Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78936 Lượt xem

PHÁT NGUYỆN CHÁNH ĐẲNG GIÁC Ở TRONG TÂM

 

Khi rời Nam Vang đến đây, ông đã mang theo cả va-ly kinh sách mượn của thư viện để đọc, nghiên cứu, học và dịch thuật. Hiện ông đang soạn dịch một lúc bốn chương kinh quan trọng, và đang vấp một số câu Pāḷi không thể chuyển sang Việt ngữ nổi. Muốn đối chiếu bản tiếng Miên thì ở đây không có. Tìm đến hỏi Sư Cả thì ngài cũng chịu.

Ông đăm chiêu suy nghĩ:

“- Ở đây thì mình có thể giúp được chút ít cho nhiều người nhưng sự học sẽ không thăng tiến được! Đúng là người sinh vùng biên địa thường thiếu phước báu. Muốn lợi lạc cho nhiều người thì mình phải trở lại Nam Vang, có nhiều thuận lợi cho việc tra cứu hơn. Nhưng trước nhứt là mình thử xin phép nghỉ một tháng cái đã.”

Trước khi mang đơn đi xin phép, ông vừa van vái chư thiên vừa gởi tư tưởng “chấp thuận” đến ông Chánh chủ tỉnh. Quả nhiên, vừa xem qua, ông mỉm cười, nói dịu dàng:

– Hết phép thì trở lại liền nghe. Tôi mới tập đặt bát cho chư sư, chưa sành lắm đâu, phải nhờ ông chỉ bày thêm cho nó có phước!

Khi ông xuống tàu về lại Nam Vang, không biết có linh tính gì mà thiện nam tín nữ Việt, Miên, Lào đưa tiễn rất đông. Kẻ bịn rịn thương tiếc. Kẻ mắt đỏ sụt sùi. Ông chia tay, nói mấy lời có ý nghĩa chung chung, rằng là chúng ta là con Phật, cứ tu hành cho tốt là sau này sẽ gặp nhau lại, lo chi! Nói thì nói vậy nhưng ông có cảm giác là không trở lại được với bà con ở vùng heo hút này nữa.

Về lại tư gia, ông cảm nghe trong không gian có cái gì đó thanh bình hơn xưa. Ông mừng lắm, kể chuyện xảy ra ở tỉnh biên thùy cho cả nhà nghe. Ông còn khoe là ông học được tiếng Lào, nó cũng gần gần tiếng Miên, không khó lắm.

Ngay ngày hôm sau, lục tìm địa chỉ, ông đến thăm viếng, đảnh lễ vị thiền sư thuở trước ở trên núi. Nhưng ngài đi vắng. Ông trở lại Pháp bảo viện, sau khi trình bày sự khó khăn lúc phiên dịch, ông quản thủ thư viện giới thiệu qua Sư Cả chùa Phước Sơn. Đến Phước Sơn, vừa nghe đến tên chùa(1), ông tưởng là sẽ gặp người Việt, hóa ra không phải. Vị sư sáng lập ngôi chùa này là người Việt, miền Nam, thị tịch đã lâu rồi, bây giờ tất cả chư Tăng ở đây đều là người Miên cả.

Được sự hỗ trợ của Sư Cả Phước Sơn, sự dịch thuật đã tạm thời xuôi lọt; và ngài cũng giúp ông lần hồi, chập chững đi vào Tạng Miên. Cũng tại đây mà ông học được thêm một ít từ tạng Abhidhamma. Nhưng chính khi gặp ngài Hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi, với sự chỉ bày cặn kẽ của ngài, nhờ có căn bản Pāḷi đã học, ông mới nắm vững văn phạm, ngữ pháp; chỉ còn chịu khó học thêm danh từ, động từ và một số thuật ngữ Phật học nữa thôi là có thể soạn dịch kinh pháp được.

Khi gần hết phép, do làm việc nhiều quá mà ông lâm bệnh, phải vào nằm viện, phải đánh điện tín về tỉnh Sung-Treng cho quan Chánh chủ tỉnh và quan Chánh chủ sở Thú y hay. Ít hôm sau, một lúc đến bệnh viện cả hai điện tín. Một là của ông Chánh chủ tỉnh gởi cho ông, hỏi thăm tình trạng sức khỏe. Hai là của quan Chánh chủ sở gởi bác sĩ trưởng bệnh viện, hỏi là chừng nào thì ông có khả năng xuất viện?

