Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78194 Lượt xem

ÔI! VIỆC GIA ĐÌNH MUÔN THUỞ!

 

Vào năm 1933, được bốn mươi tuổi, mặc dầu tâm đã đi sâu vào pháp, nhưng ông vẫn chưa biết rõ pháp ấy đúng hay sai.

Hôm kia, vào một buổi sáng đầu Xuân, ngồi trên bộ ván ngựa trước nhà, thấy bà đi ra trước cửa mua đồ, ông chợt thấy cái bụng của bà đã “lùm lùm”, dường như có thai đã vài ba tháng. Ông chột dạ, nghĩ thầm:“Mang thai như vậy, mẹ nó khổ đã đành mà đứa con trong bụng cũng khổ! Cái này đức Phật gọi là khổ sinh đây! Cái khổ của họ là tại ta, là do ta mà ra cả! Vì dục lạc mà ta đã làm cho người khác khổ theo, thiệt là bậy quá!”

Sau hôm đó, chẳng tuyên bố lý do gì hết, ông âm thầm thu xếp cuộc sống “ly thân” với bà vợ, nhưng nói chuyện với cả nhà một cách tự nhiên rằng:

– Từ rày, tui với ba đứa con trai ở lầu trển; bà với hai cô con gái ở tầng dưới. Hai bên tạm thời phân chia lãnh thổ, ai có chỗ nấy, đừng xâm phạm nhau đó nghen không!

Thoáng nghe câu nói, bà biết liền. Nữ giới rất sắc bén và rất nhạy cảm trong việc đánh mùi tâm lý! Chỉ thoáng một câu nói, một cái nhìn, một thái độ cư xử là họ biết ngay cường độ, tín hiệu tình cảm của “đối phương”! Bà buồn, nhưng bà cũng lặng lẽ không nói gì, chỉ đi đánh tứ sắc để giải khuây mà thôi!

Một hôm, ông thân sinh vận đồ nâu đà, từ chùa Mahāmontrey qua thăm, trông thấy hai cháu chơi giữa đường suýt nữa bị xe cán. Vừa đi làm việc về, ông bị ông cụ la rầy, không biết dạy dỗ, trông nom con cái cho đàng hoàng. Ông nhận lỗi, không thấy bà đâu liền bươn bả đi tìm. Gặp bà đang đánh tứ sắc tại nhà em gái bà, ông nói:

– Hai trẻ suýt bị xe cán! Ông thân tui trách bà ở nhà mà không biết chăm lo cho con cái đó!

Mắt vẫn không rời quân bài, bà cất giọng thủng thỉnh, từng gióng một:

– Cái gì là con? Cái gì là cái? Con dzới cái chi? Tui có là dzợ của ai đâu mà nói chuyện con cái dzới tui!

Nghe vậy, ông lặng thinh, chịu đựng, ra về.

Ông có cô em gái làm dâu nhà người. Hôm kia, cô ôm bọc áo quần, trở về nhà khóc tức tưởi. Hỏi ra mới biết là bị chồng đuổi.

Ông cụ lại rầy la ông:

– Sao con không tìm cách nói chuyện phải trái với em rể, để lâu lâu nó lại đánh đuổi em con ra khỏi nhà như dzậy?

Ông chẳng biết biện hộ sao, chỉ nói rõ sự thực:

– Vì em con quá hỗn láo, mắng chưởi chồng nó nhiều lần quá, con làm sao trách lỗi em rể con được!

Nghe trả lời thế, ông cụ nổi xung lên:

– Với vợ, con tìm cách ly thân, không thèm gần gũi. Với con, suýt bị xe cán, con tỉnh bơ. Với em gái, con lạnh lùng, dửng dưng chẳng bênh vực cho nó được một tiếng! Đó là thứ tình cảm gì? Có còn là tình cảm con người, có còn là tình cảm gia đình, huyết thống nữa hay không?

Ông nhận chịu sự trách mắng, thấy ông cụ nói chẳng có lời nào sai trong tình cảm đời thường, trong cái lý thường tình, nhưng mà quả thật không phải dzậy, không phải dzậy! Sự thực như thế nào ở trong tâm ông biết, trong tâm ông hay, không thể nào nói cho người khác hiểu được.

Thế là, sau cơn giận ấy, ông cụ đùng đùng bỏ về chùa. Bà sang chùa xin nhận lỗi, bị ông cụ đuổi về, thế là bà cứ cằn nhằn, cằn nhằn ông mãi. Mỗi lần như thế, để chiến đấu với mọi khó chịu, phiền não; ông nhắm mắt tham thiền, đa phần là chú tâm vào hơi thở, đôi khi niệm danh hiệu Buddho, Arahaṃ…, đôi khi là đề mục đất, đề mục ánh sáng… Nhờ một số sách do người Pháp soạn dịch hoặc biên khảo mà bây giờ kiến thức Phật học của ông đã có chất lượng đáng kể. Ông cũng đã tập tành tu định tâm từ. Thế rồi, hằng đêm, thay vì tụng kinh, ông hành thiền, khi đề mục này, lúc đề mục khác… đến sáng mà ông chẳng hay. Có điều là ông không mất sức khỏe, trái lại nội tâm càng ngày càng an lạc, thanh tịnh.

Thấy ông cụ giận quá lâu, ông nghĩ, có lẽ tâm từ chuyển hóa được. Nên hằng đêm, tại cốc liêu ở vườn chùa, ông trú tâm vào định tâm từ rồi rải tâm từ ấy đến nơi chỗ ông cụ, tưởng tượng năng lượng ấy bao phủ cả ông cụ, bao quanh ông cụ… cho đến lúc năng lượng ấy phát sáng. Được chừng mươi hôm, để thử hiệu quả của tâm từ, ông đích thân đến ông cụ, lạy tạ xin lỗi. Lạ lùng sao, ông cụ tha lỗi dễ dàng và còn vui vẻ nữa mới kỳ chớ! Từ đấy, ông cụ thỉnh thoảng về thăm nhà, sum họp với con cháu, đầm ấm như xưa! Trong câu chuyện, ông nói chuyện chi, bàn chuyện chi, ông thân sinh một mực nghe theo.

Sau vài thành công nho nhỏ ấy, ông hoan hỷ tự nghĩ:“Pháp Phật vô biên, mình mới tu được chút ít mà đã lắng dịu phiền não, an lạc được như thế này; vậy thì phải cố gắng, tinh cần đi xa, đi sâu hơn nữa!”