Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58689 Lượt xem

ĐỨA CON THÁNH THAI

 
 

S

au giờ thiền định, bà-la-môn Vaṅganta ra đứng tựa cửa sổ nhìn lên đỉnh núi xa xăm. Trời nhàn nhạt ửng sắc hồng. Ngọn Hy Mã Lạp sơn phủ tuyết trắng, đứng cô đơn như không có bạn tri âm, lẻ loi và tịch mịch giữa hư không vô biên! Nhìn núi, lão bà-la-môn Vaṅganta chạnh nghĩ đến mình, rồi cũng lẻ loi và cô đơn như thế!

Ông cúi xuống, mái tóc đã chớm bạc, giấu một tiếng thở dài rất khẽ rồi chậm chạp bước ra khung cửa Ðông. Vườn cây ăn quả chạy dài xa hút trong tầm mắt. Bức tường bằng gạch nung rêu phủ, uốn lượn thoai thoải như con rắn khổng lồ nằm ngủ yên trong sương sớm. Bà-la-môn Vaṅganta dạo quanh một vòng trên sân gạch rộng thênh thang, bước chân cô liêu dẫm lên lớp rêu xanh xám từ lâu không có người qua lại. Chiếc lưng như còng xuống: Một sức nặng đau khổ nào đó làm cho ông cơ hồ không chịu nổi. Xung quanh đìu hiu, tịch mịch không một tiếng người!

Ðến gốc cau có viên đá chạm sư tử hai đầu, ông Vaṅganta lừ đừ ngồi xuống. Từ trong điện thờ khói trầm tỏa ra, làn hương nhạt xanh, thoang thoảng thơm, mơ hồ, dễ chịu. Nắng sớm đã lên rồi. Ông Vaṅganta ngửng đầu lên, lướt qua vòm mái tròn to rộng của căn nhà Hội, rồi dừng lại trên đỉnh tháp xa tít. Một cánh chim chao qua ánh nắng hồng. Bức tượng đức thần Brāhmā tia ra sáu luồng ngọc xanh đầy uy lực, thân ngài phủ lớp men ngũ sắc sáng loáng, rực rỡ, vừng trán tỏa hào quang biếc trắng.

Ông Vaṅganta cúi đầu thấp xuống, đọc lâm râm một bài chú, bắt ấn quyết rồi cầu nguyện:

-“ Kính lạy đức Phạm Thiên cao cả! Là Ðức Cha sinh của muôn loài. Bởi ngài mà chúng sanh có trí tuệ, lạc phúc, vinh quang cùng Bất tử. Bởi ngài mà chúng sanh có thực phẩm, trái cây cùng những nghề nghiệp nuôi mạng…”

“- Kính lạy đức Brāhman tối thượng tôn! Là linh hồn ngu si, nhỏ bé đầy đau khổ do ngài sáng tạo ra, con kính ngưỡng ngài ban phát cho con niềm vui trần tục để thế hệ cháu con tiếp nối tuân phục ngài, thờ kính ngài, phủ phục dưới chân ngài bằng đức tin thanh khiết và tuyệt đối…”

-“Kính lạy đức Brāhman vô năng thắng! Là linh hồn ti tiểu đầy nhiễm ô và bụi bặm do ngài sáng tạo ra, con đã dọn sạch bản ngã bằng nước thiêng Soma, bởi trầm tư và thiền định. Con lắng dịu mọi vọng tưởng, chỉ còn lại một khát khao nối truyền tông hệ. Xin ngài ban cho con một mụn con thơ. Con là linh hồn lạc lõng, bơ vơ không còn đâu làm điểm tựa trên cuộc đời này. Vậy, khát khao ấy là duy nhất và chơn chánh. Kẻ nô lệ của ngài sẽ mừng vui tri ân ngài mà làm một ngôi bảo tháp, uy nghi tạc tượng ngài, trầm hương, trái cây, mâm súc vật, tế lễ quanh năm… để bảo truyền linh khí đầy ơn phúc của ngài lan rộng ra bốn châu thiên hạ…”

-“Kính lạy đức Brāhman tối thượng tôn, Hóa sanh chủ, Vô năng thắng! Xin ngài ban cho con một mụn con thơ!”