Chẳng rõ ai xui, ai khiến, hay là do chư thiên xúi bẫy hộ trì ông mà bác sĩ trưởng bệnh viện, người Pháp, ông Kirsche đã đánh liền hai điện tín trả lời, đại ý như sau: “Cơ thể, khí huyết của bệnh nhân không hợp với khí hậu, thời tiết, thung thổ khắc nghiệt ở Sung-Treng; lại nữa, chính ở đây mới có đầy đủ thuốc men để chẩn trị. Đề nghị các quan lớn ưu ái cho đương sự được trở lại nhiệm sở ở kinh đô Nam Vang như cũ mới bảo đảm được sức khỏe phục vụ lâu dài!”

Dĩ nhiên, vì là quan lớn Pháp với nhau nên yêu cầu ấy đã được điện về, chấp thuận. Quả là nhiệm mầu!

Bác sĩ Kirsche gặp ông, mỉm cười kể lại việc ấy rồi nói rằng:

– Không biết tại sao mà tôi lại nghĩ, phải giúp ông điều đó, không giúp không được!

Khi ra viện, ông trịnh trọng mang quà cáp đến để tri ân tấm lòng của bác sĩ, nhưng bác sĩ không nhận, lại còn cười nói:

– Ông mang về đi! Không có ân nghĩa gì ở đây hết! Lần đầu tiên trong đời, làm bác sĩ trưởng mà tôi đã báo cáo bệnh án dối nhưng sao trong lòng cứ vui mãi mới kỳ!

Riêng ông, ông biết, đây là cảm ứng giữa cõi linh thiêng, là bất khả tư nghì nữa vậy.

Do nhu cầu học hỏi, lúc này ông hay tìm đến chùa Phước Sơn hoặc chùa Unalom, nơi ở của đức phó vua Sãi, thỉnh thoảng lại được gặp các vị giáo sư, được đàm đạo ít nhiều về giáo pháp, ông cảm thấy rất lợi lạc cho mình.

Biết trình độ tu tập của ông, hôm nọ, có mặt cả các vị giáo sư, Sư Cả Phước Sơn nói với ông:

– Ông ráng tu cho đắc quả Thanh Văn cũng được. Đời này mà thấy được Tứ Thánh, chư thiên và nhân loại đã hoan hỷ lắm rồi, giáo pháp, theo đó sẽ được phát triển, hưng thịnh. Còn quả vị Chánh Đẳng Giác lâu lắm đấy nghe!

Ông ghi nhớ câu nói đó trong lòng.

Tối đến, trong lúc hành thiền, ông quán sát tâm mình và tự hỏi:

“- Trong quá khứ, không biết tui đã có tu tập như thế nào, và các ba-la-mật như thế nào, do quá khứ che lấp, không được thấy, không được biết. Vậy xin sức mạnh của các công năng đã từng hành trì ba-la-mật từ quá khứ cho đến hôm nay, cho tui được thấy dấu hiệu, hiện tượng gì đó, để tui có thể lựa chọn nên phát đại nguyện thành tựu Thanh Văn hay Chánh Đẳng Giác?”

Rồi ông chú tâm, nhất cảnh. Lát sau, trong tâm ông chợt hiện ra một biển lớn, sóng bủa dữ dội, cả triệu triệu người lặn hụp, chìm nổi, nhấp nhô, chấp chới kêu gào đầy vẻ thảm não, tuyệt vọng… mà chẳng có ai cứu vớt. Một chiếc thuyền cũng không! Một chiếc phao cũng không! Xả thiền, ông rươm rướm nước mắt, cảm thương cho chúng sanh quá. Rồi từ đấy cho đến sáng, cứ ngồi thiền một lát thì hình ảnh ấy lại hiện ra, thế là cả ba lần cùng thấy một cảnh giống nhau.

Ông tự kết luận:

“- Vậy là trong quá khứ, dưới chân một đức Chánh Đẳng Giác nào đó, mình đã có phát nguyện hành trì ba mươi ba-la-mật để thành tựu quả vị Phật rồi, không sai!”

Ghé chùa Sùng Phước, thấy cơ ngơi chùa viện khang trang hơn trước; hội Phật học sinh hoạt đều đặn, thư viện đầy ắp kinh sách, nườm nượp cư dân Phật tử người Việt, Khờ Me vào ra; tòa soạn tạp chí “Ánh sáng Phật pháp” đều đặn ra mắt mọi người, mỗi tháng hai kỳ. Ông vô cùng hoan hỷ.

