Vài lời phụng hiến

29/09/2012 | Chuyên mục: HƯƠNG BÚT . 1826 Lượt xem

(Mưa Hà Nội cũng dài lắm đấy, dù không kéo dài ra đến mấy ngày nhưng cũng đủ làm cho lòng người bâng khuâng khôn xiết tả. Nhớ Huế, nhớ núi Ngự, sông Hương, nhớ cả người ẩn sĩ tự ví mình như còng già bỏ tổ, lang thang tìm được bài viết của Thế Huyền, hòa nhịp trong giòng cảm xúc vô biên. Cám ơn ai!)

Đằng sau âm vọng thi từ, vẫn còn khoảng mênh mông ý tứ cho mỗi riêng lòng hỏi tâm cảm nhận. “Bút ta cùn thơ không còn ngọt nữa”, người thơ tâm đạo Triều Tâm Ảnh hòa vào “Cửu niên diện bích”, âm thầm tình Sơ Tổ hôm nao…

Mưa Huế thường kéo tôi về với dòng cảm xúc, lúc miên man, lúc lơ đãng; có khi trào dâng thôi thúc, ứ nghẹn muốn vỡ toang để những ý tưởng rơi rụng như mấy chiếc lá mùa thu thoi thóp thở ngấm niềm mưa gió. Rồi vẫn chén trà, vẫn ngọn nến, chút khói trầm thơm đượm, đôi lần thêm sự hiện hữu của ông bạn già bên kia dốc đời ươm tình trong khói thuốc, tôi lại reo sống những tháng ngày còn lại trên nếp nhăn nhúm vẽ ra triệu triệu đường mơ hồ trong lòng mỗi bàn tay.

Như một thói quen mang trái tim xôn xao nghiệp dĩ, tôi thích ngâm ngợi vài dòng thơ trong đêm khuya hay mỗi lần ủ mình bên khoảng trống trơ cuộc tìm cầu trôi nổi. Khi thì nghêu ngao “Ta ném bút giẫm lên sầu một buổi. Xa vở bài, mở rộng sách ham mê. Đã từng phen trèo cổng, bỏ trường về. Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn” với Đinh Hùng ; có lúc thầm chia “Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị. Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng. Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ. Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường” cùng Tuệ Sĩ; lần thì cao hứng với cõi thơ Huyền Không “Hôm qua mộng thấy tụng kinh. Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng. Bao nhiêu cát của sông Hằng. Là bấy nhiêu kiếp đã tằng tử sinh”…

Còn nữa, nhưng có lẽ, gắn bó và đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất vẫn là Minh Đức Triều Tâm Ảnh, bởi lẽ đó là dòng thơ đầu tiên tôi từng tiếp xúc và những dòng sẻ chia của người đã cưu mang tôi suốt tháng năm dài đẳng đeo mấy vết thương trầm thống.

Tình người thôi thúc lẽ hiến dâng. Tâm đạo đưa ta về với cuộc chơi khai phóng, khai sinh mình trong từng niệm thênh thang. Thầm tri ân tất cả những bóng hình lặng bước qua và đọng lại trong khoảng đời tôi, vang vang qua mỗi dòng mật ngữ, như ông bạn già hay ngâm ngợi: “Dẫu một phút tình cờ hay một giây bất chợt; Đã đi qua là đọng lại trong đời”.

Mà thật. Hầu như mọi thứ đều lưu tích với “Một phút tình cờ hay một giây bất chợt”. Tình cờ ta gặp bạn, bất chợt phát hiện ra; tình cờ ta đến đó, bất chợt nối thiện duyên; tình cờ…, bất chợt…

Thế đó, mà tạo nên sự sống đi đến mỏi chân cũng không thể hết cuộc chung cùng. Nhờ lắm chứ, những phút giây tình cờ và bất chợt, để ta tháo tung được hết thảy mọi hoặc nghi bồng đeo bấy lâu nay, liễu tri toàn thể vũ trụ qua cảm nhận từ những lời dạy, những dòng thơ văn còn ấm trào thân phận.

Cuộc đời tôi, cuộc đời bạn, chắc chắn đã có lần cúi đầu kỉnh lạy những phút giây nhiệm mầu đã ươm mầm cho ngày sống ấm áp và bình yên hơn. Ta không đủ sức để chống cự với khoảng đời cô quạnh, để vượt qua nhát chém tử sinh luân, để xa lìa bao vở bi hài kịch cuồng quay trong thinh lặng.

Vì thế, ta cần sự dìu dắt, sẻ chia, trao gởi của những cõi lòng biết lắng nghe tiếng nói tha nhân bằng tình thương của con sông độ lượng. Ân này bao la lắm, “đến bao giờ trả hết nợ con sông?”.

Trong những tháng ngày nhọc nhằn giữa cuộc đi về trầm nịch quặn đau, tôi đã bắt gặp những tâm hồn vớt tôi lên từ bóng tối miên trường, suốt mạch sống còn lại, dễ ai quay mặt lãng quên. Dòng thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một vọng hình như thế.

Xin lắng nghe lời nhận xét của con người từng làm xốn xang bao thế hệ, từng mở ra những cuộc hội ngộ bàng bạc giống nòi trên câu chữ hùng tráng xác xơ, Phạm Công Thiện: “Đọc đi đọc lại mấy lần mấy chục bài thơ của Triều Tâm Ảnh, tôi có linh cảm rằng thi sĩ đang cưu mang một Tính Mệnh lớn lao mà có ít thi sĩ Việt Nam nào hiện nay có thể đủ trầm lặng đạo lực cưu mang nổi. Không phải vì những tên tuổi bi tráng như Nietzxche hay Rimbaud mà tác giả yêu thích đã khiến tôi nhận xét như trên, mà vì chính những gì loáng thoáng đằng sau những dòng thơ kì diệu của thi sĩ.

Thi nhân ở đây đồng thời cũng là một đạo nhân. Thi nhân đang đứng giữa trung tâm điểm cơn bão tố địa cầu, đứng giữa Triêu dương của Đông phương và Tịch dương của Tây phương, đứng giữa Tây nhập và Đông khởi của Hoa Nghiêm Kinh… Như những đám mây trôi nổi ở vùng mặt trời lặn, tôi xin gởi đôi dòng linh cảm này về thi sĩ và tạ ơn được đọc những bài thơ sâu sắc tuyệt đẹp ít thấy trong thi ca Việt Nam hiện đại…”.

Không phải vì một lẽ ngẫu nhiên mà nhà tư tưởng từng chắp tay xin làm con kiến lặng thầm bò khiêm tốn trên những trang kinh huyền nhiệm này phát biểu nên cảm xúc như thế. Đi vào thế giới thơ Triều Tâm Ảnh, ta như được sống ơ hờ miên man trên từng nhánh sông ở một khúc đời xao động hay êm trôi nào đó trong kiếp đời lắm cuộc xuống lên. Và bao giờ cũng thế, chung cuộc, người thơ cửa Không đều mong mỏi nhân loại mở rộng vòng tay yêu thương, độ lượng để tiếng khóc than không còn tỉ tê hiện hữu trong gió sớm mưa chiều:

Máu từ chối không về tim nữa

Thì xin người tha thứ lỗi lầm nhau

Sống bao lăm mà hận thù oan trái mãi

Dẫu cát bồi sông lỡ cũng qua mau

(Cát lòng ca nguyện)

Chỉ một vài gởi trao nhẹ nhàng thân ái đó thôi cũng đủ khiến cho con tim mỗi chúng ta không khỏi một lần tự hỏi về thái độ sống của riêng mình đã chân thành hay chưa. Nếu chưa thì hãy dang rộng cánh tay đón chào những tâm hồn trở về nghỉ ngơi sau vết thương đời rát bỏng như chàng Trịnh từng bảo “Tôi xin làm quán đợi, buồn chân em ghé chơi”, để sớt gởi nhau chút nồng hơi bi nguyện “Ngọn lửa ấm hãy ngồi hong chút đã. Ngọn lửa này có tự trái tim nguyên” (Cát lòng ca nguyện).