Lời cầu nguyện của ông bà-la-môn Vaṅganta đều đều tuôn ra không ngớt, như trận mưa lòng phiền não đổ tràn không gian yên tĩnh. Ðức Brāhman có nghe chăng? Và các thượng đẳng thần Brāhmā Vishnū và Shīva có nghe chăng? Hay vợ chồng bà-la-môn Vaṅganta bạc phước hoặc vô ý phạm tội với ngài nên đã hai phần đời người rồi mà vẫn không con nối dõi? Từ đền thiêng này sang đền thiêng khác, không biết bao nhiêu là phẩm vật cúng tế: Gia súc, trái cây, ngũ cốc, hương trầm… mà vẫn không linh nghiệm. Rồi nào là chẩn bần, bố thí, trai đàn…, ghép mình trong bảo điện âm u mấy tháng trường ròng rã để cầu nguyện; rồi biết bao nhiêu là bạn hữu bà-la-môn (brāhmaa) uyên thâm về chiêm tinh, thuật số đã đoán từ điềm lành này sang điềm lành khác; nhưng rốt lại, hai vợ chồng vẫn không có tin vui!

Nỗi buồn ấy đè nặng lên nếp sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt gia đình.

Ông Vaṅganta vốn là trưởng giáo bà-la-môn tinh thông kinh điển Vệ Đà và các chú thuật. Môn sinh của ông có đến mấy trăm người ngày ngày đến thọ giáo. Tại nhà giảng, nhà hội to lớn trong trang viện, bao giờ cũng tấp nập, đông đúc. Lớp học này kế tục lớp học khác. Toán môn sinh này rời đi, toán môn sinh khác tìm đến. Nơi cái sân gạch rộng thênh thang này đã có những buổi sinh hoạt tập thể, lớp học ngoài trời; nơi đã từng nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi đầy hào hứng. Nơi bảo điện trang nghiêm cổ kính kia đã có những lớp cầu nguyện kéo dài cả tuần lễ. Tiếng “aum, aum” đều đều vang vọng lên cao, lên cao mãi.

Bà Sārī là vợ của ông, về với ông lúc mười tuổi. Tục lệ tảo hôn của người Ấn, do luật Manū chi phối, được dân làng này tuân phục một cách tuyệt đối. Bà là một người mẫu mực của tôn giáo, dựa vào đức tin không gì lay chuyển nổi với đức Phạm Thiên. Bà quán xuyến giúp chồng trong nhiều lãnh vực. Vừa điều khiển một trang viện to lớn với hàng trăm gia nô coi việc đồng áng, vườn tược; vừa tổ chức, sắp xếp chu đáo, hoàn hảo các buổi lễ cúng, cầu nguyện. Bà còn rất trẻ, có cá tính và hoạt động sôi nổi. Bà cầu nguyện tinh tấn không mệt mỏi. Nhưng suốt cả mười mấy năm ròng rã như thế, tất cả tinh lực dường như đã suy kiệt. Niềm hy vọng có đứa con để nối dõi tông đường chỉ còn lắt lay như ngọn đèn sắp lụn bấc.

Lão bà-la-môn Vaṅganta dẫu chỉ mới năm mươi nhưng trông đã già đi rõ rệt. Còn bà Sārī thì đã lộ liễu nỗi buồn phiền làm bạc trắng những sợi tóc mai! Nghĩ đến cơ đồ do suốt bao đời tâm huyết của tổ tiên, nếu mai nầy không con thì trước mắt họ chợt trống không và khô cháy như một bãi sa mạc. Gia đình ông là gia đình trưởng làng, nếu có con trai thì họ có quyền lấy tên làng đặt cho con trai. Và đương nhiên là sẽ thừa kế cái di sản tinh thần quý báu làm kim chỉ nam sinh hoạt cho ngôi làng Upatissa cổ kính.

Một lần bà-la-môn Vaṅganta nói với bà Sārī:

– Này! Kẻ-nô-lệ-kiều-diễm của ta! Hãy kiểm soát xem thử chúng ta đã có một lần nào sơ suất, khiếm khuyết trong các cuộc tế lễ không?

– Chẳng có đâu, Ðấng-thần-linh-chí-tôn của em! Kẻ nô lệ đã đích thân xem xét đến nước trắng tinh khiết, cỏ thơm cho bò cái, dao tế lễ và cả que chà răng! Không có gì là thiếu sót, thưa phu quân!

Ông Vaṅganta gật đầu. Ông biết bà nói đúng. Bà là người cẩn thận và chu đáo từng li, từng tí.

Ông nhớ có lần những người hầu hạ vì bất cẩn thế nào đó làm cho những cây đèn thờ phực cháy, nám xám cả một khoảng trần. Ðấy là hiện tượng “thần linh nổi giận” bởi do một bất cẩn hay một thiếu sót nào đó của gia chủ. Bà Sārī đã tra xét gắt gao đám nữ tỳ lo việc hầu cúng. Bà tìm không ra tội, nên đã dùng phép “thử tội”. Bà cho người quấy phân bò cái vào thùng dầu sôi, người bị buộc tội hay bị nghi ngờ là kẻ có tội phải nhúng tay vào đó cho tới tận khuỷu tay. Ông Vaṅganta đã từng giải thích cho bà hay rằng:

– Những kẻ tình nghi có tội, luật Manū bảo thế này: Nếu sau khi rút tay ra khỏi thùng dầu sôi mà không bị bỏng, kẻ ấy vô tội vì được thần linh che chở.

