An Lạc Dưới Cái Bóng Mát Mẻ Của Sa-môn

27/02/2016 | Chuyên mục: THƯ VIỆN, VĂN . 2673 Lượt xem

An Lạc Dưới Cái Bóng Mát Mẻ Của Sa-môn
(Tiểu truyện Rāhula tôn giả)

 

Sau sáu năm khổ hạnh và sau hai năm thành đạo dưới cội bồ-đề bên sông Nerañjarā, lần đầu tiên, đức Phật về thăm lại quê hương, kinh thành Kapilavatthu. Suốt mấy ngày nói chuyện với vua cha, thuyết pháp đến triều đình, dẫn hoàng tử Nanda xuất gia, đức Phật mới dành được chút ít thì giờ trở lại Cung Vui thuở trước để thăm “người sương phụ!”

Trái tim của công nương Yasodharā bổi hổi bồi hồi, mấy ngày hôm nay cứ nhảy loạn trong lồng ngực, bây giờ mới có dịp nhìn ngắm đức Phật một cách kỹ lưỡng như thế sau thời gian đằng đẳng mù sương bóng khói.“Ôi! Tướng mạo sa-môn trong chiếc y màu san hô của ‘người ấy’ nổi bật giữa hàng cây xanh trông đẹp làm sao! Từng bước đi của ‘người ấy’ vừa oai nghiêm, trầm hùng vừa an lạc, thảnh thơi mà không ai trên đời này có thể bắt chước được! Dường như mỗi bước đi đã là một sự dừng nghỉ! Dường như mỗi bước đi đã là một sự tựu thành! Ôi! Vị ấy, ‘người ấy’ không còn là Siddhattha thuở nào của ta nữa rồi!”

Thấy công nương Yasodharā mê mải ngắm nhìn người lạ mặt bên dưới sân đang bước lại gần, chú bé Rāhula đưa tay níu níu và giật giật tấm sārī màu vàng chanh của bà:

lahula2– Mẹ! Mẹ! Ai vậy mẹ?

Như sực tỉnh, công nương ngồi thấp xuống với con, mỉm cười, đưa ngón tay chỉ về hướng đức Phật:

– Con có thấy vị sa-môn trông như một vị phạm thiên oai vệ đó không?

– Thấy, có thấy! Vị ấy là ai mà đẹp thế mẹ?

– Là cha của con đấy!

– Cha của con?

– Ừ! Rồi Yasodharā khẽ nói – Vị ấy chính là cha của con, người cha đã xa cách bấy lâu của con đó; và vị ấy hiện đang có một kho tàng vĩ đại, vô cùng quý giá! Từ ngày vị ấy ra đi, đã gần tám năm qua, con chưa hề được gặp mặt. Con hãy chạy xuống bên vị ấy, nắm tay vị ấy, lắc lắc chéo y của vị ấy rồi nói rằng: “Thưa cha, con là con của cha, con hiện là một vương tôn, mai sau con sẽ lên ngôi, cai trị một vương quốc tươi đẹp và thanh bình này! Hiện giờ con đang cần một gia sản. Mẹ nói rằng, cha đang sở hữu một kho tàng vô giá, vậy cha hãy trao nó cho con, vì tài sản của cha chính là tài sản của con vậy!” Nhớ nói thế nhé, Rāhula nhé!

Ngoan ngoãn, Rāhula gật đầu, cười tít mắt rồi chạy vụt xuống các bậc cấp. Đến gần bên, cậu bé ngây thơ nắm tay đức Phật, giật giật chéo y của ngài và nói gần đúng với nguyên văn như mẹ đã dặn.

Đức Phật mỉm cười, nhìn đứa trẻ với khuôn mặt tròn trĩnh, tươi sáng – biết là Rāhula, cái sợi dây ràng buộc thuở nào – đáp lời:

– Ừ! Rồi Như Lai sẽ trao gia tài ấy cho con! Nhưng vừa nhìn ngắm Rāhula, trong tâm ngài biết được rằng:“Nó đã được nuông chiều từ nhỏ nhưng trông khuôn mặt, cách nói, bước đi – không thấy biểu hiện một cá tính gì rõ rệt, chưa có một đức tánh gì nổi bật; được cái là sau này nó sẽ không cứng đầu, ương ngạnh, khó dạy!”

Rồi đức Đạo Sư ưu ái nắm tay trẻ Rāhula cùng bước lên lầu hoa thuở trước, nơi mọi người – đức vua Suddhodana, lệnh bà Gotamī và một số hoàng thân quốc thích – đang chờ đợi sẵn!

Hôm ấy, đức Phật nói chuyện nhiều về những điều kiện cần và đủ để duy trì hạnh phúc gia đình. Bổn phận của chồng đối với vợ, bổn phận của vợ đối với chồng. Ngài cũng nói sơ về chính sách trị dân thế nào cho phải lẽ, đúng đắn… Và khi đức Phật từ giã, cậu bé Rāhula có vẻ lưu luyến nên nó tất tả chạy theo, nắm tay ngài ra chiều thân thiết.

Lúc ấy là sau ngọ, trời nắng hơi gắt, Rāhula vừa bước đi vừa núp trong cái bóng của đức Phật, vừa phát biểu rất dễ thương, rất ấn tượng:“Ôi! Chỉ cái bóng của sa-môn thôi, mà sao làm cho con bình yên và mát mẻ đến thế!”

Thấy Rāhula đi theo đức Phật, không ai ngăn cản. Đi một đỗi, tôn giả Sāriputta nắm tay Rāhula rồi một ý nghĩ chợt khởi sanh:

– Bạch đức Thế Tôn! Chư Phật quá khứ lúc về thăm quê nhà, các ngài cứu độ quyến thuộc khó khăn hay dễ dàng?

– Cái ấy tùy thuộc nhân duyên, này Sāriputta! Hạt giống giáo pháp chỉ bén rễ sâu ở mảnh đất màu mỡ cùng với các điều kiện môi sinh thuận lợi! Do vậy, có vị Phật tiếp độ quyến thuộc dễ dàng, có vị tiếp độ quyến thuộc khó khăn – là do nhân do duyên từ quá khứ cả.

Tôn giả Sāriputta hiểu, ngài chạnh lòng nghĩ đến gia đình của mình với tín ngưỡng truyền thống cổ truyền đã ăn sâu vào huyết mạch rất khó lay chuyển; chưa có cách chi mà cứu độ mẹ được, do tà kiến nhiều đời đã bám rễ vào phế phủ của bà.

Trở về đến công viên xanh mát có tên là Vườn Cây Đa (Nigrodhārāma), đức Phật dẫn Rāhula vào hương phòng, lúc ấy nơi này đã xây dựng xong chỗ nghỉ của ngài cùng một số liêu thất khác; ngài nói:

– Này Rāhula! Mẹ dặn con là xin cho được một gia tài quý báu, bây giờ con hãy nghe đây! Gia tài, gia sản vật chất nhiều khổ ít vui; nó lại còn là nơi nuôi dưỡng lòng tham, phát sanh tranh chấp, đau khổ, phiền não cùng nhiều ràng buộc, hệ lụy khác nữa! Hiện tại, Như Lai có một gia tài, gia sản tinh thần rất lớn, rất quý báu; nó chỉ đem đến nụ cười, niềm vui, thanh bình và siêu thoát, Như Lai muốn trao cho con, con có nhận không?

– Có ạ! Rāhula vòng tay lễ phép – Con chỉ muốn nhận gia tài niềm vui mà thôi!

Đức Phật mỉm cười:

– Muốn có được “gia tài niềm vui” ấy, con phải cạo đầu, mặc y, mang bát như Như Lai, như ông Sāriputta, như chú Nanda và như mọi người ở đây! Con có đồng ý không?

– Con đồng ý ạ!

Thế rồi, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta làm lễ xuất gia ngay tức khắc cho Rāhula! Như vậy, tôn giả Sāriputta nhận nhiệm vụ giáo thọ vị sa-di tí hon, bắt đầu dạy cách mặc y, mang bát, đi đứng, lúc ngủ nghỉ, cách nói năng, thưa hỏi thế nào cho đúng phép tắc, luật nghi! Và thật khó tưởng tượng một vương tôn cành vàng lá ngọc, quen nếp sống được nuông chiều trong cung điện lại có thể thích nghi được đời sống của một khất sĩ khổ hạnh! Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên làm sao, là sa-di Rāhula chẳng nhớ nội, nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ ai ở cung đình cả; lại rất sung sướng trong đời sống mới, ngoan ngoãn, lễ độ, biết nghe lời dạy bảo trực tiếp của thầy mình là tôn giả Sāriputta.

Ngày hôm sau, đức vua Suddhodana, hoàng hậu Gotamī, công nương Yasodharā mới hay tin, ai cũng bàng hoàng. Quả thật như một tiếng sét đánh ở cung đình. Hoàng tử Nanda vừa xuất gia đúng vào giờ cử hành hôn lễ cách đây bốn ngày, bây giờ lại Rāhula nữa, nó còn quá ngây thơ, bé bỏng mà! Người đau khổ, sầu não nhất là công nương Yasodharā, thứ đến là lệnh bà Gotamī; nhưng khi cả hai muốn đến chất vấn đức Phật thì đức vua Suddhodana ngăn lại, ông nói:

– Đừng có quá vội vàng, nóng nảy như thế! Một đức Chánh Đẳng Giác làm việc gì cũng có nhân, duyên và quả của nó; đừng nhìn hiện tượng bên ngoài, tâm lý thường tình hoặc tình cảm cá nhân để xét định một sự việc. Trẫm tin tưởng tuyệt đối vào giáo pháp, vào trí tuệ của con trẫm, bây giờ là vị Phật đó! Chẳng bao giờ một bậc Toàn Giác lại thấy biết sai lầm, các khanh nên hiểu như vậy!

Đúng là tâm và trí của một vị thánh đệ tử!

Sau khi trấn an hai bà và mọi người khác, đức vua lên xe ngựa một mình cùng với vài quân hầu đến công viên Nigrodhārāma. Gặp đức Phật, nhà vua mở lời trách cứ khá nhẹ nhàng:

– Khi thái tử lìa bỏ cung vàng, điện ngọc ra đi, trẫm vô cùng đau xót, ái hậu Gotamī cũng thế. Còn Yasodharā lại càng sầu muộn, buồn tủi, thống khổ hơn! Lại trải qua tám năm dài đằng đẵng “làm sương phụ sa-môn” vò võ, cô đơn, gối chiếc cũng không phải là dễ dàng gì cho lắm; ngoại trừ Yasodharā, không có ai bản lãnh, nghị lực đến thế! Bây giờ đến lượt Nanda! Trẫm xin hỏi đức Thế Tôn! Người cha người mẹ bình thường nào mà không xót xa, đứt ruột? Chuyện Nanda chưa nguôi, cả hoàng cung lại mất thêm Rāhula, là trẻ được cưng chiều, thương yêu; là nguồn an ủi duy nhất của hai vị phu nhân. Tình thương của người mẹ mất con, ông bà mất cháu cũng dường như bị ai đó cắt da, xẻ thịt, cắt gân, róc luôn cả xương, cả tủy…

Ngừng lại giây lát, đức vua nói tiếp:

– May nhờ cả hai vị phu nhân đều là bậc trí, hai trái tim mềm yếu kia có năng lực tự chủ tăng thêm sức mạnh, nếu không họ đã gục ngã rồi! Còn trẫm thì đã thấy rõ ái luyến sinh đau khổ, ái luyến sinh buộc ràng, ái luyến đưa vào dòng chảy trầm luân nên tình cảm kia chỉ như một cơn gió nhẹ xao thổi qua rồi mất! Tuy nhiên, trẫm xin thỉnh nguyện đức Thế Tôn một điều: Từ rày về sau, sẽ không ban hành lễ xuất gia cho bất kỳ một người con nào, nhất là tuổi vị thành niên hoặc còn quá bé mà chưa được cha mẹ hoặc gia đình cho phép, ưng thuận!

Lời lẽ trình bày với lý tình minh bạch của đức vua, người đã bước được đôi chân vững chắc trên đạo lộ bất tử, làm cho đức Phật rất hoan hỷ.

Ngay tức khắc hôm ấy, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta, tôn giả Mahā Kassapa bố cáo cho tỳ-khưu tăng khắp các tu viện, vườn rừng, các nhóm học chúng đó đây, xem lời thỉnh cầu của đức vua đã trở thành điều luật được ban hành rộng rãi!

Sau thời gian thăm quê hương, đức Phật và đại chúng rời Kapilavatthu, đến ngôi làng Anupiya, cố ý chờ đợi sáu ông hoàng Ānanda, Devadatta, Bhaddiya, Kimbila, Bhagu, Anuruddha và người thợ cạo Upāli xuất gia. Xong nhân duyên thu nạp những vị đệ tử lớn này, đức Phật cùng với đại chúng lại xuôi xuống Vesāli, vượt sông Gaṅgā, về Trúc Lâm tịnh xá cho kịp an cư mùa mưa.

Thế là đường xa, bộ hành vất vả, khá thương cho chú bé sa-di Rāhula lại phải dầm sương, dãi nắng, gối cây, nằm đất suốt gần tháng trường. Cái mầm xanh non trẻ này không bị cảm mạo phong sương cũng là chuyện lạ. Tuy nhiên, tôn giả Sāriputta luôn để tâm, dành mọi tiện nghi có thể, chăm lo cho vị sa-di tí hon này từng li, từng tí. Tỳ-khưu Nanda cũng đành gác lại mối “tình si” qua một bên để đặc biệt quan tâm đến cháu của mình. Trên đường đi, khi khất thực kiếm được, thấy có gì ngon, tỳ-khưu Nanda lại san sẻ cho Rāhula; và ngay tấm y đắp, ông cũng phủ ấm cho cháu.

Như vậy là dù xa cách vương cung với đời sống vương giả, xa hoa, Rāhula vẫn thấy mình đang sống trong tình thương ấm áp. Và tại khu rừng Anupiya, khi có thêm sáu ông hoàng xuất gia nữa thì Rāhula lại càng thấy mình được đùm bọc, chở che trong những vòng tay thân thuộc.

Về Trúc Lâm, với khung cảnh vườn rừng khoảng khoát, trong lành, Rāhula bắt đầu hội nhập đời sống mới. Chú được mọi người quan tâm, ưu ái, nhất là hai vị Đại Đệ Tử. Hai năm đầu, từ bảy tuổi đến chín tuổi, cứ mỗi sáng sớm, Rāhula ngày nào cũng ra vườn, tung một nắm lá lên trời rồi nguyện rằng, ngày hôm nay sẽ học nhiều như đám lá kia. Và quả thật, Rāhula cứ lặng lẽ, miệt mài theo đuổi sự học, khi là với thầy của mình là tôn giả Sāriputta, sau đó là với tôn giả Moggallāna hoặc các vị trưởng lão có đầy đủ tuệ phân tích hoặc tinh thông pháp học. Giỏi một cái là Rāhula học nhiều mà không sinh ngã mạn chút nào.

Vậy là cái tính tốt ham học của Rāhula, đại chúng ai cũng biết cả. Ngoài ra, chú lại luôn luôn lễ phép, nhu thuận, không ỷ thế mình là con Phật mà sinh ra kiêu căng, ngã mạn, xem thường chư vị tỳ-khưu dù lớn hay nhỏ. Có một số vị trưởng lão chưa có thắng trí, không tin ông hoàng tôn này có phẩm hạnh “tuyệt vời” đến vậy, nên tìm cách thử thách để dò xét xem thử tâm địa của Rāhula – bằng cách quăng rác lung tung chỗ này, chỗ kia, nơi nào chú bước qua; rồi giả vờ quát lớn:

– Này chú bé, ai quăng rác bừa bãi ở đây?

– Thưa tôn giả, đệ tử không biết!

– Ai nữa! Chỉ có ông ở đây thôi mà!

– Vậy thì thưa tôn giả thứ lỗi cho, đệ tử sẽ tức khắc dọn rác ngay!

Nói xong, Rāhula kiếm cách quét dọn đâu đó sạch sẽ đàng hoàng rồi mới bước đi!

Tuy nhiên, do còn quá nhỏ tuổi, không tránh khỏi ham chơi, hoang nghịch chút đỉnh, nhưng khi được hai vị Đại Đệ Tử hỏi, Rāhula tìm cách chối quanh! Đức Phật hướng tâm, ngài biết, nên ngài tìm cách tưới tẩm cho cái mầm phẩm hạnh đang xanh tốt kia được thuận duyên phát triển, bằng cách giáo giới trong khi dẫn Rāhula trì bình khất thực.

lahula1Với những bước chân thư thả, trên đường đi, đức Phật cẩn thận dặn dò chú sa-di cách đi, cách đứng, cách ôm bát đứng bên ngoài cửa nhà người; và nên nói lời phúc chúc như thế nào đối với thí chủ.

Chỉ một đỗi đường, thấy Rāhula có vẻ rất thuần thục; lúc dừng chân nơi một cội cây để nghỉ nắng, đức Phật hỏi:

– Khi đi bát như thế, tâm con đặt ở đâu?

Rāhula nói như trả bài:

– Đặt chánh niệm trước mặt, bạch đức Thế Tôn!

– Vậy là cứ nhìn trước mặt mà đi?

– Dạ thưa vâng!

Đức Phật dừng lại một chút rồi cùng bước song song với Rāhula:

– Thế lỡ có viên đá dưới chân thì sao, có thấy viên đá ấy không?

– Dạ thấy chứ!

– Vậy khi thấy viên đá dưới chân thì không còn chánh niệm trước mặt nữa hay sao?

Thấy Rāhula có vẻ lúng túng, đức Phật mỉm cười hỏi:

– Như Lai nghe con học nhiều lắm, dữ lắm. Định, tuệ gì con cũng đều đã học cả rồi, phải vậy không?

– Dạ thưa vâng!

– Hầu như con đã thuộc lòng những bài học của hai vị Thượng Thủ và chư vị trưởng lão?

– Dạ, con thuộc!

– Vậy con hãy chú tâm nghe Như Lai nói thêm cho rõ ràng về định và tuệ ấy: Khi định thì chánh niệm, an trú tâm một chỗ, một nơi, một đề mục; ví dụ hơi thở, ví dụ các kasiṇa. Khi tuệ thì hằng tỉnh thức, sáng suốt trong ngoài. Khi trong định có tuệ thì không những tâm được an trú mà còn quan sát được cả mọi duyên khởi. Khi trong tuệ có định thì luôn tỉnh thức, sáng suốt và không có một pháp trần nào lay động tâm vị ấy được! Con có nắm bắt được bốn trường hợp ấy không, Rāhula?

– Dạ, tuy hơi rắc rối nhưng đệ tử thuộc rồi!

– Ừ, nó rắc rối thật, lại khó hiểu nữa! Chỉ cần thuộc thôi, rồi sau này con chiêm nghiệm thì sẽ thấu hiểu hơn. Nhưng câu hỏi này thì cũng không dễ dàng: Vậy khi đi bát như thế này, chúng ta nên sử dụng trường hợp nào trong bốn trường hợp ấy?

Rāhula suy nghĩ một chút:

– Dạ thưa, dùng cái “trong tuệ có định”!

– Ừ, đúng! Đức Phật cười vui, rồi nói – tuy nhiên, giả dụ Như Lai vẫn chú tâm trong từng bước đi, nhưng Như Lai vẫn quan sát được mọi sự xảy ra xung quanh thì sao?

– Thưa, trong trường hợp này thì có phải dùng cái “trong định có tuệ”?

– Khá lắm, giỏi lắm này Rāhula! Đúng là con không những thuộc bài mà còn biết chú tâm quan sát trong đời sống thường nhật nữa. Tuy nhiên, con phải học hỏi thêm điều này nữa: Khi đi trì bình khất thực như thế này, nếu trong giai đoạn ta đang tu tập minh sát thì phải nên sử dụng trường hợp tuệ có định để cho tuệ quán chiếu được tiếp diễn liên tục; nếu trong giai đoạn ta đang tu tập thiền định thì nên sử dụng định có tuệ để cho tâm an trú được dính khít liên tục, con có hiểu không?

Nội dung giáo pháp trong cuộc đối thoại này rất cao siêu thường chỉ dành cho những sa môn lâu năm trong tu tập; nhưng với cách giảng giải cụ thể và cô đọng như thế, giảng đi giảng lại nhiều lần thì đức Phật đã trang bị cho Rāhula một sở học căn bản nhất, những tinh yếu cốt lõi nhất.
Buổi trưa, đức Phật ghé khu vườn Ambalatthika – có khá nhiều tỳ-khưu tá túc ở đây – để độ thực và nghỉ trưa. Chư tăng tìm đến đảnh lễ, thăm hỏi, ngồi xuống một bên… Đức Phật giáo giới sách tấn vài lời rồi ngài bảo là cần có thời gian với Rāhula.

Khi mọi người ra về hết, sa-di Rāhula nhanh nhẹn bưng vào một chậu nước cho ngài rửa chân, rồi đứng hầu một bên.

Rửa chân xong, nhìn chậu nước bẩn, đức Phật nói:

– Nước bẩn này có còn dùng được không, Rāhula?

– Thưa, chẳng dùng được nữa!

– Cũng vậy, đây là một bài học để chiêm nghiệm, để giác ngộ: Con người mà có tâm bẩn như chậu nước này, cũng y như thế, chẳng dùng được vào việc gì nữa! Đổ đi thôi!

Nói xong, đức Phật đổ nước trong chậu, còn chừa một ít:

– Còn một chút ít nước bẩn, thế nào, Rāhula – có dùng được không?

– Cũng không được, dù một ít.

– Cũng vậy, này Rāhula – đây cũng là bài học để chiêm nghiệm, để giác ngộ: Cái tâm của con người, dẫu chỉ bẩn một ít cũng không dùng được.

Đức Phật nhìn chú bé, dịu dàng nói tiếp:

– Cái gì làm cho tâm chúng sanh trở nên dơ bẩn, Rāhula có biết không?

– Thưa, kẻ ác hạnh, ác giới, kẻ không có năm giới, bạch đức Thế Tôn.

– Đúng vậy! Đức Phật gật đầu – vậy trong năm giới ấy, con thấy khó nhất là giới nào, giới nào là khó giữ nhất?

– Thưa, giới nào con cũng giữ được, riêng giới nói dối, vọng ngữ thì…

Đức Phật mỉm cười:

– Thỉnh thoảng con bị “lủng”, bị “bể”, bị “rách” giới ấy phải không, Rāhula?

Chú sa-di đỏ mặt, lúng túng một hồi rồi bẽn lẽn gật đầu.

Đức Phật lấy ngón tay trỏ gõ nhè nhẹ vào đầu chú bé:

– Vậy là tâm con bẩn rồi. Dẫu nói dối một ít cũng bẩn rồi; cái đầu này có thấy ra điều đó không, Rāhula?

– Dạ, cái đầu của con hiểu rõ rồi ạ!

Đức Phật đổ hết nước trong chậu. Nhìn cái chậu không, đức Phật nói, có vẻ hỏi bâng quơ:

– Nhìn cái chậu không này, chẳng biết nó có dạy cho ta bài học nào nữa không đây?

– Dạ, có chứ! Rāhula mau mắn đáp – Nước bẩn không dùng được thì cái chậu đựng nước bẩn ấy cũng phải cọ rửa cho sạch…

– Ừ, con lại nói đúng nữa! Vậy, đây là bài học tiếp theo: Không những chỉ nói dối, mà cái tâm đựng cái bẩn ấy như biếng nhác, buông lung, giải đãi, dã dượi, ngủ ngày, ham chơi, ăn nhiều… cũng phải được cọ rửa kỹ càng cho sạch sẽ mới dùng được, mới trở thành người tốt được.

– Dạ, con hiểu rồi.

– Còn có bài học nào nữa nơi cái chậu không ấy không, này Rāhula?

Thấy Rāhula nhăn trán, đức Phật gợi ý:

– Khi chỉ một người ngu, một người vô tích sự, một người mà trong óc không có gì – chỉ biết ăn cho đầy bụng, ngủ li bì xác thân, la cà chuyện phiếm nơi này nơi kia, thích khoái kiếm tìm ngũ dục – ngôn ngữ bình dân xứ này chế nhạo họ là “kẻ rỗng tuếch, người rỗng không” – này Rāhula!

– Dạ, con hiểu rồi! Một người mà không biết kiếm tìm, tích lũy một thiện pháp nào, không chịu khó học hỏi những điều hay, tốt thì sẽ bị người đời cười chê là “kẻ rỗng tuếch” như thế.

Đức Phật khen “giỏi, giỏi” rồi ngài lật úp cái chậu lại:

– Nếu cái chậu úp lại thì ta sẽ học được bài học gì?

– Thưa, cái chậu lật úp thì không dùng nữa, bên trong tối tăm, đấy là bài học!

– Chính xác! Đức Phật tiếp lời – khi con người mà quá xấu xa, quá dơ bẩn, quá nhiều ác giới, ác hạnh, cứng đầu, ngu si, tà kiến… thì cái tâm ấy cũng bị lật úp rồi, không dùng được nữa; không có ánh sáng trí tuệ nào có thể lọt vào đấy được; chúng sẽ sống mãi trong cõi tối tăm ấy! Vậy, con đừng làm cái chậu lật úp nhé, Rāhula?

Rāhula lạnh toát cả người, chú lắp bắp:

– Dạ… con sẽ cố gắng… cố gắng… nhiều hơn nữa…

Sau khi nằm nghỉ nghiêng lưng, tịnh chỉ ban trưa một lát, vừa mở mắt, đức Phật thấy bên cạnh đã có một thau nước trong vắt và một chiếc khăn trắng. Chú bé sa-di còn đang ngồi thiền bên cạnh. Hình ảnh ấy đẹp quá, đức Phật hoan hỷ ngắm nhìn mãi. Đúng là một tiểu thiên thần.

Đợi Rāhula xả thiền, đức Phật chỉ vào thau đựng nước:

– Cái thau đồng sáng loáng ở đâu mà trông quý báu quá vậy?

– Của hoàng gia dâng cúng cho chư tăng, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật gật đầu rồi tấm tắc:

– Nước cũng trong quá nhỉ? Chắc có giếng nước tốt?

– Dạ, giếng có mạch đá nên trong, ngọt và mát lạnh. Thánh y Jīvaka dâng cúng và khuyên chư tăng nên lưu tâm đến chuyện nước uống…

Đức Phật chuyển mạch câu chuyện:

– Cái thau sạch, quý lại đựng nước trong, ngọt, mát lạnh, ai trông cũng thích mắt, cũng muốn uống, phải vậy không Rāhula?

– Dạ phải!

– Cũng vậy, khi tâm ta sạch và quý, rồi đựng bên trong những đức tính, những phẩm hạnh trong, lành, mát thì ai cũng mến, cũng trọng; ai cũng hoan hỷ, ai cũng muốn thân cận, kể cả chư thiên và thọ thần.

Rāhula chăm chú lắng nghe bài học quý giá.

Đức Phật chỉ tay vào thau nước:

– Hãy quan sát thau nước, này Rāhula!

– Dạ!

– Thau nước ấy không những “trong” mà còn “lặng” nữa, có phải thế không? Tâm trí ta cũng vậy, “trí trong” nên ta mới sáng suốt, “tâm lặng” nên cáu bợn mới lặn chìm tận đáy. Trí trong là tuệ, tâm lặng là định. Từ cái thau nước mà ta cũng rút ra được bài học về định tuệ đấy, này Rāhula!

– Dạ, thật hay quá là hay!

– Còn nữa, Rāhula! Cũng nhờ “trong” và “lặng” ấy, ta còn soi mặt được đấy! Con hãy soi mặt thử xem!

Khi Rāhula soi mặt, đức Phật nói thoảng bên tai:

– Thấy rõ cả từng sợi tóc, lông mi, có phải thế không?

– Dạ!

– Cũng vậy, khi có định và tuệ rồi, ta có thể thường trực soi chiếu nội tâm; và có thể thấy rõ cả những lăn tăn, li ti, cáu bợn phiền não. Vậy, cái xấu, cái bẩn nào trong tâm cũng thấy rõ được cả, phải vậy không, Rāhula?

– Quả là thế, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật hài lòng vì Rāhula đã thấu hiểu những điều căn bản nhất của sa-môn hạnh.

Buổi chiều, lúc mát trời, đức Phật và Rāhula trở về Trúc Lâm. Trên đường đi, họ gặp một đoàn voi. Con nào con nấy to lớn, hùng dũng, với những bước đi đĩnh đạc, oai nghiêm. Chúng đi trật tự, giữ khoảng cách đều đặn, thẳng hàng, thẳng lớp, không nhìn ngược, không nhìn xiên… Trên đầu voi, từng viên nài trang bị quân phục chiến sĩ, tay cầm búa khiển voi lấp lánh sáng. Thoáng nhìn, đức Phật biết đấy là đoàn binh chiến tượng đã được huấn luyện kỹ càng, có nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành, đôi khi còn để làm chiến sĩ tiên phong xung trận.

Bước tránh vào một công viên, đức Phật hỏi Rāhula:

– Khi ra chiến trận, những chú voi chiến sĩ này sử dụng cái gì mà chiến đấu, con có biết không?

– Thưa, có lẽ là cái vòi vì đệ tử thấy chúng ăn mía bằng vòi, hút nước, giỡn nước bằng vòi mà nhổ cây, quật gốc, bẻ cành cũng bằng vòi…

– Đúng vậy! Thế nhỡ cái vòi bị thương tích thì sao?

– Thưa, bị thương là hỏng, là phải vào bệnh viện thú của hoàng gia để chữa trị.

– Vậy nó phải biết bảo vệ cái vòi của mình, chính là bảo vệ mạng sống của mình, phải vậy không?

– Dạ đúng vậy!

– Này Rāhula! Khi lâm trận, những chú voi chiến sĩ của chúng ta sử dụng tất cả mọi vũ khí tự thân có được. Nó dùng vòi, dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng ngà, dùng đầu và dùng cả đuôi. Tất cả vũ khí tự thân ấy, cái nào bị thương, bị tật cũng được nhưng cái vòi thì đừng để bị thương. Tại sao vậy? Vì ăn, vì uống, vì thở đều ở nơi cái vòi cả. Cái vòi mà “tử thương” thì coi như con voi bị tước đoạt mạng sống. Vậy, với giá nào, con voi cũng phải biết bảo vệ cẩn mật cái vòi của mình.

– Vậy, hỏng vòi là hỏng tất cả!

– Đúng vậy! Khi lâm trận, con voi sẵn sàng hứng chịu hằng trăm, hằng ngàn lằn tên, ngọn giáo – cho dẫu cái đầu, cái đuôi, cái tai, cái lưng, cái bụng… có bị thương mà cái vòi chưa bị thương thì con voi kia vẫn là một chiến sĩ, vẫn còn có khả năng kiên cường và dũng mãnh được. Nhưng nếu cái vòi mà bị thương là coi như bỏ. Cũng vậy, một tỳ-khưu trong giáo pháp của Như Lai, sống giữa cuộc đời khi còn hệ lụy bởi cái ăn, cái mặc, cái ở, cái ngủ nghỉ… thì cũng phải hứng chịu hằng trăm, hằng ngàn lời chê bai, sỉ nhục, vu khống, mạ lỵ, đàm tiếu, cạnh khóe, xoi móc… lẫn ác tâm, ác ý, nhiều cạm bẫy, gai chông không lường được của thế gian. Tuy nhiên, vị tỳ-khưu ấy, cho dẫu cái bụng có bị thương vì thiếu vật thực; cái da có bị thương vì y áo không đủ ấm; cái lưng có bị thương vì nằm đất, nằm cây; cái tai có bị thương vì ác ngôn, sàm ngôn của kẻ thế; cái chân cái tay có bị thương vì ốm o gầy mòn; cái mặt có bị thương vì nắng mưa sương gió… nhưng mà “cái tâm chưa bị thương” là chưa sao cả. Cái gì cũng bị thương, nhưng cái tâm mà chưa bị thương thì tỳ-khưu ấy vẫn tồn tại – tồn tại dõng mãnh – trong giáo pháp của Như Lai. Còn cái tâm mà bị thương rồi thì coi chừng, cái mạng sống phạm hạnh của vị ấy sẽ không còn nữa! Vậy, nếu con voi biết bảo trọng cái vòi của nó như thế nào thì con cũng phải biết bảo trọng cái tâm của mình như thế ấy, này Rāhula!

Bài học này, quả thật là thấm thía tận ruột gan. Sa-di Rāhula nghĩ rằng, ai mà đã nghe rồi, một lần, thì suốt đời cũng không thể quên được câu chuyện về cái chậu nước bẩn, cái thau nước trong và cái vòi voi này!

Rāhula còn học bài học khi bị người sỉ nhục nữa!

Thuở đó, cũng tại Trúc Lâm tịnh xá, sa-di Rāhula cùng với một số huynh đệ sa-di bộ hành về quê của tôn giả Sāriputta để khất thực. Mẹ của tôn giả thấy rõ là sa-môn nên đem tâm ghét cay, ghét đắng; bà cho người mời vào rồi hỏi:

– Các vị là học trò của ai?

– Chúng cháu là học trò nhỏ của tôn giả Sāriputta, thưa ngoại!

– Thế à! Bà vồn vã nói – Sāriputta là con trai của ta, các vị là học trò của con trai ta, vậy ta phải xem các vị như cháu nội, cháu ngoại của ta vậy.

Nói xong, bà quát tả hữu:

– Bây đâu! Hãy mau ra tiếp bát cho các cháu của ta!

