Ngàn Xưa Hương Bối

19/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 27555 Lượt xem

TÒA BẢO THÁP

 
Thuở xưa, tại Vương Xá thành có người Bà-la-môn giàu có, tài sản một trăm kho, tôi trai, tớ gái đầy như buổi chợ đông.

Khi tuổi đã lớn, có vài sợi tóc bạc, người Bà-la-môn buổi sáng cùng nhóm tùy tùng với ngựa xe đi ra cửa thành đông, buổi tối lại về. Những ngày sau nữa, người Bà-la-môn và nhóm tùy tùng đi ra cửa thành bắc, thành tây,… rồi trở về.

Con trai người Bà-la-môn là một thanh niên có trí tuệ, thấy cha đi và về với sắc diện không thư thái, đầy nét u ám buồn phiền, bèn hỏi:

– Thưa cha, nếu có việc gì phải đi đâu, cha có thể sai bảo con. Nay cha tuổi đã lớn, nên dành thì giờ để an tịnh, nghỉ ngơi.

– Này con thương! người Bà-la-môn nói – Chính ta đang đi tìm chỗ an tịnh, nghỉ ngơi, nơi không có uế nhiễm.

Người con trai ngạc nhiên, tự nghĩ: “Nay cha ta lại nói lên lời sáng như mảnh trăng rằm! Tại sao? Từ lâu, cha ta sống đời tích lũy không hề biết đủ, không hề dừng lại. Cha ta thu góp tài vật bằng tất cả khả năng của trí óc, bằng tất cả mọi cơ hội có thể được. Thế nhưng, hai bàn tay cha ta không có kẽ hở. Không có một trinh, một hào nào rớt ra cho các vị sa môn, đạo sĩ, kẻ làm công, người đói khổ. Bỏn xẻn, keo kiệt đã trở thành bản chất của cha ta. Với thiện pháp, cha ta quay lưng không thèm ngoảnh lại. Thật là hy hữu , hôm nay, cha ta lại nói đến chỗ an tịnh, nghỉ ngơi, nơi không uế nhiễm!”

– Lành thay, thưa cha! Người con hân hoan nói – Vậy thì cha đang đi tìm chốn tịnh thổ để an cư? Chỗ không uế nhiễm để nương náu đời đời?

Người Bà-la-môn gật gù:

– Phải vậy, phải tìm cho bằng được! Con ơi, con có thấy chăng? Tài sản một trăm kho, ngựa xe, tôi trai, tớ gái đầy như buổi chợ đông, nhưng rồi cuối cùng chúng cũng từ bỏ ta mà đi, ta chẳng thể nào nương nhờ vĩnh viễn nơi chúng được!

– Lành thay, thưa cha! Ðó là lời nói của kẻ trí!

Người Bà-la-môn hài lòng, tiếp tục câu chuyện:

– Và rồi, khi quả tim mệt mỏi hết làm việc, máu không còn chảy nữa, sứ giả của tử thần sẽ đi đến bằng hai bánh xe có răng cưa, với lưỡi hái sắc nhọn, thì con ơi, bấy giờ ta còn biết chạy trốn vào đâu?

– Lành thay! Người con hoan hỷ – Ðấy là lời dạy của các bậc Sa-môn. Các pháp vô thường, các pháp vô ngã. Nó thay đổi, biến hoại trong từng khoảnh khắc. Sợi tóc nó xanh. Sợi tóc nó bạc. Hôm nay còn trẻ, mai sẽ già, kia sẽ chết. Chẳng ai chạy trốn được tử thần. Vậy hãy xây hòn đảo cho chính mình.

Người Bà-la-môn thốt lên khoan khoái:

– Ồ! Phải thế chứ! “Hòn đảo của chính mình”. Con ví von hay lắm! Vậy thì con ơi! Tài sản này ta sẽ làm phương tiện để lát lối đi, để xây những bức tường bằng đá kiên cố. Rồi ở đó, ta sẽ kiến tạo một hòn đảo, – đúng hơn, là một tòa bảo tháp, đời đời thanh tịnh, không uế nhiễm, phải không con?

– Lành thay! Người con trai lại tán dương -Ðúng là một tòa bảo tháp, thưa cha đáng kính tr?ng.

Người con nghĩ: “Ánh sáng từ đâu mà đến được nơi cha ta, nếu không là một vị sa môn?”

 

Hôm kia, với đoàn tùy tùng, người Bà-la-môn trở về, mặt mày hớn hở:

– Này con, cha đã tìm ra!

– Ở đâu, thưa cha?

– Ồ, chỗ ấy, núi Linh Thứu, nơi thanh tịnh, không uế nhiễm!

Một phỉ lạc phát sanh trong tâm người con trai: “Ðúng rồi! Nghe nói Ðức Phật Cồ Ðàm và Tăng Chúng thường thiền định độc cư ở đấy. May mắn thay, cha ta đã gặp họ!”

– Bây giờ, người Bà-la-môn nói – trước khi từ bỏ tất cả, ta sẽ dẫn con đến nơi cho thấy tận mắt. Cha và con còn rất nhiều việc phải làm.

Thế rồi, cha con người Bà-la-môn và tùy tùng lại ra đi. Ðến chân núi Linh Thứu, tại chỗ xe không còn đi được, họ theo lối mòn lên đỉnh núi cao.

Ðây quả là một cảnh giới thần tiên u tịch, xa cách sự huyên náo của thế gian. Ðâu đó bên bờ suối là một cốc tranh, một tỷ kheo. Ðâu đó trên tảng đá chênh vênh in bóng một sa môn đang thiền tọa. Ðâu đó từ lùm cây xanh, một chiếc y vàng hiện ra, dáng dấp an nhiên, trầm mặc.

Tuy nhiên, đoàn người đi qua, vượt qua.

Người con nghĩ: “Cha ta cứ đi qua, cứ vượt qua, không dừng lại nơi vị tỳ kheo, sa môn nào? Hẳn là cha ta biết rõ việc mình làm. Ðức Thế Tôn hiện ở trên ấy chăng?”

Ðến chóp núi Linh Thứu, người Bà-la-môn lả đi vì kiệt sức. Tuy thế, ông ta lấy lại sức rất nhanh vì không khí mát lành.

– Con thấy sao? Ðây có phải là chỗ đời đời an cư lý tưởng?

– Dạ, nhất định rồi.

– Bảo tháp ấy ta sẽ thành tựu ở đây.

– Không còn nơi nào hơn nữa.

Người Bà-la-môn đưa mắt nhìn mặt trời, hướng đông, hướng tây,… rồi nói:

– Trước khi thành tựu bảo tháp, hẳn là phải có lối đi, phải không con? Có lối đi rồi, ở đây phải luôn luôn được gìn giữ, phòng hộ bằng tòa thành kiên cố, phải không con?

– Chắc chắn phải có như vậy! Người con gật đầu mạnh mẽ.

Người Bà-la-môn kiếm một tảng đá bằng, ngồi xuống, vỗ vai con trai rồi chậm rãi nói rằng:

– Này, người con chí hiếu! Vậy thì bắt đầu từ ngày mai, tài sản một trăm kho ta sẽ xuất cho con lần lượt sử dụng. Con sẽ đi khắp thành Vương Xá, kêu một ngàn thợ giỏi, gồm thợ chính và thợ phụ. Với đá, với cát, với sạn, với vôi, với mật,… tự tay con mua, sai gia nhân chở về rồi mang lên đây. Con sẽ đứng ra, vừa làm vừa chỉ huy, sách tấn họ. Có thể đánh bằng roi gậy hoặc đánh bằng tay chân, miệng lưỡi với giá cao. Phải hoàn thành bảo tháp này. Ở đó phải có những cột, những tường, những mái, những lan can, cửa tròn và cửa vuông. Phần bên trong phải có chạm trổ, hoa văn, khảm và dát bảy báu.

Sau khi ta chết đi, con ướp xác ta với nước hoa, với hương, với trầm, với trà. Con đốt xác ta bằng gỗ chiên đàn, và như vậy, xương cốt sẽ thơm tho, rồi bỏ vào trong một chiếc rương bạc, tôn trí ta ở đây như cung điện của đấng Chuyển Luân Thánh Vương. Như vậy, ta sẽ an trú đời đời thanh tịnh, không uế nhiễm!

Người con trai há hốc mồm, sững như bị hóa đá, như thân cây chết đứng!

Ðức Thế Tôn từ thiền định độc cư đứng dậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy rõ cha con người Bà-la-môn có căn duyên chứng quả Dự Lưu, như một vầng mây sáng, ngài hiện ra giữa hư không trên đỉnh Linh Thứu.

– Hy hữu thay là tòa bảo tháp! Này người Bà-la-môn! Như Lai cũng có một tòa bảo tháp thanh tịnh đời đời, không uế nhiễm. Hãy nghe, Như Lai sẽ nói.

– Hay lắm! Người Bà-la-môn ngẩng đầu lên – Chắc đây là ông Cồ Ðàm mà ta đã nghe danh từ lâu! Chỉ có kẻ trí mới gặp được nhau thôi. Hãy nói đi, ông Cồ Ðàm đáng kính trọng!

Ðức Phật không hề chấp trước lời nói thiếu cẩn trọng, kiêu ngạo và đầy si mê của người Bà-la-môn. Với lòng bi mẫn, từ từ, Ðức Thế Tôn dùng trí sanh tử, cho người Bà-la-môn thấy rõ các kiếp sống của ông ta. Tại đây, tại Vương Xá thành này, mười bốn ngàn đời ông có tên là Upasàlhaka. Cũng tại đây, tại đỉnh Linh Thứu này, ông đã thiêu xác mười bốn ngàn lần. Như vậy, tại địa cầu này, chẳng có nơi nào là vô uế, thanh tịnh cả. Nơi nào cũng tràn đầy đầu lâu, xương thịt, máu, nước mắt,… Rồi Ðức Phật thuyết pháp khai mở cho ông ta, tóm tắt bằng bài kệ:

” Chỗ nào có chân lý
Chánh pháp và bất hại
Có tiết chế, điều ngự
Nơi ấy là tịnh cư
Chỗ vô cấu, vô uế
Nơi ấy bậc thánh sống.”

Ðức Thế Tôn lại còn dùng thêm pháp thoại, dùng trí biện tài nói rõ con đường ấy, lối đi ấy là bố thí; thành trì để giữ gìn, phòng hộ ấy là trì giới, và chỗ ẩn cư chính là thiền lạc. Nhưng chính chỗ an cư đời đời bất hoại, thanh tịnh, vô cấu, vô nhiễm mới đáng cho ta xây một tòa bảo tháp tối thắng vượt ra ngoài sự chi phối của các định luật hữu vi: quả A-la-hán vô sanh bất diệt.

Như thế, Ðức Thế Tôn đã an trí cho hai cha con người Bà-la-môn nơi tòa Dự Lưu bảo tháp, biến mất ở Linh Thứu rồi về Trúc Lâm tịnh xá.