Rốt cuộc, tám người nữ tỳ, sau lần thử tội ấy đều bị phỏng tay. Thế là cả tám người đều có tội! Giết những kẻ nô lệ, cả luật Manū và luật Dharma Shautras đều coi là “không phạm tội giết người”- vì chỉ có tập cấp cao quý Bà-la-môn mới là người! Tám người nữ tỳ sau đó đều phải bị hy sinh khi “thần linh nổi giận!”

Ông Vaṅganta khẽ nhíu mày ưu tư rồi hỏi tiếp:

– Vậy thì lòng chí thành, chí kính? Này Kẻ-nô-lệ-kiều-diễm của ta, chúng ta có thành khẩn đúng mực chưa?

Bà Sārī bất chợt quỳ xuống, ôm hôn chân ông Vaṅganta rồi nói:

       – Hỡi đấng-thần-linh-yêu-quý của em! Ðối với phu quân mà thiếp đã tôn thờ như thế này, thì làm sao kẻ nô lệ lại dám thiếu lòng chí thành chí kính với ngài!

Ông Vaṅganta gật đầu hài lòng. Ông biết bà lại nói đúng nữa. Theo luật Manū bà đã tự gọi mình là kẻ “nô lệ” và gọi ông là “thần linh”, đôi khi còn gọi ông là “chúa của lòng em”; thỉnh thoảng gọi là “thầy”,“phu quân” nữa. Bà không bao giờ trái lời ông, dù là một việc nhỏ. Luật Manū nói rằng: –“Người vợ nào trái lời chồng thì kiếp sau phải đầu thai thành chó rừng chuyên ăn thịt xác thú chết”. Bà Sārī luôn là kẻ nói thật và tuân phục chồng như tuân phục đấng thần linh.

Ông âu yếm khe khẽ nâng bà dậy. Nếu ông không cho phép hoặc không nâng bà dậy thì bà sẽ quỳ mãi như vậy cho đến khi gục luôn. Luật Manū bảo rằng, đấy là mẫu người đàn bà trung thành tuyệt đối với chồng, sẽ được thần linh khen ngợi.

Hôm nọ, sau buổi cầu nguyện, bà Sārī nói với ông bằng khuôn mặt lóe sáng niềm vui cao cả:

– Này thần-linh-của-em! Kẻ nô lệ đã trải qua những khoảnh khắc xuất thần. Một vài linh điển ân triệu từ đấng Cao Cả đã ban xuống, rung động ba mươi hai đốt xương sống rồi tụ sức nóng ở đốt xương cuối cùng. Chẳng hay, điều đó là thế nào hở thần-linh-của-em?

– Hy vọng đó là điềm đại phúc! Con-mèo-diễm-lệ của ta!

Nói thế nhưng bà-la-môn Vaṅganta lại nghĩ khác: Dầu sao, nàng cũng là đàn bà ngu muội, làm ô nhiễm sự thanh khiết của thần linh! Luật Manū không cho phép nữ nhân biết đến kinh điển Vệ Đà, ngữ ngôn, chú thuật hoặc bất kỳ một kiến thức nào về các nguyên tắc lẫn trình tự tu chứng của Yoga. Bà đâu biết rằng đấy chỉ là hiện tượng tự nhiên do sự tưởng tượng cao độ. Năng lực tưởng tượng có thể làm phát sanh nhiều hiện tượng bội lý ở ngoài thường nghiệm của trí năng lẫn cảm giác. Ồ! Nhưng lạy đức Brāhman! Biết đâu đấy lại là ân triệu đại phúc mà ngài đã ban cho chúng con?

 Ðột ngột bà-la-môn Vaṅganta đứng dậy, rời khỏi tảng đá con sư tử hai đầu.

Chuyện đó xảy ra bao lâu rồi? Dường như đã là lâu lắm? Từ đó đến nay, bà Sārī đóng cửa cầu nguyện. Bà không tiếp xúc với ai cả. Chỉ vài nữ gia nhân lui tới như chiếc bóng để phục dịch cơm nước cùng những nhu cầu cần thiết khác. Chính ông cũng không được phép gặp mặt.

