức Tôn Sư cho dầu đó là chư thiên, phạm thiên, ma quân hay loài người! Ði bát có vật thực hay không có vật thực cũng chẳng phải là vấn đề của một vị tỳ-khưu! Hiện giờ mục đích của chúng ta là nhiếp phục bọn ngoại đạo! Ông hãy biết rằng, từ bi sẽ thắng hung dữ, oán thù; hỷ xả sẽ thắng ganh ghét, tỵ hiềm; nhẫn nhục sẽ thắng tất cả mọi khó khăn, gai chướng; và dũng lực, ý chí sẽ thắng yếu đuối, ươn hèn. Ðức Tôn Sư đã từng dạy như thế. Ông hãy về chăm lo công việc kiến thiết, xây dựng kẻo ta sẽ buồn vì ông đấy!

– Thưa vâng!

Trưởng giả Tu Đạt không dám không tuân mệnh, chân bước đi mà mặt thì mấy lần ngoảnh lại. Ông tôn kính, cảm phục trưởng lão xiết bao và đồng thời hai hàng nước mắt lại tuôn chảy. Quả thật, đức tính vị tha, quảng đại, cao thượng bao giờ cũng làm xúc động những trái tim chân thật và hướng thượng.

Khi tôn giả Xá Lợi Phất đang an trú định thì chúng ngoại đạo lại tìm đến vây quanh. Một vài người lấy đá sỏi chọi vào, nói nhiều lời thô tục nhưng ngài vẫn bình tĩnh như không. Ðột nhiên lúc ấy có hai đạo sĩ tóc búi, dáng dấp phương phi đường bệ xô vẹt đám đông bước vào, chăm chú nhìn tôn giả Xá Lợi Phất.

Một người nói:

– Ðây chính là tôn giả Xá Lợi Phất, đệ tử của ông Cồ Đàm.

Người kia hỏi:

– Nghe nói ông ta pháp thuật cao siêu lắm phải không?

Ðám đông có người chỏ miệng vào:

– Ðúng đấy! Ðùi, gậy, đá, sỏi không làm ông đau! Chửi mắng, phỉ báng ông coi như pha!

– Nếu lỡ ông ấy tức giận, ông trổ pháp thuật thì chúng ta chạy đâu cho thoát?

– Coi chừng đấy! Người mà dám đơn thân độc mã đến xứ này tuyên truyền cho một tôn giáo mới thì không phải là kẻ tầm thường đâu!

– Tôn giáo mới ấy ra sao?

– Sao ông ta đẹp quá vậy?

– Hắn có theo kinh điển Vệ Đà không?

Ðám đông lao xao như vỡ chợ. Người đạo sĩ tóc búi cất giọng lớn:

– Nghe đây, chư đạo hữu! Cách đây mấy tháng tôi có việc ở kinh thành Vương Xá, nghe nói có một vị Phật, một đấng Toàn Giác xuất hiện ở trên đời. Đấy là ông Cồ Đàm, thuộc dòng dõi Thái Dương, giai cấp sát-đế-lỵ, họ là Thích Ca, ở một vương quốc xinh xắn mỹ lệ bên cạnh chúng ta đây thôi, ấy là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Ông Cồ Đàm này đã được phong làm thái tử, nhưng ông đã khẳng khái từ bỏ vương vị, vợ đẹp con thơ, điện ngọc lầu vàng như quẳng chiếc áo rách. Ông tu khổ hạnh sáu năm, sau đó thành đạo dưới cội cây Bồ Đề bên sông Ni Liên. Từ đó ông gióng một tiếng trống Pháp chưa từng được nghe mà họ gọi là Tiếng Trống Bất Tử, đầu tiên độ cho năm vị đại đạo sĩ, hiền triết nổi danh ở vườn Lộc Giả.

– Ồ!

Một số người kinh ngạc vì trong bọn họ đã có người nghe danh năm anh em Kiều Trần Như (Koṇḍaññā). Người kia cất giọng rành rõi:

– Sau đó, ông tiếp tục độ cho những ông hoàng quý tộc, những trưởng giả giàu sang thành tỳ-khưu, không biết cơ man nào mà kể! Ông hô: “Lại đây, này tỳ-khưu!” thế là các vị đó tự nhiên râu tóc rụng hết, y áo đỏ chói như san hô ở đâu đó không biết, trong chớp mắt đã có sẵn trên người họ; rồi bát nữa, rồi tám món vật dụng của thầy tỳ-khưu nữa, đều có đủ hết, mới keng! Như mới mua từ thành Xá Vệ này vậy!

– Kỳ lạ! Ðúng là pháp thuật rồi!

Người thuyết trình viên được dịp cao giọng:

– Chư vị có biết con Rắn Thần bảo vệ lửa thiêng trong đền thờ thần lửa của đạo sĩ tóc búi không?

– Biết chứ! Con Rắn Thần ấy to bằng cột đền, dài mười cái đòn gánh, trên đầu có cái mào đỏ cao cả sải tay, khi rắn phì hơi một cái thì lửa tuôn ra có ngọn và khói bốc lên mịt mù như thần mây hóa phép!

– Chư vị! Thế mà ông Cồ Đàm đã từng ở một đêm với Thần Rắn ấy, sáng ngày Rắn Thần nằm bên chân ông ta ngoan ngoãn như một chú mèo con!

– Khiếp!

– Còn ba ngài Ca Diếp cùng một ngàn đồ chúng của họ bây giờ trở thành đệ tử của ông Cồ Đàm ráo trọi!

– Này! Ngài đạo sĩ có lầm không đấy!

– Lầm sao được! Thần thông của ba ngài Ca Diếp chỉ là trò trẻ con đối với ông Cồ Đàm! Chính mắt tôi trông thấy mà!

– Thần thông ấy như thế nào?

– Nói ra chư vị cũng không tin đâu!

– Cứ nói cho chúng tôi mở rộng tầm con mắt.

– Này nhé, hôm đó, hôm đó ông Cồ Đàm đã thò tay lấy quách cái mặt trời bỏ vô bình bát của mình rồi đậy nắp lại!

– Thật không đấy! Ngài có khoác lác không đấy!

