Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78971 Lượt xem

LÊN RỪNG TU, ĐÚNG CHÁNH PHÁP RỒI!

 

Thời gian sau, do như cầu công việc, ông thường đi công cán các quận huyện. Hôm kia, tại một thị trấn miền núi, nhìn núi rừng xanh mát, tĩnh lặng, êm đềm, lòng ông mềm lại, ước ao có được tháng ngày thảnh thơi, rỗi việc để vào các khu rừng như thế này mà hành thiền thì hạnh phúc biết mấy! Không cưỡng được ước muốn của mình, ông viết đơn xin nghỉ phép nửa tháng, giao công việc cho hai người phụ tá sành sỏi, bảo lái xe chở ông về sở ngay. Ngồi trên xe, ông thầm van vái chư thiên, đại ý rằng: “Tui chỉ muốn tu thiền thôi chớ không có ý gì khác. Vậy xin chư thiên, các ngài hãy thương tui, hộ trì cho tui để cho ông Chánh sở Thú y chấp thuận đơn nghỉ phép mười lăm ngày của tui. Có được chút ít công phu, phước báu gì đó, tui kính cẩn hồi hướng đến cho các ngài hết!”.

Vậy mà linh nghiệm thật. Vào đến sở, gặp ngài Chánh sở, đưa lá đơn ra, chưa kịp chào hỏi gì cả; ông ta liếc đọc sơ rồi ký thuận một cái rụp!

Mừng không kể xiết, về nhà, không báo với ai, ông “cụ bị” một ít áo quần, vài thứ vật dụng lặt vặt, nhờ lái xe chở trở lại khu rừng. Tại đây, tình cờ gặp một vị đại đức, dường như đang chờ xe quá giang. Ông dừng lại thăm hỏi và nói ước nguyện của mình muốn lên một khu rừng yên tĩnh để hành thiền.

– Vậy là hay quá rồi! Chùa tôi ở trên một huyện miền núi, khá xa ở đây, đi sâu vào trong là một khu rừng nguyên sinh hùng vĩ, mát mẻ, trong lành. Tôi sẵn sàng làm người hướng dẫn cho cư sĩ!

Ông cảm nghe mát mẻ trong ruột, tự nghĩ: “Quả thật duyên lành thì gặp duyên lành! Càng sống, càng chiêm nghiệm thì ta càng thâm tín ân đức Tam Bảo! Lá đơn nghỉ phép, ký ngay, không hỏi lý do! Xe dừng ở đây thì gặp vị đại đức sẵn sàng hướng dẫn lên núi! Thật là kỳ lạ! Ai dám bảo thời này không có điều huyền diệu?”.

Khi ngồi trên xe, xe chạy suốt đêm; và cũng suốt đêm ông trú niệm hơi thở. Trời sáng bạch thì tới nơi. Cả hai cùng xuống xe. Vị đại đức nói:

– Vị quan Phủ trị nhậm ở đây là người Miên. Ông ta rất mộ Phật. Tôi cũng có quen thân. Tới địa phương của người ta, dẫu là lên trên núi tu, cũng nên trình báo với ông một tiếng.

– Đúng dzậy! Ông gật đầu – Dzậy mới phải lẽ. Không nói chuyện lịch sự, mà đức Phật cũng có dạy là phải biết tuân thủ, chấp hành pháp luật ở địa phương nơi mình cư trú. Lại nữa, bây giờ ở đâu cũng cảm giác bất an ninh(1).

Tới phủ đường, khách được dẫn vào gặp quan lớn. Cả hai được tiếp đón niềm nở. Không những được chấp thuận dễ dàng, mà quan phủ còn bảo, nếu cần ông sẽ cho lính hộ vệ lên tận núi để bảo đảm sự an toàn.

Ông có vẻ không hiểu cái câu “bảo vệ an toàn”! Vị đại đức phải giải thích:

– Vùng này nổi tiếng nhiều voi dữ, nhiều cọp beo – nên ngài quan phủ muốn bảo vệ chúng ta đó.

– Còn các lực lượng vũ trang vệ quốc của nhân dân, không có sao?

Vị đại đức  mỉm cười:

– Các quan phủ người Tây đến tri nhậm ở đây, lần lượt đều bị nhân dân giết chết, hoảng quá, họ bèn kiếm một vị quan người Miên. Vị này là Phật tử, được dân thương và ông cũng rất thương dân. Lúc nộp thuế cho chính phủ bảo hộ, ông đã khôn khéo len lách thế nào đó để cho dân khỏi đói!

– Thật quả đáng kính trọng!

Cả hai đồng cảm ơn vị quan phủ khả kính, bảo là sợ phiền đến lính tráng. Họ tự đi được, có lẽ không đến nỗi nào.

