Con gái đức Phật

18/10/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 10858 Lượt xem

 

Ni trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī

(Vị Ni trưởng thánh hạnh và gương mẫu)

 

Một buổi chiều tắt nắng, trong một rừng cây sâm si rậm rịt, ngoại thành Vesāli, một vị Ni rất già, rắn rỏi và xương kính như một cội lão mai mọc giữa triền đá tảng; bà chống cây gậy trúc, vươn thân đứng thẳng dậy rồi dùng thần lực rảo mắt một vòng như luồng điện quét. Cả khu rừng như chìm ngập trong giấc thiền đại định. Mấy trăm vị Thánh ni đều là đệ tử của bà đang thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Tuổi tác ai cũng đã tuyết sương, đang xô dạt về bên góc trời chiều. Họ đã đi vào đạo lộ siêu thế khi tóc còn liễu biếc thắm xanh và má còn hồng đào ửng đỏ. Rồi họ sống thong dong như những đám mây trời, phiêu du từ phương này sang phương khác để tùy duyên hóa độ chúng sanh. Riêng bà thì cũng không còn việc gì để làm trên cuộc đời này nữa, mọi gánh nặng đã buông xuống, lâu lắm, khởi từ ngày thực hành theo lời giáo giới tóm tắt nhưng khái quát của đức Tôn sư.

Bà, chính người ấy là Ni trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī, còn nhớ rõ như in lời vàng ngọc thuở nọ của Người Con Trai Vĩ Đại thoảng giữa rừng cây im mát:

“Này mẹ! Mục tiêu tối hậu của phạm hạnh thật khó khăn để đạt được mà cũng thật dễ dàng để đạt được. Nói cách khác, khó khăn khi nắm bắt được cái cốt lõi, cái tinh tủy; và dễ dàng khi biết tước dần lớp vỏ ngoài, thớ vỏ trong hoặc nhiều lớp dát cây, bỏ thịt rồi róc xương. Giáo pháp của Như Lai chỉ để dành cho bậc trí, người có con mắt sáng quắc, nhìn xuyên thủng nhiều lớp si mê và vô minh. Tuy nhiên, chỉ cần nhận thức một cách sáng suốt, tỉnh táo rằng: Bất cứ giáo lý nào có khuynh  hướng dẫn đến tham lam, khát vọng; dẫn đến cống cao, ngã mạn; dẫn đến phóng túng, giải đãi; dẫn đến nhiệt não, rối loạn; dẫn đến vô chừng mực, vô tiết độ; dẫn đến vô ơn, phản phúc; dẫn đến keo kiệt, bủn xỉn; dẫn đến đắm nhiễm phồn hoa, lấm lem bụi tục; dẫn đến kiểu cách, khó nuôi; dẫn đến ích kỷ, vị ngã; dẫn đến đau khổ, phiền não… thì giáo lý ấy không phải là Chánh pháp (Dhamma), không phải là Giới luật (Vinaya), không phải là lời giáo huấn của Như Lai. Ngược lại, bất cứ giáo lý nào dẫn đến vô tham, nguội tắt khát vọng; dẫn đến lòng tôn kính, biết tự trọng; dẫn đến lễ độ, khiêm cung; dẫn đến kiểm thúc, tự chế; dẫn đến quân bình, ổn định; dẫn đến tri túc, biết đủ; dẫn đến tri ân, biết đền ân; dẫn đến rộng rãi, xả ly; dẫn đến ưa thích vắng lặng, tiết độ ngũ dục; dẫn đến dị giản, dễ nuôi; dẫn đến xả kỷ, vị tha; dẫn đến xa rời phiền não, an vui và nhàn thoát… thì phải hiểu rằng, giáo lý ấy là Chánh pháp, là Giới luật, là lời giáo huấn của Như Lai!”

Ôi! Chỉ cần lời dạy khái quát kia thôi mà ta đã đắc quả A-la-hán sau đó ít lâu, lại còn có những thắng trí và cả tri kiến phân tích nữa. Ta đã vô ngại, tự tại giữa hai bờ!

Ôi! Từ bấy đến nay, bao nhiêu lượng nước đã trôi qua con suối này rồi? Bao nhiêu mưa nắng đã xối lên cái thân hình mảnh khảnh lau cỏ gầy guộc này rồi? Quả là ta cũng đã mòn mỏi tuế sương, và ta cũng đã tự gẫm, tự cười, tự chế nhạo chính mình:

Dốc đứng ngạo đường lên

Ta bèn men triền núi

Gậy chống đỡ chân run

Mặc chiếc thân già khọm

Mây khói nhòa trăm tuổi

Thần chết trốn đâu rồi

Lũ ma cũng chê mồi

Đành sống dai hết biết!

