Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 58674 Lượt xem

ÁNH NẮNG SIÊU THOÁT

 

B

ình Sa vương (Bimbisāra – Tần-bà-sa) trị vì quốc độ Ma Kiệt Đà (Māgadha) – một đế quốc hùng mạnh, đóng đô tại kinh thành Vương Xá (Rājagaha) là vị thí chủ đầu tiên của đức Phật trong hàng vua chúa.

Khi thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) thoát ly đời sống vương giả, trên đường lang thang tìm đạo, có ghé qua kinh thành Vương Xá. Và một hôm, nhà vua trông thấy ngài, một đạo sĩ khiêm tốn đang đi khất thực trên đường phố. Vua lấy làm kính cảm khi thấy tướng mạo uy nghi, tư cách trang nghiêm, thanh tịnh của ngài nên sai người đi dò thăm. Khi được biết rằng, thường bữa, sau khi độ ngọ thì vị đạo sĩ cao quý ấy ngụ tại Paṇḍavāpabbata, vua cùng đám tùy tùng đến viếng ngài và trao đổi chuyện.

– Thưa đạo sĩ! Vua Bình Sa chấp tay cung kính hỏi – Trẫm thấy đạo sĩ có cốt cách và dung mạo khác thường, chắc hẳn không phải là hạng dân dã mà xuất thân phải thuộc dòng tộc cao quý nhất, hùng mạnh nhất. Trẫm tò mò muốn biết, có khi không phải, mong đạo sĩ hỷ xả bỏ qua cho. Rằng, lý do làm sao, đạo sĩ tuổi đang còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh, lại chấp nhận đời sống nghèo hèn của hạnh khước từ? Hiện tại đời sống ấy ra sao? Và tương lai, cứu cánh ấy như thế nào?

Ðạo sĩ Cồ Ðàm (Gotama) trả lời:

– Chẳng có gì, tâu đại vương! Phía trước đây, không xa lắm, dưới chân Hy Mã Lạp sơn, thuộc quốc độ Kosala của những gia tộc cổ kính, có một bộ tộc nhỏ bé nhưng cường thịnh và phú túc: Tôi xuất thân ở đấy, triều đại Thái Dương, dòng dõi Thích Ca (Sakyā). Vì nhận thức được mối hiểm nguy, tệ hại của thú vui vật chất nên tôi đã rũ bỏ vương bào, khoác mảnh y hoại sắc của người khất sĩ. Hiện tại tôi không còn muốn bám víu vào ngũ dục, tôi xuất ly chúng và cần cầu cái gì cao thượng hơn. Giờ đây tôi cảm thấy được thoải mái trong đời sống xuất gia. Tôi được an lạc, cảm ơn đại vương đã quan tâm!

Vua Bình Sa nghe vậy rất hoan hỷ, kính thỉnh đạo sĩ Cồ Ðàm, sau khi chứng ngộ đạo quả, hãy trở về viếng thăm vương quốc Ma Kiệt Đà (Māgadha). Ðạo sĩ Cồ Ðàm cũng hứa khả với đức vua như vậy.

Mấy năm sau, đắc đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, đức Phật từ giã cội Bồ Đề (Bodhi) bên sông Ni Liên (Nerañjarā), lên đường chuyển bánh xe pháp, gióng lên tiếng trống Bất Tử.

Ðầu tiên, ngài đến vườn Lộc Giả, tức là Vườn Nai độ cho năm anh em Kiều Trần Như (Koṇḍañña) là những người cùng tu khổ hạnh năm nào. Cũng tại đây, Ba La Nại (Bārāasī), đức Phật độ cho Yasa và bằng hữu của ông, cả thảy năm lăm người. Cùng với nhóm Kiều Trần Như là sáu mươi vị A La Hán, từ đó, ngài thành lập giáo hội tăng- già (Saghā) đầu tiên, gồm những người thuộc giai cấp lãnh đạo, có học thức, cao sang nhất trong xã hội thời bấy giờ.

Ðức Phật quyết định gởi sáu mươi vị A La Hán đi khắp các nơi truyền bá giáo pháp mới mẻ này. Ngài nói với các đệ tử:

– Nầy các thầy tỳ-khưu (bhikkhu)! Như Lai đã thoát ra khỏi mọi sự trói buộc dầu ở cảnh người hay ở cảnh trời. Các thầy cũng vậy, hỡi các thầy tỳ-khưu! Các thầy cũng đã thoát khỏi mọi sự trói buộc, dầu ở cảnh người hay ở cảnh trời.

