Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78193 Lượt xem

HỘI NGHỊ SƠ BỘ

 

Mấy ngày còn lại trước khi hết phép, ông đến chùa Sùng Phước. Vì không phải ngày chủ nhật nên cư sĩ đến công quả, tu tập chỉ chừng mươi người, trong đó có Ba Diên, Sáu Hoa, Ba Lý, Văn Công Hương, Phạm Văn Tông, Hồ Văn Viên…

Ông Giảng đưa mắt nhìn quanh, hỏi:

– Ông Hộ đâu sao không thấy?

Ông Tông thủng thỉnh nói:

– Anh Giảng có nhớ năm kia, ông Hộ đưa ra cái ví von “thỏ chạy trước, rùa bò sau” không?

– Có nhớ chớ!

– Vậy đó, cái câu ấy bây giờ tôi mới giải mã được.

– Nghĩa là sao ha?

– Nghĩa là ông ta nói sau, chậm, là rùa. Tôi và ông Viên nói trước, nhanh là thỏ. Bây giờ con rùa ấy, ông Hộ ấy xuất gia trước rồi đó!

– Chà, các bạn có cái lý luận xuôi ngược, thỏ rùa trước sau, sau trước vui quá hen!

Ba Lý tiếp:

– Anh Hộ đã xuất gia sa-di tại chùa Prek-Reng rồi, với pháp danh là Vinayakusala (Thiện Luật) còn dẫn thêm cháu Đạt đến ở đấy nữa.

– Vậy là tốt. Ta có được một cán bộ rồi đó!

Thấy đây là lực lượng nòng cốt nên nhân cơ hội ấy, họ vầy một cuộc hội nghị bàn tròn!

Văn Công Hương trình bày trước:

– Bạn bè tôi, tu sĩ có, cư sĩ có, từ Nam Kỳ sang, cho biết là Phật giáo ở nơi này đã chấn hưng, có khá nhiều tổ chức Phật giáo ra đời, đó là “Thiên Thai thiền giáo tông lương hữu hội” – tiếng Pháp gọi là Société d’étude du bouddhisme et de secours mutuels; “Nam kỳ Phật học cứu tế hội” – tiếng Pháp là L’association d’études bouddhiques et d’assi stance de Cochinchine; “Tịnh Độ cư sĩ Phật học hội” – tiếng Pháp là L’association du bouddhisme de la Terre Pure… Họ đang lập thủ tục hồ sơ trình chính phủ bảo hộ để được hoạt động hợp pháp.

Ba Lý tiếp lời:

– Tôi biết. Họ thường đều đặn lui tới Campuchia, muốn giúp đỡ, san sẻ với cộng đồng người Việt ở đây! Họ có lòng tốt, nhưng họ lại muốn ta theo họ, việc ấy có nên không?

Ông Giảng dè dặt nói:

– Các bạn hãy để ý, coi chừng! Chúng ta không biết rõ đằng sau các tổ chức ấy là cái gì! Lưu ý những tổ chức cổ súy rầm rộ, dùng ngôn lời đao to búa lớn, với những nhân danh vô cùng tôn quý và cao đẹp! Người nhẹ dạ, chưa có trình độ giáo pháp căn bản, chưa có công phu tu tập thường rất dễ bị mắc lừa! Thận trọng là tốt hơn, các bạn!

– Phải! Ông Viên gật đầu – Các tổ chức nhuốm màu thế tục, đôi khi là chính trị, thường xen vào các cơ sở tôn giáo để giật dây, lợi dụng. Nói như anh Giảng là đúng. Phải thận trọng!

Ông Tông nói:

– Tôi có đi thăm các tu sĩ người Việt theo Bắc phái thuộc Thiền tông, Mật tông đang ẩn tu tại vùng núi Bokor ở Kampot, Phnôm-Basset, núi Nhì Hoàng ở Kompong-Cham, Phnôm-Bakheng ở Siêm-Riệp… Các tu sĩ và cư sĩ Nam Kỳ cũng thường đến đây. Ở Nam Kỳ có tổ chức nào thì ở đấy cũng làm y hệt.

Ông Ba Lý nói:

– Vừa rồi tôi có về thăm quê, thấy phong trào chấn hưng Phật giáo bộc phát khá mạnh mẽ. Đầu tiên là sự khởi xướng của một vài tu sĩ ở Gia Định và Mỹ Tho, sau đó lan xuống Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá,  rồi ra Trung, ra Bắc. Họ có rất nhiều hội, nhưng nổi tiếng nhất là hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học…(1)

Sáu Hoa gật đầu nói:

– Tôi và anh Ba Diên có ghé vùng núi Thất Sơn ở Châu Đốc… ở đây có hằng chục chùa quán cũng có thành lập những hội tương tợ. Không biết là họ tu theo cái đạo gì mà họ thờ tự lung tung, như thờ Ngọc Hoàng, Bắc Đế, Ông Hổ, Ông Tà(2), Vishnu, Quan Thánh, Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ… Đặc biệt có đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương; là Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, Sư Vải Bán Khoai… thậm chi là lạ lùng!

Ông Tông thở dài nói:

– Đạo Phật cả đó! Nhưng chúng đã biến dị một cách quái gở; có lẽ chẳng còn đâu là giới định tuệ, chẳng còn đâu là giác ngộ, giải thoát nữa.

Rồi mỗi người một câu:

– Trong phong trào chấn hưng, không biết ai đã tuyên bố một câu xanh dờn: Từ bi là sát sanh để cứu độ chúng sanh(3). Khiếp!

– Sát sanh là tội đứng đầu trong hai trăm hai bảy giới. Từ bi phải là không hận, không sân. Ai đời giết người lại gọi là từ bi? Thật là loạn ngôn, nghịch nhĩ!

– Là “khế lý, khế cơ” đấy!

– Lập trường của chúng ta là tu tập theo một đạo Phật chơn chánh, không khen ai mà cũng không chê ai! Kệ họ! Thứ nhất, họ lợi dụng Phật giáo để mưu đồ những mục đích thế tục, cái đó chúng ta đừng sa chân vào! Thứ hai, đa phần chỉ còn là tín ngưỡng dân gian, không phải là đạo Phật đâu! Ta để tâm đến chúng làm gì cho mệt!

– Hãy bàn đến việc của mình thôi!

– Phải!

Thế rồi, vì thấy Phật giáo ở đâu cũng đang trong cao trào chấn hưng, các vị trí thức cư sĩ người Việt ở Phnôm-Pênh lẽ nào lại nhắm mắt làm ngơ, nên cuộc thảo luận sơ bộ này đưa đến thống nhất ý kiến:

– Thành lập một hội có tên là “An Nam Phật Giáo Hội” tại Campuchia. Sơ thảo nội dung, điều lệ để đệ trình chính quyền bảo hộ (Ba Lý, Ba Diên và Sáu Hoa phụ trách).

– Thành lập một thư viện để lưu trữ kinh sách bằng Pāḷi, Pāḷi-Miên, Anh, Pháp, Quốc ngữ, Hán văn (Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên, Phạm Văn Tông đảm nhiệm – liên hệ viện Phật học Phnôm-Pênh nhờ giúp đỡ).

Trong sự phân công trách nhiệm này, vì Văn Công Hương đang thu xếp để về định cư tại Sài Gòn nên không ghi tên. Còn ông Lê Văn Giảng do đa đoan đời sống công chức, được mọi người tin cậy, nên giao cho việc tu tập, nghiên cứu và soạn dịch những kinh sách cần thiết để truyền bá trong cộng đồng người Việt tại Campuchia hoặc về Việt Nam, sau này!

Không ngờ, “An Nam Phật Học Hội tại Campuchia”(Association bouddhique annamite au Cambodge) được chính quyền bảo hộ phê chuẩn, duyệt y ngày 05 tháng 7 năm 1935, đặt cơ sở tại chùa Sùng Phước(4).

Ai cũng thở phào nhẹ nhõm do đã đạt được cơ sở nền tảng để duy trì và phát triển Phật giáo Theravāda trong mai hậu.

 


(1) Các tu sĩ như Khánh Hòa, Khánh Anh, Thiện Chiếu, Huệ Quang ở Gia Định và ở Mỹ Tho vào khoảng năm 1930. Đặc biệt là tờ báo Pháp Âm gây được tiếng vang rất lớn. Sau đó là hội Phật Học Thư Xã và Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời. Hội nào cũng có nội quy, điều lệ, giấp phép và tạp chí truyền bá giáo lý. Từ đấy nó lan ra Trung, ra Bắc. Nếu ở Nam có tờ Từ Bi Âm (1932) thì ở Trung có tờ Viên Âm (1933), ở Bắc có tờ Đuốc Tuệ (1934).

(2)  Thần Neak Tà của Khờ Me Nam bộ.

(3) Đây là câu đối treo trước cửa chùa Linh Sơn của tu sĩ Thiện Chiếu; nguyên văn “ Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế. Từ  bi  nãi sát  sanh  dĩ

độ chúng sanh!” (Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế.  Từ bi là sát sanh để cứu độ chúng sanh!). 

 (4) Lúc đó, chùa này nằm ở đường Verdun, khu 5 của Phnôm Pênh, ấp Trường Đua; năm 1965 bị giải tỏa để làm sân vận động Olimpic, chùa dời về Tuol Kork; năm 1979 chùa bị bọn Pôn Pốt phá hoại, không còn gì.