Sự hốt nhiên của bậc Chân Nhân mở ra trang thơ-trang lòng lời tự tình thân mật khiến trong cuộc đi về chúng ta dễ dàng chạm va những ý tưởng đồng cảm, ước ao được dựng xây cõi yêu thương để nơi đó, hạnh phúc xoa dịu khối đau, nắng lên xóa vết sa mù, đôi mắt độ lượng cùng nhìn về một hướng khiến gió bụi phù vân không rát bỏng nét hoen gầy giữa mọi luồng ảo tưởng.

Người thơ Triều Tâm Ảnh lặng lẽ đi qua vùng bão tố, lặng lẽ dừng chân nghe ngóng, lặng lẽ truy tìm sự hoạt dụng chân tâm, lặng lẽ truyền trao hơi ấm. Sự lặng lẽ nhân bản để dòng thơ lưu xuất thầm trao cho bao thế hệ định hình cuộc hành trình trở lại nhìn tận mặt cội nguồn xưa.

Con đường đó đầy thử thách, lắm phen đi ngược với tất cả những tri kiến lầm sai lâu ngày hun đúc nuôi sống tâm thức con người, đưa tha nhân trở lại đối diện với chính mình cho đổ vỡ nguồn cơn vốn “Đầy hai bờ, tri kiến dựng trơ gan”. Ta trở lại cuộc đời sau trò chơi trốn tìm mệt lã, để phút giây hãi hùng “Điện Phật khuya thiếu dầu, leo lét tỏ. Em đăm chiêu, sầu, đêm tối ba mươi”.

Nhưng như thế không có nghĩa là cúi đầu điếu văn niềm tủi hận, ta lại quay về, lục soi, tìm kiếm, đào bới trong vi trần mù tri, khơi giữa đống tro tàn xôn xao chút lửa thắp sáng buổi hồng hoang để thênh thang hát ca trên đạo lộ lao đao chối từ thất bại.

Nỗi tủi thân có lúc lại trở về giằng xé tháng ngày xanh, bởi Bảo Sở ngay đây mà cửa vào còn mơ hồ mờ mịt, âm ba trần thế còn đoanh vây hồn non trẻ. Cuộc tầm cầu chân lý là trận chiến nội tâm không sát-na ngưng nghỉ, lời Cha xưa vẫn còn đó mà lắm lần con quờ quạng giữa đôi dòng đục-trong.

Ta vẫn cứ bảo lòng mình phải học hỏi với vị đại sư mang hương vị và âm sắc đớn đau, phải hạnh phúc trước sự thất bại của ý thức, phải bươi mốc kiếm tìm trong khoảng hồn những rệu rã để khai sinh mầm sống tươi nhuần.

Hành trình của Thế Tôn cũng như thế, đầy ắp ưu tư, đầy ắp giằng xé để một hôm dòng máu chảy trong Ngài là dòng máu chung của cộng đồng nghiệp lực kêu gọi bước mau ngấm hòa con đường sáng; hơi thở Ngài là hơi thở chung chia niềm đau sự sống để đồng cảm và dìu dắt mọi loài thắng lướt bộc lưu, để mẫn hoài truyền trao thông điệp “Giáo pháp của Như lai chỉ có một mục đích duy nhất: khiến chúng sinh thấy khổ và con đường thoát khổ”.

Thế hệ chúng ta lại tiếp tục nhắc nhau nẻo về thiêng liêng đó, để mỗi lần còn thấy tủi thân, là mỗi lần ta còn khát khao đi đến tận cùng con đường đã chọn:

Những lần mà trăng sao cùng ngủ cả

Ta bên trời, thức trắng với miên man

Sanh tử xoáy sâu vào lòng tim máu đỏ

Nhìn hương đăng, tượng Phật, tủi vô vàn

(Kỷ niệm chúng ta)

Cuộc ấm áp trong thơ Triều Tâm Ảnh cho ta những ánh nhìn thân thương với hồn sống khiêm hạ mà quảng đại đến lạ thường. Những con chữ gần gũi và gắn bó tựa hồ như người thơ đang ngồi rất gần, cạnh chúng ta, với nụ cười ẩn sĩ, nghiêng mình trao lại cho thế hệ tiếp nối những giá trị sống thật chân.

