Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58673 Lượt xem

Tự cảm

(Thay lời tựa)

 

Chữ đốt trầm, ý khơi hương
Vọng ngôi sao sáng, cúng dường hôm mai
Mây vàng khói trắng bóng ai!
Chập chờn hư niệm, đời ngài lung linh
Bút nên tâm, mực nên tình
Quỳ xin sám hối – chân kinh lòng này!
Trăng và hoa nở trên tay
Sương mơ còn ngại, lá lay rừng mòng!

 

Triều Sơn Phương
Tĩnh thượng liêu, hạ 96
Minh Ðức Triều Tâm Ảnh

 

DÒNG TỘC

 
 

V

en con sông nhỏ, lặng lẽ, xanh trong bốn mùa, mọc lên một ngôi làng cổ kính, tên là Upatissa. Nằm ẩn sau những lũy tre xanh, núp mình dưới những hàng cau cao vút là những căn nhà gạch vòm cong, mái tròn xưa cũ; đột ngột vươn lên cao là những đền tháp đỏ chói trang nghiêm, màu sắc rực rỡ huy hoàng. Nơi đây có những tượng thần Nāga hình rồng khổng lồ, tượng thần Hanuman hình khỉ đen đúa, tượng thần Nandī hình bò mộng to tướng. Ngoài ra, khắp các đền miếu, am động, cội cây to thì thật là vô số vị thần. Như thần Brāhmā bốn mặt; thần Sūdra có ngàn mắt và bốn cánh tay; nữ thần Kālī đen thui thủi, có bốn tay, mặt mũi kỳ hình dị dạng, trang sức bên ngoài thường là máu và đầu người vừa mới chặt …

Không biết đã tự bao giờ, có lẽ đã tự nghìn thu sương khói, khi giống dòng Aryan cao quý, một dân tộc thượng đẳng – theo suy nghĩ của họ – từ phương Bắc tràn qua xứ này; sự pha tạp huyết thống và văn hóa đã mấy thiên niên kỷ, do tự nhiên hoặc ngẫu nhiên, tự do hoặc tất định đã để lại dấu ấn miên tồn trên cơ thể phì nhiêu và bao dung của dân tộc Ấn. Bây giờ, bước viễn chinh đã tàn phai theo trí nhớ, thế nhưng trong những đêm trăng mờ trên những ngọn đồi thấp lau cỏ đẫm sương, ai đó còn giật mình lắng nghe tiếng xào xạc của gió, tiếng reo của những cành trúc mềm, những lời thì thào mơ hồ từ hư không vẳng lại. Trong ký ức di truyền của dòng giống pha tạp còn tồn tại những hình ảnh xa xăm của những toán binh ma rầm rập qua đồi; tiếng vũ khí sàn sạt, hờn sôi, tóe lửa của những lần xáp trận. Không! Tất cả đã lụi tàn, đã phai bóng theo thời gian. Và lịch sử của dân Trung Ấn cũng dễ dàng quên đi những bạo tàn kinh khiếp của con người – vì họ sẵn tấm lòng đức độ bao dung và niềm tin tôn giáo. Do vậy, nơi đây đã thật sự yên nghỉ!

Suối nguồn kinh điển Vệ Đà đã thẩm thấu và trang bị cho tâm linh xứ này một sức sống nội tâm âm thầm và mãnh liệt. Sự hận thù và tranh chấp trần gian kia có nghĩa gì! Ôi! Sự huyễn hóa của Māyā, của Ngươi, đã chưng bày ra đó biết bao nhiêu tấn tuồng bi thương và ảo vọng?

-“ Thuở ấy, không có gì, này con! Kể cả vòm trời mênh mông, ngày và đêm. Không có cái chết và không có cả cái bất tử. Chỉ có cái ‘độc nhất’ và ý chí của Người. Một cái mầm nứt ra, và khi ấy, tình thương xuất hiện”.

Phải! Chỉ có tình thương và lòng từ ái nhiệm mầu xuất hiện.

Có những tượng thần nói lời từ ái bằng tay, bằng mắt. Có những tượng thần gợi thức thâm sâu cái bản ngã ngu muội đang ẩn tàng trong bao da đựng thịt, đựng xương. Có những tượng thần cuồng nộ, trợn trừng như xuyên suốt tim gan của ma quỷ. Có những tượng thần đen đúa, dữ dằn, giơ cao chiếc búa của thần Indra sẵn sàng bủa xuống những chiếc đầu tri kiến, kiêu căng và đa dục… Những ngày lễ hội, đàn tế, những ngày đầu và giữa tháng, khói hương bàng bạc khắp nơi như sương mù. Nơi các gốc cây cổ thụ ngàn đời, nơi những hang động tịch liêu, nơi những nghĩa địa xương trắng, nơi những đền miếu to nhỏ đủ loại… những tiếng “aum, aum” không ngớt vang lên, ùn ùn xao động cả không gian. Lửa lập lòe từng đám như đuốc, như ma trơi… Bóng người xõa tóc nhảy múa, quỳ mọp, khấn vái, thiền định, nằm ôm đất, mâm trái cây, đầu súc vật, máu cháy lèo xèo; tiếng hát, lời ca man rợ của âm binh, lẫn lộn xen nhịp vào đấy là những bài kinh cao cả, rơi đều đặn, len thấm, từ từ… Nó! Chính Nó. Chính những lời kinh cao cả chưa pha tạp kia đã duy trì chánh khí, là sợi chỉ vàng xuyên suốt từ ngàn xưa đến ngàn sau, làm tồn tại một tâm linh độc đáo, làm xán lạn một nền văn minh tinh thần dẫn đầu loài người: Tự do tín ngưỡng và tâm linh đạo học!

Upatissa là một ngôi làng được thừa kế trọn vẹn và tiêu biểu cho sức sống tâm linh ấy. Ở đây, cả hàng trăm vị thần cùng ngồi hòa bình trước sự chiêm ngưỡng và thờ cúng của mọi người. Người ta có thể đến đây để kích bác nhau, tranh luận nhau đến nẩy lửa nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng của nhau lẫn những tư tưởng dị biệt, bất đồng.

Ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) được sinh ra và lớn lên trong ngôi làng này. Thật không ngạc nhiên gì khi linh địa, giống dòng, văn hóa, giáo dục ngàn đời, túc duyên vạn kiếp đã làm nên cốt lõi cho một nhân cách siêu việt, một trí tuệ vượt bực, chờ đến khi chỉ cần một lời pháp chơn chánh, một ánh nắng siêu thoát dọi đến, đóa hoa kia sẽ nở khai viên mãn.