Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59255 Lượt xem

THOÁT LY GIA ĐÌNH

 

B

à-la-môn Vaṅganta ngày ngày nhìn con trai trưởng lớn lên, học hành uyên bác, tư cách đạo đức hơn đời, thâu nhận đồ chúng, giáo hóa môn sinh thảy thảy đều xuất chúng. Ông hài lòng thầm nghĩ:

“- Con đường danh vọng và sự nghiệp của con ta, không mấy lúc đã nghiễm nhiên vượt xa ta. Không chỉ vượt xa ta, mà còn to lớn, vĩ đại như con sông Ðại Hằng vào mùa nước nổi, như ngọn Hy Mã Lạp sơn cao tít chín tầng mây. Bây giờ là phải thời để tính chuyện hôn nhân cho nó”.

Ông lại nghĩ tiếp:

“- Luật Manū đã định phép tảo hôn. Con trai đến tuổi trưởng thành mà chưa có vợ thì mọi người sẽ chê trách, khinh bỉ, sẽ không có một địa vị nào xứng đáng trong xã hội để dành cho họ. Người đàn ông thật sự hoàn bị, trưởng thành thì phải đầy đủ ba yếu tố: Bản thân, vợ và con. Thiếu vợ hoặc chưa con thì chưa thể gọi là trưởng thành!

Luật Manū cho phép hai gia đình được đính hôn khi con cái vừa sinh ra, đôi khi còn nằm trong bụng mẹ. Con gái từ ấu thơ đến khi đầy đủ chức năng làm mẹ, bất cứ khi nào cũng có thể đính ước. Tuy thế, con gái mười bốn tuổi rước về nhà chồng là phải lẽ. Con trai ta năm nay đã mười tám, phải lập gia đình cho nó, kẻo đến khi quá muộn”.

Bèn gọi Upatissa đến, dạy rằng:

– Này con,! Cha mẹ sẽ tính chuyện gia thất cho con trong năm nay. Một người bà-la-môn chân chính không thể sống độc thân, ngoại trừ các tu sĩ bà-la-môn sống đời xuất gia. Con đường danh vọng và sự nghiệp của con còn dài. Con cần phải có một địa vị xứng đáng nhất định trong xã hội. Ðấy là lợi ích thiết thực, mục đích thiết thực của các đấng nam nhi sống ở trên đời. Nó còn là niềm vui cao thượng cho cha mẹ lẫn dòng họ. Con nghĩ thế nào?

Thật ra ông Vaṅganta không cần hỏi con. Luật Manū quy định rằng, việc hôn nhân của con cái, cha mẹ được trọn quyền quyết định. Nhưng vì tôn trọng con, ông muốn con ông cùng dự bàn. Upatissa cũng đã suy tư nhiều về điểm này. Chàng là một thanh niên mới lớn, thỉnh thoảng cũng bị rung động bởi một vài bóng hồng. Chàng cũng bị những xao xuyến mơ hồ, những vọng tưởng chi phối. Nhưng chàng đã thắng lướt dễ dàng do có một kỷ luật tinh thần nghiêm túc. Ngoài ra, lý trí chàng vững mạnh, tư duy chàng có chiều sâu. Chàng không thể để cho những cảm xúc kia, những cảm xúc phù du ảnh hưởng đến con đường và chí hướng cao thượng của mình.

Chàng đã từng nghe minh triết dạy rằng: “Lạc thú tinh thần thù thắng và vi diệu hơn lạc thú vật chất rất nhiều. Nó êm đềm, an tĩnh và trường cửu. Nó ngưng lắng và tự tại như sự bình yên của đỉnh núi. Nó thanh thản, nhẹ tênh như một đám mây trắng thong dong ngang trời. Nó tươi mát, dịu dàng như nụ hoa phong lan trong sương sớm. Nó trang trải, xanh êm, mịn màng của mặt hồ xanh trong không gợn sóng. Nó mênh mông, bao la và khoảng khoát như hư không. Nó như sự hỷ hoan, reo vui của khóm trúc. Nó là tiếng chim hót dịu dàng, thanh tao, cao nhã trong vườn cây của cõi trời. Nó là tiếng suối chảy róc rách hòa với cây đàn gió đi qua núi đồi, vi vu giữa không gian lồng lộng.