Lát sau, vị đại đức dẫn ông đến nhà một cư sĩ quen thân, kiếm chút thức ăn lót dạ, thay đổi y phục nâu sồng có sẵn trong đãy mang theo. Một số đồ dùng lỉnh kỉnh không cần thiết như dù nón, mũ, giày gì cũng gởi lại nhà người cư sĩ; ông chỉ có một bộ mặc trên người, một bộ mang theo, không mũ nón rồi đi bằng chân không, lên đường. Vị đại đức ngạc nhiên:

– Sao lại phải đi chân không? Không ngại sạn sỏi, gai nè sao?

– Không phải là không sợ! Ông nói – Tui chỉ muốn tập như các vị tỳ-khưu thời đức Phật thử xem ra sao đó thôi!

– Chà, hay lắm! Vị đại đức khen – Thân chưa xuất gia mà tâm đã xuất gia rồi!

Dzà, không dám!

Lần đầu tiên trong đời, ông cảm giác sao mà nhẹ nhàng, thơ thới đến vậy. Quả thật là đầu đội trời, chân đạp đất! Quả thật là không còn một dính mắc gì trên trần thế này nữa! Ôi! Nghe từng viên sỏi lạo xạo dưới chân cũng an lạc! Ôi! Nghe một tiếng chim kêu ở đâu đó cũng an lạc! Ôi! An lạc cả từng làn gió nhẹ thổi qua! An lạc cả từng bụi cỏ bên đường! An lạc cả từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, nơi lưng, nơi cổ! Rồi ông tự nghĩ: “Không biết bao giờ mình mới được rảnh rang vô sự, được tự do mà đi tìm chỗ hành đạo như thế nầy! Rồi có lúc sẽ được thôi! Thứ nhất là phải khởi quyết tâm liên tục, không gián đoạn. Thứ hai là phải tích cực sống hạnh viễn ly. Thứ ba là phải thu xếp ổn thỏa việc gia đình!”. Đến ngang đây, ông tự xét, vì sung sướng quá nên tư tưởng ta đã nghĩ ngợi và đã chạy nhảy lung tung rồi. Và ông lại trú niệm, xế trưa thì đến tận chùa, khoảng xa chừng ba bốn cây số đường núi.

Vị đại đức hóa ra là người trụ trì ở đây. Chư Tăng ra chào hỏi. Ông được đãi đằng cơm nước đâu đó rồi lại cho ở nơi một cái cốc vắng, yên tĩnh, sạch sẽ sát vách đá.

Vị đại đức nói:

– Ông cư sĩ trí thức hãy an tâm nghỉ ngơi, tịnh dưỡng như nhà của mình, đường xa chắc đã thấm mệt! Sáng mai, chúng ta sẽ đi lên núi, vào rừng!

– Thưa, còn khoảng bao xa?

– Chừng ba bốn cây số như vậy nữa. Nơi ấy rất lý tưởng. Các vị trưởng lão, các bậc ẩn tu trước đây cũng thường chọn địa điểm đó. Hiện tại, vẫn còn dấu tích của các ngài nơi các hang đá.

– Chắc có nhiều vị đạt đạo, thưa đại đức?

– Cũng khó biết! Vị đại đức có vẻ thận trọng – Mà cũng có thể như vậy! Nhưng các ngài thường lặng lẽ như đá, như cây; nếu có đến đi thì cũng nhẹ nhàng, khoảng khoát như như gió, như mây trời; họ có vướng bận chi đâu, và họ có nói với ai về sự chứng đắc của mình bao giờ? Tiết lộ “pháp thượng nhân” là phạm vào trọng giới “bất cộng trụ”, bị trục xuất khỏi Tăng đoàn đó!

Ông thắc mắc:

“Pháp thượng nhân” là gì? “Bất cộng trụ” là gì mà ghê gớm dzậy?

Pháp thượng nhân là các tầng thiền định, các thắng trí, các thần thông, phép lạ, các tầng thánh quả. Một vị tỳ-khưu trong giáo pháp Phật, nếu tiết lộ cho pháp hữu của mình nghe, bạn đạo của mình nghe, hoặc cho thiện nam tín nữ của mình hay biết rằng, là mình đã đắc cái gì đó, đã chứng cái gì đó mà mình chưa chứng; cho dẫu chỉ nói xa, nói gần cũng bị đuổi khỏi Tăng đoàn, không cho sống chung với Tăng nữa nên gọi là “bất cộng trụ”! Và còn nhiều nữa, nhiều cái khác nữa…

– Hay thay! Thiệt là bây giờ con mới biết! Mà nghiêm túc như dzậy mới tốt, không thể lơ là giới luật được! Có nhiều điều, quả thật con chưa biết, thưa đại đức!

Vị đại đức cười cười, thả giọng bí hiểm:

– Còn nhiều, còn nhiều cái mà ngài trí thức đây chưa hiểu, chưa biết nữa đó!

Vị đại đức xuống chùa rồi, ông tự gẫm: “Đây có thể là một trong nhiều lý do mà bao năm qua đi tìm chánh pháp mà ta cứ phanh ngoài nhánh, ngoài ngọn; cứ mãi gặp người ngoài biên, ngoài rìa! Các vị chân tu thật sự, họ ở đâu cũng chẳng ai biết ai hay! Dẫu ở nơi đô hội kinh kỳ, ở nơi non cao động vắng hoặc ở nơi phố chợ ồn ào… ta dễ gì mà biết đến họ? Vì họ thường im lặng như cái tịnh bình; họ không rao hàng, quảng cáo; họ không khoa trương, cổ vũ; họ không đao to búa lớn, nghĩa là không giương danh mình lên thì ta làm sao biết chỗ mà kiếm, mà tìm? Hóa ra, có một đạo Phật chân chính, có những bậc tu hành chân chính, đã lặn sâu, đã chìm sâu như khối lượng đáy của các tảng băng nổi! Ôi! Cái đất Phật, đất Miên này, dưới lòng nó, còn có cả một đại dương, chỉ trách ta duyên lành chưa đầy đủ mà thôi!”.

Đêm, do khá mỏi mệt, ông ngủ một giấc cho đẫy. Chừng hai giờ sáng, ông mới ngồi dậy hành thiền.

Trời vừa chớm bình minh, ông được chùa cho ăn sáng. Lát sau, vị đại đức dẫn đến cả một đoàn người. Đếm thử, có bốn vị sư, mười bốn cư sĩ, thêm vị đại đức và ông nữa là vừa chẵn hai mươi! Trên người họ mang xách đầy đủ vật thực, mùng, chiếu; và riêng ông, đặc biệt có một tấm “đăng” mỗi bề chừng hai thước. Ông cảm động quá:

– Như dzậy thì con làm sao trả ân cho nổi?

Vị đại đức cười xòa, cất giọng bã lã:

– Ân với nghĩa gì! Thầy trò cùng nhau lên núi hành thiền, cùng nhau tu tập mà! Ở đây, lâu lâu, chúng tôi cũng thường làm vậy, quen rồi! Đây, đúng như lời đức Phật dạy: “Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu!” Có phải vậy không, thưa ngài cư sĩ trí thức?

Ông cười, trong tâm cảm thấy rất kính trọng vị đại đức vô danh này:

– Con thiệt không còn dám nói thêm một lời nào! Đừng nhạo báng con là bậc trí thức nữa! Đại đức là cả một ngọn núi đó!

Sau đấy, cả đoàn người đồng lên đường. Càng đi thì càng cheo leo hiểm trở hơn nhưng mà lại thâm u và tĩnh lặng hơn. Ông chợt nghĩ, người xưa nói, người có đức trí thì thích biển, người có đức nhân thì thích rừng. Ông chợt cười, câu đó chắc không đúng đâu, đức Phật của mình ở rừng không, mà vô lượng cái trí đức của Khổng Nho kia ngài cũng thành tựu, và còn hơn thế nữa! Còn tuệ vô ngã và giác ngộ giải thoát thì thế gian này, thì chỉ có một ngài! Mà thôi, không nghĩ bậy nữa.

Rừng nguyên sinh bắt đầu hiện ra sau chừng vài giờ đi bộ. Con đường mòn bắt đầu bỏ triền đất để men theo con suối đá. Nước trong vắt. Lát sau, một con thác bạc hiện ra sau lùm cây, tuôn chảy ầm ào.

Vị đại đức dừng chân, nói:

– Ai muốn tắm, cứ tắm. Tắm theo thời nguyên thủy cũng được. Chỗ này chỉ lác đác vài người đi tìm măng giang, nấm mèo, mật ong… mà thôi.

Ông nở nụ cười rạng rỡ, trông hồn nhiên vui sướng như trẻ thơ:

– Giải thoát cả người, sướng quá thưa đại đức!

– Rừng không bon chen, không tranh giành, không hơn thua với ai điều gì cả.

– Dạ! Đúng dzậy! Lên đây, chẳng cần tu tập chi, cứ việc thở không khí trong lành và học vài đức tính của rừng cũng đã khỏi uổng phí một kiếp làm người!

Họ lại lên đường, men theo khoảng cách rộng rãi giữa các gốc cây đại thụ. Xế trưa thì tới nơi. Xung quanh có khá nhiều hang đá, có suối và có khá nhiều kỳ hoa dị thảo. Nắng ở trên cao dọi xuống các tán lá không đủ xua tan khí rừng mát lạnh.

Độ ngọ tạm thời bởi một số vật thực mang theo, rồi sau đó, mỗi người tự tìm nơi vừa ý cho mình để tọa thiền.