Hãy ra đi! Nầy các thầy tỳ-khưu! Ðem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại sự hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại lợi ích, an lạc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi mỗi ngả. Hãy hoằng dương giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối; toàn hảo trong cả hai: Tinh thần và ngôn ngữ. Hãy công bố đời sống thiêng liêng và cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch. Có chúng sanh vướng ít bụi cát ở trong mắt sẽ am hiểu giáo pháp, hiện quán giáo pháp và thân chứng giáo pháp. Có chúng sanh dẫu ít bụi cát ở trong mắt, nhưng nếu không nghe được giáo pháp, liễu tri giáo pháp, chúng sẽ sa đọa.

Các thầy hãy ra đi vì lòng bi mẫn, vì lòng thương tưởng đối với chúng sanh đang khổ nạn; đang bị bít bùng, đoanh vây bởi phiền não chướng, sở tri chướng. Chính Như Lai cũng phải ra đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvelā ở Senāṇigāma để thăm những thí chủ, những người có công đức hộ độ cho Như Lai sau thời gian cực đoan khổ hạnh, ấy là vùng Uruvelā, xung quang sông Ni Liên Thuyền;  sau đó, Như Lai sẽ đến kinh thành Vương Xá  hoằng dương giáo pháp, cứu độ cho nhiều người hữu duyên.

Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy gióng lên tiếng trống của Chân Phúc và Bất Tử. Hãy truyền dạy giáo pháp giản dị, thiết thực và cao siêu chưa từng được nghe. Hãy mang lại niềm hy vọng an bình cho nhân thế. Ðược vậy là các thầy đã làm xong việc phải làm trên đời này!

Sau khi đức Phật tuyên bố như vậy, sáu mươi vị thánh A La Hán chia nhau đi các phương.

Ðức Phật ghé vào một rừng hoa cũng ở gần Chư-thiên-đọa-xứ (Isipatana), độ cho ba mươi thanh niên quý tộc thuộc hoàng triều Kosala xuất gia theo phạm hạnh. Tiếp đến, ngài ghé vùng Uruvelā độ cho ba anh em ông Ca Diếp (Kassapa) thờ Thần Lửa cùng một ngàn đệ tử của họ. Trong một bài thuyết pháp về lửa ở Gāyasīsa, đức Phật  đã độ cho không biết bao nhiêu người đắc quả, trong đó ba anh em ông Ca Diếp chứng quả vị A La Hán.

Do vậy, khi đức Phật đến kinh thành Vương Xá ở trong rừng kè thì chung quanh đã có hơn một ngàn thầy tỳ-khưu. Ðức Phật trở lại đây, kinh đô nước Ma Kiệt Đà là thể theo lời thỉnh cầu trước đây của đức Bình Sa vương.

Tin lành đến tai vua, và cũng vì danh tiếng của vị giáo chủ vô song này đã bay khắp vương quốc, chấn động cả kinh đô tín ngưỡng, rung động những con tim tôn giáo. Ðức vua bèn hối hả cùng tùy tùng và thân quyến đến đảnh lễ và thăm viếng vị đạo sĩ tóc đang còn đen nhánh với mỹ dung, quý tướng năm xưa!

Một vùng hào quang xán lạn và yên tĩnh từ kim thân đức Phật tỏa ra, vua Bình Sa cúi đầu rồi thành kính chiêm ngưỡng; và ông biết chắc rằng, đây là một bậc Ðại Giác Ngộ đích thực đã ra đời. Sau thời pháp, ánh sáng chân lý đến với mọi người. Bình Sa vương đắc quả Tu Đà Hoàn, xin quy y Tam Bảo; sau đó, đức vua xin thỉnh đức Phật và Tăng chúng về cung điện thọ trai ngày hôm sau.

Trong dịp này, vua Bình Sa xin làm bổn phận của một đệ tử cư sĩ, ngỏ ý cúng dường khu Trúc Lâm (khu rừng tre – Veuvana) của mình, là nơi không xa cũng không gần thành phố để cho chư tăng dễ dàng hành đạo; và để cho những ai có óc, có tai có thể đến thính pháp rất tiện lợi. Ðây là khu rừng tre mát mẻ, ban ngày không ồn ào, ban đêm yên tĩnh, kín đáo mà khoảng khoát, trong lành.

