Coi Chừng Lộn Chỗ

20/12/2016 | Chuyên mục: VĂN . 3867 Lượt xem

coichungHọ nói nghe lưu loát cuồn cuộn, ý tứ dào dạt sâu thẳm, thính giả lắng tai nghe mà thân mình cứ nhấp nhỏm với những kích động bất ngờ. Nghe họ nói mà cứ ngỡ bao nhiêu hiền thánh ba đời đều vân tập đầy đủ ở đó. Nghe như bao nhiêu sen đẹp lan quý đều chen nhau mọc đầy chỗ họ ngồi. Hãy lắng nghe và thấm thía, tiêu hoá. Không phải cái gì xuôi tai đều đúng, đều có thể thích hợp với tạng phủ của mình, và không phải ai nói lời thánh cũng đều là thánh. Hãy lắng nghe là đủ. Nhiều khi chỉ chừng đó thôi, là được rồi, đừng đòi hỏi thêm nữa. Bởi có thể kiếp này là giai đoạn họ đang trau luyện tuyệt kỹ Pháp Âm Sư Tử Hống Tam Muội, một trong vô số khả năng phải có của một vị Bồ Tát. Lúc nào việc nấy, nhiều khi kỳ vọng nhiều quá thì dễ thất vọng, rồi thì trách cứ, phàn nàn, và nghi ngờ tất cả mọi giá trị khác trên đời. Thiệt thòi sau cùng vẫn thuộc về người lộn chỗ: Đến quán chè đòi mua cháo !

Họ là những người viết hay, trong tay như có ngọn bút thần. Từng chữ dưới ngòi bút của họ có thể mê hoặc lòng người. Vẫn là chừng ấy chữ nghĩa thôi, họ lắp ghép rồi mặc tình thao túng khuynh loát thiên hạ. Đọc họ mà cứ ngỡ họ nắm gọn hai chữ nhân tâm trong lòng bàn tay. Họ muốn dắt dẫn, đón đưa bá tánh về đâu cũng được. Ngòi bút trong tay họ lúc này chẳng kém ngón Nhất Dương Chỉ giúp ta khai phá những sơn động trân tàng bí kiếp giải thoát. Hãy tìm đọc họ, vì có đọc qua những ngòi bút kiểu đó thì cũng không hoang phí kiếp người. Nhưng dù gì thì độc giả vẫn nên canh cánh câu khẩu quyết căn bản: Coi chừng lộn chỗ. Đọc thấy hay, nhưng hãy tự xét xem nó có đúng không, và lời viết với người viết nhiều khi là hai miền trời đất cách biệt nghìn trùng. Người tìm đạo giải thoát phải biết tự cảnh giác như một chiến sĩ hay xử nử, sơ thất là vong mạng, thất tiết. Viết lách với thiện tâm có thể được xem là món Văn Cú Tam Muội của một người tu Bồ Tát Hạnh. Công phu đó rất đáng trân trọng, nhưng không phải là tất cả đạo nghiệp. Cả người viết lẫn người đọc đều cần biết chỗ phải dừng.

Họ là những người chung thân tịch lặng như cây rừng đá núi, không nói không viết gì cả, nhưng sở đắc của họ thâm hậu như biển lớn. Nhìn họ đi đứng, sinh hoạt cũng có thể hình dung phần nào phong nghi của hiền thánh ba đời. Họ sống trong hiểu và thương, nhưng một đời thủ khẩu như bình. Ngõ vào và lối ra của ngôn ngữ họ đã tự phong bế chỉ vì đôi lúc chỉ có sự im lặng mới diễn tả trọn vẹn được cái cơ mật huyền ẩn của chánh pháp. Đến với họ, đừng kỳ vọng quá nhiều những cái để đọc hay để nghe, hãy lắng tai và chong mắt để nghe thấy những ngôn ngữ khan hiếm của họ. Thấy họ là thấy đạo. Từng lời, từng chữ của họ có thể là châu ngọc. Họ không quen dùng ngôn giáo, và thay vào đó là thân giáo. Nhìn họ ăn uống cũng đủ muốn rũ bỏ phàm tình.

Họ có thể chỉ là một người vô danh ngoài đời trong đạo, nhưng chung thân tinh chuyên dốc lòng với một công phu nào đó như là mật hạnh. Mật hạnh đó có thể là khả năng nhẫn nhục bất động trước mọi tấn công cay độc khốc liệt. Họ lặng lẽ chịu đựng trong sự thinh lặng của riêng mình. Và thử hỏi cái gì cũng có thể om sòm chứ sự nhẫn nhục làm gì có tiếng động. Thế là nhẫn nhục cũng đáng gọi là một mật hạnh. Họ chịu đựng trong niềm thương, trong thấu suốt, không tiếng nói. Mật hạnh cũng có thể là đôi bàn tay luôn xòe mở trong sở hữu. Họ có thể cho ra bất cứ cái gì họ có và cuộc đời cần. Họ có thể lam lũ rách nát, nhưng không thể cam tâm từ chối trước một người cần đến thứ mình đang có. Họ chia sẻ trong sự lặng lẽ, không kèn trống, không bảng vàng bia đá, không ầm ĩ huyên náo, đại khái chẳng cần ai biết và cũng chẳng mong đợi sự đền đáp của người nhận. Họ cho ra bằng bàn tay một người mẹ. Mật hạnh ở đây cũng có thể là một bàn tay không ngại nặng nhọc, dơ bẩn để có thể làm mọi việc lao dịch vô danh nhưng cũng khó làm nhất. Đạo tràng của người tu mật hạnh này đôi khi chỉ là nhà xí, hố rác, cống rãnh. Người tu hạnh này chỉ mong đời thêm sạch, thêm đẹp, đổi lại mình có vì vậy mà dơ xấu một chút cũng vui. Họ nhặt một cọng rác cho đời thêm đẹp và lòng họ thêm sạch. Nhưng đời hiếm người thấy ra ý nghĩa đó, nên công phu của họ được gọi là mật hạnh. Họ là những Bồ Tát đang dồi hạnh Huyền Mặc Tam Muội.

Nói cho cùng, người học đạo kỵ nhất chuyện lụy bóng quên hình. Những dòng chữ thần bút, những câu nói tài hoa, những âm thanh tụng tán mê hồn, những vẻ ngoài chói lòa phong phạm hiền thánh,..Tất thảy đều cần được nhìn ngắm thanh thản và bình tỉnh. Người học đạo có lẽ cũng chẳng nên xem nhẹ những hạnh tu xem chừng vô công, hèn mọn như hốt rác, rửa cầu, nhặt lá, lau bụi. Gì cũng ở lòng người.

Ô hay, người viết đang ra vẻ cao đạo để rao giảng huyền nghĩa chánh pháp khi chính mình chỉ là một hạt bụi sơn môn ? Cho là thế hình như có chút khe khắc với nhau. Sá gì vài ba ghi chép vội vàng mấy lời nghe được từ những tán lá xào xạc sau am. Mùa đông đang tới, vài ba loài chim di trú vừa từ đâu tìm về và hót những tiếng lạ…

 

TOẠI KHANH