– Hèn gì hôm ấy tôi thấy mặt trời đi ngủ sớm, thiên địa tối om om!

– Thần thông như thế nào nữa?

Người kia lại được dịp trổ miệng lưỡi:

– Khi đi đến sông Hằng, ông Cồ Đàm thò bình bát xuống, thế là nước cả dòng sông Hằng cuồn cuộn tuôn chảy vào đấy. Sông thì cạn ráo mà bình bát thì nước mới lưng lửng! Eo ôi! Nhìn xuống sông mới khiếp; nào kình ngư, cá sấu, thuồng luồng, tôm cá, ếch nhái nhảy loi nhoi, trườn bền bệt, quẫy lung tung; thật là chuyện chưa từng thấy!

– Ớn thiệt!

– Có nói quá không đấy!

– Tôi thấy sao thì nói vậy. Mà còn nữa nhé! Nhờ thần thông quảng đại như vậy nên vua Bình Sa, các quan đại thần, hoàng tộc, binh lính mấy vạn người đổ xô đến quy y ông Cồ Đàm hết ráo. Còn tôn giả Xá Lợi Phất đây cùng với ông Mục Kiền Liên là hai trưởng giáo bà-la-môn sừng sỏ ở Upatissa và Kolita cũng trở về quy giáo ông Cồ Đàm với đồ chúng hai trăm rưỡi người.

– Có lẽ là hiện thân của thần Krishna chăng?

– Hay là con cái của thần Rama?

Tôn giả Xá Lợi Phất lúc ấy đang trú “quang định” nên tự thân ngài phát quang, càng trú sâu thì vùng ánh sáng trắng càng tỏa rộng.

– Coi kìa!

– Ði thôi các bạn ơi! Ðừng có chọc thần linh mà khốn!

– Xin ngài tha tội cho chúng con!

Chúng ngoại đạo bây giờ mới sụp xuống, vái lạy hết lòng thành kính.

– Dù có cho mấy ngàn đồng tiền vàng, từ nay chúng con không dám đụng đến các vị sa-môn của tôn giáo này nữa.

Thế rồi bọn chúng kéo đi. Quân binh của nhà vua rầm rập các ngã đường. Những ống loa được lan truyền đi khắp mọi nơi, thông báo nghiêm lệnh của đức vua về vấn đề tự do tín ngưỡng và truy lùng bọn côn đồ hành hung tôn giả Xá Lợi Phất.

Suốt đêm, tôn giả Xá Lợi Phất được yên ổn. Và ngày hôm sau khi đi bát, dân chúng vui sướng đặt bát cho ngài. Những phẩm chất cao thượng của ngài đã được dân chúng đồn đại, thêu dệt làm cho danh tiếng của ngài càng thêm vang dội. Người ta còn truyền miệng nhau về thần thông biến hóa lạ lùng của ngài nữa!

Chúng ngoại đạo, tiểu nhân đã cố hại bậc thánh thật chẳng khác gì quăng đá lên trời, đá rơi xuống đầu chúng; chẳng khác gì nhổ nước bọt ngược chiều gió, tự làm hoen lấm mặt mày! Nhẫn nhục và từ bi là tất thắng vậy!

Trưởng giả Tu Đạt có lẽ là người mừng vui hơn ai hết sau biến cố ấy. Tuy nhiên, tôn giả Xá Lợi Phất nhìn xa, thấy rộng hơn ông:

– Chúng chưa dễ dàng bỏ cuộc đâu! Ông trưởng giả hãy coi chừng chúng sẽ phá phách công trình xây dựng!

– Xin đại đức an tâm! Hôm qua hoàng tử Kỳ Đà đã tức tốc tâu trình nội vụ lên đức vua. Và ngài đã cho quân lính đến đây để bảo vệ công trình.

– Có nên làm thế không, ông Tu Đạt?

– Thưa, con hiểu. Con chỉ sử dụng gia nhân và người làm công mà thôi. Con đã trả lương thật cao để chúng sốt sắng, nhiệt tâm với công việc bảo vệ.

– Hay lắm! Giỏi lắm! Ông Tu Đạt! Tấm lòng ông dịu dàng như ánh trăng mà trí tuệ ông thì sáng như gương!

Ðược vị Thánh ca ngợi nhưng ông Tu Đạt lại rất mực khiêm cung:

– Con thật không dám thế!

Thế là công trình kiến thiết “Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên” khởi công tốt đẹp. Trưởng giả Tu Đạt cho vời những thợ thầy nổi danh khắp các tiểu quốc. Ông đặt mua vật liệu xây dựng quý giá và chắc bền ở nhiều thành phố, ngày đêm ngựa xe nườm nượp vận chuyển về. Hàng ngàn người làm việc đều được trả lương hậu hỹ, ăn uống đầy đủ. Không có một lời than thở. Không thấy xảy ra các cuộc ẩu đả, tranh cãi nhau. Trên dưới răm rắp một lòng. Tâm ý hòa bình. Mây lành phơi phới. Tiến độ công việc nhanh chóng như có phép lạ.

Hôm kia, vào buổi sớm, trên một mô đất cao trước cổng tịnh xá, trưởng giả Tu Đạt phát hiện có sáu nhành liễu ai cắm lên ở đấy. Một nhóm trẻ nít đang bu quanh.

Ông Tu Đạt hỏi:

– Của ai cắm đấy các con?

– Mấy ông đạo, họ vừa bỏ đi!

Trưởng giả tức tốc báo cho tôn giả Xá Lợi Phất hay. Ông cũng biết đó là dấu hiệu thách thức của chúng ngoại đạo.

Ngài Xá Lợi Phất nói:

– Việc này trước sau gì rồi cũng xảy ra. Ông hãy ra bẻ đọt cành liễu và cắm ngược cả sáu nhánh trở lại trên mô đất.

– Thưa, tại sao ta làm vậy?

– Cắm ngược nhành liễu lại chỗ cũ là ám chỉ chúng ta sẽ đàm đạo trong tinh thần tương kính, ôn hòa!

Yên lặng một lát, trưởng giả lại nói:

– Nếu ta bẻ gãy hoặc ta không nhổ?

