Lịch sử Phật giáo Ấn Độ

10/11/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 19573 Lượt xem

Đức Phật Xuất Hiện (623 tr. Cn)

 

Trước tình hình tín ngưỡng, giai cấp xã hội và nhiều phái triết học rối ren như vậy – thì đức Phật của chúng ta xuất hiện.

Ở đây, chúng ta sẽ không đề cập đến đức Phật với quá nhiều chi tiết như thân thế, dòng họ, sinh ra, lớn lên, trầm tư, tu tập, khổ hạnh, thành đạo, chuyển pháp luân, giáo hội Tăng đoàn… cũng như con đường 45 năm hoằng pháp. Vả chăng, sách học Phật nào cũng lặp đi lặp lại những điều đó, nhấn mạnh những điểm cần yếu trong lịch sử ngài. Sử quan Phật học đi theo lộ trình khác, kiếm tìm khác. Con mắt sử quan phải thâu tóm cho chúng ta những tiêu biểu, những đặc trưng… hầu lý giải nhân cách và tầm vóc của đức Phật trước bối cảnh lịch sử, tư tưởng, tín ngưỡng… thời đại Ấn Độ đương thời.

Vậy, những “tiêu biểu”, những “đặc trưng” ấy là gì? Nói cách khác, sự xuất hiện của đức Phật trước một tín ngưỡng đa thần hoặc nhất thần, đức Phật đã trao truyền cho nhân loại thông điệp gì? Trước một xã hội bất bình đẳng, bất công, phân chia và kỳ thị giai cấp ấy – đức Phật có thái độ ra sao? Và cuối cùng, “tinh yếu” giáo pháp của đức Tôn Sư như thế nào mà đã trở thành chân lý bất tử vượt mọi thời đại, vẫn còn là ngọn đèn minh triết dẫn lối cho con người đến tận hôm nay.

 

1. Thông điệp về “con người giác ngộ, con người là thượng đế của chính mình”

Trong không khí u u minh minh, những lớp khói sương của thần linh, Thượng đế phủ chụp lên mọi sinh hoạt tín ngưỡng. Cảm thương cho con người với thân phận thấp hèn, những chúng sanh nhỏ nhoi, yếu đuối với mặc cảm đầy tội lỗi, luôn luôn sợ hãi các thế lực huyền bí chi phối và định đoạt số phận mình.

Giáo pháp của đức Thế Tôn như vầng dương ló dạng, vén tan lớp mây mờ u ám trên bầu trời tâm thức Ấn Độ. Ở trên cao kia, trên thượng tầng khí quyển ấy chẳng có ông thần linh, Thượng đế nào hết; mà chỉ có những chư thiên, phạm thiên – những loại chúng sanh có thân xác vi tế thôi. Phước báu ở đó hơn cõi người, nhưng họ chỉ là những chúng sanh đang còn vô minh, vẫn đang còn trôi lăn trong sinh tử.

Sau khi phá hủy tất thảy mọi điện đài, đền miếu, thần tượng – giáo pháp đức Tôn Sư đặt trọng tâm nơi con người, nơi giá trị nhân văn và nhân bản ấy – để hình thành một nền tảng triết học vững chắc, minh triết, giải thích cặn kẽ, chỉ bày tường tận mọi vấn nạn nhức đau của thời đại. Và đây là những tuyên ngôn bất hủ: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Con người là hòn đảo của chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do chính ta tự tạo, bởi tác ý, bởi hành nghiệp của chính mình, chẳng có thế lực thần linh nào xen dự vào đấy cả…”

 

2. Thông điệp về “bình đẳng giai cấp”

Kẻ thống trị bao giờ cũng áp bức kẻ bị trị và bao giờ cũng nắm quyền lực, giữ đặc quyền, đặc lợi cho giai cấp mình. Nếu có luật pháp thì luật pháp ấy cũng bênh vực cho kẻ lãnh đạo, quản lý và điều hành xã hội. Những thể chế chính trị, luật pháp có tiến bộ, cũng chỉ tháo gỡ được một phần nào sự bất công vốn tồn tại bất khả hủy diệt khi con người với tương quan cộng đồng trong cuộc tồn sinh.

Aryan vốn là những bộ tộc du mục giỏi cỡi ngựa, bắn cung; khi chinh phục được các “bộ lạc man di”, họ phải hưởng thành quả xương máu và mồ hôi đã đổ ra. Rõ ràng là trong bốn giai cấp Ấn Độ, họ là kẻ ăn trên ngồi trước. Họ ở trong giai cấp Bà-la-môn và giai cấp Sát-đế-lỵ, bắt hai giai cấp dưới, Vệ-xá và Thủ-đà-la phục vụ, cung phụng, hầu hạ họ. Cái trật tự ấy được hình thành từ tín ngưỡng Vệ-đà, nhưng cũng là một “trật tự muôn thuở” của tâm địa tham sân si của con người.

Đức Phật ở giai cấp Sát-đế-lỵ, chính xác ngài là dòng dõi Aryan hoặc Aryan pha tạp huyết thống với Dravidien. Hơn ai hết và cũng lạ lùng làm sao ở cái trí, cái tâm của bậc Đại Giác – ngài đã từng tuyên bố: “Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Cao sang hay hạ liệt, trí hay ngu, giàu hay nghèo, vui hay khổ… đều do thiện nghiệp hay ác nghiệp con người quyết định. Người ở hai cấp dưới mà tốt, mà hiền, đầy đủ phẩm chất và đức hạnh… thì có thể trở thành thánh nhân. Người ở hai cấp trên mà ác, mà ngu, đầy đủ cá tính xấu xa… thì đã làm rơi mất hạt giống con người để đọa thành hổ, beo, rắn, rít, trâu, ngựa, ngạ quỷ, địa ngục…

Đức Phật không thuyết lý suông, không rao giảng, không tuyên truyền, mà ngài nói lên bằng hành động: Thâu nhận vào giáo hội Tăng đoàn kẻ giết người, Chiên-đà-la gánh phân, cô gái giang hồ, thợ hớt tóc… Và giáo hóa họ trở thành bậc thánh nhân cả thảy!

