Một cuộc đời một ngôi sao

17/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 59254 Lượt xem

HẠNH TRI ÂN

 

 

L

ệ thường, vào mỗi buổi sáng trước khi đi khất thực, đức Xá Lợi Phất đều rảo quanh một vòng khắp Trúc Lâm tịnh xá. Nơi nào mà chỗ ở, chỗ nghỉ, chỗ ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm… chưa được sạch sẽ, chưa được cất đặt gọn gàng; ngài bỏ công ra để dọn dẹp, quét tước. Ngài còn để ý những rác rưởi chỗ này, chỗ kia; để ý những y áo phơi phóng chưa được ngay ngắn, để ý cả những dấu tích nấu nướng bừa bãi trên những đám cỏ xanh…

Xong công việc, bao giờ cũng đã khá trưa ngài mới ôm bát rời tịnh xá. Ðôi khi với mồ hôi còn nhễ nhại, ngài vẫn chậm rãi, tự tại từng bước. Tuy thế, ngài thường đi bát không lâu, chỉ đứng năm, bảy nhà là đã đầy vật thực. Chỉ mấy hôm mà cả kinh thành Vương Xá, không ai là không biết đến ngài. Họ kính mộ và tôn sùng vị đại đệ tử ấy.

Theo thông lệ, sau khi nhận vật thực, bao giờ ngài cũng đọc mấy câu kệ phúc chúc ngắn gọn, nói vài ý pháp gieo duyên rồi bước chân sang nhà khác. Ngài để tâm bình đẳng, không kể người giàu kẻ nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ. Ai cúng dường vật thực đến ngài cũng cảm thấy tâm mình hoan hỷ, vui tươi trọn ngày.

Ðức Xá Lợi Phất đi bát sau mà thường về sớm. Bổn phận đầu tiên của ngài là tìm dâng một ít vật thực lên đức Thế Tôn, đại đức Assaji, tức là vị thầy dẫn dắt ngài vào đạo Bất Tử, sau đó ngài mới tìm đến một cội cây để dùng ngọ, rồi đi kinh hành.

Sau buổi trưa, đức Phật thường có một thời pháp ngắn gọn. Ðôi khi ngài truyền tam quy, ngũ giới cho người mới nhập đạo. Thỉnh thoảng ngài cũng ban lễ xuất gia nếu được thỉnh nguyện. Riêng chư tăng thì dịp này có vị đến xin đức Thế Tôn đề mục phù hợp tâm tánh mình. Có vị đức Phật lại nói thêm pháp khi thấy tinh thần họ đạt đến trình độ có thể bước lên thành quả cao hơn. Những lúc như vậy, bao giờ ngài Xá Lợi Phất cũng im lặng hầu sau lưng đức Phật, và không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào về tất cả cách thức giáo giới, về trường hợp của tất cả tỳ-khưu.

Buổi chiều, nếu đức Phật thuyết pháp đến cho hàng cư sĩ tại gia thì ngài Xá Lợi Phất cũng phải có phận sự lắng nghe tất cả, ghi nhận tất cả. Một là để học hỏi phương pháp giáo huấn của đức Phật, hai là nắm bắt những chi tiết cao và thấp, rộng và sâu của giáo pháp. Ðôi khi đức Phật bảo ngài thuyết lại cho hội chúng đông đúc cư sĩ tại gia nghe, và lần nào ngài cũng thể hiện trọn hảo chức năng của mình.

Hôm kia, thì giờ rảnh rỗi, ngài liền tìm cội cây khuất vắng, tự nghĩ:

-“ Ta và hiền đệ Mục Kiền Liên xuất gia chưa được bao lâu mà đã được đức Tôn Sư tấn phong đại đệ tử. Ðiều ấy dẫu là đặt đúng ngôi vị với lời đại nguyện xưa, mọi người đa phần hoan hỷ nhưng làm sao tránh khỏi những dị nghị này kia trong tâm những kẻ phàm phu? Nếu họ ganh ghét, đố kỵ thì ta không thể cảm hóa họ được. Vậy việc trước nhất phải làm, ngoài việc xuất nhập dễ dàng chín bậc thiền, ta phải còn làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm, phải phát triển toàn hảo ba mươi ba-la-mật (pāramī). Mong nhờ uy lực ba-la-mật, bóng mát tứ vô lượng tâm mà tất cả các vị tỳ-khưu còn phàm phu sẽ được an lành, dễ nghe lời dạy bảo”.

