Tôi và Hải

10/02/2013 | Chuyên mục: VĂN . 1790 Lượt xem

ganhnuoc(Thay lời tựa “Gánh nước tưới sông”)

Tôi quen Hải vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, ở Tam Bảo tự, Đà Nẵng và sau đó là tại chùa Huyền Không, Lăng Cô, chân đèo Hải Vân.
Hải là một thanh niên trắng trẻo, gầy ốm, đôi mắt sâu hút. Thuở đó, tôi đã làm thơ khá nhiều, nhưng nghe Hải đọc thơ của mình, tôi thấy lạnh cả người.

Ví dụ:

– Giọt sương ngủ mái lương đình
Sớm nay thức giấc hỏi mình tan chưa?

Bài thơ Hải tặng Sư Viên Minh:

– “ Ôi! Bưởi nở hoa rồi!”
Áo sư vàng nắng ấm
Mây nỏn nhoẻn trong chồi
Tâm ai vừa xóa ấn!

Bài thơ Hải tặng sư Tâm Đức:

– Sư ở triền non gánh lửa về
Tôi tìm tuyệt cốc đốt u mê
Gặp nhau mây vẫn là mây trắng
Băng tuyết theo ngàn lướt xuống khe…

Bài thơ Hải tặng chùa Huyền Không:

– Về đây nằm giữa Huyền Không
Khuya nghe bão chuyển tự lòng đất ra
Mai kia nhật nguyệt tan nhòa
Chỉ còn ta đứng bao la bóng mình
Nghìn năm trước nửa hồi kinh
Nghìn năm sau một tiếng kình bơ vơ
Thanh âm níu lại giữa tờ
Buông tay ngọn bút xóa mờ biển dâu
Tro tàn chẳng gởi về đâu
Luồn qua cửa những bóng câu âm thầm
Đồi cao khói điếc, sương câm
Mây mù là bạn tri âm buổi nào!

Và bài “Trang thơ khép lại” mà Hải đề: “Tha tha thiết thiết tặng Triều Tâm Ảnh và Vĩnh Lực”. Đây là bài thất ngôn bách cú, mà có lẽ ở Việt Nam hiện nay, chưa thấy ai làm. Trong đó có nhiều cặp nói đến sự bất lực của ngôn ngữ khái niệm hoặc là sự tuyệt lộ của lý trí – với hình tượng nghệ thuật rất chi là ấn tượng:

– Chim không cánh chóp trời tung lượn!
Cá chẳng đuôi đáy biển vẫy vùng!
– Rắn kiếm chân, trâu đi kiếm cánh!
Rùa tìm lông, thỏ chạy tìm sừng!

Chưa nói Hải có tài xuất khẩu thành thơ, mà chính nội dung kiến thức Phật học sâu nhiệm được chuyển tải qua thơ của Hải – tôi đã sớm nhận ra anh đã có một thế giới riêng, một đỉnh núi cô liêu, ngàn đời xa hút…
Hải đọc tất thảy triết học, tư tưởng Đông, Tây; nhiều nhất là Phật học. Sách toán học tiếng Anh, dày cỡ vài phân, Hải đọc chỉ một đêm, phải thức trắng! Anh còn buồn rầu, than phiền, rằng là có những công thức tân toán học, Hải tìm ra, chưa công bố thì người ta đã cho in ấn rồi. Hải còn giỏi chữ Hán, viết chân, hành, thảo gì cũng đẹp – và làm thơ luật Đường bằng chữ Hán nhanh nhạy như nước chảy mây trôi. Hải lại còn mầy mò tìm kiếm ký tự riêng để làm một công trình “tiếng Việt mới” dễ học, dễ đọc, dễ viết hơn tiếng Việt hiện nay nữa.

Nhưng chính kiến văn rộng rãi về Phật học, bao giờ cũng giấu kín; sự giữ giới nghiêm túc nhưng thoáng đãng, nhẹ nhàng của anh mới làm cho tôi kính trọng và yêu mến hơn. Ở đây, Hải rất tôn ngưỡng đức Phật và anh chưa bao giờ dám luận bàn về giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. Gia dĩ mà có đụng đến thì Hải cứ y như… ú ớ, ngọng nghịu, bập bẹ, phều phào… Hải yêu thương con sâu, cái kiến, cả nhưng sinh vật li ti bé mọn. Có lần dội nước rửa chân, vô tình nước chảy cuốn trôi cả đàn kiến làm Hải áy náy không yên. Hải còn yêu sự sống của cây cỏ, nên tại nơi bàn viết của anh, lúc nào cũng có đĩa mạ xanh mơn mởn. Cạnh đấy, trên tường là những câu hỏi, những câu hỏi kéo dài đến vô tận… Có phải đã có cái gì đó bế tắc trong tâm tư Hải khi anh muốn kiếm tìm satori, sát-na vĩnh cửu, bổn lai chân diện mục? Những câu hỏi xốn xang và nhức buốt hiện sinh ngàn đời, luôn bập bùng cháy đỏ của một thời ai đã từng đọc thiền luận của Suzuki…

Tuy thân là cư sĩ nhưng đời sống của anh có khác gì tu sĩ đâu. Những bài thơ xướng họa giữa anh và tôi trong giai đoạn này đều nội hàm ngữ nghĩa ấy.
Ví dụ: Bài “Lạc khứ hồi” tôi tặng anh, năm 1976:

“ – Bạn đến thăm ta đã trễ rồi
Tìm thơ, thơ lãng giữa dòng trôi
Lối về cửa tục, mây lầm khói
Nẻo đến am không, núi trở đồi
Y bát tha hương chưa ráo nợ
Cửa nhà cố quận đã trơ vôi
Quay lưng phương trượng mờ thiên cổ
Một chiếc thân hư lạc khứ hồi!

Hải họa, họa như nước cuồn cuộn của trăm con sông dài. Tôi đọc, tôi đã choáng ngợp:

Ví dụ, Hải họa 2 câu thừa và phá:

– Ánh trăng đầu buổi đã tan rồi
Bọt trắng hai bờ lạnh lẽo trôi

– Khói tan rồi, lửa tắt rồi
Tro tàn trôi giữa tháng ngày trôi

– Vần thơ năm trước lại quên rồi
Một chữ bồng bềnh, hai chữ trôi

– Rồi sẽ cười vang tóc bạc rồi
Thuyền đời nhẹ lễnh mặc đò trôi!

Cặp thực:

– Hùm rống tà huân đau đớn núi
Vượn gào nhật mộ tái tê đồi

– Biển sâu, sầu hỡi, sầu hơn biển
Đồi lạnh, tình ơi, lạnh lắm đồi

– Tóc bạc sương chiều rơi trắng núi
Mắt xanh khói sóng phủ lam đồi

– Đứng khoanh tay ngắm mưa tràn biển
Nằm duỗi chân xem nắng lụt đồi…

Một lần trong cuộc nói chuyện có vẻ nghiêm túc, tôi hỏi Hải nhận xét sao về Bùi Giáng. Hải có vẻ trầm ngâm giây lâu:

– Ở Việt Nam hiện nay có 3 nhân vật kiệt xuất, thông hiểu và giải mã rành rõi tư tưởng Đông Tây: Ấy là Nhất Hạnh, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Mỗi người có một cõi chơi riêng. Nhất Hạnh thì kính nhi viễn chi” vì ông ta là tu sĩ. Phạm Công Thiện là triết gia duy nhất trên thế giới dám một mình phủi chân bước qua mọi đỉnh cao triết học của nhân loại để trở về với Phật học như chân như thực. Còn Bùi Giáng, cái lão “bán dùi” ấy thì rong chơi tất tần tật tất thảy mọi chân trời…

– Thế còn thơ của ông ta?

– Khó nói! Khen chê hay dỡ gì lão cũng chưởi ráo trọi. Đừng bàn về nghệ thuật thi ca trong thơ của lão. Chỉ là cõi chơi riêng, cõi chơi như thị, thế thôi!
Và bây giờ, đối với Hải, những thi phẩm của Hải, trong tinh thần đó, tôi cũng chỉ cảm nhận chứ không dám bình phê. Tập thơ này cũng vậy, đã là “Gánh nước tưới sông” thì còn gì nữa mà nói! Tại sao?

Vì Hải bảo:

– Giữa vườn tôi đứng nói mê
Âm thanh năm cũ chưa về hay sao?
(Vườn)

Vì Hải bảo:

– Con chim bay ngửa trong dòng lạnh
Con bụi thời gian vỡ nát, ôi!
(Bụi nát)

Vì Hải bảo:

– Chấp hai tay cúi đầu im lặng
Khép lại trang thơ, lửa bập bùng!
(Trang thơ khép lại)

Vì Hải bảo:

– Giữa đời chân đảo chân điên
Bước điên bước đảo huyên thuyên một đời!
(Thằng câm)

Vì Hải bảo:

– Vuốt xuôi trời đất hồ đồ
Vuốt tan nghiệp nguyệt vuốt mờ tồn vong!
(Đưa tay vuốt mắt tà huy)

Và còn rất nhiều sự nhức đau của hiện tồn nữa…

Cuối cùng, đây cũng chỉ là cõi chơi riêng của Hải – cõi chơi như thị! Sau Bùi Giáng, thơ Hải cũng ít có người thâm nhập được, nó chỉ để dành cho thiểu số đã thấy rõ yếu tính của ngôn ngữ và cuộc chơi bi tráng của ngôn ngữ trong không-thời-gian tại thế hữu hạn.

Hãy tạm lấy 4 câu thơ trong bài họa của tôi (1) để nói những điều mà tôi không nói được:

“- Ngựa xuống sông xưa bơi thoải mái!
Cá leo núi cũ lủi lang thang!
Rùa đeo cặp cánh xuyên vô cực!
Thỏ mọc đôi sừng húc nhị nguyên!”

Để kết luận, tôi xin được ghi lại lời của Hải đã chép cho tôi trong bài “Trang thơ khép lại”, năm 1977:

“- Khép lại những Trang Thơ và mở ra những Chân Trời; Chân Trời đồng nghĩa với Ảo Tưởng, nhưng nếu không có những Chân Trời thì cũng chẳng có những Bước Đi; Bước Đi để Nhìn Thấy được rằng Đâu Đâu cũng là Chân Trời, ngay chỗ Đang Đi, hay Nơi Đã Đứng để Bắt Đầu Đi, cũng đích thị là Chân Trời vậy. Mà, chưa bước đi thì khó biết được điều ấy…

– Mưa rơi trên chiếc lá đang rơi…
Hột bụi chiều kia dính đầy bụi…”

Thơ của Hải luôn thường là Cái-Đang-Là…

 

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH