Nghệ sĩ và cánh chim trời

07/12/2012 | Chuyên mục: VĂN . 2614 Lượt xem

Thương tặng CM, ĐT

Ngày chủ nhật, khách khứa lên chùa tham quan rất đông. Người nào cũng trầm trồ khen ngợi không tiếc lời về phong cảnh chùa quê núi đá. Một chú điệu đang lom khom nhổ cỏ ở sân trước. Bỗng có hai người khách từ phương xa đến, họ nói:

– Xin chào chú tiểu!

Chú tiểu ngước mặt lên nhìn hai người khách lạ rồi đáp lại bằng nụ cười hồn nhiên rất trẻ thơ. Hai người khách trạc tuổi thanh niên, ăn mặc lịch sự, trông dáng bề ngoài ra vẻ người có học thức. Một người đeo kính cận và một người thì không.

Người đeo kính, tóc dài trông giống một nghệ sĩ lang thang, đã thốt lên rằng:

– Ở non xanh rừng rậm, xa cách với phố phường huyên náo, có hồ sen tươi thắm, có lan nở bốn mùa, có chim hót líu lo và có thơ treo khắp núi đồi. Đây chẳng khác nào là tiên cảnh!

Người không đeo kính, tiếp lời:

– Ở đây không cần tu cũng thành Phật chú tiểu hẩy?

Chú tiểu nghe vậy cười cười chưa kịp nói gì thì anh chàng đeo kính bẻ ngược lại:

– Bạn nói thế là không đúng, dù khung cảnh ở chùa có yên tịnh, có thơ mộng đến đâu đi nữa mà không lo tu tập thì làm gì mà thành Phật được, bạn nói thế có phản khoa học chăng?

Anh không đeo kính biết mình nói lỡ lời, cười hì hì…

Chú điệu nãy giờ vẫn tập trung vào việc làm của mình. Nhưng khi nghe hai người khách có ý trái nhau, chú liền hỏi một câu để cắt đứt lời bàn cãi ấy:

– Hai anh đã lên đây lần nào chưa?

Hai người khách hớn hở đáp:

– Bọn anh lên lần đầu tiên, tuy trước đây đã nghe người ta nói đến ngôi chùa này rất nhiều nhưng chưa có cơ hội để đi thăm. Bây giờ mới tận mắt nhìn thấy; nó vĩ đại và đẹp gấp mấy mức tưởng tượng của mình, đúng là trăm nghe không bằng một thấy.

Hai người khách có ý muốn thăm dò đời sống tu tập ở tự viện nên đã hỏi chú tiểu vài câu để thu thập thông tin:

– Thế chú vào chùa được mấy năm rồi?

– Dạ, ba năm, thưa anh

– Chùa mình được bao nhiêu người cả thảy?

– Dạ khoảng hai chục người cả sư lẫn điệu.

Hai người khách gục gặc đầu rồi hỏi tiếp:

– Thế thì quí thầy trong chùa đi đâu hết mà chỉ còn một mình chú làm ở đây?

Chú tiểu dừng tay một lát, đưa mắt nhìn lên ngọn đồi cao phía trước rồi trả lời:

– Hai anh nhìn thấy không? Trên triền núi kia, thấp thoáng những bóng người, chính là các vị sư huynh của tôi đang chặt củi chụm đó. Còn bên am tranh này là nơi mà thầy tôi đang làm việc suốt ngày ở trên bàn giấy. Riêng tôi là người nhỏ nhất chùa, được sư quản chúng phân cho việc nhẹ nhàng này thôi. Ở đây, ngoài việc học hành và kinh kệ sớm hôm ra, người nào có công việc và bổn phận nấy. Người lớn có việc lớn, người nhỏ có việc nhỏ, không ai là người được ưu tiên ngồi chỉ tay năm ngón cả. Đó chính là tinh thần đồng sự của nhà chùa vậy.

– Thế thì hai anh muốn ở lại tu có được không hở chú?

Chú điệu chần chừ một lúc rồi nói:

– Cũng được, nhưng hai anh hãy lên xin thầy thử xem sao?

– Dạ vâng, nhờ chú dẫn đường giúp.

Ánh nắng ban mai ấm áp hòa quyện trong cơn gió nhẹ, làm lung linh những đóa hoa tươi thắm của mùa xuân đậm đà hương sắc. Chú tiểu thong thả dẫn hai người khách lạ lên yết kiến nhà sư.

– Hai con ở đâu? Nhà sư hỏi.

Anh đeo kính thưa:

– Dạ, con ở Đà Nẵng còn người này là bạn con, ở Đà Lạt. Hai tụi con đều là họa sĩ mới ra trường. Chúng con muốn đi đây đi đó một thời gian để tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật; nhưng khi lên đây chúng con thấy quang cảnh rất phù hợp với sở thích của mình. Chúng con muốn xin thầy ở lại đây tu tập, không biết thầy có chấp nhận không?

Nhà sư nở một nụ cười trên môi như có ý ngạc nhiên, rồi cất giọng đầm ấm:

– Hai con đều là nghệ sĩ, đi tu được là một điều rất hiếm có từ xưa đến nay.

– Dạ, chúng con biết vậy, nhưng chúng con cũng muốn gieo một chút duyên lành với đời sống tự viện non xanh này.

Nhà sư nhắp một ngụm trà:

– Nếu hai con có duyên và quyết định đi tu thì thầy cũng đồng ý vậy.

Thế là hai cậu thanh niên không bao lâu được nhà sư cho xuống tóc, chính thức nhập chúng. Người đeo kính được nhà sư đặt cho pháp danh là Tâm Không, còn người kia là Tâm Đạo.

Trải qua hơn năm năm tu học ở chùa quê thanh vắng, Tâm Không và Tâm Đạo không còn là hai nghệ sĩ lang thang đây đó như ngày xưa nữa, mà bây giờ, họ đã trở thành hai vị sư trẻ tuổi tài ba lỗi lạc. Trong suốt thời gian ở chùa họ đã cảm nhận được đời sống tu sĩ quả thật là cao đẹp, thân thương và quí mến. Vì rằng, mỗi người trong chùa vốn là kẻ xa lạ, không quen biết, không cùng chung một huyết thống mà họ đã sống hòa đồng với nhau, và coi nhau như anh em ruột trong một gia đình vậy. Tình cảm đầm ấm thân thiết này họ chỉ tìm thấy được ở tại ngôi già-lam, nơi vắng bóng quyền lực, danh vọng và địa vị trong xã hội loài người.

Ở chùa, ngoài việc học kinh kệ và giáo pháp ra họ còn đi sâu vào chuyên ngành hội họa và điêu khắc; nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật Phật giáo trên thế giới nữa. Tưởng như cuộc đời nghệ sĩ của họ đã dừng lại ở đây để phát huy tài năng cao đẹp của mình; không ngờ, ở trên đời này người tính không bằng trời tính, và trời tính không bằng nhân, duyên và quả tính. Rồi mọi sự mọi việc sẽ tuần tự diễn ra trước mắt đúng như lẽ tự nhiên muôn thuở vậy.

Hôm kia, vào một ngày trời âm u, buồn man mác, quang cảnh cũng theo tiết thời mà biến đổi sắc màu. Hai vị sư trẻ chính là hai họa sĩ lang thang ngày xưa cùng lên xin phép nhà sư để xả y bát, trở về cuộc sống tại gia cư sĩ, vì một chướng ngại duyên nào đó trong gia đình…

Nhà sư bây giờ tuổi ngoại lục tuần, mái đầu đã điểm sương, Ngài đã chứng kiến không biết bao nhiêu người ra kẻ vào, đôi khi Ngài thầm nghĩ mình giống như một cây cầu bắt ngang qua sông; ai đi qua cũng được, ai đi về cũng hay; chẳng có gì vui, chẳng có gì buồn. Mọi việc sẽ tùy theo duyên nghiệp của mỗi người mà hợp rồi tan, đến rồi đi một cách tự tại.

Việc họ ra đi cũng không nằm ngoài dự đoán năm xưa của Người. Vì nhà sư thường biết rằng, căn tánh của người nghệ sĩ rất khó tu, nếu họ tu được thì tâm hồn tu phải lớn mạnh hơn tâm hồn nghệ sĩ; có thế họ mới làm chủ được bản thân mình, còn không thì sẽ đứt đoạn nửa chừng, giống như những cánh chim cô đơn bay qua sông dài, biển rộng vô bờ bến vậy.

Đúng là nghệ sĩ và những cánh chim trời!

 

TÁNH THUẬN