Vọc Nước Giỡn Trăng

19/12/2016 | Chuyên mục: VĂN . 3215 Lượt xem

vocnuoc

“Ni Ni Anata Anata No Koshi ! Không, không, tôi không còn…Tôi không còn yêu anh nữa !…”

Đó là lời Nhật của một nhạc khúc Việt Nam mà tôi tình cờ biết được qua Đặng Lệ Quân, một danh ca vắn số của Đài Loan (sinh năm 1953, mất năm 1995).

Một người quen cũ sau khi đọc mấy bài Tiểu Luận của tôi trên trang nhà Phapluan.net đã gửi Email cho tôi qua Yousendit.com và bảo tôi hãy lắng nghe hai cái File trong đó để xem có chút ấn tượng gì về chúng không. Thiên hạ lại muốn tôi phù phép hai nhạc khúc đó ra một bài học giáo lý. Trời đất, tôi mù tiếng Nhật, âm nhạc lại là vùng cấm. Tôi chợt nhớ đến câu khẩu quyết thứ hai nhặt từ Thánh Kinh là hãy làm trẻ con để về nước Chúa. Tôi lơ đãng ngó lên trần và buông thả thính giác. Rồi thì một ảo giác thật nhẹ…

Một đêm mưa nào đó, tôi tắt hết đèn và kéo màn cửa sổ để ngó ra trời khuya đang tầm tả. Xa xa ngoài kia, là một tí đèn đường vàng vọt. Rồi một mình lắng nghe người ca nữ đó hát nhạc khúc trên bằng tiếng Nhật. Sao lại phải tiếng Nhật ? Xin thưa, với âm hưởng tiếng Việt quen thuộc, ta khó mà gửi lòng ra giữa mưa khuya để mà lưu lạc tại chỗ. Sao lại chẳng tiếng Tàu ? Xin thưa không khéo lại nhớ Tô Châu Dạ Khúc hay Bến Thượng Hải thì ta lại giạt về một bến đỗ Thi Thiết khác. Cái ta cần ở đây là một thể nghiệm cho hành giả trong trò chơi đánh đố giữa tập khí và khả năng giác ngộ. Và với âm thanh xa lạ của Nhật ngữ, trong làn hơi xa vắng cao vút của Đặng Lệ Quân thì ta muốn trôi về đâu cũng tới.

Rồi thì nhạc khúc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn là cuộc chơi tiếp nối, cũng có một cõi riêng bềnh bồng như thế. Trong tiếng Nhật nó thành ra Utsukashi Mukashi (Beautiful Past, Mỹ Tích), dịch sát từng chữ của Diễm Xưa. Để tìm tư liệu viết bài này, tôi đã vào Internet và biết thêm rằng người ca sĩ hát bài này hay nhất là cô Tendo Yoshimi. Cái lạ lùng là người Việt nghe nhạc Việt qua lời Nhật thì tự nhiên dư ra một cảm giác thật độc đáo. Gần như cảm giác uống trà Việt trong một trà thất của Nhật. Và hình như để đạt tới cái Quai Nhai Cảnh Giới của xúc cảm lúc đó thì người nghe nên quên mất ý nghĩa của lời Việt nguyên thủy. Chỉ nghe để mà nghe. Sutam sutamattam bhavissati. Đó là một phần tư bài khẩu quyết mà ngài Bàhiya Dàrucìriya đã học thuộc hai mươi lăm thế kỷ trước để trở thành một bậc thánh, dù rất yểu mệnh. Ngài cứ như một người ghé bến nhân gian để làm xong đạo nghiệp rồi từ đó ra đi chẵng về. Như Kinh Kha rời bỏ sông Dịch ngày sau. Cách ngài khoảng ba thế kỷ.