Nghĩ thế xong là đức Xá Lợi Phất nhập thiền. Sau khi xuất nhập thuần thục tám bậc thiền, trở lại sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… và lần lượt trú định tâm từ (mettā), tâm bi (karuā), tâm hỷ (muditā), tâm xả (upekkhā); làm cho vững chắc chúng, làm cho tẩm mát no đầy cả châu thân cho đến tận lỗ chân lông rồi chúng lan ra cả xung quanh, trở thành một năng lượng tuôn tràn khắp đầu cây, ngọn cỏ, mười phương không gian vô cùng vô tận. Ðến đây đức Xá Lợi Phất chợt hiểu tại làm sao mà đức Thế Tôn đã dễ dàng cảm hóa được Dīghanakkha nơi Động Heo ngày nọ: Đấy là do định tâm từ!  Rồi, định tâm từ nếu được an trú sung mãn thì nó dễ dàng chuyển dịch sang bi, hỷ và xả. Tướng của nó là bốn mà tánh chỉ một. Tánh (thể) là trú tâm mà tướng là hướng đến đại dụng (tướng dụng). Pháp nào cũng từ nguyên tắc này mà ra cả! Ðức Xá Lợi Phất không chỉ tu tập từng ấy. Thỉnh thoảng ngài trú không định hoặc diệt, thọ tưởng định… càng ngày càng kiên cố; và đây thường là chỗ cư ngụ, chỗ nghỉ ngơi, an dưỡng của ngài. Trong sinh hoạt thường nhật, ngài dùng tuệ quán từng giây khắc một, cho nên những cảm giác (thọ-vedanā), tri giác (tưởng-sañña), các trạng thái tâm lý (hành-sakhāra), tâm niệm, thức tri (thức-viññāa), dầu có nhỏ nhiệm, vi tế cách mấy cũng hiển hiện trước tuệ giác kiến chiếu của ngài một cách rõ ràng và trong sáng. Như một tấm gương trong suốt, không một mảy bụi; những ảo giác, ảo cảnh, ảo tưởng vừa chỉ mới lóe hiện đã được nhìn thấu suốt, toàn vẹn; không gì đánh lừa được tuệ nhãn của bậc thánh siêu việt.

Buổi tối, vào canh một, đức Phật thường để dành thì giờ cho vị tỳ-khưu nào tự do thỉnh cầu rọi sáng những mối nghi hoặc của mình, những điểm khó hiểu, phức tạp trong giáo pháp. Ðôi khi đức Thế Tôn thuyết pháp những đề tài do ngài tự chọn. Nếu sau đó có những nhóm tỳ-khưu từ phương xa đến thì đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất thuyết lại. Và lúc nào ngài cũng được đức Phật và đại chúng tán thán, ca ngợi.

Khoảng giữa canh hai, khi đức Thế Tôn giáo giới cho chư thiên và phạm thiên, cũng là lúc ngài Xá Lợi Phất tìm chỗ vắng lặng của mình để thiền tọa hoặc đi kinh hành. Trước lúc đi nghỉ, nghiêng lưng một lát thôi, ngài Xá Lợi Phất luôn luôn nhớ đến chỗ của đại đức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào để quay đầu về hướng đó. Cho chí sau này, trên đường hoằng pháp, theo chân đức Đạo Sư; đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu, nghĩa địa, chỗ có mái che hay không có mái che, đức Xá Lợi Phất vẫn giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị thầy đầu tiên của mình đang cư ngụ.

Có một số tỳ-khưu còn phàm phu, xấu bụng, xấu miệng, biết chuyện ấy, họ dè bỉu, bàn tán như sau:

– Cái ông Xá Lợi Phất đã là đại đệ tử của đức Phật, là bậc Tướng quân Chánh pháp, là bậc thượng thủ của giáo hội mà đêm đêm vẫn lễ bái các phương trời! Thế ra, đã là một bậc A La Hán rồi mà vẫn chưa bỏ được những tà kiến ăn sâu, mọc rễ về tập quán tôn sùng những vị Phạm Thiên của ngoại đạo ư?

Ðức Phật biết rõ trí tuệ và đức hạnh của đệ tử mình nên vào dịp thuận tiện nhất, ngài tuyên bố minh bạch trước Tăng chúng rằng:

– Xá Lợi Phất, trưởng tử của Như Lai không bao giờ lễ bái các phương! Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tôn kính và đừng mạo phạm đến việc làm của những bậc vô nhiễm, không còn bụi cát. Xá Lợi Phất, đệ tử của Như Lai chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó, ông ta tìm thấy Pháp Bảo Bất Tử. Người mà ông ta đảnh lễ chính là đại đức Assaji trong nhóm năm ông Kiều Trần Như. Xá Lợi Phất rất biết ơn thầy, rất biết ơn người dẫn đạo đầu tiên cho mình.

Này các thầy tỳ-khưu! Hạnh tri ân là một phẩm chất tốt đẹp, cao quí, các thầy nên lấy Xá Lợi Phất mà soi gương!

Thường những lúc như vậy là cơ hội tốt để đức Phật dạy dỗ chư tăng, giáo giới thập phương Tăng. Ðức Phật thuyết một số câu chuyện của đời ngài trong nhiều kiếp quá khứ liên hệ với chủ đề. Ðức Phật kể về một kiếp nọ, chính ngài mang ân một người, chỉ vì người đó cho ngài một cắc bạc thôi, mà ngài đã làm nên sự nghiệp. Một kiếp khác, chỉ vì muốn nghe một câu kệ chỉ đường về thiên giới mà ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình.

Rồi đức Phật tóm tắt như sau:

– Này các thầy tỳ-khưu! Chỉ một cắc bạc mà Như Lai đã nhớ ơn trọn đời! Chỉ nghe một câu kệ mà Như Lai đã đem đổi mạng sống. Vậy thì sao chúng ta không biết ơn, không lễ bái ông thầy, vì nhờ ông ấy, ta có được cơ hội đi vào căn nhà Pháp Bảo? Ân đức của người cho ta pháp mầu giải thoát tối thượng hơn tất cả mọi loại ân đức trên đời này.

Thuở ấy có một người bà-la-môn già thường chăm lo những công việc lặt vặt tại một tịnh xá trong thành Xá Vệ (Sāvatthi), chư tăng có bố thí vật thực cho ông để sống, nhưng khi xin Tăng để được xuất gia thì không ai chấp nhận. Ðức Phật quan sát căn duyên biết ông lão bà-la-môn kia có khả năng đắc được quả vị cao nhất, bèn hỏi trong đại chúng xem ai có duyên độ được ông ta. Chẳng ai thấy mình có duyên cả. Bỗng nhiên đức Xá Lợi Phất đứng lên đảnh lễ Phật rồi tâu:

– Bạch đức Thế Tôn! Có một lần đệ tử đi khất thực trong kinh thành Vương Xá, người bà-la-môn nghèo khổ này đã dâng một vá cơm đầy mà ông ta vừa xin được để sống. Khi dâng cúng như vậy là ông ta đã dâng hết phần ăn của mình. Ðấy là sự cúng dường với tâm cao thượng. Ðệ tử thấy rằng, ông lão bà-la-môn có duyên với đệ tử, xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử thực hành trách nhiệm và bổn phận của mình.

Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ðức Xá Lợi Phất thâu nhận lão bà-la-môn và làm lễ xuất gia cho ông ta. Từ đó, ngài hết lòng chăm lo cho người học trò; cặn kẽ chỉ bày từng học giới, từng pháp học một; hướng dẫn cách đi đứng, thu thúc; hướng dẫn đề mục thiền định và tuệ quán không kể là giờ khắc nào, ngày hay đêm. Khi người đệ tử già này cần sự giúp đỡ gì, tinh thần hay vật chất ngài đều sẵn lòng bảo trợ, chỉ bày với tâm hoan hỷ và đầy tràn bi mẫn.

Việc làm tốt đẹp, đáng trân trọng ấy của đức Xá Lợi Phất vẫn bị chúng phàm phu tìm cách nói móc:

– Cũng phải thôi! Ðã lỡ chỉ dạy cho học trò của mình những pháp cao siêu thì ông thầy cũng phải tận tâm mẫu mực, phải biểu lộ những tâm đức cao thượng hơn mới xứng đáng chứ!

Ðể xóa tan những ác kiến ấy, đức Phật lại phải giải thích:

– Này các thầy tỳ-khưu! Ðừng hiểu lầm Xá Lợi Phất! Ðừng lấy tâm địa ô nhiễm của mình mà đánh giá trình độ tâm, trình độ trí “con của Như Lai!” Sở dĩ Xá Lợi Phất lao tâm khổ trí dạy bảo những pháp hành cao thượng cho học trò là vì ông ta muốn đền ơn một cách cao thượng cho người, mà trước đây, đã có một hành động rất cao thượng đối với mình!

Rồi nhân tiện đó, đức Phật kể chuyện về quá khứ, tiền thân của ngài Xá Lợi Phất, làm một “Con voi chúa biết đền ơn trả nghĩa” như sau:

– Thuở xa xưa kia, dưới chân Hy Mã Lạp sơn, trong khu rừng trù mật có một con voi chúa cai quản bầy voi mấy trăm con. Voi chúa mẫn tuệ, thông minh, tháo vác đã chỉ huy, thống lĩnh đàn voi như trong một vương quốc của hòa bình và an lạc. Khi thấy mình đã già, voi chúa tự nghĩ: “Cái già và cái chết sắp đến rồi, ta hãy bàn giao mọi công việc lại cho các voi trẻ thanh xuân thay ta đôn đốc, bảo ban hướng dẫn đàn. Tuổi của ta không còn thích hợp với chỗ bầy đàn, ồn ào, đông đúc nữa. Nay phải là thời ta tìm nơi khuất tịch, vắng vẻ, độc cư nhàn tĩnh để di dưỡng tâm hồn”. Nghĩ thế xong, sau khi bàn giao công việc lại cho các voi trẻ, voi chúa lên đường vào rừng sâu tìm chỗ ẩn cư. Rủi thay trên đường, voi chúa đạp nhằm dăm gỗ nhọn họắt đâm sâu vào chân, nhức buốt tận xương. Mấy ngày nằm nguyên ở đấy, chịu đựng cơn đau, cơn đói, cơn khát vì voi không thể nhấc chân được nửa bước.

Dưới chân núi có ngôi làng thợ rừng, họ sinh sống bằng nghề lấy gỗ. Hôm kia, một toán đi ngang chỗ voi chúa nằm. Voi chúa đưa mắt nhìn họ thiết tha, cầu khẩn. Người lớn tuổi nhất đọc được ý nghĩ của voi, bước lại, thấy vết thương. Họ cùng nhau phụ lực kéo dăm gỗ nhọn ra, sau đó tìm dược thảo quanh vùng, nhai nhỏ, đắp vào vết thương và băng bó lại cho voi. Họ còn lấy tất cả cơm và nước cọng lại của cả đoàn người, bỏ vào miệng cho voi ăn. Suốt bảy ngày như vậy, họ cử người gánh vật thực từ làng lên cho voi ăn để mau hồi sức. Voi lành mạnh, khỏe khoắn, đứng dậy đi được, tự nghĩ: “Bây giờ là không phải thời để ta ẩn cư nữa, đây là thời mà ta phải biết đền ơn trả nghĩa cho những con người nhân hậu tốt bụng này”. Thế là voi chúa bắt đầu ra sức kéo gỗ. Năm trăm người thợ rừng sung sướng thấy công sức làm việc mấy tháng của họ chỉ bằng voi làm trong vòng mấy ngày. Ðến bữa ăn, họ vui vẻ chung phần năm trăm gói cơm lại thành một đống, voi chúa lấy vòi cuốn ăn hết chẳng khách sáo gì.

Làng thợ rừng ấy nhờ voi chúa mà mỗi lúc một giàu lên. Hôm kia, khi làm việc, voi đổ mồ hôi, mệt lả. Voi chúa nghĩ: “Bình thường với khúc gỗ to bằng mười nó, ta vẫn kéo phăng phăng; nay ta đã không kéo nổi một khúc gỗ nhỏ, ta già yếu rồi, đã cạn kiệt sức lực rồi”. Nghĩ thế, voi chúa bỏ đi, ba ngày sau, mang lại một voi thanh niên, thuần chủng, trắng như tuyết đến, cho ra mắt đám thợ rừng, gật đầu như chào tất cả mọi người rồi lầm lũi, chậm rãi hướng vào rừng sâu.

Voi chúa đã để lại voi con, thay nó, từ đây đáp đền ân nghĩa. Sức của voi con làm việc gấp chục lần voi cha, làm cho cả làng thợ rừng được hạnh phúc, giàu có. Voi con được mọi người kính mến, quý trọng, thương yêu. Là hộ pháp, là tình thương, là thần tài, là thần hoan hỷ cho cả ngôi làng.

Kể chuyện xong, đức Phật dạy:

– Biết ơn người khác, trả ơn người khác gấp trăm, gấp ngàn lần cái mà mình thọ ơn là việc làm quen thuộc của Xá Lợi Phất trong rất nhiều đời kiếp. Xá Lợi Phất đã cùng với Như Lai trong nhiều kiếp sống luôn sát cánh bên nhau, nhân duyên luôn gặp gỡ nhau, hỗ trợ nhau, nhắc nhở nhau trên con đường mưu cầu hạnh phúc cho phần đông, vừa bồi bổ, tấn tu ba-la-mật cho chính mình.

 Này các thầy tỳ-khưu! Nghĩ sai lầm về Xá Lợi Phất, đã sai lầm mà còn ác tri, ác kiến với Xá Lợi Phất là một trọng tội, nghiệp báo rất nặng, các ngươi nên nhớ lấy!

Lão bà-la-môn, học trò của đức Xá Lợi Phất do sự chỉ bày chí tình, chí thiết, cặn kẽ, tận tâm ấy đã không phụ lòng thầy, một thời gian sau, quả nhiên, ông ta đắc được đạo quả A La Hán.

Hạnh tri ân của đức Xá Lợi Phất bắt dầu tỏa sáng dịu dàng trong giáo hội của đức Tôn Sư.