Ông kiếm được một chiếc hang, có lùm cây thấp, có một tấm đá bằng có thể ngồi được. Ông vặt cây bên cạnh túm lại làm chổi, quét dọn xung quanh, có cảm giác như mình là một vị tỳ-khưu ở rừng như thuở đức Phật còn tại thế.

Trước khi vào thiền, ông niệm tưởng ân đức Tam Bảo, cầu xin chư thiên, thọ thần, sơn thần hoan hỷ hộ trì cho ông tu hành được tốt, không có trở ngại chi. Rồi ông khởi quyết tâm, trong thời gian vắng lặng ở ngôi rừng này, phải thấy cho bằng được giáo pháp nhiệm mầu! Ông an trú vào hơi thở và quán sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Một lát lại bị trở ngại, do ruồi, muỗi và có cả con vắt. Ông kiên gan chịu đựng, lát rồi cũng yên.

Xả thiền thì trời đã chạng vạng. Ông ra suối vốc nước uống, tìm nơi góc vắng đi vệ sinh rồi trở lại chỗ cũ. Thấy mọi người đang cùng nhau treo mùng, cái nọ nối cái kia, thành một dãy dài dưới hàng cây cổ thụ. Ngạc nhiên ông hỏi một vị sư đứng cạnh:

– Mỗi người một nơi xa không tốt hơn sao?

– Ai cũng sợ voi và cọp. Nhất là cọp, ở đây nổi tiếng là cọp rất nhiều!

Vị đại đức từ xa bước lại, giải thích:

– Kinh nghiệm cho thấy, mùng treo liền lạc như thế, đông người cùng tọa thiền yên tĩnh, cọp nó sẽ không đụng đến.

Dzậy mùng đại đức treo ở đâu?

– Tôi chưa treo.

Dzậy đại đức và con có dám treo mùng ở nơi xa nhau chăng?

Vị đại đức cười vui:

– Cũng dám lắm! Thôi thì cứ thử một lần cho biết.

Thế rồi, ông và đại đức trụ trì đi tìm chỗ treo, mỗi người cách xa nhau và tách biệt đám đông.

Hóa ra, đêm đó do sợ cọp mà ông ngồi không yên. Một lát lại mở mắt nhìn ra bên ngoài, trăng sáng mờ mờ mà cứ tưởng ông cọp ngồi ở đâu đó. Không ngồi được thì ông nằm xuống nghỉ, muốn ngủ một giấc cũng không ngủ được. Cái sợ đã xâm nhập tâm trí, đã trở thành một ám ảnh. Khuya, mắc tiểu, ông cũng không dám ra ngoài. Lúc đã không còn nhịn nổi, ông bạo gan vén mùng và chỉ đi tiểu cách đó vài bước. Ngồi thiền trở lại, ông quyết trú vào hơi thở để đánh tan cái sợ nhưng thất bại. Đêm, vì thế, đã trôi qua rất chậm chạp.

Sáng ngày, vị đại đức nói:

– Đêm qua, sợ cọp quá nên tôi hành không được.

– Con cũng dzậy! Không hành thiền được, không ngủ được nên mệt phờ cả người.

– Ông cư sĩ kiếm chỗ nào đó để nghỉ một chút đi. Tôi cũng phải làm vậy.

Buổi sáng trôi qua, nhờ có nhắm mắt được một lát nên ông thấy người khỏe lại. Buổi trưa, nhóm cư sĩ dâng vật thực cho ngài đại đức và bốn vị sư. Ông cũng có một phần, nhưng ông chỉ dùng một lửng cơm và nước tương (hồi này ông còn ăn chay). Buổi chiều, ở trong mùng, lót tấm đăng, đậy đằng xung quanh để tránh ruồi, muỗi và vắt nên ông ngồi thiền khá tốt. Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, có cái gì khởi lên là ông biết liền. Vậy là thời gian trôi qua đi rất nhanh.

Mặt trời sắp lặn, khí núi mù mù, lành lạnh. Không gian yên lặng, thanh bình, chỉ có tiếng chim reo và gió thổi xạc xào lay động cành cây, khóm lá. Mỉm cười an lạc, ông xả thiền, tìm nước uống, rửa mặt mũi, tay chân rồi đi kinh hành thư giãn cơ bắp.

Ông tự hỏi, tự đáp:

“- Đêm nay mày có sợ cọp không ha?

 – Chắc có sợ hen!

 – Sợ nhiều hay sợ ít?

 – Khi đó, gặp, biết liền!

 – Vậy, còn việc cương quyết hành trì cho ‘thấy pháp’ thì mày phải làm sao ha?

 – Sẽ cố gắng, cố gắng hết mình!

 – Ừ, được, một chút giải đãi cũng không nên nghe mậy! Đời người ngắn lắm, mà sự rảnh rang như thế này cũng không có nhiều đâu nghen!

 – Ừ, biết rồi mà! Nói mãi!”

Rồi đêm đó cái sợ lại đến, tuy nó ít hơn. Ông quyết chống lại nó, bằng cách trực tiếp quán tưởng sự chết. Chết thì thôi! Chết khi đang hành đạo cũng lên được cõi trời kia mà! Thế là ông không sợ nữa nên hành thiền được cho đến sáng. Đêm nay, ông thành tựu thêm một bước nữa, là thấy được cái vô thường của từng tâm niệm, thoáng lát là nó mất ngay. Rồi cái vừa sinh, ông cũng thấy, nhưng còn chậm.

Nội tâm mát mẻ, hỷ lạc, phơi phới nơi khuôn mặt làm cho vị đại đức cũng nhìn thấy:

– Ông cư sĩ hành thiền tốt quá, cả cái hỷ lạc mà nó cũng tỏa ra bên ngoài.

– Cảm ơn đại đức! Quả thật đêm rồi con thấy mình khá tốt!

Ngày hôm sau, đêm hôm sau nữa, khi tọa thiền, ông không còn sợ hãi; nhờ vậy ông cảm giác tiến bộ được một bậc nữa. Tuy không biết đã tới đâu, nhưng rõ ràng ông đạt được sự tĩnh lặng thâm sâu, đồng thời tâm trí ông trong vắt, như một khối pha lê. Cảm giác không còn thấy, tri giác không còn thấy nhưng ông biết cái hạnh phúc kỳ lạ khi thân tâm trở thành một khối thuần nhất, không chia biệt. Gần sáng, trở lại cận hành, soi chiếu, minh sát nội tâm, ông biết rõ các thiền chi là vậy, ngũ uẩn vô ngã là vậy, kiến, tư duy, Niệm, định, hỷ xả là vậy… Tất cả, ông đều tự biết, tự thấy theo với từng hơi thở khắng khít, miên mật… Xả thiền, ông hồi hướng phước báu cho chư thiên, thọ thần, sơn thần…

Ngày thứ tư, có vị Lý trưởng đi lên với bốn người lính có súng ống. Ông Lý trưởng nói lý do:

– Tôi ra phủ đường, ngài quan Phủ có nói là ông cư sĩ người Việt và đại đức trụ trì lên núi tọa thiền có xin phép đàng hoàng; vậy cố mà bảo vệ cho người ta. Tôi đi kiểm tra xóm dưới chùa mới biết, còn có bốn vị sư và mười bốn cư sĩ cùng lên tu thiền ở rừng này mà không hề xin phép.

Vị đại đức nói:

– Hóa ra, lên núi hành đạo mà cũng bị cấm nữa sao, thưa ông Lý trưởng?

– Dạ, con không dám! Con chỉ sợ trách nhiệm mà thôi! Xin đại đức thông cảm cho con!

Mấy cư sĩ người Miên thay nhau nói từng câu:

– Chúng tôi không về đâu, ông Lý trưởng!

– Lâu lâu tranh thủ tập thiền ít ngày thôi mà, thưa ông quan!

– Chúng tôi tu hành thuần túy, chẳng có hoạt động “chính chị, chính em, quân sự, quân siết” gì ở đây cả. Hãy nhìn đi, ông quan lớn!

Ông Lý trưởng ôn tồn:

– Chúng tôi không dám đâu. Lệnh ngài quan phủ chỉ cho có lệ; chúng tôi lên đây cũng cho có lệ. Bảo vệ an toàn cho nhân dân là chính!

Hóa ra họ cũng hiền, nói về không được thì thôi; ông Lý trưởng lại còn nói trước khi từ giã:

– Quý sư và bà con để ý cọp beo, rắn rít! Tôi sợ ở đông, cọp đánh hơi nó tìm đến phiền phức mà thôi! Phiền, khổ cho tôi nữa đó!

Mọi người cười xòa. Bây giờ vị đại đức mới cười:

– Nói cho biết vậy thôi! Chúng tôi sẽ tuân hành pháp luật! Lại nữa, bốn vị sư chùa của tôi và mười bốn vị cư sĩ này cũng đã hết lương thực, nên họ sẽ cùng về với ông Lý trưởng ngay bây giờ đây!

Khi họ về hết, chừng trưa thì có ba cư sĩ người Miên, tay mang khí giới từ dưới xóm chùa lên. Họ mang thực phẩm dâng ngài đại đức và rồi ông cũng có một phần.

Buổi chiều, lúc tắm dưới suối lên, thấy ba cư sĩ người Miên đi kinh hành lui tới. Ông hỏi:

– Hóa ra các vị chưa về sao?

Một người đáp:

– Chúng tôi định mời ngài đại đức và ông cư sĩ cùng về luôn thể!

– Tại sao?

– Chúng tôi sợ thú dữ. Nếu ở lại thì không có cái ăn, và sợ. Nếu về thì hôm sau chúng tôi cũng không dám lên, vì sợ. Nếu chúng tôi về mà không lên thì vô lẽ bỏ đói ông cư sĩ và đại đức của chúng tôi hay sao? Đằng nào cũng không ổn cả, nên thật khó xử!

Thấy họ khổ tâm vì mình, ông nói:

– Thì quý ông hãy mời ngài đại đức về đi, tui ở một mình được.

Vị đại đức trong mùng bước ra:

– Ông cư sĩ không về thì tôi cũng không về đâu.

Thấy họ có mang theo một bọc cốm dẹp nên ông nói:

– Đại đức hãy về đi, còn số cốm dẹp kia, con có thể dùng một tuần được mà! Một tuần nữa, con sẽ về!

Vị đại đức vẫn khăng khăng:

– Tôi cũng không thể để ông cư sĩ một mình!

Vậy là chịu, vị đại đức và ông không về thì ba cư sĩ người Miên cũng không nỡ bỏ về.

Thấy trời sắp chiều tối, vị đại đức chợt đưa ý kiến:

– Cách chùa tôi áng chừng một cây số có một khu rừng đẹp, yên tĩnh. Hay là ta về dưới đó. Hành thiền ở đấy cũng tốt mà tiếp tế lương thực cũng tiện. Ông cư sĩ thấy như vậy có được không?

Thấy ý kiến hay, tiện cả đôi bề. Ông tự vấn:“Khi lên núi, mình có nguyện là ‘phải thấy giáo pháp nhiệm mầu’ mới về; nay tuy bị trở ngại nửa chừng, nhưng dù sao mình cũng đã thấy pháp được chút ít rồi. Mình tuy về sớm hơn dự định nhưng lời nguyện kia cũng không phá bỏ”.

Nghĩ vậy, ông đồng ý ra về.

Trời chưa tối, họ tới nơi khu rừng dự định.

Vị đại đức nói:

– Ông cư sĩ cứ giăng mùng hành thiền tại đây. Tối, tôi và mười tám người kia sẽ trở lại, chúng tôi không thể bỏ cuộc giữa chừng được!

Và quả đúng như thế, chừng mười chín, hai mươi giờ tối, vị đại đức đã giữ đúng lời hứa, dẫn bốn vị sư và mười bốn cư sĩ kia trở lại. Ông thầm kính trọng cái quyết tâm của họ.

Đêm đó, họ giăng mùng kề cạnh nhau. Mù sương xuống  nhiều nên rất lạnh, càng về khuya thì khí lạnh càng Tăng. Ông chỉ ngồi thiền được chút ít rồi run cầm cập. Có lẽ những người bạn bên kia cũng cùng chung cảnh ngộ như ông, chẳng ai hành thiền được cả. Trong mùng, ông lập cập, run run ngồi đánh bò cạp và thoáng nghe tiếng chân thú đi đạp cây khô kêu rôm rốp. Có lẽ là cọp thật rồi! Nhưng ông không sợ nữa, kệ nó. Có sợ thật à! Chỉ là cái sợ hay ai sợ? Có người sợ không? Không có! Còn lạnh? Cũng vậy. Ông nhìn ngắm cái lạnh, lạnh, lạnh; mày lạnh hay ai lạnh, hay chỉ là cái lạnh thôi? Lát sau, trở về với hơi thở trong lặng, liên tục như vậy, ông không còn biết sợ và biết lạnh là gì nữa cả.

Như thế là ông định thiền cho đến sáng, không dùng tuệ để quán sát như giấc canh ba đêm hôm qua.

Sáng ngày, vị đại đức hỏi chuyện:

– Đêm vừa rồi, ông cư sĩ có thấy cọp không?

– Có, có nghe nó đạp cây khô nghe rôm rốp; nhưng con đã quán sự sanh diệt, vô ngã của cái sợ nên không có người sợ nữa. Thế là con hành thiền được tốt cho đến sáng luôn.

– Tuyệt! Còn tôi thì tệ! Ai đời tôi thấy con cọp nó rình tôi từ ngoài mùng. Cái bóng nó to lừng lững! Tôi sợ quá! Gần sáng nó mới đi nên tôi chỉ vừa chợp mắt được một lát, có thiền gì được đâu!

Sau đó, họ đàm đạo một lát. Vị sư nói:

– Cho tôi thăm hỏi về pháp hành của ông cư sĩ một chút, được không ha?

– Dạ được, con sẵn lòng; và vì con cũng muốn học hỏi thêm.

– Không dám, tôi thấy ông cư sĩ đã đi vào định rất thâm sâu!

– Con không quyết chắc có thâm sâu được không, nhưng quả thật là con ngồi được, đôi khi cả đêm.

– Vậy thì lúc ấy, hơi thở ông thế nào; rồi các hiện tượng pīti, sukha, upācāra… (2) đó nó như thế nào?

– Hơi thở, con nói được; các cảm giác hoặc vắng lặng các cảm giác thì con cũng nói được nhưng con không biết nghĩa các chữ Phạn ấy.

Vị đại đức ngạc nhiên nhìn ông một hồi.

– Vậy thì ông cư sĩ hãy kể tất thảy cái gì ông kinh nghiệm được trong lúc định thiền cho tôi nghe thử coi.

Dzâng!

Rồi ông kể. Kể tất cả, không bỏ sót một chi tiết nào, rất trung thực.

Vị đại đức gật gù, sau đó, phát biểu khá thận trọng:

– Tôi không phải thiền sư, nhưng tôi có hành thiền; và nhất là tôi đã đọc khá nhiều kinh sách về lãnh vực ấy. Tôi chỉ nói theo giáo điển, chứ không phải kinh nghiệm của tôi. Là về thiền định, ông đã bắt đầu bước qua đệ tam thiền rồi đó! Ngưng một lát, vị đại đức tiếp – Ông còn sukha, tức là an lạc, mà an lạc ấy càng ngày càng nhẹ, ấy là triệu chứng tốt. Đừng đắm vào đó thì ông còn đi sâu được nữa!

Ông hỏi:

– Bỏ cả lạc?

– Phải!

– Chỉ còn dòng tâm trôi chảy trong lặng?

– Giáo điển bảo là chỉ còn upekkhā và ekaggatā! (3) thôi!

Ông không hiểu. Vị đại đức lại giảng.

Ông mừng húm, nổi cả da gà:

– Thưa dzâng, cảm ơn đại đức!

– Vậy, tuệ quán thì sao? Ý tôi muốn hỏi đến cách tu tập vipassanā (4) đó!

– Tiếng Phạn ấy con cũng không biết!

– Là cái cách dùng tuệ mà quán sát danh sắc, quán sát thân, thọ, tâm, pháp, ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên dzậy mà!

– Cả cái gì danh sắc đó con cũng không biết, nhưng cảm giác và tư tưởng thì con có nhìn nó, nó sinh diệt rất nhanh…

Vị đại đức tấm tắc:

– Kỳ lạ! Kỳ lạ! Tu định nhưng không biết cả các thiền chi, thế mà lại đi sâu vào định được. Bây giờ, không biết vipassanā, không biết cả danh sắc là gì mà ông cư sĩ đã thực hành thì đúng là vipassanā! Là quán danh sắc đó!

Ông mừng rỡ quá, quỳ sụp xuống lạy vị đại đức:

– Cảm ơn đại đức! Lời xác nhận vừa rồi của đại đức, đại đức có biết là con hạnh phúc biết chừng nào chăng? 

Vị đại đức cảm động, trìu mến nắm tay ông kéo đứng dậy:

– Tôi cũng vậy! Tôi cũng hạnh phúc lắm! Ông cư sĩ là người Việt, lại tự lần dò con đường mà đi, lại đúng với chánh pháp! Đời này hiếm lắm, ông biết không! Gặp được một thiện trí thức, một bậc chân tu, không là hạnh phúc trên cuộc đời này hay sao?

Ông cảm động đến rơi nước mắt.

Đến ngang đây thì có một vị sư từ dưới chùa lên, thông báo với ngài đại đức, là có một thiền sư nổi danh, ghé ngang vùng nầy, nghe nói có một trí thức người Việt hành thiền trên núi, ngài muốn thăm hỏi một vài.

Vậy là sau đó mọi người cùng về chùa.

Trông vị thiền sư có hình dong khô gầy nhưng rắn rỏi, quắc thước, đôi mắt sáng quắc như hai ngọn đèn. Ông đoán chắc là thiền sư thứ thiệt. Ông đến đảnh lễ năm vóc sát đất như cách thức của người Miên.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu.

Lộ trình thiền tâm của ông thế nào, nói thử nghe coi, ông cận sự nam?

Ông lắc đầu, không hiểu.

– Vậy, khi ông vào định lâu thì những cái như vitakka, vicāra(5), pīti, sukha, ekaggatā như thế nào, ông cận sự nam thân mến?

Ông vẫn lắc đầu, không hiểu.

 – Thế thì những cái gì ông quán mà ông gọi là nāma (danh); những cái gì ông quán mà ông gọi là rūpa (sắc), nói thử nghe coi, này ông cận sự nam?

Ông cũng lắc đầu nữa. Vị thiền sư nói tiếng Miên, những câu hỏi lại chuyên môn quá, lại còn đệm Pāḷi nữa thì ông làm sao hiểu được!

