Hựu

02/03/2017 | Chuyên mục: THƯ VIỆN . 4907 Lượt xem

huuCả nhà dắt nhau đi du xuân, gì cũng sắp đặt sẵn, chỉ việc cho tháp tùng thêm một gã du sĩ có cũng như không, thế là hắn có ngay một chuyến giang hồ vặt.

Verorin mấy ngày này đang vào đông, ngó đâu cũng tuyền một màu tuyết trắng trông đến nao lòng. Lần đầu trong đời mình, tôi được đặt chân đến một cõi vắng lạ lùng đến vậy. Ở độ cao trên 2300 mét, tứ bề là những đỉnh đá trắng nõn. Xa xa dưới kia là một sơn thôn gì cũng bằng gỗ, không xài được cũng cứ giữ nguyên đó như một bài học sống động về nỗi đời thành hoại. Gió sớm lan man, tôi đi như không còn thấy ai quanh mình. Chợt nhớ quá chừng hai câu thơ của ngài Không Lộ:

“Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”.

(Một buổi gậy sài lên non thẳm

Tiếng cười lạnh thấu cả trời hoang.)

Dễ chừng đã mười năm, năm nào cũng là một cái Tết qua rồi mới nhớ. Trà mứt từ lâu chỉ là một thứ kỉ niệm. Ngán ngọt, nhưng thiếu thì nghe cũng quạnh. Thầy tu chuyện đó bình thường, ấm cúng quá mới là chuyện lạ. Ai ngờ năm này lại có được mấy ngày xuân thật khó quên. Nhớ ngài Không Lộ, tôi bỗng nghe mấy nắm tuyết trên tay ấm như một bàn tay người. Ấm lạnh tình đời từ đó chỉ là chuyện nhỏ. Sau hơn năm phút đi cáp treo lên tận đỉnh, tôi bàng hoàng thấy mình như một cánh chim di trú vừa ghé xuống một miền đất lạ. Sáng sớm, đỉnh núi như không người, tôi còn kịp nghe những hơi thở nồng nàn của núi còn sót lại từ đêm trước. Nhanh chân rảo quanh, tôi tìm thấy cho riêng mình một mỏm núi chỉn chu bằng phẳng với mấy hòn cổ thạch được sắp xếp tuyệt đẹp, như một trận đồ thời xưa. Tôi nhớ Hoàng Dược Sư, rồi tiếng sáo của ông. Tôi nhớ ông như hoài niệm một con người có thật ở đời. Mà ngẫm kỹ, ai trên đời này lại chẳng là một huyền thoại chứ. Chúng sanh, thọ giả giai thị hư vọng. Tôi gọi mấy người trong nhóm, bảo họ vừa tìm thấy một ngọn cô phong. Họ nghe chữ đó lạ tai, hỏi lại cho rõ. Tôi lắc đầu cười. Nói rõ lại thêm dây dưa. Thôi thì phong lai sơ trúc vậy. Cứ đưa họ đến đó, họ thấy ra sao thì cảm nhận vậy. Chân lý vốn kỵ chữ nghĩa, huỵch toẹt chỉ gây hiểu lầm. Một người ngó như có chút chiều sâu, ngồi được mấy phút bảo là buồn ngủ. Thiên hạ đã lười thức tỉnh từ vạn đại, giờ đứng trước chỗ cần mở mắt cũng cứ dật dờ. Bỗng nghe thương lạ.

Nắng lên từng góc núi, may quá sáng nay trời lặng gió, bầu trời tuyết chung quanh chợt dễ gần như màu áo lụa. Rồi thì trong niềm êm ấm đó, hơn mười ngày ấm lạnh buồn vui bỗng tràn về trong trí nhớ như một cuộc hẹn. Đúng là phàm tâm, có leo đến đỉnh núi vẫn cứ lè tè một tấc. Tôi vốc một nắm tuyết bóp nát để tìm lại chút tỉnh thức, chân lại rời đi.

Tôi lại tung tăng qua mấy mỏm đá, và như có sơn thần dắt dẫn, tôi bỗng dừng lại và gửi mắt vào một đụn tuyết lớn. Mấy thằng bé đi chung với tôi đang nghịch tuyết ở đó. Tôi nghe rõ ràng một đoạn đối thoại của chúng:

– Mình hốt tuyết này về nhà chơi được hôn?

– Mày ngu quá, mày thích thì chơi ở đây, đem về thì tuyết tan hết!

Trời ạ, tôi nghe như thằng bé đó đang mắng tôi. Nó như đã hiểu được rằng tôi vừa có một suy nghĩ y hệt như thằng bé kia. Tôi đã dại khờ muốn hai ngày nữa sẽ mang theo về Mỹ những nắm tuyết buồn vui ở đây. Xứ này lạnh ngắt, gì cũng dễ khiến rùng mình, nhưng cứ khó quên. Buồn vui nào ở đây cũng hiểm như một cục tuyết lọt trong giày. Chẳng đáng gì, mà cứ buồn thấu tim. Gót chân du sĩ thường nứt nẻ, một chút giá lạnh cũng đủ khiến cực lòng.

Mà nắm tuyết trẻ con kia hình như không chỉ là chuyện của riêng tôi. Ai trong đời chẳng mươi năm ngược nguồn hốt tuyết. Cái mình thấy và cái mình nắm được thường chẳng là một. Yêu một tài danh sân khấu, người ta thường bàng hoàng nhận ra một con người thực không có đèn màu, hoa tươi và những tiếng vỗ tay. Thiếu mấy thứ đó, hình như ai cũng giống nhau thôi. Hạnh phúc hình như là trò nghịch tuyết, đau khổ hình như là nắm tuyết đã tan. Từ đó, lại hình như, tôi vừa có thêm một định lý sống đời. Tôi yêu em là nắm tuyết, và tôi có em là nắm tuyết đã tan!

Tôi xuống núi một mình. Cái thùng cáp treo như rộng thêm nghìn trượng. Có cuộc giác ngộ nào mà không khốc liệt như thế chứ. Tôi xuống núi với hai bàn tay không có chút tuyết nào. Gì cũng còn nguyên vẹn sau lưng tôi. Tỷ kheo vào làng như con ong đi tìm mật, không hề làm tổn hại một cành hoa lớn nhỏ nào. Tôi lại nghe thêm lời kinh đó giữa bạt ngàn núi tuyết Vercorin

 

Toại Khanh