Tôi đã nghe lời Nhật của hai nhạc khúc trên đây bằng chút dụng tâm của người soi gương. Mặt gương và mặt người là hai thứ khác nhau. Tập chú vào sợi tóc trên má thì sẽ không thấy mặt gương. Chăm chút lau sạch mặt gương thì tạm thời không thấy được mặt mình. Dù hai thứ đó cùng trên một mặt phẳng. Để thấm thía điểm này xin xem thêm trong Patisambhidamagga (Tam Tạng cuốn 31/45, chương Ditthikathà). Ngay trên một đối tượng, ta hoàn toàn có thể ghi nhận nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi cứ muốn gọi đó là tuyệt kỹ khinh công Thủy Thượng Phiêu, đi trên nước mà không chìm vào nước. Đó cũng chính là một kinh nghiệm về phép tu hơi thở. Hành giả có thể nhìn ngắm hơi thở theo cách nào cũng được, miễn là đang lúc Quán thì không chìm trong Chỉ và đang lúc Chỉ thì không rơi vào Quán. Dù khi đã chứng ngộ thì làn ranh giữa hai cảnh giới này chưa bằng một phần tỉ của sợi tóc.

Hãy nghe Đặng Lệ Quân hát Không của Nguyễn Ánh 9 và Tendo Yoshimi hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn để tự trắc nội lực của mình. Hãy thử học cách tìm quên ngay giữa cõi nhớ. Hãy nghe bằng thứ tâm trạng phiêu hốt như sương sớm trên hồ. Bay trên hồ nhưng không tham dự vào mặt nước. Ngay lúc này NÓ chỉ là NÓ. Hãy thấy NÓ đúng như bản chất tự thân của NÓ. Bất cứ thứ gì chung quanh nó, hay trên hay dưới nó dù chỉ với khoảng cách một sợi tóc, cũng đừng lưu tâm. Như đến lúc nào đó, toàn bộ Giới Bổn của tỳ kheo hay tất cả đề mục của hành giả đều gói gọn trong chữ Niệm. Buổi đầu có thể còn nhớ đó là học giới thứ mấy. Lâu dần rồi trọn vẹn tam nghiệp đều được điều động bằng Chánh Niệm. Cái họ giữ được lúc đó thực ra còn nhiều hơn cả mấy trăm học giới. Như một cua-rơ chuyên nghiệp trên đường đua có thể chỉ dán mắt vào con đường phía trước, quên sạch mọi thứ. Nhưng cũng chính nhờ vậy, sau đó anh ta có đủ mọi thứ. Một người bán hàng rong vì phải nhớ nhiều thứ quá, cuối cùng cái thu được chẵng nhiều lắm. Vấn đề lớn trong đời sống đôi lúc không nằm trong những khái niệm nhiều ít lớn nhỏ…

Điều vi diệu thứ hai là đôi lúc trong đời, nhìn không hẳn là thấy và thấy không hẳn là phải từ cái nhìn. Hãy nghe hai ca nữ đó để có thể vượt khỏi biên giới xứ Việt và tìm về một cố đô Nhật Bản cổ kính với những ngọn thạch đăng rêu phong trong một khu vườn lạnh. Ở đó có một rừng trúc xanh tươi bốn mùa và bên kia bờ tường là một tiếng đàn Koto réo rắc xa xôi của một nàng Nghệ Giả (Geisha). Xin đừng lầm cái bản lãnh Thủy Thượng Phiêu ấy với sự tưởng tượng của một anh nhà nghèo ăn cơm với con cá bằng gỗ. Hai thứ đó khác nhau nhiều lắm. Một bên là sự tự ủy trong nổi thèm khát, một bên là khả năng chẻ đôi sợi tóc để bước vào và đứng trên mảnh đất thực tại một cách tự tại.

Đến đây thì hẳn có người sẽ tự hỏi là tôi đang làm cái gì đây. Giới thiệu thanh nhạc thế tục cho một đạo tràng thanh tịnh hay sau một cuộc rong chơi rồi buổi về líu lo vài chuyện vặt làm quà cho kẻ ở nhà quét lá thờ Phật?

 

TOẠI KHANH