Mấy câu kệ tự phúng, tự trào ấy là của lệnh bà Mahā Pajāpatī, là bảo mẫu của đấng Thiên Nhân  Sư, là Ni trưởng Gotamī đạo cao đức trọng; lúc ấy bà đã một trăm hai mươi tuổi.

“Thôi! Ta hãy Niết-bàn đi thôi!” Bà tự nghĩ “Ta phải đi trước đấng Đại Hùng. Ta phải đi trước hai vị tối thượng Thinh văn, trước Ānanda  và Nanda là phải lẽ. Và ta phải cần thưa bạch với đức Tôn sư về quyết định này!”

Có cái gì lao xao trong gió. Đồng một lúc mấy trăm vị Thánh ni trong khu rừng đều đọc được ý nghĩ ấy. Họ đều muốn đi theo Ni trưởng để an nghỉ Niết-bàn vô dư. Quả địa cầu dày bốn mươi do-tuần chợt rung rinh. Dường như có tiếng trống u trầm từ cõi trời vang lên, có cái gì như vừa quyến luyến vừa bi lụy. Những giọt nước mắt đâu đó từ hư không rơi xuống. Chư thiên, thọ thần quanh Ni viện, quanh khu rừng đều âu sầu, buồn bã. Nếu chư vị Thánh ni đều cùng Niết-bàn cả thì khu rừng này sẽ trở nên hoang vu, trống trải. Những năng lượng mát mẻ và an lành cũng không còn tỏa ra trong không gian tịch lặng này nữa. Có vị đã khóc, đã sụt sùi.

Ngước lên giữa thinh không, bà nói nho nhỏ:

“Xin hãy thông cảm cho ta! Hỡi chư thiên và thọ thần quý mến!

Đây là cái nhìn cuối cùng và lời nói cuối cùng của ta đó. Đừng nên sầu muộn làm gì. Chúng rỗng không và phù phiếm thế nào. Tại sao vậy? Tại vì ta từ nơi cái già và chết để đi đến nơi không già, không chết. Từ nơi “yêu thương xa lìa khổ”, “gần người mình ghét khổ’, ‘muốn không được khổ” để đến nơi chấm dứt tất cả khổ! Từ nơi lăng xăng tạo tác, luôn luôn trở thành, luôn luôn bị điều kiện, bị phụ thuộc, bị quy định, bị buộc ràng của thời gian sinh tử để đi đến nơi bất động hành, bất tử, vô vi hành, ở ngoài  mọi quy luật, mọi điều kiện và mọi phạm trù nhân quả. Như thế thì các vị phải vui lên cùng ta mới phải chứ!?”

Thế rồi, hôm sau, trời vừa rạng sáng, Ni trưởng Gotamī cùng với hội chúng Thánh ni trước khi bái biệt đức Tôn sư để Niết-bàn, họ ôm bát khất thực quanh thành Vesāli như thường lệ. Có lẽ chư thiên, thọ thần báo tin cho họ hàng, thân nhân hay quyến thuộc thế nào đó mà rất đông cận sự nữ đã chận đường và quỳ lạy, khóc lóc như tế sao:

– Xin chớ lìa bỏ chúng con, hỡi chư Thánh ni! Hỡi những bậc đã thủ đắc một gia sản tâm linh vĩ đại! Chúng con sẽ không có người bảo hộ và che chở nữa. Xin chư Thánh ni đừng vội Niết-bàn!

Ni trưởng Gotamī cất lời an ủi mà giọng nói thì như bi hài, như chế nhạo:

– Này! Buồn cười chưa? Thật đã buồn cười chưa? Than khóc như vậy có phù phiếm và vô duyên không hả?

Ta đi đến nơi vô thương, vô bi, vô sầu, vô khổ mà các người lại lấy thương, bi, sầu, khổ để cản ngăn là tại làm sao hở? Vậy thì các ngươi từ lâu đã từng tu tập giáo pháp thấy khổ và diệt khổ đến đâu rồi? Ta là ai nào? Ta chỉ là người đã thấy rõ sự khổ một cách toàn diện, thấy nguyên nhân khổ một cách toàn diện, đã diệt khổ một cách toàn diện và thực hiện con đường đi đến nơi diệt khổ cũng một cách toàn diện. Thế thôi! Đấy không là lợi ích thù thắng đáng hoan hỷ cho ta hay sao, hả?

