Hai hiện tượng bất thường

05/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 15143 Lượt xem

HỒI THỨ BA

Trải qua ba kinh nghiệm

 

 

Khảo sát cái gọi là “Diễn biến những sự kiện bừng sáng bên trong tôi”.

Ông ta nói:

“Tôi kể vài nét chính để chia sẻ với quý vị. Qua bao nhiêu năm tháng ưu tư về bí mật đời người, ý nghĩa cuộc sống, khổ đau của con người… tôi tình cờ đã rơi vào trạng thái hạnh phúc mãn nguyện khi bộ máy suy nghĩ trong đầu bị khoá chặt hoàn toàn. 

Sự trải nghiệm đặc biệt này xảy ra thường xuyên trong ba năm liên tiếp.

 Đợt trải nghiệm thứ nhất xảy ra hai lần với đặc điểm là trải nghiệm trạng thái hạnh phúc tuyệt diệu khi bộ máy suy nghĩ bị tê liệt hoàn toàn!

 Đợt trải nghiệm thứ hai lặp lại rất nhiều lần trong hơn một năm với đặc điểm là, nhìn thế giới hữu hình trong tình trạng bộ máy suy nghĩ trong đầu bị khoá chặt, vô hiệu hoàn toàn. 

Đợt trải nghiệm thứ ba xảy ra một lần với đặc điểm là, bộ máy suy nghĩ không bị khoá nhưng toàn bộ nguyên liệu cho nó hoạt động bị biến mất hoàn toàn. Mỗi giai đoạn trải nghiệm cho tôi thấy một sự thật hiển nhiên để qua đó ổn định đời sống tinh thần của mình”.

Ông kể lại trạng thái mãn nguyện khi bộ máy suy nghĩ trong đầu bị khóa chặt, nghĩa là trong trạng thái các thức tri không có một đối tượng nào! Người ta thì phải tinh cần tu tập Thiền định một cách miên mật mới đóng 6 căn được, còn ông có lẽ do ma đưa lối, quỷ dẫn đường cho nên tình cờ rơi vào trạng thái ấy. Đây được gọi là “Định-tình-cờ” chăng?! Cái “Định-tình-cờ-ngẫu-nhiên” này chẳng lẽ là Thiền Minh Triết của ông ta? Thôi, ta cứ hãy cố gắng nhẫn nại mở rộng tai mà nghe thêm 3 cái kinh nghiệm của ông:

– Trải nghiệm trạng thái hạnh phúc tuyệt diệu khi bộ máy suy nghĩ bị tê liệt hoàn toàn.

– Nhìn thế giới hữu hình trong tình trạng bộ máy suy nghĩ trong đầu bị khóa chặt, vô hiệu hoàn toàn.

– Bộ máy suy nghĩ không bị khóa nhưng toàn bộ nguyên liệu cho nó hoạt động bị biến mất hoàn toàn.

Trải nghiệm thứ nhất có lẽ do bị tiêm thuốc tâm thần quá liều lượng nên bộ máy suy nghĩ bị tê liệt hoàn toàn. Còn nếu là định sơ Thiền, ý thức bị đóng cửa thì nó sẽ đi từ hỷ, qua lạc, vào cận hành và nhất tâm – như một giấc ngủ ngon không mộng mị.

Trải nghiệm thứ hai, có lẽ do nhờ ông ta mượn mắt tai mũi lưỡi thân ý của người chết mà nhìn thế gian, thế giới nên mọi đối tượng bên ngoài không thấy gì nữa cả. Mà lấy cái gì để thấy?

Trải nghiệm thứ ba – vẫn suy nghĩ nhưng đối tượng suy nghĩ bị biến mất hoàn toàn!

Tôi sẽ cô đọng lại một lượt nữa:

– Trải nghiệm một: Khóa chặt cái bên trong.

– Trải nghiệm hai: Khóa chặt bên trong để nhìn cảnh bên ngoài.

– Trải nghiệm ba: Không khóa bên trong, nhưng cảnh biến mất.

Thật ra, tôi đã cố gắng vận dụng tâm trí để hiểu nhưng mà không hiểu nỗi ông ta muốn nói cái gì! Và nếu dạy cho người ta tu tập như thế thì có mà “buông tay dốc thẳm”! Tối như hũ nút!

Tuy nhiên, chỗ này tôi xin tạm mượn “Tứ liệu giản” của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Hay ông ta đã tình cờ tiện tay “cuỗm” “Tư liệu giản” này rồi biến hóa sáng tạo một cách vừa hời hợt vừa khó hiểu như thế?

“- Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh

Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân

Hữu thời nhân cảnh câu đoạt

Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt”.

Tôi sẽ giải thích cho ông Duy Tuệ để ông hiểu một chút bí kíp Thiền của người xưa, mà ông đã cao ngạo xem họ như cỏ rác, như sau:

“Có lúc, người tu Thiền chỉ dựa vào chính mình, nhắm mắt lại, đóng ngũ căn lại, chỉ lắng nghe tham sân phiền não ở bên trong – đấy gọi là nắm lấy cái “nhân” chớ không nắm lấy cái “cảnh”!

Có lúc, người tu Thiền bước qua cấp độ thứ hai! Ồ, hóa ra, ngoại cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc chi phối nên nó mới sinh ra chuyện này, chuyện nọ. Vị ấy bèn yểm ly, thu thúc để ngăn chặn phiền não, tham sân phát sanh từ đấy. Đây gọi là nắm lấy “cảnh”, để ý cảnh mà không lý gì đến “nhân”!

Có lúc, người tu Thiền bước qua cấp độ cao hơn, sáng ra một chút! Ồ, hóa ra trong ngoài, “nhân cảnh duyên khởi” nên sinh ra mọi thứ, đâu chỉ nhân, đâu chỉ cảnh mà là cả hai, phải quan sát cả trong ngoài. Đấy là “nhân, cảnh” đều phải quan sát chúng.

Có lúc, người tu Thiền phát sanh tuệ giác, thấy rõ hoàn toàn, trong ngoài duyên khởi đều không tánh, đều như thực tánh thì vị ấy không còn dính mắc gì nữa. Đây được gọi là “nhân cảnh đều không đoạt”, cứ quan sát như thực tự tánh nó đến, nó đi theo cửa ngõ “tam giải thoát môn” không, vô tướng, vô tác!”

Nếu ông đạo sư dổm, Thiền sư dổm Duy Tuệ có nghiên cứu qua “Tứ liệu giản” của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền thì có lẽ ông ta sẽ không đến nổi ngông cuồng nói chuyện trong ngoài, nhân cảnh như kẻ ú ớ mê sảng nói gì chính mình cũng không tự biết! Xót thay! Thương thay! Mà cũng đáng đánh 30 hèo! Ngốc!

Còn những sự thật hiển nhiên sau trải nghiệm nữa. Xem thử ông ta “ngủ mớ” những gì!

Đây, sự thật hiển nhiên thứ nhất:

“Sự thật thứ nhất là có năng lượng hạnh phúc không điều kiện hiện hữu triền miên nơi chính mình. Hạnh phúc hay phúc lạc kì lạ nhất, huyền ảo nhất, rộng khắp nhất, hoàn hảo nhất, sâu thẳm nhất, nhiệm màu (sic) nhất, bền bỉ, ổn định và đáng hưởng nhất mà đời sống do đầu óc suy tính và tác động vào sẽ không bao giờ có được.Trạng thái hạnh phúc kì diệu, vô giá này sẽ xuất hiện khi suy nghĩ không hoạt động được. Trạng thái hạnh phúc này không phụ thuộc vào sự làm việc của cái đầu và dĩ nhiên là không phụ thuộc vào cuộc sống mang tính hình thức. Hạnh phúc hay phúc lạc này là chung cho mọi sự sống của hành tinh này và cho tất cả sự sống của các hành tinh khác”.

Cũng không có gì lạ. Chỉ là lặp đi lặp lại cái hạnh phúc vô điều kiện, mênh mông, rộng khắp, cả tinh cầu, vô lượng tinh cầu khi tiêm thuốc tâm thần quá liều lượng cho những cái đầu óc của chúng sanh trên ba ngàn thế giới tê liệt đi hết! Hiển nhiên là vậy!Khiếp chưa!

Còn sự thật hiển nhiên thứ hai?

