Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78206 Lượt xem

TIẾNG GỌI TỪ QUÁ KHỨ: TU THÔI! TU THÔI!

 

Ham vui như thế được bốn kỳ. Đêm kia, đang ngủ trên giường thì ông mơ màng nghe tiếng vọng bên tai như khuyên răn, dạy bảo, nhắc nhở: “Người say mê ngũ dục thì không sao tránh khỏi sa đọa vào bốn đường ác! Hãy nhớ như vậy!” Tỉnh dậy, ông toát mồ hôi, tim đập thình thịch… Và lời nói kia như còn văng vẳng bên tai rồi chìm mất giữa không gian. Xem đồng hồ lúc ấy là bốn giờ sáng! Thế rồi, ông ngồi lặng lẽ, trầm ngâm, nội tâm bắt đầu bất an, xao xuyến… tự nhủ rằng: “Ừ, mình bậy quá! Có vợ có con rồi mà còn ăn chơi nhảm nhí, hư thân mất nết! Bậy quá, mình bậy quá!” Tự thán, tự trách một hồi, ông đi tìm tài xế, lay tỉnh, rồi bảo tức khắc lái xe trở về Svay-Riêng, lúc ấy chỉ mới bốn giờ rưỡi sáng.

– Sớm quá, bác sĩ ạ! Sáng hẵng hay!

– Không! Đi ngay! Tui(1) sẽ pourboire(2) xứng đáng cho ông!

Thế rồi, trên đường đi, ông cứ bị ám ảnh mãi câu nhắc nhở của vị thiên thần nào đó mà thấy thẹn trong lòng. Rồi ông suy nghĩ: “Ngũ dục thì ta mang máng hiểu, chắc trong đó có sự say đắm sắc dục! Còn bốn đường ác là bốn con đường nào ha? Thiệt là bậy quá! Đây là cái tội không chịu đọc kinh, đọc sách! Cứ thỉnh kinh sách về đầy một tủ, rồi quăng đó, có bao giờ đọc đâu! Bây giờ biết làm thế nào? Vậy chắc là phải tu thôi! Nhưng tu như thế nào? Tu cách nào? Hóa ra ta chưa biết gì về điều này cả! Thiệt là tệ quá! Thiệt là bậy quá!”

Nghĩ thời gian còn mấy ngày lễ, ông bảo tài xế chạy thẳng về Nam Vang. Nội tâm của ông lúc này lao xao, bất an, ông muốn làm cái gì đó ngay tức khắc. Thế là, vừa về đến nhà, ông liền bước vào tủ kinh sách. Đa phần là sách chữ Pháp, một số chữ Hán, một ít chữ Việt và cũng khá nhiều chữ Miên do cả ông thân và ông sưu tập. Ông để ý một quyển sách chữ Việt, có tựa đề là “Hồi dương nhân quả”. Ông đọc ngay! Đọc xong, ông cảm giác mơ hồ là có cái gì đó phảng phất hơi hướng tín ngưỡng dân gian chứ chưa phải là chánh đạo thứ thiệt! Ông tiếc không biết chữ Miên, nếu không, kinh Phật chữ Miên thì nhiều lắm! Tuy nhiên, biết sao hơn! Cuối sách, có dạy rằng, ai có tâm tu học, muốn theo hạnh Phật A Di Đà thì chờ đến ngày 17 tháng 11 Âm lịch (là ngày vía Di Đà), đúng hai mươi giờ, tắm rửa sạch sẽ, sắm hương hoa quả phẩm thiết lễ rồi phát nguyện tu hành.

Lẩm nhẩm ghi khắc vào lòng, ông bước xuống nhà. Ông thân hỏi:

– Sao vừa về lại vội đi ngay?

– Con có việc gấp quá!

Bà Nhung cũng hỏi:

– Ở đó đời sống có đỡ không?

– Tốt quá đi chớ! Tui có cả một cơ ngơi như biệt thự dzậy(3)đó!

Ông thân nói:

– Vậy thì cho tao đi với?

Bà Nhung nói:

Tui cũng đi nữa!

Đứa con nhỏ cũng nói:

– Con cũng xin đi!

Chẳng đặng đừng, thế là ông và mọi người cũng trở lại Svay-Riêng.

Tính tháng đếm ngày, thấy gần đến ngày“tu”,ông nhắm chỗ trân trọng nhất trong nhà, sắm chiếc bàn mới, đặt tượng A Di Đà, lư hương, hoa, quả phẩm…

Bà Nhung thấy ông lăng xăng mà khuôn mặt có vẻ thành kính, ngạc nhiên hỏi:

– Ông làm cái gì đó?

Tui tu!

Rồi ông không giải thích thêm. Bà hỏi:

– Tu làm sao? Tu ra sao ha?

– Đơn giản thôi! Sau khi phát nguyện, từ đó tụng kinh Di Đà, Niệm Phật Di Đà, lạy Phật Di Đà và ăn chay mỗi tháng mấy kỳ đó!

Dzậy thì cho tui tu với nghen(4)!

– Tốt, dzậy thì bà cứ tu với tui!

Ông thân sinh nghe đứa con trai trưởng nói chuyện tu, ông mừng lắm:

– Tao theo bạn bè nơi chùa Sùng Phước, ăn chay trường, Niệm Phật Di Đà, thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng lắm!

– Con bây giờ mỗi tháng chỉ mới phát nguyện có sáu kỳ (lục trai) mà thôi!

– Ban đầu thì dzậy, từ từ thôi, nôn nóng gì con!

Chợt ông Giảng hỏi:

– Chùa Sùng Phước ở đâu dzậy ba?

– Ở đường Verdun, ấp Trường Đua, thuộc khu Năm của Phnôm-Pênh đó. Chùa của người Việt mình.

– Có cả tu sĩ và cư sĩ chớ?

– Có đầy đủ, đông lắm! Nhưng tu lung tung lang tang không biết theo tông phái nào, hệ phái nào…

Hổm nào về Nam Vang, con sẽ đến tìm hiểu. Con cũng chưa biết nên tu kiểu nào, nên tu cách gì cho trúng đây!

 


(1) Thói quen khiêm tốn, bình dân từ nhỏ – sau này ngài cũng chỉ hay xưng “tui” chứ không phải “tôi”!

(2) Tiền “hoa hồng”- giống như  tiền bồi dưỡng cho người hầu bàn bây giờ.

(3) Người Nam bộ, chữ “ v” họ nói thành “dz”; ví dụ, “vậy” thành “dzậy”, “vào” thành “dzào”, “về” thành “dzề” hay “dzìa”… Tuy nhiên, ở đây chỉ sử dụng tượng trưng vài nơi cần thiết để tạo cá tính tiếng nói địa phương, nhiều chỗ khác chỉ dùng ngôn ngữ văn viết phổ thông.

(4) “ Nghen” là “nghe”