Ôi! Kỳ diệu làm sao là Tăng đoàn khất sĩ thánh hạnh của ngài: Bà-la-môn, vua chúa, tướng lãnh, đại thần, thương gia, chiến sĩ, kẻ cùng đinh, nô lệ… đều bình đẳng, lục hòa như tan hòa trong biển cả tình thương, đại đồng, giải thoát. Thông điệp ấy, không biết ai còn tai để nghe, có trí để tìm hiểu… giữa mọi phân ly, tang tóc, đổ nát do tôn giáo, chủng tộc và những chủ nghĩa dân tộc ái quốc cực đoan đã đem lại chiến tranh, khổ đau cho nhân thế.

 

3. Thông điệp về “tính chất nổi trội, độc sáng của giáo pháp”

Nền tảng tư tưởng Vệ-đà và Áo-nghĩa-thư khá thâm sâu, quảng bác và đa diện. Hầu như nó “điểm nhãn” mọi lãnh vực tinh tế từ nhân sinh cho đến vũ trụ. Nếu không nghiên cứu sâu xa, đúng đắn, chân xác, chúng ta dễ lầm lẫn, quy chụp, áp đặt hoặc gán ghép những tư tưởng tương tự lại với nhau.

Chúng ta vốn đã biết rằng, văn hóa, tri thức của một người là nội hàm tổng thể mọi đặc trưng có từ chủng tộc, địa dư, khí hậu, tập quán, giáo dục… cọng với nhân cách, đức tính bẩm sinh của người ấy. Cũng vậy, đức Phật xuất thân từ giống dòng thượng đẳng, hấp thụ nền giáo dục Vệ-đà, thì những tư tưởng thoát thai từ ngài, cũng không ra ngoài biệt lệ. Tuy nhiên, từ cơ sở văn hóa, tri thức ban đầu ấy, coi như đã được trang bị đầy đủ, toàn hảo – ngài còn lên đường tìm kiếm, sáng tạo cái gì khác nữa. Nhờ ở cái đầu cao hơn thời đại và nhờ vào cái tuệ sáng hơn thời đại, cái mà ngài “giác ngộ” được, thời ấy chưa từng có; đồng thời, trên cơ sở nền tảng tư tưởng cũ, ngài thiết lập một hệ thống giáo lý sáng tỏ và hợp lý hơn, logic hơn. Điều sáng giá, cao quý và đặc thù ở đây là – ngài không nói bằng lý thuyết mà nói bằng kinh nghiệm tâm linh tu chứng. Ngài chứng nghiệm, ngài thấy sự thật như thế nào thì ngài nói ra sự thật như vậy.

Rốt lại, những điểm đặc trưng, quan trọng của giáo pháp đức Phật có thể tóm tắt:

– Tứ diệu đế: Là toàn bộ nền tảng của giáo pháp. Trong Tứ đế đầy đủ 12 nhân duyên, ngũ uẩn… nghĩa là đầy đủ 37 trợ đạo phẩm và Niết- bàn. Đây là cái độc sáng của ngài, không có trong Vệ-đà và Áo-nghĩa-thư.

– Vô ngã: Toàn bộ giáo pháp được xây dựng trên sự thật duyên sinh vô ngã tính.

– Bác bỏ thần quyền, siêu hình, nhưng nếu có nói đến thế giới siêu nhiên hoặc các khả năng thần thông, phép lạ – thì chúng cũng là sự thật hết sức hiển nhiên từ kết quả thực nghiệm một cách khoa học (Phật giáo sẵn sàng có những lý giải minh xác trước đôi mắt của khoa học).

– Tăng-già là đoàn thể dân chủ văn minh và lâu đời nhất của nhân loại còn tồn tại đến ngày nay.

– Giải phóng con người từ tinh thần đến thể xác. Phương diện thể xác: Phật giáo xóa bỏ tình trạng người nô lệ người, đọa đày, quản thúc, ức chế, ức hiếp nhau. Về tinh thần: Giải thoát mọi khổ đau, phiền não.

– Phẩm giá con người phải dựa trên tiêu chuẩn đức hạnh chứ không phải do giai cấp, dòng dõi, tài sản, địa vị…

– Trực diện với sự thật để giải quyết khổ đau, phiền não; không chạy trốn hoặc ám thị dưới bất kỳ hình thức nào.

– Chân lý, sự thật là tối thượng: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp”.

– Không nương tựa bất kỳ ai, mình là hòn đảo của chính mình.

– Đức tin phải đi đôi với trí tuệ.

– Tương quan với cuộc đời phải thể hiện Tứ vô lượng tâm.

– Thiền định và thiền tuệ phải được tu tập đồng đều.

Nói tóm lại, chính nhờ những thông điệp kỳ vĩ như vậy, đức Phật mới làm nên đức Phật, một đức Phật Toàn Giác, thông đạt, thấu rõ bản chất của con người, của thế gian pháp. Ngài đã mở ra một trang sử mới, một chân trời mới, giúp con người tự tin, vững bước, tự do và tự chủ sáng hóa đời mình, không nô lệ vào bất cứ vị thần linh, thượng đế nào.