TÌM HIỂU PHẬT GIÁO – Chương I: Tôn Giáo

13/05/2017 | Chuyên mục: VĂN . 5960 Lượt xem

timhieupgTÔN GIÁO

Xã hội là một đoàn thể nhiều người sống chung với nhau, có nhiều liên quan mật thiết về ý chí, hành động, tư tưởng, cũng như các giá trị và lợi lộc cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng.

Từ xưa, môn học về xã hội hầu như bị con người lãng quên nên không có trong chương trình ở các giảng đường đại học. Về sau, do gặp phải nỗi kinh hoàng qua hai trận thế chiến, người ta mới bắt đầu quan tâm nghiên cứu đến vấn đề xã hội, từ đó, môn học về xã hội ngày càng phát triển rộng khắp, nhất là các nước Âu, Mỹ. Nó có tên là Sociologie – Xã hội học.

Con người sanh ra trong thế gian nầy, ai cũng phải sống chung với nhau, chỉ cần một nhóm nhỏ thì đã hình thành một xã hội rồi. Và ai cũng cần những nhu cầu cần thiết để sống, để tồn tại, đấy là vật thực, y phục, thuốc men và chỗ cư ngụ. Bốn nhu cầu nầy nhà Phật gọi là “tứ vật dụng”.

Tuy nhiên, bốn món vật dụng nhu yếu kia có thật sự đầy đủ cho đời sống của một con người được định nghĩa là vật tối linh trong vũ trụ hay chưa? Xin thưa, vẫn chưa đủ. Vì rằng, chúng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu cần yếu của thân thể, nhưng còn tinh thần thì sao? Nó cũng có món ăn cho riêng của nó chứ? Vậy, con người muốn có được an vui, hạnh phúc thì nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần đều phải được đáp ứng đầy đủ. Nhu cầu tinh thần ấy có thể là đạo đức, là luân lý, là những nền tảng tư tưởng có giá trị hướng thiện, hướng thượng vậy.

Vơi cái nhìn toàn diện và toàn vẹn hơn, các bậc thức giả lại nói là con người cần phải có ba nhu cầu:

1- Nhu cầu thể chất (Physical need): Bốn món vật dụng kể trên.

2- Nhu cầu xã hội (Social need): Là tạo cho xã hội được điều hòa, trật tự; có sự tương giao, ứng xử phải lẽ giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tập thể, giữa dân tộc nầy và dân tộc khác. Và làm thế nào để mọi người vẫn giữ được quyền lợi của mình mà không đụng chạm đến quyền lợi của người khác, tránh xung đột, chiến tranh.

3- Nhu cầu tinh thần (Spiritual need): Là đạo đức, là luân lý lễ giáo đã được thiết định giữa các nhóm xã hội, các dân tộc. Theo Phật giáo thì nó là nội hàm các giá trị tinh thần như hiểu biết, thương yêu, có giới hạnh, có tâm từ ái; tránh xa giết hại, oán trái, hận thù; xem tất cả chúng sanh đều như là người thân thuộc.

Nhu cầu thứ ba nầy – các giá trị tinh thần – đều có mặt trong các tôn giáo tuy nội dung phẩm chất có sai khác ít nhiều; chỉ riêng Phật giáo là đầy đủ nhất, khả dĩ mang lại an vui và hạnh phúc thật sự cho con người

Vậy, giữa các tôn giáo hiện nay và Phật giáo, có sự giống nhau, khác nhau như thế nào? Muốn hiểu rõ điều này để đưa đến một tỷ giảo, so sánh tương thích thì chúng ta thử tìm hiểu xem tôn giáo là gì?

 

Tôn giáo là gì?

Danh từ Religion phát xuất từ phương Tây, Việt dịch là tôn giáo; nó khá xa lạ với con nhà Phật vì Phật giáo không phải là tôn giáo. Không những thế, mà những danh từ được du nhập từ phương Tây như Doctrine, như Philosophy, Ethic… cũng không áp dụng được cho Phật giáo.

Chúng ta hãy khảo sát từng từ một.

*Religion (tôn giáo) có hai học giả đã định nghĩa như sau:

– Religion phát sanh từ “leg” có nghĩa là nhận lãnh, thừa hành hoặc cùng hội họp lại. Có nghĩa rộng là nhận lãnh hiện tượng nào có liên quan với đấng Chúa Tể để thừa hành theo. Nói cách khác là thừa hành theo lời mặc khải(1) của một đấng Chúa Tể.

– Religion phát xuất từ “lig”, có nghĩa là liên quan hay cột dính vào. Nghĩa rộng là sự liên quan giữa con người và đấng Thiêng Liêng. Nói rõ hơn, đây là sự liên quan về tinh thần giữa con người và đấng Thiêng Liêng.

Cả hai định nghĩa trên là của hai học giả người La Mã (Roman), là ông Cicego và ông Servius được tìm thấy trong quyển “ The World’s Religion” của C.Braden.

Như vậy, religion được người phương Tây sử dụng đều có ý nghĩa là “sự giao phó đức tin của mình cho một đấng Thiêng Liêng”, tức là Chúa vậy. Về sau, từ tôn giáo được triển khai rộng rãi hơn, nội hàm cả 4 điều thuộc về đức tin mặc khải sau đây:

1- Tin chắc rằng: Chúa là người tạo ra thế gian này cùng với vạn vật, sinh loại.

2- Chúa ban bố những lời dạy được chép lại trong Thánh kinh.

3- Tất cả chỉ được phép tin tưởng mà không được quyền tra hỏi, nghi ngờ hay chất vấn. Chỉ tin theo những lời giảng giải của đấng Cứu Thế thôi, vì ngài là bậc có quyền uy linh thiêng; con người và vạn vật phải đặt đức tin tuyệt đối.

4- Tín đồ, tín hữu theo tôn giáo, bắt buộc phải tự mình phát nguyện giao phó sang mạng cùng mọi việc làm liên quan đến bản thân của mình cho Chúa; và phải hết lòng yêu thương Chúa.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tôn giáo học họ bảo rằng, phải có 4 điều kiện cần và đủ sau đây mới có thể gọi là một tôn giáo chơn chính:

1- Có thể tin tưởng được là nơi để ta đến lễ bái cúng dường mà người thời xưa đã tạo ra còn truyền lưu đến hôm nay.

2- Lời giáo huấn ấy phải phù hợp với luân lý, lễ giáo thế gian; và còn có một kỷ luật về đức hạnh thế nào đó để mọi người hành theo, nhờ vậy, đem lợi ích cho mình và cho cuộc đời.

3- Phải có một đấng Khai Hóa religion (tôn giáo) ấy rõ ràng và phải có sách sử ghi lại một cách rõ ràng.

4- Phải có người thực hành đúng theo khuôn khổ của các bậc Khai Hóa ấy.

Đây mới thật là religion (tôn giáo).

“Việt Nam tự điển” của Thanh Nghị cắt nghĩa danh từ religion, tôn giáo là: “Giáo lý của một giáo phái lấy sự thờ cúng thần linh làm chủ đích”.

Nếu tôn giáo với một số nội dung, ngữ nghĩa như thế thì Phật giáo đâu phải là tôn giáo? Ngoại trừ một vài điều có liên hệ đến Phật giáo, còn đa phần nó chỉ thích hợp với các tôn giáo trên toàn cầu hiện nay như Bà-la-môn giáo (Hindu), Thiên chúa giáo, Hồi giáo… mà thôi. Các tôn giáo kể trên, khi bắt đầu xin làm tín đồ thì phải tin tưởng vào một đấng Thiêng Liêng tối cao tạo ra quả địa cầu và vạn vật; phải tin chắc lời giáo huấn của ông Chúa Tể ấy là khuôn vàng thước ngọc, bất khả tư nghì.

Tóm lại, danh từ religion của người phương Tây là: Phải tỏ lòng kính thành, sự tin tưởng, kinh sợ bậc tối cao là đấng Thiêng Liêng hay là vị Chúa Tể có oai đức trên tất cả vạn vật.

Riêng Phật giáo có một đường lối khác hẳn hơn religion (tôn giáo) của người phương Tây. Phật giáo hay đạo Phật chỉ có ý nghĩa đơn thuần là lời giáo huấn của đấng đã hoàn toàn Giác Ngộ được gọi là Phật. Còn có nghĩa rộng hơn nữa là: Đường lối tự tin lấy bản thân mình, tự hành để đến nơi hoàn toàn giải thoát, có ý nói là tự giác, giác tha. Phải tự mình bỏ dữ về lành, sửa tâm lương thiện, chớ không có nhờ một tha lực nào hết.

Như vậy, Phật giáo có ý nghĩa hầu như tương phản với danh từ religion bởi những điểm sau đây:

1- Không tin tưởng riêng một đấng Thiêng Liêng nào, nhưng tin ở “nghiệp” là nguyên nhân đưa con người đi tái sanh tùy theo người đã tạo ra nghiệp ấy.

2- Không tin nơi lời nào gọi là do đấng Thiêng Liêng hay tạo hóa nói ra mà không đủ bằng cớ. Ngay chính khi có người bảo rằng: Đây là Phật ngôn nhưng không đủ lý do là lời Phật thì cũng được quyền không tin và cật vấn cho ra lẽ.

3- Trong bài kinh Kālāma có dạy: Người đệ tử Phật chân chánh không thể tin một chuyện gì không đủ lý do, luôn luôn dùng trí tuệ để tham cứu cho rõ rệt. Lắm kẻ lợi dụng lời nói để bịa ra là Phật ngôn (Xin xem đoạn sau, nói rõ những lý do nào thật là Phật ngôn và không phải Phật ngôn).

4- Người muốn làm đệ tử Phật không bị bắt buộc là phải thệ nguyện không bỏ đạo, không nghe được lời giảng dạy người nào khác. Người tu Phật có quyền bỏ Phật giáo theo tôn giáo hay một triết lý nào cũng được, khi mà nghe thấy Phật giáo không phải là con đường giải thoát. Và khi ăn năn biết rõ mình lầm đường vẫn trở lại được không chi trở ngại.

*Doctrine, theo “tự điển Anh Việt” của Nguyễn Văn Khôn có nghĩa là lý thuyết, chủ nghĩa… Theo “tự điển Việt Nam” thì Thanh Nghị giải là “Cái cốt ý chủ trương riêng của một học phái, một hệ tư tưởng nào về phương diện triết học”. Và theo tự điển “Oxford” cũng lấy theo nghĩa học thuyết, chủ thuyết tương tự như trên.

Vậy, lý thuyết, chủ nghĩa, chủ thuyết, học thuyết chỉ để gọi tên một quan niệm, một chủ trương, một trường phái triết học nào đó được hình thành trong một giai đoạn xã hội nào đó. Ví dụ chủ nghĩa Marx, chủ thuyết Truman, học thuyết kinh tế… Vậy, danh từ doctrine cũng không liên hệ đến tôn giáo, lại càng không liên hệ đến Phật giáo.

*Philosophy, danh từ này tự điển nào cũng định nghĩa là triết học. Tuy nhiên, nguồn gốc của nó phát xuất từ tiếng Hy Lạp: Philosophia, theo nghĩa đen là “tình yêu trí tuệ”, do từ “philein” là yêu thích và “sophia” là trí tuệ.

Từ nghĩa từ nguyên như thế, sau này, triết học là một bộ môn nghiên cứu về các sự vật cùng các hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhằm tìm ra các quy luật của các đối tượng nghiên cứu. Mục đích của triết học là giải quyết các vấn đề cơ bản của bản thể luận và nhận thức luận. Từ thời cổ đại đến nay, trên thế giới, người ta phân chia ra nhiều hệ thống triết học:

– Triết học Hy Lạp – La Mã
– Triết học Ba Tư
– Triết học Ấn Độ
– Triết học Trung Quốc
– Triết học Tây phương hiện đại…

Dù với trường phái nào trong các hệ thống triết học thì dụng cụ tìm kiếm chân lý của họ là suy luận hoặc là kiến giải của trí năng nên bao giờ cũng chỉ có giá trị cục bộ, phiến diện như chuyện năm người mù sờ voi. Triết học thường chia manh, xẻ mún thực tại để làm đối tượng nghiên cứu cho mình, sau đó đẻ ra những cái… ví dụ như duy danh, duy lý, duy tâm, duy vật, duy nghiệm, duy thực, duy mỹ… Đạo Phật là cái thấy biết toàn bộ cuộc đời, “toàn bộ thực tại con voi” nên không rơi vào bất kỳ một cái “duy” nào cả, một chấp kiến nào cả. Thấy biết được như vậy, thì danh từ phylosophy, triết học, không áp dụng cho hệ thống tư tưởng giác ngộ, giải thoát của đạo Phật được.

*Ethic, có gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là èthos, sau bổ sung bằng tiếng La Tinh mà thành ethica; và cũng từ danh từ ethica này mà ethic có nghĩa là luân lý học hay đạo đức học. Còn nếu gốc của La Tinh là mos, moris, moralis thì cũng tương tự như trên.

Tuy nhiên, hai từ này về mặt từ nguyên học, nó có cùng một nghĩa: Nơi ở, chỗ ở chung, phong tục, luân lý… Rồi dần dần chúng được bổ sung thêm nghĩa: Thói quen, tính khí, tính cách, lối suy nghĩ…

Vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, triết gia Aristotle dùng để chỉ ngành đạo đức học thông dụng cho đến ngày nay. Trải qua hơn hai ngàn năm, bộ môn ethic (đạo đức học, luân lý học) này còn nghiên cứu về dân tộc học, tâm lý học, xã hội học, giáo dục học nữa.

Đạo đức học cũng có các trường phái. Chúng ta có thể tìm thấy chúng trong triết học của Platon, Aristotle, Kant, Khổng, Mạnh, Lão, Tuân Tử…

Và nếu ethic, luân lý học, đạo đức học như thế thì nó có thể gần gũi với đời sống có kỹ luật, có giới hạnh của một người tu Phật mà thôi.

Nói tóm lại, những danh từ religion (tôn giáo), doctrine (học thuyết), philosophy (triết lý), ethic (đạo đức học) chỉ tương hợp một vài nơi, nội dung của nó không đủ đại biểu cho toàn bộ Phật giáo vậy.

 

Lý do có tôn giáo

Sở dĩ có tôn giáo là do tâm thức con người chưa phát triển, cảm thấy sợ hãi những năng lực, thế lực “huyền bí” của tự nhiên, thiên nhiên mà phát sanh những tin tưởng sơ khai, mù quáng. Từ cơ sở này, con người phụng thờ, lễ bái do kính sợ các thế lực xung quanh, truyền từ đời này sang đời khác, lòng tin tôn giáo ấy cũng đi theo đà tiến triển của xã hội mà thay đổi.

Sau nầy có nhiều vị trí thức học giả sưu tầm và khảo cứu thấy lý do phát sanh tôn giáo, chia ra làm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất

Được chia ra năm thời kỳ, đi theo sự tiến hóa của nhân loại

1- Sự tin tưởng ở thiên nhiên (Animatism).

Trên thế giới nầy có hai phần là nhân và vật có thức tánh (chúng sanh hữu tình) và không có thức tánh (chúng sanh vô tình). Theo lịch sử mà nói thì khi con người sanh ra trong thời kỳ hoang dã, họ không giải thích được những hiện tượng tự nhiên như sáng tối, lạnh nóng, sấm chớp, bão dông, mưa gió…của trời đất. Vì bị hoàn cảnh thiên nhiên bên ngoài chi phối như thế nên khi thời tiết thay đổi thất thường sinh bị bệnh tật, đau ốm thì họ khấn trời, khấn đất! Họ nghĩ rằng, thiên nhiên huyền bí ấy có rất nhiều uy lực và quyền lực có thể tước đoạt mạng sống của họ. Thế là họ cùng nhau lập ra một nơi chốn nào đó để thờ phụng, để tỏ lòng tôn kính và cầu xin những năng lực huyền bí kia giúp cho họ được an vui, mạnh khỏe. Hình thức tôn giáo sơ khai này được gọi là Animatism: Sự tin tưởng ở thiên nhiên.

2- Tin tưởng tôn sùng thần linh (Animism)

Con người nhờ tiến hóa lần lần, do tâm thức phát triển nên họ bắt đầu biết suy nghĩ hơn một tí: “Sáng tối, nóng lạnh, ngày đêm, mưa nắng, dông bão, sấm chớp… chắc là do oai lực của những vị thần chi phối; họ có khả năng ban thưởng hoặc trừng trị tất thảy mọi loài mọi vật, đem an lành cho người này, đau khổ cho người kia”. Từ suy nghĩ ấy, họ bắt đầu phụng thờ các đấng thần linh (spirit).

Sự tin tưởng thần linh nầy chúng ta có thể chia ra làm ba phần khác nhau:

– Tin rằng vạn vật đều có thần linh “spirit” ứng bên trong.

– Tin rằng “spirit”, thần linh ấy có quyền thưởng phạt con người. Và con người không thể nhận thấy những “spirit”, thần linh ấy bằng mắt được. Thật ra nó có hình dạng, nếu khi nào muốn cho thấy thì ứng hiện ra rõ rệt.

– Mặc dầu không thấy được nhưng đã có ứng hiện ra cho con người thấy, theo đó mới vẽ hình và nắn tượng để phụng thờ được.

Đây là những lý do làm cho con người trong xã hội thời ấy tin tưởng thờ phụng. Nên các nhà học giả trí thức gọi tên chung là là thần giáo (animism). Danh từ animism do nơi gốc của tiếng La Tinh là animus, đồng nghĩa với danh từ soul (linh hồn) hay spirit (tinh thần, thần linh) trong tiếng Anh.

3- Tin tưởng nhiều vị thần linh (Polytheism).

Người thời ấy tin tưởng những hình ảnh nào thì tự mình nắn tượng hay vẽ hình để tôn thờ tùy theo lý trí và tình cảm của mình. Nhiều người trong một xã hội, nhờ quan niệm khác nhau, đức tin khác nhau, cách thức tôn sùng khác nhau nên họ nắn tượng, vẽ hình khác nhau – rồi đem đến thờ chung một chỗ, trở thành thờ thần tập thể. Họ cùng tin tất cả các vị thần linh (polytheism), được gọi là đa thần.

4- Chỉ tin tưởng một vị thần duy nhất(1)(Henotheism) trong một nhóm (hay trong xã hội nhỏ).

Mặc dầu thời ấy sùng bái nhiều vị thần linh, nhưng mỗi vị đều có quyền hạn và phép mầu khác nhau. Vì vậy nên mỗi bộ lạc do nơi vị tù trưởng cầm đầu sùng bái thế nào thì người trong bộ lạc ấy phải thực hành theo lễ nghi hay sự tôn sùng theo ý của vị tù trưởng.

Khi xưa xứ Do Thái, trước Moset, ra mười điều cấm (ten commandment), mỗi bộ lạc người Israel sùng bái riêng một vị thần linh. Trong xứ Hy Lạp (Greec), thời kỳ thánh John đem Thiên chúa giáo đến truyền bá vẫn còn mỗi nơi sùng bái một vị thần linh khác nhau.

Thời xưa xứ Ấn Độ mỗi một bộ lạc cũng sùng bái một vị thần linh khác nhau tùy theo giai cấp và sự tin tưởng khác nhau của họ. Sự tôn sùng như vậy được gọi là Henotheism; cũng vì sự tôn sùng như thế nên mới có sanh thêm một giáo phái nữa được gọi là Monotheism (nhất thần giáo), phái này truyền bá rất mạnh.

Nhất thần giáo (Monotheism), nghĩa là sự tôn sùng, lễ bái riêng chỉ độc nhất một vị thần linh mà thôi. Giáo lý mặc khải của họ bảo rằng: “Chỉ có một đấng Tối Cao có uy quyền tuyệt đối. Ngài tạo ra vạn vật. Ngài buộc cả vạn vật phải tùy theo ý chí ngài sắp xếp, định đoạt. Ngài là đấng Cao Quý nhất, ngài có đầy đủ lòng từ ái nên cai quản và yêu thương nhân loại”.

Sự truyền bá mười điều cấm của Yohova Moset hay của Mahamet càng ngày càng truyền bá sâu rộng; đây là nguyên nhân làm cho con người càng ngày càng có ý tưởng sùng bái các tôn giáo, cụ thể là nhất thần giáo như Thiên chúa giáo, Hồi giáo.

Giai đoạn thứ nhì: Sự cúng tế.

Nguyên nhân của sự cúng tế thời ấy chỉ cho ta thấy rằng: Vì họ kém sáng suốt chưa thông rõ về thời tiết và thiên nhiên của vũ trụ chẳng hạn như bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt… Người thời ấy bị những tai nạn như vậy tưởng lầm là do sự trừng phạt của thần linh, nên họ lập ra sự cúng tế tùy theo quan niệm, ý tưởng của mình.

Vật cúng tế thường là cái gì trân quý nhất. Cái gì mình trân quý thì có lẽ thần linh cũng trân quý. Do quan niệm vậy nên họ thường cúng gái đẹp đồng trinh, đồng nam, đồng nữ… Còn nếu là nhu dụng hằng ngày như vật thực, chỗ ở, áo quần… họ cũng sửa soạn đâu đó rất là tươm tất và chu đáo, hy vọng thần linh hài lòng mà đem đến bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho họ.

Giai đoạn thứ ba: Cúng dường tổ tiên

Sự cúng dường đến tổ tiên cũng là một việc làm quan trọng của người thời xưa. Sở dĩ biết được như vậy là nhờ vào khoa khảo cổ học, họ đã đào được nhiều lăng mộ và tìm thấy nhiều cổ vật nằm bên cạnh những bộ xương ướp thuốc hoặc hóa chất được bảo vệ rất công phu. Ngoài vàng bạc, kim cương, châu báu ra, người ta còn tìm thấy những vật dụng quen thuộc như dao, búa, cung tên, và kể cả vật sở hữu thường dùng của người chết. Đây là những cổ vật rất quý báu để các nhà nghiên cứu có thể tìm ra niên đại, di chí lịch sử nói lên đời sống văn hóa của một thời.

Và sự cúng dường tổ tiên này, phải chăng cũng là một nguyên nhân để có thêm hình thức của một tôn giáo, tín ngưỡng nữa?

Bây giờ ta thử đặt câu hỏi: “Tại sao người thời xưa lại cúng dường các đấng tiền nhân, tổ tiên của họ?”

Đáp: “Vì người xưa tin tưởng rằng: Người tuy đã chết nhưng linh hồn không bao giờ tiêu hoại. Linh hồn ấy cứ lang thang vất vưởng trên đời nầy để trông nom phù hộ cho con cháu”.

Có đôi khi người thời ấy tin rằng: Một thời kỳ nào đó linh hồn ấy phải trở về với thi hài cũ. Nên người thời ấy phải ướp xác để dành cho người chết trở về.

Sự cúng dường ấy có thể nằm trong hai lý do:

1. Vì cung kính, thương yêu mà cũng kính sợ linh hồn ấy ám hại; và một lẽ nữa, đơn thuần chỉ là sự biết ơn chăng?
2. Vì sự kính trọng như vậy nên người chết được tẩm liệm công phu, đám tang được cử hành trọng thể, linh đình; và ướp xác chôn cất cũng rất cẩn trọng.

Giai đoạn thứ tư: Chuyện thần thoại

Như chúng ta biết thời nào cũng có rất nhiều tôn giáo. Chúng ta nên quan tâm coi vì lý do nào? Vì người đời thường đặt ra chuyện thần thoại ca tụng một vị thần linh nào đó làm cho người tin tưởng theo, vị thần linh ấy gọi là Mythology. Câu chuyện thần thoại thì nước nào cũng có, dân tộc nào cũng có nhưng nhiều nhất là Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, Ả Rập, Trung Hoa… Sự thật, chuyện thần thoại là chuyện ít có sự thật nếu không muốn nói là không có. Đa phần chúng chính là ước mơ của con người được chắp cánh bay lên cao, ly thoát khỏi đời sống hiện thực bởi những đau khổ tại thế. Nhờ các vị thần được thêu dệt trong những huyền thoại mà con người an tâm hơn do được chở che, bảo vệ, đáp ứng cho họ những nguyện ước, mong cầu thầm kín…

Chung quy, những chuyện thần thoại ấy có phải chăng cốt ý làm cho người ta tin là có thật? Và lạ lùng làm sao, chuyện càng huyền bí, càng có nhiều người tin tưởng theo.

Có rất nhiều tôn giáo được hình thành như thế, người ta tin như thế và phụng thờ như thế – là do kiến thức và trí năng của con người chưa phát triển đầy đủ? Nói cách khác, do còn tin tưởng mù quáng nên phát sanh nhiều tôn giáo, tín ngưỡng như vậy? Có thể nó có hai lý do:

1- Vì sự thiếu sáng suốt nên không nhận định thấy rõ những định luật tự nhiên của vũ trụ. Như người Ấn Độ khi xưa không hiểu rõ dòng sông Gaṅgā (sông Hằng) phát nguyên từ đâu. Lại tin là dòng sông thánh phát nguyên từ cõi trời, do một vị thần có oai quyền tối thượng tên là Isavara ban bố cho chúng sanh có nước mà dùng.
Cũng như người Ai Cập khi xưa, không nhận định được rõ rệt dòng sông Nill phát nguyên từ đâu đến, mà tin rằng dòng sông ấy là dòng lệ của bà Eilis than khóc chồng bà là ông Osiris.

2- Sự kinh sợ, nghĩa là người kinh sợ những sự đe dọa của thiên nhiên bên ngoài như sấm sét, bão tố…nên lập ra đền thờ các thần ấy.

Giai đoạn thứ năm.

Giai đoạn nầy, con người đã tiến bộ về kiến thức cũng như trí năng nên họ đã gia công tìm hiểu về thiên nhiên bên ngoài, thấy rõ sự vận hành, luân chuyển của vạn hữu mà sinh ra hiện tượng này, hiện tượng kia. Những lầm lẫn, mù quáng đã bớt đi nhiều. Đây chính là giái đoạn mà nhân loại phát triển nhiều bộ môn khoa học. Nói như thế không có nghĩa là ngày nay người ta không còn tắm nước sông Hằng để rửa tội! Không có nghĩa là các tôn giáo nhất thần và đa thần không còn tồn tại trên thế gian. Và dân tộc này, dân tộc kia vẫn còn phụng thờ, cúng tế những vị thần rất là thần thoại vậy.

 

Lý do có Phật giáo

Như đã giải trước, Phật giáo không phải là Religion (Tôn giáo), không phải Doctrine (Học thuyết), không phải Philosophy (Triết học), Ethic (Luân lý học) của Tây phương.

Phật giáo là lời giảng giải của một vị vĩ nhân đã tìm ra lối thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Ngài là đấng Toàn Giác, ngài chỉ con đường cho chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi.

Nội dung quyển sách nầy tôi không nói đến các tôn giáo khác mà chỉ nói riêng về chân lý hay con dường đi đến nơi hoàn toàn giải thoát của đức Phật đã khẩu truyền.

Trước khi muốn nói đến chân lý của đức Phật, tưởng cũng nên nhắc sơ qua lịch sử của ngài, lần lượt đến chân lý mà ngài đã tìm thấy dưới cội Bồ-đề.

Đức Phật Tổ Cồ Đàm, thường hay được người Việt chúng ta gọi là đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật không phải là một đấng Thiêng Liêng hoặc một thần linh để người khấn vái, van xin cứu độ hay độ trì. Hoặc là do nơi sự tưởng tượng của một số người tạo ra, để người đời cúng tế cầu phước, cầu tài lộc. Ngài cũng chẳng phải là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế nào, lãnh lệnh sanh xuống để cứu độ nhân sanh; mà cũng chẳng có một vị thánh, thần nào nhập vào ngài để nhờ cái thể xác của ngài đi truyền đạo.

Đức Phật chính là một người bằng xương bằng thịt có cha mẹ thai sinh như chúng ta. Ngài chỉ có khác hơn chúng ta là ngài là một vị hoàng tử, và sau này là một vị Đế Vương, ngài nhìn thấy cái khổ của sự sanh, tử luân hồi mà từ bỏ ngai vàng và tất cả những gì mà người đời muốn và chưa được. Sau đó, ngài đắc được quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác.

Ngài nhận thấy nhơn sinh khổ não, vì miếng mồi danh lợi nên Ngài mới mở đạo dạy đời. Sau nầy ngài là một đấng Giáo Chủ của những giáo chủ vĩ đại nhất trên trần gian.

 

MAHĀ THONGKHAM MEDHIVONGS

Hiệu chính: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH