Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58675 Lượt xem

RỪNG GOSIÑGA HƯƠNG THƠM, TRĂNG SÁNG

 
 

C

hiều tối, sau giờ thiền định, tôn giả Mục Kiền Liên đi kinh hành dọc theo hàng cây sāla hoa nở ngát ngào hương. Chợt ngài dừng lại nhìn vừng trăng sáng lấp lánh sương, tự nghĩ:

– Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà ta đã mấy mươi năm sống an lạc trong giáo pháp này, tóc trên đầu cũng đã lấm tấm muối tiêu rồi! Ðã khá lâu bận đi du hóa nhiều phương, ta ít có cơ hội đàm đạo với tôn huynh Xá Lợi Phất. Nay thì các vị Đại trưởng lão tôn túc đều có mặt đầy đủ ở rừng Gosiñga này. Thật là một cơ hội hiếm có.

Thế rồi, tôn giả Mục Kiền Liên ghé sang chỗ độc cư của tôn giả Ðại Ca Diếp.

– Này tôn huynh kính mến! Rừng Gosiñga đêm thanh trăng tỏ, hương hoa sāla thơm ngát cả không gian. Ðây phải chăng là thời mà chúng ta nên viếng thăm tôn giả Xá Lợi Phất để đàm đạo?

– Phải đấy, tôn giả! Tiện đường ta qua chỗ tôn giả A Nậu Đà La và rủ vị ấy cùng đi luôn thể.

Tôn giả A Nan Đa đi kinh hành gần đấy nghe được, ngài đến chỗ tôn giả Ly Bà Đa (Revata – vị này không phải là em của ngài Xá Lợi Phất).

– Này tôn huynh Ly Bà Đa! Ðêm thanh trăng tỏ, hương hoa sāla thơm ngào ngạt như hương trời. Các vị tôn túc Đại trưởng lão đều đang đi đến tôn giả Xá Lợi Phất để đàm đạo!

– Vậy thì đêm nay quả thật là hy hữu đấy nhé – Tôn giả Ly Bà Đa nói – thế thì chúng ta cùng đến đấy để nghe pháp.

Tôn giả Xá Lợi Phất thấy cả năm vị trưởng lão đồng đến thăm bèn cất lời chào tươi vui:

– Hoan hỷ thay chư tôn hiền! Vinh hạnh thay là góc rừng này! Ðêm rằm sáng trăng, chư tôn hiền đã quá bộ đến đây! Cây sāla trổ bông cùng khắp, hương thơm ngạt ngào không gian…

Rồi tôn giả Xá Lợi Phất nhìn tôn giả A Nan Đa rồi nói:

– Hiền giả A Nan Đa cũng đến đây! Thiện lai hiền giả A Nan Đa! Vị thị giả cần mẫn, nghiêm túc của đức Ðạo Sư! Vị hầu cận thông tuệ và mỹ toàn của đức Ðạo Sư! Này hiền giả A Nan Đa! Khả ái thay khu rừng Gosiñga, đêm rằm sáng trăng, hương hoa sāla vi diệu như hương trời! Hiền giả nghĩ sao, một vị tỳ-khưu tu tập như thế nào để có thể làm sáng chói khu rừng Gosiñga?

– Thưa tôn huynh! Tôn giả A Nan Đa đáp – Theo thiển ý của đệ thì vị tỳ-khưu nghe nhiều giáo pháp, gìn giữ điều đã nghe, tích lũy điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh; những pháp ấy được vị đa văn gìn giữ kỹ, được ý tư duy, được tri kiến khéo quan sát, khi có cơ duyên, thuyết pháp lại cho tứ chúng nghe với văn cú viên dung lưu loát, với mục đích đoạn trừ tất cả phiền não ngủ ngầm ở trong tâm! Thưa tôn huynh! Theo đệ, hạng tỳ-khưu như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosiñga chăng?!

Tôn giả Xá Lợi Phất giờ quay sang tôn giả Ly Bà Đa:

– Hiền giả A Nan Đa đã nói lên lý tưởng, nguyện vọng của mình; và vị ấy đã thành tựu toàn mãn, tuyệt hảo lý tưởng và nguyện vọng ấy. Quả thật là đa văn đệ nhất! Còn quan niệm của hiền giả là thế nào?

– Thưa tôn giả! Theo ý đệ, một vị tỳ-khưu ưa thích đời sống độc cư, vui thú đời tịnh cư, nội tâm tu pháp tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ “không tịch”. Vị tỳ-khưu như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosiñga chăng?!

Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

– Ðúng là vậy, đức Tôn Sư thường tán thán, ca ngợi hiền giả là bậc thiền định đệ nhất quả không sai chút nào! Còn hiền giả A Nậu Đà La, ý kiến của hiền giả thế nào?

– Vị tỳ-khưu với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, quan sát một ngàn thế giới như quan sát những đường chỉ tay trong lòng bàn tay của mình. Như vậy là vị ấy có thể làm sáng chói khu rừng Gosiñga chăng?!

– Ðúng là vậy thật. Ðúng hiền giả là vậy thật. Là thiên nhãn đệ nhất. Còn ngài Ðại Ca Diếp, quan kiến của tôn giả ra sao?

Tôn giả Ðại Ca Diếp trang nghiêm nói:

– Theo tôi, vị tỳ-khưu tự mình sống ở rừng núi, theo hạnh khất thực, mặc y lượm chỗ này chỗ kia, không quá ba y, thiểu dục, tri túc, độc cư, không nhiễm thế tục, tinh cần, tinh tấn, thành tựu giới hạnh, thiền định, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Không những vị ấy sống như vậy mà còn tán thán tất cả những hạnh ấy, giáo giới cho những tỳ-khưu sống theo những hạnh ấy. Vị tỳ-khưu như vậy có thể nào làm sáng chói khu rừng Gosiñga được chăng?!

Tôn giả Xá Lợi Phất lại tán thán:

– Nhất định là sáng chói, tỏa hương thơm cho khu rừng giáo pháp. Tuyệt vời thay là đời sống ấy mà tôn giả là vị sa-môn thành tựu cao cả lý tưởng và nguyện vọng chơn chính của mình. Đúng là bậc đệ nhất đầu-đà khổ hạnh! Còn hiền đệ Mục Kiền Liên, theo đệ là đệ nhất thần thông chăng?

– Không phải vậy! Tôn giả Mục Kiền Liên mỉm cười – Thần thông biến hóa là chỉ để du hí cho vui thôi! Ðệ muốn nói đến một loại thần thông khác!

Giáo hóa thần thông chăng?

– Ðúng vậy. Nhưng muốn toàn mãn giáo hóa thần thông thì cần phải tinh thông tạng A Tỳ Đàm (Abhidhamma – Thắng Pháp). Một vị tỳ-khưu có thể làm sáng chói khu rừng Gosiñga thì vị ấy phải làu thông A Tỳ Đàm để khi đàm luận được trôi chảy, lần ra được những cái ẩn mật, thâm sâu, tế vi của pháp; đến khi cần, có thể dễ dàng giáo giới cho tứ chúng nữa!

– Hay thay! Ðúng thay! Tôn giả Xá Lợi Phất ca ngợi – Và hiền đệ đúng là như vậy!

– Không phải ngu đệ – Tôn giả Mục Kiền Liên mỉm cười lần nữa Trong giáo hội của đức Tôn  Sư, ngoài đức Tôn Sư ra, có ai tinh thông A Tỳ Đàm, giảng dạy A Tỳ Đàm, làm cho khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng, có hệ thống A Tỳ Đàm bằng được một phần mười sáu của đại huynh, hở bậc Tướng quân Chánh pháp?

Mọi người nhìn nhau hoan hỷ. Tôn giả Mục Kiền Liên lại nói tiếp:

– Bậc Tướng quân Chánh pháp khôn khéo là đệ nhất! Ai ngài cũng tán thán, ca ngợi. Ai ngài cũng bảo là sáng chói khu rừng Gosiñga! Thế nhưng, tôn huynh lại không chịu nói quan kiến của mình?

Tôn giả Xá Lợi Phất bèn đáp:

– Nói chứ! Theo tôi, vị tỳ-khưu nào điều phục được tâm. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều vị ấy muốn an trú tâm nào thì dễ dàng an trú tâm ấy. Như một vị vua hay một quan đại thần có một tủ áo đựng đầy áo đẹp với những màu sắc khác nhau. Thế rồi, vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều, vị ấy muốn mặc áo nào thì cứ tùy nghi lựa chọn!

Này hiền đệ Mục Kiền Liên! Một vị tỳ-khưu điều phục được tâm, hoàn toàn sử dụng được tâm mình như ý muốn là vị tỳ-khưu khả dĩ làm sáng chói khu rừng Gosiñga được chăng?!

Rồi hướng đến các vị trưởng lão, tôn giả cẩn trọng tiếp lời:

– Nhưng mà này chư hiền! Chúng ta hãy đi đến đức Ðạo Sư! Ðức Ðạo Sư chỉ dạy vấn đề này như thế nào thì chúng ta cứ như vậy mà thọ trì!

Khi đức Thế Tôn nghe thuật lại ý kiến của từng vị, ngài nói rằng:

– Ai cũng khéo trả lời, ai cũng nói đúng quan điểm của mình, ai cũng thành tựu xuất sắc lý tưởng, ước nguyện mà mình muốn đạt.

Tôn giả Xá Lợi Phất cung kính hỏi:

– Vậy thì theo ý đức Thế Tôn, vị tỳ-khưu phải như thế nào mới sáng chói khu rừng Gosiñga?

– Theo ý Như Lai thì đơn giản thôi! Vị tỳ-khưu nào sau khi đi trì bình về, im lặng độ thực, ngồi kiết già, lưng dựng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, với ý nghĩ: “Ta sẽ ngồi thiền cho đến khi tâm ta khéo giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ”.

Này Xá Lợi Phất! Ấy là vị tỳ-khưu làm sáng chói khu rừng Gosiñga, làm sáng chói khu rừng giáo pháp của Như Lai!

Ôi! quả thật là đêm thanh trăng tỏ, rừng sāla thơm nức mùi hương!