Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59268 Lượt xem

 KHEN NGỢI VÀ ĐÁNG TRÁCH

 
 

Ð

ức Thế Tôn trong suốt cuộc đời hoằng hóa thường di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đôi khi cùng với đại chúng mấy ngàn vị. Ta có thể hình dung cuộc lên đường vĩ đại, từng chiếc bóng một nối tiếp như cơn sóng vàng cuồn cuộn suốt mấy dặm đường. Giáo hội của  đức Tôn Sư được nổi tiếng thời bấy giờ là quy củ, trật tự và trang nghiêm nhất. Ðó là nhờ chư tăng có một kỷ luật tinh thần tự giác rất cao, đồng thời cũng do nhờ tôn giả Xá Lợi Phất biết tổ chức, sắp xếp, hướng dẫn. Rõ ràng không phải làng mạc, thị trấn, thành phố nào cũng có thể có chỗ dừng chân tạm trú cho mấy ngàn vị tỳ-khưu! Và không phải xóm cư dân nào cũng có khả năng cúng dường vật thực cho chừng ấy tăng chúng đi trì bình!

Mỗi lần ra đi như vậy, đại tín nữ Visākhā là người phát tâm cúng dường. Rồi tôn giả Xá Lợi Phất ước lượng khả năng bộ hành của đức Phật và tăng chúng để khoảng chiều tối là có nơi để tạm trú qua đêm. Sáng hôm sau sẽ đi theo lộ trình nào có thể đủ vật thực, cũng phải được tính toán kỹ càng. Và bao giờ tôn giả Xá Lợi Phất cũng là vị tỳ-khưu đi trong toán cuối cùng với các vị sư già yếu hoặc những người ốm bệnh. Ngài như là một người mẹ hiền với đàn con dại cần được chăm sóc. Sẽ có rất nhiều vị tỳ-khưu bị bạo bệnh hoặc quá yếu đuối phải rớt lại dọc đường. Tôn giả Xá Lợi Phất, một số tỳ-khưu và sa-di trẻ trung, năng động, tháo vát sẽ cáng đáng tất cả mọi trường hợp phát sanh.

Một lần nọ, cũng vì những lý do kể trên mà tôn giả Xá Lợi Phất đã đến nơi rất khuya, lúc mọi người đã tịnh chỉ cả. Tịnh thất của ngài có người đã choáng chỗ, và họ còn chiếm luôn tất cả mọi hành lang, mọi cội cây! Tôn giả lúc này đã già, lại đường xa mệt nhọc, cái thân ấy cần được nghỉ ngơi, nhưng tìm khắp chẳng còn một chỗ nào. Thế là tôn giả phải ra ngoài trời, cột một tấm y tạm che sương, trải tọa cụ lên đất rồi ngồi kiết già suốt đêm. Sáng hôm sau, chuyện đến tai đức Phật do tỳ-khưu La Hầu La thuật lại. Xúc động chánh pháp, đức Phật triệu tập tăng chúng kể một câu chuyện xưa có ý giáo giới như sau:

–  Này các thầy tỳ-khưu! Thuở xưa, trong khu rừng già nọ có một con voi, một con lừa và một con chim đa đa kết bạn, chúng sống thuận hòa với nhau. Chúng thường vui chơi, tụ họp, chuyện vãn dưới tàn đại cổ thụ cành lá sum suê đã hàng trăm tuổi.

Hôm nọ, voi nói: “Chúng ta sống với nhau mà không hề biết đến người lớn, kẻ nhỏ. Phàm lớn là anh, nhỏ là em, phải biết xưng hô, tôn kính bậc trưởng thượng chứ?” Chúng nghe vậy lấy làm phải, bèn đồng ý. Lừa nói: “Vậy, bạn voi không phải lớn xác, to con mà làm anh trưởng đâu nhé? Kẻ lớn người nhỏ là phải đem so tuổi tác, đồng ý thế chăng?” Cả bọn gật đầu. Lừa lại hỏi: “Bạn voi, bạn bao nhiêu tuổi rồi?” Voi ngẩng đầu, nhìn cây đại cổ thụ cao gấp cả hàng chục lần nó, nói rằng: “Tôi không biết, nhưng mà khi tôi lớn lên, cái vòi của tôi có thể sờ đọt cây này một cách dễ dàng”. Lừa cười: “Vậy là bạn còn nhỏ tuổi, thuở tôi lớn lên, tôi cao ngang bằng cây đại cổ thụ này và tôi ăn những đọt lá của nó dễ như chơi!” Cả hai bèn hỏi chim đa đa: “Còn bạn thì sao nào?” Ða đa đáp: “Tôi không nhớ tuổi, nhưng tôi biết rõ, thuở ấy khi qua chơi trên Hy Mã Lạp sơn, tôi ăn được một chùm trái cây ngon ngọt như mật ong, khi bay ngang đây, tôi ỉa xuống một bãi phân, trong ấy có một cái hạt nứt ra, mọc lên thành cây đại cổ thụ này!”

