Lệ Giang

28/05/2015 | Chuyên mục: VĂN . 2347 Lượt xem

legiangMột trong không nhiều những nơi chốn ở xứ Tàu mà tôi cứ thầm hẹn sẽ quay lại nhiều lần ngay khi có dịp, chính là Lệ Giang. Nhỏ mà xinh, lặng lẽ mà sinh động và trên hết vẫn là những con đường đi hoài không mỏi, ngó hoài không chán. Tôi chỉ lưu lại đó có hai đêm mà còn thương đến vậy. Nếu nấn ná thêm đôi ngày ai biết được tôi có đủ sức giũ áo về Mỹ hay không. Rồi thì cuộc vui nào cũng tàn, thiên hạ trong đoàn chia tay nhau. Khi chỉ còn lại một mình ở Thượng Hải mấy ngày cuối, nằm giữa một thành phố sầm uất náo nhiệt bậc nhất Trung Quốc mà lòng tôi cứ trôi về một góc Vân Nam, nơi có con phố xưa mang cái tên đẹp như một người con gái. Tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình đã yêu Lệ Giang đến vậy. Chân đã rời bỏ mà lòng cứ như đã gửi lại đó, như một cái nợ tiền kiếp. Tôi xuống phố đêm để tìm chút mỏi mệt cho giấc ngủ được sâu hơn. Nhìn quanh bá tánh trên đường, một ly nước uống vội trong trà quán, rồi thì tôi cũng đã hiểu ra cớ sự.

Tôi đã có mặt ở một nơi chốn không thuộc về mình, những nụ cuời ánh mắt bắt gặp đâu đó trên đường, trong quán thảy đều là của tạm dành cho viễn khách. Mình là khách, thiên hạ không có chi để nặng lòng thương ghét. Thiên hạ cũng không ai là người quen để còn có dịp gặp lại, thế là mình cũng nghe thanh thản. Sao cũng được, vui thì thôi, rồi sẽ quên nhau trong đời. Thế là thương, là nhớ, là cảm. Vì đều cùng là kẻ lạ. Tôi đã thương nhớ Lệ Giang vì ở đó tôi chỉ là kẻ lạ sẵn sàng rời bỏ nó mà đi. Ô hay, đó cũng là một triết lý để sống đời. Ngán nhất trong đời là phải gánh lấy thứ đã chán, phải gặp thứ đã không muốn thấy. Khổ nào cũng làm chảy máu phàm tâm, nhưng nếu được quyền chọn lựa, tôi thà chịu Ái Biệt Ly Khổ (thương mà phải xa) hơn là Oán Tăng Hội Khổ (ghét mà phải gần). Chia cách dù gì cũng là một kiểu buông gánh. Còn khỏan cưu mang, dù là cưu mang vật chí thân chí ái, thì có trời mà biết lúc nào nó thành ra của nợ. Thế là cho em xin vậy!

Tôi bỗng nhớ lời Phật xưa. Hình như Ngài suốt một đời chỉ kêu gọi những cuộc lên đường, những sự buông bỏ. Từ Giới học, Định học đến Tuệ học, suy cho cùng chỉ là những cuộc xoay lưng, chối bỏ, để làm khách lạ giữa trần gian. Tôi nhớ kinh ghi một lần đến thăm bệnh một vị tỷ kheo, đức Phật đã hỏi để nhắc nhở người bệnh: Ngươi có thấy ngươi là các uẩn hay các uẩn là chính ngươi hay không? Đừng ngộ nhận những đau đớn đó chính mình hay chính mình đang chịu đựng những đau đớn đó. Vị tỷ kheo đã được đề nghị làm kẻ lạ với chính mình. Huyền diệu lắm thay! Đến cả pháp môn Vô Lượng Tâm cũng thế. Hành giả phải tránh nhìn về đời từ hai thái độ thương ghét. Thế là làm khách trong nhau rồi còn gì. Ai có quên điều tôi vừa nói, xin giở lại Thanh Tịnh Đạo Luận xem có phải vậy không.

Nhớ Phật rồi thì lại nhớ Ma. Tôi bỗng nghe tâm đắc quá chừng một ca từ của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, biết đã lâu mà mải đến ngày ở Thượng Hải mới thấy thấm: Hãy Cứ Là Tình Nhân. Đừng lấy nhau, đừng cột đời nhau bằng giá thú hay nhẫn cưới, vì như rứa có thể sẽ mất nhau trong đời. Vâng, hãy cứ là tình nhân, là hai kẻ lạ vừa mến nhau trên đường để mà một đời yêu nhau, có nhau, như tôi đã yêu Lệ Giang và có nó trong tim mình. Nói xa xôi một chút, như tôi đã từng một lần thưa với người đọc, rằng thì là chúng ta chưa từng có nhau bao giờ, những giọt nước trên một dòng chảy làm gì có nổi một cuộc tương hội chứ. Hợp nhất, tương phùng thì ra chỉ là ảo giác. Người ta khổ vì chỉ thấy đời qua ảo giác. Từ đó, làm kẻ lạ trong mắt nhau chính là một kiểu sống minh triết. Hãy thấy ra sự thật để mà tự do và giải thoát.

Thương hay ghét nhau suy cho cùng là trao nhau những gánh nặng, những đòi hỏi. Tôi bỗng nhiên muốn gọi Phật Pháp là pháp môn Khách Sáo, nghĩa là luôn giữ lại một khỏang cách khách khí với tất cả những gì thương thích hay ghét sợ. Cái khổ nhờ vậy sẽ được hạn chế, niềm vui nhờ vậy sẽ được lâu bền hơn một tí và đẹp hơn một xíu!
Nói vậy cũng có nghĩa là sẽ có một ngày tôi phải quên mất Lệ Giang khi tự thấy mình không thể tiếp tục làm khách lạ ở đó. Có thương ghét một ai hay phương trời nào đó thì có nghĩa là tôi đang từng phút quên mất vai trò khách lạ của mình. Một trong những giây phút tuyệt diệu nhất đời tôi là những khỏanh khắc thấy mình độc lập tự tại bên cạnh những gì thân quen nhất. Huyết thống hay thâm giao sẽ mất đẹp khi đôi bên bắt đầu đặt vấn đề khỏang cách. Khỏang cách lúc này đồng nghĩa với trọng lượng cộng với nhiệt độ. Ông Albert Einstein đọc thấy bài viết này của tôi hẳn sẽ đề nghị làm thêm một trái bom nguyên tử nữa không chừng!

Nói mấy rồi phút cuối vẫn nhận rằng kẻ lạ đang viết bài này cứ nhớ Lệ Giang tha thiết. Tôi mang ơn nó với những con đường lát đá, những dòng nước lượn lờ lưu cữu như chuyên chở những tâm tình từ thiên cổ. Tôi yêu nó với những chiếc lồng đèn đỏ đêm đêm giăng đầy trên phố như những chờ đợi, hẹn hò và réo gọi. Và sau cùng tôi yêu Lệ Giang vì nó đã cho tôi những suy tư tưởng chừng vừa tìm thấy từ một ngôi cổ tháp rêu phong. Đúng là trả hết một đời cũng chưa hết tình nhau!

 

TOẠI KHANH