Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78196 Lượt xem

NHỮNG NGƯỜI CÙNG CHÍ HƯỚNG

 

Đâu chừng khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1935 lần đầu tiên trong nghề công chức, ông Giảng giao công việc cho đàn em, bỏ nhiệm sở trở về Nam Vang, dự tính rủ Ba Lý và Văn Công Hương về Nam Kỳ.

Đến chùa Prek-Reng thăm đại đức Thiện Luật rồi sau đó họ cùng đến chùa Sùng Phước. Tại đây, Ba Lý cho biết là Hội đã làm thêm được mấy việc:

– Nhờ viện Phật học tại chùa Unalom, nhờ thư viện Hoàng gia, nhờ trường Viễn Đông bác cổ, và nhất là nhờ công đức của viên tiến sĩ khảo cổ lai Pháp là Suzanne Karpelès nên chúng ta hình thành được thư viện. Được ngài hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi đánh giá là tốt.

– Bắt đầu từ đây, chùa Sùng Phước phải là trung tâm hoạt động tích cực trong việc canh tân Phật giáo, nơi đào tạo sư sãi, nơi lưu giữ, bảo quản và nghiên cứu kinh Phật bằng Pāḷi, Pāḷi-Miên cùng kinh sách Anh, Pháp, Hán, Việt, Miên…

– Cử hành các nghi lễ Phật giáo và tổ chức các buổi thuyết pháp cho cộng đồng cư dân người Việt.

– Các nhà sư như sư Cả Thạnh, sư Tuệ Báu, sư Lê Khanh và Nguyễn Phát Phước được giao phụ trách cầu an, cầu siêu, quan hôn tang tế…

– Những công chức nhập quốc tịch Pháp hoặc lai Pháp như Charles Clairet phụ trách hành chánh quản trị, bảo trì nghĩa trang Phật giáo. Họ còn có phận sự duy trì quan hệ tốt đẹp với tòa Công Sứ tối cao Campuchia, với bộ Nội vụ và Nghi lễ Campuchia.

Thấy thành quả rất đáng hoan hỷ, ông Giảng khuyến khích các bạn nên chịu khó trau dồi thêm tiếng Pāḷi; và góp ý là nên hình thành một tạp chí Phật giáo làm tiếng nói chung của Hội.

Mọi người ghi nhận ý kiến ấy.

Ngày hôm sau, ông Giảng, ông Hương và Ba Lý về Sài Gòn. Họ tìm đến tịnh thất của ông Hiểu gần Tân Sơn Nhất thì gặp luôn ông Quyến, ông Cầm, ông Núi, ông Nhất – cũng là bạn cũ của nhau – thuộc loại tâm đầu ý hợp. Hóa ra là họ đã có những tịnh thất tiện nghi để cùng tu tập với nhau.

Ông Hiểu tâm sự:

– Gia đình tôi theo Nho học, nhưng lại hâm mộ Phật giáo truyền thống, một loại Phật giáo chỉ còn là hình thức thờ tự như tín ngưỡng dân gian… với đủ mọi loại cúng kiến, chú sớ, cầu khẩn, van xin… nó không phù hợp với cái “tạng” của tôi. Lớn lên thì tôi học Tây(1) nhưng lại tu lung tung từ Cao đài, sang Công giáo, sang Tin lành! Duyên may, năm 1930, tôi đọc được một quyển sách của người Đức, lại viết bằng tiếng Pháp. Đó là quyển “La Sagesse du BuddhaTuệ giác của đức Phật”. Vị học giả này có giới thiệu, rằng là muốn nghiên cứu một đạo Phật chính thống, gần với Nguyên thủy thì nên đi sâu vào giáo điển Tam Tạng Pāḷi mà các nước Tích Lan, Xiêm, Miến, Miên, Lào… thuộc hệ Nam truyền, chính xác là Theravāda – đang gìn giữ, bảo lưu, tu tập và phụng hành, như là quốc giáo của họ.

Thuở trước, làm kỹ sư công chánh ở Phnôm-Pênh nhưng tiếc là tôi không tìm hiểu Phật giáo ở đấy, vì trong con mắt truyền thống đầy khinh thị và ngạo mạn, tôi xem họ là Tiểu thừa. Năm 1925 về lại Sài Gòn, bận công việc ở sở Hỏa xa, mãi đến năm 1930, sau khi đọc được quyển sách ấy, tôi đến thư viện tìm kiếm thêm những quyển sách được dịch hoặc soạn dịch từ Tam Tạng Pāḷi văn, tôi mới thấy, đây đúng là giáo pháp mà mình đang tìm kiếm, thao thức, trăn trở bấy lâu.

Ôi! Cảm ơn trời Phật! Ai ngờ duyên may hy hữu, các bạn đều là bạn cũ, lại là cùng có một chánh tri, chánh kiến như nhau!

Như gặp bạn tri âm, ông Giảng kể lại cho ông Hiểu, ông Quyến, ông Núi, ông Cầm, ông Nhất… nghe việc tầm đạo gian nan, vất vả của mình như thế nào, trải qua mười mấy năm dọ dẫm, sục sạo kiếm tìm khó khăn như thế nào, cuối cùng, ông đã có được chỗ trú tâm trong giáo pháp chân truyền…

Rồi ông Giảng, Ba Lý, Văn Công Hương thay nhau kể về việc thành lập hội, nội qui, điều lệ của hội cùng những thành quả khiêm tốn bước đầu như thế thế nào, nhất nhất thuật lại cho các bạn nghe.

Ông Hiểu vô cùng mừng rỡ, dồn dập hỏi:

– Thế các bạn có dự định sẽ mang giáo pháp ấy về Việt Nam không? Đã có kế hoạch gì chưa? Bạn bè đồng chí hướng đã có những ai rồi? Đã có ai xuất gia chưa hay chỉ là cư sĩ?

Ông Hương nói:

– Bên đó, tôi thấy đa phần là Bắc tông, tu sĩ Nam tông mình quá ít. Nhưng muốn đi truyền bá giáo pháp đâu phải dễ, phải hội đủ 3 điều kiện: Có tu chứng, có phát nguyện ba-la-mật, có kiến thức sâu rộng cả nội điển lẫn ngoại điển!

Ông Giảng trình bày nguyện ước của mình là cũng như thế, sau đó tâm sự:

Tui là công chức nhà nước, đi đây đi đó luôn; ngay cả Nam Vang mà tui đi cũng chưa hết. Tui cũng chưa biết trong chư Tăng người Việt thuộc Theravāda mình ai có khả năng hoằng pháp? Mới chỉ có ông Ngô Bảo Hộ(2) xuất gia sa-di thì chỉ là dấu hiệu tốt ban đầu thôi, còn khiêm tốn quá!

Ông Ba Lý nói:

– Tuy chỉ mới manh nha nhưng ông ta là người trí thức, có thể cáng đáng công việc được.

Ông Hương nói:

– Điều đáng mừng là ở trong hội Phật giáo của chúng ta, có khá nhiều người muốn xuất gia, như ông Viên (3), ông Tông (4), Sáu Hoa, Ba Diên… Các vị ấy đều là bậc trí thức, học rộng, hiểu nhiều cả…

Ba Lý lắc đầu:

– Chưa mừng được! Nói ra thì sợ mất lòng. Tuy họ là bậc trí thức nhưng về giáo pháp thì còn lung tung lắm, chưa phân định được rõ ràng đâu là Theravāda (Thượng tọa bộ), đâu là Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ), đâu là Mahāyana (Đại thừa)… Hôm nào phải nhờ sự chỉ bày, giảng nói cặn kẽ của anh Giảng mà thôi! Không những là một lần, hai lần mà phải rất nhiều lần, như cái kiểu mưa lâu thì nó mới thấm!

Ông nhũn nhặn:

Tui chưa dám đâu nghen!

Nói thì nói thế, nhưng sau đó, ông tiết lộ cho các bạn nghe, rằng mình đã soạn dịch xong quyển “Luật xuất gia” dành sẵn cho chư Tăng Việt Nam sau này; và quyển “Nhựt hành của người cư sĩ” cũng để chuẩn bị cho bà con ở quê nhà!

Ông Hiểu cảm động đến rưng rưng nước mắt:

– Thiệt là quý hóa! Thế thì các bạn đã lo liệu đâu vào đấy cả rồi! Dzậy thì ước mơ của chúng ta đến lúc nào đó sẽ trở thành hiện thực!

Ông Quyến, ông Núi, ông Cầm, ông Nhất – bạn của ông Hiểu ở đây, đồng phát biểu một ý:

– Ở Sài Gòn, nói chung là Nam Kỳ, có một vài hội Phật giáo với tờ báo của họ nghe ra là có mùi chơn chánh, còn đa phần có vẻ thế tục, ma quỷ thế nào không! Ước gì anh Giảng và các bạn bên đó mang được giáo pháp chơn truyền về đây; dầu chỉ còn một hơi thở, một chút tài lực, chúng tôi cũng quyết làm một người hộ pháp cỏn con!

Ba Lý cũng sung sướng nói:

– Về phương diện dịch thuật, thế là anh Giảng đã làm con chim đầu đàn. Tôi có chút ít văn chương chữ nghĩa, sau này, sẽ xin phụ tá với anh Giảng một tay!

Ông Hiểu cất giọng hồ hởi:

Dzậy thì trở lại Nam Vang, các bạn làm sao tìm cho ra chư Tăng Việt Nam đã xuất gia hoặc sẽ xuất gia làm lực lượng nhân sự nòng cốt; thứ nữa là nghiên cứu cho tới nơi tới chốn Tam Tạng Pāḷi, sau đó thành lập một ban dịch thuật ra Việt ngữ. Công việc trọng đại ấy các bạn phải khởi quyết tâm ba-la-mật làm cho bằng được. Còn tại đất Sài Gòn, Gia Định nầy, anh em chúng tôi sẽ đi tìm kiếm đất, xây chùa để đợi phái đoàn hoằng pháp trở về, được chăng?

Ông Giảng nói:

– Quả là nặng nề! Nhưng cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta, cho cả nguyện ước của chúng ta nữa.

Cả tám người nắm tay nhau siết chặt với tình cảm thanh khiết, vắng lặng nhưng mỗi người tự biết là đang đảm nhận một nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng…

Và nhiệm mầu thay, cũng từ cuộc hội kiến hy hữu của những con người đồng chí hướng này, bánh xe chuyển pháp về Việt Nam đã bắt đầu khởi động…

 


(1) Ông sinh ngày 01 tháng 10 năm 1896 (tức là nhỏ hơn ông Giảng 3 tuổi, lại lớn hơn sư Thiện Luật 2 tuổi), học trường Chasseloup Laubat, đỗ Thành chung năm 1915. Học trường Công Chánh Hà Nội, đỗ Cao học kỹ thuật Công chánh năm 1918. Năm 1919 làm việc tại Phnôm Pênh. Năm 1925 làm tại Sở Hỏa Xa Sài Gòn. Sau này, năm 1944 làm Giám Đốc Hỏa Xa miền Nam.

(2) Thế danh của ngài Thiện Luật – xuất gia Sa-di năm 1934, thọ tỳ-khưu giới năm 1937.

(3) Tức là Hồ Văn Viên – thế danh của ngài Huệ Nghiêm – sau này xuất gia tỳ-khưu năm 1938.

(4) Tức là Phạm Văn Tông – thế danh của ngài Bửu Chơn – sau này xuất gia tỳ-khưu ngày 19/7 năm 1940.