Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58677 Lượt xem

MỘT NGÔI SAO CHÀO ĐỜI

 
 

M

ấy ngày sau, trang viện của bà-la-môn Vaṅganta đã đổi khác. Một sinh khí mới như bừng lên. Sân trước, sân sau, nhà trong, nhà ngoài gia nhân lui tới tấp nập. Bảo điện trước đây âm u hương khói lạnh lùng, bây giờ sáng rực lên bởi hàng trăm ngọn đèn chóa đồng, chóa vàng, chóa bạc lấp lóa. Những hình người, hình vật, hình chim muông hoa lá, linh thần, tiên nữ trên những bức phù điêu chạm nổi, khảm bạc, khảm xà cừ, khảm hổ phách, khảm ngà đã được đánh bóng, sáng lung linh, huyền ảo, sống động.

Các môn sinh, môn đệ trong làng nghe tin vui của bậc trưởng giáo nên cùng đến chung tâm cầu nguyện để tỏ lòng tri ân đức Brāhman cao cả. Bà-la-môn Vaṅganta đã lấy lại dáng dấp tươi trẻ, hoạt bát năm xưa. Bằng hữu cố tri khắp mấy thôn làng kế cận lục tục tìm đến. Tất cả đều là người cùng một tập cấp bà-la-môn cao quý. Có người ăn vận diêm dúa với đủ loại trang sức, chân đi giày vải đắt tiền. Có người chỉ quấn hờ hững một tấm khăn quanh mình không bao che hết tấm lưng sạm nâu. Có rất nhiều người cao lớn, lực lưỡng, mắt xanh biếc, mũi cao lộ, râu mọc dữ dằn, vầng trán phẳng và rộng. Có người thấp, mập, tròn quay, bước đi lệt đệt. Nhưng tất cả mọi người cử chỉ đều phong nhã, lịch sự, toát ra một căn bản kiến thức lẫn tu chứng đạo học! Có người mắt luôn nhìn xuống, trầm lặng, bước đi chậm rãi, hai tay buông thả. Có người đôi mắt xa xăm, chìm lắng trong suy tư, dường như đang sống trong cảnh giới nào.

Họ đều là những bà-la-môn hữu danh, vì trọng đức, mến tài trưởng giáo Vaṅganta mà tìm đến. Trong bọn có những người là thuần túy tu sĩ, có người có gia đình. Họ gồm những nhà bác học, nhà giáo dục, đạo sĩ yogi, các thầy bà-la-môn tư tế ở các đền miếu, là thành phần ưu tú, tinh ba của xã hội.

Ông Vaṅganta đứng ở cổng, chấp tay lên ngực, vái chào, nghiêng mình, mỉm cười hay bắt dấu ấn tùy theo mỗi vị khách. Cứ nhìn dấu vẽ bằng thổ hoàng trên trán là biết bà-la-môn này tôn thờ thần Vishnū. Cứ nhìn vạch ngang bằng than phân bò cái trên lông mày là biết bà-la-môn kia tôn thờ đức Shīva. Hoặc các ngẫu tượng đeo ở cổ, ở tay là biết bà-la-môn theo tín ngưỡng nào, tôn thờ vị thần nào. Dấu hiệu thì thiên hình vạn trạng, nhưng đa phần họ thờ thượng đẳng thần, tức Brāhmā, Vishnū và Shīva.

Bà-la-môn Vaṅganta đang vui niềm vui to lớn thì tiếp nhận thêm một tin vui khác: Một gia đình ở làng Kolita kế cận, giao hảo thân thiết với nhau đã bảy đời, cũng có “tin vui”. Hai gia đình cố tri kỳ cựu này cùng đi thông báo cho nhau lại gặp nhau giữa đường! Như vậy, khi tính lại thì bà Moggallī ở Kolita cũng được thọ nhận linh điển cùng một ngày với bà Sārī! Nếu như phân thân được, bà-la-môn Vaṅganta và phu nhân đã tức tốc qua nhà bạn.

Có niềm vui, nỗi buồn nào mà hai gia đình này không san sẻ cho nhau? Họ thân thiết với nhau còn hơn là ruột thịt. Họ gặp gỡ nhau không những ở tập cấp, dòng trưởng, trình độ, kiến thức mà cùng với cả các thú vui du sơn, ngoạn thủy nữa. Ðiều kỳ lạ là tuổi tác họ cũng bằng nhau và sự hiếm muộn con cái cũng y như thế. Cũng đã hơn mười năm ròng rã, họ cầu nguyện, cúng tế đền thấp, miếu cao, đầu súc vật, mâm trái cây, bông hoa và trầm hương. Họ sẵn sàng bỏ ra cả mấy trăm ngàn đồng tiền vàng – để nhận một tin vui – là sẽ có một người con trai nối dõi tông đường, thừa kế di sản tinh thần và cả di sản vật chất nguy nga, đồ sộ.

Họ đều là bậc đại phú, đại quý đứng đầu làng và có quyền lấy tên làng đặt tên cho con trai họ. Vốn là trưởng giáo tại ngôi làng Kolita nên môn sinh và bằng hữu đến thăm nhân ngày vui này, cũng rất đông. Bà Moggallī ở Kolita thế là cũng bắt đầu hoài thai một nhân cách siêu việt, một ngôi sao thật sự: Đấy là ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) mà sau này đã cùng với ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta), làm hai vị đại đệ tử lỗi lạc, hai cánh tay phải và trái của đức Đạo Sư để lăn bánh xe Pháp, hoằng truyền chánh giáo, phổ độ sinh linh.