– Bẻ gãy là khinh thường họ. Không nhổ là tự ý thua cuộc. Và như vậy thì ta phải cuốn gói ra đi khỏi thành phố này, cuốn gói cả công trình xây dựng, cuốn gói luôn cả giáo pháp của đức Tôn Sư nữa!

– Vậy ra đại đức chấp nhận một cuộc luận tranh?

– Ông không thấy đó sao, không chỉ một, mà là sáu cuộc đấy!

Trưởng giả Tu Đạt có vẻ bần thần lo nghĩ. Tôn giả Xá Lợi Phất lại trấn an:

– Ông cứ ra ngoài mà làm theo lời ta dặn. Và hãy yên tâm đi nhé! Ðệ tử của đức Tôn Sư không phải chỉ nhổ có sáu cành liễu ít ỏi ấy, mà sẽ còn nhổ trăm trăm nghìn nghìn nhành liễu trên khắp toàn cõi châu Diêm Phù Đề, và vĩnh viễn không bao giờ chiến bại!

Thấy nói vậy ông Tu Đạt vẫn còn bất an, tôn giả Xá Lợi Phất nhẹ vỗ vai ông:

– Này ông triệu phú! Trước khi quy y làm môn hạ đức Tôn Sư, ta và Mục Kiền Liên vốn là những trưởng giáo bà-la-môn được gần xa biết tiếng về sức học. Có thời, ta và Mục Kiền Liên lang thang khắp toàn cõi châu Diêm Phù Đề, đã gặp rất nhiều chân sư, đạo sư của thiên hạ. Ta và Mục-kiền-Liên đã từng luận tranh với họ, mặc dù chúng ta không muốn luận thắng họ, nhưng họ cũng chưa hề luận thắng được chúng ta! Lại nữa, đức Tôn Sư, một đấng Toàn Tri Diệu Giác, không có gì hướng tâm đến mà ngài không biết; vậy nếu ở đây công việc khó khăn, sức ta không làm nổi thì đức Tôn Sư đã cắt cử người khác rồi, thảng hoặc, tự đức Tôn Sư sẽ dùng thần thông và sẽ có mặt lúc cần thiết. Như thế thì chẳng có gì đáng phải lo ngại nữa!

– Ðúng vậy, giờ thì con hoàn toàn yên trí.

Sáu nhành liễu được cắm ngược trở xuống không bao lâu thì họ lục tục kéo đến. Họ, chính là đại diện cho sáu tông phái lớn nhỏ có mặt ở thành Xá Vệ, tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ vậy. Nhưng khi họ đến, ngài hơi ngạc nhiên là họ còn rất trẻ, đủ mọi thành phần, sắc phục phức tạp và rất khó xác định là đại biểu cho ai. Ði theo họ, có lẽ là đồ chúng hoặc bằng hữu, lại toát ra cái tĩnh lặng, ôn hòa chứ không hung dữ như bọn côn đồ trên đường phố.

Trên một đám đất bằng, dưới những tàn cây cổ thụ râm mát, họ vây quanh tôn giả Xá Lợi Phất. Một người từ trong đám bước ra, cung tay hỏi:

– Tôn giả chính là Xá Lợi Phất, đại đệ tử của đức Thế Tôn?

Người hỏi rất nhã nhặn và lễ độ, quấn trên vai hờ hững một chiếc phấn tảo y rách nát xuống tận đầu gối; người gầy ốm, thanh tú, đôi mắt rất sâu, tóc dài quá vai.

– Hiền giả có phải là một hành giả Yogi thuộc phái Du Già? Vâng, Xá Lợi Phất chính là tôi.

Người kia mỉm cười, lặng lẽ ngồi xuống theo thế kiết già, y không lót tọa cụ, trả lời:

– Chúng tôi rất kính trọng và cảm phục dấu hiệu hòa hiếu của tôn giả! Chúng tôi là gì mà dám đến đây luận tranh với đấng đại đệ tử của đức Phật! Ðúng là tôi thuộc phái Du Già – y đưa tay chỉ một số người chung quanh – và bằng hữu huynh đệ của chúng tôi cũng vậy, cốt ý đến nghe để học hỏi. Cuối cuộc gặp gỡ này, chúng tôi xin được hỏi vài điều trong giáo pháp của đức Thế Tôn.

Họ gồm bảy người, đều là những hành giả yogi khổ hạnh. Phái nầy đầy dẫy khắp nơi, đi đâu cũng gặp. Họ thường mặc áo vải gai thô, mặc áo bằng da con sơn dương, mặc áo bằng vỏ cây tirita, mặc áo bằng cỏ cát tường bện lại, mặc áo bằng những tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện, đuôi ngựa bện, lông cừu bện… Họ nhổ râu tóc hoặc để râu róc mọc tự do. Họ ngủ trên giường gai, ngủ trên đất. Họ tiết chế ăn uống: Ngày ăn một lần, bảy ngày một lần; một vài muỗng cơm, một vài vá canh… Nhưng những đạo sĩ khổ hạnh này dung mạo lại không xấu xí, nói năng lại rất điềm đạm, ôn hòa; toát ra một vẻ gì đó có chân tu, có thực học. Họ đến ngồi lặng lẽ, kiết già sau lưng vị đại huynh của mình, có lẽ vậy!

Ngài Xá Lợi Phất thân thiện đáp lời:

– Chư hiền là những hành giả yogi trẻ tuổi, trí thức, đạo hạnh; tôi sẽ rất vui sướng mà trao đổi giáo pháp với chư hiền.

Một người khác bước ra:

– Chúng tôi cũng không tranh luận. Chúng tôi nghe rằng giáo pháp của đức Thế Tôn là Diệt Khổ như mục đích tối hậu của chúng tôi. Còn về nhận thức thì giáo pháp của đức Thế Tôn là Vô Ngã mà chúng tôi cũng Vô Ngã. Vậy thì hai quan điểm triết học về vô ngã có gì khác biệt nhau? Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu về điều đó thôi.

Nhóm này chừng năm người. Người dẫn đầu tuổi độ trung niên, cao ráo, phương phi; tóc râu sạch sẽ, đôi mắt có thần sắc, vầng trán cao; choàng cẩn trọng chiếc y màu trắng đã ngả vàng. Những người kia cao thấp, gầy mập khác nhau nhưng thái độ chung cũng bình lặng, ôn hòa.

