Tuyển tập thư thầy

07/12/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 19639 Lượt xem

THƯ SỐ 21

 

Ngày …….. tháng …….. năm ……..

 

Con,

 

Thầy đã nhận được thư con, Thầy biết không chính xác nhưng biết chắc rằng con đang gặp phải một nỗi khó khăn. Thầy tự trách là quá thờ ơ với những nỗi khổ của con. Nhưng Thầy cũng trách con là đã không nói thật hoàn cảnh của con cho Thầy biết. Con sợ làm phiền Thầy, con sợ đánh mất sự thanh thản của Thầy, và vì vậy con đóng kịch để Thầy yên tâm. Con đã lầm với thiện ý ấy. Chính ra Thầy cần phải biết mọi nỗi khổ ở đời để sửa sai mình và nuôi lớn tình yêu thương nhân loại.

Thầy rất dễ chủ quan với tâm hồn thanh thản của mình, tưởng cái gì cũng dễ dàng, tưởng cái gì cũng nhẹ nhõm và rồi phớt tỉnh trước mọi sự, trước mọi nỗi khổ đau của nhân loại chúng sanh. Không, con hãy đem đến cho Thầy những nỗi khổ đau phiền muộn của con để Thầy biết yêu thương và thông cảm, để Thầy có thể chia sẻ và gánh vác cùng tha nhân những nỗi thống khổ ở đời.

Có yêu thương là có đau khổ, điều ấy chỉ đúng cho những ai bị hệ lụy trong vòng ái luyến vị kỷ. Nhưng nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.

Chung quanh ta biết bao là ràng buộc khổ đau! Cha mẹ, chồng con, anh chị em, Thầy, bạn, xóm giềng và cả sự sống của bản thân ta nữa. Tất cả đều trở nên hệ lụy nếu ta cứ loay hoay trong vòng tính toán vị kỷ và tình thương ấy quả chỉ đưa ta vào khổ não triền miên. Nhưng nếu tình yêu thương lột bỏ được tính chất ích kỷ thì tất cả mọi khổ đau sẽ trở thành giải thoát.

Tuy nhiên vị tha không có nghĩa là đánh mất mình mà cứ loay hoay lo cho kẻ khác. Vị tha chỉ có nghĩa là gột sạch tính ích kỷ hắc ám để ta có được một tấm lòng trong sáng, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với người. Ta có thể giúp đỡ kẻ khác, ta cũng có thể dửng dưng hoặc thậm chí có thể xua đuổi kẻ khác, tùy theo hoàn cảnh mà vẫn có lòng vị tha.

Đôi lúc lo cho kẻ khác chỉ để được lòng người, để người kính nể, để người thương mến v.v… Đôi lúc lo cho kẻ khác vì sợ hãi, vì cả nể, vì nhu nhược, vì danh dự, vì tự tôn hoặc tự ti v.v… Đôi lúc lo cho kẻ khác vì bị nô lệ vào ý tưởng rằng mình sẽ được một đức tính vị tha mà mọi người ưa chuộng. Như vậy, không phải là vị tha mà chỉ là vị kỷ.

Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu.

Thầy có thể không có tiền để cho ai một đồng nào mà Thầy vẫn vị tha. Thầy có thể sống bằng sự bố thí của tín đồ mà vẫn vị tha v.v… Bởi vì nếu Thầy có một tấm lòng bao dung cởi mở thì cho hay nhận đều là vị tha, đón mời hay xua đuổi đều là vị tha, giúp đỡ hay cầu viện đều là vị tha v.v…

Ở quê Thầy có nhiều người đỗ đạt, cưới vợ hoặc được thăng quan tiến chức họ thường có tục lệ đãi đằng hàng xóm. Có khi họ phải vay nợ đến phải trả hàng chục năm mà vẫn phải đãi đằng! Họ tưởng như thế là vị tha. Họ có thể phải nghèo khổ nợ nần cả đời đôi khi chỉ vì một chút hư danh! Rõ ràng là họ thiếu thành thực và cởi mở.

