Sống trong thực tại

09/11/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 18576 Lượt xem

Lời cuối sách

 

 

Toàn bộ 9 bài giảng trong khóa thiền 10 ngày dành cho doanh nhân năm 2007 được ghi trên đây có thể tóm lại trong nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha. Sở dĩ gọi là nguyên lý vì trong đó không đưa ra một phương pháp chế định nào phải nỗ lực tu luyện để đạt được điểm đến như ý ở tương lai, mà chỉ cần thấy ra lẽ thật và sống đúng với lẽ thật ngay trong thực tại ở đây và bây giờ.

Lẽ thật tức thực tánh pháp vốn tự nó là chân đế, nhưng bị cái ta ảo tưởng tập nhiễm lâu đời chiếm dụng thành thế giới tục đế của riêng nó. Và qua tầm nhìn chủ quan của nó mà thế giới xung quanh được thấy như là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Từ đó, đời sống tự nhiên trong sáng của sự tương giao căn-trần-thức bị quên lãng mà thay vào đó là mối quan hệ thân-tâm-cảnh giữa cái ta này với cái ta khác, giữa cái ta với thế giới xung quanh qua quy trình tiếp xúc (sắc), cảm nhận (thọ), tri nhận (tưởng), phản ứng (hành) và kinh nghiệm (thức) gọi là ngũ uẩn. Cái ta hình thành ngũ uẩn, và sử dụng ngũ uẩn như là công cụ phát triển chính nó, trong đó hành là khâu nòng cốt biểu hiện rõ nét nhất phản ứng chủ quan của cái ta ảo tưởng. Hành phản ứng và tạo tác để cố gắng thỏa mãn ước vọng trở thành trạng thái như ý của cái ta, nên nó là nhân tố hay động lực tạo ra luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.

Vậy chấm dứt khổ đau không phải là nỗ lực hoàn thiện bản ngã mà chính là chấm dứt cái ta ảo tưởng cùng với năm uẩn mà nó dàn dựng lên như ngôi nhà của nó. Cốt lõi 9 bài giảng trong khóa thiền chính là: Buông cái ta lăng xăng tạo tác (Chương 1), để trở về với thực tại (Chương 2), thấy ra pháp tánh chân đế (Chương 3), nhờ đó có suy nghĩ chân thực (Chương 4), không còn buông lung theo cái ta ảo tưởng (Chương 5), nên có đủ khả năng đối diện và đón nhận mọi nghịch cảnh (Chương 6) mà vẫn hành xử nghiêm minh chính trực (Chương 7) với một nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng (Chương 8). Đó là những gì cốt lõi nhất của Giáo Pháp đức Phật được đề cập trong Bát Chánh Đạo. Mặt khác để nhấn mạnh tính chất đặc thù của nguyên lý buông bỏ cái ta ảo tưởng, đức Phật còn dạy 10 thái độ buông hoàn hảo nhất (Chương 9) để ngay đó thấy ra bờ giác, chứ không cần tìm kiếm đâu xa.

Chân thành chúc quý bạn thấy ra chân lý vốn đã rốt ráo nơi chính mình.