Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78931 Lượt xem

CHUYỆN ĐỜI!

 

Hôm kia, bà nói chuyện với ông:

– Ông tu chi mà tu hoài dzậy?

Tui tu để diệt khổ, bà nó ạ!

Bà nhìn ông, chậm rãi:

Tui thấy ông cứ bận rộn, lăng xăng tu cái cách này, tu cái kiểu kia hoài. Coi bộ ông càng tu, càng khổ thì có!

– Không đâu, tui tu khá lắm, ai cũng khen. Sư cả chùa Mahāmontrey cũng khen tui đó!

Bà cất giọng buồn buồn:

– Trước đây ông có nói với tui là sẽ tu ba năm, bây giờ đã qua cái hẹn đó lâu rồi, ông có nhớ không hen?

Ông thẫn thờ:

– Quả có dzậy! Quả tui có nói như dzậy thiệt. Nhưng hồi đó tui đâu có biết chi về con đường tu hành! Bây giờ biết rồi thì không phải đơn giản như dzậy. Tu cả đời, tu nhiều đời, nhiều kiếp chưa chắc đã diệt hết xan tham, sân si, phiền não đâu bà nó ơi!

Giọng bà đã bắt đầu có vẻ gắt gỏng:

– Ông tu cả đời, rõ rồi! Và tui cũng đã thấy rõ cái quyết tâm ấy của ông. Thế là ông bỏ tui! Ông cưới tui về rồi ông quăng vất giữa chừng? Nửa đường đứt gánh! Ông nói cho tui nghe thử coi, hen?

– Thôi mà bà! Tui van xin bà! Chúng ta dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng, ăn ở với nhau đã có sáu mặt con, ít ỏi gì? Bà nói nho nhỏ kẻo con cái nó nghe!

Bà vùng vằng:

Tui cứ nói, không nhỏ, không to gì hết! Sự thực đúng dzậy mà! Ông đã đành đoạn bỏ tui! Ông chẳng thèm ngó ngàng gì đến tui nữa.

– Không phải dzậy đâu! Ông dỗ dành – Chúng ta đâu còn “trẻ mỏ xuân thì” gì nữa? Sáu đứa con là quá đủ rồi! Chúng ta phải biết chỗ nào là đủ để dừng lại chớ? Cái tình thì không thể nồng nàn như thuở mới cưới, nhưng chúng ta cũng còn cái nghĩa phu thê mà!

– Thôi đi! Đừng lấy cái nghĩa phu thê ra mà vuốt ve, mà ỡm ờ tui nữa. Tui không phải là con nít. Tui không còn là con gái nhà quê khăn rằn vắt vai, tóc kẹp đuôi gà như hồi xửa hồi xưa, đừng có mà phỉnh phờ tui nữa! Nếu ông tu trọn đời thì phải viết giấy ly hôn để tui còn rộng đường mà tái giá…

Ông nín nhịn, nuốt nhẫn vào lòng:

– Bà nói gì những lời đau xót! Tui đi tu chớ có hoang đàng, chơi bời hoặc chạy theo hình dong bóng sắc của một ai đâu? Thương nhau thì phải biết thông cảm cho nhau chớ?

Thấy bà cứ khăng khăng, có vẻ như không còn lọt vào tai những lời nói phải nữa, ông xuống giọng:

– Thôi, thế bà ưng chi tui chấp thuận nấy. Nhà cửa, gia sản, con cái, tui giao cho bà hết đó!

– Không cần! Bà lắc đầuTui không cần ham hố dzậy đâu! Ông hãy lấy giấy rồi viết lời cam kết như thế nầy:“Tôi nguyện tu trọn đời. Nếu vợ tôi ở như dzậy được để vì chồng, vì con thì tốt; bằng không, bà có quyền tái giá. Nhà cửa chia đôi, đồng lương chia đôi; và bà muốn mang đứa con nào đi theo thì tùy ý. Nếu tôi không thực hiện được lời cam kết này, bà có thể kiện tôi ra tòa!”

Bà nói sao thì ông làm vậy. Viết xong, ông giao giấy cho bà. Bà chỉ liếc chứ không xem, rồi cầm tờ giấy mà gục khóc nức nở.

Việc vậy rồi thôi, một thời gian được trời yên biển lặng; nhưng ông biết, bên trong, sóng ngầm vẫn còn réo sôi, dao động ầm ì dữ lắm.

Trưa ấy, dùng cơm theo lệ thường, các con đi vắng cả. Ông lặng lẽ ăn, không nhìn bà, không nhìn qua nhìn lại; thật ra, ông đang ăn mà tâm vẫn dính đề mục thiền. Bà thấy bực, lấy tay xô ông một cái. Ông vẫn tự nhiên không hề có phản ứng gì. Bà tức giận hầm hầm, nói to:

– Cứ ăn, cứ ăn mà không nói chuyện gì hết!