Bên Lào người ta có phong tục thật cởi mở. Khi dư thì đem đến chùa cúng, khi thiếu thì cứ đến chùa mà ăn. Phong tục ấy thành thực hơn tục lệ đãi đằng của mình rất nhiều.

Tất nhiên nếu chỉ nhận mà không cho vì lười biếng, ích kỷ thì không được. Nhưng nhận trong hoàn cảnh khó khăn khách quan nào đó thì chẳng có gì đáng ngại, chẳng đánh mất lòng vị tha nếu ta chân thành cởi mở.

Nếu con chân thành kính mến Thầy thì không phải chỉ cúng dường Thầy mà khi thiếu hụt con có quyền được Thầy chia sớt. Bởi vì nếu con chỉ cúng dường thì khi không có gì để cúng dường con phải lánh Thầy hay sao?

Dân miền Trung thường bị thiên tai bão lụt, thường phải nhận sự giúp đỡ của những người hảo tâm ở miền Nam . Như vậy chưa hẳn dân miền Trung đã không có tình yêu thương đồng loại. Nhưng nếu người miền Nam bố thí đồng bào nạn nhân một cách khinh bỉ, cao ngạo thì họ cũng chỉ là những người ích kỷ, xan tham.

Thường người ta hiểu chữ vị tha theo nghĩa lo bao đồng mà quên rằng vị tha cốt ở tấm lòng thành thực, bao dung và cởi mở.

Thường người ta hiểu chữ vị tha là lòng tự ái, chỉ giúp người chứ không chịu để người giúp mình, e đó là một cái nhục.

Vì hiểu như thế người ta đã tạo cho đời mình thêm phức tạp với những hành động thiếu thiết thực, thiếu chân thành.

Con thương mến,

Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy lo cho mình, cho chồng con, cho cha mẹ, cho anh em một cách thiết thực với khả năng của mình, không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm điều không cần thiết.

Thầy mong rằng con có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại bằng cách sống cởi mở chân thành, giản dị và thiết thực. Chúc con thành công.

Thân ái chào con.

 

Thầy

 

_________________________________________

THƯ SỐ 22

 

Ngày …….. tháng …….. năm ……..

 

Con thân mến,

 

Khi người ta nói “một tâm hồn thánh thiện trong một cơ thể tráng kiện” là người ta lý tưởng hóa đời sống quá, người Tây phương ưa cái gì cũng hoàn hảo như thế đó. Trái lại người bình dân Đông phương có khi thực tế hơn. Họ nói:“Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”. Hai vấn đề tuy không cùng một lãnh vực vậy mà vẫn nói lên hai cái nhìn khác biệt về đời sống, người nói câu “Un esprit saint dans un corps sain” ắt cũng sẽ nói “hai quả tim vàng trong một tòa cung điện”.

Như vậy người Đông phương chú trọng đến quả tim vàng hơn là tòa cung điện, chú trọng đến tâm hồn thánh thiện hơn là một cơ thể cường tráng. Họ có lý bởi vì quả tim vàng hay tâm hồn thánh thiện thì cần gì phải có một điều kiện lý tưởng đến thế! Họ càng có lý hơn vì thực tế đời sống bao giờ cũng có thăng, có trầm, có vinh, có nhục, có được, có mất, có hơn, có thua, có thành, có bại, có vui, có khổ, có lành mạnh, có bệnh tật, có trẻ, có già, có sinh, có chết v.v… Nếu ta cứ mong cái gì cũng tốt cả thì làm sao ta chịu nổi sự biến đổi vô thường?

Chính vì thế trong mười điều tâm niệm mới dạy: “Nghĩ tới thân không cầu vô bệnh vì thân không bệnh tất tham dục dễ sanh”. Thứ nhất khi ta cầu mong không bệnh là tâm hồn ta đã bệnh hoạn rồi. Nếu tâm hồn ta lành mạnh ắt không cần đòi hỏi thân phải cường tráng.

