Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78974 Lượt xem

CHUYẾN ĐI NAM KỲ

 

Sau khi nắm rõ tình hình là mình sẽ còn bị lưu nhiệm hai năm, lại nữa, thời gian nghỉ dưỡng bệnh còn dài, người cũng tạm khỏe, ông đến chùa Sùng Phước bàn với ông Tông, Ba Lý, Sáu Hoa… là muốn đi Nam Kỳ một chuyến…

Ý kiến ấy được ông Tông và Ba Lý tán đồng. Việc cần phải làm trước khi đi là chuẩn bị bài vở cho ba, bốn số báo tiếp theo. Nếu ông Tông và Ba Lý muốn cùng đi chơi thì việc Hội, việc chùa, tạp chí bàn giao cho Sáu Hoa, Ba Diên và anh em còn lại.

Thế là đầu tháng 4 năm 1939, ông Giảng, ông Tông, Ba Lý lên đường về Sài Gòn. Đầu tiên, họ ghé Gò Dưa, Thủ Đức thăm ngôi chùa mới và thăm đại đức Thiện Luật.

Chỉ mới mấy ngày là ông Hiểu đã có mặt cùng với những thân hữu. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, thấy ai nấy vẫn còn khang kiện, ông Giảng cười cười với các bạn cũ:

– Những cỗ xe này đang còn tốt, hãy thêm xăng thêm nhớt cho trơn máy, chúng ta phải chuẩn bị cho sức kéo đường xa đó nghen!

Ai cũng hớn hở vui mừng.

Nhìn cơ ngơi ban đầu, ông Giảng nói tiếp:

– Thế là tạm ổn cho giai đoạn đầu. Sau này, nếu có cơ duyên, chư Tăng và Phật tử đông đúc thì chúng ta phải cơi nới chánh điện cho lớn hơn, phải có sức chứa trên một trăm người để vừa tụng kinh, lễ bái, vừa thuyết pháp, nói đạo, đôi khi còn có chỗ để hành thiền tập thể nữa.

Ông Hiểu có vẻ rất quan tâm về điều đó nên đã phát biểu:

– Ban đầu chúng tôi chỉ làm tạm cho có chỗ tụng kinh, lễ bái đã! Chúng tôi không rành về một quy mô tổng thể, vậy xin các bạn hãy phác họa khái lược tất tần tật cho chúng tôi nghe xem thử nào?

Ông Giảng ngần ngại:

– Hay là chúng ta hãy để sau?

– Tại sao ha?

– Mới ban đầu, chưa phát triển được gì mà có được cái cơ ngơi như thế này là quý hóa lắm rồi!

Tuy không nói, nhưng ông Hiểu đã có dự tính tạo dựng cơ sở vật chất đầy đủ, sẽ đáp ứng yêu cầu đúng như ông Giảng đã tế nhị chưa muốn nói ra.

Hôm đó, ông Chánh tổng và bà Cả ghé thăm, nhân duyên ấy, ông Giảng tán thán công đức hiến cúng đất đai. Ông cũng kể lại câu chuyện “lót vàng đổi đất” của trưởng giả Cấp Cô Độc, câu chuyện “mua lại chiếc áo khoác trị giá chín triệu đồng tiền vàng bị bỏ quên, lấy tiền ấy để xây chùa” của đại tín nữ Visākhā thời đức Phật cho hai ông bà nghe. Họ lắng nghe rất chăm chú và rất kính thành. Ông cũng giảng sơ về thế nào là lành tốt, là xấu ác theo quan điểm của Phật giáo. Và tu thì phải tu như thế nào mới có lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tại. Cư sĩ phải tu như thế nào và bậc xuất gia phải tu như thế nào. Mỗi mỗi, ông giảng giải rất cặn kẽ, rất chi tiết với giọng lời vô cùng giản dị, bình dân, dễ hiểu cùng những ví dụ sống động, những đoản ngôn đi sâu vào lòng người…

Sau thời pháp gieo duyên, không ngờ, hai ông bà đều muốn quy y.

– Xin cho hai vợ chồng tôi đồng được quy y, làm người cận sự nam và cận sự nữ như thời đức Phật ấy!

Ông Hiểu biết được chuyện ấy, rất mừng. Thế là một buổi cho quy y tập thể được tổ chức tại ngôi chùa đầu tiên tại Gò Dưa, Thủ Đức. Những người cư sĩ ấy là ông Hiểu, ông Quyến, ông Hương (xin quy y lại), thân quyến cùng bạn hữu của các cụ; vợ chồng ông Chánh tổng cùng thân quyến và bạn hữu tất thảy ước chừng ba mươi người. Thầy cho thọ giới là đại đức Thiện Luật.

Nhờ sự thành công bất ngờ ấy, ông Giảng nói chuyện với đại đức Thiện Luật:

– Thế gian họ có tai để nghe đó! Do sư quá khiêm tốn không thuyết pháp, nói đạo nên không thể nào phát triển được.

– Tôi hiểu! Đại đức Thiện Luật nói – Vì tôi không có tài ăn nói, lại nữa, kiến thức về kinh pháp, Phật ngôn, truyện tích gì tôi cũng không bằng A-cha Giảng. Nhưng tôi chăm sóc về giới luật cho tỳ-khưu và sa-di trong chùa thì có lẽ tốt lắm chớ! Thích hợp với tôi hơn!

– Đúng dzậy! Ông Giảng gật đầu – Thôi được rồi! Dzậy, từ rày, hai ta cứ thế mà làm nghe!

Mấy ngày ở đây, anh em bạn cũ tương hội với tình đạo trong lành, mát mẻ làm cho cây lá vườn rừng cũng ửng màu xanh biếc. Ngôi chùa bằng tranh tre nứa lá giản dị giữa rừng cổ thụ toát ra sự cao khiết và u nhã. Ai cũng thích.

Thấy đại đức Thiện Luật tuy gầy ốm nhưng rắn chắc, khỏe khoắn, ông Giảng nói:

– Đời sa-môn được dzậy là quý rồi, xin chúc mừng nhà sư!

Đại đức Thiện Luật khiêm tốn:

– Nói cho đúng, thì tất cả sự an bình hiện nay của tôi đều nhờ A-cha Giảng đã cặn kẽ chỉ bày cho từ mấy năm trước, đem ra áp dụng, tu tập thì tôi có thể cảm nghiệm được sự tĩnh lắng trong từng hơi thở một đó nghen!

– Lành thay! Ông Giảng tán thán rồi nói vui – Nhưng mà ai ăn nấy no, ai tu nấy hưởng, cái đó có liên hệ gì đến tui ha?

Lát sau, ông Tông nói:

– Sư có nhớ Phnôm-Pênh không?

Ba Lý nói:

– Chắc nhớ cháu Hộ Giác!

Đại đức Thiện Luật cười:

– Nói không nhớ là nói dối. Nhưng nếu nói nhớ thì cũng không thật! Cả có và không ấy, hai phạm trù ấy đều không đúng với trường hợp tôi!

Ông Giảng tủm tỉm cười:

– Đã nghe luật sư nói chuyện chưa? Anh Tông và anh Ba Lý hãy đối thoại thử xem nào?

Họ cười vui, thoải mái.

Ngày hôm sau, đúng ngày chủ nhật nên ông Hiểu, ông Hương, ông Quyến và các bạn đến chùa rất đông. Họ lại gặp nhau, rồi sau đó không biết bao nhiêu là chuyện cứ trào ra không ngớt.

Nội dung các buổi nói chuyện này, tập trung vào ba vấn đề chính:

– Thứ nhất, làm thế nào để ngôi chùa đầu tiên này phải được ổn định để phát triển vững chắc. Ý ông Giảng là phải có một cuộc lễ lớn, mời thỉnh cho bằng được đức phó vua Sãi chứng minh và có chừng hai mươi mốt vị tỳ-khưu để làm lễ kết giới Sīmā.

– Thứ hai là phải có thêm các vị tỳ-khưu người Việt đứng tuổi, có pháp học, pháp hành khi ấy mới nói đến việc hoằng pháp xa và rộng hơn.

– Các cơ sở Phật học phải khu biệt thành ba sinh hoạt khác nhau: Cơ sở hoằng pháp phải ở nội đô hoặc ở nơi có cư dân đông đúc. Cơ sở hành đạo, tu tập phải xa vắng xóm làng, nếu kiếm được nơi nào gần biển hoặc nơi núi cao mát mẻ lại càng tốt. Cơ sở giáo dục để đào tạo sa-di hoặc tỳ-khưu phải tương đối đầy đủ tiện nghi phòng ốc, điện nước và ở nơi thanh vắng, biệt lập nhưng không quá xa làng xóm, thành phố.

