Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79064 Lượt xem

TRƯỜNG PĀI NÀO KHÁC VƯỜN ĐÀO (1)

 

Trở lại Nam Vang, ông như thoát xác thành con người mới, lúc nào cũng rạng rỡ, vui tươi như trong tâm luôn có một nụ cười. Lúc tại công sở, lúc đi đường hay lúc về nhà, ai cũng có cảm giác khác lạ là có “một làn thanh khí hoặc một năng lượng trong lành” từ nơi con người ông tỏa ra. Ông bước tới đâu thì như đem đến sự an lành và mát mẻ tới đấy.

Nơi cốc liêu thanh vắng hằng đêm tại ngôi chùa cũ, ông thường để dành thì giờ để học chút ít chữ Miên và chữ Pāḷi nơi vị Sư Cả. Kinh điển, chữ nghĩa của vị Sư Cả chỉ đủ cho ông nắm bắt cái sơ cơ bước đầu, nhưng ông vẫn học, không dám khinh thường.

Hôm kia, Sư Cả chợt nói:

– Sao bác sĩ không ghi danh vào học trường Trung, Cao đẳng Pāḷi?

Ông nhíu mày:

– Con lớn tuổi rồi, còn học trường lớp sao được?

– Được chớ! Ở đó có cả lớp học không thường xuyên, lại còn có lớp học hàm thụ! Rất nhiều trí thức người Việt cũng theo học ở đó!

– Thế ha! Thế mà con không biết!

Vậy là khi đến trường Cao đẳng Pāḷi, ông được gặp sư Hiệu trưởng mà ông đã từng được tiếp xúc một lần. Và ngạc nhiên làm sao, phần đông trí thức người Việt hôm gặp ở chùa Sùng Phước cũng đang học Pāḷi ở đây. Như cá gặp nước, bắt đầu từ nay, ông ghi danh theo học với niềm hạnh phúc vô bờ.

Cũng chính tại ngôi trường này mà nhiều cuộc thảo luận về giáo pháp với bạn bè, ông đã làm cho một số trí thức như Phạm Văn Tông, Văn Công Hương, Đoàn Văn Hộ, Ba Lý, Sáu Hoa, Ba Diên, Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên… có được cái tri kiến đúng đắn về Phật giáo Theravāda.

Ông Ngô Bảo Hộ nói:

– Anh Giảng có nghiên cứu sâu rộng, và quan trọng nhất là anh ấy có thực hành, có tu tập thật sự, điều ấy mới thuyết phục. Các bạn đừng tranh cãi nữa. Tôi theo anh Giảng.

Ông Phạm Văn Tông thủng thỉnh nói:

– Tôi học tiếng Pháp, biết về nước Pháp và văn chương Pháp; học tiếng Anh, mầy mò lịch sử, địa lý, phong tục tập quán và và văn chương Anh. Cái nào cũng không tới nơi tới chốn. Đời người bấp bênh, chiến tranh loạn lạc. Nước mạnh hiếp nước yếu. Nước mạnh có vũ khí, đạn dược và tham vọng. Nước yếu đói nghèo vì bị bóc lột nên cầm gươm giáo đấu tranh. Đâu cũng bất công, bạo tàn và chết chóc. Nếu không biết tu Phật, tâm luôn luôn bất an thì làm sao sống, làm sao tồn tại? Anh Giảng đã cặn kẽ giảng giải đường lối tu tập rất logic, rõ ràng. Về phương diện nầy, tôi đồng ý với anh Hộ.

Ba Lý nói:

– Anh Giảng học phổ thông chưa tới nơi tới chốn đã phải đi làm việc để nuôi gia đình. Ở đây chúng ta nhiều người có cái “bac un”,“bac deux” (2) ; ngó bộ thì oai lắm, trí thức lắm, nhưng nếu tu Phật thì mù tịt. Tôi đồng ý suy tôn anh Giảng làm “đại ca”!

Văn Công Hương quắc mắt, nạt bạn:

– Nói “ ba xí ba tú” (3), tầm bậy tầm bạ! Tu hành mà nói đại ca như phường đao búa. Nói là huynh trưởng! Tôi xin theo huynh trưởng!

Mọi người cười vui.

Rồi cả bốn ông Phán chứng kiến năng lực định thiền của ông tại chùa Mahāmontrey, đã kể lại cho bạn bè nghe, họ lại càng khẩu phục, tâm phục. Và cũng từ đây, học theo giáo pháp Theravāda, do ông Giảng nhẫn nại hướng dẫn từ từ, con thuyền của họ đã có bánh lái, không còn lông bông, lang bang nữa.

Hôm kia, Ba Lý tâm sự với ông Giảng:

– Không biết tôi có về ViệtNamđược không, nhưng Văn Công Hương thì đang chuẩn bị. Tôi có người bạn tên là Hiểu, trước ở đây, năm 1925 đã trở về ViệtNamtrước rồi. Ước gì ở Sài Gòn, sau này, chúng ta cũng thành lập được một nhóm học Phật Theravāda như thế này!

– Được chớ! Ông Giảng nói – Nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực!

Văn Công Hương góp ý:

– Trước mắt, chúng ta nên để ý đến cộng đồng người Việt ở đây, họ đang còn mê tín dị đoan nhiều quá. Chúng ta phải giúp họ. Rồi thời gian sau, khi nào chúng ta vững vàng rồi mới tính chuyện nơi khác.

Ông Giảng nói:

– Ý của các bạn đều đúng cả. Tui xin ghi khắc điều ấy vào lòng. Nhưng theo tui, có hai điều quan trọng nhất: Một là phải thực tu, thực học, thứ hai là phải có người trong chúng ta phát tâm xuất gia mới mong nói đến việc lập nhóm Phật học Theravāda để truyền bá ở Sài Gòn được.

Mọi người gật đầu khen phải.

Ông Phạm Văn Tông(4) đăm chiêu một chút rồi phát biểu:

– Có lẽ vậy! Xuất gia ta không còn lo việc gia đình, không còn bận bịu sinh kế, nghề nghiệp; nuôi mạng thì đã có tam y nhất bát. Nhờ vậy, thân tâm rảnh rang, để hết tâm trí cho sự tu tập. Nếu được, tôi sẽ xuất gia, nhưng chưa dám nói là sẽ giúp được cho ai!

Ông Hồ Văn Viên(5) phụ họa:

– Tôi cũng nuôi dưỡng tâm nguyện ấy từ lâu nhưng chưa dám nói! Tôi chỉ sợ “nói trước bước không rời”!

Ông Ngô Bảo Hộ(6) cười ruồi:

– Các bạn nói rồi cả đó! Tôi chưa nói…

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là cứ để cho “thỏ chạy trước, rùa bò sau”!

– Là sao ha? Cái ông này luôn luôn có cái cách nói bí hiểm bắt người ta phải suy nghĩ. Thỏ chạy trước thì “ ăn đứt đuôi rắn” rồi!

Phạm Văn Tông lại thủng thỉnh:

– Chưa chắc! Ý anh Hộ nói là chưa biết ai xuất gia trước, ai xuất gia sau đó nghen! Xuất gia trước, đi trước, chưa chắc đã trước, xuất gia sau, đi sau, chưa chắc đã sau!

– Ăn nói rắc rối!

Ông Giảng rất hoan hỷ:

– Tuyệt vời thay là các ông bạn vàng của tui! Người xưa có nói đến tri âm, tri kỷ, không biết chúng ta như thế này đã thành tri âm tri kỷ chưa?

– Tôi là người Tàu, nhưng chúng ta thanh cao và siêu thoát hơn bọn Tàu nhiều! Văn Công Hương tủm tỉm nói – Chúng nó còn cần cái ngón đàn hay và cái lỗ tai nghe như Bá Nha và Tử Kỳ đó; còn cần rượu, mắt trắng, mắt xanh như Lưu Linh và Nguyễn Tịch đó. Còn chúng ta không cần gì cả, chỉ có một cái tâm với “đạo lớn” thôi!

Ba Lý nói:

– Cái “đạo lớn”! Chà! Sướng cái lỗ tai quá hen!

– Chí lý lắm! Ngô Bảo Hộ nói – Tôi cũng là người Tàu, và tôi cũng có nhận xét như ông bạn Hương. Đàn và rượu đều là của bọn phàm phu tục tử, kiêu căng, ngông nghênh và coi trời bằng vung cả! Biết vậy nên cái ngón độc huyền cầm tâm đắc một đời, cái thân võ công“giang hồ oanh liệt” một thời, tôi cũng đã từ bỏ không thương tiếc, không nhớ nhung, không quyến luyến một tí tẹo nào!

Mọi người vỗ tay tán dương, thật tình khâm phục ông bạn Hộ của mình.

Mải vui câu chuyện, lát sau, ông Giảng thăm hỏi các bạn về việc thành lập hội đã đi đến đâu rồi. Ai cũng lắc đầu bảo là chưa đến đâu cả.

Ba Lý nói:

– Xem chừng không có anh Giảng là không xong rồi! Bạn phải thật sự có mặt trong hội mới may ra chuyển hóa được mấy cái ông cư sĩ trí thức ngã mạn và cứng đầu ấy!

Tui không dám đâu!

– Vậy, bạn đồng ý vào hội với chúng tôi chớ?

Ông Giảng cười:

– Cùng học Pāḷi như thế này, cùng một tri kiến về Phật giáo Theravāda như thế này thì đã không cùng một hội rồi sao?

Ai cũng vui.

Chợt ông Giảng hỏi:

– Hồi nãy, bạn Ba Lý có nhắc đến ông Hiểu, có phải là Nguyễn Văn Hiểu, kỹ sư công chánh, người quê ở Cần Thơ không?

Văn Công Hương nói thêm:

– Cái ông trung niên trăng trắng, nho nhã, ăn nói điềm đạm, lịch thiệp, mang kính trắng có vẻ trí thức, xử sự có vẻ như phong độ của một quân tử Nho phải không?

– Đúng vậy! Ba Lý gật đầu – Hoàn toàn chính xác là Hiểu ấy!

Văn Công Hương “ồ” một tiếng:

– Hóa ra là bạn bè cả!

Ba Lý nói:

– Ai cũng có tâm tu hành và đều muốn truyền bá Phật giáo Theravāda cả. Như ông Hiểu ấy, đận trước, về Sài Gòn, thấy ông ta có một cái tịnh thất ở vườn xoài, đận sau lại cất thêm mấy cái tịnh thất ở gần Tân Sơn Nhất để cùng bạn hữu tu thiền với nhau. Tu thôi! Tu thôi! Là câu nói cửa miệng của bạn ấy!

Cuộc họp mặt lịch sử này, khi từ giã, mọi người cũng cười vui và hay lặp lại câu nói của ông Hiểu:

“- Tu thôi! Tu thôi!”

 


(1) Mượn tích Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi “ kết  nghĩa vườn đào” trong Tam quốc diễn nghĩa.

(2) Tú tài I, tú tài II – Bac là nói tắt của từ “baccalauréat”: Học vị tú tài.

(3) Nói “không đâu vào đâu cả”, tương tợ nói “tầm bậy tầm bạ” – có lẽ phát xuất từ tiếng Tây (viết tắt) – chưa có thì giờ tìm từ nguyên.

(4) Sau này là Sư Bửu Chơn.

(5) Sau này là Sư Huệ Nghiêm.

(6) Sau này là Sư Thiện Luật.