Ðám gia nhân vâng lời, xin thỉnh bát, rồi mời mấy vị sa-di vào phòng khách an tọa. Bà hỏi lung tung:

– Này các cháu của ta! Các cháu đã đói bụng chưa?

Các sa-di im lặng – vì họ biết nói đói bụng là như gợi ý kẻ khác cúng dường là tà mạng.

– Về đây là như về nhà của các cháu vậy! Các cháu ưa ăn gì nào, cứ thật tình nói đi?

Các sa-di im lặng – vì họ biết, nói ưa ăn gì cũng thuộc tà mạng.

Bà Sārī biết các sư không bao giờ than đói bụng, không gợi ý thích ăn món gì nên bà mới hỏi vậy.

– Hay là ta nói nhé! Các cháu có thích ăn món thịt gà không? Bọn nô lệ đâu! Hãy làm thịt mấy con gà béo mập nhé!

Ðến nước nầy thì Rāhula phải lên tiếng:

– Không được đâu, thưa ngoại!

– Hay là các cháu chê thịt gà. Vậy thì thịt heo nhé! Hãy thịt một chú lợn choai choai nghe bọn bây, các cháu của ta thích món ấy!

– Không được đâu, thưa ngoại!

– Vậy thì cá nhé! Hãy ra hồ bắt mấy con lý ngư mang vào đãi các cháu ta!

– Không được đâu, thưa ngoại!

Bà Sārī chợt làm mặt giận, nói lẫy:

– Cái gì cũng không được, không được! Món ăn ngon béo bổ cũng không muốn. Thôi được rồi, bà cũng không ép.

Bà bỏ đi vào trong một lát, khi đi ra thì gia nhân ôm theo những bình bát đầy ở trên tay. Bà bảo trao bát cho mấy vị, rồi nói:

– Heo suốt đời thích ăn cám, chó suốt đời thích ăn phẩn, trâu bò suốt đời thích ăn cỏ. Các sa-môn Thích tử, sa-môn con trai ta, đệ tử con trai ta suốt đời thích ăn cơm thừa, canh cặn, nước cháo chua, nước cháo thiu thì biết làm thế nào? Thôi, dù sao ta cũng là bà nội, bà ngoại – chiều theo ý các cháu nên các món mà các cháu ưu thích, ta đã sai gia nhân trộn lẫn với nhau rồi, cho dễ ăn, cho dễ nuốt! Trời cũng đã trưa, thôi các cháu đi đi. Ta già cả rồi, không đưa tiễn được!

Thế rồi, trưa hôm ấy, độ thực giữa rừng cây, chúng sa-di thấy trong bình bát, các món ăn được trộn lẫn rất khó nuốt, tương tự cháo cám heo.

Rāhula nói với các bạn:

– Đói một bữa, không chết ai – nhưng ngược lại, tôi và các bạn cùng nhau học được một bài học nhẫn nhục tuyệt vời!

– Đúng vậy! Một nhẫn nhục không có hận, không có sân! Nó còn có bi và có xả nữa!

Thế là nhờ phẩm tính sẵn có, nhờ môi trường giáo dục tốt, nhờ hai vị Đại Đệ Tử trui rèn, nhờ đức Phật tiếp giáo đúng lúc nên khi được về thăm quê hương lần đầu, lúc đức vua Suddhodana thăng hà thì Rāhula trông đã chững chạc, đã quen thuộc và đã mến thích đời ống xuất gia rồi.

Bên giường nằm bệnh của đức vua Suddhodana, bắt chước mọi người “phát nguyện chân thật”, Rāhula đã thành kính chấp tay, nói rằng: “Từ khi xuất gia đến nay, cháu rất vui vẻ, thỏa thích; có vài lần ham chơi vì sợ quý thầy là tôn giả Sāriputta và tôn giả Moggallāna la rầy, trách phạt nên cháu đã nói dối. Tuy nhiên, cháu rất cố gắng học; học về cách đi đứng, nằm ngồi, học cách ôm bát đi khất thực, học pháp và luật, học thiền định và cả học quán chiếu tam tướng nữa. Cứ mỗi buổi sáng, cháu tung một nắm lá lên trời rồi nguyện ngày hôm ấy phải học nhiều như số lượng lá rơi xuống đất. Nếu điều ấy là do cháu nói thật, thì xin cho ‘vua nội’ giảm cơn đau nhức ở hai cẳng chân”.

Thế rồi, bàn tay của Rāhula thần kỳ cũng không kém ai, chú xoa tay đến đâu thì cơn đau nhức của đức vua Suddhodana lặn mất đến đấy.

Mấy năm sau, theo đức Phật và hai vị Đại Đệ Tử về sống ở Kỳ Viên tịnh xá thì sa-di Rāhula đã tỏ ra khá trưởng thành, mặc dù chú mới mười hai tuổi. Ở tại đây, Rāhula nổi bật về hạnh phục vụ và quán xuyến mọi việc.

Ai cũng biết rằng, bình thường thì nhân số ở Kỳ Viên chừng năm bảy trăm vị, nhưng khi nghe có mặt đức Thế Tôn thì chư tăng các nơi lũ lượt tìm về, có khi lên đến con số bốn, năm ngàn người. Những lúc như thế thì thật khổ cho chư vị trưởng lão, nhất là hai vị Đại Đệ Tử. Việc ăn, việc ở, việc tới lui phức tạp, nhà tắm, nhà cầu, phòng ăn… thật là hằng trăm thứ việc phải lo toan, cáng đáng. Chuyện thường xuyên bức xúc nhất là trật tự, kỷ cương, ngăn nắp, vệ sinh trong sinh hoạt tịnh xá. Tăng chúng quá đông, thế là chim linh, phượng hoàng ở lẫn với gà cồ, gà mái; ngọc vàng lẫn với bụi cát. Cả hằng trăm tỳ-khưu và sa-di còn quá nhiều phàm tính, tục tính, chưa được thuần thục trong giáo pháp, chính họ là thủ phạm làm xáo trộn nếp sống yên ả, thanh bình ở đây. Có nhiều nhóm, đôi khi chỉ vì một gốc cây, một chỗ nghỉ mà sinh ra tranh giành, ẩu đả, chửi mắng nhau. Nhiều vị do ích kỷ, biếng nhác, ăn và chơi, không chịu sờ mó công việc, không chịu tu tập mà chỉ mong chiếm tiện nghi, thủ lợi riêng cho mình, ai ra sao, mặc kệ. Chư thánh trưởng lão sống đời khiêm tốn, vô tranh, từ hòa, vắng lặng nên họ luôn là kẻ thua cuộc, lặng lẽ ôm y bát nhường chỗ, nhường phần cho họ.

Cáng đáng công việc đa đoan, phức tạp ở đây thường là hai vị Đại Đệ Tử, tôn giả Ānanda cùng hội chúng mấy chục sa-di lớn nhỏ. Trong số đó, có Rāhula cùng mấy vị thánh tăng sa-di là giúp việc đắc lực, âm thầm và bền bỉ nhất.

Hôm nọ, hai vị Đại Đệ Tử đi vắng, tôn giả Ānanda cũng có việc đi xa, công việc thường ngày phải đổ bổn phận lên vai chư vị sa-di.

Lúc trở về, đi một vòng, tôn giả Sāriputta ngạc nhiên, cho họp hội chúng sa-di giữa vườn cây, ngài nói:

– Ta đi cũng đã khá lâu, nhưng trở về thì thấy đâu cũng sạch sẽ ngăn nắp, tươm tất như thế? Không biết ai là người cắt đặt công việc ở đây?

Sa-di Sīvali lễ phép nói:

– Thưa, sư huynh Rāhula đó ạ!

– Không phải mình đệ tử đâu! Rāhula đính chính – là khối óc và bàn tay chung của rất nhiều vị đấy ạ!

Sa-di Saṇkicca cũng thưa:

– Nhưng sư huynh Rāhula là người quán xuyến nhất.

Tôn giả đưa mắt nhìn Rāhula:

– Con cứ kể lại tất thảy tình hình trong thời gian ta vắng mặt, cho ta nghe!

– Thưa vâng! Rāhula mau mắn đáp – Nơi bệnh xá lúc này hiện có một số khá đông tỳ-khưu ở Takkasilā, Vaṃsā, Aṇgā, Kosambī, Kuru… về; có nhiều vị do đường xa nên ngã bệnh. Họ bị sốt rét, tả lỵ hoặc thương hàn… Hôm kia, tôn giả Mahā Moggallāna trở về, ghé thăm, ngài đã ủy lạo và sách tấn tinh thần. Tôn giả còn kể lại một câu chuyện cũ để nhắc nhở chư tỳ-khưu và chúng sa-di. Rằng là đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra ở đây, chuyện ấy không thể lặp lại. Có một thầy tỳ-khưu bị bệnh mụt nhọt, lở loét, hôi hám, dơ dáy… đã bị vị tỳ-khưu nào đó quăng bỏ vào bìa rừng. Sáng ngày, chính đức Đạo Sư đã sai mang vào phòng giữ lửa; chính ngài đã đích thân nấu nước sôi, tẩm khăn ấm lau sạch thân thể cho người bệnh. Sai người giặt y ngoại phơi khô, lấy y ngoại đắp rồi giặt sạch y nội… Do bệnh quá trầm trọng nên sau đó vị tỳ-khưu kia qua đời.

Nhưng mà trước khi còn hơi thở, đức Phật quán căn cơ, thuyết một thời pháp, vị ấy đắc quả A-la-hán và Niết-bàn ngay tại chỗ. Kể xong chuyện ấy, khi đi, tôn giả để lại năm vị tỳ-khưu trẻ ở lại, nhiệt tình chăm sóc cho người bệnh. Còn chuyện cơm nước, thuốc men, mật, đường, sữa… trưởng giả Cấp Cô Độc vẫn thường cho người cung cấp rất chu đáo. Riêng việc quét dọn bệnh xá, nấu nước sôi giặt rửa y áo, chăn màn, đổ ống bô cùng nhiều việc linh tinh khác ở đây, thường thì chúng sa-di đảm nhiệm, thưa tôn giả!

– Ừ, hay lắm! Ta rất cảm động. Ta xin cảm ơn tất cả các con!

– Dạ… nhưng…

– Con cứ nói!

– Thưa! Vẫn có tình trạng một số tỳ-khưu khai dối bệnh để được dùng vật thực đặc biệt; họ còn thu giấu đường, sữa, mật ong, tích trữ thuốc!

Thật là phức tạp…

– Ừ, chuyện muôn đời mà!

– Nơi tăng xá – Rāhula kể tiếp – Nơi chỗ chư tăng ở và đi thì thật là lộn xộn. Biết bao cái sờ sờ trước mắt như giường hư, gối bẩn, mùng mền rách và dơ. Chúng con ba bốn người làm không xuể. Tôn giả Mahā Kassapa đi ngang qua, thấy thương tình nên cắt đặt thêm cho bốn vị tỳ-khưu trẻ đến phụ giúp.

– Ừ, tốt quá!

Sa-di Saṇkicca tiếp lời:

– Còn đại giảng đường mênh mông thì công việc cũng mênh mông. Ngay chỗ thuyết pháp của đức Tôn Sư bao giờ cũng có cả rừng hoa tươi, hoa héo lẫn lộn nhau, lại có một số hoa đã mủn ra. Nơi chỗ bệ đặt chiên đàn và hương liệu, lúc nào cũng vấy bẩn tàn tro, cái cháy, cái cháy dở rơi rớt xung quanh. Hàng ngàn tấm ngồi, hàng trăm tấm lót đủ loại, đủ cỡ bừa bộn, lỉnh kỉnh tấp một đống chỗ này, tấp một đống chỗ kia, xâm chiếm cả các hành lang. Ngay việc sắp xếp, quét dọn vào mỗi buổi sớm, mười người lo cũng không xuể. Tội nghiệp cho tôn giả Ānanda, vừa ở xa mới về, lại phải đầu tắt mặt tối ở đấy cùng với bảy tám đệ tử của ngài. Cách đây mấy hôm, chúng con có thêm mười sa-di tình nguyện đến phụ giúp công việc hằng ngày tại đại giảng đường để đỡ đần công việc cho tôn giả được nghỉ ngơi chút ít.

– Ồ, tốt quá, rất tốt!

– Ngoài hương phòng của đức Tôn Sư, ngoài một số thị giả thường xuyên thay đổi nhau, chúng con bao giờ cũng có sẵn một hoặc hai sa-di lanh lẹ, ý tứ quét dọn cho sạch sẽ cỏ rác, đường kinh hành lan đến khoảng vườn xung quanh…

– Đúng thế!

– Nơi phòng tắm công cộng, nhà tiêu công cộng, phòng giữ lửa… bao giờ mỗi nơi cũng túc trực sẵn hai sa-di.

– Chu đáo lắm!

– Nơi phòng tiếp tân cũng rất bề bộn công việc – Sa-di Sīvali trình bày – Cứ phái đoàn này đi thì phái đoàn khác đến. Mấy hôm kia, tôn giả Ānanda thường trực cho một số tỳ-khưu mặt mày sáng sủa, ăn nói văn vẻ, khiêm cung, lịch thiệp để tiếp khách. Dầu là vua chúa, các quan đại thần, tướng quân, đại triệu phú, tiểu triệu phú, giáo chủ các tôn giáo, du sĩ, đạo sĩ hành cước… bất cứ ai muốn diện kiến đức Thế Tôn đều không thể tùy tiện, phải ngồi đợi ở đấy trước đã. Tại đây, sa-di chúng con luôn túc trực bốn vị để làm vệ sinh, dẫn khách hoặc chờ được sai vặt…

– Đúng vậy rồi!

– Còn nữa, nơi chỗ ngoài và trong khuôn viên đại tịnh xá, bao giờ cũng lảng vảng mấy trăm kẻ tàn thực, họ làm vấy bẩn, dơ uế đủ mọi thứ. Trước đây, có một số tỳ-khưu trẻ tình nguyện chăm sóc ở đây nhưng rồi họ lần lượt bỏ đi hết vì không chịu nổi tâm địa hạ liệt của chúng. Bọn tàn thực ấy đi lung tung, nói năng lung tung, xả rác lung tung, khạc nhổ, phóng uế lung tung, chửi bậy và đánh nhau cũng lung tung; ăn uống thì giành giật, cấu xé nhau. Thật không ai chịu nổi. Bây giờ thì chúng đệ tử đã quy định cho họ một nơi, có giới hạn. Khi nào vật thực thừa do sự cúng dường dư dả của thí chủ, vật thực dùng không hết của chư tăng thì vị nào cũng mang đến san sẻ cho họ…

Tôn giả Sāriputta chợt nhíu mày:

– Trưởng giả Cấp Cô Độc đã mấy lần quy tập họ về trại tế bần rồi mà?

Sadi Rāhula đáp:

– Thưa, họ không chịu ở đó, cứ trốn ra ngoài, trốn ra ngoài tự do hơn.

– Thật đáng xót thương!

Sa-di Paṇḍita tiếp lời:

– Thưa, xót thương thì cũng đáng xót thương, nhưng rõ ràng tâm sao thì cảnh vậy. Địa ngục và ngạ quỷ có sẵn trong tâm họ, cả a-tu-la nữa, nên chúng đi đâu thì mang theo cảnh giới ấy. Ăn no rồi sinh chứng trộm cắp, mắng chửi, gấu ó, đánh đập nhau. Chúng kéo ra bờ sông, bìa rừng để đú đởn, rửng mỡ, cười cợt, khóc lóc, nhảy nhót… luôn luôn than khổ, luôn luôn than đói… Rõ là chúng không bao giờ biết đủ và không bao giờ có một khoảnh khắc yên lặng!

– Chúng mà sống đời biết đủ, biết dừng và có được một khoảnh khắc yên lặng thì thế gian này làm gì có bốn con đường khổ hả con!

– Thưa vâng! Thật phải kham nhẫn, chịu thương chịu khó, mở rộng tấm lòng từ may ra mới tiếp xúc, thương yêu và thông cảm với họ được. Ai đời, cho họ y phục, vật thực, thuốc men mà họ vẫn cứ chửi mắng tỳ-khưu, nói xấu tỳ-khưu, ganh ghét, đố kỵ tỳ-khưu… đôi khi rất lỗ mãng, rất cộc cằn, rất tục tĩu là khác nữa!

Tôn giả Sāriputta tán thán:

– Phải vậy! Biết được vậy là quý lắm! Là tốt lắm! Ta rất cảm ơn các con! Ta rất cảm ơn các con!

Rồi ngài đưa đôi mắt nhìn khắp hội chúng sa-di, có cả một số vị tỳ-khưu trẻ, cất giọng ôn nhu:

– Các con đã có công đức rất lớn và cả cái tâm cũng rất lớn nữa, ta thành thật khen ngợi các con! Đấy là sự tu tập trong công việc. Có tu tập trong công việc thì những đức tính tốt như những mầm cây ở trong tâm chúng sẽ được phát triển. Nếu ai cũng đến và đi thong dong, tự tại cả, chỉ lo an lạc cho cá nhân mình thì ai là kẻ lo cho mình về trú xứ, phòng ốc, giường gối, chỗ ăn, chỗ ở, nơi nghe pháp, nhà tắm, nhà vệ sinh? Một lần nữa, ta cảm ơn các con lắm lắm vậy!

Thời gian ở đây, trưởng lão ni Yasodharā thỉnh thoảng từ ni viện sang Kỳ Viên đảnh lễ đức Phật, đồng thời thăm viếng sa-di Rāhula. Ngược lại, lúc rảnh, Rāhula cũng qua ni viện thăm mẹ. Có lần, sang ni viện thì thấy bà đang đau do chứng bệnh đầy hơi, chú hỏi:

– Trước đây, khi bị bệnh như vậy thì mẹ dùng thứ thuốc gì để chữa trị?

Bà đáp:

– Này con! Với bệnh này, khi ở hoàng cung, mẹ dùng nước trái xoài pha với mật đường, uống vào là khỏi hẳn.

– Vậy con sẽ tìm thứ thuốc ấy cho mẹ.

Về Kỳ Viên, Rāhula không tìm cha mình là đức Thế Tôn, không tìm chú mình là đức Ānanda, đức Nanda, giáo thọ sư của mình là tôn giả Moggallāna… mà chỉ đến tìm tôn giả Sāriputta với sắc mặt rầu rĩ…

Tôn giả quan tâm hỏi:

– Con có gì phiền muộn phải không, Rāhula?

– Thưa phải! Rāhula gật đầu – Mẹ con, trưởng lão ni Yasodharā đang bị chứng bệnh đầy hơi, nếu có nước trái xoài pha mật đường thì sẽ chữa khỏi…

Tôn giả an ủi:

– Con đừng buồn phiền nữa. Để thầy đích thân tìm thứ nước ấy giúp con. Cứ đợi ở đây, trong giây lát thôi.

Nói xong, tôn giả đắp y mang bát, vận thần thông lực vào cung điện đức vua Pāsenadi, nước Kosala.

Không biết là do cảm ứng hoặc là do sự vận hành của nhân quả, duyên báo gì đó, mà đức vua đã tự thân gọt vỏ xoài, cắt thành từng miếng, rắc mật đường lên rồi bỏ vào máy ép nước, đem dâng vào bát cho tôn giả. Nhận bát nước xoài, tôn giả nói vài câu kệ phúc chúc, rồi ngay tức khắc, mất tích ở hoàng cung, trở lại Kỳ Viên.

Đức vua tự hỏi: “Vì sao trưởng lão không dùng nước giải khát ấy ngay tại đây? Hẳn là có vị phạm hạnh nào đang cần món này như vị thuốc?”

Cho người theo dõi, đức vua biết là nước xoài ấy mang về cho Rāhula rồi Rāhula đem dâng cho mẹ để chữa trị chứng bệnh đầy hơi. Xúc động, đức vua nghĩ: “Nếu đức Thế Tôn ở tại gia, chắc hẳn ngài là một vị vua anh minh, bà Yasodharā là một vị quốc mẫu, còn Rāhula là một vị thái tử lá ngọc cành vàng. Tất cả gia đình họ hiện đang ở đây, trong quốc độ của ta. Thật đáng hổ thẹn, và quả thật không xứng đáng khi ta là một vị vua Kosala đại cường lại chẳng quan tâm đến họ, giúp đỡ họ trong những việc xem ra rất cỏn con như thế này. Từ rày ta phải hằng thường xuyên thăm viếng họ, xem thử họ có nhu cầu cần yếu nào không! Đấy là việc phải làm!” Khởi từ ý nghĩ này, về sau, đức vua hộ độ rất chu đáo bà con quyến thuộc của đức Phật, cả tăng ni nữa; và ông cũng thường xuyên cho người dâng nước xoài tẩm mật đường cho trưởng lão ni Yasodharā.

Sau mùa an cư năm nọ, như những đám mây trời, đức Phật và đại chúng rời Kỳ Viên tịnh xá, lại ra đi, lại lên đường, xuôi nam. Tôn giả Sāriputta, bao giờ cũng vậy, là kẻ đi sau cùng để tìm cách giúp đỡ các vị sư già yếu hoặc ai đó thình lình ốm bệnh. Tôn giả quả như là một người mẹ hiền với đàn con dại cần được chăm sóc. Sẽ có khá nhiều vị sư, vì lý do nào đó rơi rớt lại dọc đường nên ngài thường cùng các vị tỳ-khưu trẻ trung, các vị sa-di biết việc, tháo vát sẽ cáng đáng tất cả các trường hợp bất ngờ phát sanh.

Bởi vậy, có một lần, sau nhiều ngày trên đường, lúc ấy đã khá khuya mới đến được công viên Badarikārāma, tôn giả cùng hội chúng đi sau của ngài, trong đó có Rāhula, Sīvali, Saṅkicca… không tìm ra nơi nào để qua đêm. Cốc liêu đặc biệt riêng thường dành cho tôn giả đã bị người khác chiếm chỗ. Đi quanh một vòng, không còn một hành lang, một gốc cây, một lùm cây nào là còn khoảng trống. Thế rồi, tôn giả phải ra ngoài trời, cột một tấm y tạm che sương, trải tọa cụ lên đất rồi ngồi kiết già suốt đêm.

Các vị sa-di theo thói quen, ghé vào các liêu thất, ngủ dưới sàn nhà của bất cứ vị tỳ-khưu nào, nhưng đều bị đuổi ra ngoài. Không ai giải thích lý do. Riêng có một vị tỳ-khưu già, thấy Rāhula, con trai của đức Phật cùng chịu chung cảnh ngộ nên đã cặn kẽ trình bày nguyên do, nói rằng:

– Này Rāhula quý mến! Trước đây sa-di ngủ chung với tỳ-khưu thì được, nhưng hôm đó, tại điện Aggāḷava, thành phố Āḷavī, đức Phật đã chế định điều luật: Tỳ-khưu không được ngủ chung phòng với người chưa thọ giới. Có lẽ Rāhula chưa nghe biết đó thôi.

– Thưa vâng!

– Chỉ mới mấy tháng trước, tại Āḷavī, nhiều tỳ-khưu-ni và nhiều nữ cận sự thường đến tịnh xá để nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, buổi giảng pháp thường tổ chức vào ban ngày. Sau một thời gian, những thời pháp lại chuyển sang ban đêm chỉ để dành cho tỳ-khưu và cận sự nam. Sau thời pháp, chư vị trưởng lão thì có cốc liêu nên họ rút về phòng, còn chư tỳ-khưu trẻ và cận sự nam thì nằm ngủ chung chạ tại giảng đường. Khi họ ngủ, những hình ảnh thiếu mỹ cảm hiện ra. Có vị tỳ-khưu nằm ngáy khò khò vang dội. Có vị tỳ-khưu nằm há hốc như miệng cá ươn, nước dãi chảy tràn ra. Có vị tỳ-khưu nghiến răng như cóc nghiến. Có vị nằm gác chân ngang dọc, ngược xuôi lên vị khác, y áo lõa lồ, hở hang cả hạ thể trông rất khó coi. Trong hội chúng ấy có một thánh nam cư sĩ, chứng kiến hình ảnh không đẹp mắt ấy, sợ một số cư sĩ sẽ mất đức tin với chúng tỳ-khưu, nên sáng hôm sau, thưa bạch mọi điều tai nghe mắt thấy lên đức Thế Tôn. Vậy là buổi giảng pháp hôm sau, đức Phật chế định học giới ấy.

Nghe rõ nhân và quả, sa-di Rāhula tri ân vị tỳ-khưu già rồi lặng lẽ đi tìm kiếm chỗ nghỉ cho mình. Qua sân, ra vườn, Rāhula đứng lặng một hồi chiêm ngưỡng hình ảnh đẹp đẽ, vô ngại của thầy mình – tôn giả Sāriputta – rồi bước vào bên sau. Đến hương phòng của đức Phật, thấy bên cạnh có phòng vệ sinh, còn chập chờn ánh đèn dầu lạc và tỏa ra mùi hương, Rāhula khẽ hé cửa bước vào, và chú có cảm giác ở đây như là cung điện của phạm thiên!

Sáng ngày, đức Phật đứng trước phòng vệ sinh và đằng hắng bên trong vẳng lại tiếng đằng hắng đáp lời. Đức Phật hỏi:

– Ai đấy?

– Đệ tử Rāhula đây!

Cửa mở, Rāhula thu xếp lại y bát trên nền đất rồi đảnh lễ đức Phật.

– Sao con lại nằm ở chỗ bất tịnh này?

Rāhula kể lại mọi sự. Chú cũng không quên kể lại trường hợp tôn giả Sāriputta cũng không có chỗ nghỉ, phải qua đêm trên nền đất lạnh ngoài vườn.

Xúc động chánh pháp, đức Phật suy nghĩ: “Quả thật, ta có chế định điều đó tại Āḷavī nhưng chỉ là với nam cư sĩ, và ta cũng chưa cho tuyên bố rộng rãi lý do là vì khắp nơi cốc liêu còn chật chội. Mà cho dù với sa-di chăng nữa thì cũng chỉ là chế định mà thôi. Gọi là chế định thì bao giờ cũng tùy lúc, tùy khi, tùy trường hợp phát sanh! Cái kiểu mà chúng áp dụng cứng nhắc như vậy là giết chết sinh mạng học giới (chưa thành luật) của Như Lai, luôn cần phải uyển chuyển và thích nghi theo từng hoàn cảnh. Chuyện ấy đã tệ mà chuyện với Sāriputta còn tệ hơn! Chúng còn coi thường luôn bậc thầy của họ, dám ngang nhiên chiếm luôn tịnh thất riêng của Sāriputta thì còn chi tôn ti hạ lạp, tôn kính, kính trọng các bậc trưởng thượng?”

Thế rồi, đức Phật cứ để cho không khí sinh hoạt diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra, chỉ bảo thị giả Upavāna và các vị trưởng lão thông báo toàn thể chư tăng ni trong thị trấn Bādarika tụ họp đông đủ tại tịnh xá để nghe ngài thuyết giảng.

Vào buổi chiều, khi hội chúng đã tụ tập đầy đủ, tràn ra cả khu vườn, mở đầu cuộc giáo giới, đức Phật hỏi:

– Này Sāriputta! Đêm hôm qua, Rāhula, đệ tử của ông, ngủ nghỉ ở đâu?

– Thưa, đệ tử không rõ, vì lúc đến đây đã khá khuya!

– Nó ngủ nghỉ trong nhà vệ sinh đấy!

Cả hội trường như thảng thốt, bàng hoàng.

Đức Phật yên lặng một lát, đưa đôi mắt nghiêm khắc lướt quanh một vòng rồi chậm rãi nói:

– Sāriputta không biết, đúng vậy! Vì chính ông ta, một người lớn tuổi, một vị thượng thủ, một bậc thầy của giáo hội cũng phải ngồi suốt đêm ngoài sương lạnh! Lý do là tịnh thất của ông ta đã bị tỳ-khưu khác chiếm mất chỗ! Thế đấy! Chẳng lẽ nào giáo pháp của Như Lai, cái giáo hội độc thân này lại tệ hại, tệ mạt như thế? Tệ hại, tệ mạt vì trẻ thì bị vứt bỏ chẳng ai ngó ngàng đến, mà tuổi lớn, hạ lạp cao, bậc trưởng thượng lại không được cung kính và tôn trọng hay sao!?

Lời khiển trách của đức Phật làm cho cả hội trường như bị hóa đá.

Đức Phật bắt đầu xuống giọng:

– Với Rāhula mà chư tỳ-khưu còn đành đoạn quay lưng, vất bỏ như thế thì nói chi đến tình tương thân, tương ái, tương nhượng? Rồi còn rất nhiều những sa-di mới học tu khác nữa, không biết số phận còn tồi tệ đến dường nào? Rồi sau này, biết được chuyện này, có cha có mẹ nào mà còn dám cho con em họ vào học tu trong giáo pháp không có một chút quan hoài, thiếu thốn tình người như thế?

Chuyện tại Āḷavī, bây giờ Như Lai chế định lại cho rõ ràng, kẻo nhiều vị hiểu lầm, như sau: Tỳ-khưu không được ngủ chung phòng với nam cư sĩ, riêng sa-di, nơi nào thiếu phòng ốc, liêu xá thì cho ngủ chung được ba đêm, quá ba đêm thì phạm tội pācittiya (ba-dật-đề). Khi phạm tội này thì phải thú nhận và sám hối trước tăng. Tỳ-khưu-ni cũng tương tợ vậy. Và các vị trưởng lão phải công bố điều này một cách rộng rãi và đều khắp trong các hội chúng tu học.

Sau khi chế định lại điều học, vì các vị tỳ-khưu chỉ thêm một chữ “chưa thọ giới” và “chưa thọ đại giới” mà sinh ra cớ sự, đức Phật lại quay sang kể chuyện xưa để giáo giới chuyện xảy ra với tôn giả Sāriputta.

“Này hội chúng! Thuở xưa, rất là lâu xưa, trong khu rừng già nọ có một con voi, một con lừa và một con chim đa đa chung sống, làm bạn với nhau rất là thuận hòa và êm ấm. Chúng thường vui chơi với nhau, nô giỡn với nhau, tụ họp, chuyện vãn với nhau dưới tàn đại cổ thụ cành lá sum suê đã hàng ngàn năm tuổi.

Hôm nọ, voi chợt nói:

– Này các bạn! Chúng ta sống với nhau dường như đã quá lâu, không ai còn nhớ thời gian, và cũng không ai biết là ai sinh trước, ai sinh sau, ai lớn, ai nhỏ! Kỳ không? Phàm lớn là anh mà nhỏ là em! Ít ra, chúng ta phải làm thế nào để biết rõ ai lớn ai nhỏ để xưng hô cho phải lẽ chứ? Nhỏ thì phải biết vâng lời, tôn kính, tôn trọng lớn; lớn thì phải biết nhường nhịn, chở che, đùm bọc nhỏ! Các bạn nghĩ có đúng thế không?

Chim đa đa gật đầu, nhưng lừa thì chợt cười:

– Trên nguyên tắc thì đồng ý! Nhưng bạn voi ơi! Chữ gọi là nhỏ và lớn của bạn đưa ra có vấn đề đấy! Nói rõ là nó có vẻ ỡm ờ, lấp lửng, không rõ nghĩa! Tại sao ư? Bạn to con, lớn xác, chẳng lẽ bạn làm anh ư? Vậy phải xác định rõ, lớn ở đây là lớn về tuổi tác, chứ không phải là to con, lớn xác, đồng ý thế không?

Voi vỗ chân đồm độp:

– Bạn đã bóp méo vấn đề. Câu tôi nói là thời gian sinh trước, sinh sau mà!

– Vậy thì được!

Chim đa đa nói xong,bèn quay sang hỏi tuổi tác của ông voi.

Voi bần thần ngẫm ngợi một lúc, rồi chợt đưa mắt ngước nhìn cây đại cổ thụ cao gấp cả hàng chục lần nó, đáp rằng:

– Tôi không biết là tôi sinh ra từ lúc nào, ở đâu, nhưng còn nhớ rất rõ, khi tôi lớn lên, cái vòi của tôi có thể sờ cái đọt cây này một cách dễ dàng!

Lừa cười, bày cả hàm răng trắng hếu:

– Vậy là bạn còn nhỏ tuổi. Thuở lớn lên, tôi cao ngang bằng cây đại thụ này và tôi ăn những đọt lá của nó dễ như chơi, không cần phải nhón chân, độn móng!

Nghe voi và lừa kể, chim đa đa chợt hót lên một tràng không giống ai, kèm thêm giọng cười hin hít, chin chít rất khó nghe.

Cả hai bèn hỏi chim:

– Bạn làm cái quái gì vậy?

– Tôi cười! Chim đáp – tôi vui quá nên tôi cười kiểu chim đa đa như vậy đó! Các bạn hiểu tại sao không? Tôi không còn nhớ thời gian hay tuổi tác, nhưng tôi biết rõ như thế này. Thuở ấy, khi qua chơi trên Himalaya, tôi ăn được một chùm trái ngon ngọt như mật ong, khi bay ngang đây, tôi ỉa xuống một bãi phân. Rồi từ trong đó, một cái hạt nứt ra, mọc lên thành cây đại cổ thụ bây giờ!

Voi vốn đôn hậu, thật thà, xác nhận:

– Hóa ra tôi to con lớn xác mà lại là sinh sau đẻ muộn. Vậy so tuổi tác với các bạn, tôi nhận mình là em út đó nghe! Bạn lừa là anh thứ của tôi, còn chú đa đa bé tí xíu kia lại là anh cả, anh trưởng. Vậy từ rày về sau, chúng ta cứ theo thứ tự tuổi tác để xưng hô cho phải lẽ”.