Đám đông vẫn không chịu giải tán. Sự khóc lóc ầm ĩ của họ làm náo loạn cả con đường.

Ni trưởng đành phải thuyết giảng tiếp:

– Từ khi lìa khỏi điện ngọc, cung vàng với những công nương dòng dõi Sakyā anh hùng với đôi chân trần lê thê rướm máu, xin đi theo đức Chánh Đẳng Giác, ta đã học hiểu giáo pháp nhiệm mầu, đã thực hành giáo pháp ấy một cách trọn vẹn. Hiện tại, mọi bổn phận đã làm xong, mọi gánh nặng trên vai đã được đặt xuống, sự tái sanh trầm luân đã được liễu tri và mọi đau khổ phiền não đã được bứng tận. Từ đấy, đời sống không gia đình đã cho ta sự khoảng khoát của hư không, sự tự do của những cánh chim trời. Mục đích phạm hạnh đã được thiết lập kiên cố, mà ở đấy, chẳng có gì trói buộc ta được nữa, dù cảnh người, cảnh trời, ma vương, chư thiên vương hay phạm thiên vương. Vậy thì thử hỏi còn gì ở trần gian ba cõi này có thể làm ta phải dính chân, lưu luyến? Niết-bàn vô dư ở tuổi trăm hai mươi chẳng lẽ không hợp thời, không phải lúc hay sao?

Thôi! Đừng khóc than, đừng âu sầu, phiền muộn nữa. Đức Tôn sư, ngôi Mặt trời của nhân loại còn kia! Nhị vị thượng thủ, hai ngôi sao sáng của giáo hội còn đó! Và còn có cả hằng trăm hằng ngàn trưởng lão Tăng Ni trí tuệ như non, đức hạnh như rừng, tha hồ mà gieo trồng ruộng phước, tha hồ được chở che và được nương tựa. Suốt mấy mươi năm gióng trống pháp chuyển luân, đức Đại Hùng đã xua vô minh và si mê đi về với bóng tối, đã đẩy ngoại đạo tà giáo đi đến chỗ diệt vong. Hiện tại, ngọn cờ chánh pháp đã liệt liệt oanh oanh giương cao che mờ cả đỉnh Sineru. Vậy thì các người hãy tinh cần đi theo lộ trình thoát khổ, con đường tuần tự tìm kiếm hạnh phúc an vui cõi người, hạnh phúc an vui cõi trời và hạnh phúc an vui siêu thế ở ngoài ba cõi phù du sinh diệt. Hãy chuẩn bị, sắm sanh hành trang, tư lương để lên đường, xem mình đã có đầy đủ bố thí, trì giới, tham thiền, đã đầy đủ tín, giới, văn, thí, tuệ hay chưa? Đấy mới là điều đáng làm! Thôi, hãy xua tan phiền muộn đi! Ta và Ni chúng đi đến đức Đạo sư đây.

Nói thế xong, Ni trưởng dẫn đầu chư Ni Thánh đệ tử đến Sảnh Đường Năm Nóc Nhọn tại Mahāvana; tại đây, lúc này chư Tăng Ni và hai hàng cận sự nam nữ rất đông, bà quỳ năm vóc sát đất đảnh lễ đức Thế Tôn rồi nói:

– Thưa đức Đại Giác! Con là mẹ của ngài, người-mẹ- của-thế-gian-luân-thường-quy-ước. Và bạch đức Tôn sư Vô Thượng! Ngài lại là cha của con, người-cha-ở-ngoài- và-ở-trên-mọi-quy-ước-dung-thường; và con là đứa con được sanh ra trong giáo pháp vô tỷ. Rồi ngài lại còn ban cho con niềm vui siêu thế, tức là hạnh phúc vô tạo tác ở ngoài mọi hạn lượng và mọi hạn định nữa. Từ thuở nhỏ, cái-thân-thể-xác-vật-chất  của ngài được trưởng dưỡng khôn lớn là bởi con, là do con bế bồng, chăm sóc, nuôi dưỡng. Cũng tương tợ như vậy, cái-thân-tinh-thần-tâm- linh của con lại được giáo pháp chăm sóc, nuôi dưỡng là bởi ngài, do ngài mà có. Nhờ con, ngài uống giọt sữa trắng được tinh lọc từ huyết đỏ để tẩm bổ hình hài sinh diệt vắn vỏi. Nhờ ngài, con uống được giọt sữa thanh tịnh được tinh lọc từ giáo pháp để nuôi dưỡng tuệ mạng dài lâu, vô sinh bất tử.