Voi cười: “Vậy ra tôi to con lớn xác mà tuổi lại nhỏ nhất, tôi sẽ làm em, lừa là anh thứ của tôi, và chú đa đa nhỏ bé kia lại là anh trưởng! Từ rày chúng ta cứ theo thứ tự đó mà xưng hô để biết tôn kính kẻ già lão, trưởng thượng”.

Ðức Thế Tôn tiếp tục cất tiếng vang vang như chuông ngân:

– Này các thầy tỳ-khưu! Voi, lừa, đa đa là giống bàng sinh, noãn sinh, thế mà chúng còn biết phân biệt tuổi tác, lớn nhỏ, tôn ti trật tự, biết xưng hô, tôn kính những kẻ lớn tuổi hơn mình; còn trong giáo hội này, chuyện gì đã xảy ra?

Như Lai thường coi Xá Lợi Phất như ngang hàng với Như Lai, là bậc trưởng thượng, thượng tôn tăng đoàn, là đại đệ tử, là thượng thủ của giáo hội, thế mà có một số các thầy tỳ-khưu trẻ lại không biết tôn kính Xá Lợi Phất, con trai trưởng của Như Lai! Xá Lợi Phất niên cao, lạp lớn, suốt đời hằng quan tâm đến tứ chúng, đến sự phát triển của giáo hội, đến sự hoằng dương giáo pháp nên ít có cơ hội để ý đến cái thân của mình. Vậy mà có một số các thầy không thấy rõ ân đức ấy! Xá Lợi Phất bao giờ cũng lo lắng công việc chung, từ trong ra ngoài, từ việc nhỏ đến việc lớn một cách chu tất, toàn mãn. Xá Lợi Phất lo cho người bệnh, người già yếu; hướng dẫn giáo pháp không mệt mỏi, không bỏ quên dù cả những sa-di nhỏ tuổi, quan tâm cả từng bữa ăn, một cái chăn để đắp, một cái mụt nhọt chưa lành cho chúng. Thế gian này không có một ông Xá Lợi Phất thứ hai với những phẩm chất tuyệt hảo như thế. Muôn triệu năm mới có được một người. Thế mà, đêm qua, Xá Lợi Phất của chúng ta đã không có được một chỗ nghỉ, dầu là một mái che, một góc hành lang! Tịnh thất của ông ấy, có người đã ngang nhiên chiếm chỗ. Thế là với một lá y che sương, mặc dầu thân không được khỏe, Xá Lợi Phất đã phải ngồi suốt đêm ở trên đất, ngoài trời! Các thầy nghĩ thế nào? Các thầy là tỳ-khưu, sống trong một giáo pháp phát triển tinh thần bậc cao mà tại sao còn có người tệ hơn con voi, con lừa, con chim đa đa trong câu chuyện kể trên?

Ðức Phật im lặng. Cả đại giảng đường im lặng. Có một số tỳ-khưu xấu hổ cúi gầm mặt xuống. Có một số vị thì học được bài học nghìn vàng.

Tôn giả Xá Lợi Phất đến đảnh lễ đức Thế Tôn:

– Sự giáo giới của đức Tôn Sư là lợi lạc cho hội chúng, là hữu ích cho kỷ cương, phép tắc của giáo hội. Nhưng ở đây chỉ có một số tỳ-khưu còn trẻ tuổi, non dại, chưa được thuần thục trong giáo pháp mà thôi. Sau khi đức Thế Tôn đã dạy rồi có lẽ họ không còn dám làm như vậy nữa. Riêng đệ tử, ở một đêm ngoài trời thì cũng chưa đến nỗi nào. Trong nhóm của tôn giả Ðại Ca Diếp, đệ tử biết rõ có cả hằng trăm vị sống đời đầu-đà khổ hạnh, họ luôn ở dưới những chỗ không có mái che mà tinh thần vẫn khang kiện, sức khỏe vẫn tốt. Ðệ tử xin được thay mặt số chư tăng dại dột ấy sám hối dưới chân đức Thế Tôn, vì một phần lỗi là do đệ tử chưa giáo giới đến họ một cách chu đáo!

Thế rồi, tôn giả Xá Lợi Phất đảnh lễ, sám hối.

Ðức Thế Tôn nói với đại chúng:

– Thấy chưa? Lỗi của một số tỳ-khưu ngu mà Xá Lợi Phất phải sám hối! Rồi ngài nhìn tôn giả với đôi mắt vô cùng thương yêu và trân trọng – Thôi, ông hãy đứng dậy đi!

Rồi hướng đến đại chúng, ngài dạy:

– Từ rày về sau, tất cả sa-di đều phải xem tỳ-khưu là thầy, là cha của mình. Tỳ-khưu cách nhau ba hạ lạp cũng phải được quy định sự tôn kính y như thế. Riêng các vị Ðại Trưởng Lão thì tăng chúng phải xem gần như ngang hàng Xá Lợi Phất, và Xá Lợi Phất lại gần như ngang hàng với Như Lai. Tất cả mọi chỗ nghỉ ngơi, trong nhà ăn, tại giảng đường, trên đường đi… đều phải có tôn ti theo hạ lạp. Như Lai không muốn có trường hợp xảy ra như hôm nay nữa. Xá Lợi Phất đã sám tội cho các ông, vậy nếu không khôn ngoan hơn, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy các ông rất nhiều đời kiếp đấy, chẳng ai cứu nổi các ông đâu!

 

Lần nọ, tại thành Devadaha, đức Ðạo Sư và tăng chúng đi vào làng, vào các rừng cây để nghỉ trưa. Khi đi ngang một mái vòm bằng lá cây đan nhau thật im mát, gần bên một cánh đồng, đức Thế Tôn thấy tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi an tĩnh, trú sâu vào thiền định. Ðức Phật đã nói chuyện với một số vị tỳ-khưu đi bên cạnh:

– Các thầy có thấy không? Khi không còn bận rộn với công việc, Xá Lợi Phất thường tìm chỗ yên vắng để tĩnh cư. Dưới vòm mái che kia, Xá Lợi Phất như đang trú ở cõi trời Avīha thanh tịnh. Hãy lấy Xá Lợi Phất mà làm gương!

Vào buổi chiều, đức Thế Tôn lại đem tôn giả Xá Lợi Phất ra mà nói chuyện nữa:

– Xá Lợi Phất là người am hiểu tinh tường các giai đoạn từ đạo đến quả, từ tầng thánh thấp nhất cho đến tầng thánh cao nhất. Xá Lợi Phất có trí tuệ tiềm tàng thâm sâu không chỉ ở nơi bốn tuệ phân tích mà thôi đâu.

Nếu có kẻ hằng nói về một người, rằng là người ấy đã đi đến chỗ thông suốt, hoàn toàn về mọi đức hạnh, an trú vào các cõi tâm cao thượng, giải thoát và giải thoát tri kiến cao thượng thì người ấy là Xá Lợi Phất chứ không thể là ai khác!

Nếu có kẻ hằng nói rằng họ là đứa con thật sự của Như Lai, hiểu thông giáo lý của Như Lai, thực hành tuyệt hảo giáo lý của Như Lai, xứng đáng làm người “thừa tự” Pháp Bảo thì kẻ ấy đúng là Xá Lợi Phất, chớ không còn ai khác nữa!

Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai tuyên bố với tất cả sự trân trọng rằng, người mà có thể lăn bánh xe pháp gần giống với Như Lai thì chẳng có ai ngoài Xá Lợi Phất! Các thầy hãy suy gẫm những điều mà Như Lai đã nói hôm nay!

 

Ðức Thế Tôn lúc này đã già yếu nên đôi khi thuyết pháp ngài chỉ nói tóm tắt, cô đọng; thế là tôn giả Xá Lợi Phất được chỉ định thuyết lại một cách rộng rãi, giải thích và triển khai đề tài cho đại chúng dễ lãnh hội. Sau đó, lúc nào tôn giả cũng được đức Thế Tôn tán thán bằng cách này hay bằng cách khác.

