Ngã Pháp

03/09/2015 | Chuyên mục: VĂN . 2480 Lượt xem

ngaphapNghe luận bàn về ngã và pháp đã lâu nhưng không thông được, một thiền sinh bèn hỏi Sư:

– Có phải Tiểu Thừa hết ngã chấp nhưng còn pháp chấp, Đại Thừa thì ngã pháp đều không chấp?

Sư nói:

– Mau đi rửa lỗ tai kẻo năm trăm kiếp hóa thành lỗ tai lừa!

Rồi Sư ngâm bài kệ:

Không đúng không sai không đại tiểu

Chẳng hai chẳng một chẳng vơi tăng

Há miệng mắc quai đừng bép xép.

Chuyên cần giác niệm chớ lăng xăng.

 

Lời góp ý:

Khoảng gần 200 năm sau Đức Phật diệt độ (thế kỷ thứ tư trước Dương lịch), một số tông phái tự tách khỏi Phật Giáo Nguyên Thủy để thành lập những học thuyết mới, trong đó có phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sabbatthivàdin) chủ trương ngã không, pháp hữu. Phái Độc Tử Bộ (Vajjiputtaka), Chánh Lương Bộ (Sammitiya), v.v… lại chủ trương có một tự ngã tuyệt đối và hằng hữu và pháp cũng hữu luôn!

Mãi đến thế kỷ thứ nhất sau Dương lịch, Asvaghosha (Mã Minh) và thế kỷ thứ hai Nàgarjuna (Long Thọ) mới bất đầu xiển dương đại Thừa. Từ đó, danh từ đại Thừa, Tiểu Thừa mới xuất hiện. Mật Tông và Tâm Luận Tông ra đời sau đó.

Đến thế kỷ thứ năm, Dương lịch, Asangha (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân) mới cho ra đời Pháp Tướng Tông cùng với Duy Thức Luận.

Đến thế kỷ thứ sáu Dương lịch, Thành Thật Luận (Satya Siddhi Sastra) của Harivarma mới ra đời với chủ trương ngã không pháp không. Thực ra, Harivarma cũng xuất thân từ các phái Tiểu Thừa.

Chính vì sự tranh biện giữa các tông phái Tiểu Thừa và Đại Thừa mà cũng vào thế kỷ thứ sáu, Thiền Tông Trung Hoa ra đời với tuyên ngôn “Bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền”.

Thực ra, trong thời nguyên thủy của Đạo Phật, Đức Phật đã từng dạy Aggi- vacchagotta: “Này Vaccha, nghĩ rằng ngã và pháp là thường, vô thường, hữu biên, vô biên, đồng nhất, dị biệt, có, không, vừa có vừa không, không có không không… đều là tà kiến… liên hệ với khổ… không hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn”.

Và trong kinh Anguttara Nikàya, Đức Phật lại dạy: “Này các tỳ kheo, có hai pháp. Thế nào là hai? Đó là nội tâm thanh tịnh (Sacitta vodàna) và không chấp thủ bất kỳ pháp nào (Sabbe dhammà nàlam abhinivesaya)”.

Sợ chúng sanh vẫn còn mắc kẹt nhị biên, Đức Phật dạy tiếp trong kinh Dhammapàda: “Kẻ nào không còn thấy có bên này bên kia hoặc cả hai, người ấy thoát khỏi khổ ưu (vitaddaram) đoạn lìa ràng buộc (visamyuttam)”.

Vậy tại sao về sau đại Thừa và Tiểu Thừa vẫn mãi mất công hàng ngàn năm tranh biện?

 

(Trích: Vi Tiếu)

 

VIÊN MINH