Lát sau, bà nói nữa:

– Cái con người sao mà trông giống cục đất, cục đá

dzậy không biết!

Ông vẫn làm thinh. Bà đứng lên, xô ông một cái nữa rồi quăng đũa, quăng chén bỏ đi. Ông vẫn ngồi một cục, một đống: Tham thiền!

Một chiều nọ, trời mưa lâm thâm, làm việc về, ông liền thay đồ để đi lên cốc. Vừa bước ra ngưỡng cửa, bà chận lại, rồi chỉ vào cái ghế dài bên tường:

– Ông ngồi đó!

Ông ngồi xuống.

Bà ngồi xích gần một bên. Thế thôi!

Lát sau, bà nói:

– Thôi đi đi, đi tu đi!

Nghe lời, ông đứng dậy; bà liền nắm quần kéo giật xuống nghe một cái “roạt”, rách cả cái túi quần, buộc lòng ông phải ngồi xuống trở lại.

Bà lại ngồi gần bên một chút xíu nữa.

Lâu sau, bà lại nói:

– Thôi đi đi, đi tu đi!

Nghe lời, ông đứng lên, bà lại kéo giật áo làm rách toạc một đường ở đâu đó nữa. Lại phải ngồi xuống trở lại nhưng ông cũng không nói gì, vì lúc ấy, ông đang rải tâm từ đến cho bà. Cuối cùng, biết chẳng làm gì được “ông Phật” ấy, bà nói:

Thôi! Thử ông chút xíu thôi! Hãy đi đi! Tui không thèm cản nữa đâu!

Như được lệnh đại ân xá, ông ra lấy áo mưa, chạy xe máy lên cốc. Ông cảm thấy sao mà sung sướng quá, ví như chim thoát khỏi lồng. Gởi xe tại chùa, xắn quần lội bộ đến cốc, chùi sạch chân, leo lên tọa cụ ngồi thiền, ông thấy sao mà hạnh phúc và an lạc quá trời trời!

Trưa hôm kia, đi làm về thì có ông chú ruột – em ông thân sinh – đến thăm.

Ông mời ngồi, mời nước.

Ông chú nói:

– Cháu mạnh giỏi?

Dzà dzâng!

Ông chỉ có nói một tiếng như vậy chứ không biết nói gì nữa. Hỏi thăm sức khỏe thì có vẻ khách sáo! Nói chuyện đạo thì chắc ông chú không thèm nghe! Nói chuyện đời thì biết chuyện chi mà nói, mà có nói thì để mà làm chi, vô ích và phù phiếm quá. Do nghĩ vậy nên ông lặng thinh.

Ông chú ngồi một hồi, thấy cháu mình không niềm nở, buồn, nên ông kiếu:

– Thôi, tao về!

Dzà dzâng!

Thế đấy! Quả thật, khi người ta tu đã có thân, khẩu, ý chân thực rồi thì không biết nói gì cả. Ông tiếp khách mà chỉ có hai tiếng, trước dzà dzâng, sau dzà dzâng!

Một bữa khác, có người em ruột đến nhà, báo tin:

– Anh ơi! Con tôi đau nặng quá!

Dzậy ha! Ông nói – Có thân thì có bệnh, có đau chớ có gì lạ đâu chú!

Rồi ông cũng không biết nói gì nữa.

Người em ngồi một hồi, buồn, cũng đứng dậy bước chân ra về.

Mấy bữa sau, ông em đến nữa, báo tin:

– Con tôi nó chết rồi, anh ơi!

Ông đáp:

– Đó là định luật tự nhiên mà chú! Có sống thì tất là phải có chết chớ!

Rồi ông lại lặng thinh, không biết nói gì nữa, không biết khuyên lơn, an ủi như thế nào! Sau đó, ông cũng đến thăm, chia buồn, nhưng lại tự nghĩ: “Mình đâu phải cục đất, cục đá, không có tình cảm, nhưng không biết tại sao mình thấy nói chi cũng có vẻ xã giao, đầu môi chót lưỡi quá, không thực!”.

Hôm nọ, ông lâm bệnh, bà hốt thuốc, sắc cho ông uống. Khi uống cạn chén thuốc thấy lộ ra lá bùa, ông bèn hỏi:

– Cái gì trong đáy chén dzậy bà?

Bà lật đật nói “có gì đâu, có gì đâu” rồi tìm cách giấu đi. Ông nói:

Tui biết rồi! Nếu cần, bà hãy cho mời tất cả các ông thầy bùa lại đây, ngồi xung quanh tui đây, cứ cùng tha hồ mà ếm bùa tui một lượt thử xem! Một lần cho dứt khoát! Chớ đừng hôm nay ông thầy nầy, hôm mai ông thầy khác, vừa mất thì giờ vừa hao tốn bạc tiền vô ích!

Sau này, vô tình ông mới biết rõ, lá bùa hôm ấy chính là lá “bùa yêu”, bà muốn ông trở lại cùng yêu thương chăn gối với bà!

Bữa nọ, công việc ở sở bề bộn, ông về nhà đã khuya, ngó bộ không lên cốc được, đành nói với bà:

– Đêm nay, tui xin được ngủ nhờ ở nhà một đêm nghen, bà nó nghen!

Bà nghe vậy, mừng quýnh, tưởng là lá “bùa yêu” đã phát huy tác dụng nên hăm hở quét dọn, sửa sang giường, mùng, gối, nệm đâu ra đó, sạch sẽ, thơm phức. Biết vậy, ông vẫn làm thinh. Đến giờ, ông đem chiếu trải vào một góc lầu, giăng chiếc mùng nhỏ, ngồi thiền. Đến nửa đêm, nghe động, ông thấy bà lẻn vào mùng. Ông giật mình, vì ngay lúc ấy, do tâm thiền, ông thấy người bà đỏ rực và ngọn lửa ấy sắp táp vào thân ông.

Ông bình tĩnh bảo:

– Hãy đem ngọn lửa ấy đi ra ngoài đi bà nó ơi! Tôi dzan xin bà đó!

Bà đi ra, tủi hổ, khóc tấm tức… Và ông cũng không vào định nữa, ông ngồi quán tưởng, quán tưởng cái “ngọn lửa ái dục thiên thu” ấy nó đốt cháy thế gian không bao giờ ngưng nghỉ, không bao giờ dập tắt được. Nhưng ông phải dập tắt nó!

Bữa kia, bà nhạc tới thăm, thấy con gái tiều tụy, gầy mòn, biết rõ cớ sự, bà ân cần nói:

– Thôi con! Về ở với má đi con! Có mấy mẹ con mà ở gì căn phố lầu rộng rinh như dzậy nè! Về ở với má! Căn lầu trên, chồng con và mấy đứa, ở đủ rồi! Còn căn lầu dưới này hãy cho thuê, có thêm được một khoản tiền hằng tháng…

Ông phụ họa theo:

– Má nói phải lắm đó! Nghe lời má đi! Tiền thuê nhà được bao nhiêu bà hãy cất mà chi dùng…

Ông nói chưa dứt câu thì bất đồ, đã thấy tối tăm mặt mũi, hằng trăm ngôi sao nhảy múa trước mắt. Hóa ra, bà đã lẻn qua bên, đánh ông một bạt tai tóe lửa. Thấy đứa con nhỏ ở gần bên khóc ré lên, ông cúi xuống ẵm bồng lên tay, à ơi, à ơi… dỗ nín rồi nói với con rằng:

– Má con dại, lỡ tay đó thôi chứ không có ác ý gì đâu con!

Bà chưa đã giận, xỉa xói ông:

Tui biết mà! Tui biết ông muốn đuổi tui ra khỏi nhà cho rảnh, cho khuất mắt! Tại sao dzậy? Tại sao cưới tui rồi bây giờ lại muốn đuổi tui dzậy chớ?

Bà nhạc nhìn con gái, dằn từng tiếng một:

– Dữ! Dữ quá! Hung dữ quá hen! Thiệt không ai còn chịu nổi! Cả gan dám đánh chồng! Mà chồng cô là ai chớ? Hiền khô à! Là ông Phật thiệt đó! Dám đánh cả ông Phật! Thôi! Từ nay về sau, tui không còn dám bước vào nhà “có cái con quỷ cái dữ dằn” này nữa đâu!

Nói xong, hầm hầm, bà nhạc quày quả cắp nón ra về tức khắc!

Sáng ngày, bà biết lỗi, đến xin sám hối với ông. Ông vui mừng lắm, dịu dàng nói với bà:

– Biết lỗi là quý lắm! Tui không để bụng đâu! Người xưa nói, nhi nữ thường tình mà! Người nữ cái tình nó nặng lắm. Tui thông cảm với bà, nhưng từ nay, bà cũng phải thông cảm cho tui mới được chớ! Rồi bên nào cũng yên cả, cũng đẹp cả! Khỏi phải xin lỗi tui. Xin lỗi là phải đi lạy má mà xin lỗi kìa! Bà thường giận hung và giận lâu lắm đó!

Bà nghe lời, cắp nón ra đi, còn nói:

– Kẻo má nhiếc tui là con quỷ cái!

Ông bấm bụng, không dám nói cười chi, sợ bả giận thì nguy to!

Chuyện thì có vẻ qua đi, nhưng ông biết, chưa thật sự yên được với bà đâu! Chuyện đời mà!