Đã lắm lần rồi, ta cùng nhau rưng rưng hoang vu niềm khổ lụy khi thời gian cằn cỗi kiếp nào xa xôi chợt quay về chỉ trong nửa niệm phân ly. Nơi đó, ta từng thảng thốt muốn chối từ nỗi bồng phiêu đẳng đeo con mệnh số trớ trêu ngây dại “Tôi đã ra đi tự khối tình chân thật. Yêu trần gian mà chưa dám cầm tay” (Bày tỏ I); cũng nơi đó, ta từng nghi hoặc trước mọi sự biệt phân “Nói ai hiểu mà có còn ai hiểu? Tay nắm tay khoảng cách rộng vô cùng” (Bày tỏ 4).

Thế nhưng, tất cả những điều ấy không ngăn ngại người thơ thầm nhắc mình một cuộc đi về xứng đáng với bậc Đại Trượng Phu. Đó cũng là thái độ mà mỗi mỗi chúng ta phải sống:

Thôi nhé cuộc đời, cho tôi kỉnh lạy

Thôi nhé anh em, bằng hữu, chút tri lòng

Cố gắng sống phận đời nhỏ bé

Cố gắng thương hoài bằng chút máu trong tim

(Bày tỏ II)

Để một hôm hạnh phúc ngập tràn trên mỗi bước chân qua, hành trình chúng ta sẽ không còn đơn lẻ, hơi ấm tình người lại phủ choàng trong mắt trong, tay đan tay reo ca ngày khải hoàn Cố Quận:

Mai chàng hát rong về chợ

Xin ăn một gã ăn mày

Cho cây hạt mưa đầu núi

Cho người một thoáng non mây

(Chàng hát rong)

Hình ảnh đẹp, lung linh như mật ngữ, bất khả tư nghị, vượt xa hẳn biểu tượng miêu tả tư duy. Chàng hát rong ngã tay xin ăn lão ăn mày. Lão ta trắng tay thì lấy gì mà cho? Còn chàng hát rong nghêu ngao với cõi tạm thì thiếu cái gì mà xin? Một cuộc trao đổi kì thú trong duyên kì ngộ thật kì diệu vô cùng.

Gã hát rong xin đời chút thi vị thanh thản chốn lênh đênh; lão ăn xin độ lượng cho đi lòng cảm thông với con người biết trân quý những giá trị sống đích thực như gã lang thang. Hai kiếp đời tay trắng, vậy đó, mà cho nhau mãi vẫn không sao hết được gia tài vô tướng. Gia tài này đâu của riêng ai? Biết sống bao dung, tôn trọng nhau cả trước mặt lẫn sau lưng, càn khôn đâu đâu cũng là kho diệu bảo!

Thời gian đã dạy cho tôi những bài học đắt giá, trong đó có lời khuyên, đừng bao giờ khinh chê một điều gì trong cuộc sống, từ lời nói giản đơn đến câu thơ văn chưa trọn chữ vẹn dòng. Những điều trong quá khứ ta từng chê bai, a hay, bỗng đâu hiện tại trở về như lời linh chú kéo ta lên từ ngõ thẳm quặn buồn.

Niềm đau một thuở đã hóa thành quách vững chắc để ta không chùng bước trước mọi ngã rẽ xác xơ; nước mắt từ ngày tang thương đã trở thành câu kinh vô lượng nghĩa cưu mang hơi ấm miên trường; đêm thao thức thoát thai thành lời tâm sự cùng trăng sao mở ra một bình minh ngây ngô tiếng sẻ gọi bầy trong thâm mật…

Tất cả sẽ thành điển tích, hòa vào đại dương bao la để bên kia, nơi rừng thiêng tịch mịch, ẩn sĩ gác kiếm ngồi nghe vị muối mặn quanh đây chan hòa lá núi, cảm chim ngàn thuật lại chuyện đến đi:

Chúng tôi biết, chúng ta đã một kiếp xưa nào

Làm mây mùa hạ

Ôm nắng mặt trời cho cây cỏ bình yên!

Chúng tôi biết, chúng ta đã một kiếp xưa nào

Làm mấy hạt mưa ngâu

Cho ấm lòng Chức Nữ!

Nhưng cuộc đời vẫn cứ thế vần xoay

Một ngày vui sẽ tử

Một ngày buồn sẽ sinh

Ngàn năm vẫn thể phù luân

Làm con sóng lạ từ Đông hải về

(Viết cho người tuổi trẻ)

Một ngày vui sẽ tử. Một ngày buồn sẽ sinh”, “Gót lữ thứ đã bao giờ đẫm mộng”, giật mình nhìn nấm mộ hoen vàng nằm khắc khổ với tịch dương thả “Rớt tiếng quạ giữa vô cùng khuya khoắt” (Cung thương), chút đắn đo xoay vần trong vết cũ chân chim, và cuộc thế trôi đi với vạn mùa mông quạnh.

Trong đoạn trường lê thê lã mệt đó, ta sững sờ trước mọi lẽ, bỗng bắt gặp ánh mắt buồn tênh huyền diệu của mẹ trong túp lều tranh mưa về kể lể, “Nửa đêm nhớ mẹ trùm chăn kín; Khóc một mình, ôi, chỉ một mình con”. Nỗi xót xa cấu xé, “Giọt lệ khô như gió Nam Trường Sơn; Qua bao tuổi tác bấy nhiêu buồn” (Cát lòng ca nguyện), mẹ hiền ơi, cuộc tìm kiếm bao năm vẫn chưa thỏa lòng con trẻ, mộng khát khao cứ kéo con cuồng say trong kiếp mộng đăng trình. Con xin mẹ một lời thứ lỗi. Nhưng mẹ thương vô ngần, có bao giờ trách đâu mà phải run run nghe con thú tội. Cơm liền kiềng, cá lang cang, mẹ ơi, theo con dong ruổi hằn ghi lên lời vong lữ lẫn vong quê, rồi vọng về ôm choàng hơi ấm mẹ, nơi trú ngụ bình an xa xưa vong ân con mấy lượt khước từ:

Con lặn hụp trong vô vàn máu lệ

Khi quay nhìn thì sương trắng đã phù vân

Biết bao đêm chong đèn khuya lệ tủi

Ôi kiếp người sao chỉ mãi ăn năn?

Xin Mẹ hiểu cho con mỗi khi về thầm lặng

Vì bao năm con chưa vẹn nụ cười

(Thư gởi Mẹ)

Rồi một hôm xa lìa phố thị về chốn am mây, đốt nén tâm hương niệm ân ngày mới và truy điếu thương tật cuồng du sau tiếng gọi sông hồ, xao xuyến hiểu rằng “Những lần xa, những lần gặp lại; Lỡ lầm nào đức Phật cũng từ dung” (Kỷ niệm chúng ta).

Từ đó, mỗi hơi thở là mỗi tiêu dao ca bồng phiêu hốt ngộ. Người nghệ sỹ cũng là vị ẩn sỹ chân chính, thầm thương con chim cổ còn rươm rướm máu khi đến trần gian phụng hiến gởi trao cả linh hồn. Con chim cổ rướm máu, vẫn thảnh thơi nhắn gởi nơi đây lời tự tình buổi hoang sơ từ cao nguyên về phố thị, có tiếc gì chút sức lực thặng dư. Tôi vẫn thích hình dung như bao lần lóng cóng… tôi hình dung… con chim rướm máu… bóng thiền sư nhìn đời qua kẻ nắng mênh mông… “Đời đạo sĩ, con chim trên đỉnh núi; Ngợi ca ngày nắng mới giữa mù sương”… con chim dâng sự sống cho tiếng hót cuối cùng… “Chim rướm máu bởi hồn thơ u khoát; Rớt xuống trần như lửa cháy tà dương”… lặng lẽ nằm chết bình an… Thiền sư vẫn ngồi… đăm chiêu… “Quả tim đau chưa một lần bỏ cuộc; Đỉnh cô liêu ta hớp khí hạo nhiên”… lắng tai… nghe ngóng… “Còn khoảng trời mênh mông chưa vẩn đục; Dành cho trăng, cùng giọt lệ thanh bình”… vạn mộng quy hương… bùng vỡ tâm linh trong tiếng chim vang vọng… rừng núi ướt đẫm sương đêm… Thiền sư vẫn ngồi… nhất điểm linh sơn… Thức vô biên xứ nói chuyện với muôn loài bằng mật ngữ trí bi… hàm tiếu… Thiền sư cười… đồng vọng với tiếng chim trao lời hiến tặng…:

A, đây rồi

Em đã đến

Con chim màu mạ non

Trên tàn cây già cô độc

Tiếng hát thanh trong giọt sương mai

Vọng lên từ thảo nguyên bí mật

Phủ màu xanh lên hồn

Lên lòng đời hoang vu khốn khổ…”

(Cánh chim màu mạ non và hạt bụi trắng)

Sống trên vạn cung trầm ai thán, biết nhìn lại và dắt tay nhau qua chiếc cầu lao nhọc, trần gian sẽ gởi lại chéo áo ta hoa hương lồng lộng thanh thản giữa buột ràng. Rồi cuộc đời sẽ mở ra khoảng trời thênh thang để bạn, để tôi sống khoảng ngày còn lại trong lời ca diệu nghĩa. Tạ ơn nhé, những nhục nhằn quyện bủa, đã mở ra nguồn yêu thương đến khát khao cháy bỏng, để chúng ta biết lắng nghe và xót thương chúng khổ, để niệm hiến dâng mãi mãi đủ đầy, để cảm ca rưng rưng với ý thơ thấm đẫm vị đề huề. Hoài niệm ban sơ về xoa dịu vết thương trần thế. Lại tiếp tục lên đường, xây dựng nguyện xưa còn lở dở. Đêm đã về, mưa vẫn rơi, chốn không tịch trăng sao cùng ngủ cả, vẫn còn loáng thoáng bóng hình bước ra từ cõi sống bao la, chấp tay thầm thì chung gởi “Cảm ơn nhé, một đời gió nổi… Thế gian nhé, một lần xin sám tội; Quỳ nơi đây mà ôm siết con người!” (Bày tỏ I).

… Ngôn ngữ trần gian chính thức nói lời thất bại khi bước vào mé cửa tâm linh. Đằng sau âm vọng thi từ, vẫn còn khoảng mênh mông ý tứ cho mỗi riêng lòng hỏi tâm cảm nhận. “Bút ta cùn thơ không còn ngọt nữa”, người thơ tâm đạo Triều Tâm Ảnh hòa vào “Cửu niên diện bích”, âm thầm tình Sơ Tổ hôm nao…

Gác bút, mây còn vô tận ý

Vườn xưa trăng cũ hạo nhiên hoa

Phất bồng chiếc lá ngùi thương cội

Chiếc bóng phù vân mấy cõi là?”

(Phù vân Du tử ý)

Một vài khía cạnh rất mực khô khan, lại như con còng già lơ ngơ mãi hoài vẫn không thể đi hết một phần nhỏ đại dương, làm sao sự khập khiễng trong ngòi bút quê mùa này nói được đôi điều trao gởi của Dòng Thơ Mặc Sĩ đây?

Cố gạt phắt những giằng co, tôi trân trọng cảm tưởng tri ân dòng thơ đã dắt tôi qua bao mùa mưa gầm nắng quái để tiếp tục vững tiến trên nỗi khát khao uyên nguyên quyện trong lời Kinh diệu nghĩa đi về phía mặt trời Chân lý. Cánh cửa đã mở, xin mời bạn bước vào, hòa chung dòng chảy tâm linh và cảm nhận bức thông điệp yêu thương cùng sự hốt nhiên của bậc Chân Nhân Triều Tâm Ảnh…

Ta, chiếc lá trên sông,

bềnh bồng cơn mộng trắng

Vỗ giọt nguồn, đưa đẩy chiếc bè hương

Ai không hiểu những nỗi đời hư huyễn

Thì nghìn trùng thân thế phải mù phương”.

(Từ độ nhổ neo)

 

Đêm mưa nhớ về…

 

THẾ HUYỀN