Trúc Lâm còn được gọi là nơi ở của loài sóc, tại đây, đức Phật đợi chờ nhân duyên chín muồi để độ cho hai nhân cách siêu việt, hai vị đại đệ tử, hai ngôi sao sáng của giáo hội. Ấy là Upatissa – Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Kolita – Moggallāna (Mục Kiền Liên) vậy.

Khi đức Thế Tôn đang ở Trúc Lâm thì đại đức Assaji, một trong năm vị đệ tử A La Hán đầu tiên thuộc nhóm Kiều Trần Như, theo lời dạy của đức Phật, lên đường chuyển bánh xe Pháp, cùng đi về một phương với đức Phật, theo hướng kinh thành Vương Xá. Nhân duyên của Upatissa đã đến.

Hôm đó, chàng cũng ở tại kinh đô Vương Xá, đang trên đường đi thăm đạo sĩ Sañjaya thì chợt nhiên nhìn thấy một tu sĩ y bát trang nghiêm, dung nghi từ tốn; mắt nhìn xuống, tĩnh lặng, khiêm hòa; gương mặt trầm tĩnh, buông xả và tự tại. Tất cả đấy biểu lộ một sự vắng lặng, an tịnh, ổn định sâu xa ở bên trong; nó còn nói lên một sự dừng lặng, ngưng nghỉ, tĩnh tại, cái không còn xôn xao, lăng xăng tìm kiếm! Vị đại đức khả kính nọ, đang khoan thai, chừng mực đi từ nhà này sang nhà khác, nhận lãnh chút ít vật thực khiêm tốn từ tấm lòng của mọi người. Cốt cách siêu phàm và bình dị của vị sa-môn khiến Upatissa tò mò để ý. Chưa bao giờ chàng được gặp một bà-la-môn, sa-môn, một đạo sĩ, một tu sĩ, một nhân cách, một con người bình thường nhưng vĩ đại như vậy. Chắc chắn ngài là một trong những vị đã đắc quả A La Hán (lý tưởng phổ thông thời bấy giờ) hay ít ra là một trong những vị đang đi trên con đường dẫn đến đạo quả A La Hán. Upatissa tự nhủ: “Ta hãy đến gần và hỏi ngài: Vì sao ngài thoát ly thế tục? Thầy của ngài là ai? Ngài truyền bá giáo lý gì?”

Tuy nhiên, thấy đại đức Assaji đang yên lặng đi trì bình, Upatissa không dám làm rộn ngài.

Khi đại đức Assaji đi bát xong, hướng mắt đến một khu rừng xa cất bước, Upatissa cung kính đi theo sau, tự nghĩ: “Chắc chắn ngài đang tìm đến một nơi an tịnh phải lẽ để độ thực. Ta sẽ đi theo ngài, tìm cách hầu hạ ngài như một người đệ tử. Rồi ta sẽ hỏi đạo từ nơi ngài”.

Ðại đức Assaji biết có người đi theo sau, nghĩ rằng: “Mấy ông du sĩ ngoại đạo này thường cống cao, ngã mạn. Chúng không biết rằng, khi đức Thế Tôn xuất hiện ở trên đời thì tất cả các giáo phái chủ, giáo phái sư của chúng chỉ còn là những ngọn đèn le lói, những con đom đóm lập lòe! Thế mà chúng cứ muốn đem so ánh sáng của mình với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng! Tuy thế, ta cứ để cho chúng muốn làm gì thì làm với cái lập lòe, le lói ấy! Không ai có thể phá rối được sự an tĩnh của những đệ tử đức Tôn Sư dẫu là uy lực của chư thiên, phạm thiên, ma quân hay loài người!”

Ðến một lùm cây cao, có bóng mát, đại đức Assaji đưa mắt nhìn bao quát một vòng rồi dừng chân lại.

Upatissa hiểu ý ngài đã tìm ra được chỗ nghỉ, nên nhanh nhẹn lấy chiếc tọa cụ của mình mang theo, trải ra trên đám cỏ bằng phẳng, sạch sẽ rồi thưa rằng:

– Bạch ngài, xin ngài hãy an tọa trên tấm tọa cụ này. Xin ngài hoan hỷ tiếp thọ tấm lòng thành kính của con.

Ðại đức Assaji gật đầu đáp trả, mỉm cười bình lặng, ngồi xuống rồi mang bình bát ra, để bên chân rồi thong thả độ thực. Ngài dùng chậm rãi, từ tốn, an trú chánh niệm trước mặt, rốt ráo hiện quán, rốt ráo tỉnh thức.

Upatissa đứng một bên, vòng tay cung kính, nét mặt trang nghiêm, bình lặng.

Một ý nghĩ khởi sanh trong tâm ngài Assaji:  “Người này, vị du sĩ trẻ tuổi này, tuấn mỹ, trang nghiêm và rất mực cung kính này biểu lộ một sự chân thực hiếm có! Ta chưa từng thấy ai, biết ai trong hàng ngoại đạo lại toát ra cái vẻ tri thức đích thực, đạo hạnh và khiêm tốn hy hữu như vậy. Phải chăng, đây sẽ là một đóa kỳ hoa khi được ánh nắng siêu thoát của  đức Tôn  Sư dọi đến?”

Ðại đức Assaji vừa rời tay khỏi bình bát sau khi thọ thực xong, Upatissa đã nhanh nhẹn và cẩn trọng dâng đến ngài nước rửa, nước uống, tăm xỉa răng mà những du sĩ hành cước luôn luôn mang sẵn bên mình.

Ðại đức Assaji im lặng thọ nhận, tự nghĩ:  “Không phải không duyên cớ mà y đến bên ta, cung kính và hầu hạ ta với tư cách một người đệ tử thuần hậu, ngoan ngoãn. Ta hãy tìm một chỗ phải lẽ để nghỉ ngơi, sau đó, thì giờ còn lại ta sẽ dành cho tọa thiền, an trú tâm giải thoát rồi ta sẽ xem thái độ của y ra sao”.

Ðại đức Assaji đứng đậy. Upatissa nhanh chóng thu dọn, cất đặt mọi thứ rồi thưa rằng:

– Bạch ngài! Chẳng hay ngài có ý định tìm một gốc cây khác, một khu rừng khác để tĩnh chỉ vào buổi trưa? Ðệ tử xin được đi theo hầu hạ, có việc gì xin ngài cứ tùy nghi sai bảo.

Ðại đức Assaji đáp:

– Bần đạo đã hoan hỷ thọ nhận tất cả mỹ ý của ngài rồi, vị du sĩ trẻ tuổi ạ! Nay đến thời tĩnh chỉ của bần đạo, khỏi phiền đến ông nữa. Không rõ bần đạo có thể giúp ích được gì cho ông đây?

Upatissa thỉnh đại đức Assaji ngồi xuống trở lại trên tấm tọa cụ của mình, cung kính đảnh lễ sát đất, ôm chân bụi của ngài rồi bạch:

– Ðệ tử lang thang tìm đạo đã nhiều. Ðệ tử đã lê gót ta-bà khổ hạnh khắp mọi quốc độ, nghe nơi nào có vị đạo sư lỗi lạc đệ tử đều tìm đến chiêm ngưỡng, cúng dường, học hỏi giáo pháp. Ðệ tử ở trong truyền thống bà-la-môn, đã học hết kinh điển bà-la-môn, đã tu tập hết mọi con đường dẫn đến Phạm Thể nhưng cuối cùng vẫn bế tắc và khổ đau. Bao năm nay đệ tử khẳng khái phất tay từ bỏ chúng, bước ra ngoài chúng; đã học hỏi với rất nhiều giáo phái, rất nhiều chân sư hiện đại nhưng Chân Phúc và Bất Tử vẫn không tìm thấy!

Bạch ngài, vị sa-môn khả kính! Ðệ tử chưa từng thấy ai có được ngũ quan trong sáng, bình thản và an tịnh như ngài. Phong thái của ngài mới tươi mát, tịch tịnh và siêu thoát làm sao! Bạch ngài! Con chiêm ngưỡng ngài như thế rồi tự nghĩ: “Ðây đúng là nhân cách của bậc vĩ nhân A La Hán hay ít ra là cũng đang trên đường đi đến đạo quả A La Hán”.

Vậy xin ngài hãy dạy cho con biết, vì mục đích nào mà ngài thoát ly thế tục? Có ai làm Tôn Sư của ngài trên đời này không? Ngài thọ giáo với ai? Và giáo pháp ngài thọ giáo ấy nó như thế nào?

Vị A La Hán chăm chú lắng nghe, tự nghĩ:  “Ðúng là y đã nói tận đáy lòng. Ðúng là một du sĩ có học thức, có lễ độ, có hạnh kiểm. Ðúng là y đã từng nỗ lực cần cầu sự an ổn, vượt thoát mọi khổ ách ở trên đời”.

Ngài bèn khiêm tốn trả lời – thái độ khiêm tốn, chừng mực là đặc điểm của bậc thánh nhân.

– Này vị du sĩ trẻ tuổi chân thật! Bần đạo chỉ là một tu sĩ sơ cơ. Bần đạo chỉ mới tập tành bước chân vào giáo pháp này. Bần đạo ít học, ít ngôn ngữ, ít khả năng nên thật không đủ sức giảng giải giáo pháp một cách rành rẽ được.

Upatissa thành kính nói:

– Kính bạch ngài! Con là Upatissa, xin ngài cứ chỉ giáo cho con ít nhiều. Dẫu chỉ một ít nhưng con sẽ cố gắng tự tìm hiểu giáo pháp bằng trăm ngàn cách.

Và chàng lại đảnh lễ một lần nữa:

– Con là người khao khát giáo pháp như hạn hán trông mưa, nhất là thứ giáo pháp mà ngài đã uống vào lòng rồi tỏa sáng, chói ngời nơi tứ oai nghi, nơi cung cách và nơi tác phong của ngài. Xin ngài hãy ban cho con một ít về giáo pháp ấy. Ngài chỉ cần một vài lời tóm tắt. Dẫu một vài lời nhưng là cái căn bản, cốt lõi và thiết yếu nhất.

Biết lòng thành khẩn, thiết tha của chàng thanh niên, đại đức Assaji nói:

– Vậy này hỡi người du sĩ đáng mến! Bần đạo sẽ tóm tắt gọn ghẽ tư tưởng giáo pháp cao siêu của đấng Tôn Sư. Hãy lắng tai để nghe, hãy lấy trí để thấy:

“- Các pháp phát sanh do bởi một nhân
Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ
Và ngài cũng dạy phương pháp

để diệt tắt nhân ấy
Chính đó là giáo huấn của bậc  Ðại Sa Môn!”

Bốn câu kệ tóm tắt toàn bộ giáo pháp thật giản dị mà cũng vô cùng cao siêu. Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ có lẽ đã thuần thục để thấu triệt chân lý ấy. Như một ánh nắng, một tia sáng! Chỉ cần một gợi ý, một mở phơi là Upatissa thấy hé lộ một con đường đi đến Chân Phúc và Bất tử! Còn kỳ diệu hơn thế nữa, là không đợi đến lúc đại đức Assaji đọc xong bốn câu, mà chỉ mới hai câu đầu tiên thôi, Upatissa đã chứng quả Tu Đà Hoàn (Sotapati), đã đi vào dòng thánh.

Upatissa đứng lặng hồi lâu, toàn thân chàng chấn động mạnh: “Một trạng thái siêu thoát đã đến với tâm trí chàng!”

Xúc động, cảm kích, tri ân bàng hoàng lẫn lộn, Upatissa quỳ xuống ôm chân đại đức Assaji, nghĩ rằng: “Ý nghĩa của sự giải thoát, Chân Phúc và Bất Tử ta đã tìm thấy ở đây rồi”. Bèn nói:

– Bạch ngài! Ðệ tử đã tìm thấy rồi. Thật là siêu thoát và vĩ đại là giáo pháp vô thượng này. Xin ngài đừng giải rộng thêm nữa. Ðối với đệ tử, vậy là quá đủ rồi, quá đủ cho mục đích của một thiện gia nam tử xuất ly cần cầu an ổn mọi ách phược trên trần thế.

Ðại đức Assaji biết vị du sĩ trẻ tuổi đã đắc pháp nhãn, đã thấy ánh-sáng-của-con-đường, bèn tiếp:

– Hãy đi đến bên chân đức Tôn Sư, bậc vô thượng Chánh Ðẳng Giác, ngài còn có cả một kho tàng Pháp Bảo, chỉ để dành cho những ai có trí.

– Bạch ngài! Hiện đấng Vô Thượng Giác giờ ở đâu?

– Này kẻ tầm đạo! Cũng gần đây thôi. Ðức Tôn Sư hiện đang ở Rừng Tre, chỗ ở của loài sóc, phía Bắc kinh thành Vương Xá.

– Bạch ngài! Rồi đệ tử sẽ đến đó. Hiện giờ, đệ tử có một người bạn thân, cũng cần cầu giáo pháp như đệ tử vậy, trước khi chia tay, có lời hẹn ước như sau: “Nếu ai tìm được đạo Bất Tử trước tiên, phải chỉ lại cho người kia”. Nay đệ tử phải thông báo cho bạn niềm vui bất tử này. Mấy hôm nữa thôi, chúng đệ tử sẽ đến quỳ bên chân đức Giáo Chủ vô song.

Upatissa cung kính quỳ mọp đảnh lễ ngài Assaji, từ giã, sau đó, đi tìm Kolita.

Thấy bạn với dáng đi, với nét mặt tỏa sáng rạng rỡ kỳ lạ chưa từng được thấy, Kolita ngạc nhiên hỏi:

– Này hiền huynh! Phải chăng hôm nay hiền huynh đã tìm ra đạo Bất Tử?

– Phải, hiền đệ ạ! Thật là hạnh phúc thay cho chúng ta, cho tất cả chúng sanh vì đạo Bất Tử đã thật sự có mặt trên đời này. Một đức Thế Tôn, một nhân cách vô song, một bậc A La Hán vĩ đại đã tuyên bố một giáo pháp vô song và vĩ đại chưa từng được nghe! Huynh đã nếm được hương vị đầu tiên của giáo pháp ấy qua đệ tử của đức Vô Thượng ấy. Bây giờ, hiền đệ hãy lắng tai để nghe, lấy trí để thấy, đây là bốn câu kệ tóm tắt giáo pháp bất diệt ấy…

Nói thế xong, Upatissa đọc lên. Khi bốn câu kệ ngôn vừa chấm dứt, cũng như Upatissa, Kolita chấn động cả châu thân, ánh sáng Bất Tử lóe hiện: Kolita nhập vào dòng thánh, đắc quả Tu Đà Hoàn.

Cũng im lặng giây lâu, cũng bàng hoàng xúc động như Upatissa, Kolita chấp tay cung kính:

– Quả thật là giáo pháp tối thượng, vĩ đại đã xuất hiện ở trên đời do một đấng Ðại Giác vì lợi ích cho chúng sanh. Con xin cung kính đảnh lễ giáo pháp ấy. Con xin cung kính tri ân giáo pháp đã cho con thấy bến, thấy bờ, thấy được ánh sáng vinh quang và bất tử.

Kolita run run nắm tay bạn:

– Này hiền huynh! Vậy đức Thế Tôn giờ ở đâu?

– Thầy của huynh cho biết rằng, đấng Ðại Giác hiện ở Trúc Lâm, tức là Rừng Tre của vua Bình Sa.

– Chúng ta hãy mau mau đến chiêm bái ngài.

Upatissa suy nghĩ một lát:

– Vâng, rồi chúng ta sẽ đến chiêm ngưỡng ngài, sẽ quy y với đấng Ðại Giác ấy. Nhưng hiền đệ nghĩ như thế nào, có nên thông báo sự kiện hy hữu này cho thầy cũ của chúng ta, đạo sĩ Sañjaya hay biết chăng? Có nên thức tỉnh thầy của chúng ta từ bỏ mớ giáo lý hời hợt, nông cạn, ỡm ờ đánh lận con đen bằng cái triết học “bất khả tri”, với cái cõi “bình an hằng cửu” giả tạo ấy hay không? Khi mặt trời chân lý đã có mặt thì tất cả ngọn đèn của các triết thuyết trên thế gian sẽ không còn rọi sáng cho ai được nữa!

Kolita gật đầu:

– Phải lắm! Tất cả các con suối, con sông cuối cùng phải đổ vào con sông Ðại Hằng, cùng thế ấy, hãy thuyết phục thầy cũ của chúng ta đi theo ánh đạo quang vinh Bất Tử.