Bạch đức Thiện  Thệ! Trong  việc chăm sóc, nuôi dưỡng ngài từ thuở ấu thơ, ngài không có nợ nần gì cả, mà ngược lại, ngài đã ban cho cha, cho mẹ những niềm vui hy hữu, lạ lùng. Cũng bởi niềm vui lạ lùng, hy hữu ấy, cầu nguyện cho tất thảy những người mẹ trên trái đất này có được những đứa con trai ưu tú và kỳ vĩ như thế.

Thưa đức Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu! Tất thảy những người mẹ trên thế gian, dù là mẹ của một đức vua tối thượng nào chăng nữa cũng phải bị nhấp nhô chìm nổi trong bể cả của hữu tồn sinh diệt. Và này, hỡi người con trai tối thượng! Ngài đã ban cho mẹ chiếc bè vô vi, vô hành để vượt qua bể cả hữu tồn sinh diệt ấy. Nó ở trên mọi tương đối và mọi tuyệt đối, ở ngoài ngôn và lời, ở ngoài mọi ý niệm và mọi khái niệm.

Thưa đức Thiên Nhơn Sư! Đối với phụ nữ trên thế gian, danh xưng hoàng thái hậu, “mẹ của đức vua”, dù cao quý, dù họa hiếm nhưng không phải không dễ dàng có được; nhưng danh xưng “mẹ của đức Phật” thì triệu triệu, tỷ tỷ a-tăng-kỳ mới có được một người! Vậy mà con lại là người phụ nữ ấy! Đấy là diễm phúc vô khả tỷ, vô khả đối, cùng tuyệt, tối hậu vậy. Và nhờ ngài, con đã vinh hạnh đạt danh xưng tối thượng như thế đó.

Thưa đức Chánh Biến Tri! Mọi ước nguyện, hạnh nguyện, đại nguyện giờ con đã tựu thành. Mọi hy cầu, sở cầu, pháp cầu dù nhỏ bé hay lớn lao, con đều đã tròn đủ, phú túc, viên mãn. Bởi vậy, hôm nay, ngài hãy cho con được từ bỏ xác thân bất tịnh, tế toái và nhiễm ô này để thị tịch Niết-bàn, an nghỉ vắng lặng vô dư!

Bây giờ, xin ngài hãy duỗi ra hai bàn chân mềm dịu như hoa sen được tô điểm bằng một ngàn căm bánh xe và một ngàn ngọn cờ chiến thắng. Xin ngài hãy làm vậy để con được thể hiện sự tôn kính đến ngài với lòng yêu mến trân trọng đối với người con trai cao quý của mình. Và cũng xin ngài thể hiện biểu tướng rõ ràng thân thể tợ khối vàng ròng không lẫn tạp chất để cho con được chiêm ngưỡng lần cuối cùng trước khi đi về miền an tịnh tuyệt đối [1].

Đức Phật trầm tịnh lắng nghe từ đầu chí cuối lời thưa bạch của người-mẹ-thế-gian không bỏ sót một lời một chữ nào. Sau đó, đức Đại Giác trú định kim cương, trở lại cận hành, thân tỏa hào quang sáu màu chập chờn từng đôi một, với màu sắc sáng dịu như vầng dương non trẻ hiện ra trong đám mây chiều. Lát sau, Ni trưởng Gotamī thấy rõ ba hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp của đức Thiện Thệ…

Chẳng còn gì để yêu cầu nữa, Ni trưởng Gotamī đê đầu dưới lòng bàn chân ngàn căm bánh xe, ngàn ngọn cờ chiến thắng của đấng Đại Hùng trông tợ đóa hoa sen nở rộ có ánh sáng mặt trời buổi bình minh rọi đến. Bà nói:

– Con xin đảnh lễ đấng Mặt Trời của nhân loại, vị tiêu biểu của dòng dõi Thái Dương! Đây là lần tử biệt cuối cùng của con, con sẽ không còn gặp lại ngài một lần nào nữa.

Thưa đấng Cao Cả của thế gian! Hạng nữ nhân như chúng con sinh ra trong thế gian, được tiếng là mẹ của thế gian, là nhân tố tồn tại của thế gian. Cũng có thể họ là cái đẹp, là vẻ yêu kiều, dịu dàng, là bàn tay yêu thương, là trái tim nhân ái, là vầng mặt trăng trong mọi gia đình, là bóng mát cho những đứa con hư hỏng, là điểm tựa cho con cái nuôi chí hải hồ, là nơi hướng về của mọi kẻ ly hương, là suối nguồn tinh khiết của tình mẹ bao la. Và cao cả nhất, họ là huyết sữa nuôi sinh mệnh của nhân loại. Nhiều lắm! Nhiều lắm! Nhưng chính họ cũng là ái dục tình lụy, là cơn khát nóng của địa ngục, là miếng mồi bốc lửa cháy của ghen ghét, tật đố, tranh chấp và ly tán. Họ còn là cái gì phức nhiễu, tế toái. Là nguồn cơn của mọi đau khổ và tội lỗi. Là lắm chuyện và đa sự. Là đóa hoa hồng có lắm gai độc. Ôi! Cũng nhiều lắm và nhiều lắm của những cánh cửa đi xuống bốn đường xấu ác! Thế đó. Trước đây con cũng chỉ là một phụ nữ trong thế gian, vậy thì con đã lỡ lầm dù cố ý hay vô tình, đã có những xấu quấy, sai trái gì đó, vì lòng bi mẫn, xin đức Tôn sư hỷ xả cho con!

Kính thưa đức Thế Gian Giải! Trước đây con đã năm lần bảy lửa xin cho nữ giới xuất gia; nếu bởi việc này mà giáo pháp bị giảm sút tồn tại năm ngàn năm là lỗi của con, vậy xin ngài cho con được sám hối vì điều ấy nữa.

Và cuối cùng, kính thưa đức Ứng Cúng! Con đã giáo dục, dạy dỗ chư tỳ-khưu-ni theo với sự cho phép của ngài cùng chư vị đại trưởng lão; tâm con có chừng, tuệ con có hạn, nếu có sự kém cỏi, bất cập nào đó trên phương diện giáo hóa ấy cũng xin ngài tha thứ trước khi con đi về miền an tịnh vô cấu, vô lậu…

Đức Phật bây giờ mới mở lời, như tiếng chim Ca- lăng-tần-già cất giọng với thang âm vi diệu trên đỉnh Tuyết Sơn:

– Này Người-mẹ-thế-gian  vĩ đại! Này vị đại Ni trưởng đức hạnh như tấm gương trong! Bà đã lê bước bằng bàn chân trần rớm máu từ cõi hữu hạn sinh diệt để đi đến cõi vô cùng vô sinh bất tử thì có gì đáng nói nữa đâu. Bà đã tự trang bị cho mình những vật trang sức, trang điểm thù thắng như hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, đức tin, tinh cần, nhẫn nại, quyết tâm, từ, xả… thì có việc gì mà bảo lầm lỗi hay không lầm lỗi, tha thứ hay không tha thứ? Bà đã bỏ xa bụi trần và ác uế ở dưới chân núi để bước lên đỉnh đồi cao vô úy của giải thoát và tự do thì bận rộn làm chi mọi ngôn ngữ quy ước thế tục kia nữa. Không những bà, không những hội chúng tỳ-khưu-ni mà cả hội chúng tỳ- khưu Tăng thì cũng vậy. Nếu tất cả đều thanh tịnh không một chút nhiễm ô thì ai cũng đang đi ra khỏi thế gian này, ví như vầng trăng ra đi lúc rạng đông sau khi nhìn thấy sự biến mất dần dần của các vì thiên thể.

Bà và hội chúng Ni chúng hãy ra đi như vậy. Hãy an nhiên tự tại như vậy mà đi vào Niết-bàn vắng lặng toàn diện, không có dư y!

Đức Phật nói xong, như ánh sáng lấp lánh vừa rời khỏi tòa kim cương thì Ni trưởng Gotamī và Ni chúng đồng hướng vai phải nhiễu quanh kim thân Phật ba vòng, trông giống như những vì sao vệ tinh theo gót mặt trăng di chuyển xung quanh núi chúa Sineru. Sau đó, họ đồng quỳ xuống đê đầu sát bàn chân đức Chiến Thắng Cao Cả một lượt nữa, đứng lên chiêm ngưỡng ngài một lượt nữa.

Tôn giả Ānanda chỉ mới là vị thánh Nhập lưu, còn nhiều phiền não, thấy bà Gotamī chào bái biệt đức Phật để Niết-bàn, chưa làm chủ được cảm xúc trước cảnh sinh ly tử biệt, ông than dài:

– Ôi! Người đi thật sao? Rồi đức Tôn sư đến một lúc nào đó cũng tịch diệt Niết-bàn như vậy ư? Ôi! Rồi tất cả ngọn lửa sự sống đều phải cạn ráo chất đốt, và cái thân xác bốn đại, ai ai cũng chỉ còn là cát bụi hoặc tàn tro thê thảm như thế hay sao?

Tôn giả Nanda là bậc Thánh vô lậu, đứng kế bên liền mở lời an ủi:

– Phải! Cái thân xác bị tạo tác, được kết hợp của tất cả chúng sanh không có cái gì chắc thật trong đó cả. Nó không có cốt, không có tinh, không có lõi tương tợ như thân cây chuối, na ná như củ hành. Bóc tách cho đến tận cùng chỉ thấy trống rỗng mà thôi. Nó là hư vô, chẳng có gì ở đấy cả. Do xảo thuật, do ảo ảnh của thợ nghiệp mà nó hiện hữu. Nó tụ rồi tan, nó có rồi không, nó sinh rồi diệt cũng là lẽ thường thôi, này tôn huynh! Mẹ của tôi, dù là bà mẹ vĩ đại, bà mẹ của bậc Chiến Thắng đại hùng cũng không ở ngoài các định luật hữu vi bất toàn và trống không ấy.

Ni trưởng Gotamī cũng thấy cần phải nói với tôn giả Ānanda vài lời:

– Đúng như con trai ta đã nói, hỡi vị tỳ-khưu đa văn bác học mà dung lượng sở tri còn thâm sâu và mênh mông hơn biển cả. Và đối với sự cẩn thận, nhiệt tâm, tinh cần hầu hạ đức Đạo sư cũng cao cả như núi chúa, trong giáo hội không thể có người thứ hai được. Vậy đó! Thế thì ngay giây phút này, những học hiểu vô lượng ấy, những công phu bất khả tư nghị ấy, con cất giữ nó ở đâu mà không mang ra sử dụng, này con trai, này vị tôn giả khả kính?

Ta đi vào Niết-bàn tịch diệt là điều đáng mừng, đáng vui mới phải chứ? Ta và Ni chúng, cả bây giờ và mai sau, được xuất gia trong giáo pháp tối thượng này là nhờ vào ba lần cầu khẩn của con mà được, bởi tình cảm tốt đẹp của con mà có! Công ơn ấy lớn lao như trời biển. Có cây lá rừng đại ngàn Mahāvana ghi chép. Có mây lang thang nghìn năm trên bầu trời Vesāli ghi nhớ. Này hỡi bậc hộ trì giáo pháp! Hãy tỉnh táo lại! Hãy hé lộ trí tuệ vô lậu mà nhìn vào cõi bất tử không đến, không đi thử xem nào! Giờ khắc này, ta nhìn vào tôn giả bằng tia mắt cuối cùng rồi đây, và sát-na này đã đi vào vĩnh cửu!

Đức Phật thấy sự trao đổi ấy là vừa đủ nên mở lời:

– Này bà mẹ vĩ đại! Này vị Ni trưởng đạo hạnh! Thời điểm cuối đã đến rồi. Tất cả các “hữu”[2] đã được bứng tận. Tất thảy mọi phiền não đã bị nhổ tiệt. Mọi trói buộc đã bị cắt đứt như con voi cái đã được cởi trói. Không còn một mảy may lậu hoặc vi tế nào còn tồn tại. Mẹ là người đã thành tựu tam minh, có bốn tuệ phân tích, tám giải thoát và sáu thắng trí. Bây giờ, trước khi an nghỉ Niết-bàn, mẹ hãy thị hiện một chút năng lực thần thông cho chư tỳ- khưu Tăng Ni, hai hàng cận sự cũng như thọ thần, chư thiên khắp núi rừng Mahāvana này cùng chiêm ngưỡng.

Được sự cho phép của đức Phật, Ni trưởng đảnh lễ ngài rồi tức khắc bay lên không trung còn nhanh hơn con chim ưng vàng vỗ cánh. Đầu tiên bà biến hóa một thân thành nhiều thân rồi nhập thành một. Hiện ra rồi biến mất. Đi xuyên qua tường, qua núi. Ẩn trong đất. Đi trên nước như đi trên đất bằng. Ngồi kiết già giữa hư không. Đến cõi phạm thiên. Làm cho trời đất mù mịt khói. Sáu mặt trời mọc lên. Những tràng hoa rực lửa như vào thời hoại kiếp. Nắm trong tay những ngọn núi và những tảng đá khổng lồ trông như mấy hạt cải. Ngón tay che khuất mặt trời, mặt trăng. Bàn tay nắm một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng. Biến hóa thành đức Chuyển Luân Vương. Biến hóa thành hằng hà sa số tỳ-khưu-ni… rồi nhập lại, hòa thành một.