Tôn giả Xá Lợi Phất cung tay đáp lễ:

– Chư hiền giả có phải là đệ tử của giáo chủ Kapila, một luận sư uyên bác của phái Số Luận nổi danh khắp toàn cõi châu Diêm Phù Đề?

– Vâng! Chính thị! Ðôi mắt tinh tường của tôn giả thật đáng khâm phục!

– Chư hiền! Thật không dám vậy đâu. Vì mục đích Diệt Khổ của chúng ta giống nhau nhưng nhận thức Vô Ngã của chúng ta hoàn toàn khác nhau đấy. Vô Ngã của quý giáo là quan điểm, là chủ trương, là triết học. Quý giáo đã liệt kê ra hai mươi lăm thực thể của một chúng sanh. Hai mươi bốn thực thể đầu tiên liên kết với nhau như một mắc xích, là thành phần vật chất, là vô ngã; nhưng thành phần thứ hai mươi lăm, quí giáo lại bảo nó là thần ngã, siêu ngã, là nguyên lý phổ quát, là năng lực biến hóa hằng hữu, bất sinh bất diệt, có phải thế không?

– Thưa vâng!

– Giáo pháp của đức Tôn Sư không phải là quan điểm, là chủ trương, là triết học, là luận số, là lý giải, là tư tưởng. Ðức Thế Tôn vì thấy như thực nên nói ra toàn bộ cái như thực về thân và tâm ấy, tức là về toàn bộ đất nước lửa gió, cảm giác, tri giác, ý chí, nhận thức, tất cả chúng đều là vô ngã. Thần ngã, siêu ngã ấy không có mặt trong trí tuệ của đức Tôn Sư! Khác nhau là khác ở chỗ ấy, thưa chư hiền!

Các đạo sĩ thuộc phái Số Luận nín lặng, họ nghĩ trong tâm rằng: “Chưa chừng về giáo pháp phái Số Luận và mọi triết học, quan điểm xung quanh nó, vị tôn giả này còn hiểu rõ hơn chúng ta là khác”.  Bèn từ tốn nói:

– Cuối cuộc tranh luận, chúng tôi xin được nghe và học hỏi thêm từ kiến giải của tôn giả.

Họ trải năm tấm tọa cụ xuống rồi lặng lẽ ngồi kiết già, trầm mặc và an tịnh.

Một số người đến đây tuy bên ngoài có vẻ hòa hiếu mà trong tâm họ là quyết thắng, nhưng khi thấy hai nhóm giáo phái có tiếng là sừng sỏ nhất đã sớm bị hạ phong trước uy lực của tôn giả thì họ cũng cùng chung một tâm lý là hơi khớp!

– Trí tuệ sáng sủa thì nhận thức mới sáng sủa. Nhận thức muốn được sáng sủa thì lý luận phải sáng sủa. Lý luận sáng sủa, nhận thức sáng sủa thì mới tìm ra con đường đến Niết Bàn, có phải vậy không tôn giả?

Ngài Xá Lợi Phất mới nghe đã biết đấy là miệng lưỡi của phái Luận Lý rất nổi danh đây đó. Ngài đưa mắt nhìn thấy người hỏi là một vị đạo sĩ mày cao mắt sáng, da trắng, môi mỏng, thần sắc rất trang nghiêm, quàng chiếc y sậm, sạch sẽ, tươm tất.

– Con đường đến Niết Bàn phải đi qua một đạo lộ nghiêm túc, cần tu chứng, liễu tri chứ không thể nào đi bằng con đường lý luận của ngũ đoạn luận như quý phái Luận Lý học chủ trương đâu, thưa hiền giả!

– Câu đáp vừa rồi của tôn giả không phải lý luận là gì? Dẫu tôn giả có trườn uốn cách nào cũng không đi ra khỏi con đường của phái chúng tôi!

Trình bày khác với lý luận, thưa hiền giả!

– Khác nhau ra sao?

– Trình bày là vì thấy, vì biết, vì đã thấy đã biết; còn lý luận là vì chưa thấy, chưa biết!

– Xin được giải thích rõ hơn.

Tôn giả Xá Lợi Phất chợt mỉm cười quay sang hỏi vị đạo sĩ ấy:

– Trước khi trả lời, hiền giả có thể cho biết hiền giả quê quán ở đâu không?

Vị kia dẫu ngạc nhiên nhưng vẫn đáp:

– Quê tôi ở Ba La Nại (Bārāasī).

– Ðường đến Ba La Nại có xa không? Phải bao nhiêu đường đất đi bộ? Bao nhiêu con sông phải vượt qua?

– Không xa lắm, mấy chục do tuần thôi, chỉ cần qua hai con sông nhỏ, có mấy thị trấn sẵn xe ngựa kéo, còn đa phần là đi bộ, lối đi cũng dễ dàng lắm.

– Cám ơn hiền giả đã trình bày cho nghe rất rõ ràng con đường đến Ba La Nại. Sở dĩ hiền giả trình bày được rõ ràng như vậy là vì hiền giả quê quán ở đấy, từng sống ở đấy. Như vậy thì đâu phải hiền giả lý luận con đường về Ba La Nại?

Cả hội chúng bất giác vỗ tay ngợi khen trí tuệ sắc bén của tôn giả. Vị đạo sĩ ngẩn ngơ một hồi rồi quỳ sụp xuống ôm lấy chân tôn giả :

– Chỉ cần một ví dụ nhỏ của bậc trí là đã giúp cho chúng tôi, cả huynh đệ chúng tôi đôi mắt chợt sáng ra. Rất tri ân tôn giả vậy! Rồi chúng tôi sẽ tái ngộ tôn giả sau.

Nói xong, cả sáu người lặng lẽ đến nhổ cành liễu rồi bỏ đi. Ðám đông yên lặng rất lâu trước biến cố đó.

Chợt một đạo sĩ to lớn, cằm vuông, râu hàm én, mặc y màu đất nung, cất giọng ồm ồm:

– Sự vận động, sinh hóa của vạn hữu có ý chí hay không có ý chí, thưa tôn giả?

– Hiền giả hãy xác định rõ ý chí ấy là ý chí của Thượng Ðế, ý chí của cá nhân, ý chí của các định luật, hay là ý chí của các năng lực mù quáng, vô hình?

– Tôi… tôi cũng không rõ! Chắc là ý chí của Thượng Ðế!

Tôn giả Xá Lợi Phất cất giọng ôn tồn:

– Chính hiền giả cũng chưa nắm vững được câu hỏi của hiền giả. Lỗi ấy không phải là lỗi của hiền giả đâu. Tôi đã từng tham vấn nhiều vị uyên thâm thuộc phái Phân Biệt Luận, Thắng Luận của quý giáo, và chính họ cũng mù mờ như vậy. Quý giáo chủ trương rằng ngoài nguyên tử và chân không ra, không có gì hết. Rồi quý giáo bảo rằng các nguyên tử ấy là bất diệt, nó vận động, sinh hóa ra vạn hữu! Tuy bảo vậy nhưng quý giáo cảm thấy không ổn, vì các nguyên tử vốn là cái mù quáng, nhưng cái mù quáng tại sao lại sinh hóa vạn vật muôn loài, cây cỏ trong một trật tự kinh khiếp, kỳ lạ đến như vậy? Ðến đây quý giáo lại lúng túng, hoài nghi nên quý giáo chợt nghĩ rằng: “Hay là do ý chí của Thượng Ðế?”

Thưa hiền giả! Quả thật thế gian này có sự tham dự ý chí của Thượng Ðế hay không có sự tham dự ý chí của Thượng Ðế thì những khổ não trong thế gian, trong chúng ta vẫn tồn tại bất động ở đấy, từ nghìn xưa đến nghìn sau. Vậy thì ích gì những quan điểm triết học đúng hoặc sai, có hoặc không, có phải thế chăng? Giáo pháp của đức Tôn Sư không xây dựng từ các quan điểm triết học, không giải thích thế giới hữu biên hay vô biên, không phân tích đất nước lửa gió, thân thể con người, vạn hữu thành những chi li phân tử, nguyên tử! Giáo pháp của  đức Tôn Sư chỉ được gói gọn trong bốn sự thật sau đây: Sự thật về Khổ, Sự thật về nguyên nhân Khổ, Sự thật về diệt Khổ và sự thật về con đường đi đến diệt Khổ. Chỉ có vậy thôi! Giáo pháp của đức Tôn Sư chỉ nhằm giải thoát những khổ đau vô cùng tận của chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Vậy ai là người đau khổ hãy đến với giáo pháp của đức Tôn Sư để tìm ra phương thuốc diệt khổ. Ai không đau khổ thì đừng đi đến. Tất cả chúng ta đều tự do!

Lời diễn giảng của tôn giả Xá Lợi Phất toát ra một năng lực trí tuệ và từ hòa làm cho hội chúng cảm thấy mát mẻ. Vị đạo sĩ môn đệ phái Phân Biệt Luận và những huynh đệ của họ đều ngồi nín lặng: Họ đã “bất an” với giáo pháp của họ mất rồi!

Chợt một giọng nói cất lên:

– Chúng tôi là đại biểu cho phái Mimaṃsa (Thắng Man), chúng tôi quan niệm rằng trí óc của con người là khí cụ quá nhiều nhược điểm. Lý trí con người cũng vậy, nó chính là cô gái bán phấn buôn hương, gặp ai có tiền là nó đi theo ngay! Là tu sĩ, chúng ta đừng nên tin nó, vì nó không sản sinh ra được một tri thức, một chân lý nào hết. Chúng tôi cũng cực lực lên án bọn vô tín ngưỡng, bọn tà giáo, bọn hoài nghi, bọn hư vô chủ nghĩa, bọn ngụy biện, bọn vô thần, bọn duy vật. Chúng phỉ báng thần linh, Thượng Đế mà sống đời đam mê nhục dục, kiêu căng, sống đời xa hoa hưởng thụ.

Thưa tôn giả! Con đường của chúng tôi không đi qua tâm địa phản trắc của cô gái điếm trí óc, không lần mò vào mê cung rắc rối của luận lý; chỉ có sự minh triết và an tĩnh của tâm hồn là quý báu, là lộ trình chơn chánh, có phải thế không hở tôn giả?

Đức Xá Lợi Phất nhìn qua, thấy người hỏi là một đạo sĩ da trắng xanh, có lẽ quanh năm ở trong những chỗ im mát của các đền tế, y mặc y màu trắng, tóc tai tươm tất, gọn ghẽ liền biết ngay họ là ai, thuộc giáo phái nào nên ngài nói:

– Con đường ấy là thực hành theo các hình thức nghi lễ cổ truyền một cách kính cẩn, nghiêm túc và giữ đức tin bất động với Thượng Ðế chí tôn, phải vậy không, thưa hiền giả?

– Sao… sao tôn giả biết rõ vậy?

– Thưa hiền giả! Con đường ấy chính tôi đã đi qua, cha tôi đã đi qua, hàng ngàn tu sĩ thuộc căn cơ đức tin trong truyền thống đã đi qua. Trước đây tôi là một trưởng giáo bà-la môn ở Upatissa, một dòng dõi cổ kính còn duy trì một gia tài kinh điển với tất cả mọi nghi lễ thờ cúng một cách đúng đắn, trang nghiêm nhất. Thế nhưng, từ thế hệ này sang thế hệ kia, chẳng có ai tìm ra được sự minh triết và sự an tĩnh tâm hồn! Còn hiền giả thì sao? Các huynh đệ của hiền giả ở đây nữa, chắc quý vị đã tìm ra được sự minh triết và sự an tĩnh tâm hồn rồi chứ?

Nghe tôn giả đặt câu hỏi, họ im lặng không trả lời. Dù sao, các tu sĩ tu theo giáo phái này thường sống tri túc và họ rất chân thực. Cho nên, một người đứng lên thổ lộ:

– Quả thật chưa tìm ra tôn giả ạ! Chúng tôi vẫn còn đau khổ và bất an! Chúng tôi sẽ có ngày trở lại đây học hỏi giáo pháp Diệt Khổ của đức Thế Tôn.

Nói thế xong, họ đến rút một nhành liễu nữa rồi bỏ đi. Không hẹn nhau, bốn nhành liễu còn lại cũng lần lượt được rút lên.

Chợt một thanh niên đạo sĩ cất giọng rổn rảng:

– Thật đã ê mặt chưa? Khi chưa đến đây thì ai cũng hùng hùng hổ hổ, đến đây gặp đệ tử ông Cồ Đàm, ai ai cũng khép nép, rụt rè, sợ hãi như chuột thấy mèo! Các người bảo tranh luận, sáu cuộc tranh luận mà có cuộc tranh luận nào đâu? Mới ló cái đuôi nào ra là ông sa-môn vung đao chặt đứt ngay cái đuôi ấy! Coi chừng sẽ không có một mảnh đất cắm dùi ở cái thành Xá Vệ này! Sợ gì ông sa-môn trọc đầu đê tiện kia chứ? Cứ cãi phứa đi, cãi càng đi! Phải cũng cãi mà trái cũng cãi! Cứ cãi tướt hột sen đi! Phải làm như vậy mới đúng! Rồi dân chúng, đạo hữu, tín đồ của chúng ta sẽ rêu rao chỗ này chỗ kia rằng: Cuộc luận tranh thật là nẩy lửa, cuộc luận tranh thật là bất phân thắng bại! Mà bất phân thắng bại là chúng ta thắng rồi! Vì sao vậy? Vì chúng ta là đệ tử hạng năm, hạng bảy, hạng tôm tép mà luận tranh ngang hàng với đại đệ tử của ông Cồ Đàm! Hãy xông lên mà cãi! Dựng cao cành liễu mà cãi!

Có một đạo sĩ trung niên nãy giờ hoàn toàn ngồi yên lặng không góp ý một lời, khí sắc rất an tĩnh, bây giờ mới mở giọng trầm ấm, vang vang như chuông đồng:

– Người huynh đệ trẻ tuổi không được hỗn láo! Không có một giáo phái nào trên toàn cõi châu Diêm Phù Đề này lại có cái thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ như huynh đệ! Cuộc nói chuyện hôm nay là giữa các bậc trí giả với nhau, ai cho phép miệng lưỡi côn đồ như huynh đệ chỏ vào? Bần đạo yêu cầu ai là huynh trưởng của người trẻ tuổi ấy phải biết xử lý môn hộ để không còn những lời bẩn tai phạm thượng đến tôn giả đây, một nhân cách vô song, một trí tuệ vượt bậc, một đức hạnh hiếm có trong giáo hội của đức Phật Cồ Đàm!

Người đạo sĩ thanh niên biết mình có lỗi nên đã lần trốn đâu mất.

Vị đạo sĩ trung niên trật y vai phải cung kính đến xá lạy tôn giả Xá Lợi Phất rồi nói:

– Cái lạy này coi như là lời xin lỗi, thay mặt đạo sĩ vô lễ, bất kính vừa rồi, xin tôn giả hỷ xả cho!

Tôn giả Xá Lợi Phất cũng xá lại, đáp lễ:

– Nếu tôi có lời nào đụng chạm đến các quan điểm, đụng chạm đến một vài cá nhân trong quý giáo thì cũng xin chư hiền xá tội cho!

Cả hội chúng đồng thanh nói:

– Không dám đâu! Không dám đâu!

Vị đạo sĩ trở lại chỗ cũ trên tọa cụ của mình, cất giọng chậm rãi, trầm ấm:

– Ðã có đại biểu năm giáo phái rồi, còn tôi là đại biểu cho Vệ Đàn Đà (Vedantā). Thưa tôn giả! Quê tôi ở bờ biển miền Nam, năm xưa tham dự đại hội bà-la-môn ở Vương Xá thành và đã có cơ may gặp gỡ được tôn giả. Tôi rất hâm mộ tôn giả và tôn giả Kolita. Khi nghe tin nhị vị tôn giả đã bước ra ngoài truyền thống và theo đạo sĩ Sañjaya, tôi tìm đến Vương Xá thì nhị vị đã cất bước ta-bà tầm sư học đạo. Mới đây lại được nghe tin nhị vị đã là đại đệ tử của đức Cồ Đàm, tôi rất vui mừng cho chư tôn giả đã tao ngộ được chánh pháp. Thú thật rằng, đã hơn hai mươi năm trong truyền thống, tôi vẫn chưa tìm ra được bình an. Mọi tri thức, kinh điểm tôi cũng đã hoài nghi từ lâu lắm. Tôi bất lực trước Māyā (ảo hóa) và Avidya (vô minh). Tôi nghi ngờ Atman (tiểu ngã) và Brāhman (phạm thể). Thần Vishnū và thần Ishavara cũng dường như vô năng trước sự thống khổ của chúng sanh. Tư tưởng, triết học thật rỗng không và phù phiếm!

Thưa tôn giả! Tranh luận với nhau mà làm gì chứ! Tôi đã khuyên họ mà họ có nghe tôi đâu. Một đạo sĩ thanh niên đã tự bẻ sáu nhành liễu đem cắm ở đây, nó muốn tạo ra thế tranh luận thắng bại giữa những giáo phái tu học. Tranh luận để học hỏi là tốt, nhưng tranh luận làm sao được đối với tôn giả, người đã nắm được căn bản của mọi tông giáo trên đời này, rõ ràng như những đường chỉ trong lòng bàn tay của mình! Tôi chỉ muốn gặp tôn giả để học hỏi thôi. Trước đây tại một ngôi làng quê, tôi cũng đã làm trưởng giáo bà-la-môn. Thuở đó, so với tôn giả tôi chỉ là con đom đóm mà tôn giả là ánh mặt trời. Vĩnh viễn là như thế! Tôi khao khát học hỏi để giải thoát đau khổ mà thôi! Hẹn được tái ngộ tôn giả.

Lời chí tình của vị đạo sĩ bà-la-môn làm cho tôn giả Xá Lợi Phất và toàn thể hội chúng đều cảm động.

Phái Du Già, phái Số Luận cũng phát biểu:

– Chúng tôi chỉ muốn trao đổi để học hỏi. Thì giờ đã muộn, hẹn gặp tôn giả một ngày gần đây để xin thọ giáo một cách tường tận hơn.

Thế rồi, không ai bảo ai, tất cả đồng đến chào tôn giả Xá Lợi Phất. Họ trở lại trú xứ của mình.

Ngơ ngẩn, xuất thần nhìn mọi người giải tán trong ôn hòa, lặng lẽ; trưởng giả Tu Đạt quỳ lạy ôm chân tôn giả Xá Lợi Phất, cảm thán thốt lên:

– Như trên trời chỉ có một ngôi sao Bắc Ðẩu, như rừng xanh kia chỉ có một chúa Sư Vương! Hôm nay, giữa chúng ngoại đạo trí thức, tài giỏi như vậy mà đại đức tranh luận nhẹ nhành như cầm cành hoa bên tay mặt mà bỏ qua tay trái; như vị nhạc công của cõi trời vuốt sợi dây đàn để điều chỉnh âm thanh cao thấp như ý muốn; như nắm viên ngọc māṇi mà dọi vào hóc tối này hay hóc tối kia! Con hoan hỷ, sung sướng và mãn nguyện dạt dào như sóng nước vô tận giữa biển đông! Trưởng lão có biết thế không?

Tôn giả Xá Lợi Phất nói vui:

– Ông Tu Đạt lúc này cũng sính văn chương chữ nghĩa nhỉ?

– Dạ, không dám!

– Tâm thành của ông nó tự làm nên bút, ý thành của ông nó tự làm nên văn mà thôi, có phải ông muốn nói thế chăng?

Trưởng giả Tu Đạt lại thêm sợ hãi, kính phục:

– Quả có vậy, quả con có ý nghĩ như vậy!

– Thôi được rồi! Việc xây dựng tịnh xá, thế là những chướng ngại, những khó khăn lớn đã đi qua rồi. Ðức Thế Tôn có dặn bảo là công trình phải hoàn tất trước mùa mưa, ông nhớ chứ?

– Thưa nhớ chứ! Không những thế, con còn quyết tâm hoàn thành “vượt mức kế hoạch”.

Chưa bao giờ trưởng giả Tu Đạt cảm thấy hạnh phúc như hôm nay. Hỷ lạc ở trong ông ăm ắp cả tuần lễ không chịu tan đi. Ông muốn chia sẻ niềm vui ấy với tất cả mọi người. Thế là thợ thầy được tăng lương, kẻ làm công, người ở được biếu tặng tiền bạc, vải vóc, thực phẩm, thuốc men. Ngoài ra ông còn cho thiết lập hai trại chẩn bần, hai trại cúng dường cho thập phương đạo sĩ không phân biệt giáo phái nào, hai trại phát thuốc chữa bệnh cho người nghèo rải rác trong thành phố và vùng phụ cận. Ông thuê mướn một trăm người giàu lòng thiện tâm, trả lương rộng rãi để cho họ sốt sắng chu toàn các công vụ này.

Tiếng lành đồn xa. Tiếng lành về ông đại triệu phú từ bi, bác ái đã chinh phục trái tim mọi người. Các giáo phái sau cuộc tranh luận vừa rồi, có người nặng mặc cảm, nhưng thấy ông hào sảng cúng dường không phân biệt nên phải đem tâm kính trọng. Tất cả mọi người nghèo trong xứ thảy đều hàm ơn, họ gọi ông là trưởng giả Cấp Cô Ðộc (trợ cấp cho người nghèo khó, cô độc) là vì vậy. Còn ngài Xá Lợi Phất lại trở nên sáng rỡ như một ngôi sao duy nhất trên vòm trời Xá Vệ.

Và công trình kiến thiết “Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên” có quy mô vĩ đại, huy hoàng theo đó mà hoàn thành viên mãn.

 

Hôm kia, đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống, trưởng giả Tu Đạt xoa tay hài lòng ngắm nhìn công trình kiến trúc, tự nghĩ:

“- Trưởng lão Xá Lợi Phất quả là có đầu óc vĩ đại. Ngài không vẽ họa đồ, không nhìn sao, chọn hướng; ngài không bắt tay vào việc xác định địa cuộc, tìm long mạch; không hề đưa ra một lời có tính quyết định mà bao giờ ngài cũng chỉ nói: “Cho tôi được góp một ý kiến nhỏ…, cho tôi được lòi cái dốt của mình ra…” Thế nhưng, điểm gì ngài đã nói là như thò cái kim châm vào trúng đại huyệt, như đưa ngón trỏ chỉ trúng ấn đường! Các vị kiến trúc sư, thiên văn, địa lý kia khâm phục sát đất, chẳng dám ho he nửa lời. Ôi! ngài quả là bậc thầy của những bậc thầy; cao cả, trác việt mà khiêm nhu xiết bao!

Ồ! Coi nào! Để coi nào! Là những ý kiến nhỏ, là những cái dốt lòi ra… thế rồi công trình giờ đây ra sao? Kìa! Kìa! Ðại Giảng Ðường chính là cái đầu của Con Rồng Thiêng. Hương phòng của đức Thế Tôn rõ là một con mắt hiện, một con mắt ẩn! Những liêu thất, am cốc của chư tăng là những chiếc vảy rồng kế dài, nhấp nhô, uốn lượn nhịp nhàng suốt ba ngọn đồi. Những chân rồng, những móng rồng là những bệnh xá, nhà kho, nhà ăn, nhà nghỉ; các công trình phụ như bể nước, hồ tắm, nhà vệ sinh nằm kín đáo trong những lùm cây xanh.

