Cố Đại Trưởng Lão Giới Nghiêm (Thitasīla-Mahāthera, 1921 – 1984)

19/09/2012 | Chuyên mục: CÁC BẬC TRƯỞNG LÃO . 2849 Lượt xem

Trưởng Lão Giới Nghiêm (Thitasīla Mahāthera), thế danh Nguyễn Đình Trấn, sinh ngày 5/5/1921 tại làng Giạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngài xuất thân trong một gia đình có truyền thống đạo đức lâu đời, tại một quê hương nghèo khổ, nhưng lại phát tích rất nhiều tu sĩ và cao tăng thuộc cả hai truyền thừa Nam Bắc tông Trong gia đình, bác và chú của ngài đều là bậc xuất gia. Còn vị thân sinh – sau nửa cuộc đời lập gia đình với mẹ của ngài là cụ bà Huỳnh Thị Thành, cũng xuất gia, sống đời phạm hạnh.

Lớn lên trong truyền thống gia đình như vậy, nên năm 9 tuổi, ngài đã tìm đến một ngôi chùa hẻo lánh, nổi tiếng nhiều thú dữ, ma thiêng nước độc, thuộc địa phận làng Bãng Lãng để tu học. Ngài thọ giới Sa-di ở đây.

Đến năm 1940, vì quê nhà chiến tranh loạn lạc, sự tu hành bị trở ngại, ngài đã vào Đà Nẵng, xin ở chùa Phổ Đà, sau đó thọ Đại Giới đàn Tỳ-kheo, thuộc hệ phái Bắc truyền.

Bấy giờ, Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravāda) bắt đầu du nhập vào ViệtNam, nhờ vậy ngài có cơ hội nghiên cứu giáo lý Nguyên thủy. Vốn tâm cơ linh mẫn, bén nhạy, và do túc duyên của nhiều đời nhiều kiếp, ngài cảm thấy đây mới thật đúng là chánh pháp, là giáo lý chơn truyền chưa hề bị pha trộn, xen tạp các tư tưởng của các đạo giáo khác.

Duyên may đã đến. Năm 1944, ngài được thiện hữu trí thức giới thiệu và giúp đỡ sang du học tại Phnôm-pênh, Campuchia. Năm 1947, Trưởng Lão Niếp-Tích truyền giới Tỳ-kheo (Bhikkhu) theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy(Theravāda) cho ngài. Ngài lại còn được kỳ duyên học đạo với đức vua Sãi Campuchia, là Trưởng Lão Chuon-Natch.

Do nhu cầu trí tuệ, hiếu học, hiếu tu – từ Campuchia, ngài tiếp tục sang Thái Lan và Miến Điện để tầm sư học đạo. Rời Pháp học, ngài quay sang Pháp hành; và ở tại Miến Điện, ngài được học Thiền Tứ niệm xứ với Thiền sư Mahasī Sayādaw.

Thế là sau gần mười năm bôn ba xứ người tầm cầu chánh pháp, ngài hồi hương với chí nguyện, mang giáo lý nguyên thủy rất cũ xưa mà cũng rất mới mẻ về Việt Nam để quảng bá, hoằng truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp tín đồ.

Tại Sài Gòn – Gia Định, năm 1958, ngài cùng với các vị trưởng lão cao tăng, thạc đức khác, như: Trưởng Lão Thiện Luật, Trưởng Lão Hộ Tông, Trưởng Lão Bửu Chơn, Trưởng Lão Tối Thắng, Trưởng Lão Giác Quang, Trưởng Lão Hộ Giác, Trưởng Lão  Kim Quang, Pháp sư Thông Kham vận động thành lập Giáo hội Tăng-già Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) Việt Nam.

Trong suốt hơn năm mươi năm xuất gia hành đạo, hoằng pháp và phục vụ xã hội, ngài đã để lại cho hậu thế nhiều công đức và nhiều công trình Phật sự to lớn.

Ngài đã mở một Phật học viện Sơ cấp tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng. Và tại ngôi Chùa Tháp tôn nghiêm hùng vĩ này, nhiều khóa thiền đã được khai giảng để hướng dẫn cho các hành giả là Chư Tăng, Tu Nữ và các hàng Phật tử.

Tại Núi Lớn, Vũng Tàu, ngài khai sơn một rừng thiền giữa thiên nhiên khoảng khoát, rợp bóng mát cây xanh, dành cho những hành giả chuyên tu Tứ niệm xứ. Nơi đây gồm có hàng trăm cốc liêu rải rác giữa các sườn đồi, dưới những tàn cổ thụ lâu đời; là nơi mà Chư Tăng, Tu Nữ, Phật tử mười phương thường vân tập về vào mỗi độ an cư để theo học những khóa thiền ba tháng hoặc bảy tháng. Tại Tam Bảo thiền viện này, có rất nhiều hành giả đạt kết quả pháp hành tốt đẹp, khả dĩ làm hành trang tư lương cho mình suốt cuộc đời tu tập.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, quận Tân Bình, ngài mở Phật học viện Trung đẳng tại chùa Phật Bảo, nơi ngài làm Viện chủ và tiến sĩ Thiện Giới làm Giám đốc Phật học viện. Nơi đây đã đào tạo nhiều Tăng tài cho Hệ pháiNamtông.

Sau năm 1975, Ngài tiếp tục mở nhiều khóa thiền tại chùa Phật Bảo; và thường hay lui tới các chùa để nhắc nhở, khuyến hóa, sách tấn tứ chúng môn đồ tinh tấn tu niệm.

Về sự nghiệp xây dựng chùa chiền: Từ miềnNamđến Cao nguyên, rồi ra miền Trung, đâu đâu cũng có bàn tay và dấu chân của ngài trong sứ mạng khai sáng giáo pháp chơn truyền của đức Từ Phụ.

Ngài đã xây dựng hoặc đứng ra chủ trì xây dựng tất cả mười sáu ngôi chùa sau đây:

Huế: Định Quang Tự ở Giạ Lê; Tăng Quang Tự ở Gia Hội.

Đà Nẵng: Tam Bảo Tự, tổ đình Phật giáoNamtông miền Trung.

Hội An:NamQuang Tự.

Quảng Ngãi:Tăng Bảo Tự.

Quy Nhơn: Huệ Quang Tự ở Qui Nhơn; Phước Quang Tự ở Bình Định.

Nha Trang: Như Ý Tự.

Phan Thiết: Bình Long Tự.

Đà Lạt: Bửu Sơn Tự; Pháp Quân Tự.

Mỹ Tho: Pháp Bảo Tự.

Biên Hòa: Phước Sơn Tự.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tam Bảo Thiền Viện.

Thành phố Hồ Chí Minh: Phật Bảo Tự; Diệu Quang Tự (Dành cho Tu nữ).

Về sự nghiệp phiên dịch kinh điển của ngài, gồm có:

NHỮNG TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

Hạnh phúc kinh.

Tiểu sử Phật Thích Ca.

Giải về kiếp.

Thiền Tứ Niệm Xứ.

Giải về bạn.

Mi Tiên Vấn Đáp (Quyển I).

Mi Tiên Vấn Đáp ( Quyển II).

Mi Tiên Vấn Đáp (Quyển III).

Còn lưu cảo:

Pháp Đoàn kết.

Giải thoát giáo.

Giải về cõi trời.

Phật bổn sanh.

Giải về lửa.

Dạ Xoa hỏi Phật.

Nhà của Tâm.

Vô Ấn Tượng Pháp.

Kinh Ổ Mối.

Vi Diệu Pháp vấn đáp.

Ba mươi bảy Pháp trợ Bồ-đề.

Pháp Số giảng giải.

Vi Diệu Pháp vắn tắt.

Tam Tạng, quyển 1, 2, 3, 4.

Tam Tạng, quyển 40, 41.

Ngoài những sự nghiệp vĩ đại ấy, ngài lại còn có số đệ tử xuất gia đông đảo nhất của Phật giáo Nguyên thuỷ. Một số du học ở nước ngoài, đã thành tài, đã trở nên cao tăng, danh tăng đang hoằng pháp ở Mỹ và ở Pháp, như Trưởng Lão Pháp Nhẫn, Trưởng Lão Tịnh Đức, Trưởng Lão Chơn Trí, Trưởng Lão Đức Minh… Ở trong nước hiện nay, nhiều đệ tử do ngài tế độ hoặc hướng dẫn đã trở nên những bậc trưởng lão cho tứ chúng y chỉ, hoặc đạo cao đức trọng, hoặc tài đức uyên thâm, hoặc thâm niên cao hạ… như Cố Trưởng Lão Hộ Nhẫn ở Huế, Cố Trưởng Lão Pháp Tri ở Sài Gòn, Trưởng Lão Viên Minh ở Bửu Long, Trưởng Lão Tâm Hỷ, Cố Trưởng Lão Hộ Chơn, Trưởng Lão Giới Đức ở Huyền Không Sơn Thượng…

Như vậy, cuộc đời ngài đi qua trần gian không dài, nhưng đã làm việc hết sức mình cho chánh pháp, cho xã hội, cho môn đồ.

Năm 1984, đến khi lâm trọng bệnh, mặc dù đã được hội đồng y – bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy hết sức cứu chữa cùng với sự quan tâm giúp đỡ của giáo hội, của các cấp chính quyền, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngài đã thị tịch lúc 10h30′ ngày 13 tháng 7 năm Giáp Tý, tức ngày 9/8/1984 tại chùa Phật Bảo, hưởng thọ 63 tuổi.

Hàng năm, vào mùa Vu Lan báo hiếu, toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo Nguyên thủy và Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm lễ tưởng niệm ngài, một vị trưởng lão sáng lập Hệ phái Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, một thiền sư đạo hạnh nghiêm minh, một bậc thầy từ hòa khả kính, một cao tăng nhiệt tình trong hàng Giáo phẩm tôn túc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.