Thứ hai nếu thân không bệnh thì quả là tham dục dễ sanh, như người tham ăn mà không đau bao tử ắt sẽ tham ăn hơn nữa. Người nóng nảy không đau gan thì còn ai chịu được. Vậy bệnh là thiên sứ của vô thường, hay bậc thiện tri thức của ta đó. Người ta cứ xem bệnh như kẻ thù mà không biết rằng nó là bạn thân. Khi đưa tay vào lửa nếu tay không nóng, không phỏng ắt là nó sẽ cháy tiêu mà không hay biết. Vậy nóng, phỏng là bạn của ta chứ sao gọi là thù. Vì thế ta còn phải học hỏi nơi người bạn chí thân này nhiều lắm.

Khi con ăn một chất âm hàn nhiều quá con thấy đau bụng lạnh, vậy là nó dạy con phải dùng một cái gì dương nhiệt để chế lại. Khi con đi nắng bị nhức đầu vậy là nó dạy con lần sau phải đội vào một cái nón v.v… Cho nên ta còn phải học hỏi nơi người bạn này rất nhiều bài học giá trị. Nhưng nếu ta xem nó là kẻ thù, ta tiêu diệt nó thì e rồi ta cũng phải chết theo, vì còn ai báo cho ta biết tử thần sắp tới đâu!

Trong khi bệnh con thấy đau đớn, thế mà một bức thư Thầy lại viết: “Đau chính là tu. Ôi đau đớn mới tuyệt vời làm sao!”. Thầy nói vậy vì trong một cơn đau thập tử nhất sinh Thầy đã giác ngộ lại chính mình, nhờ đó Thầy mới biết tất cả chân lý ở nơi mình, Thầy đã thấy ra bản lai diện mục cũng chẳng là ai khác. Thầy nhớ có một hành giả đến hỏi đạo, bị thiền sư đóng sầm cánh cửa khi ông ta vừa bước chân vào, chân gãy, thiền sinh đại ngộ. Như vậy có tuyệt vời không.

Bây giờ nếu con đau mà con an ổn được trong chính cơn đau thì con còn tuyệt vời hơn khi con lành mạnh mà con lại bị đắm chìm. Con không thấy như thế sao? Lão Tử nói: “Phù duy bệnh bệnh thị dĩ bất bệnh”. Ôi, bệnh chỉ là bệnh thì đâu có gì là bệnh!

Khi bệnh con biết con có bệnh. Khi đau đớn, con biết con có đau đớn. Khi phải uống thuốc, con biết con uống thuốc… Mọi việc đều trầm tĩnh an nhiên, rồi con sẽ học ra mọi lẽ, rồi con sẽ thấy thật là tuyệt vời.

Thầy ngừng bút nhé.

Thân ái chào con.

 

Thầy

 

________________________________________________

THƯ SỐ 23

 

Ngày …….. tháng …….. năm ……..

 

Con,

 

Quả là thư trước của con bị lạc nếu không Thầy đã trả lời rồi. Thầy rất thông cảm với tâm trạng của con lúc này. Đó chỉ là một giai đoạn khủng hoảng tất yếu khi con lột bỏ những quan niệm cũ để sống một đời sống mới. Ở ngoài đời cũng vậy, một cuộc cách mạng tất yếu phải trải qua thời kỳ khủng hoảng với bao nỗi mâu thuẫn khó khăn. Nhưng con hãy an tâm, chẳng qua là vì con đang mất chân đứng cũ mà chưa lấy lại được thăng bằng trên bước chân mới mà thôi và rồi việc gì cũng đâu vào đó.

