Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78188 Lượt xem

LÀM THƠ, HỌC, HỌC VÀ HỌC…

 

Đêm ấy, tại thất liêu ở chùa Mahāmontrey, ông Giảng ăm ắp niềm vui vì tình bạn đạo vừa mới trao đổi; họ là những người cùng một tâm, một chí hướng  nên ông không hành thiền, không học được mà nội tâm lại máy động chuyện văn chương. Muốn ghi lại kỷ niệm đặc biệt những ngày thấy đạo mà ông cứ loay hoay mãi không biết viết cái chi. Chợt ký ức một thời học chữ Hán, đọc Đường thi và văn chương Việt lại hiện ra.

“- Hay là ta làm thơ? Ông nghĩ! Đức Phật cũng hay nói kệ khi ngài cảm hứng, gọi là cảm hứng ngữ. Kệ là thể thơ đó mà! Các ngài trưởng lão, Tăng và Ni dường như vị nào trong giây phút chứng ngộ đều có thốt lên kệ thơ cả. Ta không dám nói là chứng đạo  nhưng con đường ta đi thì rõ ràng đã thông suốt, sáng tỏ rồi! Vậy thì cứ viết ra cái đó thành thơ, nói lên điều đó, cảm nghĩ trung thực ngay chính trong lòng mình, lúc này đây!”.

Ông lại nghĩ tiếp:

“- Phải làm thơ luật Đường thất ngôn bát cú, nó ít chữ mà lại cô đọng. Cái đó thì dễ rồi, mình làm được ngay; nhưng mà phải công phu hơn một tí nữa kìa vì đây sẽ là bài thơ, chẳng dám dạy ai, để đời cho ai, nhưng mà nó để đời cho ta, một cái cột mốc quan trọng trên lộ trình tu tập của chính mình”.

Thế rồi, sau mấy đêm, hai bài thơ công phu được hình thành. Nó như sau:

 

“ Đường thế mịt mù, trăm năm đầy tội!

Cửa thiền thanh tịnh, muôn kiếp nên duyên!”

 

Đường đời lắm nỗi, cuộc bi ai

Thế sự khác gì chốn góc gai

Mịt mịt hơi sầu vòng các tía

mù gió thổi chốn cân đai

Trăm lo, ngàn liệu gây oan trái

Năm mỏi, tháng mòn vướng nghiệp tai

Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ

Tội trường oan báo khổ liền tay!

 

Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai

Thiền môn nào phải chốn chông gai

Thanh sơn đâu quản, khanh cùng tướng

Tịnh thất nào hay, mão với đai

Muôn thuở an vui, hành bát chánh

Kiếp trần thong thả, lánh tam tai (1)

Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm

Duyên kết Niết Bàn được rảnh tay!

Hai bài thơ này, mỗi bài là một bài thất ngôn bát cú có niêm vần đối luật nghiêm túc. Nhưng nối mười sáu chữ ở đầu câu thì thành một cặp đối cũng tương đối hoàn chỉnh; nên lấy cặp đối ấy làm đề tựa cho hai bài thơ, dẫu nó có hơi dài: “Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội. Cửa thiền thanh tịnh, muôn kiếp nên duyên!” Như vậy, tuy ông luôn luôn khiêm tốn nói rằng chẳng biết chi văn chương chữ nghĩa; nhưng chỉ nội hai bài thơ với dụng tâm, dụng kỹ thuật công phu như thế thì kẻ sành sõi làm thơ luật Đường cũng phải ngả mũ chào thua!

Bài thơ này, ban đầu, do thích thú quá nên ông hay ngâm ư ử trong cổ họng để tự mình nghe, tự mình thưởng thức thôi, nhưng sau do bạn bè tò mò xin nghe, vài người tò mò xin chép nên không mấy chốc lan truyền đi trong nhóm trí thức cộng đồng người Việt. Ai cũng thích!

Bạn bè bàn tán:

– Chà, anh Giảng mình cũng là nhà thơ nữa đó!

– Không biết trong bụng ông ta còn cái gì ở trỏng!

– Trong cái “hồ lô” của ổng chắc còn giấu nhiều thứ lắm đó nghen!

– Thơ hay quá đi chớ! Tống, Đường đó!

– Học thuộc, ngâm nga ư ử để tự răn mình nghen!

Hôm kia, ông đến Pháp bảo viện của hoàng cung trả lại cuốn Tứ diệu đế mượn đã lâu, đồng thời, nhờ ông quản thủ hướng dẫn chỉ cho một số sách chữ Miên và chữ Pāḷi dễ đọc nhất.

Người quản thủ nói:

– Chẳng có sách nào là dễ đọc cả!

– Vì tui vừa mới học được chút ít.

– Thế thì tôi chỉ cho ông một số sách để tự học, tự nghiên cứu thêm thì được.