Đức Phật cất giọng kết luận như tiếng chuông ngân tỉnh thức:

– Voi, lừa, đa đa là giống súc sanh, noãn sanh thế mà chúng còn biết phân biệt tuổi tác lớn nhỏ, biết tôn ti trật tự, biết cách xưng hô để tôn kính kẻ lớn tuổi hơn mình. Còn trong giáo hội này, chuyện gì đã xảy ra?

Như Lai thường coi Sāriputta như ngang hàng với Như Lai, là bậc trưởng thượng, thượng tôn tăng đoàn. Là vị đệ nhất đại đệ tử, là thượng thủ của giáo hội, thế mà các ông tỳ-khưu trẻ lại không biết tôn kính Sāriputta, con trai trưởng của Như Lai!

Này đại chúng tăng ni! Sāriputta niên cao, lạp lớn, hằng quan tâm đến đại chúng, đến sự phát triển của giáo hội, đến sự hoằng dương giáo pháp nên ít có cơ hội nghĩ đến bản thân mình, nếu không muốn nói là ông ta đã dứt bỏ cái bản ngã, ít ăn, ít ngủ, chỉ sống cho mọi người, lo cho mọi người. Thế mà ở đây đã có một số vị không thấy, không biết cái ân đức ấy của Sāriputta. Từ tu viện này sang tu viện khác, từ vườn rừng này sang vườn rừng khác, ở đâu cũng có tấm lòng và bàn tay chăm sóc, vun quén của Sāriputta! Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong ra ngoài, việc gì ông ta cũng chu tất, toàn mãn không chê vào đâu được. Sāriputta lo cho người bệnh, người già yếu, hướng dẫn giáo pháp không mệt mỏi; không bỏ quên cả một sa-di nhỏ tuổi, quan tâm đến cả từng bữa ăn, một cái chăn đắp, một cái mụt nhọt chưa lành của ai đó. Thế gian này không có một ông Sāriputta thứ hai với những phẩm chất tuyệt hảo như thế, muôn triệu năm mới có một người. May ra chỉ có thêm Moggallāna là tương tợ.

Thế mà, đêm qua, Sāriputta của chúng ta không có được một chỗ nghỉ, dầu là một mái che nhỏ, dầu là một góc hành lang! Tịnh thất đặc biệt dành riêng cho ông ấy đã bị mấy ông tỳ-khưu trẻ nào đó chiếm chỗ. Thế là với một lá y tạm che sương, Sāriputta qua đêm giữa vườn lạnh!

Đại chúng nghĩ thế nào về điều tệ hại ấy? Các vị sống trong giáo pháp phát triển đời sống tinh thần bậc cao mà tại sao lại còn thua con voi, con lừa, con đa đa trong câu chuyện kể trên?

Đức Phật im lặng. Giảng đường yên lặng. Cả con muỗi bay cũng nghe được âm thanh. Có một số các vị tỳ-khưu xấu hổ cúi gằm mặt xuống. Có một số vị thì học được bài học nghìn vàng.

Đến ngang đây thì tôn giả Sāriputta đâu từ bên ngoài bước vào, đảnh lễ đức Phật rồi thưa rằng:

– Sự giáo giới của đức Thế Tôn quả thật là lợi lạc cho đại chúng, là hữu ích cho kỷ cương, phép tắc của giáo hội. Đã làm cho trang nghiêm giáo hội. Nhưng ở đây chỉ có một số tỳ-khưu còn nhỏ tuổi, trẻ người, non dạ chưa được thuần thục trong giáo pháp mà thôi. Sau khi đức Thế Tôn đã giảng thời pháp này rồi thì có lẽ không còn ai dám để mình phải thua con voi, con lừa, con chim đa đa kia nữa. Riêng đệ tử, một đêm ngoài trời thì cũng chưa đến nỗi nào. Tôn giả Mahā Kassapa, đệ tử của tôn giả và hằng trăm vị tỳ-khưu sống đời đầu-đà khổ hạnh, họ luôn ngủ nghỉ dưới những chỗ không có mái che mà tinh thần vẫn khang kiện, sức khỏe vẫn tốt.

Đệ tử xin thay mặt số chư sư dại dột ấy, sám hối dưới chân đức Thế Tôn, vì một phần lỗi cũng do đệ tử, do Moggallāna hoặc chư trưởng lão khác chưa dạy dỗ họ đến nơi đến chốn!

Đức Phật im lặng thọ nhận cái lạy và lời sám hối ấy xong, ngài nói:

– Chư vị thấy chưa? Lỗi của mấy ông tỳ-khưu thiếu hiểu biết mà Sāriputta phải sám hối đấy!

Rồi ngài nhìn tôn giả với tia mắt vô cùng thương yêu và trân trọng, nói rằng:

– Thôi, ông hãy đứng dậy đi! Như Lai sẽ xá tội cho tất cả!

Sau đó, đức Phật dạy:

– Từ rày về sau, tất cả sa-di đều phải xem tỳ-khưu là thầy, là cha của mình. Tỳ-khưu cách nhau ba hạ lạp cũng phải được quy định bởi sự tôn kính như thế. Riêng các vị đại trưởng lão, tăng chúng phải xem gần như ngang hàng với Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa… Và nếu như ngang hàng với các vị ấy cũng có nghĩa là ngang hàng với Như Lai. Tất cả mọi trú xứ, chỗ ngủ nghỉ, trong nhà ăn, tại nhà hội, giảng đường, trên đường đi đều phải theo tôn ti hạ lạp. Như Lai không muốn có trường hợp xảy ra như hôm qua nữa. Sāriputta đã sám hối cho các ông, vậy nếu không khôn ngoan hơn, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy các ông rất nhiều đời kiếp đấy, chẳng ai có thể cứu nổi đâu nếu mình không biết tự cứu!

Rời công viên Badarikārāma, hướng về Kosambī, đức Phật nghe chư tăng nhóm này nhóm kia cứ nhắc lại những đức tính tốt của sa-di Rāhula, nhất là tấm gương học tập của chú; lúc ngồi nghỉ dưới rừng cây, ngài nói:

– Này chư tỳ-khưu! Cái tánh của con người, của chúng sanh thường do thói quen được huân tập của nhiều đời kiếp, rất nhiều đời kiếp. Ví dụ những tánh xấu như: Tánh tham ăn, tánh trộm vặt, tánh ưa chém giết, tánh tham tài, tánh tham sắc, tánh ưa được nổi tiếng, tánh ngu si, tánh làm biếng, tánh ưa gây gổ, tánh ưa tranh cãi, tánh hay giành giật, tánh hay gian lận, tánh thích ngồi mát ăn bát vàng, tánh hay nói xấu người, tánh ngồi lê đôi mách, tánh ưa thêu dệt, tánh thích châm chọc, tánh hung dữ, tánh nhiều ganh ghét, đố kỵ, tánh bợ đỡ, nịnh hót, tánh ham ngủ… Và những tánh tốt như: Tánh ăn uống chừng mực, tánh không lấy cắp của người, tánh ngại chém giết, đao trượng, tánh biết đủ, tánh ngại nữ sắc, tánh không ham danh, không hiếu lợi, tánh khôn ngoan, thông minh, tánh siêng năng, tháo vát, tánh cần kiệm, biết lo xa, tánh rộng rãi, thương người hay bố thí, thích giúp đỡ, san sẻ cho người khác, tánh thật thà, tánh khiêm tốn, biết nhường nhịn, tánh không ăn vặt, tánh im lặng, ít nói, tánh chỉ nói cái tốt của người, không nói xấu người, tánh ưa ẩn dật, không thích khoe khoang giữa đám đông, tánh hiền lành, tánh cương trực, tánh đôn hậu, tánh hy sinh, tánh dễ dạy, tánh tinh cần, tánh ham học, tánh ham hiểu biết…

Những cái tánh ấy, tốt và xấu, nó đã ăn sâu ngủ kỹ trong dòng tâm, dòng nghiệp của chúng sanh; nhất là những tánh xấu thì trong một đời, hai đời, ba đời… đôi khi không thay đổi được, không chuyển hóa được. Còn nếu là tánh tốt thì mãi được tăng trưởng thêm, phát triển thêm cũng là lẽ thường.

Như trường hợp của Rāhula, ham học và ham hiểu biết không phải chỉ mới có bây giờ, trong kiếp hiện tại này, mà đã từ rất lâu xưa, trong quá khứ, Rāhula cũng đã từng ham học hỏi, ham hiểu biết như vậy…

Khi chư tỳ-khưu muốn nghe chuyện quá khứ, nhân và quả của cái tánh “ham học hỏi, ham hiểu biết” kia, đức Phật đã kể lại như sau:

“Thuở xa xưa ấy, có một con nai chúa, thống lĩnh và chăm sóc một đàn nai lớn mấy trăm con, vây quanh một khu rừng và một bình nguyên lớn rộng.

Nai chúa có một bà chị là một con nai cái, rất tin tưởng trí tài và sự khôn ngoan của em mình; nên sau khi sinh được một chú nai tơ, nai mẹ dẫn con đến nai chúa, nói rằng:

– Này em! Em hãy chịu khó dạy cho cháu về trí tài và sự khôn ngoan của loài nai! Nếu nó học được chỉ một phần mười sáu ở nơi em thôi thì nó sẽ đầy đủ bản lãnh đi đây, đi đó, tự bảo vệ được mình khỏi những tên thợ săn gian manh, quỷ quyệt!

– Được rồi! Chị hãy về đi và yên tâm đi, em sẽ lo cho cháu học hành một cách chu đáo.

Thế rồi, từng buổi chiều, từng buổi chiều, đúng thời, đúng khắc như vậy, ra tại bãi cỏ như vậy, nai chúa dạy bảo ra sao được nai tơ tuân thủ một cách nghiêm túc, không bao giờ tỏ ra lơ là, chểnh mảng giờ giấc cũng như sự học hành.

Bài học đầu tiên: Cháu hãy nằm một bên hông, không vùng vẫy, chân duỗi ra một cách tự nhiên… giả vờ như chết rồi, dẫu xung quanh xảy ra chuyện gì cũng không được mở mắt, không được thay đổi oai nghi!

Nai tơ tuân lời làm theo. Bài học đạt điểm xuất sắc, vì nai chúa đã tìm cách cho một số nai khác khua động ầm ĩ ở xung quanh, nhưng nai tơ vẫn nằm yên lặng, không mở mắt, không có một dấu hiệu của sự sống.

Bài học thứ hai: Lấy móng chân cào đất ngay tại chỗ rồi tìm cách hất những bụi cỏ rơi vãi lung tung, làm sao trông giống như sự tuyệt vọng, sự vùng vẫy đuối sức trước khi chết!

Bài học này cũng đạt điểm tốt nhưng chưa xuất sắc do một vài đám cỏ cào xới trông không được tự nhiên, nai chúa phải chỉnh lại một đôi chỗ.

Bài học thứ ba: Tập đại tiện, tiểu tiện…

Nai tơ ngạc nhiên:

– Làm sao khi không lại có thể đi đại tiện, tiểu tiện được, thưa chú?

– Không biết! Phải tập! Tập sao mà khi cần thì phải đại tiện tiểu tiện được mới hay!

Thế là suốt một tuần lễ, nai tơ mới học được bài học khó khăn này.

Bài học thứ tư: Tập nín thở càng lâu càng tốt, nhưng phải biết giữ hơi bên trong, làm sao cho bụng trương phình lên.

Bài học này cũng khó nên ba hôm sau, nai tơ mới làm được.

Bài học thứ năm: Tập thở chỉ một lỗ mũi phải, rất nhẹ, sau đó tập thở với chỉ một lỗ mũi trái, rất nhẹ; trợn mắt và le lưỡi, sau đó làm sao căng toàn thân cứng đờ ra như một xác chết.

Bài học này rất khó nhưng sau một tuần lễ, nai tơ thực tập được.

Thế rồi, hôm bế mạc lớp học, nai chúa còn ân cần dạy bảo thêm:

– Đừng đi đến những nơi có loài người, có vườn tược, ruộng đồng của loài người vì đấy không phải là nơi an toàn cho loài nai. Nên tránh xa chỗ loài người thường hay lui tới; luôn cẩn thận quan sát trước mặt, bên phải, bên trái; để ý cái gì có móc, có vòng, những thanh tre, thanh gỗ có vẻ bất thường, thiếu tự nhiên vì đấy có thể là bẫy sập của thợ săn. Nhưng nếu lỡ bị sập bẫy, phải bình tĩnh, đừng có sợ hãi, rồi thực tập những bài học giả chết như đã học, tên thợ săn ngu ngốc tưởng là nai chết thật rồi, cởi dây trói hoặc tháo vòng sắt ra, thế là con phóng vọt đi, thoát nạn.

Nai tơ rất chịu khó nghe lời rồi thực tập tới lui rất chăm chỉ, rất thuần thục.

Hôm kia, nai tơ vô ý bị bẫy sập, nó thảng thốt kêu lên, đàn nai bỏ chạy về báo lại cho mẹ nó. Bà mẹ đến nai chúa và hỏi:

– Không biết cháu nó đã học được sự khôn ngoan của loài nai thông thạo chưa?

Nai chúa nói:

– Chị yên trí. Em dạy một, nó học được hai. Sẽ không có điềm dữ đâu. Chị cứ đợi và mỉm cười, chưa tới trưa mai, cháu sẽ trở về ngay thôi!

Rồi nai chúa đọc lên một bài kệ:

“- Nai duỗi chân, tập nằm
Biết cào đất tám móng
Biết vấy cỏ lên mình
Biết đại tiện, tiểu tiện
Sình hôi và dơ dáy
Lỗ mũi trái thở nhẹ
Lỗ mũi phải thở nhẹ
Với thân thể cứng đơ
Trợn mắt và le lưỡi
Kiến ruồi đến bu quanh
Đúng xác chết thật rồi
Vậy là nai thoát nạn!”

Và đúng như nai chúa nói. Khi bị sập bẫy, nai áp dụng thực tập những điều đã học. Sáng hôm sau, tên thợ săn đi đến thấy một xác chết hôi hám, bụng phình trương, cứng đờ, kiến ruồi bu quanh, mấy con quạ lượn lờ kêu quang quác; ông lấy tay vỗ bụng nó, nói rằng: ‘Mới dính bẫy đó mà sao mày lại sình thối rồi? Vậy thì tao sẽ nướng thịt ngay tại đây rồi mang về nhà!’ Người thợ săn mở dây, gỡ kẹp cho nai. Xong, ông bắt đầu đi kiếm cây khô, cành khô để chuẩn bị nướng nai. Trong lúc đó thì nai tơ trỗi dậy, đứng vững vàng bốn chân, vươn cổ rồi như một đám mây vàng bị gió lớn thổi tan, nó phóng rất nhanh, qua rừng, về với bầy đàn, thoát nạn!”

Kể chuyện xong, đức Phật nói:

– Nai chúa chính là Như Lai đấy, và nai tơ chính là Rāhula bây giờ. Thuở xưa nó cũng ham học lắm, ham học đã trở thành cái tánh tốt của nó.

Vậy chư tỳ-khưu hãy cố gắng huân tập những tánh tốt, nếu chưa đạt đạo quả thì cũng tích lũy được rất nhiều lợi lạc an vui trong các cõi trời và người.

Năm ấy là sau mùa an cư thứ mười một của đức Phật, thấy thời tiết đang còn mát mẻ mà công viêc tăng ni hai viện đã có chư vị trưởng lão chăm sóc vững vàng nên ngài lại ôm bát lên đường. Ngài cũng khuyên các bậc thánh vô lậu có thắng trí nên phân bố đi các nơi, nhất là những tu viện lớn tại Kosambī, Vesāli, Rājagaha…

Thế rồi, đức Phật đã cùng một nhóm hội chúng chừng năm trăm vị, trong đó có Ānanda, Nanda, Rāhula cùng thị giả Nāgita chậm rãi rời Sāvatthi. Dịp này, đức Phật cố ý chăm sóc, giáo giới thêm cho tỳ-khưu Nanda và sa-di Rāhula.

Trên đường, đức Phật quan sát tỳ-khưu Nanda thấy ông hoàng này đã toát ra sự trang nghiêm, lặng lẽ và tự chủ trong những oai nghi, trong khi đi trì bình khất thực, khi dưới cội cây hoặc khi ngủ nghỉ; chứng tỏ đã an trú được trong hiện tại nên gặp khi phải thời, ngài nói:

– An trú trong hiện tại thì được rồi! Nhưng hiện tại ấy là cái gì vậy, này Nanda?

– Là trong từng hơi thở, bạch đức Thế Tôn!

– Trong từng hơi thở thì được rồi! Nhưng chỉ thuần là hơi thở mà thôi sao?

Thấy tỳ-khưu Nanda có vẻ suy nghĩ, đức Phật biết là cần phải giải thích rõ hơn nên ngài nói tiếp:

– Hãy tư tác điều này như là kim chỉ nam của định và tuệ, này Nanda! Nếu thuần là hơi thở thì có khuynh hướng lắng dứt, tịnh chỉ. Nếu vừa hơi thở vừa mắt thấy sắc, vừa tai nghe âm thanh… thì có khuynh hướng quán chiếu, minh sát, này Nanda!