Khi chưa biết đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau thuần đạo rồi người ta lại thấy núi cũng vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy, người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào cái tu, cái học. Sau khi được khai thị cho thì lại bỏ tu, bỏ học, bỏ hết tất cả. Cuối cùng khi đạo đã thâm trầm thì té ra cũng tu, cũng học, cũng làm tất cả, không bỏ thứ gì.

Lúc đầu làthủ (chấp trước), lúc giữa là xả (buông bỏ), sau cùng là bất thủ bất xả(không nắm mà cũng không buông) như Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Vô vi nhưng không việc gì không làm.

Vì vậy Thầy khuyên con trước hết hãy học hành lại như lúc đầu, xem như đó là chuyện bình thường. Có thể con sẽ học siêng năng hơn, có thể con sẽ ganh đua với chúng bạn, có thể con phải quyết chí đỗ đạt cao v.v… Tuy vậy mà con vẫn thấy bình thường, không một chút bận tâm như ngày xưa còn mê muội, còn tham đắm. Đáng lẽ với sự thanh thản ấy con phải tiến hơn các bạn trên mọi mặt chứ không thể sa sút được. Thầy e rằng trong lúc giao thời con còn quá nhiều phân vân lưỡng lự nên nó đã làm cho con chưa lấy lại được khả năng của con người ổn định.

Lúc Thầy học lớp 12 bị chi phối bởi ý nghĩ xuất gia, Thầy đã bị sa sút nhiều trong việc học, và bị thi hỏng một keo, thế mà vào tu Thầy lại học rất giỏi. Ở Phật Học viện, Thầy lãnh bằng danh dự hạng nhất, ở trường London School Thầy dẫn đầu lớp học, ở đại học Thầy dẫn đầu các môn mà Thầy học sau chúng bạn.

Chính nhờ sự sáng suốt, bình thản, an nhiên mà Thầy mới học khá như vậy. Cho đến bây giờ thì Thầy mới hiểu rằng đạo không thay đổi bất cứ một sinh hoạt nào của ta cả. Đạo chỉ soi sáng tâm hồn để ta có thể sinh hoạt chân, mỹ, thiện hơn mà thôi.

Một người làm nông ngộ đạo sẽ không bỏ cày mà cày cấy với năng suất cao hơn.

Một người đi học ngộ đạo, sẽ không bỏ học mà học hành giỏi hơn.

Bây giờ ở tuổi con là đi học. Hãy học một cách sáng suốt, trầm tĩnh là đạt được chỗchân của đạo. Hãy học một cách chân thành, bài nào thông suốt bài đó, môn nào chu tất môn đó là đạt được chỗ mỹ của đạo. Hãy học với thiện ý giúp mình, giúp cha mẹ, gia đình, xã hội v.v…là đạt được chỗ thiện của đạo.

Đạo là sáng suốt vững chắc, không thể là trạng thái buông lung, hững hờ trước mọi sự. Trái lại mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý nghĩ, mỗi mỗi lời nói phải rõ ràng, minh bạch, phải đạt chỗ chân, mỹ, thiện vô cùng giản dị của nó.

Học đạo quý vô tâm

Làm, nghĩ, nói không lầm

Sáng trong và lặng lẽ

Giản dị mới uyên thâm.

Đạo chính là việc học của con. Khi con học, con nghĩ, con nói minh bạch, không lầm lẫn là đạo. Khi con học với tâm sáng suốt là chân, với tâm trong sạch là thiện, với tâm lặng lẽ là mỹ. Việc học của con như vậy sẽ vô cùng giản dị và vô cùng uyên thâm.

Vậy ra con tưởng có một lý tưởng đạo nào đó ngoài công việc hàng ngày, ngoài bổn phận làm người, ngoài uống, ăn, đi, đứng hay sao?

Người ta thường tưởng rằng mình phải đâm bổ vào một lý tưởng siêu thoát, một đạo lý cao siêu, một lối sống phi phàm ra ngoài thế sự. Nhưng họ lầm to, họ chỉ càng trầm luân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng.

Ngày nọ có một người Phật tử lật đật dựng xe đạp để vào chùa nghe giảng siêu lý (Abhidhamma) đã không biết rằng chiếc xe đạp của anh ta đè gãy một cành hoa bên tường chùa! Anh ta tưởng có cái gì siêu lý ngoài việc dựng chiếc xe đạp sao cho đàng hoàng, trầm tĩnh, sao cho đừng hại tới ai. Và cứ thế anh ta thả mồi bắt bóng, tìm cái giả, bỏ cái chơn, tìm sinh tử bỏ niết-bàn mà cứ tưởng rằng mình sẽ đến nơi siêu việt.

Con thương mến,

Hãy sáng suốt, hãy trầm tĩnh, hãy hiền hòa trong mỗi bước đi của mình trên đường đời. Bỏ mất mỗi giây phút là bỏ mất tất cả, vì thế tướng dụng trọn vẹn chính là mỗi bước đi, trong từng giây phút thực tại hiện tiền.

Quá khứ không truy tầm

Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây

Không động, không rung chuyển

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mỏi mệt

Xứng gọi nhất dạ hiền

Bậc an tịnh trầm lặng.

(Kinh nhất Dạ Hiền Giả)

Nhưng pháp hiện tại là gì? Là khi con đang học hãy hoàn toàn vào việc học. Khi con dựng xe hoàn toàn vào việc dựng xe v.v… Không phải học mà bỏ bê, không phải dựng xe mà mơ siêu lý.

Con thương mến,

Đạo giản dị biết là bao phải không con? Nào, hãy bắt tay trở lại việc học của con, không động, không rung chuyển, hôm nay nhiệt tâm làm…

Khi nào rảnh con hãy mượn thư Thầy viết cho các bạn mà đọc lại chứ con còn yếu lắm đó.

Chào con thương mến.

 

Thầy.

 

__________________________________________

THƯ SỐ 24

 

Ngày …….. tháng …….. năm ……..

 

HP con,

 

Thầy đã nhận được thư con viết trong kỳ coi thi vừa qua. Đáng lẽ Thầy trả lời để gửi ra nhân TH và YT về Đà Nẵng nhưng rồi đến bây giờ Thầy mới viết được.

Đọc thư con Thầy vui lắm, thư con viết rõ ràng và chân thực chứng tỏ rằng con thành tâm học đạo. Con đã trình bày rất thành thực về những niềm tin của con trước đây, về những gì con học hỏi được qua lần tiếp xúc đầu tiên với Thầy và qua bức thư ngắn Thầy viết cho các con.

Trước đây con cũng không hiểu sai khi suy nghĩ: “Đạo Phật là gì đó hết sức thiêng liêng cao quý… là nơi nhìn thấu suốt mọi điều của cuộc sống đúng sai, thật giả… và con người trước tượng đài uy nghiêm của Đức Phật không thể để điều ác lấn điều thiện, không thể có những bóng dáng lừa đảo, dối trá trong ý nghĩ của mình…” và với niềm tin như vậy “đã có lúc con nguyện cầu thành khẩn mong gia đình và tất cả những người thân quen luôn luôn được bình an. Đó là lúc con cảm thấy con người sao quá bé nhỏ với thiên nhiên, con linh cảm đến những điều bất trắc… và con đã gởi gắm bao điều mong ước tốt lành cầu mong đấng vô hình che chở cho những người thân yêu…”

Ý nghĩ đó cũng thật là dễ thương dù có hơi mơ hồ huyền hoặc. Chính ý nghĩ đó của chúng sinh đã làm xúc động lòng từ của chư Bồ Tát, và các Ngài xuất hiện ở đời để chỉ bày con đường thoát khổ.

Đó là hình ảnh Đạo Phật của những người đức tin, lý tưởng, thi vị, linh thiêng và mơ mộng. Nhưng cũng chính niềm tin ấy đã xoa dịu biết bao nhiệt não khổ đau của cuộc đời, đã đem đến cho đời ít nhiều an ổn, hạnh phúc và hướng thượng.