Nó đây, cái mặt mũi của nó đây:

Sự thật thứ hai là, quan sát cẩn trọng từ trong đầu óc cho đến bên ngoài đích thực là lẽ sống thật, là sinh mệnh của con người! Quan sát càng chính xác bao nhiêu thì cuộc sống càng hạnh phúc bấy nhiêu. Quan sát giúp đầu óc nhẹ nhàng nhất, mới mẻ và dễ chịu nhất! Trải nghiệm này cho tôi thấy rõ rằng, trong lúc bộ máy suy nghĩ bị khoá chặt không làm việc được thì có một cuộc sống khác thật ổn định hiện ra, đó là đời sống với tính quan sát cẩn trọng chứ không phải là những ý kiến hay ý nghĩ trong đầu óc. Đây là đời sống ổn định, đời sống thật sự là sống chứ không phải suy nghĩ là đời sống thực. Trong lúc sự trải nghiệm xảy ra, bộ máy suy nghĩ đã bị khoá, người đang sống dựa trên quan sát biết rõ bộ máy suy nghĩ bị khoá chặt và đầu óc không thể ra lệnh, không thể hiện hữu các khái niệm về tên gọi cho chính mình, cho các vật thể chung quanh. Mọi thứ mình thấy qua mắt chỉ là những hình ảnh rời rạc của một thực thể thống nhất đang hiện bên dưới chúng. Trọng lượng cơ thể nhẹ hẳn, tất cả đất đá và những đồ vật hằng ngày mình thấy giờ đây hoàn toàn mới và chưa có hay không có tên gọi. Tóm lại, mọi thứ dừng lại ở giai đoạn quan sát. Và ngay lúc ấy, khi tôi rờ vào đâu, nhìn vào đâu đều tự nhiên ứng ra lời giải đáp không nằm trong cái đầu của mình”.

Tôi cố nhẫn nại đọc một đoạn văn câu cú lộn xộn, ý tứ trùng lặp, tư tưởng tối mò để lần ra mấy điểm chính sau đây:

– Quan sát trong ngoài (nhân cảnh) là lẽ sống đích thực, là sinh mệnh của con người. Quan sát chính xác bao nhiêu thì hạnh phúc bấy nhiêu. Nó giúp đầu óc nhẹ nhàng, mới mẻ và dễ chịu nhất.

– Trải nghiệm ấy có được là do “nhân” bị khóa chặt, vô hiệu hóa nó thì có một cuộc sống khác thật ổn định hiện ra; nó giúp cho sự quan sát cẩn trọng hơn – chứ không phải  ý kiến hay ý nghĩa trong đầu óc. Đây mới thực sự là đời sống ổn định, là đời sống thực – chứ không phải suy nghĩ là đời sống thực. Đến chỗ này thì đầu óc không thể ra lệnh, các khái niệm tên gọi (danh khái niệm) về nhân, về cảnh không hiện hữu; còn những hình ảnh (vật khái niệm) rời rạc của một thực thể thống nhất hiện ra. Từ đây, trọng lượng cơ thể nhẹ nhàng và tất cả cảnh, thế giới ngoại trần đều mới mẻ, chưa có hoặc không có tên gọi (không có danh khái niệm).

– Cuối cùng, mọi thứ dừng lại nơi sự quan sát. Và ngay lúc ấy, sờ vào đâu, nhìn vào đâu tự nhiên ứng ra lời giải đáp không nằm trong cái đầu của mình.

Quả thật là mệt khi đọc văn của một đạo sư tâm thần, vĩ cuồng! Có bao nhiêu đâu mà nói dông dài con cà con kê, mù mịt tối tăm như thế kia chứ.

Đây, tôi diễn đạt lại theo thuật ngữ Phật:

– Quan sát trong ngoài, tâm cảnh một cách chánh niệm, tỉnh giác. Vì trong ngoài tâm cảnh duyên khởi, vì “sự sống đang là” chính là duyên khởi căn trần thức, ngoài sự diễn tiến, vận hành ấy, không có sự sống nào nữa cả!

–  Khi tâm không, trí không quan sát thì ta sẽ lần hồi từ bỏ thế giới danh khái niệm (nāma-paññatti), chỉ còn vật khái niệm(attha-paññatti) hiện ra. Ngay khi ấy, trời đất cỏ cây, sum la vạn tượng nó hiện ra mới mẻ, tinh khôi.

– Chỉ quan sát, “minh sát” thế thôi! Và lúc ấy, “trực giác” (từ của tôi dùng) xuất hiện, nó sẽ ứng ra những lời giải mà không qua đầu óc!

Rõ ràng quá chứ! Và chắc chắn, ông Duy Tuệ không nói được như vậy. Thứ nhất, do ông ta chưa có căn bản Phật học. Hoặc thứ hai, do ông ta chỉ muốn dùng “chữ” của riêng mình, hòng lếu láo bảo với mọi người là Thiền Minh Triết do ông ta khai đạo.