– Này các thầy tỳ-khưu! Quả thật là Xá Lợi Phất rất am tường Pháp Bảo, thấu hiểu Pháp Bảo một cách chính xác và rốt ráo.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta về pháp trong một ngày bằng bao nhiêu câu hỏi và bằng bao nhiêu đoản ngôn khác nhau thì Xá Lợi Phất cũng có thể đáp lại trong thời gian một ngày bằng những câu trả lời, bằng những đoản ngôn khác nhau, chẳng thua gì Như Lai.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta trong một đêm, một ngày, hai đêm, hai ngày, cho chí bảy đêm, bảy ngày thì Xá Lợi Phất cũng có thể giải vấn bằng một thời gian tương tự như thế mà ngữ ngôn, đoản ngôn vẫn trôi chảy lưu loát, không hề vấp váp, không hề ngập ngừng!

Vậy thì những điều mà Xá Lợi Phất đã giảng nói, hoặc chi tiết, hoặc triển khai chi tiết các thầy cứ như thế mà thọ trì, vì nó cũng đồng với Như Lai thuyết vậy.

Có lẽ vì quá ưu ái, bằng lòng về người đệ tử hoàn hảo này nên đức Thế Tôn lại còn đem ra những ưu điểm khác nữa:

– Các thấy có biết không? Xá Lợi Phất lại còn có đầy đủ năm thiện xảo khác nữa. Chính nhờ năm thiện xảo ấy mà ông ta có thể Chuyển Pháp Luân một cách vô ngại. Khi Xá Lợi Phất lăn bánh xe pháp thì trên thế gian này, dầu là ma quân, chư thiên, phạm thiên hay bà-la-môn ngoại giáo cũng khó có thể phá rối, làm đảo điên hay tạo nên chướng ngại được. Năm thiện xảo ấy là gì? Một là biết rõ đâu là lợi ích cao thượng, hai là rành rẽ về phương pháp giáo huấn, ba là luôn luôn có biện pháp đúng đắn, bốn là biết tùy thời, năm là biết tùy cơ! Ngay chính Như Lai cũng chỉ có năm thiện xảo ấy mà thôi, không hơn, không khác!

Khi lời tán thán ấy đến tai tôn giả Xá Lợi Phất, ngài mỉm cười nói với chúng tỳ-khưu rằng:

– Ðức Thế Tôn nói rất đúng! Tuy nhiên, các vị có biết không? Ngọn đèn và mặt trời đều có đủ năm tính chất giống nhau: Cháy bởi nhiên liệu, sức nóng, làm khô hơi nước, sát trùng, tỏa ánh sáng! Nhưng ngọn đèn thì làm sao so sánh được với mặt trời? Công hạnh và trí tuệ của đức Thế Tôn đã trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác, các vị phải biết như vậy!

Tôn giả Ðại Ca Diếp lại thường dạy các đệ tử:

– Các ngươi thường nên tìm đến tôn giả Xá Lợi Phất mà nghe pháp. Sau khi nghe tôn giả ấy thuyết rồi, các ngươi sẽ cảm thấy như vừa được ăn uống những thức ăn thượng vị, vi diệu cho cái lỗ tai và cho cả đầu óc của các ngươi đấy!

Ðôi khi đức Thế Tôn ca ngợi tôn giả Xá Lợi Phất chung với tôn giả Mục Kiền Liên:

– Hãy thân cận, hợp tác và học hỏi nơi hai ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Họ là những sa-môn thông thái và là những người có lòng từ quảng đại, không mệt mỏi dìu dắt tất cả chúng sanh. Xá Lợi Phất như một người mẹ hiền, cho con sanh mạng, vóc dáng, mặt mũi; còn Mục Kiền Liên giống như bà vú, có bổn phận chăm sóc, nâng niu, bồng bế, dưỡng dục cho trẻ mau khôn lớn! Hai người nhưng chỉ là một. Ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, Xá Lợi Phất hướng dẫn đệ tử đến quả vị A La Hán còn đa phần ông ta chỉ hướng dẫn đến Nhập Lưu, và ba quả thánh sau cùng là bổn phận của bà vú nuôi Mục Kiền Liên vậy.

Này các thầy tỳ-khưu! Ðấy là tất cả những lý do tại sao trong Tăng chúng có rất nhiều thầy thường ôm ấp nguyện vọng, lý tưởng trở thành một Xá Lợi Phất hay một Mục Kiền Liên. Và quả đúng là vậy, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là khuôn thước bằng vàng, là biểu tượng bằng ngọc, tốt đẹp nhất, thù thắng nhất cho tất cả các thầy học hỏi, noi theo.