Cả khu rừng người, vô số phi nhơn, chư thiên đồng chiêm ngưỡng đại thần lực biến hóa của Ni trưởng, đăm đăm như không nháy mắt…

Lại biết là đúng thời nữa, đức Phật chợt tuyên dương:

– Ni trưởng Gotamī không những là người mẹ vĩ đại của Như Lai, không những là vị Thánh ni nhiều thần thông lực, mà còn là bầu sữa mẹ cho Ni giới, chăm sóc Ni giới với tấm lòng bao dung, quảng đại, có kinh nghiệm đệ nhất trong việc lãnh đạo Ni chúng!

Rồi Ngài lại nói tiếp:

– Này người mẹ vĩ đại! Hãy kể lại lộ trình lâu xa cùng những nhân những duyên tu tập của mình cho đại chúng cùng nghe.

– Thưa vâng! Rồi bà kể:

– Vào thời đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara, tôi được sanh ra tại Haṃsavatī trong một gia đình quan cận thần, được thọ hưởng sung mãn tài sản cùng những tiện nghi tối ưu trong đời sống.

Một lần nọ, tôi và nhóm thị nữ cùng tùy tùng đông đảo đến chiêm bái, cúng dường, nghe pháp đức Phật Padumuttara. Nhân duyên tình cờ, là hôm ấy, đức Đại Hùng đang cho thiết lập giáo hội Ni giới, và vị đứng đầu, lãnh đạo Ni giới là tỳ-khưu-ni Mātucchā. Thấy vị thế của người nữ được bình đẳng xuất gia tu tập như thế tôi đã rất hoan hỷ, bèn phát tâm cúng dường y áo, vật thực, thuốc trị bệnh đến đức Phật cùng chư Tăng Ni trong suốt bảy ngày rất thịnh mãn, rất chu đáo.

Đến ngày thứ bảy, tôi và thị nữ cùng tùy tùng nằm dài xuống đất, đảnh lễ bàn chân bụi của đức Vô Thượng; và phát nguyện rằng, mai hậu sẽ có duyên báo, quả báo giống y như tỳ-khưu-ni Mātucchā, xin bậc Đại Chiến Thắng chứng minh.

Đức Phật mỉm nụ hoa sen, cất tiếng:

– Con đã cúng dường hỹ mãn bảy ngày đến Như Lai và hội chúng với tín tâm rất tròn đầy và trong sạch. Vậy thì con sẽ được như ý sở cầu!

Hãy nghe Như Lai nói đây.

Vào một trăm ngàn đại kiếp về sau, có vị Thế Tôn xuất thân dòng dõi Okkāka, đức đại sĩ Gotama sẽ có mặt ở thế gian, khai sáng một giáo pháp chánh thống y như chư Phật ngàn xưa. Lúc ấy, con, là Mahā Pajāpatī Gotamī, chính là bà mẹ thứ hai chăm sóc, nuôi dưỡng vị ấy thuở còn ấu thơ. Và con cũng chính là người nữ đầu tiên thừa tự giáo pháp ấy, đạt vị thế hạng nhất trong số những tỳ- khưu-ni kỳ cựu.

Khi dấu ấn bất tử đã được đức Ứng Cúng khắc lên trán như thế, tâm tôi, sau đó dường như chỉ nghĩ đến giáo pháp. Tôi, các thị nữ và tùy tùng đã cúng dường, hộ độ đức Phật và giáo hội cho đến hết cuộc đời còn lại. Mệnh chung, tôi được hóa sanh cõi trời Đao Lợi, được thọ hưởng hỷ mãn thiên sắc, thiên hương, thiên vị, kể cả tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc và danh tiếng đều vượt trội chư thiên nữ cùng cảnh giới nên Đế Thích thiên chủ chọn tôi làm thiên hậu.

Do một nghiệp xấu ác từ quá khứ trả quả, hưởng hết phước ở cõi trời, tôi sanh xuống cõi người, rơi vào một gia đình lao động chân tay thuộc quốc độ của đức vua nước Kāsi. Tại một ngôi làng nô lệ có năm trăm gia đình, người ta bầu một vị lãnh đạo, như là làm thôn trưởng, và tôi là phu nhân của vị ấy.

