Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59273 Lượt xem

THỜI THƠ ẤU

 
 

T

hật là không nói hết sự nuôi nấng, chăm sóc chu đáo của gia đình. Trẻ lớn lên như chiếc bóng của thiên thần với ngày tháng hạnh phúc, hoa mộng. Phước báu tiền kiếp sáng rực rỡ nơi dung sắc, nơi tiếng cười, giọng nói hồn nhiên của trẻ.

Ông bà Vaṅganta cảm thấy tuổi già của mình đã được Thượng Ðế ban cho một ân sủng quá lớn. Hôm kia, ông nói với bà rằng:

– Phu nhân ạ! Kể cả những trò giải trí, ta cũng nên cho con ta hưởng những niềm vui thanh cao của cõi trời. Hãy bỏ đi những trò chơi vô ích, rỗng không, phù phiếm. Quân bình thân, khẩu, ý; trong sáng, lành mạnh và hướng thượng tâm hồn: Ấy mới là mục đích trò chơi của dòng giống Aryan cao thượng.

Lên sáu tuổi, Upatissa đã đến tuổi học vỡ lòng. Ông Vaṅganta cho mời ba thầy bà-la-môn uyên bác từ thành Vương Xá (Rājagaha) đảm trách dạy cho trẻ ba môn học khác nhau. Ðó là ngữ pháp, luận lý và triết học! Riêng ông Vaṅganta dạy cho con về đạo đức học, luân lý học và các môn thường thức khác. Ðấy là những cái thiện, cái ác, cái phải, cái trái ở đời; phép ngoại giao, cách cư xử đối với kẻ trên, người dưới, trong và ngoài đẳng cấp; bổn phận đối với thần linh, quốc vương, vợ chồng, con cái; cách giữ gìn thân thể cho lành mạnh cùng một số kỷ luật về cảm xúc, về tinh thần…

Quả là một tham vọng quá lớn của ông Vaṅganta, khi muốn nhồi nhét từng ấy môn học cho một đứa trẻ sáu tuổi, một chúng hữu tình nhỏ nhoi được giáng sinh do ân sủng của Thượng Ðế! Nhưng thật đáng ngạc nhiên làm sao, Upatissa không tỏ vẻ lúng túng trước môn học nào. Chỉ non nửa năm sau, bà-la-môn Vaṅganta đã dám hãnh diện để nói với bằng hữu rằng: Chỉ cần mấy năm nữa thôi là các thầy A-đồ-lê bác học kia sẽ không còn bao lăm chữ nghĩa!

Sự thực có lẽ còn hơn thế nữa vì Upatissa không phải chỉ có học bấy nhiêu! Vừa mới canh ba, khi đang còn trong giấc ngủ say nồng, ông Vaṅganta đã đánh thức con dậy để tập cho trẻ về Hathayoga, tức là những động tác thể dục để giữ gìn sức khỏe! Bà Sārī còn đề nghị ông dạy đức tin với thần linh bằng cách để thêm một số giờ cho trẻ đọc kinh, đọc chú và cầu nguyện.

Dường như Upatissa đã có sẵn ý chí, tinh tấn, nhẫn nại, căn tu lẫn trí tuệ lâu đời nên không một lời, một chữ, một môn học nào mà trẻ tỏ vẻ lơ là hoặc không thực hành, học và hiểu đúng mức.

Tám tuổi, Upatissa đã nổi tiếng khắp làng về sức học. Và kỳ lạ thay! Trẻ Kolita ở làng bên cạnh cũng như thế. Hai trẻ là hai ngôi sao sáng, là hai tiêu chuẩn mẫu mực cho hàng trăm trẻ con cùng lứa tuổi noi gương.

Hai gia đình thường tạo cơ hội cho hai trẻ gặp nhau. Và thật lạ lùng làm sao, những trò chơi của chúng bày ra lại nghiêm túc ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Một trẻ đóng vai đạo sĩ khổ hạnh, một trẻ đóng vai du sĩ hành cước, chúng hỏi đạo nhau hoặc giả làm trò bố thí, cúng dường. Thỉnh thoảng trong những lời đối thoại, các bậc thầy cũng phải ngỡ ngàng về cái tầm mắc mỏ, có chiều sâu, chiều rộng của vấn đề. Tuy nhiên, trẻ con vẫn là tuổi vô tư vô lự. Chúng thích đi tắm sông, suối, thích chạy nhảy reo hò, thích ngoạn du đây đó. Giữa thiên nhiên, chúng thả sức nô đùa, rượt đuổi chim thú, hái trái cây, hái hoa xâu thành tràng. Thi thoảng chúng cũng vật lộn, đóng vai anh hùng, hiệp sĩ cứu khổn, phò nguy…

Có điều đặc biệt là chúng vẫn gọi nhau là huynh đệ. Upatissa là anh, Kolita là em. Cả hai không chịu kết bạn với trẻ trong làng mặc dầu là cùng tập cấp. Chúng tỏ thái độ đàn anh. Ðôi khi lại dạy bảo, khuyên răn, vẽ vời điều này, điều nọ một cách nghiêm trang đứng đắn.