Vì không đúng kỳ bát quan trai, cũng không đúng ngày chủ nhật nên chỉ gặp được ông Miên, ông Sanh, và sư Cả Thạnh; họ là những người Việt gốc Miên đang được phân nhiệm trông coi chùa. Sư Cả Thạnh cho biết là sa-di Thiện Luật đã xuất gia tỳ-khưu(2) rồi; và ông Hồ Văn Viên cũng đã xuất gia tỳ-khưu(3), có pháp danh là Huệ Nghiêm (Thītapañño)! Họ có đến đây thăm chùa, và ai cũng muốn gặp bác sĩ…

Mừng quá, ông nói:

– Tốt quá! Thật tốt quá!

Sư Cả Thạnh nói tiếp:

– Các bạn, nhất là ông Ba Lý cũng thường khuyến khích mọi người ai xuất gia được thì xuất gia. Nên mới đây, ông Phán Long cho hai cô con gái đi tu, một là Tín Bạch, hai là Tín Thanh, hiện đang ở đây.

Nghe vậy, ông quá vui mừng đến rơm rớm nước mắt. Cũng trong ngày hôm ấy, gặp lại Ba Lý, Ba Diên, Sáu Hoa, ông cùng với họ hàn huyên nhiều chuyện. Sau đó, ông gởi thêm một số bài viết cho Ba Lý rồi nói:

Tui mang danh chủ nhiệm mà không làm được gì, chỉ gởi có mấy bài viết. Cái chức ấy, anh Ba Lý đảm nhiệm mới đúng!

Ba Lý cười:

– Anh nên nhớ, các bài viết của anh bao giờ cũng là bài sườn, không những nói lên cái tinh yếu của giáo pháp mà còn có cả kinh nghiệm tu chứng nữa đấy! Hay là khi nào rảnh, anh viết cho một loạt bài hướng dẫn thiền samādhi và vispassanā được chăng?

Tui sẽ cố gắng!

Sáu Hoa cười:

– Cái cách nói khiêm tốn của anh chẳng ra dáng ông chủ nhiệm một chút nào cả!

– Nó không hợp với tui! Ông nói Từ rày, các bạn chăm lo giúp vậy nhé. Tui muốn tu thôi!

Rời các bạn với tâm trạng nhẹ nhàng, dễ chịu – ông đến tỉnh Battambang, lên núi để hành thiền.

Đến chân núi thấy có một ngôi chùa lớn, ông vào đảnh lễ Phật, đảnh lễ vị Sư Cả đã được một số cư sĩ quen giới thiệu, ngài tên là Boddhiveal. Trong lúc hầu chuyện, vị Sư Cả lặng lẽ nhìn ông và quan sát ông một hồi rồi nói:

– Ông thiện nam người Việt tu tập mà định tuệ gì cũng tốt cả; lại còn giỏi tiếng Pháp, Pāḷi, Miên, Lào nữa. Ông chưa tới mà cái danh thơm A-cha Giảng của ông đã đến đây rồi đó!

Ông cúi đầu nhũn nhặn:

– Chỉ có được chút ít, người ta đồn hơi quá đó thôi, thưa Sư Cả!

Sư Cả mỉm cười rồi bảo một sa-di dẫn ông lên lầu, nói rằng:

– Xá Lợi Tóc và Xá Lợi Răng của đức Phật, nghe đâu, ông đã từng thấy ở cung trời Đao Lợi? Bây giờ, ông hãy lên đó mà chiêm bái Xá Lợi Phật và Xá Lợi chư vị thánh Tăng tại nhân gian một lần đi!

Trước những tháp thờ Xá Lợi tôn nghiêm, nạm bạc vàng, châu ngọc lóng lánh; hai tay chấp lại, ông đứng lặng rất lâu, nói thầm trong tâm rằng:

“- Đệ tử xin hết lòng duy trì chánh pháp, nguyện đi theo gót chân của chư Phật quá khứ, thành tựu các công hạnh ba-la-mật, dẫu cho thịt nát, xương tan, máu huyết khô cạn đệ tử cũng sẽ không rời mục đích tối thượng của mình!”

Rồi ông chìm ngập nhất như trong miền tâm cảnh ấy. Không biết thời gian trải qua bao lâu, ông giật mình, tự nghĩ:

“- Mình lên đây để chiêm bái Xá Lợi mà!”

Thế rồi, ông chiêm bái Xá Lợi một lúc lâu rồi đi trở xuống.

Tối hôm đó có rất đông thiện nam tín nữa đến thăm ông, có lẽ do Sư Cả Boddhiveal báo tin. Ngài để ông được tự do nói chuyện với mọi người tại bảo điện, có giới thiệu sơ cho ông biết rằng:

– Chùa này lâu lâu có mở một khóa thiền, một lần mười ngày hoặc nửa tháng, có một thiền sư đến dạy. Số cư sĩ này đều có theo học cả đó.

Vì là sơ giao nên ông không dám nói chuyện gì với họ nhiều, chỉ nói rõ mục đích của mình:

Tui là công chức của nhà nước. Trong thời gian được nghỉ phép, muốn tìm lên núi vắng để tập thiền dzậy thôi!

Một cư sĩ nam đã đứng tuổi, nói rằng:

– A-cha Giảng không cần thiết phải khiêm tốn như dzậy. Sư Cả có kể chuyện A-cha Giảng với chúng tôi. Mà bạn bè của tôi ở Nam Vang, ở Stung-Treng cũng có kể về A-cha Giảng. Vậy, mấy khi A-cha Giảng đến đây, hãy hướng dẫn cho chúng tôi hành thiền.

– Thưa, có Sư Cả ở đây, tui đâu dám!

– Sư Cả không có dạy thiền. Hạnh của ngài là lo cho Tăng chúng, xây chùa và mọi nhu cầu về đức tin, tín ngưỡng cho thiện nam tín nữ trong vùng.

– Thế thì đã có vị thiền sư hay đến dạy những khóa thiền rồi, tui cũng không dám qua mặt.

Một người khác nói:

– Chính vì ngài thiền sư ấy mà chúng tôi phát sanh sự nghi ngờ đó!

– Chuyện sao dzậy?

– Trong khóa thiền vừa rồi có một cô tu nữ người Miên hành thiền, sau khi trình pháp, vị thiền sư tuyên bố cô ấy đã đắc định sơ thiền! Hiện tại, cô ấy còn ở tu trên núi.

Dzậy thì có chuyện chi xẩy ra? Người ta tu định thì cũng có thể đắc sơ thiền lắm chớ?

– Nhưng thấy cô ta cũng thường thường thôi mà! Định sơ thiền đâu phải đơn giản!

Ông gật đầu:

– Quả dzậy, cũng không phải là dễ dàng gì!

– Vậy nên chúng tôi mới phải nhờ A-cha Giảng khảo sát!

Ông lắc đầu:

– Việc ấy tui không làm được!

Thấy họ yêu cầu quá, ông từ chối cách khác:

– Có lẽ tâm định của cô tu nữ cao hơn tui, tui làm sao dám khảo sát!

Biết là họ không chịu nhưng ông nghĩ mình không có tư cách gì xen vào việc tế nhị ấy.

Sáng hôm sau, ông kiếm xe đi vào núi một mình. Cách chùa chừng mười bốn, mười lăm cấy số ngàn, gặp một thung lũng có suối, có cây cỏ, thác đá rất đẹp, rất thanh bình. Lúc lần bước theo con đường vào rừng thì thấy hai chiếc xe cam-nhông (camionette)(4)đổ khách xuống, chừng năm mươi người. Hóa ra là thiện nam tín nữ dưới chùa, họ đi tìm ông. Ông nói:

– Quý vị theo tui làm gì?

Có một vị cười:

– Chúng tôi tranh thủ đi chơi “dã ngoại”(5) và cũng đi tập thiền luôn thể.

Ông đáp:

Tui rảnh phép được nửa tháng, tìm nơi thanh vắng để tu tỉnh một chút. Bây giờ mà đông người như thế này…

– A-cha Giảng cứ lên rừng, cứ tu ở trển, chúng tôi ở ngoài bìa rừng, phía dưới này, không tạo trở ngại, huyên náo, ồn ào chi cho A-cha Giảng cả.

Người khác nói:

– Chúng tôi cũng sẽ dựng lều trại loanh quanh đây để cùng tu tập cho vui mà! Tu hành phải có bạn, phải không bác sĩ quý kính?