Ngày nay khi con đã nhận chân được con đường thoát khổ, con đã biết tự mình giác ngộ, tự mình chế ngự, tự mình chọn lựa thiện ác, đúng sai… lúc đó một Đức Phật trong con vẫn uy nghiêm không để điều ác lấn điều thiện không có bóng dáng lừa đảo, dối trá trong ý nghĩ của con… Thì ra những mơ mộng lúc đầu trong niềm tin của con cũng không sai mấy, bây giờ nó chỉ thực hơn, rõ hơn mà thôi, phải không con?

Và rồi lúc đó con vẫn tiếp tục thấy chân lý thật là vô biên đối với những tư kiến, tư dục nhỏ bé của con người, tấm lòng con sẽ cởi mở bao dung thương yêu muôn loài… Con muốn bình an hãy đến với mọi loài, con mong mọi người thấy rõ con đường thoát khổ.

Đó là hình ảnh Đạo Phật của những người đang thoát xác Đức Tin để đi vào con đường Trí Tuệ. Ở đây, Đạo Phật được thể hiện một cách rõ ràng thiết thực, bằng những bước đi, những hơi thở, những cảm giác, những suy tư tràn đầy chân lý sáng suốt – định tĩnh – trong lành. Giải thoát và bình an nằm ngay nơi những hơi thở, những bước đi hiện thực đó, phải không con? Nhưng muốn thể hiện chân lý và hạnh phúc như vậy phải trải qua một quá trình tu tập từ tự tri, tự giác, tự chủ, tùy dụng đến vị tha, nói chung là con đường tự giác giác tha.

1) TỰ TRI: Là giai đoạn tập quay lại với chính mình (Chánh niệm) và tự soi sáng mình (Tỉnh Giác) trong từng hành động của thân và khẩu, trong từng cảm giác khổ, vui… trong từng tình cảm ưa ghét… trong từng ý hướng thiện ác thị phi… Có tự tri mới khám phá ra được mọi khía cạnh, mọi vận hành, mọi trạng thái của thân tâm, xưa nay bị phủ kín trong rừng vô minh ái dục. Có tự tri mới ” không ngờ tự tánh mình vốn tự đầy đủ, tự tánh có thể sinh muôn pháp, tự tánh vốn tự thanh tịnh, tự tánh vốn không sinh diệt…”

2) TỰ GIÁC: Khi đã tự tri đúng pháp, con bắt đầu thấy rõ những nguyên nhân vi tế, ẩn kín và sâu xa nhất của luân hồi sinh tử và thanh tịnh niết-bàn. Nghĩa là con thấy rõ đây là khổ, đây là nguyên nhân vi tế của sự khổ, đây là tịch tịnh giải thoát, đây là con đường thể hiện tịch tịnh giải thoát ngay nơi mỗi động tịnh vi tế của thân tâm con. Đức Phật dạy khi nào một người thấy được tự nơi mình “đây là sinh, đây là diệt, đây là không sinh diệt” người ấy chứng được pháp nhãn.

3) TỰ CHỦ: Khi thấy rõ mọi động tịnh, mọi vận hành, mọi trạng thái, mọi khuynh hướng… nơi thân tâm, lại thấy sự sinh diệt và không sinh diệt của chúng, con bắt đầu có thể chế ngự các pháp ấy trong con, con làm chủ sinh tử luân hồi và đồng thời làm chủ thanh tịnh niết-bàn, nghĩa là con không còn bị chúng sai sử và buộc ràng nữa.

4) TÙY DỤNG: Khi thoát khỏi sự ràng buộc của các hoạt động nội tâm và ngoại giới, con bắt đầu tùy nghi sử dụng các pháp đó nơi con. Lúc đó con muốn hành động, nói năng, suy nghĩ thế nào đều như ý mà không sợ sai trái… Mọi pháp tùy con sử dụng, đến đi vô ngại, tiến thoái tùy nghi.

5) VỊ THA: Tất nhiên khi con đã sử dụng thân tâm một cách nhuần nhuyễn, tròn đầy sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì mọi động tịnh đều lợi mình, lợi người. Lúc đó con mới thực sự đem lại an lạc cho đời, giúp đời mà không làm cho đời xáo trộn.

Người đời với đầy tật đố tự cao cũng nói tới vị tha, nhưng khi còn bản ngã thì càng giúp đời càng làm cho đời đau khổ. Muốn giúp đời, muốn đem lại an lạc cho đời con phải tu tập để tự mình giác ngộ giải thoát và dẹp bỏ bản ngã trước đã.

Trong việc thể nghiệm quá trình này chánh niệm tỉnh giác đóng vai trò thực hiện. Và sáng suốt, định tĩnh, trong lành là yếu tố hướng đạo đầu tiên cho đến cuối cùng.

Những điều Thầy nói trên không phải là một công thức mà chỉ gợi ý để con dễ theo dõi tiến trình tu tập của mình mà thôi.

Chúc con tu hành tinh tấn!

 

Thầy

 

____________________________________________

THƯ SỐ 25

 

Ngày …….. tháng …….. năm ……..

 

L mến,

 

Chà, trông L đường đường một đấng nam nhi như thế mà sao hơi yếu đó nghe ! Ai lại đi mơ một cảnh Tịnh Độ ở ngoài cuộc đời nắng lửa như một kẻ mê tín vậy. Lại còn mê ba cái ông du tăng trong Thiền Luận nữa chứ ! Không biết các ông du tăng ngày xưa ra sao chứ cứ mà làm biếng, vô trách nhiệm cái kiểu ông VT với một số du sĩ ngày nay thì đáng được lãnh năm bảy chục hèo mới xứng.

Thầy lại thấy khác: dường như bây giờ mất rồi cái thời mà những bậc tu hành lấy phiền não làm bồ-đề, tức là sẵn sàng chấp nhận giáp mặt những phiền lụy với một sức mạnh chánh niệm tỉnh giác đầy kiên định.

Đã đành rằng cuộc đời là nắng lửa nhưng nếu ai ước mong ở ngày mai hay một nơi nào khác cái cảnh giới không còn nắng lửa thì chính đó mới là khổ sầu to lớn nhất! Giống như một người trông đợi một cái gì đó người ấy càng bồn chồn nóng nảy hơn là một kẻ đang chăm chú một công việc nặng nề, có phải thế không?

Vậy bí quyết của giải thoát không phải là ước mơ hay chạy trốn (bằng mọi hình thức) mà là phải đối mặt với chính cuộc đời. Còn đau khổ là tại vì còn có cái ta để đau khổ, mà còncái ta để đau khổ thì dù ở bất cứ đâu cũng vẫn cứ đau khổ như thường. Người đời có câu nói rất thực tế là:

Gánh cực mà đổ lên non

Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo

Thế mà khi chúng ta vui lòng gánh lấy trách nhiệm, vui lòng đỡ gánh cho người khác, vui lòng từ bỏ những dục vọng ích kỷ, cá nhân v.v… thì chúng ta lại thấy tất cả đều là nhẹ nhàng. Người đã thấy cái nhẹ nhàng đó sẽ đủ sức lấy phiền não làm bồ-đề. Chúa nói: “Hãy vác thập tự giá mà đi vào nước Chúa”, thật ra, có nghĩa là hãy làm tròn bổn phận với đầy đủ phiền não của nó một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì sẽ thấy bổn phận ấy, phiền hà ấy thật nhẹ nhàng và thật dễ thương biết bao. Và chính ở đó chúng ta hân thưởng được sự thanh tịnh giải thoát (vào Thiên đàng) giữa những phiền não cuộc đời.