Tôi đã làm sáng tư tưởng mù mờ của ông. Tuy nhiên, do cách diễn đạt tối tăm của ông, cho tôi kết luận rằng, ông ta chỉ là kẻ học lóm, chưa tới đầu tới đũa. Và dù ngang cái chỗ dừng lại nơi chỗ quan sát không tư tưởng, không thành kiến như Krishnamurti – thì ông duy trì chúng được mấy sát-na? Rồi vô lượng tham sân si, phiền não nằm lưu niên lưu cữu trong rừng già hoang nguyên, hoang dã, sâu kín  thăm thẳm của nội tâm, ông giải quyết ra sao – không nghe ông nói đến? Lộ trình minh sát tuệ không đơn giản, cũng cần phải công phu miên mật, không chỉ đầu môi, chót lưỡi ba xạo mà được, thưa ông!

Còn nữa, ông muốn nói gì nữa đây.

À, còn sự thật hiển nhiên thứ ba:

“Sự thật thứ ba là khi mọi thứ nguyên liệu của bộ máy suy nghĩ biến mất thì tôi nhìn thấy nguyên nhân gây ra khổ đau cho chính mình là do cái đầu suy nghĩ. Cùng với sự nhìn thấy ấy, tôi thấy năng lượng sáng tạo đời sống hạnh phúc và tình yêu vô tận của con người đã bị suy nghĩ tàn phá, khống chế hay che lấp. Trải nghiệm này cũng cho tôi thấy rất rõ bộ óc hay đầu óc hoàn toàn có khả năng làm việc thật hoàn hảo trong trạng thái không chứa bất cứ thứ nguyên liệu nào trong đó như kí ức, kiến thức trong cuộc sống, khái niệm hay triết lí sống cho riêng mình, niềm tin tôn giáo, niềm tin vào một học thuyết hay triết thuyết để xây dựng một xã hội, hay xây dựng một cuộc sống cho cá nhân hay cho gia đình. Không còn một ý niệm hay ý tưởng khuôn mẫu nào cho cá nhân, cho một gia đình, hay cho một cộng đồng quốc gia hay quốc tế. Sau này, tôi tạm gọi là sống và làm việc, yêu thương theo đầu óc mở, không theo khuôn phép nào. Trải nghiệm và nhận biết rằng mọi ý tưởng, khái niệm, chữ nghĩa, ý nghĩ, ý nghĩa của các chữ viết, quan niệm sống, sự tiêm nhiễm các triết thuyết hay học thuyết có thể rơi rụng hoàn toàn trong đầu óc, và không gian trống rỗng vô tận trong đầu óc chỉ mang năng lực nhìn thấy và hiểu biết vô tận sẽ chiếu soi và cho ta biết rằng, thủ phạm gây khổ đau tinh thần (và đôi khi cả thể chất) mà con người cưu mang trong nhiều kiếp chính là suy nghĩ. Và đi cùng với suy nghĩ là con người không nhận biết được điều này, mà trái lại, còn tin tưởng và bám chặt lấy nó, không chấp nhận từ bỏ nó”.

Ta có thể phanh từ trong cái rừng rậm chữ nghĩa ấy, có bốn điểm chính:

– Mọi nguyên nhân đau khổ, đầu óc là thủ phạm.

– Sống và làm việc, yêu thương với đầu óc mở rộng không theo một khuôn phép nào.

– Hãy làm rỗng đầu óc. Đừng cho nó bất cứ một nguyên liệu nào như ký ức, kiến thức, triết lý, học thuyết, niềm tin tôn giáo hay niềm tin vào các định chế xã hội. Không lưu giữ một ý niệm, ý tưởng khuôn mẫu nào cho cá nhân, gia đình, quốc gia hay quốc tế. Khái niệm, chữ nghĩa, ý nghĩa, ý nghĩ cũng tương tự vậy, cho nó rụng hết.

– Khi ấy, đầu óc sẽ là một không gian trống rỗng vô tận, mà năng lượng nhìn thấy và hiểu biết của nó sẽ chiếu soi, nó cho ta biết rằng, sự đau khổ tinh thần và cả thể chất mà con người cưu mang trong nhiều kiếp chính là suy nghĩ. Nhân loại không nhận biết điều ấy, cứ tin tưởng nó, bám chặt nó không chịu buông rời!

Đoạn này cũng chỉ lặp đi, lặp lại, không có gì khác: Thủ phạm là suy nghĩ, là đầu óc; hãy rời suy nghĩ, làm rỗng đầu óc, thế thôi!

