Tôi đọc “Mây khói lang thang” của Nguyệt Đình

10/02/2013 | Chuyên mục: VĂN . 1908 Lượt xem

maykhoilangthangThu! Nỏ có chiếc lá phong đỏ bay về. Mựa có mấy cành lau trắng phất phơ giữa cảnh tiêu sơ, đạm phác. Mà có cái gì đó dập dờn. Dập dờn nước mây thủy mặc. Dập dờn thi tứ phiêu hốt đường bay. Mang mang. Hồn thơ phiêu linh hay là hồn khói sương lờ mờ nhân ảnh? Có cái gì đó lung linh, hoang vu và tĩnh lặng. Chợt… một tiếng quẫy giữa hư vô… Một hạt lửa rơi xuống…

Vậy là tôi đã đọc xong tập thơ “Mây khói lang thang” của Nguyệt Đình, một bút hiệu đã thành danh về thơ cũng như về thư pháp vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Tập thơ nhè nhẹ mà lòng thì nằng nặng… Bởi hắt hiu nỗi buồn thiên cổ? Bởi lác đác cốt cách đường thi? Do thấm đẫm phong vận văn mặc đế kinh? Do hoàng hôn nhân tình và cuộc thế? Và do cả tư duy tuyết sương tuế nguyệt lẫn câu chữ, điển ngữ tinh đọng, lão thành?…
Ôi! Vậy thì rồi – cái gì thoáng bay đi? Cái gì đọng lại? Cái gì còn lang thang mã hóa trong trí nhớ liu lắt dặm mù? Những hình ảnh tụ rồi tan, chìm rồi hiện. Đâu đó một chiếc lá me bay theo cánh buồm hồ hải! Đâu đó là nàng trăng khoác chiếc áo thu! Đâu đó là đốm lửa chài nhấp nhô trên phá bạc! Rồi còn ngôi vườn xưa rêu xanh cổ tích! Rồi mây vàng đỉnh Ngự… gió hiu Cổ tùng! Rồi nào là căng buồm gió, mái chèo trăng! Tiếng sáo trúc đâu đó giữa miên man mây nước! Tiếng rụng của một chiếc lá thông khô! Tiếng chuông chiều rơi giữa cô tịch! Và còn đâu đó là điệu Nam ai, câu Cổ bản… Hình ảnh, màu sắc, âm thanh… pha nhiều dấu tích thời gian, cổ kính, rêu phong… Quê hương trong bóng nhớ dạt dào. Tình yêu giữa ly cách và phôi pha trên đường đời muôn phương ảo hóa. Bằng hữu gặp nhau nơi lữ quán, chân cầu, bến nước, dòng sông… Rồi ai đó là tri âm, là thiết thân bên phương trời lận đận… Nhớ Tùng, Tuy, nhớ Mai trúc, nhớ Thương sơn; nhớ quy khứ lai từ, nhớ chàng Tư mã Tầm Dương! Lại còn nhớ Chu Thần lưỡi kiếm dựng trời xanh; nhớ Phạm rong chơi ngũ hồ, nhớ Trương giép cỏ quay lưng áo tía công hầu!… Thật là thiên cổ nhớ! Chỗ khói, chỗ mây, chỗ nhạt, chỗ đậm, chỗ nồng, chỗ đạm, chỗ gần gũi, chỗ sâu lắng… Đầy đủ cả. Một đời chiêm nghiệm. Đã bạc áo nhân sinh. Đã mòn trăm cây bút trúc. Ngàn đời sắc không là vậy. Nó lắt liu và xa hút. Nó cô liêu và trầm mặc. Nó hạo nhiên và đạm nhiên. Và nhất là, chất hồn, chất thiền bàng bạc trong không gian ảo của tâm linh cổ điển – từ một trái tim quá mẩn cảm, quá yêu thương cuộc đời, quá yêu thương đất thần kinh văn vật – nên đôi khi cũng vi vút, ngạo khí một chút chơi!…

Thở ra, gấp sách lại, tôi không biết nói gì! Bình giảng ư? Khen chê ư? Nói một chiều ư? Nói đa tầng, đa nghĩa ư? Những cái gọi là thi pháp, tu từ, hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật, mỹ học gì gì đó… là những thao tác tư duy, những thẩm luận cần thiết để cho thơ được gọi là thơ. Các nhà phê bình văn học người ta nói thế! Tuy nhiên, tôi sẽ không làm việc ấy. Vì chúng chính là những khái niệm khô rỗng của vỏ não. Vì chúng chính là những lập định phạm trù của lý trí phân tích lạnh lùng và mệt mỏi. Hoa nở không cần công phu và kỹ xảo. Và vầng trăng sáng kia đâu cần tuyên ngôn vị nghệ thuật hay vị nhân sinh!
Tôi chỉ đọc, lắng nghe và cảm nhận.

Nguyệt Đình là vậy. Thơ Nguyệt Đình là vậy. Như hơi thở. Như khí trời. Vài nơi là dấu chân trên cát. Đôi nơi là tượng mây giữa trời. Thỉnh thoảng cũng “ký xuất vô thủ chi”! Hãy đi vào hồn thơ ấy. Nó là tiếng lòng. Là cảm nghiệm riêng tư, cô đơn, cô tịch. Đừng nói bội lý, đừng nói phi lý. Thơ nó có quyền hơn cả thượng đế. Nên đá có thể vễnh tai nghe. Nên trái đất có thể ngâm thành hồ rượu. Bởi trong không gian tâm linh thơ, tia nắng sớm cũng lung linh đa cảm, giọt sương chiều cũng man mác trầm tư… Mối mỗi… tâm cảnh tương quan trùng trùng duyên khởi; duyên khởi khí, duyên khởi tình, duyên khởi tứ, duyên khởi văn… Những cảm xúc tế vi, mong manh dễ nứt vỡ ấy – nó làm ra thơ. Và nó chính là thơ!

 

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH