4 Phút 33 Giây

27/07/2016 | Chuyên mục: VĂN . 2890 Lượt xem

AmThanhCuaSuImLangMột ngày lất phất mưa tháng tám năm 1952, tại thành phố Woodstock ở tiểu bang NewYork có một buổi hòa nhạc giới thiệu những sáng tác của nhạc sĩ, cũng vừa là một học giả về âm nhạc, John Cage. Trong chương trình có ghi một sáng tác mới của ông với tựa là 4’ 33”, bốn phút ba mươi ba giây, sẽ do nhạc sĩ David Tudor độc tấu bằng piano.

Bài nhạc 4’ 33” gồm có ba phần (three movements). Tudor bước lên sân khấu chào khán giả. Ông ngồi xuống bên chiếc piano, lấy chiếc đồng hồ ra điều chỉnh lại và đặt trước mặt. Tudor nhẹ nhàng đóng lại nắp đàn, cẩn trọng nhìn bản nhạc, ngồi yên bất động trong 30 giây. Ông mở nắp phím đàn lên dấu hiệu phần thứ nhất chấm dứt.

Phần thứ hai. Tudor nhẹ nhàng khép lại nắp phím đàn trên chiếc piano. Ông cẩn trọng theo dõi tờ nhạc và ngồi yên không cử động trong 2 phút và 23 giây. Bên ngoài tiếng gió lộng thổi luồn vào những cánh cửa mở rộng ở cuối khán phòng xen lẫn với tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà.

Phần thứ ba. Ông cẩn thận khép lại nắp đàn trên chiếc piano, chăm chú nhìn vào tờ nhạc và ngồi yên trong 1 phút và 40 giây. Thính giả bắt đầu thầm thì nói nhỏ với nhau, có người lộ vẽ khó chịu, có nhiều tiếng sột soạt vang lên trên những hàng ghế ngồi.
Tudor đứng dậy chào khán giả và bước xuống sân khấu. Bài độc tấu piano đã chấm dứt sau 4 phút và 33 giây. Không có một nốt nhạc nào được chơi.

Sau buổi trình diễn ấy, tác phẩm 4’ 33” của ông John Cage đã bị các nhà phê bình âm nhạc chỉ trích khá nặng nề, họ đặt tên cho nó là “Đoản khúc thinh lặng”, the silent piece. Nhưng thật ra bài nhạc ấy không phải để diễn tả sự thinh lặng, mà nội dung của nó là bao gồm hết tất cả những âm thanh nào đang có mặt chung quanh trong lúc bài nhạc được trình diễn. Trong bài 4’ 33” cả tác giả và người nhạc sĩ đều hoàn toàn không có một tác động nào đến bài nhạc. Những âm thanh nào thính giả sẽ lắng nghe khi bài nhạc được trình diễn hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của tác giả.

 

4’ 33” và Zen

Vài năm trước khi qua đời, ông Cage có chia sẻ thêm về bản nhạc này trong một bài phỏng vấn. Ông nói, “Tôi biết là người ta sẽ xem bài nhạc ấy như là một trò đùa, nó không được xem như là một tác phẩm thật sự. Ý định của bài nhạc ấy là mở rộng người nghe ra, tiếp xúc với tất cả những âm thanh nào đang có mặt chung quanh mình, và chấp nhận hết tất cả. Người ta thường có một kinh nghiệm tâm linh là đôi lúc họ cảm thấy rằng không có một cái gì chung quanh mà lại không có liên hệ đến mình. Và đó cũng là kinh nghiệm của sự yên lặng. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn ngờ là nếu có ai thật sự hiểu được bài nhạc ấy…”

Âm nhạc là những âm thanh được sắp đặt theo một giai điệu hòa hợp nào đó. Nhưng ông John Cage cho rằng bất cứ âm thanh nào, dù tự nhiên và bất ngờ, cũng có thể là âm nhạc. Bài 4’ 33” của ông Cage phản ảnh tư tưởng thiền Zen mà ông đã theo học, và trong thời gian nghiên cứu thiền ông cũng đã có dịp tiếp xúc với tiến sỹ D. T. Suzuki, tác giả của Thiền Luận.

Tôi nghĩ bài nhạc 4’ 33” này cũng có thể gợi ý cho chúng ta về sự thực tập trên con đường tu học của mình. Có lẽ sự tu tập của ta cũng có thể được biểu hiện bằng một sự trôi chảy tự nhiên, chấp nhận những bất ngờ, với một ý thức sáng tỏ, mà không cần phải theo một bài bản nhất định nào sẵn có hết.

 

Chánh niệm là sự tự nhiên

Trong sự thực tập chánh niệm, ngài Trungpa Rinpoche, một vị đạo sư Tây tạng, dạy học trò của ông rằng điều quan trọng là đừng nên có một lập trình sẵn có nào trong sự thực tập chánh niệm của mình, not to have a program of awareness. Thay vì là cứ lặp đi lặp lại theo một công thức sẵn có thì ta chỉ cần tiếp xúc trực tiếp ngay với những gì đang xảy ra mà thôi.

Ông nói, khi đối diện với một vấn đề khó khăn nào đó, ta không cần phải nghĩ rằng “Tôi phải giữ chánh niệm!” mà chỉ cần cho phép mình cởi mở và tiếp xúc ngay với những gì đang xảy ra. Ngài Trungpa khuyên học trò của mình rằng, ta không cần nghĩ là mình phải cần có một phương cách hay một kỷ thuật nào đó để giữ chánh niệm, ta hãy cứ mở rộng ra và giữ cho sự trải nghiệm ấy được tự nhiên. Vì nếu như ta thấy rõ được sự việc như-nó-là, bất cứ đó là gì, thì đó cũng chính là chánh niệm.

Và cho dù như ta không chắc sự thực tập của mình có đúng không, việc ấy cũng không sao, miễn là ta ý thức được điều ấy. Những gì xảy ra sẽ chỉ cho ta thấy điều gì mình cần phải tự điều chỉnh lại, nếu như ta thật sự biết lắng nghe. Và nhiều khi nhờ không có cái ta của mình chen vào mà sự việc lại được sáng tỏ hơn.

 

Đối tượng sẽ luôn mới

Bạn biết không, trong cuộc sống muốn làm việc gì thì chắc chắn ta phải cần đến phương pháp và phải có một chương trình rõ ràng. Điều ấy cũng là một việc cần thiết và dĩ nhiên thôi. Nhưng trên con đường tu học, nếu như ta muốn thấy được thực tại như-nó-là, một cái thấy sâu sắc vượt ra ngoài những khái niệm, ta cần phải có một cái nhìn mới.

Cuộc sống trôi chảy tự nhiên với những bất ngờ, vì vậy mà sự tu học của ta khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào được. Những lập trình sẵn có thường chỉ với mục đích để giúp ta giải quyết một vấn đề nhất định và cần thiết nào đó. Nếu ta biết buông xả và quan sát những gì đang xảy ra tự nhiên, chúng sẽ mở rộng ta ra với một thực tại trong sáng và hoàn toàn mới lạ.

Đâu ai biết được! Hôm qua ta có thể đang đối diện với những muộn phiền, khó khăn, nhưng hôm nay tất cả có thể sẽ hoàn toàn đổi mới… Vô thường có nghĩa là sự việc bao giờ cũng sẽ lại mới tinh khôi.

 

Tất cả chỉ thiếu sự lắng nghe của ta

Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận các hoạt động của thân, của những cảm giác, của trạng thái nào đang có mặt trong tâm… tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.

Mà tôi nghĩ, thật ra việc ấy không đòi hỏi một sự dụng công gì nhiều lắm như mình tưởng đâu. Vì khi chú tâm lắng nghe một bản nhạc nào đó thì ta cần một sự cố gắng, chứ như lắng nghe hết tất cả thì thật ra ta chỉ cần buông thả cho tâm mình được tự nhiên và trong sáng mà thôi.

Cái khó có lẽ là làm sao ta có thể tạm buông bỏ được những gì mình đã nghe, đã biết, những kỳ vọng của mình, để trở về được ngay nơi này, để tiếp xúc được với thực tại. Có thể là chỉ trong chừng bốn phút và ba mươi ba giây thôi.

Và tôi hiểu rằng, bây giờ và ở đây đang có đầy đủ hết tất cả, và có lẽ nó chỉ thiếu vắng mỗi sự có mặt của chính mình để lắng nghe mà thôi…

 

Nguyễn Duy Nhiên