Duy Tuệ còn nói tiếp:

“Qua ba lần trải nghiệm, tôi đã bỏ ra thời gian hai năm để thưởng thức thứ hạnh phúc mà mình chưa bao giờ trải nghiệm. 

Nó gần giống như tôi thấy lại một con đường xưa cũ, con đường mà tạo hoá ban cho loài người tự bao giờ vẫn còn đó, không có một chút bụi bám lên, không có chút tì vết của thời gian do con người quy ước, không có một bóng người đi trên con đường, chỉ mỗi mình tôi. 

Cho dù thật sự cô độc nhưng hoan lạc ngập tràn cho một người đã vượt ra khỏi lịch sử về tuổi tác, nguồn gốc, hình tướng, màu da, tiếng nói, kiến thức, học thức, ngôn ngữ và văn hoá cũng như văn minh.

 Tôi tự biết đây là con đường tuyệt vời dành cho loài người vẫn còn bị che dấu bên dưới đầu óc của mình. Không có lối vào con đường này nhưng hơn mười năm qua, tôi hết sức cố gắng để đưa những đệ tử thiêng liêng cao quý đi cùng tôi và truyền sự màu nhiệm của con đường này cho cuộc sống của họ với mọi người chung quanh.

Cũng có thể nói theo cách khác là, ba giai đoạn trải nghiệm đã đưa đầu óc tôi vào thế giới sáng tạo ra vô lượng, vô biên các con đường để chẳng những dẫn đến chấm dứt hoàn toàn sự khổ đau, mà còn cho ra những con đường khai mở khả năng rộng lớn đến vô tận của sự sáng tạo, của tình yêu, của sự làm việc trong đời và của sự hưởng thụ trọn vẹn cuộc đời đầy chông gai, bão táp và thiên biến vạn hoá này.

 Sau ba lần trải nghiệm như nói trên, tôi bắt đầu tập thành thói quen một số phương pháp để giữ bền vững không gian Minh Triết trong đầu óc mình và tôi thật sự hạnh phúc!

 Đến tận bây giờ, tôi cũng vẫn thường xuyên quan sát và theo dõi các diễn biến trong đầu óc của mình.

 Tôi lấy sự quan sát làm lẽ sống của mình, coi nó là đời sống thật, là hơi thở cho Minh Triết trong đầu óc và lấy việc không tin vào suy nghĩ của mình làm lẽ sống cho riêng mình.

Tôi thật sự hạnh phúc”!

Đoạn này lặp đi, lặp lại cũng đã cũ mòn, khuôn sáo – nhưng nổi bật cái mà nhà báo ngày nay hay gọi là tự sướng – “tự sướng bản ngã”. Rồi còn “than vãn” trong hoang vu rừng rậm, là tôi cô đơn, tôi một mình đi trên con đường ngàn xưa, con đường mà “tạo hóa” ban cho loài người, vẫn còn đó, không bụi bặm, không tì vết của thời gian và quy ước, không một bóng người, không có ai đi trên đó, “thui thủi” chỉ mỗi một mình tôi!

Mọi người nghe rõ cả đấy chứ? Đức Phật lúc tìm ra Bát chánh đạo ngài cũng nói tương tự thế nhưng lại vô cùng khiêm tốn: Là Như Lai không sáng tạo con đường, mà chỉ là người phanh lần ra con đường xưa cũ của chư Chánh Đẳng Giác đã đi trong quá khứ. Đấy, một vị Chánh Đẳng Giác mà còn noi theo chư Chánh Đẳng Giác đi trước; còn con đường của ông ta là do “tạo hóa” ban, và từ xưa đến nay chỉ có “mỗi một mình ông ta” đi thôi!

Viết đến đây tôi chợt muốn khóc giùm ông ta, muốn ngậm ngùi rơi giọt lệ như Trần Tử Ngang:

“ Tiền bất kiến cổ nhân.

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du 

Độc sảng nhiên nhi thế hạ!”

Tạm dịch:

“Ngoảnh trước mặt, người xưa chẳng thấy.

Trông sau lưng, quạnh quẽ không ai.

 Gẫm suy trời đất dặt dài

Mình ta hạt lệ u hoài mà thương!”  

Tôi cũng chạnh lòng mà xót thương cho ông Duy Tuệ như thế đó! Ôi, là “ba sự thật hiển nhiên” của ông ta đã làm cho tượng đồng vô tri phải toát mồ hôi mà tượng đá vô tình cũng phải rỏ lệ!