Ồ! Coi nào! Để coi nào! Rõ ràng là con Rồng Thiêng này đang uống nước mà hai cái vòi của nó là hai chiếc cầu cong cong, thon nhỏ, thanh mảnh, dịu dàng, sống động. Ôi! Chiếc hồ mênh mông nằm ngang trước Ðại Giảng Ðường, nước đầy ăm ắp và trong như mắt mèo, mỗi ngày phản chiếu năm sắc khác nhau! Khi đào chiếc hồ này các thầy bà-la-môn tự quyết định vị trí và khoanh các vùng giới hạn. Họ bảo sẽ có mạch nước vô tận. Thế nhưng, khi họ đào đến một đòn gánh, hai đòn gánh, mạch nước cũng chỉ ri rỉ như rồng nhiểu nước miếng! Đại đức Xá Lợi Phất mỉm cười, cho bần đạo góp một ý kiến nhỏ, cho bần đạo được lòi cái dốt của mình ra, các thầy thử cho đào chệch về hướng sao Bắc Ðẩu ba đòn gánh thêm một hắc tay nữa xem sao! Thế rồi sao nào! Không phải hai đòn gánh, không phải ba đòn gánh, mà đúng là ba đòn gánh và một hắc tay thì nước đâu đó từ trong lòng đất tuôn ra ào ạt, mạch chảy trong các họng nham thạch, luồng giữa mấy khối đá tảng, trong như ngọc và tỏa mùi hương chiên đàn! Kỳ lạ không chứ! Rõ đại đức là tổ sư của các tổ sư địa lý! Còn hương phòng của đức Thế Tôn thì sao nào? Các thầy bà-la-môn cho quay mặt về hướng mặt trời. Đại đức Xá Lợi Phất khen ngợi họ, vậy là giỏi, vậy là tài; tuy nhiên ngài bảo, cho bần đạo góp một ý kiến nhỏ, cho bần đạo được lòi cái dốt của mình ra, các thầy hãy cho chệch về bên phải ngôi sao mai một lóng tay! Một lóng tay thôi nhé! Vậy là chuyện gì xảy ra? Hương phòng của đức Thế Tôn bên trong mát lạnh hơn bên ngoài. Và không biết có một luồng gió nhẹ ở đâu thoang thoảng đi qua các khung cửa làm cho không khí của nội thất không bao giờ bị tù đọng. Các thầy bà-la-môn phục quá. Từ đó về sau, họ không còn dám khoác lác, khoe khoang nữa!”

Thế rồi, một lần trưởng giả Tu Đạt hỏi ngài:

– Thưa đại đức! Giáo pháp của đức Thế Tôn cũng có thiên văn, địa lý, phong thủy sao?

– Không có đâu, ông Tu Đạt. Ta học được các môn ấy từ thuở thiếu thời.

– Vậy thì nó như thế nào theo lời dạy của đức Tôn Sư?

– Nó chính là các định luật tự nhiên về trăng sao, phương hướng; định luật về thời tiết, khí hậu; định luật về vật lý cùng các định luật khác nữa về sự tương quan, qua lại giữa nhau.

– Nó có biến cải được số phận, thọ yểu, sang hèn của chúng hữu tình không?

– Không biến cải được đâu ông Tu Đạt. Giáo pháp của đức Tôn Sư là một nhận thức như thực, đúng đắn về toàn bộ các định luật ấy, không chối bỏ bất cứ một định luật nào. Tuy nhiên, quyết định tối hậu cho số phận con người chính là định luật ở nội tâm, ngắn gọn hơn là định luật nhân quả nghiệp báo!

– Còn các định luật kia thì sao? Nó có hỗ trợ, tương tác, tương thuận, tương nghịch gì với định luật nghiệp báo không, thưa đại đức?

– À! Ông hỏi thế hay lắm đấy! Hãy nghe đây ông Tu Đạt! Ðức Thế Tôn ngồi dưới cội cây Bồ Đề mà thành đạo, ngài quay mặt về hướng Ðông, là hướng của thanh khí, dương khí. Thanh khí, dương khí là khí nhẹ, khí trong sáng, nó sẽ hỗ trợ cho các trạng thái tâm nhẹ nhàng, trong sáng được thăng hoa toàn mãn. Ðức Thế Tôn nằm nghỉ đầu quay hướng Bắc, mặt nhìn hướng Tây là để quân bình, hài hòa các khí, các lực giữa tiểu vũ trụ là con người và đại vũ trụ là quả địa cầu!

– Thưa, vậy là con đã hiểu rõ rồi!

– Bàng môn tả đạo họ sử dụng các thuật kia để nuôi mạng, để tà mạng, để lòe bịp đời, để quyết định số phận, thọ yểu, sang hèn của con người, cho nên họ đi vào mê lộ của tà ma! Họ chấp vào đấy, không chịu tu học, không chịu làm việc lành, không chịu biến cải, thay đổi đời mình bằng những thiện nghiệp. Tâm là nhân, các định luật kia chỉ là duyên. Họ đã chấp duyên làm nhân mà họ không biết. Nguy hiểm là vậy!

– Thưa, chắc chắn là con đã nắm được rồi!

– Ðức Tôn Sư với năng lực tâm bao trùm vũ trụ. Với năng lực tâm của ngài thì mặt trời mặt trăng sẽ dừng lại và quả địa cầu này cũng có thể đứng yên nếu như ngài muốn! Nói như thế để hiểu rằng, ngài không cần một định luật nào bên ngoài để hỗ trợ cả. Tuy nhiên, chúng ta là đệ tử, chúng ta phải có bổn phận bảo vệ sức khỏe cho đức Tôn  Sư. Sức khỏe của đức Tôn Sư là sức khỏe lâu dài cho giáo pháp. Sức khỏe lâu dài của giáo pháp là hạnh phúc lâu dài cho chư thiền và nhân loại!

– Thưa vâng, con đã rõ!

Ðến đây ngài Xá Lợi Phất nói nhỏ lại:

– Vì đức Tôn Sư luôn luôn sống giản dị, bình thường như một chúng sanh giản dị, bình thường; chỉ khi nào cần thiết nhất cho sự giáo hóa ngài mới sử dụng thần thông hoặc các năng lực siêu phàm khác.

– Thưa vâng, con hiểu. Con cảm thấy thỏa mãn và vô cùng an vui trước những lời giảng giải cặn kẽ của đại đức.

Nghĩ đến ngang đây, bất giác ông Tu Đạt mỉm cười, đảo mắt nhìn công trình một lần nữa. Con Rồng bây giờ như đang chuẩn bị xòe móng, giương vây để bay lên giữa trời xanh bao la vô tận. Và hy vọng rằng, giáo pháp của đức Tôn Sư cũng như con Rồng Thiêng kia vậy.