Vị đại đức đỡ lời cho ông:

– Ông cư sĩ đây không có thầy, lại chưa hề học của ai về thiền định hay thiền quán cả. Các thuật ngữ chuyên môn ông ấy không biết. Pāḷi lại càng không. Thế mà kỳ lạ làm sao, ông ta đã đi đúng đường. Và tuệ, định gì ông ta cũng vào sâu được cả, thưa ngài trưởng lão!

Nói thế rồi, vị đại đức nói chuyện với ngài thiền sư. Họ dùng tiếng Miên thì ít mà Pāḷi lại nhiều hơn. Dường như vị đại đức đang cố gắng diễn tả lại những gì nghe được do ông đã kể lại. Vị thiền sư gật đầu liên tục. Họ nói chuyện khá lâu. Ông tự hổ thẹn cho bản thân khi nghe về giáo pháp mà mình không hiểu gì. Ông thầm nguyện rồi sẽ học, sẽ học, sẽ học.

Câu chuyện của họ đã chấm dứt. Vị thiền sư nói với ông, giọng điềm đạm, trân trọng:

– Ông thiện nam có duyên thâm hậu với Phật Pháp. Là một nhân cách lớn, một cái tâm lớn, một cái trí lớn! Sau này, nếu chịu khó đi sâu thêm vào giáo điển, Tam Tạng Pāḷi, cả Tam Tạng Miên thì ông cư sĩ có thể hoằng truyền giáo pháp về ViệtNam sẽ là rất tốt cho bao người ở đó!

Sung sướng quá, ông run cả người, nghẹn ngào không nói gì được cả.

Độ ngọ xong, vị thiền sư từ giã, ân cần nói với ông rằng:

– Không thể tu hành lang thang mãi như thế được. Lúc nào trở lại Nam Vang, tìm gặp tôi, tôi sẽ giới thiệu cho những bậc chân tu, uyên thâm cả ba Tạng, tha hồ mà học…

Nói thế xong, trao cho địa chỉ rồi ngài nở nụ cười hiền lành:

– Hồi sáng, tôi xin lỗi đã hỏi khó mấy câu làm ông cận sự nam lúng túng. Quả thật, ông tu được như vậy mà một vài chữ ngoài da về giáo pháp cũng không hiểu! Thiệt là lạ đời!

Vị đại đức chêm một câu:

– Ổng ta đã tu từ nhiều kiếp về trước rồi mà, thưa thiền sư!

– Có lẽ đúng là vậy!

Không có hạnh phúc nào to lớn, tối thượng hơn là hạnh phúc gặp được chánh pháp; tu tập, hành trì đúng chánh pháp nên tối hôm đó ông phỉ lạc trọn đêm, người nhẹ nhàng không trọng lượng như trôi bồng bềnh, thơ thới giữa ngàn mây.

Mấy ngày nghỉ phép còn lại, ông hành thiền tại chùa, các người đệ tử của vị đại đức trụ trì đáng kính chu cấp cho ông đầy đủ nào đạm, nào tinh bột, nào đường, nào chất béo không thiếu thứ chi. Ông vô cùng cảm kích. Nghĩ cuộc đời cũng lạ, nhân duyên cũng lạ. Suốt bao nhiêu năm trường rẽ rừng vạch lối tu học, ăn lạt, ăn rau củ, ăn giấm, khổ hạnh chi cũng cố thử, cho đến bây giờ mới biết rõ là vô ích, tầm phào. Con đường chân chính đức Phật đã vạch ra, đã vén mở từ ngàn xưa là có giới mới có định, có định mới có tuệ. Mà mình thì cứ cả tin. Ăn có được cái chi chi! Có giới có định thì mới có cái chi chi chớ? Ông mỉm cười trong đêm.

Sau đó, tự nghĩ, bắt đầu từ nay phải học chữ Miên, chữ Pāḷi để nghiên cứu chuyên sâu vào Tam Tạng giáo điển như lời ngài thiền sư khuyến bảo.

Thế rồi, trở lại ăn uống bình thường, không khổ hạnh, không kiêng khem, ông chỉ giữ tròn ngũ giới và thọ bát quan trai giới tháng tám kỳ.

 


(1) Thời điểm này, năm 1933 và các năm trước đó, các phong trào nhân dân đấu tranh chống thuế diễn ra khắp nơi – vì chính quyền thuộc địa bắt dân đóng thuế rất nặng. Năm 1926, A-cha Sô, một vị sư đã hoàn tục, tại tỉnh Côngpông Chơnăng, đã vận động nhân dân vũ trang đứng lên chiếm tỉnh đường, đánh đuổi Tây và giết chết tên công sứ Pháp là Bardez (Xem lịch sử Campuchia của Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Văn Nhung – NXB Đại Học, Hà Nội, năm 1982).

(2) Phỉ, lạc, cận định

(3) Xả, nhất tâm

(4) Minh sát

(5) Tầm (tìm kiếm), tứ (quan sát)