 

Tôn giả Xá Lợi Phất được đức Thế Tôn tán dương ca ngợi khá nhiều mà bị khiển trách cũng lắm, đôi khi là những lời khiển trách nhẹ nhàng thôi.

Như chuyện bà-la-môn Dhānanjāti ở cửa ngõ vào thành Vương Xá, từ lâu vì hâm mộ đức hạnh và trí tuệ của tôn giả Xá Lợi Phất mà ông ta thường cung kính cúng dường vật thực cho ngài. Trước đây, ông bà-la-môn có một đời sống phóng dật, ác tâm thu góp của cải, nhiều vợ và con; sau nhờ tôn giả Xá Lợi Phất giáo giới mà ông ta từ bỏ xấu ác, trở nên lành tốt hơn. Tuy ông bà-la-môn chưa quy y Tam Bảo nhưng rõ ràng ông ta có tâm hướng thiện, là kẻ có trí.

Khi đang thoi thóp trên giường bệnh, ông bà-la-môn cho người đến vấn an sức khỏe đức Phật. Sau đó tha thiết mong muốn được tôn giả Xá Lợi Phất đến thăm. Biết rằng bà-la-môn Dhānanjāti sắp chết, tôn giả Xá Lợi Phất đã cố gắng giảng giải cho ông ta thấy rõ nhân quả của từng cảnh giới từ thấp lên cao. Vượt qua sáu cõi trời dục giới, tôn giả Xá Lợi Phất lại giảng về tứ vô lượng tâm, và bảo rằng muốn cọng trú với Phạm Thiên thì phải thành tựu trọn vẹn các tâm từ, bi, hỷ, xả vô lượng, quảng đại, không hận, không sân.

An tâm khi dẫn tâm ông bà-la-môn đến cảnh giới Phạm Thiên, tôn giả Xá Lợi Phất ra về.

Ðức Phật kêu lại hỏi rằng:

– Trước khi mất, ông bà-la-môn Dhānanjāti có tỉnh táo không?

– Bạch, rất tỉnh táo.

– Ông bà-la-môn có chú tâm vào các thời pháp của ông không?

– Bạch, ông rất chú tâm, ông ta là người có trí, biết nghe lời phải.

– Biết ông ta có chú tâm, là người có trí, sao có nhiều cảnh giới cao hơn, nhiều pháp cao hơn, ông lại không thuyết mà lại an trú ông bà-la-môn kia vào cảnh giới Phạm Thiên thấp thỏi kia rồi ông lại bỏ về đây?

Tôn giả Xá Lợi Phất có lý do riêng của mình nên ngài đáp:

– Bạch đức Thế Tôn! Những người bà-la-môn này suốt đời hằng cung kính Phạm Thiên, hằng ngưỡng mộ Phạm Thiên nên đệ tử đã an trú ông ta ở cảnh giới ấy thể theo lý tưởng và nguyện vọng của ông ta!

Ðức Thế Tôn im lặng hồi lâu:

– Nầy Xá Lợi Phất! Như Lai cũng biết ông bà-la-môn kia là người có trí, lúc sắp lâm chung vẫn có chú tâm; lý ra, có thể đưa ông ta đến quả Nhập Lưu, tiếc là ông đã không thấy rõ như vậy.

Ðức Thế Tôn chợt nói:

– Bà-la-môn Dhānanjāti vừa chấm dứt hơi thở! Ông giỏi lắm! Muốn sao được vậy! Bà-la-môn kia đã tức khắc hóa sanh vào cảnh giới Phạm Thiên mất rồi!

Tôn giả Xá Lợi Phất bần thần nghĩ ngợi, rõ là lỗi tại ngài, tại ngài trí tuệ không bằng đức Phật!

 

Ðôi khi vì lo lắng cho giáo hội mà ngài cũng bị đức Thế Tôn rầy la một cách dịu dàng.

Hôm kia, sau khi xuất thiền, tôn giả Xá Lợi Phất tới hầu đức Thế Tôn và bạch:

– Trong các bậc Chánh Đẳng Giác quá khứ, giáo pháp của vị nào tồn tại lâu dài và vị nào không tồn tại lâu dài, thưa đức Ðạo Sư?

Ðức Phật cặn kẽ bảo rằng giáo pháp của chư Phật Vipassī, Sikhī, Vessabhū không tồn tại lâu dài; giáo pháp của chư Phật Kasusandha, Koṇāgamana và Kassapa tồn tại lâu dài. Sở dĩ như vậy là vì có một số vị Phật không dạy giáo lý cho đệ tử một cách cặn kẽ, không ban hành giới luật một cách nghiêm túc để giữ hàng môn đệ trong nếp sống kỷ cương, đấy là lý do giáo pháp không tồn tại lâu dài. Một số vị Phật khác thì làm trọn hảo các điều ấy, là lý do giáo pháp tồn tại lâu dài.

Nghe vậy, tôn giả Xá Lợi Phất cung kính thưa:

– Vậy xin đức Thế Tôn ban hành những giới căn bản (Pāimokkha) để trong tương lai có thể giữ chư tăng trong nếp sống kỷ cương; và nhờ vậy, đời sống thiêng liêng phạm hạnh được tồn tại lâu dài!

– Hãy kham nhẫn, Xá Lợi Phất! Hãy kham nhẫn! Chỉ có đức Như Lai là biết rõ lúc nào nên làm việc ấy. Như Lai sẽ không đề ra những biện pháp kỷ luật hay những giới luật căn bản khi chưa có những trường hợp được xem là tội nặng phát sanh đáng ngại trong hàng tăng chúng. Chừng nào mà tăng chúng thờ ơ học pháp; buông xuôi, biếng nhác, dễ duôi trong đời sống tu tập, quá xấu xa về hạnh kiểm thì lúc ấy Như Lai sẽ ban bố những giới luật căn bản, có biện pháp kỷ luật để đoạn trừ những ô nhiễm ấy.

  Nầy Xá Lợi Phất! Hiện nay đệ tử của Như Lai chưa có gì phải lo lắng, những khuynh hướng xấu xa quá đáng cũng chưa phát sanh, đa phần chư tăng sống đời giới hạnh trang nghiêm trong sạch. Người cuối cùng trong năm trăm đệ tử cũng đã Nhập Lưu (1), không còn phải rơi trở lại nữa, đã và đang vững chắc tiến bước trên con đường giác ngộ.

Những lời tuyên bố này của đức Thế Tôn là ở tại Verañja vào mùa hạ thứ mười hai; và người cuối cùng trong năm trăm đệ tử là tôn giả A Nan Đa (?)! Ðây là đức Phật mới kể đến năm trăm thánh tăng A La Hán, nhưng sau đó, chư tăng ngày càng đông nên đức Phật đã tùy theo từng trường hợp phát sanh để ban bố những giới điều căn bản.

Như vậy, mặc dầu la rầy, nhưng sau đó đức Thế Tôn đã tỏ ra lưu tâm đến lời xin của người học trò ưu tú này.

Một lần khác là tôn giả Xá Lợi Phất tán dương đức Thế Tôn, nhưng tán dương mà cũng bị chê!

Hôm ấy, ở thành Vương Xá, tịnh xá Trúc Lâm, đức Ðạo Sư thuyết rất nhiều bài pháp, chư tăng chứng quả rất nhiều. Sau đó đức Phật và tăng chúng đi Ambalaṭṭhika rồi đến Nālanda, ngự trong vườn xoài Pāvārika. Tại đây, tôn giả Xá Lợi Phất cảm hứng tán dương đức Ðạo Sư như sau:

– Nghe những thời pháp vô thượng của đức Tôn Sư, đệ tử rất an hỷ, rất mát mẻ, rất thỏa thích. Ôi! Ðệ tử đặt niềm tin cao cả nơi  đức Tôn Sư đến nỗi đệ tử nghĩ rằng từ ngàn xưa trước, đến ngàn xưa sau và cả hiện tại này không thể có một sa-môn hay bà-la-môn nào có công đức và trí tuệ cao siêu hơn đức Thế Tôn!

Ðức Phật đã nghiêm trang khiển trách vị đại đệ tử rằng:

– Hãy chấm dứt! Xá Lợi Phất! Hãy chấm dứt ngay những tư tưởng ấy! Làm sao ông có thể biết được công đức và trí tuệ của các đức Chánh Ðẳng Giác quá khứ và tương lai ra sao mà dám nói như vậy?

– Quả đúng là vậy, bạch  đức Tôn  Sư! Nhưng đệ tử có thể biết được truyền thống chánh pháp, biết được con đường và biết được tiến trình đi đến giác ngộ của tất cả các bậc Chánh Ðẳng Giác!

Ðức Thế Tôn bằng lòng với câu đáp sau.