Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79059 Lượt xem

TÙY DUYÊN HƯỚNG DẪN ĐỒNG ĐẠO

 

Vào khoảng tháng 5 năm 1933, ông được thăng ngạch hạng Hai, lại do nhu cầu công việc của sở, ông đổi đi nhận nhiệm vụ tại tỉnh Prey-Veng(1); ở đây có khá đông cư dân người Việt.

Ông tự nghĩ:

“- Biết đâu đây là nhân duyên tốt cho mình hướng dẫn họ tu tập; và biết đâu, đây là dấu hiệu đầu tiên để sau này giáo pháp chơn truyền được truyền bá về Việt Nam?”

Đinh ninh về ý nghĩ chơn chánh ấy, đêm đó, sau thời hành thiền, ông chấp tay lên đỉnh đầu, phát lời đại nguyện:

“- Xin đức Sakyā Gotama chứng minh! Xin chư thiên hộ trì! Nếu đất nước Việt Nam của chúng con có được phúc lành tu theo chánh pháp, thì các ngài hãy tạo duyên tốt, thuận lợi cho một số chư Tăng trí thức Việt Nam lần lượt xuất hiện ở nơi này và ở nơi kia để cùng nhau tu học! Và sau khi có được pháp học, pháp hành đầy đủ, chúng con sẽ là những sứ giả đầu tiên mang giáo pháp về Việt Nam. Nếu ước nguyện ấy mà thành tựu thì ai bảo con nhảy vào đống lửa, con cũng sẵn lòng!”.

Nguyện xong, ông cảm giác tinh thần phơi phới, mắt trái nháy nháy liên tục, ông vui sướng biết là giữa cõi hư không linh thiêng, lời thỉnh cầu của ông đã được chấp thuận! Điều này tự ông biết chứ không thể giải thích được!

Cách tỉnh thành Prey-Veng chừng một cây số, một số trí thức người Việt có lập một cái “trại” bằng tranh tre cây lá khá rộng rãi làm nơi tụ họp mọi người để tu tập. Nó như là một đạo tràng của cư sĩ. Nó tọa lạc trước một ngôi chùa cổ đã đổ nát có tha ma mộ địa khá hiu quạnh, rất thuận lợi cho việc hành thiền. Ông tìm đến đấy để làm quen rồi sau đó khôn khéo, tế nhị tìm cách hướng dẫn mọi người tu tập. Chưa bao lâu, do nghe tiếng ông mà người ta tìm đến khá đông, chừng ba bốn chục người, gồm cả người Miên và người Việt.

Ban đầu, ông phải hướng dẫn mọi người cùng tìm đến một ngôi chùa để quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trước một vị tỳ-khưu. Nhân một ngày giới, ông thỉnh một vị sư đến đạo tràng cho họ thọ trì bát quan trai giới, rồi sau đó, hành thiền và kinh hành. Thời gian sau nữa, do giảng pháp, ông hướng dẫn các cư sĩ thọ bát quan trai giới tháng bốn ngày, rồi sáu ngày, rồi tám ngày! Lúc này, trình độ Phật học và khả năng ngôn ngữ của ông đã có thể “vô ngại” giảng nói trước hội chúng cư sĩ nầy. Lợi ích của sự tu tập, con đường hạnh phúc của hiện tại và tương lai như thế nào ông đã giảng giải rất chi ly, cặn kẽ, thông suốt.

Do“hữu xạ tự nhiên hương”, người ta lại tìm đến nữa, có cả những cư sĩ trí thức người Miên, người Việt. Một số trí thức người Miên họ hỏi pháp rất mắc mỏ, nhiều câu rất khó đáp. Nhưng lạ lùng làm sao, ông chỉ cần nhắm mắt một lát, ngó vào tâm là ông trả lời được ngay, các vị này rất hoan hỷ. Có một số trí thức người Việt thì họ đọc kinh Bắc tông, tu theo Tịnh độ tông, Thiền tông hoặc Mật tông họ hỏi pháp lại càng khó hơn nữa. Có vị còn đọc cả đoạn kinh chữ Hán trong Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác… rồi bắt ông giải thích như kiểu đánh đố, làm khó nhau chơi! Nhưng lạy Phật, nhờ có học chữ Hán một thời, kinh sách Bắc tông ông cũng đã có đọc được một số – nên không nổi bị “bí”. Có chỗ, quả tình ông chưa hiểu tới, nhưng ông có đủ sáng trí, khôn ngoan và thông minh mà nói với họ như thế này:

– Thôi, quý vị hãy tạm thời bỏ đoạn kinh đó qua một bên; quý vị hãy chịu khó nghe tui trình bày, cũng cùng một ý nghĩa giáo pháp tương tự, theo giáo điển của Theravāda xem thử như thế nào?