Người khác nữa:

– Tu thiền trên núi, nhưng A-cha cũng phải ăn, phải vậy không nào? Vậy đến giờ ăn, A-cha hãy vui chân xuống đây, lúc nào cũng có phần ăn cho A-cha cả. Đặc biệt, chúng tôi hân hạnh được thỉnh mời đó!

Hóa ra họ đều là những con người hào sảng, chân tình cả. Ông đành phải nhận lời. Khi mang xách, rời chân lên núi thì có hai ông cư sĩ tuổi khoảng trung niên, trông sắc mặc, trang phục có vẻ phú gia, mang theo mỗi người một cái đãy, tình nguyện cùng ông lên núi hành thiền.

Rừng sầm uất, tĩnh lặng. Càng đi sâu vào thì thấy có nhiều hang đá. Ông lựa chọn quanh quất rồi tìm được cho mình một cái hang cạn, vì sâu quá thì sợ ẩm ướt và rắn rít. Một ông cư sĩ dòm xem rồi phát biểu:

– Trông nhỏ nhít như hang chuột thế này thì ăn ở sao tiện?

Ông tủm tỉm:

– Chuột! Nhưng chuột thì nhất định phải hơn gà rồi, phải không?!

Ông cư sĩ kia lanh trí, biết ý của ông nên nói với bạn mình:

– Đã nghe rõ chưa! Gà bao giờ cũng có sẵn lúa ăn, được chủ nuôi cho mập; rồi đến lúc, họ cắt cổ, lấy tiết, vặt lông, trụng trong nồi nước sôi, xé phay tiêu muối, rau răm để ăn nhậu. Chuột chẳng có lúa gạo, chẳng ai nuôi, tự tìm lấy cái ăn, chẳng sợ ai giết thịt, lại được tự do tự tại. Thân phận của chúng ta là gà phố thị, gà đồng nội, còn A-cha Giảng của chúng ta là chuột núi, chuột rừng đó!

Câu ví von so sánh dí dỏm ấy làm ai cũng phải phì cười.

Hai người tìm được một hang đá rộng rãi, họ ở với nhau. Còn ông, ban đầu tưởng chọn cái hang cạn, có ánh sáng, nhưng đi vào sâu ba thước lại có một cái ngách, bên trong có cả tấm thạch bàn, có chỗ đặt tượng Phật, chỗ thắp nhang; lại được treo sẵn một bộ xương người; chắc đây là “cơ ngơi” của ai, trước đã từng tu tập, quán “đề mục tử thi” chọn chỗ tạm cư!

Sau khi quét dọn chỗ ở, ông đặt lên tượng Phật, đốt đèn cầy, thắp nhang, tụng kinh Tam Bảo, hồi hướng đến chư thiên, thọ thần, sơn thần như thường lệ. Trưa, ông nhịn, chỉ uống nước ngoài suối rồi hành thiền suốt cả buổi chiều, lặng lẽ đi vào định không trở ngại gì, không cần ra ngoài kinh hành. Tối, ông tập đi vào đi ra các định đề mục đất, đề mục nước, đề mục ánh sáng, đề mục tâm từ, thấy vẫn nhẹ nhàng, thông suốt, thuần thục không trở ngại gì.

Lúc gần sáng, ông niệm hơi thở, trở lại tuệ quán, chấp tay khấn giữa hư không:

“- Đệ tử phát nguyện tu hành bất thối cho đến khi chứng quả Phật để giáo hóa chúng sanh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi!”

Lời nguyện vừa dứt, trước ngực ông hiện ra một vầng hào quang, sáng như ngọn đèn măng-sông, tròn, to, rõ rệt. Trong vầng hào quang đó, hiện ra nào núi, nào sông, nào trăng, nào sao, nào người, nào vật, nào cỏ cây, hoa lá và muông cầm điểu thú các loại… Phỉ lạc trào dâng… rần rần, bay bổng… ông cảm giác chưa có một hạnh phúc nào trên trần gian có thể bằng “một phần mười sáu” như hạnh phúc mà ông chứng nghiệm hôm nay.

 


(1) Chữ Phúc – chỉ người miền Nam mới đọc Phước.

(2) Năm Đinh Sửu – 1937.

(3) Năm Mậu Dần – 1938

(4)  Xe tải nhỏ.

(5) Chơi ngoài đồng nội – nghĩa rộng, là đi chơi ngoài thiên nhiên.