Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78927 Lượt xem

DUYÊN CỚ XUẤT GIA

 

Trong thời gian nghỉ dưỡng, cứ đến cuối tháng là ông vào sở nhận lương. Bắt đầu nhận đồng lương tháng thứ ba là ông đã cảm thấy bất an, khó chịu. Ông bèn nói với ông Chánh chủ sở rằng:

– Không làm gì cả mà cứ đều đều nhận lương như thế này, tâm tui nó không yên.

Ông Chánh chủ sở đáp:

– Bộ ông tưởng rằng tiền ấy là tiền của tôi chắc? Cứ ở nhà đi, mạnh khỏe rồi hãy đi làm. Là công chức của nhà nước tiến bộ, được hưởng theo quy định chế độ nghỉ dưỡng đàng hoàng, ông áy náy mà làm gì!

Đúng là vậy nhưng ông cứ thấy mình không thoải mái, cảm giác như lấy không tiền của nhà nước. Đêm đó, ông viết một lá đơn xin nghỉ việc gởi qua Chánh chủ sở, nhờ ông ta đệ trình lên quan Công Sứ, với lý do mắt mờ, tai kém, thiếu năng lực làm việc. Sáng ngày, cầm lá đơn trên tay, ông đến văn phòng sở.

Các bạn đồng liêu và thuộc hạ cùng hỏi:

– Ông đang nghỉ dưỡng mà, vào đây làm chi?

Ông trình bày lý do rồi kết luận:

– Bởi dzậy, tui định gởi đơn xin nghỉ việc đây.

Họ can, mỗi người nói một câu khác nhau.

– Mình nghỉ theo chế độ mà, mình có ăn cắp tiền của ai đâu.

– Không nên! Đừng quyết định quá vội vã. Một công việc ổn định, đồng lương lại cao, khi nào hết phép hẵng hay.

– Xem nào, lương của một công nhân trung bình được nhận từ hai mươi đến ba mươi đồng; còn lương của ông những ba trăm đồng, chưa kể các kỳ thưởng lễ, tết – nghỉ thì tiếc quá đó nghe!

– Cho dẫu tai kém, mắt mờ đi, nhưng ông đến sở làm việc có trở ngại chi? Nhân viên phụ tá và thuộc hạ của ông đã có khả năng cáng đáng mọi việc, ông chỉ ngồi chơi và thỉnh thoàng ký giấy tờ thôi mà!

Thấy anh em nói có lý, ông cầm đơn ra về.

An tâm chỉ được ít hôm, ông cứ đi vào, đi ra, nằm xuống liền ngồi dậy, hành thiền chút ít rồi lại xả – một ý nghĩ khởi sanh trong ông:

“- Hay cái chuyện bệnh tật này lại là sứ giả báo hiệu cho ta nghỉ việc để từ đó xuất gia tu học? Tất cả mọi nhân, mọi duyên trên đời này chúng đều xảy ra theo một trình tự hợp lý, chẳng nên nói cái này là tốt, cái kia là xấu. Có cái lại từ tốt ra xấu. Có cái lại từ xấu ra tốt. Nhận đồng lương lớn là tốt chăng? Và thế là vì cái tốt ấy mà ta sẽ làm công chức suốt đời không xuất gia tu học được. Mắt mờ, tai kém là xấu chăng? Và biết đâu, nhờ cái xấu này mà ta xin nghỉ việc, lại được xuất gia tu học? Bạn bè của ta đã mấy người đi trước ta rồi!”

Rồi ông tiếp tục suy nghĩ:

“- Suốt mười mấy năm trường, ta đã canh cánh bên lòng việc xuất gia, rồi để trọn tâm huyết đời mình cho giáo pháp, cho những người hữu duyên. Việc mang giáo pháp về Việt Nam thì mình và bạn bè cũng đã phân công, phân nhiệm rồi! Mới đây lại đã phát đại nguyện Chánh Đẳng Giác nữa. Đúng vậy, ta đã giải quyết được bài toán tốt, xấu rồi!”

Hôm sau, ông đến bệnh viện xin khám lại mắt và tai. Ông tìm một bác sĩ bạn thân rồi tâm sự ước mơ đời mình cho ông bạn nghe rồi cất giọng khẩn thiết:

Dzậy tui cậy nhờ ông, sau khi khám xong, ghi vào hồ sơ bệnh lý cho rằng: Do thuốc mê quá liều lượng nên bệnh nhân bị ảnh hưởng tai và mắt, ảnh hưởng luôn cả tâm trí, không còn có khả năng làm việc được nữa.. Hãy cố gắng giúp tui với!

Người bạn thể theo nguyện vọng, xác nhận đúng như vậy. Về nhà, ông viết một lá đơn khác, đính kèm hồ sơ bệnh án, không nói với ai, đi thẳng đến sở. Lần này, ông không ghé văn phòng mà đi thẳng lên ông Chánh chủ sở.

Ông Chủ sở xem đơn xong, cất giọng bùi ngùi:

– Tôi biết tính ông. Tôi biết cả sự tu hành chân chính của ông nữa! Tôi còn biết vì lương tâm của ông quá trong sạch nên ông mới làm việc này, là sắp xếp chu đáo cái lý do qua hồ sơ bệnh án! Quả thật, nhân viên có tài của tôi, kể ra cũng còn nhiều, nhưng chỉ tiếc là từ nay, ở đây thiếu vắng một người bạn lành…

Nói xong, ông lắc đầu mấy cái rồi mới ký, rồi còn cẩn thận ghi thêm: Đề đạt nguyện vọng chánh đáng của đương sự lên quan Công Sứ sau khi đã xem xét kỹ hồ sơ bệnh án!  Xong, ông nói:

– Thỏa nguyện vọng rồi đó! Bao giờ thì xuất gia đây? Nhớ mời tôi tham dự với nghe!

Xiết bao cảm động, ông mở lời trân trọng cảm ơn ông Chánh chủ sở rồi từ giã, không quên ghé văn phòng thăm anh em.

Lá đơn được trao cho đứa bé chạy thư, mang đến phủ công sứ, ngay trong ngày, không chậm trễ.

Về nhà, tâm hồn ông lâng lâng, cảm giác như đã thoát được nợ trần gian. Ông giấu niềm vui trong lòng đợi khi đầy đủ mọi người trong nhà, bên mâm cơm, ông mới nói:

Tui đã xin được nghỉ việc rồi đó. Từ nay, tui không còn có khả năng làm ra tiền ra bạc nữa. Mọi người hãy ủng hộ cho tui xuất gia. Nhất là bà, bà hãy cho phép tui xuất gia, bà nó nghen!

Cô con gái, tức là cô Diệu, tán thành:

– Ba làm việc cả đời rồi cũng nên để ba nghỉ ngơi! Vả lại, xuất gia tu học cũng là một ước mơ khôn nguôi của ba đó! Con ủng hộ nguyện vọng chánh đáng của ba!

Bà không chịu:

– Chánh đáng gì mà chánh đáng? Không còn làm ra tiền ra bạc nữa không phải là lý do chánh đáng! Tui không cần tiền bạc của ông, vì tui nguyện sẽ nuôi ông suốt đời! Cái tui cần là bóng dáng của ông trong ngồi nhà này. Tui hứa để ông tự do, tự do đi lại, tự do lên thất, tự do tu bát quan trai, tui không dám cản, nhưng nhất quyết ông phải ở nhà!

Thấy bà “phán” như đinh đóng cột, ông lẳng lặng không nói gì nữa; biện pháp của ông là từ từ, vì ông là người biết chờ đợi.

Thời gian thảnh thơi ở nhà, ông không còn tu hành “kịch liệt” như trước do bệnh một phần, một phần là vì cánh cửa chánh pháp đã được mở rồi, đã thấy rồi, chỉ còn bước vào nữa thôi, gấp gáp gì! Lúc rảnh, ông chơi đùa một chút với hai đứa con nhỏ nhất, bởi ông quyến luyến chúng nhất, nhưng mà ông tự nghĩ:

“- Cái sợi dây quyến niệm này, nó có thật đó, nhưng mà chúng mong manh làm sao, chỉ như là một sợi chỉ mành bằng tơ nhện vậy!”

Tối hôm kia, nằm chiêm bao, ông thấy tay mình bốc phẩn ăn, trông lại thì thấy mặt hai đứa con nhỏ, bèn nghĩ trong giấc mơ rằng:

“- Ủa! Đây là phẩn của hai đứa nhỏ mà, mình ăn làm gì?”

Bèn quăng vất đi rồi rửa tay sạch sẽ.

Sáng ngày, nghĩ lại, ông suy gẫm, giật mình:

“- Khiếp chưa! Hai đứa trẻ mà ta thương yêu nhất, quyến luyến nhất, điềm triệu báo cho ta điều gì, tốt hay xấu mà ta lại thò tay bốc phẩn của chúng, muốn ăn, sau lại quăng vất đi?”

Bị ám ảnh bởi giấc mộng kỳ lạ đó, ông đi tìm gặp Sư Cả chùa Phước Sơn, kể lại cho ngài nghe.

Ngài cười nói:

– Tốt đó! Vậy là chí nguyện xuất gia của ông sẽ thành sự thật.

– Xin ngài giảng cho nghe?

– Sự yêu thương, quyến luyến chính là phẩn – chính là phẩn có từ hai đứa trẻ mà ông yêu thương, quyến luyến ấy. Nếu ông ăn là “bất đắc”(1) không xuất gia được! Nếu ông quăng vất thì “khả đắc”(2) nghĩa là xuất gia được! Thế thôi!

Bất giác, ông rùng mình một lượt nữa:

“- Như vậy, chí nguyện xuất gia của ta nó đã ăn sâu trong tiềm thức nên trong giấc mộng mà ta còn biết quăng vất phẩn của hai đứa trẻ! May thay!”

Các buổi đạo đàm sau đó, có ngài cả Phước Sơn, mấy vị trưởng lão và có cả các vị giáo sư, ông ký thác tâm sự:

– Thưa quý ngài! Vấn đề xuất gia mà còn dụ dự, chờ đợi giải quyết việc này, việc kia cho xong thì tốt hơn, nên hơn; hay không bằng cứ xuất gia tức khắc, mọi việc khác, hẳn bàn sau?

Một vị trưởng lão đã giải thích cho ông:

– Cái tâm của con người, như ông biết đó, nó cứ thay đổi hoài, biến đổi hoài, lúc thế này, mai thế khác, vì vô thường là bản chất của tâm! Vậy, khi một thiện tâm “muốn xuất gia” khởi sanh thì phải biết nuôi  dưỡng nó, làm cho cái thiện tâm ấy được trưởng dưỡng, lớn mạnh, trở thành tăng thượng tâm! Và tốt nhất là nên xuất gia ngay. Nếu không, đến lúc các duyên bên ngoài xen vào, giả dụ như do ngũ dục chi phối quá mạnh thì thiện tâm xuất gia kia đã trở nên yếu nhược, thua cuộc, khi ấy dẫu muốn xuất gia cũng không còn đủ sức nữa!

Nghe lời chỉ giáo quý báu ấy, trở về, ông nói ngay với cả nhà:

– Xuất gia, chí tui đã quyết rồi đó! Ở trong nhà này, không ai còn cản tui được nữa đâu!

Bà dường như biết ý chí của ông nên chỉ khóc lóc chứ không làm dữ, lát sau, bà nói xuôi:

– Thôi! Xuất gia cũng được nhưng nên đợi vài năm nữa cho mấy đứa nhỏ chúng lớn khôn một tí nữa, không được hay sao?

Ông nhìn mấy đứa nhỏ lại thấy mình mềm lòng, nhưng ông thắng lướt được ngay:

– Không! Không đợi chờ thêm năm tháng nào nữa cả. Tui sẽ xuất gia tại Sùng Phước, ngôi chùa đã kiết giới Sīmā, có rất đông cư sĩ quen của tui ở đó! Sư cả Phước Sơn và các vị trưởng lão đã thu xếp xong xuôi cho tui rồi!

Bà lại xuống giọng năn nỉ:

– Đồng ý, tui đồng ý cho ông xuất gia nhưng ông xem, bốn đứa con lớn thì chưa nên đôi nên đũa, hai đứa nhỏ còn quá bé dại, ông hay chơi giỡn, bế bồng, không có ông thì chúng sẽ ra sao?

Khi bà nói, tâm trí ông tỉnh táo, mắt ông chỉ kém một chút thôi, nhưng ông thấy rõ ràng, linh ảnh hay ảo giác ông cũng không biết nữa, là lửa đâu đó từ những kẽ nứt của nền nhà nó cháy vọt lên, nó táp lên người ông, làm cho ông phải thụt lùi mấy bước. Sau đó không thấy nữa.

Ông nghĩ:

“- Kinh khiếp chưa! Đó là lửa của ngũ dục, từ địa ngục mà nó bốc cháy lên làm cho mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng sanh sẽ bị bốc cháy theo! Rồi sắc thanh hương vị xúc pháp gì cũng bốc cháy cả. Cả thế gian đều bốc cháy! Không thể ở mãi, do dự mãi trong căn nhà ngũ dục thế gian này nữa!”

 Ông đứng trân như thế một lúc lâu, nghe tiếng bà khóc nức nở, ông quay lại thì lửa lại từ những kẽ nứt nơi nền nhà phọt lên một lần nữa…

Ông biết, thế là không thể chần chừ được nữa rồi, phải cắt đứt tất thảy mọi quyến niệm!

 


(1) Là không được.

(2) Là có thể được.