Giữa đàn gà chỉ có hai con phượng hoàng. Cả hai gia đình thấy rõ như vậy và họ hãnh diện về điều đó.

Năm lên mười tuổi, sức học của Upatissa đã bằng sức học của một thanh niên bà-la-môn hai mươi tuổi thông minh và ham học nhất. Trẻ đã bắt đầu bỏ hẳn các trò chơi và hoàn toàn chú tâm vào sự học.

Nhờ sự nuôi nấng và bảo dưỡng đúng mức, Upatissa lớn như thổi, khuôn mặt thanh tú, phi phàm và đôi mắt tinh anh, ngời sáng như ánh sao mai. Ngoài các môn học của thầy mà trẻ theo đuổi dễ dàng, không phải cố gắng lắm; trẻ còn nghiên cứu số học, đo lường, tự nhiên học, địa lý, chiêm tinh, thuật số… Cái trí của trẻ quả là một đại dương thăm thẳm, dung chứa hàng trăm con sông kiến thức, hiểu biết và trí khôn của cổ nhân từ ngàn xưa mà vẫn không thấy đầy tràn.

Thế là vừa mới mười hai tuổi, Upatissa và Kolita đã nổi tiếng là thần đồng bác học. Trẻ trong làng vây quanh thần tượng của họ. Và Upatissa bắt đầu đóng vai bậc thầy về đủ loại môn học một cách thông tuệ và ưu việt.

Cái cây đã đủ sức lớn. Bây giờ chỉ cần môi trường thuận lợi; các điều kiện về thời gian, ánh sáng, không khí, nước … là nó tự đủ sức vươn lên vòm trời xanh cao rộng. Ông bà Vaṅganta không còn một mảy may lo âu nào nữa về đạo đức, sở học cũng như trí tuệ của con. Tính tình và những phẩm chất cao thượng càng lúc càng hiện rõ như một đóa kỳ hoa từ từ mãn khai. Từ đây, ông giao phó trọn vẹn sự giáo dục cho ba thầy bà-la-môn uyên bác. Vả chăng, ông bà còn nhiều việc phải làm; đó là liên tiếp mấy năm sau, bà lại được “linh điển ơn phúc” thêm ba trai và ba gái nữa! Quả thật, ông bà Vaṅganta đã được đấng Rama “quá thương”, ban cho quá nhiều viên ngọc xinh xắn.

Upatissa lúc mười lăm tuổi đã có xung quanh hơn một trăm đồ chúng. Ba thầy bà-la-môn hôm kia đến gặp ông bà Vaṅganta và nói rằng:

– Thưa ngài trưởng giáo! Sở học của chúng tôi có hạn, chữ nghĩa của chúng tôi có hạn mà trí thông minh, lòng ham hiểu biết của đức công tử thì vô hạn. Chúng tôi không còn gì để dạy nữa.

Một vị lại nói:

– Chúng tôi, mỗi người, chỉ làm thầy đức công tử một môn học . Ðức công tử hiện giờ có khả năng làm thầy chúng tôi rất nhiều môn học khác.

Tất cả họ đều xin rút lui.

Thật ra, bản thân Upatissa, chàng thấy cái sở học của mình còn nhiều thiếu sót, nông cạn. Cái gì cũng biết nhưng chưa có gì là đi chuyên sâu. Thế là chàng bắt đầu lựa chọn một môn học hợp với sở thích cần phải theo đuổi suốt đời: Đó là triết đạo học.

Mười sáu tuổi, chàng đi sâu vào kinh điển Vệ Đà. Ðấy là kinh điển truyền thống mà dòng họ chàng đang thừa kế. Chàng nghiên cứu đến tận chân tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, ở đó tổng hợp nhiều tri thức phức tạp, phong phú, đa dạng và đôi khi lại như mâu thuẫn nhau. Chàng đã không tìm ra sợi chỉ vàng xuyên suốt và nhất quán. Sau khi ba thầy bà-la-môn ra đi, họ đã để lại cho chàng những kiến thức không suy luận, những mặc khải không được phép hoài nghi! Chẳng lẽ nào lại thừa nhận, đặt đức tin tuyệt đối trước những tri thức mà ta không biết gì về nó? Chẳng lẽ nào lại đem rao giảng những điều mà ta chưa kinh nghiệm và thực hành?

Những thắc mắc, băn khoăn của Upatissa không phải là hợm hĩnh, cao đại mà là do sự trung thực. Nơi vừng trán thanh mảnh, dịu dàng của chàng trai mới lớn, đã chập chờn suy tư của một lòng biển rộng. Chàng đã có những giờ khắc ngồi yên lặng, xuất thần giữa đêm khuya u tĩnh để nhìn lên bầu trời cao, xa xăm, diệu vợi. Một linh hồn nho nhỏ đang cựa quậy, thao thức, nhìn ngắm và lắng nghe? Nhưng nó là gì với vô biên – cái thân phận này, cái thận phận con người muôn nơi, muôn thuở? Nó có mặt giữa cuộc đời để chịu định luật sinh thành và hủy diệt? Ðể nhận chịu nước mắt, niềm vui? Và rồi, vinh quang và tủi nhục là để mà làm gì? Cứu cánh của những sinh hoạt lăng xăng của thiên thu và của thời đại… là cái gì? Rồi nơi đám cỏ xanh lại có nắm cỏ vàng? Rồi bên xác chết tanh hôi ruồi nhặng lại có trầm hương thanh khiết? Rồi nơi tối tăm hắc ám lại có những nhân cách đâu đó chợt nhiên bừng sáng lên như đốm sao mai? Ngày và đêm, mưa và nắng, nóng và lạnh, thiện và ác… là để làm gì? Chàng không hiểu? Có những luật tắc chi phối nhịp nhàng như bởi bàn tay vạn năng và đó là Thượng Ðế sao? Thật ra, nếu có những câu trả lời thì những câu trả lời ấy cũng là những tri thức có sẵn từ Vệ Đà! Ôi! mà ở đó là kết tinh cả hằng vạn tri thức, hằng vạn trí khôn của cổ nhân, lẽ nào ta lại dám hoài nghi? Bổn phận của ngươi là trở về với ngài, với siêu việt tính, với Phạm Thể tối cao, hằng hữu, đấng vô tạo tác mà hằng sinh, đấng vô nguyên nhân mà làm ra thế giới! Những tri thức về thánh ca, tán tụng, cầu khấn, tế lễ, thần chú… là con đường để đạt tới ngài, để siêu thể hóa?

Con đường ấy không phải một sớm một chiều, Upatissa không thể nôn nóng. Chàng đi từng bước tuy chậm mà chắc. Chàng thu lượm những tri thức ở tận những chiều sâu của kinh điển Vệ Đà. Chàng dường như mê man, đắm say trong thế giới lý giải và ý nghĩa. Ngay cả anh hùng ca Mahābharata, trường ca Bhagavadgita, trường ca Ramanaya, chàng cũng thuộc lòng và cố tìm cho ra những mật ngữ uyên áo. Đến mười bảy tuổi, vầng trán chàng dường như cao hơn, rộng hơn. Ðôi mắt chàng dường như xanh hơn, sâu thẳm hơn: Một đôi mắt ngời ngời xuyên thủng hư vô! Nhưng tri thức tuyệt đối, vô tận, cuối cùng vẫn không tìm thấy!

Mười tám tuổi, chàng đã có phong độ và tư cách của một đạo sư lỗi lạc nhất. Chàng nghiễm nhiên thay thế cha dạy dỗ môn sinh và lấy lại sinh khí các lớp học thuở nào.

Kolita cũng thành tựu tương đương như Upatissa. Hiện giờ mỗi người có hơn một trăm môn sinh ở trong làng cùng các làng kế cận. Danh tiếng của hai huynh đệ hy hữu này đã vượt qua những lũy tre xanh, vượt qua dòng sông lặng lẽ, vượt qua phạm vi các thôn làng nhỏ bé để bay đến thành Vương Xá, tức là kinh đô của văn hóa, kinh tế, tín ngưỡng và tâm linh đạo học.

Tuổi thơ của Upatissa không còn nữa, chàng đã làm đạo sư khi tuổi vừa thành niên.