Giống như một người mẹ, có thể làm mọi việc khó khăn nhất cho đứa con nhỏ bé của mình, dù phải trải bao nhiêu gian khổ, chỉ vì ngay lúc đó bà ta đã quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn. Nếu mọi người đều biết quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn ấy thì cuộc đời sẽ trở nên thiên đàng ngay lập tức dù lúc đó vẫn là nắng lửa dãi dầu.

Thầy có nghe một câu chuyện nho nhỏ dễ thương về tình bạn: có một hôm, một người bạn rủ L đi uống rượu. Lúc đó có M.A ngồi chơi. M.A đã cố ý (nhưng làm như vô tình) ngồi nán lại chơi với L tới khuya, để giúp L thoát khỏi một sự cám dỗ không mấy tốt lành. Chỉ vì thương bạn, vì muốn bạn mạnh khỏe mà phải hy sinh sức khỏe của mình dù M.A vốn đã suốt ngày này qua ngày khác làm lụng cực nhọc để đỡ cho mẹ mình một gánh nặng nuôi con.

L ạ, không phải là hạnh phúc, tịnh độ hay giải thoát cho cái bản ngã của mình, mà chính phá bỏ bản ngã để làm những việc quên mình lợi người, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng ẩn chứa một thiên đàng tuyệt diệu. Vâng, đau khổ để đem lại hạnh phúc cho người (bạn bè, cha mẹ, anh em, xóm giềng và cho cả cỏ cây, sỏi đá) đấy chính là thiên đàng tuyệt diệu.

Tuyệt diệu làm sao khi sư GĐ cố gắng lo lắng thêm một chút để chư sư được nhẹ nhàng, và sư PT cũng vậy, sư TT cũng vậy v.v… Mọi người đều gánh thêm một chút khổ đau để gánh người khác được nhẹ nhàng. Ở đây Thầy cũng không thể điềm nhiên tọa thị mà phải cố gắng thêm một chút để trợ giúp các sư… và cứ thế cuộc đời mở vòng tay lớn trong tình yêu thương xả kỷ. Không có thiên đàng nào khác ngoài sáng suốt, trong lành và tĩnh tại. Không có thiên đàng nào khác ngoài những gánh nặng mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một niềm vui, một an ủi, một nụ cười.

Sư GĐ tặng L một số phong lan với dụng ý muốn giúp L biết thương yêu và tập dần với những bổn phận, tập dần sự chú ý, sự chăm chút, sự nhẫn nại… Nghĩa là tập chấp nhận những phiền não để nuôi dưỡng bồ-đề. Tập thấy được tình thương yêu như tình yêu thương của người mẹ đối với đứa con mình. Không có con đường giải thoát nào khác đâu L ạ, hãy suy nghĩ cho mà xem. Tất cả những con đường khác chỉ là phản ánh của lòng tư dục, tư kỷ mà thôi.

Một vị du tăng hành cước chỉ có lý khi đến lúc họ phải từ bỏ những tích lũy, những đeo mang do lòng dục vọng chất đầy trên vai họ. Nhưng đến khi thấy lại chính mình (ngộ), vị ấy lại chấp nhận “gánh nước là diệu dụng, bửa củi là thần thông” và chui vào nhà bếp để làm hỏa đầu quân hoặc mỗi ngày âm thầm quét lau Tàng Kinh Các. Mới biết những kẻ ra đi, tìm kiếm, chỉ mới là giai đoạn của người chưa thấy. Còn khi thấy rồi núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, phiền não vẫn là phiền não. Cuộc đời vẫn hoàn lại cuộc đời… và nếu có cái gì khác chăng thì chỉ là một nụ cười sáng trong và nhẹ nhõm.

Thôi viết như thế đã dài, mong L tìm thấy trong đó đôi lời nhắn nhủ với một tấm lòng.

Thân ái chào con.

 

Thầy