Hôm  kia, có năm trăm  vị Độc Giác Phật[3] đi từ Nandamūlaka tới Isipatana để khất thực. Tất thảy chúng tôi cùng quyến thuộc đều vui mừng mời thỉnh luôn hội chúng ấy an cư mùa mưa, năm trăm gia đình làm năm trăm cốc lá rồi hộ độ tứ sự suốt bốn tháng, dâng cúng đầy đủ mỗi vị ba y, ai ai cũng hoan hỷ. Sau kiếp ấy, tôi được tái sanh trong một gia đình thợ dệt cũng tại thành phố Bārāṇasī, lớn lên, nhân duyên lại được gặp năm trăm vị Độc Giác Phật (con bà Padumavatī)[4] nên lại được dịp cúng dường vật thực.

Từ bỏ cõi người, do nghiệp lành tốt ấy, tôi được chu du tái sanh nhiều cõi người và trời. Rồi kiếp cuối cùng hiện nay là thành phố Devadaha, nước Koliya. Cha của tôi là Añjana[5] thuộc dòng Sakyā, mẹ của tôi là hoàng hậu Sulakkhaṇā; và sau đó tôi được làm hoàng phi của đức vua Suddhodana, thành phố Kapilavatthu. Những người còn lại, tùy tùng và quyến thuộc kiếp trước thì được sanh trong hoàng tộc Sakyā hoặc phu nhân, thân quyến của họ. Tôi là người ưu việt nhất, do lời nguyện dưới chân đức Phật Padumuttara nên được làm bảo mẫu của đấng Chiến Thắng. Người con trai tuấn tú được tôi chăm sóc và nuôi dưỡng ấy ra đi và trở thành đức Chánh Đẳng Giác, bậc Hướng Đạo vô song. Tôi và năm trăm công nương dòng Sakyā đều đã xuất gia và đều đã chạm tay vào cánh cửa an lạc của Niết-bàn. Cả chồng và con của họ từ nhiều kiếp trước cũng đạt được phẩm vị A-la-hán tối thượng đều nhau cả thảy.

Sau câu chuyện kể của Ni trưởng Gotamī, tất thảy Thánh ni cũng sử dụng thần thông, bay lên không trung và tuần tự thể hiện một số năng lực; và cuối cùng lại phủ phục bên chân đức Đại Giác, xin phép được Niết-bàn giống như Ni trưởng của họ.

Ni trưởng và hội chúng Thánh ni sau đó trở về Ni viện, bỏ ngoài tai mọi sự than khóc sầu muộn của những cận sự nữ, họ yên lặng tìm chỗ tịch diệt Niết-bàn. Lúc ấy, trái đất rung động. Tiếng trống trời vang lên và mưa hoa rơi xuống. Thọ thần, chư thiên, long vương, a-tu-la và cả cõi phạm thiên đều rúng động, bồi hồi…

Đức Phật hay biết rõ việc ấy nên ngài nói với Ānanda và Nanda:

– Hãy thông báo rộng rãi đến hai hội chúng Tăng Ni, hai hàng cận sự nam nữ trong kinh thành Vesāli và vùng phụ cận về sự Niết-bàn của mẹ và các công nương Thánh ni[6].

Thế rồi, lễ hỏa táng thi hài của Ni trưởng Gotamī và hội chúng Thánh ni diễn ra vô cùng huy hoàng và trân trọng. Những viên xá-lợi đã được thu nhặt và những bảo tháp thờ cũng được dựng lên để ngàn sau chư thiên và nhân loại chiêm bái, cung kính, cúng dường.

Những tinh cầu thưa thớt và lạnh giá. Những ngôi sao sáng đã rụng giữa trời cao.

 

Chú thích:

 

1. Một số hình ảnh và ý tưởng ở đây và nơi khác nữa, có mượn trong “Trưởng Lão Ni Ký Sự” của tỳ-khưu Indacanda (Đại đức Chánh Thân).

2. Ý nói những nguyên nhân tồn tại trong ba cõi dục, sắc và vô sắc đã được bứng nhổ.

3. Trong chú giải Trưởng Lão Ni Kệ có chép chỉ có năm (5) vị và nói an cư chỉ có ba tháng. Và trong Pāḷi Proper Names cũng nói năm.

4. Chuyện “Cô gái hoa sen”. Xem Thig A.140 ff.; AA. i. 185 f.; Ap. Ii. 529-43.

5. Tên của vua cha Suppabuddha, Mahāmayā và Mahāpajāpatī.

6. Nhiều chỗ ghi rõ là năm trăm tỳ-khưu-ni dòng dõi Sakyā.