Lịch sử Phật giáo Ấn Độ

10/11/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 19575 Lượt xem

Phật Giáo Thời Đại Đế Asoka

 

 

Triều đại của đức vua Kāḷāsoka suy tàn, kế tục là triều đại Nanda. Cả hai nhánh Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ vẫn âm thầm phát triển, lan tỏa từ tiểu quốc này sang tiểu quốc khác, nhưng không có biến cố nào đặc biệt. Đến đời thứ 9 của hoàng tộc này thì xảy ra chiến tranh lớn. Hoàng đế Hy Lạp, một vị vua trẻ tuổi, tài ba và hiếu chiến là A-lịch-sơn đại đế (Alexandre de Grande) xua quân vào Ấn Độ. Đội quân viễn chinh bách chiến bách thắng này dong ruổi vó ngựa dạo qua các tiểu quốc biên thùy, lần lượt đánh chiếm những lãnh thổ mênh mông, sau đó men theo sông Indus và sông Gaṅgā tiến vào Trung Ấn và Đông Ấn, chiếm lĩnh tất cả quốc độ đất đai màu mỡ và dân cư đông đúc. Nền văn hóa đa sắc màu, văn minh vật chất thành đạt của cư dân bản địa đem lại sự tò mò và kích thích tham vọng của vị vua trẻ, ông ta thúc hối đại quân lên đường. Đến nước Māgadha (Ma-kiệt-đà) thì quân lính của ông đã suy kiệt do đường xa mệt mỏi, do dịch bệnh ốm đau và do cả nỗi nhớ nhà. Với đội quân phòng thủ hùng mạnh, Māgadha đã ba lần đẩy lui và làm cho tổn hại rất nhiều xương máu của đại quân xâm lược. Ý chí của A-lịch-sơn đại đế đã bị sự đoàn kết của nhân dân xứ sở này đánh bại; chẳng biết làm gì hơn, ông ta rút quân về[1]. Trở lại Tây Bắc Ấn, vua Hy Lạp để lại một viên thống tướng và một đội quân để cai trị lãnh thổ lớn rộng quanh phạm vi 5 con sông (vùng Ngũ Hà). Tương truyền vị tướng này chính là Mi-lan-đà trong Milindapañha (Mi-lan-đà sở vấn).

Gần hai năm binh đao máu lửa, lúc tạm lắng yên thì triều đại Nanda bị lật đổ bởi hậu duệ của dòng dõi Sakyā (Thích-ca) – là Caṇdagupta lập nên hoàng triều Moriya (Khổng tước)[2]. Caṇdagupta cai trị toàn cõi Māgadha, đặt kinh đô tại Pāṭaliputta (Hoa thị thành), khoảng 222 Phật lịch. Cuối đời, Caṇdagupta đi tu theo phái Nigaṇtha. Hoàng tử thứ hai lên ngôi là Bindusāra lại sùng mộ Bà-la-môn giáo, theo truyền thống Vệ-đà. Cả hai đời vua đều không phải Phật giáo nhưng các bộ phái Phật giáo vẫn phát triển bình thường.

 

1. Hoàng đế Caṇda Asoka

Bindusāra băng hà, theo lệ thường, thì hoàng tử trưởng là thái tử Surima sẽ lên ngôi. Nhưng Asoka, là hoàng tử thứ đệ, lúc ấy đang trấn nhậm tại Vidisa (có nơi nói là vùng Avantī, thành phố Ujjenī) lại kéo quân về kinh đô Pāṭaliputta, giết chết cả hoàng tộc, chỉ giữ lại một người em cùng mẹ là Tissa – rồi lên nối ngôi vua[3].

Bản chất Asoka rất hung tàn, bạo ngược nên ai cũng gọi ông là Caṇda Asoka (A-dục hung bạo). Caṇda Asoka sùng mộ Bà-la-môn như cha mình lại háo chiến háo thắng. Ông xua quân lên phía Bắc, Tây Bắc, xuống phía Nam, phía Đông lần lượt chinh phục hết cả lãnh thổ Ấn Độ. Nơi nào có ý hung hăng chống trả là ông tàn sát hết sau khi chiếm thành. Đế quốc thời Caṇda Asoka mênh mông, rộng lớn, kéo dài lên đến tận Pakistan, Afghanistan, Iran, Irac, Ba Tư, Syrie… ngày nay. Các sử liệu nói rằng, ông đã có một cuộc tàn sát đẫm máu, không chừa một ai tại xứ Kalingā. Đây là cứ điểm sau rốt, họ quyết định kháng cự đến hơi thở cuối cùng, nên Caṇda Asoka đã trút cơn phẫn nộ của địa ngục. Sau cuộc chiến thắng hung tàn, đâu đâu cũng tanh mùi máu, đâu đâu cũng xác người không còn nguyên vẹn, đứt lìa, sình thối… Caṇda Asoka chống gươm lặng ngắm thảm cảnh kinh hoàng. Trái tim của vị đại đế chùng xuống, ông cảm thấy hối hận, bẻ lưỡi gươm thề, quyết định từ nay không sử dụng vũ lực để gây nên một cuộc can qua nào nữa. Duyên lành đã đến, ông gặp Sa-di Nigrodha (có nơi nói là trưởng lão Samudda), nói về một giáo lý hàn gắn vết thương, xóa bỏ hận thù và sống với nhau bằng lòng nhân ái. Caṇda Asoka nguyện trở thành một Phật tử, và muốn cai trị toàn dân theo giáo pháp trí tuệ và từ bi của đức Thế Tôn.

 

2. Đại đế Asoka và Phật giáo

Trong rất nhiều bi ký bằng tiếng Pāḷi (hoặc rất gần với Pāḷi đã định hình sau này), rải rác khắp xứ Ấn Độ, các nhà khảo cổ đã đọc nhiều tư liệu, theo đó, biết được hành trạng và công đức của vị vua này với Phật giáo.

Ta có thể ghi lại những điểm nổi bật của ông:

– Nhà vua tôn kính Phật, kinh, luật và Tăng đoàn. Ngài tìm cách phổ cập giáo pháp của đức Phật khắp dân gian để mọi người cùng đọc, hiểu, thấm nhuần mà sống với nhau cho tốt hơn.

– Nhà vua tôn trọng sự sống thiêng liêng nên kết tội việc giết mổ súc vật dù để cúng tế, tiệc tùng hay làm gì khác. Ngay nhà trù của hoàng gia cũng cấm tuyệt, chỉ được phép dùng tam tịnh nhục. Điều luật này còn được áp dụng “bất sát” với chim bồ câu và lợn nái, còn kết tội việc thiến hoạn hoặc đóng dấu sắt lên súc vật nữa.

– Khuyến khích nhân dân trau dồi đạo đức, phẩm hạnh: Sống chân thật, có từ bi tâm, nuôi mạng chân chánh, trong sạch, hòa nhã… Biết vâng lời các bậc trưởng thượng, thầy dạy học, rộng rãi với bạn bè, thân quyến. Với người làm công, kẻ nô lệ cũng phải được đối xử tốt, bằng tình thương. Có hai bài kinh là Maṅgalasutta (Hạnh phúc kinh) và Sīgālovāda (Thi-ca-la-việt) mà đức vua ban chỉ dụ là không một Phật tử nào là được quyền không biết đến[4].

– Những thói hư tật xấu hoặc những tâm địa, ý tưởng bất thiện cần phải được ngăn chặn, như: Giận dữ, hung hăng, tự đắc, ganh tỵ, ngang bướng…

– Về lãnh vực tư tưởng các tín ngưỡng thì nhà vua khuyên thần dân của ngài phải dung nạp tất cả mọi hệ phái, giáo phái; kính trọng tất thảy mọi tu sĩ, Sa-môn, Bà-la-môn. Nhà vua cũng thành thật khuyên các giáo phái hãy thôi tự khen tụng mình và chỉ trích giáo pháp khác.

– Các việc công ích xã hội, phục vụ cộng đồng, nhà vua khuyến khích trồng cây, trồng dược thảo, trồng rừng, xây cầu, đào giếng, hầm vệ sinh, đắp đường, trại tế bần, bệnh xá cho người và cả súc vật nữa. Những việc có tính từ thiện xã hội ấy lan sang các nước láng giềng, đến tận cả Srilaṅca.

– Vua đối xử với thần dân bằng thứ tình cảm cha con và chân tình mưu cầu cho hạnh phúc của họ. Tội tù được ân xá từng đợt; và ông mong ước rằng, trong tương lai, quốc độ của ông sẽ không còn nhà tù, thay vào đấy là những trường học, những tịnh xá hoàn thiện nhân cách con người.