– Tâu vâng! Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử cũng biết vậy nhưng mà chưa minh giải rõ ràng được! Ví như không chỉ mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh… mà còn cả những cảm thọ, những tưởng tri, những tâm hành và những nhận thức nữa.

– Đúng vậy! Nhưng mà rồi, sau đó, ra sao nữa, này Nanda?

– Thưa! Bao giờ biết rõ, thấy rõ được thực tánh, như tánh, không tánh của tất cả chúng, tất cả pháp.

– Đúng vậy! Thật là chính xác! Nhưng thực tánh, như tánh, không tánh ấy là cái gì vậy, này Nanda?

– Là bản chất như thực vô thường, bản chất như thực dukkha, bản chất như thực vô ngã của tất thảy pháp, bạch đức Tôn Sư!

– Ồ! Ông đã lập ngôn rất đúng. Tuy nhiên, cái lập ngôn rất đúng ấy chỉ mới là cái vỏ cây, cái da cây chứ chưa phải là cái tinh lõi. Hãy rời bóng mới thấy hình. Hãy lìa ngón tay mới thấy mặt trăng, này Nanda!

Tỳ-khưu Nanda rúng động cả châu thân.

Sau đó mấy hôm, đức Phật thấy tỳ-khưu Nanda miên mật công phu hành trì, ngồi thiền suốt đêm, kinh hành suốt đêm với khuôn mặt tỏa sáng lạc hỷ. Đức Phật biết rõ ông ta đã đi thêm được một bước nữa trên lộ trình thánh quả.

Sa-di Rāhula đã mười sáu tuổi rồi, đã tỏ ra sự chín chắn, chững chạc hiếm có. Suốt chín năm qua, đức Phật chỉ chính thức giáo giới mấy lần, nhưng ngài biết rõ là hai vị đại đệ tử Sāriputta và Mahā Moggallāna đã thay phiên nhau chăm sóc chú sa-di này rất chu đáo. Hôm dừng chân tại đại viên Nigrodhārāma tại Kapilavatthu, thấy Rāhula cứ chăm chú nhìn ngài mãi, đức Phật hỏi:

– Gì vậy, Rāhula?

– Đệ tử sực nhớ lời đức Thế Tôn khiển trách mấy năm về trước.

– Ồ! Có phải là “sắc” không? Đức Phật mỉm cười, nói tiếp – Cái “sắc” của Như Lai không còn như thuở trước nữa có phải thế không? Năm nay

Như Lai đã bốn mươi sáu tuổi rồi!

Sa-di Rāhula mỉm cười, tự tin:

– Không! Cái “sắc” của đức Thế Tôn còn đẹp hơn cả lúc xưa nữa. Cái độ tuổi này của đức Thế Tôn, dường như cái gì cũng đang toàn mãn! Tuy nhiên, trong tâm tư đệ tử hiện giờ không đơn giản nghĩ về sắc ấy, nó là cả một trời liên tưởng khá lộn xộn! Là vậy mà không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật cảm giác rất thú vị, vì qua đôi mắt, cách nói, ý tưởng, chứng tỏ Rāhula đã trưởng thành thật rồi! Trưởng thành về mọi phương diện nên ngài lựa tìm một bóng cây rồi ngồi xuống.

Và rồi sa-di Rāhula đã đến quỳ gần một bên, cất giọng điềm đạm:

– Năm ấy, sau khi tôn giả Sāriputta đi cùng với đức Thế Tôn từ xứ Kuru về, tôn giả đã nhiệt tình suốt ba buổi giảng về pháp quán niệm hơi thở cho đại chúng tăng ni rất kỹ càng. Đệ tử có thính pháp, có nghe và cũng đã thực hành không dám xao lãng. Nhưng mấy hôm sau, đi khất thực sau lưng đức Thế Tôn, đệ tử chiêm ngưỡng Thế Tôn rồi ý nghĩ sau đây phát sanh: “Cha ta, đức Thế Tôn, có mỹ tướng cao sang, có phong độ oai nghiêm đáng quý trọng xiết bao! Coi kìa! Dáng dấp của ngài như thớt tượng chúa uy nghi, đĩnh đạc. Cha ta, đức Thế Tôn, từ thần mặt trời xuất sanh, dòng dõi sư tử, quý tộc, vương giả đã phủi chân cung vàng điện ngọc mà ra đi! Ôi! Cha ta, đức Thế Tôn, có dung sắc mỹ diệu, đẹp đẽ, thế gian này không ai sánh được!” Nghĩ thế xong, nhìn ngắm lại mình, đệ tử chợt khởi sanh tự tôn, tự mãn, hãnh diện vô cùng: “Ta cũng đẹp đẽ, cũng quý tướng, cũng cao sang như đức Thế Tôn vậy”. Như đọc được tư tưởng của đệ tử, đức Thế Tôn đã la rầy như sau: “Hãy chiêm nghiệm và quán sát ‘sắc’ ấy, này Rāhula! Không những ‘sắc’ của Như Lai mà tất thảy sắc, sắc trong, sắc ngoài, sắc thô, sắc tế, sắc gần, sắc xa, sắc hiện tại, sắc quá khứ, sắc vị lai; tất cả chúng đều bị định luật vô thường, biến đổi, lụi tàn, chúng không vĩnh viễn yên trụ như vậy đâu, dù một chớp mắt, một sát-na!”

Thấy Rāhula yên lặng. Đức Phật hỏi tiếp:

– Thế khi Như Lai dạy bảo như vậy xong, chuyện gì xảy ra?

– Thưa! Đệ tử rất lúng túng. Tâm trạng của đệ tử lúc ấy rất phức tạp. Vừa hổ thẹn vừa phân vân. Hổ thẹn vì tư tưởng thầm kín đã bị đức Thế Tôn bắt gặp tại trận. Phân vân là vì đệ tử đang “quán niệm hơi thở” mà đức Thế Tôn thì lại dạy “minh quán sắc”. Tuy nhiên, đệ tử nghĩ: “Ai có thể, hôm nay, được đức Đạo Sư trực tiếp chỉ dạy lại có thể nghĩ đến chuyện ăn, chuyện uống, chuyện khất thực trì bình để lo cho cái thân một cách phàm tục như thế?” Thế rồi, đệ tử tự động rút về Jetavana, lựa tìm một cội cây, ngồi kiết già và yên lặng quán minh sát xem thử “cái sắc” ấy nó ra sao! Được một lúc thì tôn giả Sāriputta đi qua, ngài dừng lại, nhìn ngắm đệ tử rồi nói: “Giỏi lắm, này Rāhula! Pháp quán niệm hơi thở có thể lắng dứt tất thảy lao xao, phiền não; nó còn đem đến hiện tại lạc trú rất dễ dàng! Hãy cố gắng đi nhé! Ta sẽ đi trì bình, rồi con cũng sẽ có một phần, một bát!” Nghe vậy, đệ tử không dám nói gì nhưng trong lòng, vốn đã phân vân, lại thêm một tầng phân vân nữa!

– Ừ! Hãy kể tiếp, Như Lai đang nghe đây!

– Cuối cùng, đệ tử cảm giác quán niệm hơi thở thích hợp hơn, dễ an trú hơn, dễ đi sâu hơn nên mấy năm nay đệ tử thường tới lui các định, có hỷ trú, có lạc trú. Còn quán sắc quá phức tạp, đệ tử chỉ thấy được sắc thô, không thấy được sắc tế nên minh sát ít tiến bộ, bạch đức Tôn Sư!

– Rồi sau đó, ra sao nữa, này Rāhula?

– Chư tôn túc trưởng lão, vị nào cũng bận rộn bởi hằng trăm học chúng, hằng ngàn học chúng cả tăng ni và hai hàng cận sự nên đệ tử không dám hỏi ai. Cứ thầm lặng tu tập, lắng nghe, học hỏi. Đệ tử cũng phải để mất khá nhiều thì giờ cho những việc nhăng nhít, lặt vặt, loanh quanh…

– Không nhăng nhít, không lặt vặt, không loanh quanh đâu! Đức Phật mỉm cười – Việc quét tước dọn dẹp đại giảng đường, sân vườn, liêu thất, lối đi; sắp đặt vật dụng các phòng ốc, bệnh xá, phòng tiêu, phòng tắm, những lu nước, chỗ thức ăn tàn thực cho kẻ đói nghèo… đều là những công việc nặng nề đấy! Tuy nhiên, nhờ lao tác, nhờ công việc tay chân ấy mà trầm tĩnh, điềm đạm, nhẫn nại, vị tha, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả… cũng từ đấy mà vững vàng, thêm sức mạnh, có phải như vậy không Rāhula?

– Thưa vâng! Đúng là vậy! Nhưng tu viện nhờ có sẵn cả hằng trăm vị tỳ-khưu trẻ cùng chúng sa-di nữa, bạch đức Thế Tôn!

– Ừ, Như Lai biết, và nhiều vị trưởng lão cũng hằng khen ngợi những người siêng năng chấp tác công việc phục vụ. Vậy khi làm việc thì nên niệm hơi thở hay nên quán sắc, này Rāhula!

– Tôn giả Sāriputta dạy là không cần niệm, không cần quán cái gì cả, việc nào làm ra việc nấy, phải biết chú tâm, phải biết quan sát từng lúc, từng khi, kể cả từng máy động duyên khởi rất nhỏ nhiệm, vi tế!

– Ồ, hay lắm! Chính xác là vậy! Không cần niệm, quán gì cả. Cái xẻng là đề mục, cái chổi là đề mục, hốt rác là đề mục, cánh tay đưa ra là đề mục, cái chân bước đi là đề mục, gánh nước là đề mục, bửa củi là đề mục… có phải vậy không, Rāhula?

– Đúng là tôn giả Sāriputta đã dạy như vậy, cụ thể là như vậy để giáo giới cả hằng trăm ông sư không chịu nhích cái tay, nhích cái chân, lúc nào cũng viện cớ tôi ngồi thiền, tôi bận ngồi thiền…

Tôn giả Ānanda, Nanda ngồi bên, đồng cất tiếng cười xòa. Đức Phật cũng mỉm cười nhưng ngài còn ân cần hỏi tiếp:

– Vậy thì cái “sắc” từ đầu câu chuyện này là thế nào, hở Rāhula?

– Sau đoạn đối thoại giữa đức Thế Tôn và tôn giả Nanda nói về hơi thở định, nói về hơi thở tuệ rồi sang chỗ… không những sắc mà những cảm thọ, những tưởng tri, những tâm hành, những thức tri cũng phải cần minh sát như thực tướng, đệ tử sực nhớ lại chuyện xưa, nhìn lại “sắc” của đức Thế Tôn, đệ tử muốn phát biểu một câu nhưng còn sợ sợ, còn ngại ngại…
Tôn giả Ānanda khuyến khích:

– Cứ nói đi, Rāhula! Cứ như thực tri mà nói!

– Đúng như thế đó! Tương tợ như thế đó! Chính đệ tử muốn nói là sắc của đức Thế Tôn năm ba lăm, ba sáu tuổi là như thực tướng thì sắc của đức Thế Tôn bốn sáu, bốn bảy tuổi cũng như thực tướng. Và sau này, thân thể đức Thế Tôn có già lão, thì sắc ấy, sắc già lão ấy cũng phải được nhìn ngắm như thực tướng.

Vì chưa phải là những bậc lậu tận nên lời phát biểu này của Rāhula làm cho cả Ānanda, Nanda đều im lặng, không dám nhận xét.

Đức Phật gật đầu:

– Rāhula nói đúng đấy! Mọi sắc, mọi thọ, mọi tưởng, mọi hành, mọi thức… nếu được nhìn ngắm như thực khi chúng đang-là-duyên-khởi, khi chúng đang-là-vận-hành, khi chúng đang-là-tương-duyên, khi chúng đang-là-tương-quan, khi chúng đang-là-tương-hệ thì chúng đều là như thực tướng, như thực tánh hết. Pháp bất tử là ở đấy mà vô sanh, Niết-bàn cũng ở đấy! Cứ hãy như vậy mà y chỉ, thọ trì!

Lời giáo giới tối hậu này không dễ gì các vị đang có mặt “như thực liễu tri” được!

Thời gian trôi qua…

Hôm nọ, tại tịnh xá Kỳ Viên vào mùa an cư thứ mười bốn, tôn giả Sāriputta đến gặp đức Phật, trình bày là sa-di Rāhula nếu tính từ trong bụng mẹ thì năm nay đã hai mươi tuổi rồi.

– Vậy ông thấy trình độ tâm của Rāhula đã thật sự vững chãi chưa?

– Giới hạnh rất tốt, lại khiêm cung và lễ độ nữa, bạch đức Tôn Sư.

– Thế trình độ trí đã sẵn sàng để tiếp nhận những pháp cao hơn không?

– Cũng đã rất sẵn sàng, bạch đức Tôn Sư.

– Vậy thì ông hãy làm những gì mà ông thấy là hợp thời và đúng lúc.
Thế rồi, sau đó, tôn giả Sāriputta làm thầy tế độ (upajjhāya), tôn giả Mahā-Moggallāna làm thầy đọc tuyên ngôn (ācariya) cùng một số vị trưởng lão cho sa-di Rāhula thọ đại giới, dẫn đến đảnh lễ đức Phật rồi ngồi một nơi phải lẽ.

– Đây là tân tỳ-khưu Rāhula – Tôn giả Sāriputta nói – bạch đức Thế Tôn!
Đức Phật nhìn ngắm tăng tướng, phẩm mạo sáng đẹp, uy nghi của Rāhula, ngài hỏi:

– Mấy ngày hôm nay, tại giảng đường chùa Kỳ Viên, nhị vị đại đệ tử đã thay nhau thuyết những bài pháp về “Mười loại cỏ”, về “Mười một pháp của người chăn bò khéo giỏi” và “Khúc gỗ trôi sông”, con có chăm chú lắng nghe và có khéo tư duy về những ngữ nghĩa, ẩn dụ trong mấy thời pháp ấy không, Rāhula?

– Đệ tử nắm bắt khá tốt, bạch đức Thế Tôn.

– Thế con tâm đắc nhất trong ba thời pháp ấy là gì? Cái cô đọng, cái tinh tủy, cái còn lại trong con là cái gì, nói thử xem nào, Rāhula?

– Đệ tử tâm đắc nhất câu nói dõng mãnh, đầy tự tin của chú chăn bò Nanda là: “Con sẽ không bị tấp vào bờ này, sẽ không bị tấp vào bờ kia, sẽ không bị chìm giữa dòng, sẽ không bị mắc cạn trên cồn đất nổi, sẽ không bị người đời nhặt lấy, sẽ không bị phi nhân nhặt lấy, sẽ không bị lọt vào vùng nước xoáy, sẽ không bị mục nát bên trong” bạch đức Thế Tôn!

– Và khúc gỗ ấy, chắc chắn sẽ thuận dòng trôi về biển lớn chứ, Rāhula?

– Chắc chắn như vậy, bạch đức Thế Tôn.

– Vậy thì con có thể giải thích toàn bộ một cách ngắn gọn được không, này Rāhula?

Rồi sau khi tân tỳ-khưu Rāhula tóm tắt rất rõ ràng, mạch lạc bài kinh được hỏi, đức Phật gật đầu:

– Tốt, được rồi! Vậy thì ngày mai, con hãy cùng đi trì bình khất thực với Như Lai.
Cuối nửa canh ba hôm sau, đức Thế Tôn khởi lên tư niệm: “Tâm và trí của Rāhula đã thuần thục, đã sẵn sàng, vậy ta hãy trao cho nó cái gia tài mà thuở xưa nó đã xin ở nơi ta!”

Và rồi, sau khi đức Phật và vị tân tỳ-khưu thong dong đi trì bình vừa đủ dùng, ngài dẫn Rāhula đi thẳng vào rừng Andhavana.

Trong lúc đó, chư thiên tại tịnh xá Kỳ Viên và khắp vùng, xôn xao bàn tán: “Hôm nay, tại khu rừng Andhavana, đức Chánh Đẳng Giác sẽ trao cho con trai của mình kho tàng vô giá. Hãy cùng nhau đến nghe xem để cùng hoan hỷ và cùng lợi lạc”.

Tại một cội cây mát mẻ, sau khi độ thực, uống nước, rửa tay xong, đức Phật chợt hỏi Rāhula:

– Sáu căn dính mắc là tấp vào bờ này, sáu trần dính mắc là tấp vào bờ kia; hôm qua con đã tóm tắt như vậy là tạm đủ. Tuy nhiên, có thể tóm tắt gọn hơn thế nữa, được không, Rāhula?

– Có thể được, bạch đức Thế Tôn!

– Thế nào?

– Sáu giác quan mắt tai mũi lưỡi thân và ý, sáu đối tượng của sáu giác quan ấy là hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và pháp (ngũ trần tồn đọng trong tâm); theo đó, chúng sẽ phát sanh sáu cái biết là thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm và ý thức; vậy là chúng luôn luôn duyên sanh, luôn luôn thay đổi, rỗng không, không có tự tính, không có cái gì ở đó là tôi, là của tôi cả, bạch đức Thế Tôn!

– Ừ, đúng vậy! Đức Phật gật đầu – tức là mười tám giới căn trần thức ấy luôn luôn vô thường, vô ngã có phải con muốn nói như vậy không?

– Vâng, bạch đức Thế Tôn!

– Một hạt cát cũng vô thường, vô ngã, một cọng cỏ cũng vô thường vô ngã, một hạt sương cũng vô thường vô ngã. Cho chí mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi Tu Di cũng vô thường, vô ngã. Vậy vô thường, vô ngã ấy là định luật tự nhiên của trời đất! Nếu nó mà không vô thường, không vô ngã thì thiên hà vạn tượng không tồn tại, này Rāhula! Con có thấy như thế không?

– Đệ tử có thấy, nhưng vô thường, vô ngã của ngoại giới, của vạn hữu như đức Thế Tôn vừa nói, chúng không đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não (dukkha), bạch đức Tôn Sư!

– Thế vô thường, vô ngã nào mới đưa đến toàn bộ dukkha ấy, này Rāhula?

– Chính chấp thủ mắt tai mũi lưỡi thân ý ấy là ta (ngã) và của ta (ngã sở); chính chấp thủ sắc thanh hương vị xúc ấy là ta và của ta; chính chấp thủ cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái sờ, cái suy nghĩ ấy là ta và của ta mới đưa đến các trạng thái tâm lý, đổi thay liên tục các trạng thái tâm lý, kết dệt nên một cái ngã không thực có: Là tôi thích, tôi không thích, tôi thương, tôi yêu, tôi buồn, tôi oán, tôi giận, tôi nóng nảy, tôi khoan khoái, tôi đam mê, tôi chán chường mới chính thực sự là dukkha, là núi lớn dukkha, là biển cả dukkha trên trần gian này, bạch đức Thế Tôn!

– Đúng vậy! Hãy tóm tắt điều con vừa nói thử nào, Rāhula?

– Là thân thể, là các cảm thọ, là những tưởng tri, là các trạng thái tâm lý, kể cả tâm ý thức; cái ngũ uẩn ấy là vô thường, vô ngã, là không phải ta, không phải của ta! Ai thấy rõ như vậy, minh tri như vậy, liễu tri như vậy, thấy như thực thấy như vậy thì kẻ ấy thoát ly tất thảy mọi dukkha, bạch đức Thế Tôn!

– Có thể nói cách khác không, này Rāhula?

– Có thể được! Ai chấp thường, chấp ngã là bị dukkha chi phối; ai thấy rõ vô thường, vô ngã thì có trong tay chìa khóa mở được cánh cửa giải thoát, Niết-bàn, bạch đức Thế Tôn!
Thấy Rāhula nắm chắc giáo pháp, biết rõ, thấy rõ giáo pháp một cách quán triệt, thông tuệ. Nó đã đi từ da, qua thịt, đến xương, gặp tủy rồi – nên đức Phật thử đặt một câu khó:

– Vậy thì ý niệm cuối cùng mà con vừa diễn đạt, cái chìa khóa mở cửa Niết-bàn ấy, nó nằm ở đâu, này Rāhula?

– Nói là chìa khóa cho có hình tượng, chứ thật ra không có chìa khóa ấy. Nó chính là “lưỡi kiếm của tuệ hành xả”, nó chặt đứt luôn ý niệm giải thoát cuối cùng, vì nó không phải là ta, không phải là của ta, chẳng phải tự ngã của ta, bạch đức Thế Tôn!
Đức Phật biết rõ đóa hoa giác ngộ trong lòng của Rāhula, trải qua thời gian, nắng mưa sẽ sắp sửa mãn khai nên ngài tiếp thêm một chút duyên, một tia nắng ấm của giáo pháp nữa:

“- Do biết vậy, thấy vậy nên các vị đa văn thánh đệ tử của Như Lai đã yểm ly tất thảy, xả ly tất thảy, không còn chấp thủ, dính mắc bên trong, không còn chấp thủ dính mắc bên ngoài. Nhờ xả ly, nhờ ly tham, vị ấy lìa tất thảy mọi nội ngoại triền, hữu kiết sử nên được giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết mình đã giải thoát: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, mọi việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui các trạng thái tâm trầm luân, hệ lụy, hệ phược đời này nữa.

Này Rāhula! Đấy là gia tài trân bảo mà Như Lai không chỉ trao cho con, mà còn trao cho tất thảy những ai cần cầu tu tập trên cuộc đời này, là rốt ráo phạm hạnh, là viên mãn sang bờ kia vậy!”

Đức Thế Tôn kết luận tối hậu như thế, tân tỳ-khưu Rāhula, ngay sát-na ấy, giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ. Quả vị A-la-hán tối thượng tôn đã đến với con trai đức Phật. Toàn bích và viên dung.

Và đối với hàng ngàn chư thiên hôm ấy, có nhiều vị được sáng mắt, có nhiều vị pháp lạc phát sanh, có nhiều vị khởi lên pháp nhãn ly trần, vô cấu để bước vào dòng thánh, thọ hưởng an vui nhiều đời, không còn rớt xuống những cảnh giới đau khổ nữa.

Sau khi thọ tỳ-khưu và đắc quả A-la-hán, Rāhula có tháp tùng tôn giả Devadatta, trưởng lão ni Gotamī và mẹ là Yasodharā về thăm ông ngoại là đức vua Suppabuddha tại Devadaha, nước Koliya. Mặc dầu biết ông ngoại phỉ báng đức Phật, ngáng đường đức Phật là tội báo rất nặng nhưng không ai có thể ngăn cản, khuyên lơn được. Cái quả đất rút địa ngục của đức vua Suppabuddha đã thấy rõ nhưng ai cũng đành bó tay.
Đức Phật nấn ná ở Kapilavatthu do có nhiều duyên sự phải giải quyết, nên hết mùa xuân mới cùng đại chúng trở về Kỳ Viên trong tiết trời đã bắt đầu nắng nóng. Tránh con đường xa lộ thương mãi, đức Phật và đại chúng đi theo những lối mòn trong các thôn làng, các sườn đồi và sơn lộ có nhiều cây xanh bóng mát.

Trên lộ trình này, đức Phật và đại chúng có nhiều chỗ phải dừng chân để nghỉ ngơi hoặc tá túc qua đêm. Và vào những lúc như vậy, thỉnh thoảng đức Phật cảm hứng thốt lên một vài câu nói nào đó nhưng không giải thích làm cho đại chúng rất thú vị, mà đồng thời cũng phải mệt mề đăm chiêu suy nghĩ.

Ví như có lần, đức Phật nói:

– Chà! “Nhờ vô thường” nên lá vàng lá lại xanh; “nhờ vô thường” nên hoa tàn rồi hoa lại nở. “Nhờ vô thường” nên hết tiết đông lạnh giá lại sang tiết xuân ấm áp, dễ chịu…

Đức Phật bỏ lửng câu nói rồi bước đi.

Chư tỳ-khưu phàm tăng ở phía sau không ngớt bàn tán với nhau:

– Này, sao trước đây, đức Đạo Sư và chư vị trưởng lão thuyết giảng: Vô thường là khổ?

– Ai mà biết!

– Cái định luật nó vậy!

– Thì… thì lá vàng, lá xanh nó đâu có tri giác mà than khổ?!

Rồi họ lại tranh luận với nhau nhưng mà không đi đến đâu cả.

Lần khác, đức Phật lại nói trống không:

– Chà! Cái dòng suối này “chẳng có tác ý, chẳng có tư tác” gì mà nó chảy róc rách, róc rách nghe rất vui tai; nó lại còn biết lách bên này, len bên kia qua mấy kẽ đá, qua mấy mô đất… dường như có “thức tánh” đấy nhỉ?

Khi đức Phật đi xa rồi, một số vị tỳ-khưu còn ngồi lại bên suối, suy ngẫm câu nói vừa rồi của đức Phật. Chịu. Họ không giải thích được.

Hôm nọ, dừng chân nơi một khu rừng im mát, thiên hô vạn hát là chim, là tiếng chim… như là một khúc hòa tấu du dương tuyệt vời của bà mẹ thiên nhiên…

Đức Phật lắng nghe một hồi rồi nói:

– Chà! Con chim này “tư tác” hót kiểu này, con chim kia “tư tác” hót kiểu kia. Trăm ngàn cách. Trăm ngàn loại. Nhưng không biết chúng có tranh âm, tranh giọng với nhau chăng? Tự nhiên như thế chăng? Hòa hợp như thế chăng?

Thường thì sau câu nói của đức Phật, các bậc thánh lậu tận mỉm cười còn chư phàm tăng thì nhăn mày. Có một số vị vây quanh tôn giả Moggallāna hoặc Ānanda để mong nghe vài lời kiến giải thông tuệ; nhưng các ngài thường nói:

– Chỉ có đức Đạo Sư mới biết rõ lúc nào là đúng thời, đúng duyên nhất để lý giải những điều ấy.
Một số vị lại đến vây quanh tỳ-khưu Rāhula, vì họ “nghe nói” con trai của đức Phật đã thành tựu cứu cánh phạm hạnh để mong một sự chỉ giáo.
Tôn giả Moggallāna hướng tâm một lát là đã biết sự thật: “Tỳ-khưu Rāhula ‘thọ hành’ đã sắp mãn, đức Phật cốt ý bộ hành về Kỳ Viên để Rāhula nhập diệt trước sự chứng kiến của đại chúng tăng ni cùng hai hàng cư sĩ áo trắng! Những câu nói cảm hứng của đức Phật, nhất là câu đầu tiên, chỉ có bậc thánh lậu tận mới giải thích được. Trong số chư vị phàm tăng ở đây có người khởi nghi tâm là Rāhula chưa đắc quả A-la-hán. Và đây là dịp đức Đạo Sư muốn tuyên dương trí tuệ như thực, vô lậu của Rāhula để phá nghi cho chư vị phàm tăng kia”.

Khi thấy rõ, biết rõ sự thực như vậy nên tôn giả Moggallāna nói với Rāhula:

– Hãy trả lời cho họ nghe đi, Rāhula! Chính đức Tôn Sư muốn để giành vinh hạnh ấy cho ông đấy!

Được sự chuẩn nhận, chấp thuận của vị thầy A-xà-lê khả kính của mình, tỳ-khưu Rāhula mới dám trả lời. Và đoạn đối thoại giữa họ như sau.

Tỳ-khưu Rāhula nói:

– Về câu nói cảm hứng thứ nhất của đức Đạo Sư về lá xanh, lá vàng, hoa tàn, hoa nở… là ngài muốn nói đến cái lý vô thường tự nhiên của trời đất. Nhờ có lý vô thường tự nhiên ấy mà vũ trụ này có thành, có trụ, có hoại, có không; và nhờ có hoại, có không nên mới có thành có trụ! Vậy, nếu không có định luật vô thường tự nhiên này thì một hạt bụi cũng không có mặt, cũng không được thiết lập; và ngọn Sineru hùng vĩ kia cũng không cơ sở để tồn tại! Cho nên, sự vô thường ấy, sự chuyển đổi, thay đổi, dịch hóa ấy nó làm nên vạn hữu, tạo tác nên vạn hữu, chứ không đưa đến dukkha (khổ), thưa chư tôn giả!

– Thế sao đức Thế Tôn giảng về tam pháp ấn vô thường, vô ngã, dukkha (khổ) là định luật của tất thảy pháp?

– Đúng vậy! Nhưng chư tôn giả phải để ý là có hai cái saṅkhāra, hai cái “hành” hai cái “hữu vi”, hai cái tạo tác khác nhau. Cái saṅkhāra, cái “hành” cái “hữu vi”, cái tạo tác của thiên nhiên trời đất là cái tất yếu, cái không thay đổi được; nhờ nó mới có thế gian, thế giới, tinh hà, nhật nguyệt, núi sông, vạn hữu! Cái vô thường, vô ngã ấy không đưa đến dukkha (khổ) thưa chư tôn giả! Chính cái lăng xăng tạo tác, cái saṅkhāra, cái hành, cái hữu vi của tâm niệm, của các trạng thái tâm lý, cụ thể là của thương ghét, buồn vui, tham muốn, giận dữ, đố kỵ, tị hiềm… hằng chục cái thay đổi, chuyển dịch vô thường ở trong tâm niệm mới đưa đến dukkha này! Hãy hiện quán, hãy minh sát cái saṇkhāra, tức là của hành trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức là chư tôn giả sẽ thấy biết như thực như vậy!

Tỳ-khưu Rāhula giảng thế xong, không biết bao nhiêu là lời xuýt xoa bàn tán, khen ngợi, tán dương:

– Chà! Một vị thốt lên – thật là tuyệt vời!

– Cảm ơn “trưởng lão”!

– Thật không có gì rõ ràng như thế nữa!

– Minh nhiên! Như thị!

– Chỉ có bậc thánh lậu tận mới tường minh được như thế!

Rồi họ hỏi tiếp qua câu hỏi thứ hai:

– Thế còn cái dòng suối?

– Không tư tác, nó róc rách?

– Không tác ý nó len lỏi?

– Dường như nó có thức tánh?

Tỳ-khưu Rāhula mỉm cười:

– Xem nào, này chư tôn giả! Đất có chỗ cao, chỗ thấp; nước ở chỗ cao chảy xuống chỗ thấp là cái tự nhiên. Khi chảy xuống, tuôn xuống, do nó va đập vào đá nên có tiếng róc rách, đấy là cái tự nhiên. Cái dòng đang chảy bị một mô đất, một rễ cây, một lèn đá chặn ngang thì nó phải tìm cách len lỏi sang lối khác, đó là cái tự nhiên. Chẳng có tác ý, tư tác, thức tánh gì ở đó cả. Không những là những hiện tượng ấy, mà cho chí chuyện dịch hóa mưa nắng, ngày đêm, nóng lạnh, chuyển đổi bốn mùa; rồi ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông biển, ao hồ, muôn sinh, thảo mộc… đều bị chi phổi bởi những định luật tự nhiên của trời đất cả thảy. Những định luật ấy không có dukkha; chỉ có định luật nhân quả nghiệp báo mới đưa đến dukkha, thưa chư tôn giả! Giáo pháp của đức Tôn Sư xây dựng, kiến lập ở chính chỗ này, ngay tại chỗ này: Thấy rõ dukkha và chấm dứt dukkha ấy!

Chư vị tỳ-khưu xung quanh có vị bủn rủn, bàng hoàng; có vị bần thần suy nghĩ; có vị hỷ lạc phát sanh do thấy được giáo pháp bất tử.

– Vô cùng tri ân “trưởng lão”.

– Chúng tôi đã được vén mở con mắt pháp rồi đó!

Im lặng một lát, tỳ-khưu Rāhula nói tiếp:

– Còn tiếng chim các loại, các giống, thân hình, màu sắc, giọng hót khác nhau là do nghiệp khác nhau. Nếu trăm ngàn thảo mộc khác nhau từ cây, đến lá, từ hoa đến trái là do hạt giống khác nhau thì tiếng chim có sự khác nhau là do nghiệp khác nhau.

– Vậy tiếng chim có tư tác không?

– Có đấy, nhưng tư tác rất nhỏ nhiệm, đôi khi chỉ ở một vài giống chim có thức tánh cao; còn đa phần là do bản năng chi phối, và bản năng chính là quả dị thục do nghiệp tạo từ trước.

– Có loài chim cu ghét nhau tiếng gáy nên chúng thường tìm cách đấu nhau, hót tranh tiếng nhau để tranh giành lãnh thổ, làm oai cô mái!

– Có như vậy đấy!

– Không chỉ làm oai với cô mái mà còn gọi bạn, báo động nguy hiểm, báo động an toàn, báo động có thức ăn… thì sao?

– Có thể do tư tác hiện tiền mà cũng có thể do bản năng! Thất khó biết địch xác điều ấy, khi mình không phải là chim! Và nhất là mình không phải là đức Chánh Đẳng Giác.

Mọi người cười vui, hoan hỷ.

Có vị cắc cớ hỏi:

– Những cái thấy biết vừa rồi của “trưởng lão” do đâu mà có, trong lúc trưởng lão tuổi còn thanh niên, thọ đại giới vừa được một năm?

Tỳ-khưu Rāhula mỉm cười:

– Thưa, một phần do học hỏi, một phần do chiêm nghiệm, một phần do tu tập, một phần dường như có sẵn từ quá khứ, như tự dưng mà biết thế thôi!

Mọi người dường như ai cũng thỏa mãn, hoan hỷ toát ra ngoài mặt.

Tôn giả Moggallāna bước lại, tán thán:

– Đức Thế Tôn đi đã xa rồi! Nếu không ngài cũng phải khen ngợi, tán dương những kiến giải thông tuệ và uyên bác của “giảng sư” Rāhula!

Tỳ-khưu Rāhula cúi đầu:

– Đệ tử không dám!

Chư phàm tăng hôm ấy họ mới thật sự tâm phục, khẩu phục, kính trọng, tôn trọng Rāhula.

Đêm hôm kia, đức Phật trú chân trong một khu rừng thì đột ngột tỳ-khưu Rāhula bước vào, đảnh lễ ngài rồi lặng lẽ quỳ xuống một bên.

Đức Phật ân cần hỏi:

– Có việc gì không, Rāhula?

– Chắc đức Thế Tôn biết rồi, đệ tử muốn xin phép để xả bỏ giả thân này!

Đức Phật im lặng, đưa mắt nhìn Rāhula một hồi lâu rồi nói:

– Ừ, Như Lai biết! Nhưng con nên duy trì thọ hành về đến tịnh xá Kỳ Viên hẵng hay!

– Thưa vâng, đệ tử biết là phải còn trình báo với thầy của con, là tôn giả Sāriputta; ngoài ra, tôn giả Moggallāna, chư vị trưởng lão, trưởng bối như Ānanda, Nanda, trưởng lão ni Gotamī, trưởng lão ni Yasodharā… cũng phải biết sự ra đi đột ngột của đệ tử!

– Không đột ngột đâu, Rāhula! Nhiều người biết lắm! Nhưng, những việc đáng làm trên cuộc đời này con đã làm xong rồi thì nhập diệt sớm hay muộn cũng không phải là vấn đề!

– Thưa vâng!

Về đến Kỳ Viên mấy hôm, tỳ-khưu Rāhula lần lượt đi đảnh lễ tất thảy chư tôn trưởng lão, sang ni viện thăm trưởng lão ni Gotamī và Yasodharā… để xin phép Nhập Diệt trước. Ai ai cũng bùi bùi, sự bùi ngùi của những bậc thánh lậu tận thường thì phàm tăng không thể hiểu được cảm xúc ấy nó ra làm sao!

Với tôn giả Moggallāna, ngài hỏi:

– Con muốn an nghỉ ở đâu vậy, Rāhula?

– Thưa, đệ tử thích ở cung trời Ba Mươi Ba!

Tôn giả gật đầu:

– Được rồi! Ta sẽ lên nói với thiên vương Đế Thích (Sakka) để ông ta nghinh tiếp cho đàng hoàng!

Với trưởng lão ni Gotamī thì bà nói:

– Sao sớm quá vậy, Rāhula?

– Thưa, đức Thế Tôn bảo: Khi mọi bổn phận đã làm xong rồi thì sớm hay muộn gì cũng vậy!

– Ừ, thôi thì thế cũng được! Người thấy rõ lẽ tử sinh, đã ly thoát khỏi tử sinh thì trên cuộc đời này còn gì đáng phải luyến lưu, quyến niệm để phát sanh phiền não nữa!

Với trưởng lão ni Yasodharā thì bà trầm ngâm một hồi rồi mới nói:

– Từ khi ta là một cô thôn nữ mười sáu tuổi cầm tám đóa sen chia cho đạo sĩ Sumedha ba đóa, rồi sau đó cả hai người cùng kết lời nguyền sinh tử dưới chân đức Phật Dīpaṇkāra, tính đến nay trải qua 24 đức Chánh Đẳng Giác; hiện tại mọi ước nguyện thuở xưa giờ đã tựu thành viên mãn. Ta đã thỏa nguyện và nay con cũng đã thỏa nguyện rồi, có phải như vậy không, Rāhula?

– Thưa vâng!

– Vậy thì con cứ đi trước, ta còn một số nhân duyên với hội chúng tỳ-khưu-ni, sẽ đi sau!

Với trưởng lão Nanda thì nước chảy mây trôi, hoa nở hoa tàn thảy đều bình thường; nhưng riêng tôn giả Ānanda thì ngài xúc động, nghẹn ngào không nói được; hồi lâu ngài cảm thán thốt lên:

– Úi trời đất ôi! Một vị tân tỳ-khưu mà khi còn là sa-di, đã được nhiều người tôn kính gọi là “trưởng lão” này, tuổi đang còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh mà lại sớm ra đi như vậy sao?

– Vô thường, vô ngã đều như thực, thưa trưởng lão!

– Biết rồi mà!

Tỳ-khưu Rāhula mỉm cười:

– Nếu cảm nhận cuộc đời qua cảm xúc của con tim sẽ đưa đến phiền não. Hãy minh sát chúng bằng tuệ giác, thưa trưởng lão!

– Biết rồi mà, nói mãi!

Với tôn giả Sāriputta thì tỳ-khưu Rāhula đợi ngài bên vườn, trên lộ trình ngài đi bát về.

– Ðã khá lâu thầy trò ta không gặp nhau, lúc này trông dáng dấp và thần sắc của con dường như có cái gì đó hơi mệt mỏi thì phải?
Tỳ-khưu Rāhula thưa:

– Đúng vậy! Quả đúng hiện giờ đệ tử là như vậy! Nhưng đệ tử thì chưa tìm thấy một nét nào là mệt mỏi ở nơi thầy cả.

– Thân xác này thì có mệt mỏi đấy chứ con!

Tỳ-khưu Rāhula kính cẩn thỉnh bát của tôn giả Sāriputta rồi cùng nhau bước đi.

Khi vào đến tịnh thất, Tỳ-khưu Rāhula quỳ sát đất, đảnh lễ tôn giả Sāriputta ba lần rồi nói:

– Đệ tử còn trẻ, thưa thầy! Thế mà cái thân của đệ tử đã mệt mỏi, đã quá suy kiệt, tuổi thọ của đệ tử cũng đã sắp hết rồi. Xin phép thầy cho con được Nhập Diệt.

Tôn giả Sāriputta im lặng một hồi.

– Con lại muốn ra đi trước ta?

– Thưa, đệ tử tự biết sự đổi khác, biến hoại ở trong cái thân thể tứ đại nầy. Đệ tử đã xin phép đức Thế Tôn cùng chư tôn trưởng lão rồi.

Im lặng.

– Con muốn Nhập Diệt ở đâu?

– Thưa, vì có duyên với cõi trời nên con đã có thưa với tôn giả Moggallāna là con sẽ an nghỉ bất tử ở cõi trời Ba Mươi Ba.

Lại im lặng.

– Ðức Thế Tôn có dạy bảo điều gì không?

– Ðức Ðạo Sư nhìn đệ tử một hồi lâu rồi ngài nói: “Hãy duy trì thọ hành về đến Kỳ Viên rồi đi đảnh lễ các bậc tôn trưởng”.

– Các vị trưởng lão ni tôn đức, con cũng đã chào từ giã rồi chứ?

– Thưa vâng!

– Vậy thì con cứ tùy nghi!

Tỳ-khưu Rāhula chợt quỳ xuống đảnh lễ ôm chân bụi của tôn giả rồi nói:

– Từ ngày bước vô giáo hội cho đến khi thấy được đạo Bất Tử và cả sau này, đệ tử có lỗi lầm nào dầu vô tình hay cố ý, xin thầy hoan hỷ xá tội lỗi ấy cho đệ tử!

– Dĩ nhiên thế rồi! Có lỗi hay không có lỗi đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì chúng đều như gió thoảng, như mây bay, con biết thế mà!

– Thưa vâng!

– Còn gì nữa không con?

– Thưa, còn một việc nữa!

– Vậy thì hãy ngồi lên đây mà nói chuyện – Tôn giả đứng lên, sửa soạn chỗ – Con hãy qua đây, bên cạnh ta đây!

Tỳ-khưu Rāhula từ chối:

– Không, đệ tử không dám ngồi! Đệ tử sẽ đọc cho thầy nghe một bài kệ thơ được cảm hứng tuôn trào sau giây phút chứng ngộ.

Tôn giả cười:

– Hay lắm! Thú vị lắm! Con hãy bắt đầu đi.

Thế rồi, tỳ-khưu Rāhula khi đứng, khi bước tới bước lui và đọc lên bài kệ thơ tâm đắc của mình cho tôn giả Sāriputta nghe.

“- Ôi! Hỡi này là vô lượng, vô biên thế giới!
Hỡi này là trời đất,
Nhật nguyệt, núi sông!
Hỡi này là thiên hà
Tinh đẩu mênh mông!
Các ngươi có nghe chăng?
Có nghe trong mảy mảy vi trần?
Có nghe trong từng giọt nước sông Gaṅgā?
Thời gian và hư vô cuồn cuộn chảy!
Cái gì cũng luôn luôn trở thành
Và chẳng có gì là tồn tại!
Thế mà có một ba-la-mật hiện thân
Thế mà có một xuất thế như chân
Chỉ như là một hạt bụi
Hạt bụi bé mọn diễm phúc ấy là Rāhula
Là sợi dây ràng buộc ái hà!
Được làm con trai
Của đức Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu
Được là dòng dõi chân truyền
Của đấng Thiên Nhân Sư
Xuất thân từ huyết thống anh hùng
Của Thái Dương thần nữ
Người đã bước xuống
Từ đỉnh Himalaya tuyết phủ
Là kẻ đã chiến thắng không ngai
Đã bước qua māyā sương khói dặm dài
Chiến thắng năm loại ma vương, quỷ dữ
Đã anh dũng vung gươm đại tuệ
Chém lìa Khổ Ðau và Sự Chết!
Là bậc Đại A-la-hán Vô Sanh
Và bây giờ
Ngay sát-na này
Con trai của Người cũng vậy
Cũng đã ly thoát biết bao nhiêu cám dỗ
Của tuổi thanh xuân
Với ý chí bất khuất, kiên cường
Như chiếc chày vồ đại lực kim cương
Đập tan si mê ảo vọng
Với ý chí như nuốt sao Ngưu, sao Đẩu
Cất tiếng hống tuyên chiến với vô minh
Đi theo dấu chân Bất Tử của Người,
Của Thầy và của chư tôn trưởng lão
Rāhula cũng xứng đáng được mọi người mến yêu,
Tán dương và tôn trọng
Đáng thương thay chúng sanh
Bị bít bùng trong màng lưới của tham ái
Của si mê và khát vọng!
Như cá nằm trên thớt!
Như thỏ nằm trong rọ!
Rāhula đã quay lưng lại rồi
Không còn nghe tiếng gọi của trần gian,
Của chập chùng căn nhà cái-ta-ngũ-uẩn!
Rāhula đã cắt đứt mọi sợi dây trói buộc
Chẳng còn cái mầm, cái chồi nào
Cho các sợi dây leo và tua uốn
Gốc rễ Tử Sanh đã được bứng tận
Bao nhiêu lửa nóng đã bị vùi tro
Giữa bầu trời muôn xuân mát mẻ
Rāhula ca lên bài ca tự do!
Là bài ca tối thượng tự do!
Sát-na là vĩnh cửu!
Chỉ một lần thiên thu dừng lại!
Chỉ một lần và không bao giờ trở lại!”

Không gian chợt yên lặng như để cho hơi thở của sự sống giác ngộ và giải thoát rì rào tuôn chảy giữa hư vô. Bài kệ thơ chứng ngộ của Rāhula vừa chấm dứt thì giọng nói của tôn giả Moggallāna từ đâu đó vọng lại:

– Hay quá! Bài kệ thơ hay quá! Bài kệ thơ này cần phải được tuyên đọc trước đông đủ học chúng để được lợi lạc lâu dài về sau.

Tôn giả Sāriputta gật đầu:

– Đúng như vậy! Bài kệ thơ này cần phải được tuyên dương rộng rãi.

Không biết từ lúc nào, chư vị tôn giả Kāḷudāyi, Nanda, Bhaddiya, Anuruddha, Bhagu, Ānanda như cùng có mặt và đồng thốt lên:

– Ðúng là một kiệt tác, đúng là một tuyên ngôn bất hủ! Bài kệ thơ này rồi sẽ còn được truyền tụng nhiều ngàn năm sau đấy!

Sau đó, tôn giả Moggallāna bàn với huynh đệ trưởng lão là nên bố cáo rộng rãi ngày giờ Niết-bàn của Rāhula có đức Tôn Sư chứng minh, có đầy đủ đại chúng tăng ni cùng hai hàng cư sĩ áo trắng… Bài kệ thơ này của Rāhula phải được tuyên đọc hôm ấy để cho đại chúng cảm xúc chánh pháp…

Tỳ-khưu Rāhula bản chất khiêm tốn, chỉ muốn lặng lẽ ra đi; nhưng khi đã có quyết định của chư tôn trưởng lão rồi nên ngài không dám xen lời.

Thế rồi, ngày đi, đêm nghỉ, đức Phật và đại chúng về đến chùa Kỳ Viên. Chư tăng ni khắp nơi hay tin kéo đến đảnh lễ và thăm hỏi sức khỏe của ngài. Hai hàng cư sĩ, các gia chủ cũng lũ lượt đến thăm, nghe pháp từ sáng đến chiều.

Đại giảng đường tịnh xá Kỳ Viên hôm ấy trong ngoài chật cứng, ngoài đại chúng tăng ni, cư sĩ, còn có sự tham dự của hai vị đại thí chủ Cấp Cô Độc, bà Visākhā, cả phái đoàn của đức vua Pāsenadi và hoàng hậu Mallikā nữa.

Đức Phật thuyết một bài pháp không dài lắm, nói về sự tu tập các công hạnh ba-la-mật; nó có khác nhau giữa ba loại căn cơ trí tuệ, đức tin và tinh tấn. Và cũng trong thời gian dài đằng đẵng trong vô lượng kiếp luân hồi sinh tử tu tập ba-la-mật ấy, chính ngài và tất cả đại chúng có mặt hôm nay đều có nhân, có duyên với nhau. Cho chí sự liên hệ giữa thầy trò, cha mẹ, vợ chồng, con cái… cũng nằm trong sự duyên hệ ấy.

Rồi đức Thế Tôn kết luận:

– Trong rất nhiều kiếp sống, Rāhula đã từng là con trai của Như Lai, gieo duyên với Như Lai thì nay, kiếp sống cuối cùng, trong giáo hội của Như Lai, Rāhula đã đặt được bàn chân trên mảnh đất bất tử! Ngày hôm nay, biết được thọ hành đã mãn, tỳ-khưu Rāhula, con trai của Như Lai xin an nghỉ Niết-bàn vô dư tại cung trời Đao Lợi. Trước khi ra đi, Rāhula xin phép Như Lai và các vị A-xà-lê, chư tôn trưởng lão để đọc một bài kệ thơ chứng ngộ…

Thế là tỳ-khưu Rāhula bước ra, đảnh lễ đức Phật và chư tôn trưởng lão rất mực cung kính. Sau đó ngài nhìn quanh một vòng, tầm mắt hướng về đại chúng, dừng lại một khắc nơi trưởng lão ni Gotamī và Yasodharā rồi cất giọng sang sảng, trầm hùng, ca lên, hát lên bài kệ thơ chứng ngộ nêu trên…

Đại giảng đường im lặng như tờ. Nhiều trái tim xúc cảm. Nhiều gương mặt hỷ, lạc, ái, mộ, thương, trọng… khác nhau.

 

Bài kệ thơ chấm dứt cũng trong mênh mông yên lặng. Tỳ-khưu Rāhula quỳ xuống đảnh lễ đức Phật và chư vị trưởng lão một lượt nữa, cậu nói:

– Giờ đã đến thời, đệ tử xin được Niết-bàn!

Tôn giả Sāriputta bước ra, cầm tay tỳ-khưu Rāhula đứng dậy. Khi bốn bàn tay vừa từ từ rời nhau thì Rāhula chợt biến mất, vô hình, vô ảnh…

Chư vị thánh lậu tận, có thắng trí thì khuôn mặt an nhiên, trầm lặng; nhưng chư phàm tăng không có thắng trí thì bàng hoàng, ngơ ngác…

Tôn giả Moggallāna chợt nói lớn:

– Một bảo tháp lộng lẫy, trang nghiêm, huy hoàng tại cung trời Ba Mươi Ba, Đế Thích thiên chủ đã chuẩn bị đâu đó cho Rāhula rồi! Rāhula đã tịch tịnh vô dư rồi!

Còn tôn giả Sāriputta thì bây giờ mới tiết lộ cho đại chúng hay rằng, trước thời điểm Nhập Diệt suốt mười hai năm trường, Rāhula luôn nằm đất, nằm cây chứ chưa bao giờ ngủ nghỉ trên giường!

Ôi! Dường như cả đất trời cũng bùi ngùi vì sự ra đi của con trai đức Phật khi vừa hai mươi mốt xuân xanh! Lại còn “mật hạnh” cao thượng chẳng ai biết, ai hay! Đúng là nhân cách của bậc trưởng lão thanh tịnh vậy.

 

(Trích: Trưởng Lão Sa-di)

 

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH