Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78208 Lượt xem

BÀ THÂN MẤT, ÔNG THÂN ĐI TU NĂNG LỰC ĐỊNH THIỀN

 

Khoảng năm 1930, ba mươi bảy tuổi, gia đình ông đã sung túc, có của dư, của để. Ngoài đồng lương rất lớn, gấp mười công chức bình thường, ông được mọi người mến mộ, quý trọng; lúc nào lộc cũng cứ phát sanh mãi, không nhận không được; nhưng ông có nguyện trong tâm rằng:“Thôi được rồi! Thôi được rồi! Rồi ta sẽ làm phước, ta sẽ hùn góp công đức vào chỗ này, chỗ kia”. Bấy giờ, ông hiện có hai ngôi phố lầu khang trang, hiện đại, theo mẫu mã kiến trúc Pháp. Một cái để ở, một cái cho thuê. Con cái đều được học hành ở các trường có chất lượng, uy tín. Ông thân có đời sống vui vẻ, ổn định; thường hay đi chùa Sùng Phước, biết ăn chay, giữ giới, niệm Phật; vậy là quý rồi! Chẳng có gì phải lo về người thân và đời sống vật chất, áo cơm nữa. Công việc ở sở làm cũng đã nhẹ nhàng. Những nhân viên phụ tá tay nghề đã cao, họ có thể cáng đáng, lo liệu được hết; ông chỉ quản lý có tính cách hành chánh và giải quyết một số công việc liên hệ chuyên môn cao. Do vậy, bây giờ ông có nhiều thì giờ hơn cho việc nghiên cứu và tu hành của mình.

Cũng trong năm này, 1930, bà thân của ông mất. Mọi việc tang lễ, kinh tụng, hỏa thiêu, do bạn bè giới thiệu, Sư Cả chùa Mahāmontrey lo liệu hết. Hài cốt sau khi hỏa thiêu, được an trí tại nghĩa trang Phật giáo của cộng đồng người Việt tại Toul-Svay-Prey do ông Charles Clairet (lai Pháp) bảo quản.

Trong thời gian tang lễ, ông Giảng có dịp quen biết với Sư Cả, ông thấy Sư Cả hồn hậu, chất phác, có cái gì đó đúng đắn và thân thiện rất dễ gần gũi.

Sau khi bà Giêng mất, ông Như cảm thấy cửa nhà trống trải, đi tới cũng kỷ niệm, đi lui cũng kỷ niệm, nên ông muốn trả cửa nhà lại cho con trai trưởng rồi đến tu ở chùa Mahāmontrey. Ông thân bèn nói ý ấy với ông.

– Ba đi tu thì con vui mừng rồi, con ủng hộ ba – Ông Giảng nói – Nhưng tại sao ba không chọn những ngôi chùa người Việt? Chùa của Sư Cả chỉ có hai vị sư người Việt còn tất thảy đều là người Miên!

– Tao biết! Ông Như nói – Tại Phnôm-Pênh có chừng mươi ngôi chùa lớn và mấy chục ngôi chùa nhỏ của người Việt(1), mấy ông bạn thân của ba cho biết như thế. Nhưng tao cảm giác Sư Cả là người có đạo đức, có tấm lòng độ lượng, hỷ xả…

Chiều ý ông cụ, thế rồi, ông Giảng đến gặp Sư Cả trình bày sở nguyện của ông thân. Sư Cả nói:

– Cụ nhà năm nay tuổi đã trên sáu mươi(2), có thể để ông thọ bát quan trai giới, được tự do một chút ở trong chùa, không như các giới tử học tu khác. Vậy, bác sĩ có thể làm một cái thất sàn bằng gỗ cho ông cụ ở để hành đạo.

– Cảm ân Sư Cả.

Vậy là tại chùa Mahāmontrey, ông Giảng làm một cái cốc cho ông cụ tương đối đẹp, tiện nghi, vững chắc. Thấy vườn chùa cây cao bóng mát, không khí trong lành, ông Giảng xin Sư Cả để làm thêm một cái cốc sơ sài cho mình, để lúc nào rảnh đến đây tu, nhân tiện chăm sóc sức khỏe cho ông cụ.

Thấy gần bên cạnh còn có bốn cốc lá, hỏi của ai  thì hóa ra đấy là bốn ông Phán, bạn cũ của ông, vừa mới gặp ở buổi thảo luận hội Phật học năm trước tại chùa Sùng Phước. Đấy là Phán Nghiêm, Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê. Hôm gặp gỡ, trao đổi chuyện, bốn ông Phán đều nói:

– Chúng tôi tự nguyện, bắt tay nhau, thề với nhau – là làm sao tu thiền để diệt dục! Bạn có dám khởi tâm đồng hội, đồng thuyền chăng?

Ông thận trọng đáp:

– Diệt dục  được  hay  không  tui  không dám chắc,

nhưng  các bạn tu đến đâu thì tui ráng tu theo đến đó, không bỏ cuộc nửa chừng đâu nghen!

Thế rồi, tại nơi những chiếc cốc lá giữa vườn rừng hoang vắng này, đêm đêm có những người thi gan “hành thiền diệt dục”! Nhưng, hai tháng sau, hai ông Phán bỏ cuộc. Bốn tháng sau, ông Phán thứ ba bỏ cuộc. Tám tháng sau, ông Phán thứ tư bị vợ đến lôi về, không thể diệt dục nổi với bà! Hóa ra chỉ có ông là còn lại, mà ông đâu có tu diệt dục, ông chỉ đi sâu vào định mà thôi.

Có một hôm trời đang chuyển mưa, gió ào ào, mây giăng mù mịt. Tự dưng, ông khởi lên ý nghĩ: “Đọc kinh sách thấy năng lực định thiền thật bất khả tư nghị. Người định thiền thâm sâu thì không có cái gì như gió bão, nước lửa xâm hại được, cho chí các vật dụng xung quanh cũng bất khả bị xâm phạm như thế! Vậy mình hãy kiên trú định thâm sâu xem thử mưa gió này nó làm gì nào!?” Thế rồi, lúc ấy khoảng hai mươi giờ tối, ông ngồi thiền trong cái cốc lá chỉ gá vách sơ sài. Ông phát nguyện với tâm kính thành và trọn vẹn lòng tin tưởng: “Tôi xin trú định suốt đêm và mọi vật xung quanh tôi cũng đều được bất động như thế!” Trời bắt đầu sấm chớp đì đùng, rồi lát sau, mưa như trút, gió như bão. Ông trú tâm, chỉ chừng vài phút là ông không còn biết gì nữa cả.

Sáng ngày, xả thiền thì trời đã sáng bạch. Nghe tiếng xôn xao bên ngoài, ông bước ra. Trời ơi! Xung quanh, tất cả đều tan hoang! Tất cả mọi tấm lợp dù tôle hay lá, tường vách dù nứa hay gỗ đều bị quăng quật, xé rách tả tơi! Chỉ có cái cốc sơ sài của ông là yên ổn. Mọi người trong chùa xôn xao bàn tán, chỉ chỏ. Vị Sư Cả và ông cụ thân sinh của ông từ đâu đó bước lại.

Vị Sư Cả chỉ cái cốc nguyên vẹn của ông rồi cười cười nói:

– Chính ông đã xác định cho tôi thấy, cái khó tin nhất, có vẻ huyền bí nhất – lại được chứng minh rõ ràng, cụ thể nhất!

Ông cụ thân sinh thì cười hỉ hả:

– Tuyệt! Pháp Phật quả là nhiệm mầu! Ông con tu cũng ghê quá đó chớ!

Vị Sư Cả tâm sự:

– Tôi sống lâu ra lão làng, tu lâu thì thành Sư Cả. Do thất học từ nhỏ, chữ nghĩa có được mấy hơi, tu hành thì chỉ có được cái tụng kinh, lễ Phật, hành Tăng sự, biết vài ba chữ Pāḷi, Luật; lo những lễ này lễ kia cho Phật tử, chứ tọa thiền, tu tập như ông cư sĩ đây, nói ra thì tôi rất hổ thẹn! Hãy cố gắng thêm nữa ông cư sĩ nghe! Cái góc vườn này nhờ quý ông mà nó có được sự xán lạn và vinh quang đó!

Ông nhũn nhặn, nói thực cảm nhận của mình:

-Sư Cả cứ khiêm tốn mãi! Cái đức nhiếp chúng của Sư Cả, mấy chục vị tỳ-khưu được yên ổn tu tập; hai hàng tại gia cư sĩ kính trọng, tín mộ ngày ngàyđến

hương đăng lễ bái, đâu có phải là dễ dàng gì!

Sư Cả cũng cười vui:

– Không dám đâu nghe!

Sau khi cốc liêu được sửa sang lại, các ông Phán hay tin, thỉnh thoảng cũng xin bà nhà được lên hành thiền một đôi hôm, không phải là diệt dục nữa, mà cố gắng đạt cho kỳ được năng lực siêu phàm như ông bạn bác sĩ của mình!

Nơi cái cốc lá sơ sài của ông, như vậy, hằng đêm, dường như đêm nào cũng có chuyện lạ, ai cũng chăm chăm nhìn. Có đêm, dường như bên đó tỏa ra cái khí gì mà rất mát mẻ. Có đêm, thì ánh sáng tỏa ra, sáng rực cả cốc. Ông cụ và các ông Phán, đôi khi cứ xem mê mải quên cả việc hành thiền của mình.

 


(1) Con số năm 1951 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Campuchia là 13 ngôi chùa lớn và 48 ngôi chùa nhỏ của cộng đồng người Việt.

(2) Theo hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Campuchia – thì ông Như sinh năm 1868 hoặc 1870 – như vậy ông 60 tuổi hoặc 62 – lúc bấy giờ.