Làng Upatissa không lo nhiều về cái ăn, cái mặc. Con sông Ðại Hằng trước khi nhập vào biển cả đã để lại ngôi làng này một nhánh nhỏ, yên tĩnh, đủ cung cấp nước bốn mùa cho ruộng đồng và vườn tược. Họ tự do canh tác, hưởng lợi tức mà khỏi đóng thuế cho nhà nước. Mỗi năm, họ chỉ nộp một ít lệ phí cho trưởng giáo bà-la-môn để nhớ đến ân đức tổ tiên, dòng họ đã khai phá ra đất đai này. Ngoài phí tổn sinh hoạt gia đình, họ để dành hầu hết cho tín ngưỡng và sự thờ cúng.

Vườn nào cũng trồng cau, trồng xoài, chà là và thốt nốt. Thỉnh thoảng một vài nơi, họ trồng bông vải để dệt làm áo mặc. Kỹ thuật đan dệt ở xứ này đã có trước đó mấy ngàn năm, có thể là từ nền văn minh Mohenjodoro, hai nghìn chín trăm năm trước Tây lịch. Như mọi xứ khác, họ trồng thêm ca-ri, đậu, kê, lúa mạch, nếp, rau, các loại cây ăn trái miền nhiệt đới và chăn nuôi đủ loại gia súc. Bò cái là giống vật linh thiêng, được tự do ăn ở, đi lại nghênh ngang bất cứ nơi nào.

Ðặc biệt tập cấp bà-la-môn chỉ ăn rau trái và ngũ cốc, còn cá, thịt, gà, vịt chỉ để dành cho hạng tiện dân, tôi tớ và kẻ giàu có ở ngoài tập cấp. Bù lại, họ dùng rất nhiều ca-ri, gừng, đinh hương, hồi hương, hồ tiêu, ớt, quế cùng các thứ gia vị, hương liệu khác. Do vậy không ngạc nhiên gì, trong cuộc lễ mừng vui bà Sārī thọ thai, người dân làng, môn sinh, bằng hữu mang đến tặng gia đình này cả một núi lương thực, thực phẩm, rau trái và hoa quả đủ loại.

Ông Vaṅganta cho mười người nữ gia nô tín cẩn, kinh nghiệm lão thành để săn sóc cho bà Sārī từ cái ăn, cái uống, đi đứng, ngủ nghỉ. Bao giờ cũng có hai thầy bà-la-môn tinh thông y dược, luôn luôn theo dõi các biến chứng trên cơ thể bà để lo lắng thang thuốc kịp thời.

Bằng hữu thông thái khuyên ông tạo điều kiện cho bà được thanh tịnh và thanh cao tâm hồn bằng cách nghiêm trì những giới luật mà tập cấp cho phép. Ấy là một vài cách điều tức, điều tâm phổ thông, một số kỷ luật về tri thức và cảm xúc được biểu hiện qua thân, khẩu, ý, ăn nói, ngồi nằm, đi đứng. Người bà-la-môn ngàn xưa đã hiểu rằng: Sự thanh lọc mọi ô nhiễm ở tâm hồn người Mẹ là yếu tố quan trọng quyết định một phần lớn cho trí tuệ và nhân cách của con cái sau này. Do vậy, ngày này qua ngày nọ, tai bà Sārī không hề nghe một lời nói vô ích, phù phiếm. Mắt bà không hề thấy một cảnh chướng mắt, khó chịu. Xung quanh bà tràn đầy mùi hương của hoa, của trầm, cùng những hương liệu tuyệt hảo làm thư thái và dịu mát tâm hồn. Ông Vaṅganta còn cho người lặn lội đi khắp các miền mua những giống chim có màu sắc rực rỡ, có giọng hót thật hay, du dương, êm đềm làm phấn khởi và hoan hỷ lòng người.

Mỗi buổi sáng trước khi vào nhà nguyện, bà Sārī đi dạo một vòng quanh hoa viên, bao giờ cũng thắm tươi các kỳ hoa dị thảo. Tiếng chim điểm nhịp líu lo, chan hòa, vui tươi như lạc vào một khu rừng thanh bình, u tĩnh. Lời ra từ cửa miệng mọi người, bao giờ cũng là lời kinh, lời chú, lời kệ; lời của những hiền triết uyên thâm có tính khuyến thiện; lời của những thần linh hay gợi nhắc đến những tư tưởng cao thượng, thoát trần.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, nhờ sự chăm sóc chu đáo như thế, bà Sārī sanh hạ một trai tuấn tú, phi phàm, không dính một tí huyết dơ; nằm an tĩnh trong chiếc bao hồng ngọc, sáng rỡ và tinh khiết. Sắc diện, dung mạo của trẻ như một chúa sư tử lông vàng bước ra từ động báu. Tất cả đều tinh anh – như kết tụ ở đó Ánh Sáng và sự Cao Cả từ muôn ngàn kiếp trước. Tên làng, thế là được phúc hạnh đặt tên cho trẻ: Upatissa!

Ngôi làng kế cận, bà Moggallī cũng sanh hạ cùng một ngày, một giờ, một viên ngọc quý, cũng lấy tên làng đặt tên cho con: Kolita!

Vậy là, Upatissa – Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Kolita – Moggallāna (Mục Kiền Liên) là hai vì sao đồng xuất hiện giữa bầu trời quang sắc diễm kiều, chầu quanh một vầng nguyệt bạch tinh khôi, mới mẻ: Một bình minh chân lý đang có mặt giữa loài người.