Nhận thấy đây là ba vấn đề quan trọng, tuy khái quát, nhưng gom đủ nội dung truyền giáo cả hiện tại và tương lai. Nó còn là bản sơ thảo có tầm mức chiến lược đã được hoạch định bởi một hội đồng có tâm, có trí và có tầm!

Văn Công Hương nói:

– Vấn đề thứ nhất, cho tôi được góp ý, chúng ta sẽ thực hiện lúc nào thấy thuận lợi nhất. Ngoài đại đức Thiện Luật và chúng tôi ở đây, tại Phnôm-Pênh thì đã có A-cha Giảng và các bạn, việc ấy sẽ thành công. Hay là chúng ta cứ tạm ấn định một ngày nào đó, vào khoảng thời điểm như thế này, sang năm, sẽ hội ý trở lại, được chăng?

– Được! Ba Lý gật đầu rồi quay qua ông Giảng – A-cha Giảng thấy sao? Ông thầy hãy ấn định cái ngày luôn đi?

– Hãy cứ lấy cái ngày nào dễ nhớ, ví dụ ngày 15 tháng 4 Tây lịch đi – Ông Giảng nói – Trước ngày lễ Vesak thì dễ mời thỉnh hơn!

Mọi người đồng ý.

– Vấn đề thứ hai – Văn Công Hương nói tiếp – Chư Tăng đứng tuổi có pháp học, pháp hành, chỉ mới có được đại đức Thiện Luật và đại đức Huệ Nghiêm thì không đủ thấm vào đâu cả. Đợi A-cha Giảng xuất gia thì chúng ta có thêm cả một cái cội Bồ Đề!

Ông Giảng cười:

– Các bạn đừng khen tui quá làm tui hư đó nghen!

Ông Hiểu nói:

– Nếu bác sĩ Giảng xuất gia được thì sớm chừng nào sẽ tốt chừng ấy!

Nhân vì câu nói ấy, ông Giảng kể lại cho các bạn nghe, là mình đã thu xếp mọi sự, đã sẵn sàng xuất gia rồi, đơn xin nghỉ việc cũng đã được Chánh chủ sở chuẩn y rồi, nhưng tòa công sứ lại lưu nhiệm thêm hai năm nữa! Ông không nhắc đến lá thư của bà Nhung nên chỉ kết luận:

– Đành vậy chớ biết sao! Mưu sự tại nhân, thành sự tại… nhân duyên! Có nhiều việc trên cuộc đời, đôi khi cưỡng cầu cũng không được đâu! Ráng đợi hơn một năm nữa!

Cuối cùng, vấn đề thứ ba cũng đã thông qua, nhưng nó thuộc tương lai. Cũng trong chuyến đi này, ông Giảng ghé Tân An, Tân Châu thăm bà con quyến thuộc mấy ngày; sau đó, họ rủ nhau đi Di Linh, Bảo Lộc, ở lại thăm thú hai nơi này mấy ngày; sau đó lên Đà Lạt để xem thử thời tiết khí hậu như thế nào. Nhờ ông Hiểu có bạn là viên kỹ sư công chánh người Pháp có một biệt thự riêng ở đồi mimosa, nên việc ăn ở, lui tới thăm viếng chỗ này chỗ kia cũng khá dễ dàng.

Đà Lạt quá đẹp nhưng đêm xuống quá lạnh, ai cũng co ro, thu rút trong tấm áo mỏng không đủ ấm. Lò sưởi được đốt bằng gỗ thông, thơm ngào ngạt. Bên hơi ấm của ngọn lửa cao nguyên, câu chuyện của họ xoay quanh vấn đề thiết lập cơ sở tĩnh tu sau này.

Ba Lý nói:

– Đà Lạt lạnh quá, sợ không thích hợp đâu.

– Di Linh cũng còn lạnh – Ông Hương nói – May ra Bảo Lộc thì được. Bảo Lộc không lạnh quá, không nóng quá. Núi đồi, thung lũng, khe suối nó dàn trải khá đều đặn và xem ra âm dương cũng đều hòa!

Ông Quyến góp lời:

– Đất Đà Lạt thơ mộng quá nên chỉ thích hợp với tâm tánh nghệ sĩ. Lên đây thiền tu thì mơ mộng và vọng tưởng sẽ xao động tâm của hành giả. Không tu được đâu! Lên nghỉ mát thì được!

Đại đức Thiện Luật tiếp lời:

%