Chính nhờ sự sáng suốt và tấm lòng nhân hậu của đấng minh quân ấy mà tất cả mọi lân bang đều mến phục, quy thuận, giao hảo một cách chân thành. Cảm mộ ngài đến nỗi, người ta đã khắc lên bia đá lời tán thán ngài như tán thán thần linh:

“- Hãy đến với triều đại huy hoàng này, triều đại của vị minh quân sống theo giáo pháp. Nơi đây không có tiếng trống trận, chỉ có âm thanh trầm hùng của tiếng trống chánh pháp. Đã lâu xưa quá rồi, người dân Ấn đã không còn gần gũi với thiên thần, bây giờ lại khác hẳn, người ta đã diện kiến với thiên thần thật sự ở đây rồi!”

 

3. Đại đế Asoka với việc chấn chỉnh giáo pháp: Cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ III

Theo bộ Mahāvaṃsa (Đại sử) cho biết với đại ý: Nhà vua rất sùng mộ Phật giáo nên đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, tịnh xá, bảo tháp thờ Xá-lợi (có tư liệu nói là 84.000 bảo tháp) rải rác khắp Ấn Độ. Đối với tứ sự cúng dường, nhà vua rất rộng rãi vì mong cho Tăng-già đầy đủ, chỉ còn để tâm vào việc tu học mà thôi. Cũng vì đời sống của Tăng chúng quá sung túc nên hấp dẫn nhiều tu sĩ ngoại giáo len lỏi gia nhập vào Tăng đoàn. Thời gian sau, chính vì sự lẫn lộn ô hợp, phức tạp này mà đời sống Tăng-già mất sự an bình và thanh tịnh, đến nổi không phân biệt được ai chánh ai tà, không ai còn biết tin tưởng vào ai, nói gì đến lục hòa, tứ nhiếp? Chư Tăng kết phe, kết nhóm, mạnh ai muốn làm gì thì làm. Suốt 7 năm trường, tại một ngôi chùa lớn trong kinh đô, chư Tăng chưa một lần họp nhau lại để làm lễ phát-lồ. Biết được chuyện đó, đức vua cử một vị đại thần đến nhắc nhở, Tăng chúng cứng đầu không nghe theo lệnh vua. Tức giận, vị đại thần đem chặt đầu rất nhiều vị sư. Sau đó nhờ có vị tỳ-khưu tên là Tissa, vốn là anh em với vua đích thân đến ngăn cản. Vị đại thần không dám giết ngài Tissa, về tâu báo lại mọi việc cho vua hay. Nghe đầu đuôi tự sự, nhà vua vô cùng kinh sợ, nghĩ rằng mình đã mang trọng nghiệp thảm sát Tăng chúng.

Hối hận, bứt rứt nên đức vua đi tham vấn nhiều vị trưởng lão, những mong các ngài giải tỏa cho nỗi lo sợ, nhưng câu trả lời nào cũng không làm cho vua được an tâm. Sau rốt, theo ý kiến của chư trưởng lão, đức vua nên thỉnh thị tư vấn nơi đức đại Thánh Tăng Moggallīputta Tissa, một vị trưởng lão khả kính, trí tuệ thông bác, đạo hạnh đoan nghiêm; vốn là thầy tế độ hoàng tử Mahinda, con trai trưởng của ngài. Như bừng tỉnh, đức vua cấp tốc cử một đoàn đại thần sứ giả lên tận núi Adhogaṅgā, cung thỉnh ngài về triều. Lặng nghe phái đoàn trình bày xong, trưởng lão Moggallīputta Tissa từ chối, nói rằng, lý do của đức vua đưa ra chưa chính đáng để ngài phải rời núi.

Phái đoàn về trình tấu lại, đức vua chợt như sáng dạ, Tăng gấp đôi số đại thần sứ giả lên lại núi Adhogaṅgā, thỉnh nguyện ngài với lý do chính đáng hơn: “Phật giáo đang có nguy cơ suy tàn vì phi Tăng lẫn lộn với chơn Tăng, bởi tà giáo lẫn lộn trong chánh giáo. Xin ngài hãy trở về chấn chỉnh lại”.

Biết lời yêu cầu của đức vua đúng với tâm nguyện của mình, trưởng lão đắp y, mang bát trực chỉ kinh thành. Về việc hối hận, bứt rứt, ăn năn của nhà vua, trưởng lão chỉ thuyết một cách ngắn gọn. Nói rằng, đức Phật dạy “tư tác là nghiệp”, đức vua không có tư tác giết hại nên sẽ không mang nghiệp giết hại. Ngoài ra, đức vua còn có ý tốt là nhắc nhở chư Tăng làm lễ phát-lồ. Vậy, đức vua đã không có tội gì mà ngược lại, đã tạo nên nghiệp tốt, rất tốt cho tòa nhà giáo pháp.

Đại đế Asoka thở phào, nhẹ nhõm. Sau đó, ông tỉ mỉ hỏi trưởng lão một số điểm về giáo pháp để tự mình có thể tu tập, đồng thời, đem đến hạnh phúc cho muôn dân.

Là bậc Thánh Tứ quả làu thông Phật ngôn, trí tuệ thiện xảo, ưu việt, với vài lời giáo giới ngắn gọn, súc tích, trưởng lão đưa thẳng vào tâm đức vua những điểm giáo pháp cốt lõi nhất, cần yếu nhất. Nhân dịp này, trưởng lão còn trình bày thêm một số phương pháp để điều chỉnh kinh, luật cũng như chấn chỉnh Tăng đoàn. Vô cùng hoan hỷ, đức vua hứa ủng hộ trưởng lão hết mình hầu đem lại sự trong sáng, thanh tịnh cho đất Phật.

Vì tất cả duyên sự ấy, cuộc thanh lọc vĩ đại trong Tăng chúng đã xảy ra. Sử liệu không ở đâu nói đến rõ ràng, làm thế nào để phát hiện số phi Tăng do ngoại đạo trà trộn vào. Nhưng theo Mahāvaṃsa và Samantapāsādikā thì có đến 60.000 vị sư bị trục xuất khỏi giáo hội trong cuộc thanh trừng này.

Khi nội bộ Tăng chúng được yên tĩnh, trưởng lão cho mời thỉnh khắp núi non, thành phố, thị trấn… những vị trưởng lão cao đức, rành rẽ Phật ngôn; lại tuyển chọn trong Tăng-già các vị sư uyên bác, đạo hạnh – tất thảy là 1000 vị – để tổ chức đại hội kết tập Phật ngôn lần thứ III.

Đại đế Asoka hân hoan cúng dường tất cả mọi phí tổn. Đại hội diễn ra tại chùa Asokārāma, sát hoàng cung, kinh đô Pāṭaliputta (Hoa thị thành) vào năm 216 sau khi Phật Niết-bàn (đôi chỗ là 218, 234).

Cách thức kết tập tuy giống như hai lần trước nhưng nội dung có một số điểm hơi khác:

– Về Kinh, Luật: Lần I, lần II chỉ loại bớt một số giới điều xét ra là nhỏ nhặt, chi tiết, nhưng lần này Theravāda phải so sánh, đối chiếu toàn bộ nội dung cả kinh và luật của tất thảy 18 bộ phái (hoặc 20) được tách rời từ Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.

– Về Abhidhamma: Trước đây nằm rải rác trong kinh, nhưng suốt hơn 200 năm lưu truyền, đến thời điểm này, đã tách thành một tạng riêng.

Sau đại hội, trưởng lão Moggallīputta Tissa đúc kết lại, cả Tam Tạng, các vị kết tập sư điều chỉnh 216 vấn đề sai lầm. May mắn thay, tập sách này, Kathāvatthu (Dị bộ luận) đến nay vẫn còn, nó là phần cuối của bảy bộ Abhidhamma.

Cuộc kết tập 10 tháng mới xong.

 

4. Những phái đoàn truyền giáo

Mặc dầu trong Tam Tạng đã được điều chỉnh, nội bộ Tăng lữ cũng được chấn chỉnh, đi vào nề nếp; nhưng các bộ phái với những tri kiến dị biệt vẫn phát triển tự nhiên như cỏ hôi xen với cỏ thơm trong một khu vườn. Có giữ cỏ này, nhổ cỏ kia, thì sau này chúng vẫn mọc lại. Ở cái đất mà tư tưởng Bà-la-môn Vệ-đà, Áo-nghĩa-thư đã len thấm trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tập quán sinh hoạt – thì sự trong sáng của Phật giáo, một thời gian nào đó cũng bị lây nhiễm, xen tạp. Đại hội kết tập vừa chứng minh điều đó qua những câu hỏi về Atman, về thực ngã… là một ví dụ. Phải đem cỏ thơm ươm trồng một nơi khác, thổ nhưỡng khác.

Sau khi suy nghĩ như vậy, trưởng lão Moggallīputta Tissa cùng với các bậc cao đức khác, thỉnh thị ý kiến của đại đế Asoka; và nhờ vua hỗ trợ, cho họp Tăng chúng rồi đề cử 9 phái đoàn truyền giáo đi đến các xứ, các nước, các vùng đất xa xôi.

Sau đây là danh sách 9 phái đoàn mà rất nhiều sử liệu còn để lại.

– Phái đoàn 1: Trưởng lão Mahinda (Hoàng tử con vua A dục) làm trưởng phái đoàn, tháp tùng có trưởng lão Iṭṭiya, Uṭṭiya, Sambala, Bhaddasāla, sa-di Sumana cùng với cận sự nam Bhaṇḍuka; đi truyền giáo ở Srilaṅca vào thời vua Devānaṃpiyatissa (Phái đoàn này mạnh nhất và thành công nhất).

– Phái đoàn 2: Chỉ có một mình trưởng lão Majjhantika đảm nhận trọng trách hoằng hóa ở Gandhāra và Kashmire.

– Phái đoàn 3: Một mình trưởng lão Mahādeva[5] đi đến truyền giáo tại xứ Mahisāsakamandala – tức vùng hạ lưu sông Godhavāri (Mysor ngày nay).

-Phái đoàn 4: Trưởng lão Rakkhita một mình đi đến xứ Vanavāsī, tức miền bắc Kanarāở phía Tây Nam Ấn Độ. (Theo Mahāvaṃsa (Đại sử) thì ở đây có đến 500 ngôi tịnh xá lúc Phật giáo vừa du nhập).

– Phái đoàn 5: Trưởng lão Yonakadhammarakkhita, vị A-la-hán người Hy Lạp thì một mình đến hoằng pháp tại xứ Aparanta (Bombay ngày nay).

– Phái đoàn 6: Trưởng lão Mahārakkhita đi sang các xứ miền Trung Á, Bắc Iran (xưa gọi là Yonaka).

– Phái đoàn 7: Trưởng lão Majjhima làm trưởng phái đoàn, cùng đi với 4 vị trưởng lão khác là Kassapagotta, Mūlakadeva, Dundubhisara, Deva để đảm trách hoằng hóa các xứ thuộc khu vực Himayayas.

– Phái đoàn 8: Ngài Soṇa và Uṭṭara thì đến các nước thuộc vùng đất “Kim Địa” (Suvaṇṇabhūmi) mà nay có thể gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào và Việt Nam (sử liệu chưa xác định rõ).

– Phái đoàn 9: Ngài Mahādhammarakhitta đi đến truyền giáo tại Mahāraṭṭha (Đông Bắc Bom Bay).

Trong 9 phái đoàn này, đa phần phái đoàn nào nhiều người thì được phát triển xa rộng, thịnh đạt; trái lại, nếu chỉ có một mình thì khó phát triển; ban đầu có lập được căn cứ địa thì sau đó, một thì lụi tàn, hai là biến đổi hẳn sang một bộ phái khác. Có sử liệu nói rằng, ngài Mahādeva – phái đoàn 3 – là tổ sư phái Cetiyagirivāda (Chế đa sơn bộ); ngài Kassapagotta làm tổ sư phái Kassapapikavāda (Ẩm quang bộ), và còn nữa…

 

 

Chú thích:

(1)  Có sử liệu nói rằng, chiến lợi phẩm của A-lịch-sơn Đại đế – ngoài vàng bạc, châu báu, còn lại là kinh sách, cổ thư, các nhà học giả thông thái, các triết gia uyên bác.

(2) Sau khi dòng Thích-ca bị thái tử Vidūdabha tàn sát thì có một nhóm người tẩu thoát vào núi sâu, dần dần lập quốc độ ở đó. Chỗ này có nhiều chim công nên họ lấy tên nước là Moriya (Khổng tước).

(3)  Có tư liệu nói là Caṇda Asoka có cả trăm huynh đệ cùng chá khác mẹ; Tissa này là áp chót, sau này xuất gia và ngăn cản được lưỡi gươm của đại thần tàn hại Tăng chúng.

(4) Một bài là 38 pháp hạnh phúc. Một bài nói về một gia chủ đảnh lễ sáu phương, sau đó, đức Phật dạy là nên đảnh lễ những bậc thánh hạnh, những người đã từ bỏ những thói hư, tật xấu, từ bỏ tham lam, sân hận, si mê, ác nghiệp… Đồng thời nêu ra cách sống thế nào cho tốt đẹp.

(5) Vị này không phải là vị trong “ Đại Thiên ngũ sự”; không biết ngài có liên hệ gì với Mahādeva, là tổ sư của phái Chế-đa-sơn bộ (Cetiyagiri – núi Tháp).