Thế rồi, ông mang số sách ấy về hỏi Sư Cả, ngài gật đầu vui vẻ nói:

–  Được! Có chí như vậy mới nên!

Ông kể lại chuyện hành thiền trên núi, gặp vị thiền sư, sau khi “kiểm tra” pháp hành của ông như thế nào, có lời khuyên như thế nào, rồi tâm sự:

– Sự học bây giờ không còn phụ thuộc hoặc tích lũy cho cá nhân của con nữa, mà đã trở thành “ước nguyện” chung, sau này giúp ích cho phần đông. Và con cũng canh cánh bên lòng, mong sao cho đất nước con, người Việt thân yêu của con, có được giáo pháp chân chánh mà tu học thì quý biết bao nhiêu. Con cũng chưa nghiên cứu, chưa đi đây đi đó, chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng chắc ở ViệtNam chưa có giáo pháp như thế nầy!

– Chà! Là nguyện lớn đó! Là tâm Bồ Tát đó!

Dzà, con hổng dám đâu!

Thế rồi, bắt đầu từ hôm ấy, ngoài công việc ở sở, thì giờ hành thiền của ông phải cắt xén bớt cho việc học. Ông cũng định đi thăm vị thiền sư có cho địa chỉ sẵn, nhưng ông nghĩ chưa cần, vì ít ra, muốn đi vào giáo điển thì phải học cho kha khá chữ Miên và chữ Pāḷi đã. Mình mới học Pāḷi chưa được năm. Ăn một món ăn mà không biết cách cầm muỗng, cầm đũa thì làm sao ăn, dù người ta đã soạn sẵn!

Với sự chí thú miệt mài hơn một năm nữa thì ông thấy mình đã có chút vốn liến. Ông bắt đầu bỏ thì giờ đến thư viện nhiều hơn. Và rồi ông đã tìm được những quyển kinh và những quyển sách cần thiết bằng tiếng Miên nhưng có trích dẫn các câu chữ Pāḷi. Đó là các cuốn “Bổn phận của người cư sĩ tại gia”, “Đời sống và giới luật của người cư sĩ”, “Con đường nhân đạo và thiên đạo”, “Đức tin của người cư sĩ”, “Giới luật Sa-di”, “Giới luật tỳ-khưu”, “Giới, định, tuệ giản lược”, “Nhân quả nghiệp báo giản lược”, “Abhidhamma giản lược”, “Kinh tụng Tam Bảo tóm tắt”, “40 đề mục thiền định”. “Vipassanā, ngọn đèn trí tuệ”… Ông mừng quá khi thấy mình đã bắt đầu đọc được. Và chính nó sẽ bổ túc kiến thức giáo pháp đang còn quá non yếu ở nơi ông. Chỗ nào không hiểu thì chỉ cần hỏi vị Sư Cả là ông cũng có thể thu hái được một số điều lợi ích. Đôi khi ngồi nói chuyện với ông quản thủ thư viện mới biết rằng kiến thức về Phật học của ông này cũng rất uyên bác; và chỗ nào, chữ nghĩa còn mù mờ, ông cũng sẵn lòng giải thích cho.

Vị quản thủ còn nói:

– Có một số sách về sử học, về các ngả đường truyền giáo, sự hình thành và phát triển của các hệ phái Phật giáo do người Pháp, người Đức biên khảo rất công phu, có trí thức đạo đức, khách quan và trung thực… ông cũng nên tìm đọc, sẽ lợi ích cho việc so sánh, tỷ giảo chỗ đồng, chỗ dị của những tư tưởng chính thống và những tư tưởng phát triển…

Nhờ các duyên lành này mà ông tiến bộ rất nhanh, cả nội điển và ngoại điển, tuy ông biết là biển học quả là bao la, mênh mông! Tuy nhiên, ông đã mỉm cười, nghĩ thầm:

“- Chà! Kỳ trước, vị thiền sư hỏi mình những điều quá dễ, mình cũng không trả lời được; hèn gì ngài đã dí dỏm bảo là chữ nghĩa ngoài da mà cũng không biết! Kiến thức của mình về giáo điển, về những thuật ngữ, so với độ đó, dẫu chưa bao nhiêu nhưng cũng đã cách một trời, một vực! Còn ngoại điển, những kiến thức bề rộng mình đang tích lũy dần dần ấy, thật là lợi ích cho việc truyền bá giáo pháp nguyên thủy khi đối thoại với nhiều hệ phái, nhiều căn cơ, nhiều trình độ khác nhau, sau này”.

 


(1) Tam tai: Ba tai họa. Có đại tam tai và tiểu tam tai. Đại tam tai là ba tai họa lớn – ấy là hỏa tai, thủy tai, phong tai – chúng tuần tự khởi lên để hủy hoại thế giới. Tiểu tam tai là ba tai họa nhỏ – ấy là binh đao, dịch bệnh, đói kém.