Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt (Tập 6)

14/02/2013 | Chuyên mục: SÁCH . 47557 Lượt xem

Chuyện Cô Sirimā

 

 

Cô kỹ nữ Sirimā sau khi đắc quả Nhập Lưu, không những cô đã hoàn lương mà còn thu xếp đời mình để sống theo giáo pháp một cách rất thuần thục nữa.

Mùa an cư mãn hạ đã lâu, sợ đức Phật và chư tăng không biết sẽ tản mác ra đi du hóa lúc nào, nên nàng đến Trúc Lâm thưa bạch với đại đức Mahāpaṅthaka xin mỗi ngày được đặt bát cúng dường tám vị tỳ-khưu tại tư gia.

Thế là, nàng trích mười sáu đồng tiền vàng mỗi ngày, sắm sanh vật thực với những món cứng mềm thượng vị rất chu đáo. Sau khi chư tỳ-khưu thọ thực tại chỗ xong, nàng còn tận tay, khi thì sữa chua, khi thì sữa tươi sớt đầy bát cho các vị nữa, nhiều đến nỗi ba bốn người dùng phi thời có lẽ cũng không hết.

Hôm nọ, có một vị đại đức, sau khi độ thực xong ở nhà nàng, ông du hành đi đến một nơi xa, cách thành phố chừng ba bốn do-tuần rồi ngụ tại một tịnh xá trong làng.

Trong lúc rảnh rỗi, chư tỳ-khưu tại trú xứ thăm hỏi sức khỏe của đức Thế Tôn, sau đó hỏi han đời sống tứ sự ở Trúc Lâm giờ ra sao; và riêng đại đức thì đi trì bình ở đâu, có đủ cứng mềm, ngon bổ không.

Vị đại đức thành thật đáp:

– Khỏi nói! Tại Trúc Lâm, khi nào có đức Đạo Sư thì tứ sự sung mãn, không hề thiếu thốn thứ gì.

– Đúng là vậy rồi! Còn nếu đi trì bình trong kinh thành thì lúc này như thế nào?

– Nơi nào cũng tạm đủ. Ngày nào cũng đủ no lòng. Tuy nhiên, có những lúc gặp những thí chủ đặc biệt.

– Đặc biệt ra làm sao?

– Ví như lúc nào họ cũng cúng dường thượng vị. Ví như lúc nào, họ cũng cúng dường thêm thức ăn phi thời như mật, đường, sữa tươi, sữa chua cả một bát đầy!

– Lúc nào cũng thế sao?

– Ừ! Đúng vậy! Có một nữ thí chủ đặc biệt hình như lúc nào cũng thế! Tròn vành vạnh. Lại còn biết cách cúng dường như lễ độ, khéo léo. Lại còn ngôn ngữ dịu dàng, khả ái. Lại còn nụ cười duyên dáng làm cho ai cũng thấy mê, thấy mệt!

Có một vị tỳ-khưu trẻ nghe kể vậy, lần tới một bên, xen vào một câu góp chuyện:

– Vì thấy mê, thấy mệt nên đại đức bỏ trốn từ đó về đây phải chăng?

– Không dám thế đâu! Nhưng quả thật là tôi đã thấy nguy hiểm thật đấy!

Một vị hỏi:

– Nữ gia chủ ấy đẹp lắm sao?

– Dĩ nhiên rồi! Đệ nhất kinh thành đấy!

Thêm sau câu chuyện kể, vị đại đức vô tâm còn cho biết là không phải ai cũng tùy tiện đến tư gia cô ấy để khất thực được đâu. Tịnh xá Trúc Lâm được điều hành quy củ đâu ra đó. Tư gia cô gái kia mỗi ngày chỉ thỉnh tám vị, không dễ gì đến phiên mình đâu. Nhưng nếu ai biết cách, đi thật sớm, khi mặt trời vừa lên là có mặt ở phòng phát thẻ rồi. Tám vị tỳ-khưu đầu tiên sẽ được vị đại đức tri sự trao cho tám thẻ tre ưu tiên đến nhà cô ấy.

Họ thắc mắc:

– Thế chư vị trưởng lão, họ đến sau, không có thẻ ưu tiên sao? Và nếu nhiều vị muốn đi, không phát sanh việc mất trật tự sao?

Vị đại đức cười:

– Chúng ta là phàm tăng nên mới đưa ra những câu hỏi ngây ngô và tầm thường như vậy. Từ khi mấy ông sư cứng đầu, lộn xộn bị chư trưởng lão tẩn xuất đi rồi thì Trúc Lâm rất bình yên, không có chuyện tranh trước, tranh sau đâu. Còn chư vị trưởng lão thì không bao giờ đến phòng phát thẻ, ngoại trừ có yêu cầu; và quý ngài cũng không cần bất cứ một ưu tiên nào cả. Quý ngài thọ dụng đâu cũng được, ngon dở, bổ béo gì, các ngài có để tâm đâu!

Chư tỳ-khưu nghe xong, một vị nói:

– Đúng vậy! Chư trưởng lão là tấm gương cho chúng ta. Trường hợp là tôi, nếu cô ta dịu dàng, khả ái như thế, tôi cũng sẽ trốn chạy như đại đức vậy.

Riêng vị tỳ-khưu trẻ mới nghe qua chuyện cô nữ chủ, tuy chưa biết mặt mũi ra sao, trong tâm mình đã cảm nghe xao xuyến, trái tim mình đã đập rộn trong lồng ngực. Không nói với ai, ông lặng lẽ thu dọn chỗ ở, ôm y bát bộ hành ngay về Trúc Lâm tịnh xá trong đêm ấy. Sớm hôm sau, trời vừa rựng sáng thì vị tỳ-khưu kia đã có mặt trong phòng phát thẻ. Thế là ông được đi bát tại tư gia kỷ nữ Sirimā.

Rủi ro cho vị tỳ-khưu trẻ muốn diện kiến dung nhan của cô Sirimā vì nữ chủ đã bị bệnh từ chiều hôm trước. Tuy nhiên, cô cũng dặn bảo gia nhân chăm lo chu đáo vật thực y như mọi ngày. Khi được báo chư tăng tám vị đã đến, nằm tại giường trong, nàng bảo:

– Này các em! Hãy thỉnh các ngài vào nhà an tọa, dâng nước uống, khăn thơm lau mặt. Sau đó, kiểm soát lần cuối cùng vật thực chuẩn bị sẵn, thỉnh bát, sớt đầy bát rồi dâng cúng đến quý ngài. Nhớ nói rằng, chủ của con, nữ đệ tử Sirimā, hôm nay bị bệnh, không tận tay sớt bát cúng dường được, xin quý ngài cho nữ chủ con được sám hối!

– Thưa chủ, vâng!

Lát sau, gia nhân vào thưa:

– Công việc đã xong, thưa chủ!

– Tốt lắm! Giỏi lắm! Nàng cất giọng thều thào, trông có vẻ đã quá mệt – Hãy dìu ta ra bên ngoài để đảnh lễ quý ngài, nằm như thế này là không được, là thất lễ!

Cô Sirimā gắng gượng đi từng bước, có hai thị nữ dìu hai bên, đến phòng khách, nàng lảo đảo quỳ xuống đảnh lễ chư tăng. Vị tỳ-khưu cao hạ nhất, ái ngại nói với cô:

– Được rồi! Chúng tôi ghi nhận tấm lòng rồi! Nữ chủ hãy vào nghỉ ngơi đi.

Vị tỳ-khưu trẻ “phải lòng” cô, âm thầm quan sát mỹ nữ một hồi rồi nhủ thầm trong tâm rằng: “Trời đất ơi! Cô ta bị bệnh mà còn đẹp như thế kia, huống hồ khi vô bệnh? Huống hồ có thêm xiêm áo, son phấn, điểm trang? Chắc chắn cô ta đã cắt đứt hằng trăm, hằng ngàn trái tim của vương tôn, công tử kinh thành Rājagaha này rồi!” Vị tỳ-khưu càng nhìn thì lòng ông như càng bị lửa nóng nung đốt. Trong khi các vị kia ngồi độ thực tại chỗ, còn ông thì lật đật ôm bát đứng dậy, rồi như người vô hồn, đi thẳng về Trúc Lâm. Vội vàng kiếm tìm một phòng của khách tăng, vị tỳ-khưu đặt nguyên bát vật thực còn nguyên trên kệ; rồi đến giường nằm vùi, cứ tơ, cứ tưởng hình bóng của nàng Sirimā trong tâm tưởng. Vậy là vị tỳ-khưu trẻ ôm cả mối tình si khó phân, khó giải suốt sáu bảy hôm như thế, không ăn, không uống…

Hôm kia, cả Trúc Lâm tịnh xá đều hay tin, cô Sirimā, đã đột ngột qua đời do bệnh tim. Thần y Jīvaka đến ngay tức khắc nhưng không còn cứu kịp, tưởng là chỉ cảm sốt thông thường thôi. Ai ngờ! Ngay chính đức vua Bimbisāra cũng bàng hoàng, vì Sirimā là em gái của thần y Jīvaka, là kỹ nữ nối tiếng của kinh thành, nó có dính líu đến hoàng gia. Lễ hỏa táng của cô, nhà vua cũng muốn tham dự.

Một số đông chư Tăng đã từng biết cô kỹ nữ, họ bàn tán xôn xao, cái gọi là “hồng nhan bạc mệnh”. Có một số vị cảm thương cô vừa trở về đời sống của một cận sự nữ thuần thành đã vội lìa đời quá sớm. Đa phần họ thương tiếc.
Có vị chứng kiến sự si tình của tỳ-khưu trẻ, ông đẩy cửa phòng đến báo cho bạn hay:

– Cô Sirimā đã mất rồi!

Đang nằm mê man bỏ ăn cả sáu, bảy ngày, nhưng mới nghe nhắc đến tên Sirimā, ông đã vội nhỏm dậy. Sau khi nghe bạn kể cô kỹ nữ đã từ trần, vị tỳ-khưu trẻ ngồi thừ rất lâu, ông đăm chiêu như nhìn vô tận vào cõi lòng của mình mà không thấy biết gì cả, mù mịt tối đen…

Và câu chuyện tiếp theo như hồi trước đã kể.

Còn cô Uttarā sau này, một lần tôn giả Moggallāna ghé thăm cung trời Tāvatiṃsa (Ba Mươi Ba hay Đao Lợi), thì ngài thấy cô đã là một vị thiên nữ ở trong một tòa cung điện, sau về thuật lại với đức Phật chuyện ấy.

Như vậy, duyên khởi chỉ một lần đi khất thực của tôn giả Sāriputta mà đã làm cho một gia đình nô lệ biến thành một gia đình triệu phú (một trong năm triệu phú của quốc độ Māgadha), đã an trú không chỉ riêng cho hai gia đình mà còn làm cho rất nhiều người trôi chảy vào dòng giải thoát.