Cái lạc thú tinh thần ấy, nó lắng sâu, dịu nhẹ, mang mang, no đầy, choáng khắp, tẩm mát, sung mãn mà không hao tổn tâm cơ và khí huyết. Ôi! Lạc thú tinh thần vi diệu xiết bao!”

Còn lạc thú vật chất thì minh triết dạy ra sao? Ồ! Minh triết dạy như thế này:

“- Lạc thú vật chất ư? Là hình ảnh của những con bọ dòi no nê ăn thực phẩm trong đống phân. Là sự huyên náo, ồn ào của buổi chợ chiều buôn bán súc vật. Là cái đậm đạp, lì bì, ì ạch, biếng nhác của loài heo. Là xú khí đen đúa, tanh hôi của vũng nước cống tù đọng. Là nét mặt nhăn nhó, bần tiện của gã con buôn bụng to, cho vay nặng lãi. Là nét mặt phè phỡn, ngu si, hợm hĩnh của tên trọc phú học thói cao sang và lễ nghĩa. Là sự nhạt nhẽo, vô mùi vị của món cơm nếp nát. Là đóa hoa lòe loẹt sắc màu mà chẳng có thanh hương. Là sự khoe khoang, điệu bộ vô duyên của mụ đàn bà đeo vàng trong hàm răng lổm chổm. Là viên thuốc đắng độc hại được bọc bằng mật ngọt thốt nốt. Nói tóm lại, lạc thú vật chất ư? Nó là sinh tử, máu, nước mắt, hận thù, gian ác, rắn độc, lửa, bọ trùng, quỷ đói, địa ngục đồng sôi. Nó chính là cái gì ô uế, thống khổ và tục lụy”.

Ðã hàng ngàn năm kinh nghiệm, kiến thức, trí khôn của cổ nhân, cổ thư đã dệt nên những trang văn chương với hình ảnh sống động như thế lẽ nào chàng không tin, không học, không bắt chước, không quay lưng lại với những cám dỗ của ma vương? Lại nữa, dẫu: “Ðàn bà là lạc thú cao nhất cho người đàn ông, nhưng mà, đàn bà và tình yêu của nàng là cái bẫy sắt dịu dàng, êm ái nhốt người đàn ông vào tù ngục, thấp hèn và nô lệ”.

Ở nơi nào đó trong luật Manū đã mạt sát người đàn bà thậm tệ:

“- Ðàn bà là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Vì đàn bà mà có kiếp trần, sinh tử, trả vay, trầm luân bất định trong muôn ngàn cõi”.

Ở một nơi nào đó nữa:

“- Ðàn bà có thể làm cho hạng đàn ông khôn ngoan sáng suốt nhất, chớ đừng nói là hạng ngu ngốc, điên khùng phải bỏ chánh đạo mà đi vào tà đạo, để cho lòng dục và sự giận dữ lôi cuốn vào địa ngục không cơ cưỡng được”.

Và chàng làm sao quên được một huyền thoại trong nhân gian nói về nguồn gốc của người đàn bà:

“- Ðức Hóa Công Twashtri, một hôm ngồi buồn, nảy ra ý định muốn tạo ra một người đàn bà, bỗng sực nhớ ra rằng, đã dùng hết vật liệu để tạo ra người đàn ông rồi; bây giờ không còn nữa, đành tạm mượn hình dáng, tính chất, trạng thái của những vật khi tạo ra vũ trụ để tổng hợp mà nặn nên nàng:

Người mượn hình tròn của mặt trăng, đường cong của các dây leo, tua uốn của cây nho, sự run rẫy của cỏ, sự mềm mại của lau sậy, sự mịn màng như nhung của cánh hoa, sự nhẹ nhàng của lá cây, hình thon thon của vòi voi, sự lấp lánh của sao trời, sự dịu dàng của mắt nai, sự rực rỡ của bướm, sự vướng vít của tơ trời, sự ẻo lả của liễu, sự cuồng nộ của biển động, tia sáng nóng rực của lửa, tiếng hót líu lo của chim cà cưỡng, sự đều đặn của các phòng ổ ong, sự vui tươi của ánh nắng, sự nhí nhảnh của chim sáo, vẻ âu sầu của đám mây, sự bất thường của gió, sự e lệ của con thỏ, sự khoe khoang của con công, sự cứng rắn của kim cương, sự ngọt ngào của mật, sự tàn bạo của beo, sự băng giá của tuyết, tiếng gù gù của bồ câu, nét làm dáng của mèo, tính giả dối của con sếu, tính trung nghĩa của chó nhà, tính lất phất của lá trúc, tính lang chạ của phấn thông vàng, tính hàm hồ của sóng, tính nhẹ dạ của hạt sương, tính đa sự của ý tưởng. Tất cả những cái đó, Ngài nhào nặn lại với nhau làm thành người đàn bà trong thế gian, đem tặng cho người đàn ông, để cho y thỏa thích, đắm đuối mà quên đi cuộc lưu đày miên viễn…” (1)

Do vậy, Upatissa cương quyết phải bước ra, phải giải thoát. Và trước nhất là phải bước ra khỏi vòng tay dịu dàng, băng giá và lửa bỏng của người đàn bà mà tâm hồn cũng như tính tình không dễ gì người đàn ông tìm ra nghiệm số.

Chàng bèn nói với cha:

– Thưa cha! Các em con rồi sẽ khôn lớn và hiểu biết. Chúng có thể lo liệu mọi việc trong gia đình. Chúng có thể chăm sóc, quản lý gia nô, vườn tược và đồng áng. Chúng có thể phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, kế thừa dòng dõi, cúng giỗ tổ tiên, bảo vệ truyền thống tập cấp cũng như truyền thống đạo đức, thanh danh gia đình. Riêng con, con chỉ muốn xuất gia, sống đời du phương đạo sĩ khổ hạnh. Con chỉ muốn tìm đạo. Con chỉ muốn tìm ra lý giải tận cùng của vòng sinh tử khổ đau. Con kính cẩn xin cha mẹ cho con được tròn ước nguyện. Con không có một sự lựa chọn nào khác.

Ông Vaṅganta tưởng tai mình nghe lầm. Không! Con ông đã trình bày rõ ràng, dứt khoát. Ông ngước đầu lên. Upatissa vòng tay, cúi đầu, vầng trán cao rộng mênh mông; đôi chân mày thẳng biểu hiện một ý chí vô hạn; đôi mắt như hai vì sao tỏa sáng dịu dàng. Ông nghĩ:

“- Con ta chưa bao giờ nói hai lời. Con ta chưa bao giờ chùn bước trước một quyết định, một ý nghĩ đã thốt lên tiếng. Nói lời gì, con ta cũng đã suy nghĩ thấu đáo, chín chắn trước sau. Ồ! Vậy xuất gia là chí hướng của nó thật sao? Ôi! Ðời sống của con ta từ nhỏ tới giờ là đời sống của một vị thánh. Nó chưa bao giờ nói chơi, nói giỡn, nói lời vô ích phù phiếm. Mười tám tuổi, nó nghiễm nhiên đã là một vị đạo sư đức hạnh và lỗi lạc. Ôi! Thế ra nó cương quyết bỏ gia đình này, lìa nơi tổ ấm chôn nhau cắt rốn. Sở học một đời của ba thầy Bà-la-môn, của ta không thỏa mãn được nó. Thánh kinh, cổ thư không giải đáp được bài toán tâm linh cho nó. Nó cũng coi thường luôn cái gia tài đáng giá tám trăm triệu đồng tiền vàng này”.

Dẫu nghĩ như thế nhưng ông Vaṅganta vẫn muốn dùng cái quyền hạn của người cha, bèn nói mạnh mẽ:

– Không thể được, con không thể xuất gia sống đời khổ hạnh. Cha mẹ không đồng ý. Con là viên ngọc vô giá của gia đình, của dòng họ; là niềm hãnh diện của thôn làng; là nơi nương tựa vững chắc cho cả hàng trăm môn đệ. Con phải ở kề cận bên cha mẹ suốt đời để chăm sóc, bảo quản cả hai di sản quý báu: Di sản tinh thần và di sản vật chất.

– Thưa cha! Giọng Upatissa không lớn hơn mà cũng không nhỏ hơn – Chí con đã quyết! Hãy cho con xuất gia!

Bà-la-môn Vaṅganta lảo đảo đứng dậy. Ông mệt quá. Ông khổ quá. Ông già quá rồi. Ông chỉ muốn cho con ông sung sướng trên nhung lụa, trong lầu son, gác tía. Ông làm sao chịu đựng được khi nghĩ rằng, con ông, con của dòng họ Vaṅganta nổi danh, con của một trưởng giáo cự phú lại sống lang thang rày đây mai đó, xin nước cháo chua, cơm thừa, canh cặn từ cửa mọi nhà? Lại đầu trần, chân đất, rách rưới, đói khổ nơi rừng sâu, nơi nghĩa địa? Ông Vaṅganta chưa bao giờ có mối thương tâm, tủi buồn lớn lao như thế. Ông khóc, ông vật vã, ông kêu gọi thần linh che chở cho ông làm thay đổi ý nghĩ điên khùng của Upatissa.

Nghe tiếng ông khóc, bà Sārī chạy lại. Khi hiểu cớ sự bà không tin. Bà dịu dàng đến bên Upatissa, ân cần hỏi:

– Này, con yêu quí! Có phải vì mẹ nghe lầm chăng? Ai lại dại gì từ bỏ gia sản ức triệu để đi xin ăn đầu đường xó chợ phải không con?

Upatissa giọng kính cẩn, ôn tồn đáp:

– Thưa mẹ, chí con đã quyết! Mẹ nghe như vậy là đúng, không lầm đâu. Con xin được sống đời xuất gia, lang thang khổ hạnh. Di sản tinh thần và di sản vật chất này tuy là quý báu nhưng nó chỉ đưa đến danh vọng, địa vị, quyền uy lẫn những hạnh phúc trong thế gian. Cái hạnh phúc ấy bọt bèo, không chắc thật. Con từ bỏ tất cả mà ra đi, không phải là để thỏa mãn những mơ ước hữu hạn, không phải là để thỏa mãn ý dục cao đại và kênh kiệu trong lớp hào quang ngụy trang của bản ngã. Con muốn chiến đấu cho dù có gục ngã trước Sự Thật và Hư Vô. Con muốn tìm ra cái Ðạo Lý với đáp số tận cùng về Khổ Đau và buộc ràng Sinh Tử. Con muốn giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, tuyệt đối. Ấy là sự hướng thượng thiêng liêng, tất định của đời con.

Bà Sārī với đôi mắt đỏ lệ van lơn:

– Ðừng có dại khờ, nông nổi, mê muội! Gia sản này, nó cho ta vợ đẹp, con ngoan. Nó cho ta xe cộ, võng lọng, giường cao, nệm ấm. Nó cho ta món ăn, thức uống sơn hào hải vị. Nó cho ta gác bạc, lầu vàng, đờn ca, xướng hát, yến ẩm, tiệc tùng. Nó cho ta kẻ hầu người hạ, tiền hô hậu ủng. Cái đó mới là hạnh phúc thực tế giữa đời này. Nếu nói đến tinh thần hướng thượng thì con cũng đã sẵn đủ trong trí óc tất cả trí khôn của tiền nhân để lại. Biết bao bậc thánh nhân, hiền trí từ ngàn xưa đến giờ, ở trong truyền thống này, chẳng lẽ họ lại thua con về sở tri, sở kiến? Coi chừng! Cái mà con tìm kiếm chỉ là mộng tưởng, là hư tưởng vẩn vơ; là lông rùa, sừng thỏ trên đời này! Chẳng ai dại gì đánh đổi một viên ngọc quý để lấy một ý tưởng siêu phàm, huống hồ là đánh đổi để lấy cái trống không, không thực có! Con ơi! Hãy nghe lời mẹ, đừng có tin lời dụ dỗ của ma quỷ! Ta có thể sống đời đạo đức, hiền thiện khi làm một bà-la-môn gia chủ, có vợ, có con, có gia sản, có tất cả lạc thú mà đức Brāhman cho phép. Hãy nghe lời mẹ đi con!

– Chí con đã quyết, thưa mẹ!

Nghe giọng nói ngắn gọn, nghiêm nghị và cứng rắn của con, bà Sārī biết là khó lay chuyển lắm rồi, tuy thế, bà vẫn vặn hỏi:

– Vậy thì con tìm kiếm cái gì?

– Thưa mẹ, con đã nói rồi! Ấy là tìm con đường giác ngộ, giải thoát. Ấy là con đường bước ra khỏi mọi mục đích hư huyễn của thế gian, con đường đi ra khỏi mọi thẩm quyền, uy lực của Ma vương; đồng thời, bước ra khỏi thẩm quyền và uy lực có được từ ngàn xưa trong truyền thống tín ngưỡng của chúng ta!

Bà Sārī vẫn rất kiên nhẫn, chịu khó:

– Con đường ấy là gì hỡi con yêu quý!

– Thưa mẹ! Con chưa thấy, chưa biết. Vả chăng, ấy là con đường mà con đang tìm kiếm. Con xuất gia ra đi là chỉ muốn để trọn tâm lực, ý lực, chí nguyện suốt đời cho sự tìm kiếm ấy!

Bà Sārī ngạc nhiên quá. Ngạc nhiên xen lẫn bàng hoàng. Giải thoát tất cả? Thật là không tưởng, thật là hư vô! Là cái gì mà bà không hiểu! Bà chỉ hiểu đời sống thực tế với gia sản, với chồng con, với những hạnh phúc có được trong tầm tay mà mọi người trong thế gian hằng mơ ước. Hạnh phúc của bà bây giờ là vài ba đứa cháu xinh xắn, mũm mĩm, bụ bẫm, hồng hào để bế bồng, để hôn hít, để nghe giọng nói bi bô, ngây thơ, dễ thương của chúng. Dường như bà chỉ có hai bổn phận thiêng liêng trước mặt: Cúng tế, cầu nguyện và thờ chồng, nuôi con!

Cũng như ông Vaṅganta, bà Sārī không hiểu được con. Nhưng làm sao ngăn cản nó được nữa? Nếu ước nguyện kia là duy nhất chơn chánh đối với nó thì sức mạnh cuồn cuộn của con sông Ðại Hằng cũng khó có thể chuyển lay được nó.

Cũng như ông Vaṅganta, đến lượt bà Sārī lại chứng tỏ uy quyền làm mẹ:

– Mẹ không cho phép con xuất gia – Bà nói cứng – Mẹ đã quyết một lòng như thế.

Upatissa kính cẩn cúi đầu, chàng rất buồn nhưng vẫn đứng vòng tay yên lặng.

Ðêm đã xuống. Buổi chiều chàng không ăn cơm, không uống nước. Chàng đứng bất động bên cửa sổ, trầm mặc. Thỉnh thoảng chàng đưa mắt nhìn ra xa mà dường như không thấy gì. Cả trọn người chàng như chỉ tập trung duy nhất vào một ý chí sắt đá, kiên định: Thoát ly gia đình!

Ðêm đã hết canh hai. Bà-la-môn Vaṅganta trằn trọc không ngủ được, ông bước ra khỏi phòng, nhè nhẹ đi dọc theo hành lang, nhìn qua cửa sổ. Con của ông vẫn cứ đứng yên trong tư thế cũ. Chàng như đã hóa đá. Ông tiến lại gần. Hai chân của Upatissa run run.

Ông Vaṅganta cất giọng khẽ:

– Con ơi! Con sẽ đứng như vậy cho đến bao giờ?

– Thưa cha! Cho đến bao giờ cha mẹ cho phép con xuất gia!

– Nếu cha mẹ không cho?

– Thì con còn đứng mãi.

– Con sẽ gục ngã.

– Vâng, thưa cha, con sẽ gục ngã.

– Con sẽ chết.

– Vâng, thưa cha, con sẽ chết nhưng ý chí xuất gia của con vẫn không thay đổi.

Ông Vaṅganta lắc đầu ứa lệ, thiểu não bỏ đi. Ông đến kể tất cả điều ấy cho bà Sārī nghe. Khóc ròng rã, bà chạy lại bên con:

– Con ơi! Hãy nghe lời cha mẹ! Không nghe lời cha mẹ là bất hiếu, con có biết không? Làm cho cha mẹ đau khổ, héo mòn là con đã làm việc đại ác trên trần đời, con có biết không? Luật Manū con đã học rồi, tuy mẹ không biết, nhưng chắc chắn các Ðấng Tiên Tri có dạy về điều đó chứ? Dạy về bổn phận của con cái, nhất là con trưởng, đối với cha mẹ chứ?

Upatissa nghe lời mẹ nói, rung động và xao xuyến cả tâm hồn. Chàng im sững giây lâu.

– Thưa mẹ! Chàng cất giọng khẽ nhưng rành rọt – nếu bất hiếu thì con đã không xin phép cha mẹ, đã bỏ đi theo với chí nguyện của con rồi! Từ nhỏ chí lớn, con chưa một lần nào lầm lỗi trong bổn phận của đạo làm con. Cha mẹ chứng thực cho con điều ấy. Con cũng đã thờ kính cha mẹ như đấng Phạm Thiên trong nhà. Cha mẹ chứng thực cho con điều ấy. Bây giờ, con xin được xuất gia, là con cần cầu sự xuất ly vô thượng. Con sẽ tìm ra Hạnh Phúc Bất Tử vì lợi ích cho con và cho cả phần đông. Con muốn hy sinh niềm vui bé nhỏ để đổi niềm vui lớn. Ơn hiếu dưỡng đối với cha mẹ đã có các em con thay nhau lo liệu. Riêng con, con muốn báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bằng cái gì chân thật hơn, vĩnh cửu hơn.

Bà Sārī thở dài, lệ tuôn như mưa, tức tưởi lui vào phòng. Bà-la-môn Vaṅganta cảm thấy mình hoàn toàn thua cuộc trước ý chí của con, nhưng ông vẫn còn hy vọng mong manh là Upatissa sẽ không chịu đựng nổi đói và khát. Ông đã lầm. Một buổi sáng và một buổi chiều nữa qua đi. Ðêm xuống, ông lặng lẽ qua lại mấy lần. Upatissa vẫn đứng như vậy, thần sắc có thay đổi, dáng đứng đã nhiều lần chao động, nhưng tựu trung, chàng vẫn khoanh tay, mắt nhìn ra xa.

Trong bóng tối: Những gốc cây, những cột nhà, những bức phù điêu, những tượng đá như cùng đứng âm thầm, lặng lẽ, đồng lõa với chàng để lên án ông. Ông lắc đầu như cố xua tan một ám ảnh. Mệt quá, ông lui vào phòng, thiếp đi.

Sáng ngày, người ta báo với ông rằng, Upatissa đã mấy lần khụy xuống, nhưng chàng vịn vào gờ tường, lại đứng lên. Chỉ mới hai hôm không ăn, không uống mà chàng đã yếu đi rõ rệt. Ông Vaṅganta run rẫy chống gậy bước ra. Nhìn con, không chịu nổi nữa, ông khẽ thốt:

– Upatissa! Thôi! Ðược rồi!

Ông chỉ nói có vậy rồi tất tả lui vào phòng.

Upatissa biết thế là ông đã chấp thuận. Một niềm vui bừng sáng lóe lên trong mắt. Chàng ăn uống trở lại và sức khỏe hồi phục rất nhanh. Còn mẹ chàng, bà Sārī thì tránh gặp mặt chàng từ độ ấy. Sự đau khổ trong lòng người đàn bà không có thuốc thang nào mà chữa được. Ðối với bà, Upatissa thoát ly gia đình, thế là nó đã chết. Bà phẫn hận những kẻ đã rủ rê con bà, đã kéo Upatissa ra khỏi vòng tay của người mẹ.

Sau này, mỗi lần nghe tin Upatissa đi theo đoàn sa-môn nào là bà vói theo chửi mắng đoàn sa-môn ấy không tiếc lời:

– Bọn ngoại đạo! Bọn cù bơ cù bấc! Bọn không cửa không nhà! Bọn trọc đầu đê tiện! Bọn số đen xúi quẩy!

Nỗi đau thương của người mẹ mất con, quả thật không có hình ảnh thiêng liêng nào trên thế gian mà xóa mờ đi được.

Upatissa giờ như cánh chim xổ lồng, bay vào vòm trời mơ ước, nơi không gian tâm linh mênh mông, vô tận…

 


Chú thích:

(1) Mượn ý từ Sđd.