Và thế là họ nghe, họ thấm. Họ lại còn phát biểu, đại lược là những lời ý như sau:

– Bên này giản dị, dễ hiểu và sát với thực tế hơn, thực tế với tham sân si phiền não như vậy thì tu tập như vậy, như vậy… Và ai cũng có thể tu được, cũng hành được. Rất cảm ơn A-cha Giảng! (2)

– Thiền tông cũng thế, nói rõ ra là thiền Huệ Năng, Lâm Tế hay Tào Động… đều có các ngữ lục mà trong đó, nhiều thiền thoại, công án khó hiểu quá, như đi trong khói, trong sương! Nhưng thiền samādhi hay vipassanā, cái lộ trình của nó, cái đường đi nước bước của nó ta có thể tìm cách mà lần dò, dọ dẫm theo được! Xin A-cha Giảng hãy hoan hỷ hướng dẫn cho chúng tôi!

“- Vậy đó! Ông Giảng nghĩ – Hóa ra giảng nói giáo pháp cũng là một hạnh phúc hiếm có! Hướng dẫn người ta tin theo để cùng tu tập cũng là một hạnh phúc không dễ gì! Thật là không thể nói hết hồng ân của Tam Bảo! Mình có được nhân lành nào từ kiếp trước mà bây giờ lại có được những hạnh phúc cực kỳ như vậy chớ!”.

Cái trại bằng tranh tre nứa lá, gần một năm sau đã được sửa sang, xây dựng lại trông cũng tạm được, lấy tên chùa là Ruong-Damrey, là trung tâm dạy thiền khá nổi tiếng tại tỉnh Prey-Veng biên địa xa xôi này.

Hôm kia, ông lại suy nghĩ:

“- Đức Phật dạy rằng, con đường tu tập của chư Tăng là hành theo Giới, Định và Tuệ; con đường tu tập của cư sĩ tại gia là Bố thí, Trì giới và Tham thiền! Mấy lúc này, ta chỉ mới hướng dẫn họ Trì giới và Tham thiền nhưng Bố thí thì chưa! Âu cũng là một thiếu sót lớn!”

Thế là trong một buổi giảng có chừng trăm người nghe, ông nói ra ý tưởng ấy. Hóa ra ai cũng hoan hỷ.

Mọi người xôn xao thảo luận:

– Bố thí cái gì là cao quý nhất?

– Bố thí đến ai là cao thượng nhất?

– Cái tâm của người bố thí như thế nào mới có phước báu thù thắng nhất?

Thế là ông phải giải thích. Ông giảng rất nhiều. Thế nào là bố thí bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Thế nào là pháp thí, thế nào là tài thí… Rồi cuối cùng ông kết luận mà như là những lời tâm sự:

– Tỉnh thành của chúng ta đây thuộc diện nghèo khó nhất. Đời sống của chư Tăng theo đó, cũng khó khăn. Hôm tôi đến gặp vị sư trưởng phụ trách giáo dục Tăng chúng tỉnh nhà để hỏi một số bài dịch phức tạp do văn phạm Pāḷi mắc mỏ. Trong câu chuyện, vị ấy ao ước có một ngôi trường để dạy Pāḷi cho Tăng chúng. Nếu các sa-di lớn lên mà không có trường Sơ cấp, Trung cấp Pāḷi thì làm sao về Nam Vang để theo đuổi các lớp Cao đẳng? Đấy, vậy tôi đề nghị mình hùn góp nhau lại để xây dựng ngôi trường này.

Một cư sĩ có vẻ giàu có, phát biểu:

– Tôi tán thành, tôi ủng hộ! Làm trường học chính là bố thí pháp, cho chư sa-di có chỗ, có cơ hội học Pāḷi là cao thượng đệ nhất rồi. Vậy, xin A-cha Giảng phác họa tổng quát qui mô và dự trù ngân khoản để chúng tôi liệu tính mà cùng đóng góp.

Cuộc vận động ấy thành công ngoài ước muốn. Không những xây được một trường mà xây được cả hai trường! Cả Sơ cấp và cả Trung cấp.

Tại tỉnh thành Prey-Veng này ông còn làm đại thí chủ Dâng Y Kaṭhina đến bảy ngôi chùa; mỗi chùa có từ ba mươi, năm mươi, chùa đông nhất là một trăm năm mươi vị mà ai cũng đầy đủ y và tứ vật dụng cả!

Một việc quan trọng, có ý nghĩa dự báo và tiên tri nữa, đi theo với đại nguyện của mình, là trong thời gian ở đây, ông đã soạn dịch gần xong quyển “Luật xuất gia” cố ý dành sẵn cho chư Tăng Việt Nam sau này, tuy còn quá sơ lược. Tiếp theo là cuốn “Nhựt hành của người cư sĩ” cũng chưa đầy đủ, để dành sẵn cho thiện nam tín nữ ở quê nhà!

Như vậy, mới chỉ là cư sĩ, một mình ông với cái tâm lớn, với cái trí lớn – như vị thiền sư nhận xét – đã làm biết bao nhiêu là việc lợi lạc cho Phật Pháp, cho chúng sanh! Thật là bất khả tư nghì vậy.

 


(1) Người ta hay đọc âm nôm na là Lò Veng.

(2) Bắt đầu từ đây – người ta kính trọng gọi ông là A-cha Giảng ( phát xuất từ từ Pāi Ācariya: A-xà-lê, giáo thọ sư)