Mỗi ngày đi qua rất chậm, mặc dầu thì giờ của ông hoàn toàn để chìm lắng vào thế giới cao cả của Yoga và cầu nguyện. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, vào đầu canh ba, ông máy móc thực hành những nghi thức cần thiết mà luật Manū đã qui định cho một người bà-la-môn – vì nó biểu thị tư cách cao quí của một tập cấp đứng đầu xã hội, là người trung gian duy nhất giữa xã hội loài người và đấng Thần Linh. Dầu trời nóng hay lạnh, ông cũng phải tắm rửa rất kỹ càng, chà răng ba lần bằng một thứ vỏ cây cho sạch tất cả những uế khí, bợn nhơ được tiết ra từ nội tạng. Rồi ông cẩn trọng trang điểm cho mình: Đeo vòng hoa tươi, vòng vàng, vòng bạc hoặc đánh phấn, lựa tấm áo mới giặt thật thơm thọ vắt qua vai, cột sợi dây nịt bằng lụa Kāsī có viền kim tuyến, vấn đầu bằng chiếc khăn to dài chừng bốn, năm sải tay, rỏ một loại thuốc vào mắt cho sáng. Sau đó ông đến bảo điện ngồi công phu, tọa thiền, đọc kinh hay cầu nguyện. Rời bảo điện thì phương Ðông, sao mai đã nhạt mờ.

Ở nhà điểm tâm, gia nô đã chầu sẵn bằng những chiếc khăn trắng tinh, nước mưa tinh khiết trong cái chậu bạc lóng lánh. Ông Vaṅganta chậm rãi bước xuống. Cũng theo luật Manū ông rửa tay, rửa chân và rửa miệng. Thức ăn bao giờ cũng cầu kỳ, sang trọng nhưng được đặt trong những tấm lá chuối, lá vả giản dị. Ông Vaṅganta thò tay bốc ăn từng chút một. Dẫu là thượng vị nhưng ông không thấy ngon miệng.

Nhà điểm tâm lặng ngắt không nghe cả một tiếng muỗi kêu: Gia nô hầu hạ đứng yên như đã hóa đá. Họ thường không được phép nói gì khi chủ nhân chưa hỏi.

Cái điều định hỏi, ông lại ngại ngần: Đấy là bà Sārī! À không, chỉ cần đưa mắt một vòng là ông biết bà Sārī chưa xả giờ cầu nguyện. Ngày này qua ngày khác, cứ lập đi lập lại mãi, ông Vaṅganta càng lúc càng thêm chán nản, buồn phiền. Ông không muốn bước xuống ngôi nhà điểm tâm như mọi bữa mà thơ thẩn mãi trong sân gạch rộng thênh thang. Khi thì nhìn những hàng cây thốt nốt với những đàn chim trắng bay xa xa. Khi thì lặng lẽ nhìn những bụi chà là trái vàng nặng trĩu. Khi thì nhìn những chùm bông ca-ri đỏ thắm ẩn hiện ở ngôi vườn sau. Khi thì nhìn nhà cửa dãy ngang, dãy dọc với kho đụn, với tài sản mà thở dài! Rồi để làm gì? Rồi để cho ai?

Bỗng, mắt trái ông máy động liên hồi, linh tính như có chuyện gì vui. Ông quay lại. Ðầu sân con chim gì cất tiếng hót líu lo, lảnh lót một tràng dài. Phía xa bà Sārī bước ra từ khung cửa điện. Ông đứng sững. Bước đi của bà hôm nay có gì khác lạ. Ðến gần, ông thấy mặt bà như thoáng ửng hồng.

– Thần-linh-của-thiếp! Giọng bà thì thầm, xoắn xít như cố nén niềm vui – Thiếp đã có tin mừng, phu quân ạ!

Ông Vaṅganta đứng lặng. Ông run cả toàn thân, môi lắp bắp hoài nói không được.

Bà Sārī nắm tay ông:

– Thầy-của-em! Hãy trấn tĩnh tâm hồn – Bà nói tiếp, cũng dồn dập trong hơi thở – Ðúng là ngài đã ban phúc cho chúng ta, từ cái hôm mà kẻ nô lệ tiếp nhận được linh điển… Bà dìu ông đi từng bước một, giọng nói đã bắt đầu điềm tĩnh – nhưng kẻ nô lệ còn ngờ. Mười hôm nay, thiếp cầu nguyện, lắng nghe, theo dõi thì quả thật đúng như vậy. Có một vài biến chuyển trong cơ thể mà thiếp không tiện nói ra với phu quân. Hãy tạ ơn ngài đi, thầy ạ!

Ông Vaṅganta sung sướng quá. Người ông như bay bổng chín tầng mây. Lâu lắm… lâu lắm mà ông chỉ biết lắp bắp:

– Tạ… tạ ơn chứ! Phải tạ ơn chứ!